Đưa Karaoke vào sinh hoạt của đạo Phật
Minh Thạnh
Cập nhật: 11:24:07 19/12/2009

Đưa Karaoke vào sinh hoạt của đạo Phật 

Minh Thạnh 

Nhắc  đến karaoke, người ta thường nghĩ đến một thứ  gì đó trái với đạo đức, có hại cho đạo đức. Nhà nước giới hạn việc cho mở karaoke, không cho phép mở dịch vụ karaoke gần trường học, cơ sở tôn giáo. Người ta nhìn karaoke tệ đến mức nó chỉ kém có vũ trường, quán bar. Thậm chí có người xem đó là…tệ nạn xã hội (!). 

Vậy, đặt vấn đề đưa nó vào sinh hoạt Phật giáo là sao?  

Karaoke là  một phương tiện 

Mọi người đều biết karaoke là gì, nên ở đây không cần thiết phải miêu tả lại. 

Vấn  đề là nhìn nhận nó như thế nào. 

Đó là một phương tiện, một cây bút, một tờ giấy, cũng như mọi phương tiện khác mà chúng tôi đã có dịp đề cập. Vấn đề là chúng ta sử dụng phương tiện đó như thế nào mà thôi. Tức là dùng cây viết và tờ giấy trắng đó để viết cái gì, vẽ cái gì, tốt hay không tốt. 

Nói đưa karaoke vào đạo Phật thì nghe có vẻ như  đem chuyện đời (mà lại là chuyện có  vấn đề đạo đức) vào đạo. Nhưng tại sao chúng ta lại không nhìn ở phía ngược lại: “Phật giáo hóa” karaoke

Thực ra, chúng tôi cũng không dám đặt vấn đề đưa karaoke vào Phật giáo nếu không nhìn thấy những gì mà chư tôn đức Phật giáo thế giới đã làm trên các kênh truyền hình Phật giáo Thái Lan và Đài Loan. 

“Karaoke” trên truyền hình Phật giáo Đài Loan và Thái Lan 

Chúng ta có thể hình dung vấn đề một cách dễ dàng: nếu thay nền nhạc karaoke bằng các bài nhạc Phật giáo, bằng tiếng gõ mõ, đánh chuông, thay hình ảnh trên màn hình TV bằng hình ảnh tượng Phật chùa chiền, thánh tích, tăng bảo, hình ảnh thiên nhiên phù hợp người tham gia hát karaoke, rồi cứ thế mà nhìn vào màn hình TV hát những bài nhạc đạo, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật…, nhiều người tham gia, nhiều micro phone càng tốt, thì chúng ta đã Phật giáo hóa karaoke. 

Trên các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan, karaoke được ứng dụng vào việc tụng kinh, tụng chú. Chẳng hạn, trên kênh Buddha Compassion TV Station (BTS), hàng ngày, vào thời gian các khóa lễ theo giờ địa phương, thì trên chương trình truyền hình cũng là các khóa lễ tương ứng. Thay vì dùng camera ghi hình chỉ tượng Phật, không gian chánh điện, hình ảnh chư tăng ni…, thì những hình ảnh trên được bổ sung bằng những video clip quay cảnh tăng chúng kinh hành, chiêm bái Phật tích, hành hương, cảnh danh lam cổ tự, cảnh thiên nhiên đất trời cao rộng giải thoát…Dưới màn ảnh TV, những dòng chữ của lời kinh, lời chú đọc trong khóa lễ hiện lên tương ứng, và được tô màu theo tốc độ đọc tụng. Chư tăng ni tụng kinh đến đâu, phụ đề chữ kinh đổi màu đến đó, như chúng ta vẫn thường thấy trên băng, dĩa hình karaoke. Trong các chương trình như vậy dường như việc tụng kinh niệm chú chậm hơn bình thường, nhằm mục tiêu để đại chúng theo dõi qua TV đọc tụng theo dễ dàng, thuận lợi. 

Các chương trình tụng kinh trên truyền hình dưới hình thức karaoke như vậy tạo thuận lợi cho người Phật tử ở nhà. Mở TV, là có thể tụng kinh như có mặt tại chùa. Lúc này, hình thành một ngôi chùa ảo trùm lên khán giả Phật tử trong vùng phủ sóng của kênh truyền hình Phật giáo (thường là phủ sóng toàn châu Á hay toàn cầu). Chỉ cần một dàn máy karaoke (mix karaoke, amphi, loa, micro), là hàng ngày các Phật tử không có duyên đến chùa đều có thể tham gia khóa lễ hàng ngày cùng với chư tăng tại tu viện, tự viện. Bàn Phật được  thay bằng màn hình TV, mà đến 70 – 80% là hình ảnh các tượng Phật thu hình với mọi góc cạnh, khuôn hình. Hình ảnh tượng Phật, tượng chư Bồ tát trên TV trong các “khóa lễ Karaoke” như vậy là hình ảnh nhữngtượng Phật, Bồ tát đẹp nhất ở Đài Loan mà chúng tôi có dịp thấy qua, hết sức rực rỡ, kỳ vĩ. Chữ của kinh thì đã hiện ngay trên màn hình TV, tụng đến đâu, câu chữ đổi màu đến đó. Tiếng người chủ lễ, tiếng đại chúng đọc tụng sẵn có, chỉ cần ampli, loa tương đối tốt là âm thanh y hệt như tại chùa. Người Phật tử tại nhà cứ kết nối mix karaoke, ampli, micro, hướng về màn hình TV đọc tụng, là sẽ có được một thời tụng kinh tuyệt vời. Có tiếng tụng của mình hòa vào tiếng của chư tôn đức, thêm vào đó là một bát hương trầm nghi ngút khói thì thật là tuyệt diệu. Cách làm này nói là gián tiếp đưa người tụng kinh đến chùa cũng được, mà nói đưa buổi tụng kinh ở chùa đến nhà người Phật tử cũng được. Tụng kinh như thế, một ngôi chùa ảo, với trung tâm là ngôi chùa thật là điểm ghi hình, đã hình thành trên phạm vi rộng lớn, với số Phật tử mở rộng hàng trăm ngàn lần. Cứ đúng giờ, mở TV mặc áo tràng, cầm micro là Phật tử ở Trung Hoa Đại Lục, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, châu Úc, thậm chí Pháp, Mỹ…cũng đều có thể lên cùng khóa lễ với chư tăng ni tại Đài Loan. 

Chúng tôi không biết nhiều tiếng Hán, nhưng chỉ thử trong vài phút là có thể tụng được Bát Nhã  Tâm Kinh bằng tiếng Hoa theo giọng tụng Phật giáo Đài Loan. Điều thú vị mà chúng tôi cảm nhận là tụng kinh với kinh in giấy thì chỉ nhìn thấy chữ trên giấy trắng còn tụng kinh karaoke theo kênh truyền hình Phật giáo BTS thì vừa đọc chữ trên màn hình lại vừa có thể thấy được hình ảnh tôn nghiêm của chư Phật, chư Bồ tát uy nghiêm, hình ảnh tăng chúng khả kính, hình ảnh danh lam cổ tự linh thiêng… 

Chúng tôi không dám nói tụng kinh karaoke sinh động nhiều màu vẻ là hay hơn những buổi tụng kinh kiểu cũ, chỉ có chữ đen trên nền giấy trắng, nhưng ít ra cách tụng kinh karaoke mà chư tăng ni Đài Loan đã làm trên các kênh truyền hình Phật giáo chắc chắn thích hợp cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên và thanh niên. Riêng người viết bài này, một trung  niên, nếu được cho tụng kinh một mình với một quyển kinh, một bàn Phật theo kiểu cũ hoặc là tụng kinh với chư tăng Đài Loan bằng karaoke, thì tôi xin chọn cách thứ 2. Ở đó, trong từng phút giây, tôi chỉ chẳng những đọc lời kinh, mà còn được thấy hình ảnh Phật bảo, Tăng bảo, các điện thờ bảo tháp hoành tráng uy nghi, hàng đoàn Phật tử cung kính cúng dường tam bảo. 

Việc chư  tôn đức Đài Loan xây dựng các chương trình truyền hình có dạng “karaoke” đối với các khóa lễ tụng kinh theo lịch tu học của thiền môn hàng ngày là nhằm dụng ý xây một ngôi chùa ảo với lịch tu tập có quy mô toàn cầu, đưa sinh hoạt hàng ngày nhà chùa đến tận nhà người tu theo đạo Phật . Phật tử tại gia có thể lên cùng một khóa Lễ và tiếp cận với không gian chùa cách nhà Phật tử có thể đến hàng chục ngàn km. Ở đây là đem đạo vào đời, nhưng cũng là đem đời vào đạo như có lần chúng ta đã bình luận. 

Các kênh truyền hình Phật giáo Đài Loan không chỉ thực hiện các chương trình karaoke tụng kinh mà còn có  nhiều chương trình karaoke niệm chú. Một bài chú, chẳng hạn chú Đại bi, có thể phổ bằng nhiều điệu nhạc khác nhau (giống như chùa Hoằng Pháp ở ta tổ chức phổ nhiều điệu nhạc khác nhau chỉ cho 6 tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”). Cách đây vài năm, người viết này đã sưu tập được có lẽ đến 14 – 15 dĩa niệm Phật như vậy. Lục tự Di đà ngắn, nên trên màn hình TV không cần hiện chữ, nhưng với chú Đại Bi trong nhiều giai điệu phổ nhạc khác nhau, thì dài và khó nhớ, cần phụ đề tô màu chữ (tức karaoke) bên cạnh hình ảnh. Như vậy là có karaoke chú Đại bi và nếu tiếp tục như thế thì sẽ có karaoke nhiều bộ kinh, nhiều bài chú khác. 

Cảm giác chủ quan của riêng tôi khi tụng kinh karaoke theo cách làm của truyền hình Phật giáo Đài Loan là rất hưng phấn và hoan hỷ. Bởi vì ở đây là tiếng tụng kinh tập thể, tụng kinh đại chúng. Cảm giác này rất khác khi nghe băng ghi âm tụng kinh với giọng một người thu thanh như ở ta. Vì nghe kinh thì chỉ là thụ động. Và riêng tôi, do cảm giác thụ động mà có phần cảm thấy buồn và gợi nhớ đến những buổi tụng “hộ niệm” của quý thầy. Trong khi đó, giọng đọc tụng hùng tráng, mạnh mẽ của tập thể, lại kèm hình ảnh hoành tráng về chư Phật, có chữ buộc mình phải đọc tụng theo (và tụng to qua ampli), đã làm cho tôi rất thiện cảm và sách tấn đối với kiểu tụng kinh karaoke như quý tôn đức Đài Loan tổ chức trên truyền hình. 

Trên các kênh truyền hình Phật giáo Thái Lan, việc tụng kinh ít hơn, nhưng vẫn có các chương trình tụng kinh “karaoke”  ngắn trên kênh Dhamma Channel (DMC). 
 

Kênh truyền hình Phật giáo DMC lại đi về hướng dùng karaoke các bài hát đạo Phật và các bài nhạc mang tính chất đạo đức tác động vào giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Theo cách làm karaoke bài hát đạo thiếu nhi mà chúng ta thấy trên kênh truyền hình Phật giáo Thái Lan Dhamma Channel, có vẻ như các vị chủ trương việc này muốn dùng karaoke đạo để thu hút giới trẻ phần nào ra khỏi ảnh hưởng của karaoke đời, nhấn mạnh tác động giáo dục đạo đức ở Karaoke đạo. 

Các bài hát karaoke trên kênh truyền hình Phật giáo DMC một phần tiếng Anh, vui tươi, dí dỏm, yêu đời, thăng hoa, hướng thiện, chắc chắn có tác dụng tốt trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. 

Tại Việt Nam, chúng tôi đã nghe nói đến dĩa karaoke Phật nhạc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy. Karaoke dĩa nén có nhiều bài hát là phương thức dễ thực hiện. Trong bối cảnh chưa có thể thực hiện karaoke tụng kinh, niệm chú, nhạc đạo trên kênh truyền hình như đối với Phật giáo Đài Loan, Thái Lan, thì việc thực hiện dĩa nén karaoke Phật giáo là điều cần thiết. Đây là điều dễ dàng, có thể thực hiện theo mẫu các chương trình mà truyền hình Phật giáo Đài Loan, Thái Lan thực hiện. Dĩa karaoke, tùy loại, tụng kinh, tụng chú hay ca nhạc Phật giáo có thể dùng tại nhà cho Phật tử, tại chùa cho sinh hoạt gia đình Phật tử… 

Đây là dịp bổ sung một hình thức mới vào các dạng sinh hoạt của thanh niên gia đình Phật tử, hiện đã có phần nào xơ cứng vì ít bổ sung cái mới trong nhiều năm. 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay