SƯ GIẢ: KHÔNG CHỈ LÀ CHUYỆN CHIẾC ÁO, TẤM THẺ
Minh Thạnh
Đọc bài Về nơi “sư giả” vênh mặt với làng đăng trên Phattuvietnam.net, dù là đã quen với hiện tượng sư giả, vốn trước đây đầy dẫy ở TPHCM, người viết cũng cảm thấy bất ngờ. Sư giả đã có một biến tướng mới, chuyên nghiệp hơn, táo tợn hơn.
Ở TPHCM cũng có những chuyện sư giả như vậy. Họ đem theo cả tập bản vẽ thiết kế chi tiết của một ngôi chùa để vận động tiền. Người bị lừa, khi phát hiện mình là nạn nhân, thường hiếm khi dám nói, vì sợ bị cười.
Nạn sư giả đi khất thực ở TPHCM, nhìn chung, đã bị dẹp. Đó là nhờ tiếng nói của báo chí, sự hỗ trợ của chính quyền và quyết tâm của lãnh đạo giáo hội. Không còn thấy cảnh nhà sư mang bình bát đi xin tiền ở các khách sạn quốc tế, trên đường phố, bến xe…
Bây giờ cũng ít người cho tiền theo kiểu như vậy, vì ai cũng biết qua báo chí. Tuy nhiên kết quả không phải 100%, vì thỉnh thoảng vẫn thấy sư giả khất thực xin tiền tái xuất hiện.
Sự đóng góp của báo chí là một kinh nghiệm quý. Không ai còn bị lừa khi đã được cảnh báo như vậy.
Tiếp đến là không có ít vụ lừa đảo nổi cộm (nếu chỉ lượm bạc cắc, tiền đâu mua biệt thự như bài báo đã dẫn nêu). Nếu nhà nước xử điểm thật nghiêm vài vụ, phổ biến rộng rãi trên báo chí, thì cũng giảm bớt phần nào tệ nạn này.
Còn về phía nội bộ Phật giáo, nếu người theo đạo không dễ dãi, cả tin, mê tín (nhờ xem bói, cúng giải hạn…) thì đâu đến nỗi phát sinh cả tập đoàn lừa công khai như thế. Có người nuôi nên họ mới sống khỏe. Nếu nguồn nuôi không còn thì con ký sinh trùng sớm muộn gì cũng phải chết.
Câu hỏi “vì sao các tôn giáo khác không bị lợi dụng theo hình thức này?” nêu ở mục phản hồi bài viết đã dẫn cũng dễ trả lời.
Đạo Phật có truyền thống khất thực. Sự “diễn biến” của nó sang dạng xin tiền là điều không tránh khỏi. Đây là nguyên nhân chính của nạn sư giả ở TPHCM nhiều năm trước đây, đến nỗi sư thật không thể đi khất thực được nữa (các vị sư Nam tong sáng sáng chỉ còn đứng mang bình bát khất thực, tức chỉ nhận thức ăn theo truyền thống, trước cửa chùa!)
Tệ nạn mê tín trong đạo Phật còn nặng. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ mê tín này. Như đã nói ở trên, hết mê tín là hết sư giả, với áo giả và thẻ giả.
Nhưng các tôn giáo khác, không chỉ riêng ở đạo Phật, cũng đều chịu tệ nạn nhà tu giả.
Ở đây, không phải là tấm thẻ giả tự in đóng bằng dấu “củ khoai”, hay chiếc áo tu sĩ, mà họ có giấy chứng nhận thật, có bằng cấp đào tạo thật, kiến thức tôn giáo, tuổi đạo cũng là kiến thức thật, tuổi đạo thật. Có điều họ không tu, mà chỉ coi việc đi tu như là một cái nghề kiếm sống.
Trường hơp này mới là nguy hiểm, vì khó nhận dạng. Họ không về nhà cởi áo nhà tu ra để bị phát hiện như bài viết đã dẫn phanh phui. Họ ở ngay trong các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, đền thờ…). Có thể là không bao giờ vị thầy tu giả đó bị phát hiện, nếu không xảy ra scandal.
Chúng ta đã từng thấy báo chí phanh phui những vị “chủ chăn” ở các nước Âu Mỹ lạm dụng tình dục, còn tệ hại hơn việc làm tiền. Tệ nạn thầy tu giả tôn giáo nào cũng có!
Các tổ chức tôn giáo nước ngoài không bao giờ muốn xảy ra scandal, nên có phát hiện, thì bề trên không phải hiếm khi làm thinh cho qua để giữ thể diện chung. Người tu giả cũng cố hết sức giữ kín mặt trái, nên cũng hiếm khi xảy ra “sự cố”.
Tín đồ một số nước phương Tây thưa thớt dần việc đến các cơ sở thờ tự cũng vì lý do này. Họ còn không tin tưởng ở các nhà tu hành dù là bề ngoài tưởng chừng như không có việc gì xảy ra cả.
Chúng tôi nghĩ rằng, đối với đạo Phật, “sư giả” kiểu này còn nguy hiểm hơn gấp vạn lần sư giả khất thực, bán nhang, hay bói toán, xem tử vi, giải hạn.
Có khi họ là sư thật, tu thật, nhưng đến một lúc nào đó không chế ngự nổi những cám dỗ, không giữ gìn nỗi bản thân, hóa ra làm sư giả. Họ chỉ còn lại cái vỏ bên ngoài, bằng cấp và giấy chứng nhận.
Kiểu giả như vậy làm sao xử lý? Các tôn giáo khác còn phải chịu, chỉ chờ tới khi xảy ra việc tai tiếng.
Còn như Phật giáo (trước đây khi chưa thống nhất), thì có tình trạng giáo hội đã có ý kiến xử lý, nhưng rồi cũng không đi đến đâu, không có tác dụng gì.
Cách tín đồ không tới nơi thờ phượng nữa như ở các nuớc phương Tây nữa cũng là một cách xử lý giữa những người trong một tôn giáo với nhau. Có thể nói, họ “xử lý” cả giáo hội.
Tuy nhiên, đối với Phật giáo vấn đề không phải là bế tắc. Khái niệm sư giả đã có từ thời đức Phật, mà lúc đó, cụm từ thường dùng là “tỳ kheo phạm giới”. Đã phạm giới thì vị sư thật hóa thành sư giả.
Thẩm quyền xử lý dành cho cả 2 phía, tăng đoàn và cư sĩ.
Phía cư sĩ, Đức Phật đã có lời dạy chỉ nên cúng dường bậc chân tu, giới hạnh. Cúng dường bậc tu hành tinh tấn giới đức thì phước báu càng lớn.
Bên cạnh lời dạy đó, Đức Phật đã không lập một giáo hội với sở hữu tập trung. Ngài đã dành cho người cư sĩ, người giữ nhiệm vụ hộ pháp, với trách nhiệm cúng dường, một sự lựa chọn. Tất nhiên, việc kết luận vị tỳ kheo nào là giới đức, tinh cần là ở sự thẩm định của người cư sĩ. Đức Phật chỉ nêu rõ ràng tiêu chuẩn.
Và như vậy, trong đạo Phật sẽ không dẫn đến tình trạng “tẩy chay” cả giáo đoàn nói chung như ở những tôn giáo khác, mà người cư sĩ có quyền và nghĩa vụ làm theo lời Phật dạy, là chỉ tôn kính và cúng dường bậc có giới đức, phẩm hạnh.
Điều đó cũng có nghĩa là người cư sĩ có quyền và nghĩa vụ xử lý bằng cách tẩy chay những tỳ kheo phá giới, không giữ tròn giới đức phẩm hạnh, tức sư giả.
Từ thời Đức Phật, mọi việc đã được xác định. Tăng sĩ giả hay thật không do chiếc áo hay do tấm thẻ, thậm chí không do phẩm vị, bằng cấp, hạ lạp mà do ở giới.
Theo lời Phật dạy, người Phật tử có quyền đặt ra vấn đề giới trước tiên, để làm cơ sở lựa chọn và thực hiện việc cúng dường.
Nếu sư giả, thẻ thật không nhận được cúng dường, thì chắc chắn họ không làm sư giả được lâu.
Do vậy, người Phật tử cư sĩ, giữ nhiệm vụ hộ pháp phải ý thức rõ về trách nhiệm và quyền hạn của mình. Mê tín, chỉ tin tưởng vào việc giải hạn, bói toán, lớp áo vỏ bên ngoài…thì chẳng những hao tổn của mình, mà còn gây thiệt hại cho đạo pháp, vì góp phần hình thành dung dưỡng sư giả, ở nhiều hình thức, nhiều cấp độ. Trong khi đó, đạo Phật, với tầm nhìn trí tuệ, có lẽ là tôn giáo duy nhất cho phép tín đồ (tức hàng cư sĩ) có thể gián tiếp tác động đến hàng tu sĩ bằng việc lựa chọn cúng dường cá nhân trên tiêu chuẩn giới như Đức Phật đã dạy.
|