Sa hoàng Nicholas II và Phật giáo Nga
Minh Thạnh
Sa hoàng Nicholas II, vị hoàng đế cuối cùng của nước Nga, là một nhân vật mà chúng ta không thể không nhắc đến khi tìm hiểu về Phật giáo Nga.
Ông là tín đồ Cơ đốc giáo Chính thống ngoan đạo và được nhà thờ Chính thống giáo Nga tôn thánh.
Tuy nhiên, dưới thời kỳ trị vì của ông, Phật giáo Nga, cả hai phần châu Âu và châu Á, có bước phát triển quan trọng.
Ông xứng đáng ghi nhận như là một vị vua có phần đóng góp cho sự phát triển của mình cho sự phát triển của Phật giáo.
TIỂU SỬ
Nicholas II, Nikolai Alexandrovich Romanov, sinh năm 1868, trở thành thái tử (theo tước hiệu tiếng Nga là Tsaverich, người kế vị Sa hoàng) năm 1881, lên ngôi vua năm 1896. Cũng như các vị Sa hoàng khác, ông được coi là tín đồ Chính thống giáo Nga số một. Lễ đăng quang được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Upensky, trong điện Kremlin. Lúc này, thủ đô Nga mặc dù đặt tại Saint Peterburg và hoàng gia Nga lưu trú tại Điện Mùa Đông, nhưng lễ đăng quang vẫn được tổ chức tại Moskva, dưới sự chỉ đạo của Thượng phụ, trong nhà thờ Upensky, để thể hiện sự kế thừa truyền thống đế chế Nga, một đế chế Chính thống giáo.
Ông thoái vị trong Cách mạng Tháng Hai, năm 1917, và từ trần vào tháng 7 năm 1918, hưởng thọ 50 tuổi.
Thời gian ông trị vì là thời gian sóng gió của nước Nga, với cuộc chiến tranh Nga – Nhật, mà nước Nga là nước bại trận, nước Nga sa lầy trong chiến tranh thế giới thứ I, các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra, khởi đầu là Cách mạng Nga năm 1905.
TRONG QUAN HỆ VỚI PHẬT GIÁO NGA
Sa hoàng Nicholas II là một hoàng đế Nga kế thừa quan điểm nước Nga Âu – Á, đa dân tộc, đa tôn giáo. Theo quan điểm này, tất nhiên, sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là sự tôn trọng đối với Phật giáo, tôn giáo tượng trưng cho văn minh phương Đông.
Khi còn là Hoàng Thái tử, ông đã rất tin cẩn hoàng thân Esper Ukhtomsky. Hoàng thân là người am hiểu và ủng hộ Phật giáo, trải qua công tác ở Buryat, một xứ sở theo Phật giáo thuộc đế chế Nga. Hoàng thân đã thực hiện những chuyến du khảo thú vị ở châu Á và là người tư vấn hoàng thái tử Nga thực hiện cuộc hành trình về phía Đông vào các năm 1890 – 1891
Đây không phải là cuộc du ngoạn đơn thuần. Hoàng thái tử của vương triều Romanov đặc biệt lưu ý đến Ấn Độ, quê hương Đức Phật. Ông đã thăm các thánh tích, ghé Tích Lan, nơi Phật giáo còn đang hưng thịnh.
Một trong những mục tiêu của chuyến đi là sưu tầm cổ vật nghệ thuật Phật giáo gồm cả thư tịch cổ ở Ấn Độ, điều mà Hoàng thân E. Ukhtomsky và các nhà Đông phương học Nga rất quan tâm.
Sử sách ghi chép là triều đình Nga đã chi những khoản tài chính rất lớn cho việc nói trên. Các cổ vật nghệ thuật và thư tịch Phật giáo được đưa lên chiến hạm của Hải quân Hoàng gia với chế độ bảo quản đặc biệt để chuyển về các viện bảo tàng Nga và Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga.
Đoàn của thái tử Nga cũng đã lựa chọn Thái Lan làm điểm viếng thăm. Việc quan tâm đến quốc gia Phật giáo này của Thái tử Nga cũng không phải không có duyên cớ. Những giá trị văn hóa Phật giáo Nam tông đã thu hút ông. Tại Bangkok, thái tử Nga đã được quốc vương Thái Lan Rama V nghênh đón trọng thể.
Đoàn Đông du của thái tử Nga trở về Saint Petersburg sau hành trình từ Nhật Bản xuyên Sibiria với nhiều cổ vật và thư tịch quý giá, đặc biệt là của Phật giáo. Đây là những tài liệu dùng làm cơ sở góp phần vào việc biên soạn công trình Bibliotheca Buddhica của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga.
Sau khi lên ngôi, mặc dù được tiếng là tín đồ Chính thống giáo ngoan đạo, cách xử lý của nhà vua ở một số sự kiện có liên hệ đến Phật giáo cho thấy quan điểm tích cực đối với Phật giáo của Nga.
Về nội trị, việc cho phép Lạc ma A. Dorjiev xây dựng một ngôi chùa ở thủ đô Saint Peterburg, sau đó bác bỏ ý kiến cản trở của nhà thờ Chính thống giáo, về thực chất là chủ trương của Sa hoàng ủng hộ việc truyền bá Phật giáo từ phía Đông nước Nga sang phần châu Âu. Điều đó cũng có nghĩa đó là hoạt động ủng hộ cho những ảnh hưởng mới của Phật giáo với tư cách một tôn giáo lên vùng ảnh hưởng truyền thống của Đạo Cơ đốc Chính thống (Phật giáo đã tồn tại như một hoạt động học thuật ở phần châu Âu nước Nga đã lâu trước đó). Điều này rất đáng được ghi nhận, vì cuối thế kỷ XIX, trong khi các hoàng đế châu Âu chủ trương “khai hóa”, cải đạo thần dân các thuộc địa châu Á sang đạo Cơ đốc, thì Sa hoàng Nga lại chấp thuận việc mà có thể đưa đến việc cải đạo của các tín đồ Cơ đốc giáo Chính thống tại thủ đô Nga sang Phật giáo.
Các chính sách của vua Nicholas II đối với những vùng theo Phật giáo ở phần châu Á của nước Nga, cơ bản vẫn theo sự tư vấn của hoàng thân E. Ukhtomsky, cả sau năm 1900, là thời điểm hoàng thân E. Ukhtomsky thôi giữ các chức vụ ở triều đình Nga. Đó là chính sách tôn trọng và ủng hộ sự phát triển của Phật giáo ở phần nước Nga châu Á, coi Phật giáo là một phần giá trị của văn hóa bản địa. Ông đã thuận theo đề nghị của hoàng thân E. Ukhtomsky không để xảy ra sự chèn ép của Chính thống giáo đối với Phật giáo.
Đáng nói nhất là cách xử lý đối với xứ Tuva trong đế chế Nga.
Ngày nay, cộng hòa Tuva được coi là một nước Phật giáo trong Liên bang Nga. Nhưng vùng đất Phật giáo này chỉ mới thuộc về Nga vào đầu thế kỷ XX.
Vùng đất của các cư dân du mục này chịu sự cai trị của nhà Mãn Thanh. Năm 1911, nhà Thanh sụp đổ, Mông Cổ tuyên bố độc lập, thì có nhiều phương án trình lên Sa hoàng đối với vùng đất này. Nicholas II chọn một phương án là cử quan chức cai trị Nga đến, tức theo hướng sáp nhập vào nước Nga, nhưng tuyệt đối tôn trọng, không can thiệp vào truyền thống văn hóa địa phương Tuva, đặc biệt là tôn trọng Phật giáo.
Đây là cách xử lý theo hướng cụ thể hóa quan điểm của hoàng thân E. Ukhtomsky, đăng tải lặp lại trên tờ Công báo Saint Petersburg, chủ trương nước Nga vẫn phát triển sang phía Đông, nhưng dung chứa trong nó văn hóa bản địa và Phật giáo. Quan điểm này trái với ý kiến có tính chất vụ lợi, thực dân ở châu Á, chỉ xét việc hành động trên cơ sở lợi ích vật chất của đế chế Nga.
Hiện nay, Phật giáo rất hưng thịnh ở Tuva, một phần nhờ vào cách xử lý của Nicholas II theo quan điểm của Ukhtomsky lúc đó. Nếu bỏ rơi (quan điểm của chính khách Sazonov trong triều đình Nga, cho rằng Tuva quá hẻo lánh, nghèo tài nguyên, không đáng quan tâm xét từ quan điểm lợi ích cho đế chế Nga) hoặc cưỡng chiếm thô bạo theo hướng đồng hóa, thì chưa hẳn Tuva còn ở lại trong Liên bang Nga cho đến bây giờ. Trong suốt nhiều năm Tuva dưới sự tranh chấp với Trung Hoa Dân Quốc. Độc lập là không thể, nhưng thuộc về ai một phần còn tùy vào dân địa phương (1).
Về đối ngoại, trong quan hệ với Phật giáo Nicholas II muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Tây Tạng, ủng hộ Đức Dalai Lama XIII trong quan hệ phức tạp giữa Tây Tạng đối với Anh và Trung Hoa Mãn Thanh. Năm 1904, khi Dalai Lama XIII lên đường lánh ra nước ngoài trong cuộc xung đột với Anh, Ngài cư trú sát biên giới Nga (trên đất Mông Cổ), mà những bình luận về sau cho rằng, để Dalai Lama XIII có thể sang Nga lánh nạn khi cần thiết. Tại nơi tạm cư trú, Urga, Nga hoàng Nicholas II đã cử ngự lâm quân đến tiếp đón và hộ tống Dalai Lama XIII với nghi thức trọng thể dành cho nguyên thủ quốc gia. Và vua Nicholas II đã chuẩn bị các phương án để bảo vệ Đức Dalai Lama khi cần thiết, nếu Ngài lánh nạn sang Nga.
Năm 1905, vua Nicholas II bổ nhiệm ông Pokotilov, một nhà Đông phương học, là bạn và chia sẻ quan điểm với hoàng thân Ukhtomsky, làm đại sứ Nga tại Bắc Kinh. Vị đại sứ này kiêm nhiệm công tác quan hệ và giúp đỡ Dalai LamaXIII. Triều đình Nga và triều đình Tây Tạng cũng thường xuyên liên hệ với nhau qua Lac ma A. Dorziev. Sau đó, triều đình Nicholas II đã có trợ giúp tài chánh gián tiếp cho triều đình Tây Tạng. Nicholas II trước sau như một, đối xử với Tây Tạng là một quốc gia độc lập có chủ quyền với sự tôn trọng đặc biệt, không chấp nhận xu thế coi Tây Tạng là một phiên thuộc của nhà Mãn Thanh.
MT
(1) Trong các nước châu Âu, Pháp được coi là nước đối xử thô bạo và tàn nhẫn hơn cả đối với các thuộc địa, trong đó có chính sách cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Anh được coi là nước mềm dẻo hơn, nên sau chiến tranh thế giới thứ II nhiều thuộc địa đã độc lập một cách không đổ máu và ở lại trong khối Liên hiệp Anh, nhưng vẫn có vấn đề tôn giáo. Riêng Nga, chính sách tôn trọng Phật giáo là nhất quán, từ trước Đại đế Peter I đến chế độ Xô Viết, thời Lênin còn sinh tiền.
|