Nhận ra vấn đề lãng phí thực phẩm: Nhân loại đã nghĩ theo Đức Phật?
Minh Thạnh
Con người, với những bước tiến khoa học kỹ thuật vĩ đại của mình, vẫn không giải quyết đựơc vấn đề muôn thuở của mình: đói.
Hiện nay, trong khi nhân loại chi phí hàng ngàn tỷ đô la mỗi năm để nghiên cứu, sản xuất, mua bán vũ khí, thì trên thế giới con số người bị đói vẫn là con số khủng khiếp.
Như vậy, mọi cố gắng của những chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp thế giới để gia tăng lượng sản xuất thực phẩm đều không đạt được kết quả mong muốn. Nhân loại vẫn không nuôi nổi mình.
Tiếp sau hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới tổ chức tại Copenhagen, một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về nạn đói trên thế giới sẽ được tổ chức tại Roma, Ý.
Trong dịp này, các cơ quan truyền thông đã đặt lại vấn đề: liệu nhân loại có lãng phí lương thực?
Đây là một vấn đề mà đạo Phật đã đặt ra từ rất lâu.
Chúng ta đều biết quan điểm của đạo Phật là phung phí thức ăn sẽ mang lại tội trọng.
Trong các gia đình Phật giáo thuần thành, chén cơm, khi kết thúc bữa ăn, phải đựơc vét sạch, không để một hạt cơm thừa.
Trong bữa ăn ở các chùa, chén cơm sau khi ăn xong còn được tráng nước để uống.
Người không hiểu đạo Phật từ bên ngoài dễ có cảm tưởng là chuyện khôi hài, vì mấy hột cơm sót lại thì có giá trị gì, mà phải quan tâm, và tạo nên một hành động, mà từ một cái nhìn khác, lại như là bất lịch sự?
Thực ra, qua sự quan tâm đến điều nhỏ nhặt đó, người Phật tử được giáo dục truyền thống không được phép lãng phí lương thực, phải hết sức trân trọng đối với lương thực, dù giàu có, dư ăn.
Cách tư duy đó, bây giờ nhân loại mới bắt đầu nhận thức. Điều đáng nói hơn là việc nhận thức phung phí thực phẩm không chỉ làm ảnh hưởng đến những người thiếu ăn, mà còn ảnh hưởng đến chính những người lãng phí thức ăn, tức những người dư dả, giàu có, qua việc lãng phí nguồn năng lượng đã tiêu thụ, gây tổn thương sinh thái, biến đổi khí hậu. Mà tác động biến đổi khí hậu không chừa một ai.
Chúng ta điểm qua các số liệu chính (theo rfi.fr): Hàng năm, tại Hoa Kỳ, 40% thức ăn bị vứt đi phí phạm. Con số này tương đương với số năng lượng bị lãng phí là 300 triệu thùng dầu mỗi năm. Còn tại Anh, “một bài nghiên cứu khác về các thùng rác tại nước Anh”, ước tính 25% thức ăn do các hộ gia đình mua về bị quẳng đi.
Người ta ước lượng: lượng thực phẩm bị phung phí tương đương 13 tỷ Euro mỗi năm và với 2,4 % lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính.
Một cách thống kê khác cũng thể hiện sự lãng phí tương tự. Năm 1970, mỗi người Mỹ tiêu thụ trung bình mỗi ngày 2100 calo, trong khi khối lượng thức ăn mỗi người có được là 3000 calo. Ngày nay, hai con số kể trên là 2300 calo và 3800 calo. Vẫn là hơn 1/3 số lượng thức ăn bị phung phí.
Rõ ràng, không thể nghĩ đến tương lai nhân loại mà không tính đến sự lãng phí khủng khiếp này.
Thiếu ý thức về trân trọng đối với thực phẩm dẫn đến hệ quả như trên là một điều vô nhân đạo. Còn gì tàn nhẫn, kệch cỡm hơn khi đổ đi 40% thức ăn trong khi 1 tỷ đồng loại đang đói.
Đói kém, hệ quả của sự khốn cùng, nghèo khó đã góp phần đưa đến bất mãn, xung đột, khủng bố.
Còn lãng phí năng lượng, đất đai, nước sạch, để trồng trọt, chăn nuôi rồi vứt bỏ thực phẩm thì đưa hành tinh mong manh của chúng ta sớm đi đến bờ vực thảm họa sinh thái.
Đó là chưa nói đến tính chất tàn ác của việc nuôi rồi giết hàng loạt sinh vật, để sau đó vứt thịt đi không ăn vì thừa mứa.
Nếu cả nhân loại đều thấm nhuần tinh thần quý trọng thực phẩm, một biểu hiện của từ bi, mà đạo Phật luôn nhấn mạnh, thì đâu đến nỗi đưa đến những con số kinh hoàng như vậy.
Trong truyền thống đạo Phật, người Phật tử luôn luôn có mặc cảm tội lỗi khi phải đổ bỏ thức ăn dư thừa.
Chúng ta hy vọng, vì trách nhiệm trước 1 tỷ đồng loại đang đói, cả thế giới hãy tư duy như đạo Phật: không để bỏ đi, dù chỉ là vài hạt cơm. |