Nhà sư ứng cử Tổng thống: Bi kịch?
Minh Thạnh
Cập nhật: 23:04:17 18/12/2009

NHÀ SƯ ỨNG CỬ TỔNG THỐNG: BI KỊCH? 

Minh Thạnh 

Mục Phật giáo quốc tế, trang Phattuvietnam.net có đăng tin một vị tu sĩ Phật giáo Sri Lanka lần đầu tiên ứng cử vào chức vụ tổng thống của nước này. Bài báo cho biết thêm, vị thượng tọa Sri Lanka này đã là lãnh đạo của một đảng chính trị. 

Đây có phải là một sự kiện đáng mừng của Sri Lanka, nơi mà Phật giáo là quốc giáo? Và Phật giáo Sri Lanka đã mạnh lên đến mức tu sĩ đã có thể là ứng viên tổng thống? Tất nhiên, nếu đắc cử, vị tổng thống tu sĩ đó sẽ điều hành đất nước dưới những ánh sáng của giáo lý Phật giáo. 

Trong bài này, tôi xin trình bày ý kiến chủ quan của mình, rằng đó sẽ là một bi kịch, bi kịch ngay chính từ việc ứng cử. 

Trong lịch sử Phật giáo thế giới, cũng như Phật giáo Việt Nam, chuyện nhà vua bỏ quyền lực ngai vàng đi tu không là chuyện lạ.  

Còn chuyện nhà sư bỏ áo cà sa ra đời làm vua, làm tổng thống giới hạn hơn, hay làm chính khách cũng có. Tuy nhiên, chuyện nhà sư ứng cử tổng thống, và có thể vừa là tu sĩ, vừa là tổng thống, thì có lẽ, đây là lần đầu tiên. 

Câu hỏi  đầu tiên được nêu ra, đây có phải là sự  vận hành ngược chiều đạo Phật hay không? Đức Phật khuyên đệ tử xuất gia của Ngài phải xả  bỏ tất cả, trong đó quyền lực là một. 

Mục  tiêu của hàng tại gia và hàng xuất gia hoàn toàn khác nhau. 

Cho dù  quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền như  thế nào đi nữa, việc mang hình tướng tăng ra tranh vị trí quyền lực  nguyên thủ quốc gia chứa đựng trong nó nhiều mâu thuẫn. 

Nếu nhà  sư không được dân tín nhiệm, không đắc cử, thì chẳng đẹp gì cho Phật giáo. 

Tổng thống một nước Nam Mỹ đương nhiệm, vốn xuất thân từ  một giám mục Thiên Chúa giáo La Mã, khi đảm nhiệm chức vụ tổng thống còn phải từ chức giám mục. Đó là đối với Thiên Chúa La Mã, một giáo hội nặng yếu tố quyền lực, huống nữa là đối với Phật giáo, một tôn giáo cách ly người tu sĩ với thế tục bằng những giới cấm chặt chẽ. 

Nếu  đắc cử tổng thống, vị thượng tọa này sẽ  giải quyết ra sao những mâu thuẫn giữa nhiệm vụ của một vị tổng thống và giới hạn mà một vị tăng sĩ Phật giáo phải tuân thủ? Ở đây, vấn đề càng gay gắt vì vị tăng sĩ đó là tăng sĩ Nam Tông, hệ phái mà giới luật được đề cao tuyệt đối. 

Chính trị  có những quy luật của nó và nó khác xa với việc tu hành trong một cương vị của một tu sĩ. 

Bỏ qua một bên những mánh khóe, thủ đoạn, hãy còn nhiều vấn đề khác: quốc phòng, an ninh, nghi thức…Hoàn toàn không thể tham dự vào những vấn đề như vậy dưới hình tướng tăng sĩ. 

Nếu  tổng thống nước Sri Lanka là một chức vụ chỉ có tính nghi lễ, thì trong giới hạn đó, đã có bao nhiêu là mâu thuẫn đầy kịch tính. 

Một ví  dụ, vị nguyên thủ quốc gia đương nhiệm phải là người chủ trì các cuộc duyệt binh. Các loại xe tăng, hỏa tiễn, súng phòng không duyệt qua… một vị sư! Chắc chắn, không phải là một hình ảnh đẹp cho Phật giáo. 

Bình thường, đặt một nhà sư xuất hiện bên cạnh một chiếc xe tăng chẳng hạn, thì chừng như đã là một sự chế nhạo. 

Nhưng theo bài báo về việc này đăng trên Phattuvietnam.net, thì chức vụ tổng thống Sri Lanka là chức vụ nắm giữ quyền hành pháp. 

Điều đó có nghĩa, nhà sư tổng thống nếu đắc cử sẽ phải phê duyệt  những hợp đồng mua súng đạn, xe tăng, máy bay, tàu chiến… (chứ không dừng lại ở mức duyệt binh). Chỉ công việc đó thôi, cũng đã thấy tính chất bi kịch của vấn đề, chứ đừng nói đi sâu vào việc giải quyết những vấn đề an ninh, quốc phòng, nhất là ở một đất nước vừa trải qua nội chiến mang nặng màu sắc khủng bố, hận thù tôn giáo, dân tộc. 

Nắm quyền hành pháp là nắm quyền “bóp cò súng” của một quốc gia. Không hiểu là vị tu sĩ, nếu là tổng thống, sẽ giải quyết mâu thuẫn là người lãnh đạo quân đội như thế nào. 

Bên cạnh đó là hàng loạt các bài toán về kinh tế.  Đó không phải là công việc của nhà tu hành. 

Chúng ta cứ  hình dung một tu sĩ Phật giáo đứng ra làm giám  đốc điều hành một doanh nghiệp, thì cũng đủ thấy tính nan giải của vấn đề rồi. Ở đây, vị tăng sĩ đó điều hành nền kinh tế cả nước. 

Đó là chưa kể đến việc một vị tu sĩ Phật giáo làm tổng thống ở một nước nhiều tôn giáo thì đồng thời sẽ hút vào đó bao nhiêu là mâu thuẫn. 

Mặc cảm của những công dân theo các tôn giáo khác đương nhiên là tăng lên. Cho dù không làm gì cả để mà có va chạm, thì người ta cũng cảm thấy mặc cảm rồi. 

Hình tướng tăng, một sự thể hiện hình thức của Tam bảo, ba ngôi cao quý siêu việt và thoát tục, xuất hiện trong một tư thế phức tạp, bối cảnh phức tạp và nhiệm vụ phức tạp như thế, thì không phải chỉ là bi kịch cho chính cá nhân vị tăng sĩ đó, mà còn là vấn đề của nước Sri Lanka, vấn đề của Phật giáo. 

Suy nghĩ  chủ quan của người viết là vị thượng tọa Sri Lanka ứng cử tổng thống đang đưa Đạo Phật ở Sri Lanka vào một cuộc phiêu lưu chính trị. Mà điều tất nhiên, ảnh hưởng của nó đối với đạo Phật không chỉ giới hạn bên trong nước Sri Lanka

Các giáo chủ đầy quyền lực của Cộng hòa Hồi giáo Iran còn không nắm lấy quyền lãnh đạo hành pháp của quốc gia này, mà chỉ giữ nhiệm vụ lãnh đạo tinh thần. Còn ở đây là một nhà sư Phật giáo và đất nước lại không ở trong tình trạng lý tưởng về tôn giáo như Iran

Cuối cùng, điều băn khoăn của chúng tôi là không hiểu tư  duy của Phật giáo Sri Lanka ngày nay ra sao mà một hiện tượng như vậy có thể xảy ra. 

Một cuộc bàn luận trên đàn Phattuvietnam.net chắc chắn có ích. 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay