“Làn sóng thứ ba”: làn sóng của Phật giáo
Minh Thạnh
Ba làn sóng
Các nhà nghiên cứu kinh tế và khoa học xã hội Hoa Kỳ khi nghiên cứu về lịch sử thế giới hiện đại đã đưa ra thuyết “3 làn sóng”:
- Làn sóng thứ nhất được coi là bắt đầu từ năm 1870, thời gian đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp phương Tây và kết thúc vào thời điểm khởi đầu chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914).
Từ góc nhìn kinh tế, đặc điểm nổi bật của làn sóng thứ nhất là “sự di chuyển mạnh mẽ lao động từ châu Âu sang các miền đất chưa được khai phá ở Mỹ La Tinh, châu Á” (1).
Từ góc nhìn chính trị, đó là thới kỳ mà nước châu Âu đi xâm chiếm thuộc địa ở châu Á, châu Mỹ La Tinh, châu Phi. Và cùng với các cuộc chiến tranh xâm lược là hoạt động truyền đạo Thiên Chúa La Mã, do các tu sĩ “xung kích” đi theo các đoàn quân viễn chinh. Việc truyền đạo được tiến hành trực tiếp, nghĩa là giữa giáo sĩ truyền đạo và người dân bản xứ Á, Phi, Mỹ có khi là thuyết phục, có khi là mua chuộc, và sau chiến thắng của đội quân viễn chinh, thường ép buộc.
Làn sóng thứ nhất là làn sóng đưa Thiên Chúa Giáo La Mã đến với các nước Á, Phi mới bị chinh phục, trong đó có Việt Nam.
- Sau thời gian ngưng đọng, phẳng lặng, không có “sóng”, vì rơi vào hoàn cảnh kiệt quệ sau chiến tranh thế giới thứ 1 và sự bất ổn trong khoảng 7 năm chiến tranh Thế giới thứ II, làn sóng thứ hai được xem là bắt đầu từ năm 1945 năm kết thúc chiến tranh Thế giới thứ II và kết thúc vào năm 1980 năm được xem là bắt đầu làn sóng thứ ba.
Xét về mặt kinh tế, nét nổi bật của làn sóng thứ hai là “sự phát triển vận tải hàng không, cước vận tải biển hạ thấp và mạng điện thoại quốc tế mở rộng, dòng vốn di chuyển nhanh hơn và rộng hơn đã tạo ra nhóm công ty chuyên chế tạo cùng chủng loại sản phẩm và kết nối với nhau theo chiều dọc thế giới” (2).
Thay cho các cuộc viễn chinh quân sự theo lối thực dân kiểu cũ, làn sóng thứ hai đặc trưng bằng tư bản, sản xuất hàng hóa. Nếu làn sóng thứ nhất là bước thu nhỏ thế giới bằng công nghệ hàng hải, hải quân và đại bác, chia thế giới chủ yếu vào tay một số cường quốc châu Âu, thì làn sóng thứ hai là bước thu nhỏ thế giới bằng máy bay, bằng mở rộng và kết nối thị trường.
Về tôn giáo, thì làn sóng thứ hai là làn sóng của Đạo Tin Lành. Nhà thờ các giáo phái Tin Lành Mỹ mọc lên cùng với sự xâm nhập của hàng hóa Mỹ, của nếp sống Mỹ đối với các nước Á, Phi.
- Làn sóng thứ ba được xác định là khởi đầu từ năm 1980 và đang diễn tiến. Về mặt kinh tế, nó “được đặc trưng bởi sự phát triển của công nghệ thông tin và liên lạc viễn thông” (3).
Năm 1980 là năm bắt đầu sự phát triển công nghệ thông tin, sự phổ cập của máy tính, cũng là thời điểm bắt đầu của truyền hình vệ tinh, sau đó là cáp quang. Tiến trình này được tiếp nối với mạng internet, các mạng điện thoại di động cục bộ và vệ tinh. Thế giới được thu nhỏ lại lần thứ 3.
Tuy nhiên, nếu làn sóng thứ nhất và thứ hai khởi phát từ phương Tây và phủ chụp xuống phương Đông, thì làn sóng thứ ba không có sự chuyển động một chiều Tây – Đông, mà nó tạo nên một sự thu nhỏ mang tính chất cân bằng. Điều này tất yếu có ảnh hưởng đến Phật giáo, một tôn giáo của phương Đông.
Nếu ở hai làn sóng trước đó, ảnh hưởng của Phật giáo ở Đông Á, Nam Á bị giảm sút vì tác động từ Cơ đốc giáo đến từ phương Tây, thì từ khi bắt đầu làn sóng thứ ba, Phật giáo đã có những chuyển động tích cực hướng sang phương Tây. Tại các quốc gia phương Đông, Phật giáo cũng chuyển mạnh sang hướng phục hưng.
Làn sóng thứ ba là làn sóng của Phật giáo
Làn sóng thứ ba thừa hưởng những kết quả mà làn sóng thứ hai mang lại. Sự phát triển của các phương tiện giao thông vận tải, phổ cập vận chuyển hành khách bằng máy bay và chuyên chở hàng hóa bằng tàu viễn dương trọng tải lớn đã tạo nên một làn sóng di dân từ châu Á sang các nước phương Tây. Những di dân đến từ Á Phi mang đến các nước Âu Mỹ truyền thống văn hóa, phong tục của mình, trong đó có tín ngưỡng. Phật giáo đã có mặt một cách thụ động như thế ở các nước phương Tây từ giữa quãng thời gian được mệnh danh là “làn sóng thứ hai”.
Nhiều biến cố từ giữa thế kỷ XX thúc đẩy làn sóng cư dân châu Á định cư ở phương Tây, nhưng cũng phải nhận thấy yếu tố phổ biến thuận lợi của vận chuyển hành khách hàng không đã đóng một vai trò quan trọng (như đối với di dân sang Mỹ từ Hàn Quốc, Đài Loan…).
Những đóng góp tiếp theo là vai trò của truyền thông. Thoạt tiên là kinh sách Phật giáo bằng tiếng Anh, kết quả của sự giao lưu văn hóa ắt có do việc phát triển giao thông, di dân, đã thu hút sự chú ý của công chúng phương Tây. Con đường đến với Phật giáo của người phương Tây là song song giữa truyền thông và sự truyền bá trực tiếp của những nhà sư châu Á (Tây Tạng, Đài Loan, Tích Lan, Việt Nam…).
Làn sóng thứ ba mới giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của Phật giáo. Thế giới hiện đại hệ thống cáp quang và vệ tinh đã góp phần xây dựng nên mạng truyền thông toàn cầu internet. Nội dung những kinh sách Phật giáo dứt ra khỏi những hạn chế của ấn phẩm trên giấy và lan tỏa vượt bậc trên mạng toàn cầu. Phương Tây (châu Âu, Bắc Mỹ) là khu vực đầu tiên thừa hưởng những thành tựu của internet. Đây cũng là thời gian Phật giáo có được những thành quả quan trọng trong việc hoằng hóa ở phương Tây.
Với mạng internet, tất cả giáo lý của tôn giáo như được đưa ra trên “bàn” để công chúng có thể chọn trên cơ sở trí tuệ. Tất yếu là những ưu thế của giáo lý Phật giáo được chứng tỏ. Chẳng hạn, ngày nay, vào trang Wikipedia chẳng hạn, hầu như tất cả lý thuyết căn bản của Phật giáo đều được trình bày chi tiết, đầy đủ, bằng nhiều thứ tiếng, đặc biệt tiếng Anh, tiếng Pháp.
Không cần tổ chức những buổi giảng đạo, những cuộc gặp thuyết dụ như thời kỳ “làn sóng thứ nhất”. Cũng không thể mua chuộc bằng của cải, tiền bạc hay cưỡng ép đối với người phương Tây giàu có và sống một đời sống tự do. Việc theo đạo ở phương Tây dần dần không còn dựa trên tình cảm, tập quán, truyền thống như trước, mà dựa trên sự chọn lựa trí tuệ, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông. Người ta ghi nhận sự gia tăng dần dần tỷ lệ tín đồ Phật giáo ở các nước phương Tây, như mới đây Phật giáo đã được xác định là tôn giáo có số lượng tín đồ đứng thứ 3 ở Hà Lan, một trong những đất nước có truyền thống Cơ đốc giáo lâu đời.
Làn sóng thứ ba là làn sóng truyền thông. Do đó, đối tượng tác động trước tiên của nó là giới trí thức. Chúng ta thấy rõ điều này trong cơ cấu tỷ lệ tín đồ Phật giáo ở phương Tây. Đây là một thuận lợi hết sức căn bản cho việc hoằng hóa Phật giáo ở phương Tây, vì trí thức là thành phần có ảnh hưởng cao nhất đối với xã hội.
Truyền thông đã không tạo nên những tín đồ Phật giáo mê muội, mù quáng mà là những tín đồ thuộc tầng lớp tinh hoa, đến với đạo từ con đường tìm hiểu, suy tư, trí tuệ, chọn lựa, sàng lọc.
Tuy nhiên, điều nói trên cũng có phần giới hạn của nó. Ở phương Tây đã hình thành một kiểu đạo Phật không có Tăng bảo. Chỉ có các hội đoàn Phật học mà hiếm có giáo hội tăng già, việc xuất gia chưa được coi trọng đúng mức. Đây là một đề tài mà chúng ta có thể nghiên cứu ở một bài khác.
Các tăng sĩ và tín đồ Phật giáo ở phương Tây tuy khai thác thành công ấn phẩm giấy và mạng internet, nhưng tỏ ra hạn chế trong lĩnh vực truyền hình vệ tinh, một trong những yếu tố cơ bản làm nên làn sóng thứ ba. Hiện vẫn chưa có kênh truyền hình Phật giáo toàn cầu nào bằng tiếng Anh. Ở đây, chúng ta thấy sự phát triển có phần nào khập khiểng so với ở internet. Và cũng do vậy, nên Phật giáo phương Tây chỉ giới hạn ở tầng lớp trí thức, tầng lớp thường xuyên tiếp xúc với internet, chưa mở rộng đối với đối tượng bình dân, công chúng chính yếu của truyền hình. Vai trò của truyền hình vệ tinh chưa được giới Phật giáo phương Tây nói riêng, Phật giáo thế giới nói chung nhận thức đầy đủ, đúng mức.
Làn sóng thứ ba vẫn còn đang tiếp tục. Truyền hình vệ tinh vẫn còn đang khẳng định thế mạnh của nó. Nhìn thấy làn sóng thứ ba là làn sóng Phật giáo thì cũng đồng thời thấy được hạn chế và tiềm năng của Phật giáo với một trong những hoạt động chính của làn sóng thứ ba, đó là truyền hình.
- (2) (3): Xem thêm PGS, TS Hoàng Thị Thanh Nhân: Quản trị toàn cầu trước những thách thức hiện nay – Tạp chí Cộng sản điện tử (bản cập nhật ngày 1/7/2009). Tóm tắt ngắn gọn từ chú thích bài dẫn trên có thể coi là đầu đủ, chính xác, phù hợp với sự dẫn giải của bài viết này, với những ý kiến về tôn giáo và bình luận bên ngoài là của chúng tôi (M.T)
Tham khảo đầy đủ, xin xem Alvin Toffler: The Third Wave, Bantam Book (USA), 1980 (đã có bản dịch tiếng Việt in giấy và trên internet)
Nhiều học giả Mỹ bàn đến 3 làn sóng với các ý kiến có khác biệt về mốc thời gian.
|