KỶ NIỆM 92 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI:
LÊNIN, TẤM GƯƠNG ĐỐI XỬ VỚI PHẬT GIÁO
Minh Thạnh
Nếu ai đó nghĩ rằng, sau Cách mạng Tháng Mười, nhà nước Xô Viết ngược đãi, hạn chế sự phát triển ở Phật giáo tại Nga, thì quả đó là một sai lầm lớn.
Ngược lại, dưới thời Lênin lãnh đạo chính quyền Xô Viết và khoảng 10 năm sau đó, Phật giáo Nga và sau đó là Phật giáo Liên Xô, đã được đối xử với sự tôn trọng, đặc biệt được bảo vệ, được khuyến khích phát triển việc tu hành.
Trước hết, cần phải ghi nhận rằng, quan điểm của Lênin đối với tôn giáo là sự kế thừa và phát triển quan điểm của Mác về tôn giáo. Chúng ta có thể tìm hiểu rõ những quan điểm của Lênin về tôn giáo trong quyển Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo do phó giáo sư Nguyễn Đức Sự biên soạn, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội xuất bản năm 2001.
Trong các bài như Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, Về thái độ của Đảng công nhân đối với tôn giáo, Thái độ của các giai cấp và của các đảng phải đối với tôn giáo và giáo hội…, quan điểm về tôn giáo của Lênin là rõ ràng. Lênin hiểu rất sâu, rất tường tận về Cơ đốc giáo, mà ở Nga là đạo Cơ đốc Chính thống, giáo hội đã liên kết chặt chẽ và hậu thuẫn cho chế độ phong kiến ở Nga trong cả nghìn năm.
Lênin cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa đạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân. Trong bài Cuộc chiến tranh Trung Quốc, Lênin viết “Làm sao mà người Trung Quốc lại không căm ghét những kẻ chỉ vì ham lợi mà đặt chân lên nước Trung Hoa, những kẻ đã dùng thứ văn minh đã ca tụng không tiếc lời của chúng để lừa gạt, cướp bóc và áp bức những kẻ đã làm ngu muội nhân dân (cuộc chiến tranh mà Anh, Pháp gây ra đối với Trung Quốc năm 1856), những kẻ đã giả dối nấp dưới chiêu bài truyền bá đạo Thiên chúa để tiến hành một chính sách ăn cướp?” (sách đã dẫn, trang 376).
Về chính sách cụ thể, trong Dự thảo cương lĩnh của Đảng Cộng sản (b) Nga, Lênin viết rõ: “Trong chính sách tôn giáo, nhiệm vụ của chuyên chính vô sản (của Đảng Cộng sản Nga) không phải chỉ bó hẹp ở chỗ ban hành một sắc lệnh tách rời giáo hội khỏi nhà nước, tách rời trường học ra khỏi giáo hội, nghĩa là những biện pháp mà chế độ dân chủ tư sản đã hứa hẹn nhưng chẳng thực hiện triệt để ở nơi nào trên thế giới cả, vì giữa tư bản và việc tuyên truyền tôn giáo có muôn vàn liên hệ thực tế.” (sđd, trang 504).
Những biện pháp cụ thể đối với tôn giáo của nhà nước Xô Viết sau Cách mạng Tháng Mười là sự triển khai trong thực tế chính sách trên. Nhưng khái niệm tôn giáo ở đây là nhà thờ Cơ đốc Chính thống, tôn giáo mà Lênin hiểu rất rõ. Trong thực tế, chính quyền Xô Viết dưới thời Lênin đã có những đối xử rất khác với Phật giáo.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phật giáo ở Nga là một tôn giáo thiểu số. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ tồn tại như là một tôn giáo ở một số vùng phía Nam Sibêri của phần nước Nga châu Á. Còn ở phần châu Âu, Phật giáo tồn tại như hoạt động học thuật trong giới trí thức và quý tộc có học vấn cao. Phật giáo như là một tôn giáo, nghĩa là có tu sĩ, có hoạt động nghi lễ…chỉ mới xuất hiện ở phần châu Âu nước Nga vào đầu thế kỷ XX, chỉ khoảng 10 năm trước Cách mạng Tháng Mười, và các tu sĩ đều đến từ phần nước Nga châu Á, dưới sự lãnh đạo của Lạc ma A. Dorziev (chưa có người Nga châu Âu là tu sĩ Phật giáo.). Tuy rằng giáo hội Phật giáo Nga đã được công nhận từ năm 1741 và đã được triều đình Nga sa hoàng xác định như là một trong những tôn giáo chính của nước Nga, nhưng trong thực tế Phật giáo hoàn toàn khác với đạo Cơ đốc Chính thống trong khái niệm tôn giáo.
Trên quan điểm lịch sử cụ thể, chắc chắn là Lênin và chính quyền Xô Viết nhận thấy rõ điều đó. Phật giáo Nga, dù được chính quyền Sa hoàng kính trọng, nhưng tồn tại tách rời với nhà nước Sa hoàng, chuyên tâm tu hành, không can thiệp gì vào việc nội trị. Về ngoại giao thì cũng thế, ngoại trừ những cố gắng của Lạc ma A. Dorziev nhằm phát triển quan hệ ngoại giao giữa Nga và Tây Tạng. Phật giáo Nga chưa hề sở hữu trường học phổ thông và không hề có quan hệ đến hoạt động bóc lột của giai cấp tư sản Nga.
Đây là nguyên nhân trước tiên khiến chính quyền Xô Viết dưới thời Lênin đối xử với Phật giáo khác với Cơ đốc giáo Chính thống.
Thứ hai, trên tinh thần cầu thị, Lênin tìm hiểu Phật giáo thông qua Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, đặc biệt là qua hai viện sĩ S. Oldenburg và A. Lunacharsky.
S. Oldenburg là một Viện sĩ Đông phương học, một nhà Phật học, được Lênin tin cẩn lưu nhiệm làm thư ký thường trực Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. Viện sĩ S. Oldenburg còn có quan hệ thân tình với Lênin (S. Oldenburg là bạn đồng môn với anh ruột Lênin, người bị xử tử vì mưu định ám sát Nga hoàng). Còn Viện sĩ A. Lunacharski là một nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật vô sản, tham gia cách mạng từ thời học sinh rất lâu trước Cách mạng Tháng Mười, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu tôn giáo. Hai Viện sĩ này đều am hiểu Phật giáo và chính họ đều có hoạt động ủng hộ Phật giáo. Viện sĩ S. Oldenburg là chủ biên bộ Bibliotheca Buddhica, một bộ sách Phật học đồ sộ 30 quyển, có thể được coi là một tuyển tập của Đức Phật (có thể xem thêm ở www.phapluanonline.com).
Ông cũng tổ chức việc xuất bản công trình dày hàng ngàn trang Logic học Phật giáo của Viện sĩ F. Shchebatskoy, là nhà Phật học nổi tiếng trên thế giới.
Trong khi đó, Viện sĩ A. Lunacharsky, cánh tay mặt của Lênin trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, Dân Ủy giáo dục (tức Bộ trưởng Bộ giáo dục Liên Xô), cũng là người ủng hộ Phật giáo. Ông đã chỉ đạo việc tổ chức triển lãm cổ vật nghệ thuật Phật giáo cùng lúc với hội thảo khoa học về Phật giáo vào tháng 8 năm 1919, với sự hiện diện của các Viện sĩ Đông Phương học Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. Điều đáng lưu ý là triển lãm và hội thảo khoa học này diễn ra tại Viện Bảo tàng Quốc gia Nga trong bối cảnh nước Nga đang lâm vào nội chiến và nạn đói, chiến sự diễn ra ở nhiều miền nước Nga và cũng không xa thủ đô Saint Petersburg (cũng có thể xem thêm về sự ủng hộ của Viện sĩ A. Lunacharsky đối với Phật giáo ở www.phapluanonline.com )
Công trình Phật giáo Nga của Trần Quang Thuận, nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, xuất bản năm 2008 ghi nhận: “A. Lunacharsky rất chú tâm đến triết học Phật giáo” (trang 276).
Tìm hiểu Phật giáo thông qua hai vị trí thức lớn của nước Nga thân cận, chắc chắn, Lênin không những nhận thấy sự khác biệt lớn giữa Phật giáo Nga và Cơ đốc Chính thống giáo Nga, mà Lênin còn được thông tin về quan điểm tiến bộ của Phật giáo đối với nhân sinh và xã hội. Phật giáo Nga (sđd) có cho chúng ta biết chuyện như sau (trang 276):
“Lênin hỏi A. Lunacharsky về Stcherbatsky, “Ông ấy là một nhà học giả trứ danh”, Tổng ủy viên Giáo dục trả lời. “Ông ấy đã viết một tài liệu rất đặc sắc nhấn mạnh quan điểm xã hội của Phật giáo – dẹp bỏ cá tính, dẹp bỏ tài sản riêng, đặt thanh tịnh tâm, thành tựu an lạc cho mình và cho người, cho cộng đồng xã hội”.”
Sách trên cũng dẫn lại ghi chép của Friedrich Lutsig về sự kính trọng của Viện sĩ A. Lunacharsky đối với nhà lãnh đạo Phật giáo ở phần nước Nga châu Á: “Anatoly Lunacharsky là một nhân vật Bolshevik khác rất ngưỡng mộ Ngài [A. Dorziev] vì tài cao, học rộng”. Ngưỡng mộ vì tài cao học rộng, tất nhiên, A. Lunacharsky đánh giá cao giá trị giáo lý Phật giáo (tức sở học của Lạc ma A. Dorziev).
Tìm hiểu Phật giáo qua các Viện sĩ có kiến thức Phật học hàng đầu nước Nga, sự chọn lựa của Lênin là hết sức đúng đắn, thật sự cầu thị.
Nguyên nhân thứ ba của việc chính quyền Xô Viết dưới thời Lênin đối xử tốt với Phật giáo là vì vấn đề Phật giáo Nga gắn liền với chính sách của nhà nước Xô Viết sau Cách mạng Tháng Mười đối với Viện Hàn Lâm Khoa học Nga và về vấn đề dân tộc. Đối với Viện Hàn Lâm Khoa học Hoàng gia Nga, Lênin chủ trương giữ nguyên cơ cấu, nhân sự, hoạt động và tiếp tục sử dụng kết quả nghiên cứu của Viện, chỉ trừ việc đổi tên thành Viện Hàn Lâm Khoa học Nga. Trong khi đó, một trong những hoạt động chính của Viện này là nghiên cứu Phật học, do chính Viện sĩ Oldenburg, người được Lênin giao nhiệm vụ phục hồi hoạt động Viện, lãnh đạo công tác nghiên cứu. Hoạt động của Viện Hàn Lâm Khoa học được phục hồi, thì cũng đồng nghĩa với việc phục hồi hoạt động nghiên cứu Phật học, một trong những hướng nghiên cứu chính của Viện. Với việc bổ nhiệm Viện sĩ chuyên ngành Đông phương học và Phật học S. Oldenburg giữ chức vụ thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Khoa học Nga, Lênin đã gián tiếp cho phép việc phục hồi Phật giáo tại phần châu Âu của nước Nga như là một hoạt động học thuật.
Còn Phật giáo ở phần châu Á nước Nga, với hoạt động tôn giáo thực thụ, có tu sĩ, tu viện, thì được giải quyết gắn liền với vấn đề dân tộc.
Chính sách đoàn kết các dân tộc là một chính sách lớn và đúng đắn của Lênin, trong đó tôn trọng bản sắc văn hóa các dân tộc không phải Nga là một chủ trương quan trọng. Cũng vì lẽ đó, Phật giáo một tôn giáo gắn liền với văn hóa một số địa phương ở Sibêri đã được chính quyền Xô Viết lúc Lênin sinh thời hết sức tôn trọng. Sách Phật giáo Nga (dẫn trên) cho biết về sự gia tăng tu sĩ và tự viện tại vùng Trans Baikal sau Cách mạng Tháng Mười: “…nhiều ngôi chùa mới được xây dựng và nhiều thanh niên xuất gia. Năm 1916, tại vùng này có tất cả 36 ngôi chùa và 16.000 Lamas, con số này được tăng lên gấp bội” (trang 258). Sách dẫn trên cũng cho biết trong hồi ký viết vào năm 70 tuổi, Lạc ma Dorziev, nhà lãnh đạo Phật giáo Nga phần châu Á đã “ca ngợi Lênin” (trang 274).
Công trình đã dẫn cũng cho biết trong một cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề các dân tộc châu Á, mà chủ tọa đoàn đứng đầu là Lênin, Lạc ma Dorziev đã được mời tham dự (trang 244).
Nhiều đại hội Phật giáo ở vùng châu Á của nước Nga cũng được triệu tập và đưa ra nhiều kế hoạch phát triển Phật giáo, được nhà nước Xô Viết chấp thuận trong giai đoạn Lênin lãnh đạo, chẳng hạn Đại hội Phật giáo toàn Buryat tổ chức tháng 10 năm 1923. Một Đại hội Phật giáo khác cũng được tổ chức tại Urga vào năm 1924…
Tài sản của Phật giáo không là một vấn đề sau Cách mạng Tháng Mười. Dưới sự lãnh đạo của Lênin, nhà nước Xô Viết cũng đã giải quyết vấn đề tài sản Phật giáo một cách đặc biệt, khác với đạo Cơ đốc Chính thống. Trong bài Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, Lênin viết rất rõ: “Nhà nước không được chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho quốc giáo, cũng như cho các đoàn thể giáo hội và các đoàn thể tôn giáo” (1).
Tuy nhiên, thư thỉnh nguyện của Lạc ma A. Dorziev, với điều khoản thứ nhất như sau đã được chính quyền Xô Viết đáp ứng: “1. Dành một ngân sách cần thiết để trùng tu và bảo trì chùa Phật giáo cho đến lúc nào thuận lợi giao cho các đoàn thể Phật giáo liên hệ như dân Buryats, Mông Cổ, Kalmyks…trong thời gian chờ đợi có thể làm trung tâm cách mạng cho các sắc dân ấy” (trang 248, sách đã dẫn). Tự viện Gunnzechoney ở Petrograd (tên mới của St. Petersburg cho tới khi Lênin qua đời) được ghi nhận đã trung tu 2 lần. Lần 1 từ tháng 8/1920 với kinh phí 2 triệu rúp, nhưng kết quả giới hạn. Lần 2 vào năm 1922, với sự bảo trợ của “Ủy ban Tàng Cổ Viện và Bảo tàng Cổ tích” (sách đã dẫn, trang 252).
Để bảo vệ tự viện Phật giáo tại Petrograd một cách triệt để trước hoạt động có thể là tương đối cực đoan của một số người không có sự phân biệt giữa Phật giáo và Cơ đốc giáo Chính thống, chỉ quan niệm tất cả là tôn giáo nói chung, Bộ Ngoại giao nước Nga Xô Viết, từ năm 1920, đã công nhận chùa Phật giáo ở Petrograd là cơ sở đại diện ngoại giao không chính thức của Tây Tạng, và Lạc ma A. Dorziev là đại diện ngoại giao của Tây Tạng (từ thời Sa hoàng, nước Nga đã coi Tây Tạng là một quốc gia có chủ quyền). Do vậy, Gunzechoney vừa là chùa của nước Nga Xô Viết, vừa là cơ sở ngoại giao nước ngoài (được hưởng quy chế bảo vệ cơ sở ngoại giao). Lạc ma A. Dorziev vừa là Ủy viên Ủy Ban Hành pháp Xô Viết được cử tri vùng Trans Baikal theo đạo Phật bầu lên, vừa là quan chức ngoại giao Tây Tạng.
Việc đối xử rất đặc biệt này đối với Phật giáo Nga chắc chắn phải thông qua Lênin, vì tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm sau Cách mạng Tháng Mười.
Trong cương vị là một nhà ngoại giao, tiếp tục công việc mà ngài đã đảm nhận từ thời nước Nga Sa hoàng, Lạc ma A. Dorziev đã ra sức phát triển quan hệ giữa Liên Xô với các nước Tây Tạng, Mông Cổ. Ngài viết trong Hồi ký như sau về công việc của ngài: “Suốt trong thời gian này, tôi luôn luôn gởi thư từ, tin tức về tình hình Liên Bang Xô Viết đến Tây Tạng qua Mông Cổ qua những đoàn người hay khách hành hương. Tôi luôn luôn trình bày với đức Dalai Lama, triều thần, những đại sư trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng là Xô Viết với đường lối mới, với nguyên tắc tự do, bình đẳng, đang thể hiện trong nước cũng như đang áp dụng trong chính sách đối ngoại, mục đích đem lại tự do cho những dân tộc bị áp bức trên thế giới, nhất là những dân tộc Á Đông” (Phật giáo Nga, Sách đã dẫn, trang 253). Những gì Lạc ma A. Dorziev viết một cách tự nguyện (vì trong Hồi ký) không gì khác hơn chính là chủ nghĩa Lênin, cũng chính là những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc.
Từ đây, suy ngược ra, chắc chắn Lênin và nhà nước Xô Viết đã đối xử rất tốt với Phật giáo Nga trong tư cách một tôn giáo (phân biệt với Phật giáo Nga như là một hoạt động học thuật đã đề cập ở trên cũng được phép phục hồi), dẫn đến những suy nghĩ như trên của nhà lãnh đạo Phật giáo Nga châu Á.
Hoạt động tu tập của các tăng sĩ Phật giáo tại Petrograd, trong cách bố trí rất đặc biệt và thông minh của chính quyền Xô Viết dưới thời Lênin, đương nhiên là được bảo vệ chu đáo và có xu thế phát triển. Tháng 9 năm 1922, Lạc ma A. Dorziev, với tư cách là một tăng sĩ của nước Nga Xô Viết, đã làm lễ truyền giới cho một công dân Nga Xô Viết, ông Mikhail Ivanovich Popov – Loeffer, pháp danh Tây Tạng là Sonam Namgyal.
Trong dịp kỷ niệm 92 năm Cách mạng Tháng Mười, ôn lại những sự kiện trên, chúng ta thấy việc đối xử tốt của Lênin và nhà nước Xô Viết lúc đó với Phật giáo Nga vẫn là một tấm gương sáng, một bài học lớn về sự sáng suốt, tầm nhìn trí tuệ của người lãnh đạo.
MT
(1) PGS Nguyễn Đức Sự tuyển chọn và biên soạn: Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo – Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2001, trang 401.
|