Không nên chỉ trách quý tăng ni
Minh Thạnh
Cập nhật: 22:51:57 18/12/2009

Không nên chỉ trách quý tăng ni 

Minh Thạnh 

Không biết người viết có chủ quan hay không, nhưng qua phần lớn bài viết phản ánh thực trạng Phật giáo Việt Nam đăng trên Phattuvietnam.net, dễ có cảm tưởng là mọi người đều chỉ trông chờ vào tăng ni, đặc biệt là các vị lãnh đạo giáo hội, rồi với hiện trạng không đựơc khả quan, thì chỉ trách quý tăng ni, quy hết trách nhiệm cho quý tăng ni.  

Bài viết của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên còn có vẻ căng thẳng hơn: “…xin được dành câu trả lời cho các bậc Hòa thượng Tôn túc” 

Đặt vấn đề như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Vì chưa đủ nên có thể là phiến diện. 

Trách nhiệm là ở toàn thể tăng ni Phật tử. Trong đó, cần lưu ý trách nhiệm của người Phật tử. 

Có một số ý kiến trước đây cho là cần dành cho người Phật tử vai trò lớn hơn trong giáo hội. 

Sao lại  “dành cho”? Vấn đề ở chỗ người Phật tử phải tự khẳng định vai trò của chính mình. Ngay bản chất của cách nghĩ “dành cho” cũng phản ánh trách nhiệm của người Phật tử, một cách nghĩ thụ động, mà tất nhiên là tiêu cực. 

Trong sự  tiến bộ của đạo Phật, tu tập, truyền giảng, đắc đạo…không phải là độc quyền của người tu sĩ. 

Trong các tôn giáo khác, chỉ có người tu sĩ là có thẩm quyền, bởi họ tổ chức giáo hội theo kiểu mệnh lệnh triều đình. Còn trong đạo Phật, vai trò của người cư sĩ lớn hơn nhiều, nếu họ muốn và có thể thực hiện. 

Hệ quả  của tình trạng hiện nay là do cả tu sĩ lẫn cư sĩ đều thụ động. 

Chúng đều biết thầy học của nhiều vị tăng sĩ lãnh đạo hàng đầu của Phật giáo ba miền đặc biệt ở miền Trung và miền Nam là một vị cư sĩ ở miền Bắc: Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám. 

Lúc đó, đâu có giáo hội nào “dành cho” vai trò đó cho ngài, hay bổ nhiệm, giao phó cho ngài nhiệm vụ đó. Sự đóng góp của ngài mặc nhiên xác định vai trò lịch sử của ngài, cũng như tự khẳng định vị trí là một nhà lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam

Người cư  sĩ không nên hỏi rằng giáo hội đã dành cho mình những gì, mà trước hết phải tự hỏi, mình đã làm được gì cho đạo Phật. 

Ai làm thì  người đó được hưởng phước báu, công đức, tại sao mọi người trong chúng ta đều không làm theo khả năng của mình, mà còn chờ nhiệm vụ, chức vụ… 

Vào trang Web www.phatgiaonguyenthuy.com, chúng ta sẽ thấy nhiều ảnh của các vị cư sĩ góp phần vào việc thành lập và xây dựng hệ phái này đặt cùng với ảnh chư tổ sư, tôn túc. Một phần không nhỏ các công trình dịch thuật, trước tác của Phật giáo nguyên thủy nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung, đều do các cư sĩ thực hiện. Tuyệt đại đa số các vị đó nào có chức vụ gì, cũng không có giáo hội nào giao công việc cụ thể cho quý vị. Tự chư vị cư sĩ tiền bối hữu công đó xác định trách nhiệm nghĩa vụ cho mình. 

Còn quyền hạn và quyền lợi, thì theo Phật giáo, đã rõ  rồi. Người cư sĩ đóng góp càng nhiều với những hình thức thích hợp, thì phước báu càng lớn,  đạo  quả càng sớm viên thành. 

Đâu phải nhiệm vụ của người cư sĩ chỉ là cúng dường. Trong công việc hoằng pháp chẳng hạn, nếu tăng ni càng thụ động, thì người cư sĩ phải càng nỗ lực hơn bội phần, không nên chỉ trách cứ các vị. 

Đầu thế kỷ XX, Phật giáo đâu thiếu những vị thượng tọa, hòa thượng. Nhưng trước tình hình hoằng hóa suy vị thì ngài Tâm Minh Lê Đình Thám đã làm thay công việc của các vị tôn túc, mà kết quả như chúng ta đã thấy. 

Khi người viết mới bắt đầu đến chùa (năm 1978), thì trên pháp tòa chùa Ấn Quang, bên cạnh các vị hòa thượng, thượng tọa như Trí Thủ, Trí Quảng, Minh Châu…, có một vị cư sĩ: Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, với đề tài tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Giáo sư nguyên là Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (tương đương Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay). 

Bổn sư  của người viết, giữ nhiệm vụ Tổng thư ký Tổng Vụ Hoằng Pháp của giáo hội bấy giờ, lo ngại cho sức khỏe của cụ giáo sư vì tuổi cao. Nhưng cụ nói rằng còn đứng trên giảng đường đuợc  thì cứ xếp lịch giảng cho cụ. Nếu có chết trên pháp tòa thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Cụ Giáo sư Nguyễn Đăng Thục không chờ “dành cho” nhiệm vụ, mà cụ “giành lấy” nhiệm vụ. Thầy tôi tuổi nhỏ hơn cụ, tự nhận học trò, phải làm theo ý cụ. Giảng 2 giờ liên tục với một người cao tuổi phải đi chậm rãi từng bước một, thầy tôi lo lắng lỡ có chuyện gì thật khó nói với gia đình. 

Cô giáo ngữ văn lớp 12  của tôi, một vị cư  sĩ, có bằng cao học dưới chế độ cũ, bị  bệnh tim mạch vành, vẫn nhận một lớp giảng cho gia đình Phật tử ở chùa Phước Hải, quận 10, TPHCM, với đề tài  Phật giáo trong văn học Việt Nam. Tôi tán thán công đức của cô, thì cô luôn nhắc đến tấm gương của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, người có công chính trong việc xây dựng chùa Xá Lợi, một trong những ngôi chùa lớn ở TPHCM, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, tổ chức thực hiện tạp chí Từ Quang, là tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu Phật học. Do những đóng góp trên lãnh vực học thuật, cụ Mai Thọ Truyền đã được Chính phủ Sài Gòn mời giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa (tương tự Bộ Văn hóa bây giờ). Cụ đã tổ chức xây dựng Thư viện Quốc gia Sài Gòn (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM) một công trình mà thành phố Sài Gòn lúc đó có thể lấy làm tự hào với các thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á. 

Trên  đây là những ví dụ chủ quan, nếu kể  cho đủ thì còn không biết bao nhiêu ví dụ  về vai trò, đóng góp của người cư sĩ, không thể điểm hết. 

Nhìn nhận theo “cơ chế đạo tràng tự do”, thì  những cống hiến của Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã sách tấn nhiều vị tăng sĩ ở miền Nam thời bấy giờ. Sách của cụ hiện nay vẫn còn tái bản. Còn giảng đường chùa Xá Lợi hiện nay mang tên giảng đường Chánh Trí. 

Ngày nay, để làm được như cụ, thì dễ gấp mười lần đối với người cư sĩ chúng ta. Không làm đựơc, chỉ vì chúng ta không học Phật chuyên cần để uyên thâm như cụ, nhất là chỉ vì chúng ta  chờ ở giáo hội một sự “dành cho”. 

Muốn viết sách ư? Các nhà làm công việc xuất bản tư nhân đang lùng tìm các tác phẩm Phật học giá trị đó. Các bạn cư sĩ cũng có thể tự mang bản thảo đến liên kết với nhà xuất bản. Hàng bao nhiêu trang Web Phật giáo đang cho người cư sĩ gửi bài viết. Không có chùa mới thuyết pháp, người cư sĩ có trình độ Phật học vẫn có thể thuyết pháp trước ống kính camera, in dĩa để phổ biến, hay phát hành video trên mạng... Biết bao nhiêu hình thức, phương tiện trong tay người cư sĩ.  

Thấy tăng ni ngại khó, ngai khổ ư? Thì chính người cư sĩ phải chịu khó, chịu khổ thay. Càng chịu khó, chịu khổ vì đạo pháp thì phước đức càng lớn. Nếu tin ở nhân quả thì lo gì chuyện khó, chuyện khổ. Tăng ni ngại khó, ngại khổ thì chính là họ đã “dành cho” người Phật tử cơ hội. Dù chúng ta có ngưỡng mong, thì các vị tôn đức không ra lệnh được cho các vị tăng ni chịu khó, chịu khổ đựơc.  

Người đời thì mong chờ lương cao, hay cơ hội đề bạt đối với việc khó, việc khổ. 

Người xuất gia mà ngại khó, ngại khổ thì lẽ nào lấy quyền chức tiền bạc đánh đổi với họ. Đã biết lý nhân quả, mà người xuất gia còn ngại khó, ngại khổ thì đừng mong trông chờ gì ở họ, và có thể đặt câu hỏi liệu họ có xuất gia thực không. Còn phía cư sĩ, tùy theo hoàn cảnh mà cứ nhận lấy việc khó, việc khổ mà làm. 

Chùa quê  không người giáo hóa chăng? Người Phật tử hãy tổ  chức làm từ thiện, rồi bố thí pháp bằng dĩa thuyết pháp, bằng kinh sách. Hoặc tổ chức mời thỉnh quý thầy về thuyết pháp. Hoặc tài trợ  học bổng cho tăng ni trẻ địa phương…Không có  thì giờ lo Phật sự thì đi làm để có thu nhập, cúng dường tịnh tài, hoặc tài trợ làm Phật sự theo ý mình, theo tinh thần kinh điển. 

Nếu thấy quanh mình có Phật tử nào khó khăn, bị dụ dỗ cải đạo bằng tiền, thì hãy tu hạnh bố thí, tự mình giúp đỡ tài chính cho, mà không cần đến ai khác. 

Nếu nghĩ  rằng còn những việc cấp bách hơn chùa to Phật lớn, thì người cư sĩ hãy tự mình vì đạo pháp, cũng là vì mình (vì chắc chắn sẽ có công đức) mà làm và bảo người làm những công việc đó, như ấn tống kinh sách, dĩa thuyết pháp, tự làm công việc hoằng pháp nếu có thể, vận động những người chung quanh mình cần làm, hỗ trợ những người làm công tác hoằng pháp như mua thỉnh ủng hộ sách báo Phật giáo, ủng hộ tài chính cho các trang Web Phật giáo, ủng hộ tài chính cho các công trình nghiên cứu Phật học… 

Không thể  để mặc cho tăng ni hưởng thụ nhàn tản với vườn lan, trà thất, thư pháp, hay chat, nhắn tin, điện thoại…, nhưng chúng ta không thể ra lệnh cho họ, và cả thầy tổ của họ cũng không thể ra lệnh cho họ nếu họ đã muốn cứ như thế. Điều chắc chắn là họ đang tiêu vào phước mà họ có được để có thể xuất gia. Thấm nhuần luật nhân quả, thì họ sẽ không bao giờ dám ngày càng dấn sâu vào việc trở thành con nợ của đàn na tín thí. 

Người cư  sĩ hãy vất vả thay họ. Đừng tự ti khi suy tư và nỗ lực vì tương lai chánh pháp, nghĩ rằng công việc đó là việc của đại lão hòa thượng này, hay của thượng tọa trưởng nọ, phó kia, mà hãy nghĩ đó là việc của ta, đạo của ta, phước của ta. Vì nếu thực trạng đã vậy, mà ta không lo, không làm, không chịu khó, chịu khổ, thì còn ai nữa?  

Tin ở  luật nhân quả, thì sao lại không lo, không làm, không cống hiến cho đạo pháp? 

Đừng trách ai cả, người cư sĩ cứ làm thôi. Điều chắc chắn là được phước và đạo quả sớm viên thành. Ai có thể nghi ngờ về chuyện này? 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay