Nguy cơ loại trừ tăng bảo từ vấn đề “Đạo của người chết”
Minh Thạnh
Cập nhật: 22:50:12 18/12/2009

Nguy cơ loại trừ tăng bảo từ vấn đề “Đạo của người chết” 

Minh Thạnh 

Trong số  các ý kiến bàn luận chung quanh bài Hiểm họa đối với đạo Phật: “Đạo của người chết”, đã có những ghi nhận về mặt lợi ích mang đến cho đạo Phật từ hoạt động hộ niệm. 

Những lợi  ích đó là thực có, và việc ghi nhận nó cũng là điều hợp lý. 

Bỏ qua những lợi ích về vật chất, mà chỉ  một bộ phận nhỏ tăng ni quan tâm, lợi ích tạo một kênh tiếp xúc giữa nhà chùa và Phật tử từ hoạt động hộ niệm là một lợi ích đáng chú ý. 

Nhưng bên cạnh hiểm họa “Đạo của người chết” mà chúng tôi đã đề cập, theo chủ quan của chúng tôi, còn có thể ghi nhận nhiều nguy cơ khác tồn tại song hành, mà ở đây, xin nêu ra nguy cơ loại trừ tăng bảo, để chúng ta cùng suy nghĩ, bàn luận. 

Chúng ta đều có thể thống nhất với nhau là hoạt động hộ niệm là hoạt động dễ dàng thực hiện. Người hộ niệm chỉ cần thông thuộc một số ít kinh điển và nghi thức. Thậm chí, về kinh điển, cũng có thể không cần thuộc, chỉ cần đọc tụng bản kinh in sẵn. 

Vì vậy, tất yếu phát sinh ra những thầy tụng. 

Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, thầy tụng có thể xuất hiện dưới hình thức tăng sĩ, đầu tròn áo vuông, nhưng cũng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức không phải tăng sĩ. Có thể họ mặc áo tràng, mặc áo dài khăn đóng… 

Nhưng điều nguy hiểm trước tiên là việc tự nhận là đạo Phật, với các hình thức đi kèm như lập bàn thờ Phật, gõ mõ, đánh chuông, tụng kinh Phật… 

Tất nhiên là thầy tụng chỉ hoạt động như một dịch vụ, có nghĩa là thu phí theo từng hoạt động cụ thể. 

Vì yêu cầu “kỹ thuật” của hoạt động dịch vụ quá dễ dàng, nên ai cũng có thể làm được, nếu muốn. 

Từ đó phát sinh vấn đề không cần đến tăng sĩ. 

Đã là hoạt động dịch vụ, thì tất yếu sinh ra sự cạnh tranh. Những người không tu hành nhưng làm công việc này để kiếm sống sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn. Còn người tu hành chân chính không màng tới việc cạnh tranh. 

Tại một khu vực, tất yếu sẽ nảy sinh nhiều đơn vị  cạnh tranh, chẳng những cạnh tranh về giá phục vụ, mà còn cung cấp những hình thức nghi lễ phục vụ đa dạng, giúp cho sự khoa trương. 

Thực ra, cũng có những tổ chức cư sĩ hoạt  động hộ niệm trên tinh thần vị tha, giúp  đời, không lấy việc thu nhập làm trọng. Nhưng dù sao thì vẫn nhận hỷ cúng. 

Nhưng điều  đáng quan tâm là không cần tăng sĩ nữa

Vấn  đề này, ở TPHCM, có thể thấy rất rõ  trong cộng đồng Phật giáo người Hoa. 

Việc hộ  niệm vẫn theo nghi thức đạo Phật, với bàn thờ Phật, tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh vang vọng, nhưng không thấy một vị sư nào cả. 

Thay vào  đó, là các cư sĩ, mặc áo tràng, may theo kiểu rất giống nhau, trông rất quy củ. 

Họ tụng thuộc lòng những bản kinh Phật, trong một sự chuyên nghiệp hơn hẳn các Phật tử đi hộ niệm bình thường ở các chùa. Trong việc tụng kinh, có những đoạn xướng tán rất phức tạp. Nên nếu thay áo tràng bằng hình thức của một vị sư, thì không ai có thể nghĩ rằng đó chỉ là cư sĩ. 

Ở họ cũng có sự nghiêm trang thành kính. Không thể nói họ không có nhiệt tâm. 

Gần như  cùng lúc với việc viết bài này, người viết thấy  một toán cư sĩ tụng đám chuyên nghiệp như vậy di chuyển trên một xe lam (một loại xe vận tải nhẹ 3 bánh). Họ đi xe lam chứng tỏ, nếu chỉ là những người quan tâm đến thu nhập, thì thu nhập không cao. 

Xe lam chở  đông người, có thể coi là vi phạm luật giao thông. Nhưng có lẽ vì đi tụng đám, dễ được sự thông cảm từ cảnh sát, nên chiếc xe cứ lừ lừ mà di chuyển. 

Trên xe có  ampli, loa, nhạc khí điện tử dùng cho cúng tế. Nghĩa là rất chuyên nghiệp. 

Người trên xe mặc đồng phục, đặc biệt là nam giới mặc  áo vạt khách như nhà sư, nhưng để tóc. Không cần đến một vị sư nào cả. 

Nhưng họ  vẫn là đạo Phật. Một đạo Phật thật sự, vì trước bàn Phật, về mặt hình thức, họ  vẫn bộc lộ sự thành kính và tín tâm. Có thể họ không phải là người đóng giả. Ngoài ra, trông có vẻ họ rất “yêu nghề”. 

Ở một số trường hợp tương tự, có một vị mang hình tướng tăng sĩ xuất hiện, với trang phục rất hoành tráng theo kiểu một đại sư Phật giáo Trung Hoa: áo tràng đỏ, thiền trượng, mũ mão…ở giữa một toán Phật tử mặc áo tràng tề chỉnh. Nhưng khi cuộc lễ kết thúc thì không còn thấy có một vị nào mặc áo tràng vàng hay áo tràng nâu gì cả! 

Có thể  suy ra là vị sư đó là một vị đóng giả cho đủ yêu cầu hình thức nghi lễ. Nhưng không thể nói là họ là sư giả mạo. Sau lễ, họ trở về với hình thức cư sĩ. Hình thức nhà sư chỉ có như một diễn viên và điều đó được công khai. Người mời thỉnh chấp nhận điều đó, miễn là có đủ lễ bộ là được. 

Vị sư  “diễn viên” đó tụng kinh và làm các nghi lễ  y hệt vị sư thật. Có khi trong những nghi thức  đặc biệt này, họ còn chuyên nghiệp hơn, vì tất cả thời gian và công sức họ dồn cả  vào việc trau giồi diễn xuất đó. 

Trong trường hợp sư “diễn viên” này, hiển nhiên là  một dạng thức không có tăng sĩ. Việc diễn xuất như vậy là đủ thỏa mãn yêu cầu hình thức . 

Ngoài ra, còn có nhiều dạng thức không cần tăng bảo trong hoạt động hộ niệm nữa. Một hài kịch video thực hiện ở Mỹ cho thấy thực trạng người theo đạo Phật ở nhiều vùng rải rác khắp nước Mỹ, do tại địa phương không có chùa, sẵn sàng chấp nhận cư sĩ thay thế. Dần dần việc này trở thành thói quen. 

Trong vở hài kịch, người ta không cho thầy tụng tại gia mặc áo tràng (có thể sợ đụng chạm) mà thay bằng áo dài khăn đóng. Nhưng “thầy” vẫn gõ mõ và tụng một dạng “kinh” theo kiểu văn sám lục bát. Yếu tố hài nằm ở chỗ người thỉnh tụng muốn cầu siêu cho chồng là người Mỹ, không biết tiếng Việt, nên yêu cầu dịch những bài lục bát đó qua tiếng Anh. Thầy tụng dịch theo yêu cầu tiếng Anh nhưng vẫn tụng và gõ mõ theo dạng tụng các bài sám lục bát! 

Tất cả  các ví dụ dẫn trên đều có một có mẫu chung: việc loại trừ tăng bảo. 

Trong thực tế, đã hình thành một thứ Phật giáo phục vụ cho tang lễ, vẫn có bàn thờ Phật, vẫn tụng kinh Phật, vẫn dùng những pháp khí của nhà Phật, nhưng không còn tăng sĩ (ở đây là tăng sĩ thật). 

Điều này còn nguy hiểm hơn vấn đề mà bài báo Nhật Bản: Tu sĩ Phật giáo dựa vào văn hóa dân gian hiện đại để khôi phục tín đồ nêu ra. Nó không dừng lại ở giới hạn người tăng sĩ ở mức tối thiểu để duy trì thực hiện chức năng “tổ chức các tang lễ và nghi lễ theo truyền thống”, mà đi đến mức loại trừ tăng sĩ, không cần đến tăng sĩ, khi cần đóng giả cho có. Còn lại mọi việc, người tu sĩ tại gia lo hết. 

Đây có phải là “hiểm họa của đạo Phật” không, chúng ta có thể thảo luận. 

Người viết không dám phê phán những hiện tượng trên một cách tuyệt đối. Những cư sĩ làm công việc thay tăng sĩ đó cũng lập bàn thờ Phật, cũng đọc tụng kinh Phật thật sự, cũng có sự tín tâm thành kính, có thể không có sự lừa dối (đóng giả sư thì công khai là đóng giả cho có hình thức) và trong thực tế cũng đáp ứng được mong muốn của người cầu thỉnh (vì thế nên họ vẫn được mời và hoạt động, tồn tại, phát triển). 

Nhưng như  thế thì cần gì đến nhà chùa, đến nhà sư nữa? Không nói là nguy cơ thì cũng không đúng. 

Vì vậy, cần cảnh giác quan niệm về chức năng “độ tử” của người tăng sĩ. 

Vì trong chức năng này, người tăng sĩ có thể bị  loại trừ, triệt tiêu, trở nên không cần thiết.  

Kính mong quý bạn đọc tham gia ý kiến. 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay