Hãy dứt khoát với việc lợi dụng hình tượng Phật và Bồ tát
Minh Thạnh
Cập nhật: 22:44:36 18/12/2009

Hãy dứt khoát với việc lợi dụng hình tượng Phật và  Bồ tát 

Minh Thạnh 

Mới  đây, chuyện vòng ti tan Phật Quan Âm đựơc báo chí  phanh phui như là một sự kiện có hơi hướm “lừa”, giá đến 680.000 đồng, được quảng cáo là có nhiều chức năng đối với sức khỏe: giúp  lưu thông máu huyết, loại bỏ những tạp chất độc hại ra khỏi cơ thể… 

Nhưng vấn  đề cần đặt ra, không chỉ đối với sự  kiện này, là việc đem hình ảnh Phật và Bồ  tát như là một hình thức quảng cáo, tiếp thị hay làm nhãn hiệu cho sản phẩm. 

Hình tượng chư Phật, chư Bồ tát là những hình tượng mà tăng ni Phật tử phụng thờ, được an vị nơi trang nghiêm. 

Theo tập quán Phật giáo, ngay cả việc ăn mặc thiếu tề  chỉnh đi ngang qua tượng cũng là điều được coi là bất kính. Tín đồ Phật giáo hàng ngày lễ lạy trước tượng Phật và Bồ tát phải mặc áo tràng. Còn chư tăng ni phải đắp y nghiêm trang. 

Không nói chi đến những việc in hình Phật trên trang phục lót, đã bị phía Phật giáo phản ứng, còn nhiều trường hợp khác như dùng hình ảnh Phật và Bồ tát để làm nhãn hiệu quảng cáo cũng như nhiều hình thức phục vụ kinh doanh, thương mại. Những điều đó diễn ra hàng ngày trước mắt tăng ni Phật tử chúng ta, nhưng không hề bị phản ứng. 

Một video clip chỉ lấy hình một quan chức nhà nước ra để quảng cáo thôi thì đã gặp rắc rối. Thậm chí, mượn tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo thuốc còn không được. 

Thế  mà, người ta dựng hình Bồ tát Quan Thế Âm lên quảng cáo cho một nhãn hiệu dầu gió có cả từ “Phật” trong đó. Hình Phật và Bồ tát in bừa bãi lên nhãn hương, nhãn tương chao…Khi người dùng xé bao bì để dùng hương, hay khui nước tương để dùng, thì hình Phật và Bồ tát rơi vương vải dưới đất, bị xéo đạp lên, hay bị vấy bẩn, trông thật xúc phạm.  

Nhưng vấn  đề là hình như người trong đạo Phật vẫn chấp nhận điều đó, coi như không có vấn  đề gì, chừng như ảnh Phật và Bồ tát dùng làm nhãn hiệu hàng hóa, bị vứt lên, vứt xuống đó, với hình ảnh chư Phật và Bồ tát mà mọi tăng ni Phật tử thờ phụng nào chẳng liên hệ gì, là những chân dung của những đối tượng khác nhau, dù có khi người ta ghi rõ từ “Phật” ở đó. 

Còn chai dầu, lọ trầm…của ai đó sản xuất chẳng liên quan gì với đến Phật hay Bồ tát cả. Nhưng người ta dán hình Phật lên đó để lợi dụng, rồi dựng cả video clip Phật chiếu hào quang vào những sản phẩm đó. 

Người ngoài đạo Phật làm chuyện bất kính lợi dụng hình tượng chư Phật, chư Bồ tát như thế đã đành. Nhưng không phải không có việc chính tăng ni Phật tử đi làm chuyện bất kính đó, mà chừng như không biết là đang làm gì. Phần lớn là đối với sản phẩm nhang, có khi se tại chùa, hình Phật và chư Bồ tát được dán lên vô tư. Rồi cũng coi chuyện hình Phật và Bồ tát xé ra từ bao bì các phong hương văng tung tóe dưới sân chùa mỗi dịp sóc vọng, lễ tết là vô tư! 

Nay tới chuyện  “Vòng đeo tay vàng ti tan Phật Quan Âm”.Thật là buồn lòng khi cụm từ Phật Quan Âm (ở đây cũng sai, vì sao là “Phật”?) lại gắn với những chuyện mà như báo Thanh Niên ngày 16/11/2009 đưa, tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nhiều người dân đã đến công ty …đòi trả lại hàng, khiến “tình hết sức lộn xộn”, phải nhờ đến cả sự can thiệp của công an. Chắc chắn là danh hiệu Bồ tát Quan Âm, mà gọi bừa là Phật, trong đám đông bức xúc đó, bị kêu lên như tên một sản phẩm mà người mua tụ tập để đòi lại tiền. 

Chúng tôi nêu vấn đề ra ở đây, nhưng biết rằng không hi vọng tìm kiếm một biện pháp hành chánh gì để chấm dứt sự lợi dụng xúc phạm này. 

Chúng tôi chỉ mong sao chư tăng ni Phật tử lưu ý đến nó, nhất là trong bối cảnh lộn xộn của vụ “Vòng đeo tay ti tan vàng Phật Quan Âm”. Nếu có chùa nào đó, vẫn dùng hình ảnh Phật, Bồ tát làm nhãn hiệu  nhang đèn…, thì mong là hãy chấm dứt , vì sự tôn kính chư Phật, Bồ tát. 

Có ai đem những thẻ nhang, phong  nhang, hộp trầm như  vậy đến chùa cúng dường thì nên nói để mọi người biết không mua những sản phẩm dùng hình ảnh Phật, Bồ tát làm nhãn hiệu một cách bất kính như  vậy. Còn nhãn hiệu bao bì có hình chư Phật và Bồ tát thì không nên vứt bừa bãi dưới đất để bị giày xéo giẫm đạp, mà nên đốt đi. 

Khi định mua lọ dầu, hủ cao có hình Phật Bồ tát thì chúng ta nên tự hỏi nếu dùng khi bỏ lọ dầu, hủ cao đó vào túi quần, rồi ngồi lên, chúng ta có tội chăng? Đừng nên mua những sản phẩm lợi dụng hình Phật và Bồ tát một cách bất kính như thế. 

Chúng tôi cũng mong rằng thỉnh thoảng các tờ báo, trang web Phật giáo nhắc nhở lại việc này để lưu ý những người còn vô tâm trước sự lợi dụng bất kính những hình ảnh mà chúng ta đang thờ phượng. 


 
 

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay