Esper Ukhtomsky – Hoàng thân hộ pháp của Phật giáo Nga
Minh Thạnh
Cập nhật: 22:42:02 18/12/2009

Esper Ukhtomsky – Hoàng thân hộ pháp của Phật giáo Nga 

Minh Thạnh 

Tên tuổi Esper Ukhtomsky ít được nhắc đến như là một trong những khuôn mặt của Phật giáo Nga. Có lẽ là vì có thể ông chưa phải là một Phật tử theo đúng nghĩa của từ này (chưa thọ tam quy ngũ giới) hay ông không có tác phẩm Phật học để lại. 

Nhưng Phật giáo thế giới không thể không ghi nhận những đóng góp của Esper Ukhtomsky trong việc truyền bá Phật giáo tại Nga cuối thế kỷ XIX, những đóng góp, mà chính nó nói lên rằng ông là vị đại thần hộ pháp đối với Phật giáo Nga. 

Hoàng thân Esper Esperovich Ukhtomsky là một nhà quý tộc thân cận với hoàng đế Nicholas II, vương triều Romanov, vị Sa hoàng cuối cùng của nước Nga. Hoàng thân sinh năm 1861 tại Oranienbaum, Nga và mất năm 1921 tại Detskove, Nga. Ông thường được biết đến như một nhà thơ, một nhà tổ chức công việc xuất bản, một nhà Đông phương học và là một đại thần có nhiều ảnh hưởng đối với chính sách văn hóa, khoa học xã hội và tín ngưỡng của nước Nga Sa hoàng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 

Esper Ukhtomsky sinh trưởng trong một gia đình quý tộc Nga truyền thống và dĩ nhiên có những mối quan hệ mật thiết với đạo Cơ đốc Chính thống Nga. Hoàng thân được đào tạo tại đại học hàng đầu của nước Nga thời bấy giờ là Đại học Tổng hợp Saint Petersburg với chuyên ngành văn học và triết học. Ông bảo vệ luận văn thạc sĩ năm 1884. Sau khi tốt nghiệp, Esper Ukhtomsky bắt đầu nổi tiếng như một nhà thơ và tham gia hoạt động chính trị trong nhiệm vụ một quan chức Nga về nội trị. 

Từ cuối thế kỷ XVII, khi khai phá những vùng đất mới ở Viễn Đông và định hình biên giới với Trung Quốc, nước Nga luôn vấp phải những vấn đề lớn về chính sách đối nội với những dân tộc có mặt trên các lãnh thổ phía Đông của nước Nga. Triều đình Nga cần hiểu biết nhiều hơn về phương Đông, về châu Á, để từ đó đề ra những chính sách thích hợp. Hoàng thân Esper Ukhtomsky là người giữ nhiệm vụ giải quyết vấn đề đối nội lớn này. Ông đã thực hiện nhiều chuyến đi công vụ đến Siberia, viếng thăm Mông Cổ, Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm đến Buryat, một khu vực Siberi thời bấy giờ có nhiều người dân tộc bản địa sinh sống. Văn hóa Buryat có liên hệ mật thiết với văn hóa Mông Cổ, và vì thế, tôn giáo chính ở đây là Phật giáo Lạt ma. Từ năm 1741, dưới vương triều nữ hoàng Elizabeth, xuất thân từ một công chúa của Peter Đại đế, Phật giáo đã chính thức được thừa nhận ở Buryat. Tại đây bắt đầu xây dựng nhiều datsan (tu viện kiểu Tây Tạng). 

Khi đến công tác tại Buryat, hoàng thân Esper Ukhtomsky đã phát hiện những cố gắng từ phía những tín đồ Cơ đốc giáo Chính thống di dân nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Hoàng thân báo cáo vụ việc về Saint Petersburg với quan điểm bảo vệ sự phát triển Phật giáo như là một đặc thù của vùng đất này. Đây là một quan điểm tiến bộ, bình đẳng tôn giáo, tôn trọng văn hóa địa phương.  

Với  Hoàng thân Esper Ukhtomsky, quan điểm về một quốc gia Nga hai châu lục, đa dân tộc, đa tôn giáo được cũng cố. Ông phê phán và tích cực hạn chế những nỗ lực từ phía nhà thờ nhằm cải đạo dân địa phương sang Chính thống giáo. 

Những hoạt  động của Hoàng thân Esper Ukhtomsky đã góp phần tạo nên sự hưng thịnh của Phật giáo tại Buryat cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với 48 datsan được xây dựng tính tới năm 1914, trên mức dân số khoảng 300.000 dân. 

Các hoạt  động tích cực của Hoàng thân Esper Ukhtomsky được giới quý tộc và quan lại Nga đánh giá cao và họ ủng hộ những quan điểm tiến bộ của ông. Hoàng thân được bầu vào Hội Địa lý Nga, một tổ chức nghiên cứu khoa học tiếng tăm, được giới quý tôc Nga thành lập từ năm 1845, đứng đầu là các đại công tước Konstantin Nicolayevich và Nicholas Mikhailovich. Ảnh hưởng của Hoàng thân Esper Ukhtomsky lan rộng từ lãnh vực đối nội sang lãnh vực ngoại giao. Ông đã hướng sự chú ý của triều đình Nga về Tây Tạng. Đoàn thám hiểm mà hoàng thân là một thành viên đã đến được phía Đông Tây Tạng (nhưng chưa vào được Lhasa). 

Esper Ukhtomsky có quan hệ mật thiết với giáo sư Oldenburg, một nhà Phật học, và là thầy học của nhà Phật học nổi tiếng Stcherbatskoy. Ông cộng tác với cơ quan nghiên cứu Trung và Đông Á do Oldenburg là một trong những thành viên sáng lập. Nhưng hơn Oldenburg, ông là một đại thần, là người tham gia hoạch định chính sách của triều đình Nga, nên tác động tích cực hơn đối với sự phát triển của Phật giáo so với các nhà Phật học thuần túy nghiên cứu. Chẳng những sử dụng ảnh hưởng chính trị, hoàng thân Esper Ukhtomsky còn sử dụng cả báo chí để mở rộng ảnh hưởng quan điểm tôn trọng và phát triển Phật giáo của nước Nga châu Á. Ông là tác giả thường xuyên của tờ Công báo St.Petersburg về vấn đề này. 

Một trong những đóng góp đáng lưu ý nữa cho Phật giáo Nga của Hoàng thân Esper Ukhomsky là sự ủng hộ của ông đối với Lạt ma Agvan Dorzhiev, nhà lãnh đạo Phật giáo Nga ở châu Á. Hoàng thân Esper Ukhomsky đã mở đường cho hoạt động truyền bá Phật giáo từ phía Đông sang phần châu Âu của nước Nga, khởi đầu là lời mời Lạt ma Agvan Dorzhiev tới Saint Petersburg và tổ chức cuộc gặp giữa vị lãnh đạo Phật giáo với Sa hoàng Nicholas II vào năm 1898. 

Hoàng thân Esper Ukhtomsky đã tổ chức một cuộc vận động ngoại giao lớn cho Lạt ma Agvan Dorzhiev, thiết lập đầu cầu liên hệ giữa Phật giáo phía Đông nước Nga với những nhà Phật học ở Saint Petersburg như Stcherbatskoy, Oldenburg, P.K Kolov, DA.Klement. Cuộc viếng thăm này còn có kết quả là Sa hoàng đã ban hành quyết định về việc xây dựng một ngôi chùa Phật giáo lớn ở thủ đô Nga lúc bấy giờ là Saint Petersburg, mà nó vẫn còn cho đến hôm nay. 

Với sự  tôn trọng văn hóa Phật giáo, Hoàng thân Esper Ukhtomsky đã ra sức sưu tầm những cổ vật Phật giáo, hình thành một bộ sưu tập bào tàng về Phật giáo tại Saint Petersburg. Với sự ngưỡng mộ vị Hoàng thân hộ pháp, tín đồ Phật giáo Viễn Đông Nga cũng hiến tặng Esper Ukhtomsky nhiều cổ vật quý giá. Những cổ vật của ông đã là cơ sở cho một công trình nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng của một học giả Đức. Bộ sưu tập cổ vật Phật giáo đã được trưng bày trong các cuộc triển lãm quốc tế, được sự lưu tâm của giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn châu Âu, được trao tặng giải thưởng. Bảo tàng của ông đã được quốc hữu hóa sau Cách mạng Tháng Mười nhưng nhờ nó mà ông, một nhà quý tộc Nga, vẫn còn làm việc dưới chế độ mới như là một nhân viên bảo tàng, khảo cổ và thủ thư. 

Ngoài những tác động trực tiếp cho sự phát triển của Phật giáo Nga như vừa kể trên, ông còn có những tác động gián tiếp, như giữ nhiệm vụ bí thư của Sa hoàng khi còn là thái tử trong cuộc viếng thăm Nam Á, Đông Á. Đoàn đã đến Ấn Độ, Tích Lan thăm nhiều thánh tích Phật giáo. Trong dịp này, Hoàng thân Esper Ukhtomsky đã giới thiệu với thế giới về Phật giáo Nga tại Siberia

Đã có ghi nhận về sự mâu thuẫn giữa vị Hoàng thân ủng hộ Phật giáo với thầy phù thủy mang màu sắc Cơ đốc giáo G.Rasputin và các chức sắc thân Chính thống giáo tại triều đình Nga. Năm 1900 do việc này ông bị thất sủng. Từ đó ông không màng đến chức tước mà tập trung hết vào việc nghiên cứu. 

Là một nhà quý tộc Nga yêu nước, Esper Ukhtomsky mặc nhiên ra sức phục vụ hoàng gia và vương triều, thúc đẩy sự phát triển của nước Nga về phía Đông. 

Tuy nhiên, Hoàng thân đã khéo léo lồng tư duy Phật giáo của mình vào các hoạt động nội trị, ngoại giao được giao phó để tạo nên môi trường rất tốt cho việc truyền bá Phật giáo tại Nga, đồng thời đem lại lợi ích cho triều đình Nga. 

Về tôn giáo của ông, thì có tài liệu vẫn chép  ông là tín đồ Chính thống giáo Nga, có tài liệu ghi nhận ông theo đạo Phật. 

Nhưng xét chính kết quả những hoạt động của ông, thì Hoàng thân Esper Ukhtomsky là một đại thần hộ pháp lớn của Phật giáo. 

MT  

 


 
 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay