“CƠ CHẾ ĐẠO TRÀNG TỰ DO”?
Minh Thạnh
Cập nhật: 22:26:51 18/12/2009

“CƠ CHẾ  ĐẠO TRÀNG TỰ DO”? 

Minh Thạnh 

Hai bài  viết của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên và những lời bình sau đó đăng trên Phattuvietnam.net quả thực là làm tôi sốc. 

Dù đã có khái niệm phần nào về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam, nhưng người viết không ngờ đến mức như vậy. 

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Đại lễ Vesak 2008, cảm tưởng của người viết là các vấn  đề nội tại của Phật giáo Việt Nam đã có chiều hướng giải quyết theo hướng tích cực. 

Tuy nhiên, qua hai bài viết của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên và  phần lớn các lời bình, thì quả thực, vấn đề đáng “báo động”, như từ dùng ở tựa bài viết. 

Theo nội dung của hai bài viết và thông tin từ các lời bình, thì dù chúng ta đã có một tổ chức thống nhất, nhưng chỉ là ở danh xưng. Còn trong nội bộ thì phân hóa, chia rẽ. Hoạt động thì mỗi nơi mỗi kiểu. Như vậy, tất nhiên thì không thể có “sự thống nhất về ý chí”, thống nhất thật sự. Địa phương này hạn chế địa phương kia, các vị tăng sĩ quan hệ với nhau bằng những mâu thuẫn ngấm ngầm, hạn chế cả hoạt động hoằng pháp của nhau, cấm đoán nhau, loại trừ nhau… 

Chừng như  chỉ là một sự thống nhất trên hình thức, giáo hội trên hình thức, còn thực chất bên trong, thì như là các đơn vị riêng lẻ khác biệt nhau, mà còn đối kháng nhau. Thầy từ địa phương này qua địa phương khác thuyết pháp phải xin phép, y như là ở hai quốc gia khác nhau! Nhưng đi thuyết pháp ở quốc gia khác hầu như không bao giờ có sự ngăn cấm của quốc gia sở tại. Còn ở đây, chỉ từ tỉnh này qua tỉnh khác…Thật lạ lùng đến mức quái gỡ! 

Còn ai muốn theo một tôn giáo, mà ở đó những người cùng một tôn giáo, cùng một giáo hội tự cấm việc hành đạo của nhau? Thậm chí, theo một ý kiến trên diễn đàn, thì thà để Phật tử cải đạo sang tôn giáo khác còn hơn là cho bổn đạo của mình thọ học thầy khác. 

Nếu  đã như vậy, thì những việc tệ hại khác không có việc gì không thể xảy ra. 

Tất nhiên, nói đến một thực trạng như vậy là phải nói đến hướng giải quyết. 

Các bài viết và lời bình đều hướng cách giải quyết về  một hướng: cố gắng phấn đấu cho sự đoàn kết, dẹp bỏ sự chia rẽ, tăng cường sự nhất trí tăng ni… 

Đó là những biện pháp được nói đến từ cả trăm năm nay, hồi phong trào chấn hưng Phật giáo mới ra đời và lẽ tất nhiên cũng đã đạt được kết quả. 

Nhưng, theo suy nghĩ chủ quan của người viết, thì những biện pháp mà chư tổ đã áp dụng hàng trăm năm nay, qua mấy lần thống nhất Phật giáo, cũng có những hạn chế nhất định. Mà hiện trạng hôm nay, như các bài viết của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên và các phản hồi cho thấy, đã thể hiện điều đó. 

Vì vậy, chúng tôi thử đề xuất các giải pháp mới, mà  nội dung của nó, có phần trái ngược với những biện pháp đã có. Đây là những suy nghĩ riêng của người viết, mang tính chủ quan, và chịu sự ảnh hưởng của nghề nghiệp người viết bài. Chỉ xin được xem như là một phác thảo để tham khảo. Tìm những giải pháp mới, vì chúng tôi nghĩ rằng, nhắc lại những giải pháp mọi người đều biết thì cũng bằng thừa. Mọi người đều đã biết, đã nói, đã làm, đã hết sức cố gắng theo chiều hướng đó. 

Những giải pháp mà chúng tôi đề xuất dựa trên hai cơ sở căn bản. Đó là chấp nhận và đề ra giải pháp sống chung với tình trạng mất đoàn kết ở Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật giáo thế giới nói chung, và khai thác triệt để các phương tiện truyền thông hiện đại. 

Theo thiển ý của chúng tôi thiếu gắn kết nội bộ là một yếu tố nội sinh của Phật giáo và không thể đảo ngược được. 

Khi đọc bài thứ hai của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên, chúng tôi nhìn mãi tấm ảnh minh họa mà Ban Biên tập phattuvietnam.net chọn đăng chung với bài. Trong không gian nhỏ hẹp của vài chiếc ghế, bên cạnh các vị lãnh đạo nhà nước, là các vị lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng bấy nhiêu vị lãnh đạo Phật giáo là bấy nhiêu kiểu y, pháp phục khác nhau, không vị nào giống vị nào. Chúng tôi nhớ lại một ảnh chụp chung các vị giám mục tham dự một cuộc họp Hội đồng Giám mục Việt Nam. Họ mặc y phục y hệt nhau tuyệt đối. Cái bề ngoài hình thức đó cũng đã nói lên bản chất hai tôn giáo. Một bên giáo hội là một nhà nước – triều đình, chụp xuống như như một ngọn tháp, gắn chặt với các tăng lữ và con chiên thần dân. Còn một bên xòe ra như một bó hoa đủ loại, phần lớn cùng đẹp cùng thơm, cùng đóng góp hương sắc (đạo hữu Nghiêm Minh Kiên dùng hình tượng những củ khoai tây trong cùng một bao). 

Nếu  đã như vậy, chúng ta không thể biến những bông hoa nhỏ rời rạc thành một bông hoa lớn duy nhất được, cũng như không thể biến những củ khoai nhỏ thành chỉ một củ khoai to. 

Người viết nghĩ rằng, Đức Phật, với lục thông, có thể nhìn thấu quá khứ vị lai, đã dự đoán được tình trạng phân rẽ ở Phật giáo và ngài chấp nhận điều đó. 

Đức Phật đã không lập nên một giáo hội theo kiểu triều đình, thống nhất và tập quyền, với những người đứng đầu kế vị qua các đời. Ngài chỉ di huấn rằng hãy lấy giáo pháp làm thầy. Phật giáo giai đoạn sau khi Phật Niết Bàn bắt đầu với tinh thần như vậy và đương nhiên là báo trước một sự phân hóa không tránh khỏi. 

Không bao lâu sau khi Đức Phật Niết bàn, sự phân hóa đó đã xảy ra. Những bộ phái tăng chúng mới được hình thành từ sự phân ly. Tiến trình đó diễn ra lặp đi lặp lại bao nhiêu lần ở Phật giáo khắp thế giới. Ở nhiều quốc gia, nhiều tông phái cũng cùng phát triển trong một quốc gia. Nhiều người phương Tây lầm tưởng Đức Dalai Lama là lãnh đạo Phật giáo thống nhất toàn Tây Tạng như một giáo hoàng, nhưng thật ra, về tôn giáo ngài chỉ là người lãnh đạo một phái chính (bên cạnh đó Tây Tạng còn có Ban Thiền Lama). Hay như tại một số nước Phật giáo thế giới là tôn giáo hàng đầu như Thái Lan, cũng có hai tổ chức… 

Đã nhiều lần, các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới muốn thống nhất các hội đoàn hệ phái Phật giáo lại với nhau, nhưng không thành công hay thành công ở mức độ rất giới hạn và mong manh. 

Riêng ở  Phật giáo Việt Nam đã mấy lần thống nhất. Ngay từ giai đoạn đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo vào nửa đầu thế kỷ XX, mà một trong những mục tiêu là thống nhất Phật giáo về một mối, thì chính trong lúc đó thêm nhiều giáo hội tổ chức Phật giáo Việt Nam mới ra đời: Tịnh độ Phật giáo Phật hội cư sĩ, Giáo hội Tăng già Khất sĩ, Giáo hội Ni giới Khất sĩ, Theravada… 

Tổng hội Phật giáo Việt Nam, trong những năm 1950, với cố gắng hợp nhất lỏng lẻo các tổ chức Phật giáo ba miền cũng chỉ quy tụ một phần hội đoàn. 

Trong phong trào bảo vệ Phật giáo chống kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm đã xảy ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Ngay trong Giáo hội Tăng già Nam Việt (thụôc Tổng hội Phật giáo Việt Nam) đã có sự bất đồng từ cấp giáo phẩm cao nhất (tuy nhiên hòa thượng Thích Thiện Hòa, người chủ trương hạn chế đấu tranh, sau đó khoảng 10 năm, cũng đựơc suy cử lên ngôi vị Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Còn các giáo phái đứng ngoài cuộc đấu tranh cũng không ít. 

Năm 1964, ở miền Nam, trên tinh thần đoàn kết hiếm có đạt được sau pháp nạn lịch sử 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, với cơ chế, tổ chức chặt chẽ. Tăng ni Phật tử đều hi vọng đó là một bước tiến có ý nghĩa quyết định và chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Nhưng chỉ  sau khoảng một năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã phân hóa trầm trọng. Những vụ va chạm giữa 2 khối Ấn Quang và Việt Nam Quốc tự, tuy chưa phải là bạo lực, nhưng đã vượt quá sự tranh cãi bằng lời lẽ. 

Rồi sau đó tồn tại hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự) cùng một số tổ chức Phật giáo khác, tách ra hoặc từ đầu không gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

Chúng ta cũng đều biết việc thống nhất và thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981 cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đạt đến sự thành công về mặt tổ chức . Còn đến nay thì hiện trạng đã như lời báo động của Đạo hữu Nghiêm Minh Kiên. Dường như, đã có nhiều Giáo hội Phật giáo Việt Nam “con”, suy nghĩ và hoạt động khác nhau. 

Phật giáo Việt Nam với số tăng sĩ tín đồ ít ỏi ở hải ngoại cũng có đến hàng chục giáo hội, trong đó có đến mấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất! 

Tình trạng ngày càng đi theo chiều hướng phân hóa. Tăng sĩ có  vị, bên ngoài thuộc giáo hội này, đồng thời bên  trong lại hoạt động với một giáo hội khác. Còn trong một giáo hội, thì như các bài của đạo hữu Nghiêm Minh Kiên và các bình luận kèm theo, mỗi người đều làm theo ý riêng mình. Phía ngược lại có người tự cạo đầu, mặc áo vạt khách, không thọ giới mà tự phát nguyện giữ giới, nhà làm thành chùa, nhưng không treo bảng. Tu thì cũng có, nhưng không theo giáo hội nào hết, cũng không cần phẩm trật gì, không nhận cúng dường, tự trồng trọt lấy mà ăn. 

Theo ý  kiến chủ quan của chúng tôi, bây giờ tìm cách chận đứng quá trình phân hóa còn chưa xong, nói chi là đến việc củng cố, tăng cường đoàn kết (thậm chí, qua diễn đàn phattuvietnam.net, bài bình của tác giả Như Thi còn nói đến chuyện tôi không thể tưởng tượng: “thầy ở miền Nam ra lại là người của thượng sư Thanh Hải”). 

Vì vậy, theo suy nghĩ của chúng tôi, không thể hướng đến mục đích xây dựng Phật giáo Việt Nam thành một con thuyền lớn, tức là không thể giải quyết vấn đề nội bộ Phật giáo thiếu đoàn kết bằng hô hào, động viên đoàn kết, mà ngược lại, có thể khai thác chính sự phân rẽ vốn có như một hạn chế, chuyển hóa nó từ nhược điểm thành một ưu thế có thể vận dụng. 

Chính sự  phân hóa, cục bộ tạo ra sự đa dạng, những khám phá mới, tìm tòi mới, sáng tạo mới. Nửa đầu thế kỷ XX, Phật giáo đã phát triển ở Nam Bộ với nhiều chi phái. Thế nhưng, Tổ sư Minh Đăng Quang vẫn khai sáng hệ phái Khất sĩ. Chúng ta, đương nhiên, không thể coi đây là một hiện tượng tiêu cực. Đóng góp của những giáo đoàn khất sĩ vào hoạt động hoằng dương chánh pháp không phải nhỏ. Chính hoạt động tu hành tinh tấn, thanh tịnh, thu phục được nhiều Phật tử của quý sư Khất sĩ đã khiến nhiều vị tăng tu theo những dòng truyền thừa truyền thống đã phải coi lại mình. Chúng tôi muốn nói đến một sự “cạnh tranh” nội tại tích cực của các đơn vị nhỏ dưới nhiều hình thức. 

Khi đó, Phật giáo Việt Nam không phải là một con tàu lớn mà là nhiều con thuyền nhỏ cùng đua nhau, hướng về cùng một bờ bến, đưa người tu Phật đến bờ bến. Chính sự nỗ lực này sẽ là động lực gia tốc của những con thuyền. Một thuyền lớn hay nhiều thuyền nhỏ không quan trọng, miễn là chạy nhanh, chạy đúng hướng, chở được người, đưa người đến bến. 

Sẽ không cần có người hô hào, thúc hối, mà tự sự vận động có tính thi đua, “cạnh tranh” sẽ làm cho đoàn thuyền cùng tiến nhanh hơn. 

Chúng tôi xin tạm gọi đề xuất của chúng tôi là “cơ  chế đạo tràng tự do”, khác biệt với những giải pháp được bàn luận trên diễn đàn, xin được tạm gọi là “cơ chế đạo tràng mệnh lệnh”. 

Nếu có  một môi trường “cạnh tranh” nội tại tích cực như thế, thì cái lạc hậu, tiêu cực sẽ dần dần bị loại trừ như là một sự tất yếu. Phật tử không phải đều là những kẻ u mê, không phân biệt được tăng sĩ tinh tấn và kẻ phạm giới. 

Chính cái tự do vốn có của Phật giáo sẽ là động lực thúc đẩy Phật giáo phát triển. Trên diễn đàn Phattuvietnam.net, bạn DIEUYEN có nói đến hiện tượng một đạo tràng chỉ toàn xe hơi hạng sang. Vậy, một vị thầy khác hay chính chúng ta có thể lập một đạo tràng “xe Honda”. Xe Honda thì chắc chắn là nhiều hơn xe hơi rồi. Đâu cần vận động cái đạo tràng xe hơi hạng sang đó thu nhận xe Honda, xe đạp. Mà có vận động thì cũng vô ích. 

Hiện nay, các trung tâm hoạt động hoằng pháp nổi tiếng như chùa Phật Quang (Bà Rịa Vũng Tàu), chùa Hoàng Pháp (Hóc Môn, TPHCM), chùa Giác Ngộ (Quận 10, TPHCM), chùa Bửu Long (Quận 9, TPHCM)…đều là những đạo tràng, hình thành độc lập, tự do, thi nhau vươn lên dẫn đầu bằng nhiều hình thức sinh hoạt Phật sự phong phú. Và tất nhiên, dù không nói ra, nhưng trong đó tiềm ẩn một sự “cạnh tranh” nội tại, đương nhiên là tích cực. 

Càng mở  rộng hoạt động, những trung tâm này càng thu hút Phật tử từ những chùa khác. Điều này buộc các chùa đều phải cố gắng. Như thế, việc hóa đạo đương nhiên phát triển. Phật tử khi đã đến những ngôi chùa có hoạt động hoằng hóa mạnh mẽ, hoạt động tu học nghiêm cẩn, đương nhiên sẽ không chấp nhận những chùa sơn môn không thanh tịnh, dễ duôi trong việc tu hành. Vì thế sẽ tạo áp lực để tăng chúng ở những chùa như vậy phải thức tỉnh, nếu không, thì chẳng còn ai coi mình là thầy nữa, dù có chức vụ hay phẩm trật này nọ. 

Thực tế,  Phật giáo Việt Nam hiện đang phát triển theo hướng mà chúng tôi tạm gọi là “cơ chế đạo tràng tự do”. 

Mấy chục năm trước, giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (miền Nam) ban hành một mẫu Kinh Nhật tụng thống nhất, các chùa trong giáo hội dù lớn dù nhỏ đều tụng theo. Ngày nay, vào một tiệm sách đã thấy có đến 3, 4 quyển kinh Nhật tụng (của tác giả Thích Nhất Hạnh, Thích Nhật Từ…). 

Các thầy vốn là người lãnh đạo các trung tâm hoằng pháp lớn (như chùa Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu; Đạo tràng Pháp Hoa…) cũng soạn những nghi thức riêng. Điều đó là sự phân hóa, chia rẽ có tính chất tiêu cực hay là những cố gắng theo khuynh hướng tự do ngày càng hoàn thiện, ngày càng phong phú, tạo sự lựa chọn rộng rãi, có tính chất tích cực? Xét về nội dung, các bản kinh nhật tụng do cá nhân chư tôn đức biên soạn về sau đều phong phú hơn, súc tích hơn bản Kinh Nhật tụng trước đó (Nhà in Sen Vàng, chùa Ấn Quang phổ biến). 

Trong điều tạm gọi “cơ chế đạo tràng tự do” đó, các chùa, các Phật tử tụng niệm ở tư gia, tùy yêu cầu và đánh giá riêng, sẽ tự do lựa chọn bản kinh Nhật tụng thích hợp. 

Qua nội dung trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng bản chất liên kết lỏng lẻo, giới hạn về tính chất thống nhất, đoàn kết thực ra cũng có giá trị hai mặt. Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao thúc đẩy mặt tích cực  và hạn chế những tác động tiêu cực của bản chất. Chúng ta nên tìm cách sống chung với tính chất đa cực của Phật giáo hơn là tìm cách cải tạo nó thành một cực với những yêu cầu không khả thi. 

Trong những bài sau, chúng tôi sẽ đề cập đến việc sử dụng những yếu tố thời đại để thúc đẩy mặt tích cực của điều tạm gọi là “cơ chế đạo tràng tự do”… 

 

 

 

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay