CHÙA: KHOẢNG CÁCH VÀ KHÔNG KHOẢNG CÁCH
Minh Thạnh
Nhà thờ, dù Thiên Chúa La Mã hay Tin Lành, đều được xây dựng ở nơi dân cư đông đúc, nơi trung tâm. Thánh thất Cao Đài cũng thế.
Chỉ riêng nhà chùa thì có sự sai khác. Chùa có ở trong những ngõ hẻm sâu (cả Hà Nội, TPHCM đều có).
Chùa được xây dựng ở nơi trung tâm. Chùa được xây dựng vùng ven, ngoại thành, nông thôn…
Đặc biệt, có những chùa xây dựng trên núi cao. Ở đây, có thể chia làm 2 loại. Có chùa dùng núi cao như một chướng ngại địa lý tự nhiên để người tu sĩ có thể ngăn cách hẳn với nơi phồn hoa đô hội, ít người lui tới, thuận tiện cho việc ẩn tu.
Loại thứ hai thì dù xây dựng ở vùng núi non, nhưng vẫn tính đến việc đón tiếp đông đảo Phật tử. Đây là loại chùa mà chúng tôi muốn bàn luận vấn đề khoảng cách và không khoảng cách.
Người viết có dịp tìm đến một am trong núi của một thiền sư nổi tiếng ở xứ Huế. Am trong núi được gọi với tên có cụm từ “sơn thượng”. Nghĩ rằng đây là nơi ẩn tu, để đi đến phải vất vả lắm, nên thực phẩm, nước uống, cả thuốc men, băng cứu thương được chuẩn bị đầy đủ. Chuyến đi được khởi hành rất sớm, và còn dự trù khả năng vào không đến được nơi vì không đủ sức. Người đi chùa mang ba lô như… đi hành quân!
Nhưng, thật không ngờ, xe Honda chạy đến nơi dễ dàng, tuy mất thời gian. Đường núi lòng vòng, khá dài, nhưng xi măng bê tông phẳng phiu, rất tốt, xe chạy khá êm. Người đi đến am tự hỏi, vì sao phải dựng am “sơn thượng” sâu trong núi để rồi phải làm đường hết sức tốn kém như thế? Chung quanh am là cây rừng, cũng không phải có được vị thế từ trên cao nhìn xuống. Nếu cất am ở gần đường lộ hơn thì cũng dễ có đựơc cảnh quan như vậy. Am chỉ mới cất gần đây, hình như không phải là chùa cổ di tích truyền lại.
Cũng một trường hợp như thế, nhưng là một ngôi chùa khá lớn xây ở lưng chừng một ngọn núi ở Bà Rịa Vũng Tàu. Chùa mới, có đông Phật tử ở TPHCM, nhưng cách thành phố đến 100km. Đáng ngại nhất là đường lên núi. Mấy năm trước đường rất xấu và rất nguy hiểm. Đi xe gắn máy thì trầy qua trớt lại, một bên là vực sâu lạnh cả người. Còn đi xe hơi thuê thì dù đã thỏa thuận trước nhiều tài xế cũng không chịu lên.
Có lần người viết đi một chiếc Kia, loại thường dùng làm taxi, máy tương đối yếu, chỉ leo núi khoảng 100m thì trong xe bốc mùi khét lẹt. Xe phải quay xuống núi trong sự hốt hoảng của mọi người bên trong.
Những lần dùng ô tô tốt hơn lên được đến chùa thì tài xế đều xin thêm tiền, nói là để… sửa xe (!). Có lần, khi đã cùng vào chùa, tài xế nói khéo là chùa được cấp giấy khen của SaigonPetro (!) Không hiểu ý, tôi vừa thắc mắc vừa dáo dác tìm giấy khen trên tường, bụng nghĩ thầm sao sao chùa lại liên quan đến…dầu khí? Tài xế đỡ lời: “Vì xuống núi thì mình phải đi thay nhớt xe thôi” !
Nếu nhà chùa tự làm lại con đường cho tốt hơn để ôtô có thể dễ dàng lên được thì kinh phí có thể đến cả trăm tỷ đồng.
Còn tính chi phí nhiên liệu, khấu hao máy móc xe mỗi lần leo núi và nhân lên cho số lượt xe chở khách từ TPHCM đến viếng chùa thì phí tổn không biết bao nhiêu mà kể.
Chùa cũng nằm bên triền núi, cây rừng che khuất bốn bên, như am “sơn thượng” ở Huế đã nói ở trên, cũng không có được cảnh quan từ độ cao nhìn xuống.
Cũng còn không ít những ngôi chùa như vậy (không phải chùa cổ). Như Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu, phải leo núi một chặng không phải ngắn, mới đến được tượng Phật. Tuy có cảnh quan từ trên cao nhìn xuống, nhưng phía dưới biển là một cảng cá, không thanh tịnh chút nào. Nếu so với khu Đức Mẹ Bãi Dâu gần đó, xây dựng không xa một bãi tắm nhiều du khách (nhưng cố ý tránh hướng về phía bãi tắm), nhà nguyện, tượng thánh đều nhìn thấy từ dưới đất, lên núi một chút là đến nơi, rất thuận lợi cho khách hành hương.
Chúng tôi cứ băn khoăn, những ngôi chùa tạo khoảng cách như thế làm gì. Tạo khoảng cách rồi giải quyết vấn đề khoảng cách bằng chi phí rất lớn của nhà chùa bỏ ra làm đường, hay chi phí mà Phật tử phải chi cho phương tiện để đến chùa, theo đó là không ít nguy hiểm cho tính mạng do đường núi cheo leo. Chúng tôi có nghe kể trường hợp một Phật tử qua đời vì vấn đề tim mạch khi leo núi đến một ngôi chùa khác cũng ở Bà Rịa. Còn vị trụ trì (thường trú ở TPHCM), đã cao tuổi, mỗi lần leo núi phải có người võng. Chúng tôi đã từng được võng lên một ngôi chùa trên núi ở Bình Thuận, chi phí vài trăm ngàn, nhưng đi võng một lần không dám đi lần thứ hai, vì chỉ một cái trợt chân, mình có thể bị quăng xuống vực như chơi. Tôi lo lắng cho vị hòa thượng trụ trì ngôi chùa trên núi đó mỗi lần nhớ lại cảm giác khi “được” võng lên núi.
Một cảnh chùa thanh tịnh có thể nằm giữa một vườn cây (như các chùa Khmer ở Tây Nam Bộ), nằm ở ven sông như chùa Hội Sơn, Quận 9, TPHCM, nằm ở chân núi như Thiền Viện Chơn Không Vũng Tàu với độ cao vừa phải? Làm chi để tốn tiền làm đường, tốn xăng, tốn xe, và chịu nguy hiểm để vượt qua khoảng cách mà các vị tu sĩ Phật giáo hiện đại cố ý tạo ra đó. Khoảng tiền lớn lao chi phí đó có thể làm được bao nhiêu Phật sự, giúp ích cho bao nhiêu người.
Tìm lại kinh điển thể hiện quan điểm xây chùa thời Đức Phật hiện tiền (lúc đó gọi là Tinh xá), chúng tôi thấy đoạn kinh sau trích từ Luật tạng, Tiểu phẩm, Chương Sàng tọa, câu 242 – 256 (bản tuyển của F.L. Woodward, Như Quang soạn dịch: Những lời Phật dạy, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, trang 2009). Đây là đoạn kinh miêu tả việc lựa chọn địa điểm để xây Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), nơi Đức Phật thường xuyên lưu trú. Như thế, tất nhiên là phù hợp quan điểm của Đức Phật về việc lựa chọn vị trí để chúng tăng tu hành.
“Sau đó, khi đã về đến thành Savatthi, gia chủ Anathapindika đã xem xét quanh thành Savatthi (nghĩ rằng): “Đức Thế tôn nên ngủ ở nơi nào đây? Đối với Ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Gia chủ Anathapindika đã nhìn thấy khu vườn của vương tử Jeta (Kỳ Đà) là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn…” (lặp lại như trên theo phong cách hành văn Nikaya, đoạn nhấn mạnh của người trích).
Đức Phật chấp nhận tiêu chí nêu trên qua việc Ngài thường xuyên lưu lại Kỳ Viên và rất nhiều bài kinh được thuyết ở đây.
Đức Phật vẫn sáng sáng dẫn tăng chúng đi khất thực (đi bộ). Nếu địa điểm tu tập có khoảng cách quá lớn với khu dân cư thì làm sao thực hiện được điều này.
Rõ ràng, nơi tu hành của tăng chúng và khu dân cư cần có một khoảng cách và khoảng cách đó có thể định lượng là trong tầm đi bộ đến và trở về giới hạn trong buổi sáng.
Tạo ra một khoảng cách quá mức để ở ẩn, rồi lại tốn nhiều chi phí để giải quyết vấn đề của khoảng cách đó, là hoàn toàn không phù hợp với lời kinh Phật. Chi phí và sự khó khăn để đến cái chùa ở thâm sơn cùng cốc đó gián tiếp là một gánh nặng cho Phật giáo, dù chưa có ai tính cụ thể.
Mà trong hoàn cảnh giao thông, sản xuất hiện nay liệu có còn chỗ mà ở ẩn? Chúng tôi biết một “rừng thiền”, xây dựng ở một vùng núi rất đẹp, từ quốc lộ vào đó khá xa. Vì vậy, không có điện. Đêm đêm, tiếng máy phát điện chạy rì rầm, cũng là một dạng tiếng ồn.
Rồi vì là nơi hoang vắng, nên ngay cạnh đó mọc lên một công trường khai thác đá. Không chỉ là tiếng đập đá, sàng đá từ sáng đến chiều, bụi đá mù mịt, mà thỉnh thoảng còn có những tiếng nổ mìn phá núi, cái tiếng ồn chắc chắn là vượt trên tất cả mọi thứ tiếng ồn.
Cũng nghe nói, một ngôi chùa trên một ngọn núi hẻo lánh ở miền Trung mấy năm gần đây nằm dưới lộ trình bay huấn luyện của một đơn vị không quân, cũng cùng mục tiêu tìm những nơi hẻo lánh. Mỗi ngày trừ chủ nhật, máy bay phản lực thao dợt bay qua gầm rú hàng chục lần…
Có ngôi chùa với tượng Phật Niết Bàn lớn nhất Việt Nam xây ở chót núi, tỉnh Bình Thuận, trước đây đến rất khó khăn, lên xuống là cả ngày trời (nhưng tượng cũng nằm trong vườn cây, không thấy được từ xa), nay có cáp treo đi khoảng 10 phút là tới. Nhưng cáp treo lên xuống giá vé khá cao. Trường hợp này, chùa ở càng cao thì công ty cáp treo thu được lợi nhuận qua bán vé. Nhưng đây là chùa cổ, chúng ta có thể chia sẻ.
Chúng tôi viết bài này khi đọc trên phattuvietnam.net tin một ngôi chùa trên núi nhưng nổi tiếng ở Bà Rịa Vũng Tàu có thể là sắp xây mới, vì hiện còn quá đơn sơ.
Giá mà những ngôi chùa mới nằm không xa thành phố, theo tinh thần kinh Phật: “không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn” thì đỡ cho số đông Phật tử biết mấy. Và điều chắc chắn số người đến chùa sẽ đông hơn, số người được hóa độ cũng nhiều hơn... |