CẦN CÓ NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH THUYẾT PHÁP AUDIO, VIDEO DÀNH RIÊNG CHO THIẾU NHI VÀ THANH NIÊN
Minh Thạnh
Chúng tôi viết bài này sau khi đọc bản dịch bài “Nhật Bản: Tu sĩ Phật giáo dựa vào Văn hóa dân gian hiện đại để khôi phục lại tín đồ” của Catherine Mekino và Naoyniki Ogi đăng trên trang Web Phật tử Việt Nam.
Bài nói trên có đoạn dẫn lời của một vị sư nói về việc phổ biến dĩa DVD về ngài Thân Loan: “Khi thầy cho 15 đứa trẻ xem phim tại trường vào ngày Chúa nhật, “chúng buồn ngủ vì phim quá dài””. Bộ phim tuy là hoạt hình này dài đến 108 phút.
108 phút đối với một bộ phim hoạt hình , không xác định được đối tượng, là điều đáng ngạc nhiên! Kết quả bài báo ghi nhận không có gì lạ.
Tuy nhiên, từ việc này có thể liên hệ đến các chương trình video, audio thuyết pháp ở ta.
Đầu dĩa DVD, VCD, CD, Mp3 thuyết pháp có rất nhiều, nhưng dành cho giới trẻ, nhất là cho thiếu nhi không được bao nhiêu.
Trong lý luận truyền thông, xác định đối tượng tiếp nhận là rất quan trọng. Lứa tuổi là một trong những tiêu chí cơ bản để xác định đối tượng. Một chuơng trình truyền hình không xác định đối tượng là không hiệu quả. Có nghĩa là chương trình đó chắc chắn không dành cho thiếu nhi.
Ngày xưa, đức Phật cũng tùy chúng mà thuyết pháp. Phần đầu của một bài kinh vẫn thường xác định: Thuyết cho ai?
Hồ Chủ tịch cũng dạy người cầm bút trước khi viết phải xác định “viết cho ai”.
Trong giảng dạy, cùng một tác phẩm, nội dung giảng ở cấp 1 hoàn toàn khác với nội dung ở đại học.
Vì thế, nhu cầu cấp bách được đặt ra là cần có những bài pháp đặc biệt cho thiếu nhi, càng chuyên biệt hóa theo lứa tuổi càng tốt (có thể tạm phân chia theo cấp học).
Trước hết, cần có những buổi thuyết pháp cho đối tượng người nghe là thiếu nhi và phân khúc theo đặc điểm tâm, sinh lý từng lứa tuổi.
Trong sinh hoạt Phật giáo, các chùa vẫn tổ chức các buổi thuyết pháp cho gia đình Phật tử là đã đi theo hướng này
Tuy nhiên, việc phân khúc ở phạm vi nhỏ hơn đối tượng theo lứa tuổi như đã nói ở trên là điều cần thiết trong việc tiếp nhận Phật pháp.
Nhi đồng, thiếu nhi và thanh niên có tâm sinh lý khác nhau, trình độ khác nhau. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn đối với việc tiếp nhận giáo pháp.
Điều đó yêu cầu giảng sư không những là người am hiểu Phật pháp, mà còn phải am hiểu tâm lý sư phạm và truyền thông.
Ép trẻ sớm nghe những giáo pháp cao siêu sẽ có tác dụng ngược lại. Chẳng những trẻ buồn ngủ như trường hợp xem dĩa DVD về ngài Thân Loan, mà còn gieo vào lòng trẻ một ấn tượng không hay về Phật pháp (cầu kỳ, cao xa, khó hiểu…). Điều đó sẽ tiếp tục có ảnh hưởng vào những năm về sau, tạo nên “ẩn ức” của trẻ với Phật pháp.
Đã đến lúc cần có những bài pháp soạn theo lứa tuổi.
Ngoài ra còn có những yếu tố phải tính đến như địa phương (thành phố hay nông thôn, miền xuôi hay vùng cao), giới tính…
Chuẩn bị cho trẻ thâm nhập thuận lợi vào con đường đạo pháp là chuẩn bị nền móng cho ngôi nhà Phật pháp. Giác ngộ không chỉ là khái niệm của người lớn. Trẻ nhỏ cũng có sự giác ngộ, nếu chúng ta dành cho các em một sự giáo hóa thích hợp.
Nhưng chắc chắn trẻ khó mà tiếp nhận, nói chi đến những yêu cầu cao hơn, nếu chúng ta mang đến cho trẻ một hình thức giáo pháp chỉ thích hợp cho người lớn.
Có khi chỉ phải xác định một giới hạn rất hẹp. Có thể lấy thí dụ tác phẩm Nói với tuổi hai mươi của một thiền sư, rất thành công trong nhiều thập kỷ. Người viết trình bày những vấn đề của đạo Phật liên hệ đến cuộc sống khi đã nhìn rõ đối tuợng đang nghe mình nói.
Có những bài pháp dành riêng theo lứa tuổi thì tất nhiên dễ có những chương trình audio, video Phật học theo lứa tuổi.
Hiện nay truyền thông đang phát triển theo con đường chuyên biệt hóa. Đã có kênh truyền hình tôn giáo dành cho thiếu nhi, thí dụ kênh Smile of A Child của Cơ đốc giáo (tại châu Á phát qua vệ tinh ABS-1)
Những chương trình truyền thông tôn giáo hướng tới đối tượng thanh thiếu niên trước hết thường phải có thời lượng ngắn, cụ thể và sinh động.
Trên kênh Dhamma Channel của Thái Lan, có chương trình dành riêng cho các lứa tuổi khác nhau (nhi đồng, thiếu niên, thanh niên). Các chương trình đều ngắn, vui nhộn, dễ hiểu, gần gũi. Đặc biệt, thỉnh thoảng có thể thấy trẻ em ngồi thiền, nhưng ngồi chung với các bạn cùng lứa tuổi, không ngồi chung với người lớn.
Một số tờ tập san lưu hành nội bộ trước đây có truyện tranh Phật giáo rất thích hợp cho thiếu nhi, nhưng rất tiếc gần đây không còn nữa. Thiết tưởng đã đến lúc cần sách Phật dưới dạng nhiều hình ảnh, màu sắc dành cho lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên.
Nhưng dễ nhất là các bài thuyết pháp ngắn, đơn giản, dễ hiểu.
Có thể truyền đạt Phật pháp cho thiếu nhi bằng phương tiện truyền thông hiện đại qua hình thức tổng hợp. Thí dụ, một dĩa VCD vừa có thuyết pháp ngắn vừa có ca nhạc, phim hoạt họa từ các kênh truyền hình Phật giáo, vừa có trò chơi (dạng “đố em kiến thức Phật học”), vừa có sinh hoạt du lãm các cảnh chùa…
MT |