Bằng Lòng Trong Lúc Tu
Thanissaro Bhikkhu
Cập nhật: 08:49:30 12/12/2009

Bằng Lòng Trong Lúc Tu

Thanissaro Bhikkhu

Mỗi lần mình ngồi xuống thực tập quán hơi thở, hãy nhớ đến câu chuyện con bò ngốc, thiếu kinh nghiệm. Con bò đang ở trong một đồng cỏ xanh tươi bên sườn đồi này, có nhiều cỏ non và nước mát, nhưng trông thấy đồng cỏ bên sườn đồi bên kia, nó bắt đầu thắc mắc “Không biết cỏ bên kia như thế nào? Nước bên kia ra làm sao?” Và bởi vì nó là một con bò ngốc nghếch, thiếu kinh nghiệm, nó lên đường sang đồng bên kia. Nó không biết làm sao để đi xuống đồi, vượt qua khe và leo lên sườn đồi bên kia, cho nên nó bị lạc chính giữa. Nó không qua được sườn đồi bên kia mà cũng không trở lại được chỗ xuất phát.

Câu chuyện này dụ cho tâm, khi đi vào một trạng thái định, thắc mắc không biết sẽ đi đâu tiếp để được một cái gì tốt hơn. Bí quyết là học làm sao an trú được nơi đồng cỏ của mình, để cỏ có cơ hội mọc, để mình có cơ hội thưởng thức nước mát ngay tại chỗ mình đang ở. Và nơi mình ở tự đó sẽ phát triển, tiến đến những trạng thái định mỗi lúc một sâu hơn. Đây là vì sao trước khi bắt đầu làm việc với hơi thở ở chỗ này chỗ kia, điều chỉnh nó chỗ này chỗ kia, mình cần phải tìm ít nhất một vùng ở đó hơi thở thoải mái, dễ chịu, và tập trung sự chú ý vào đó.

Một ví dụ khác để so sánh là nhóm lửa vào ngày gió. Mình có một chút lửa, mình lấy tay che chở để nó không bị thổi tắt. Đồng thời, mình không cắt đứt nguồn dưỡng khí (oxygen.) Mình che tay vừa đủ, giữ cho ngọn lửa đó tiếp tục, mội hồi sau lửa sẽ bắt. Rồi nó sẽ lan ra cả đống củi mà mình chất chụm. Nhưng quan trọng là mình phải làm sao giữ cho được nhúm lửa lúc ban đầu.

Với hơi thở cũng vậy: Hãy tìm ít nhất một vùng nhỏ và trụ ngay đó một hồi. Không cần phải là một vùng lớn, một vùng nhỏ thôi. Hãy tự bằng lòng với vùng nhỏ đó lúc này. Hãy để cho nó được thoải mái. Sau một hồi, nó sẽ bắt mồi. Và mình có thể bắt đầu làm cho cảm giác thoải mái, dễ chịu đó lan toả khắp toàn thân, vì mình đang ở trong thế mạnh. Mình đang thực tập từ một vị trí thoải mái, chứ không phải từ một vị trí chán nản, lo lắng hay bồn chồn, nghĩ rằng cái này phải như vầy, hay cái kia phải như kia. Chỉ vui với những gì mình đang có, và cho phép nó tăng trưởng. Hãy bằng lòng với những cái nho nhỏ trước, và với sự tu tập, cuối cùng chúng sẽ lớn dần thành những cảm giác an lạc lớn hơn.

Hãy nhớ rằng từ jhana (thiền định) đến từ động từ jhayati, hay cháy. Động từ này không phải được dùng để diễn tả bất cứ loại cháy nào; nó được dùng để diễn tả sự cháy của một ngọn đèn dầu. Khi một ngọn đèn dầu cháy, ngọn lửa đều đều, không thay đổi. Đó có thể không phải là ngọn lửa lớn, nhưng sự đều đặn của nó là cái giúp thắp sáng cho căn phòng. Mình có thể đọc được dưới ánh sáng ấy. Nếu nó là một ngọn lửa lung linh, thì mình không dùng nó để đọc được, cho dù nó có sáng đến đâu đi nữa, bởi vì những cái bóng sẽ nhảy múa khắp nơi trong phòng. Nhưng ngọn lửa đều đặn của cây đèn dầu là cái giúp mình đọc được ngay cả ở trong phòng tối.

Đối với trạng thái định tâm của mình cũng vậy. Mình trú đều đều một chỗ. Sự đều đặn, trước sau như một nơi cái nhìn của mình chính là cái giúp cho vùng quán sát đó trở nên thật sự dễ chịu, thoải mái. Ban đầu, nó có thể không thoải mái gì cho lắm, chỉ là một vùng tàm tạm nào đó trong thân thôi. Hơi thở đi vào ổn, đi ra ổn. Không có gì đặc biệt, không có gì đáng chú ý lắm. Nhưng mình thấy rằng khi mình cho phép mình lắng xuống, an trú nơi đó, thì nó giải quyết được vấn đề căn bản của tâm ý: sự căng thẳng nằm bên dưới, sẵn sàng trỗi dậy trước một việc gì đó, giống như con mèo nằm yên một chỗ, nhưng thu mình lại sẵn sàng để nhảy xổ ra. Nếu mình có thể chụp được tấm ảnh của tâm, thì nó sẽ giống như vầy: một con mèo thu mình lại, sẵn sàng để xồ tới. Khi nó đáp xuống một đối tượng, một phần của nó sẵn sàng bật ngược khỏi đối tượng ấy khi nó không ưa đối tượng đó,  khi đối tượng đó trở nên khó chịu, vì đó là đường lối nó vẫn thường dùng để đối phó với mọi đối tượng.

Nhưng ở đây, mình để cho nó lắng lại, an trú nơi một khu vực nhỏ, và để cho cảm giác căng thẳng đó trong tâm rã ra bớt. Mình tan vào đối tượng của sự tập trung của mình, rồi để cho cảm giác tan chảy đó lan toả khắp toàn thân, xuống đến tận các đầu ngón tay, ngón chân. Như vậy, sự hành thiền sẽ tiến triển tốt hơn là mình cứ phải phấn đấu, và dò đoán quá nhiều. Mình cần phải học làm sao để đưa vào vừa đủ sức ép, vừa đủ thúc đẩy, không nhiều quá, không ít quá. Mình càng bén nhạy bao nhiêu trong thiền tập, thì sự hành thiền của mình sẽ càng tiến triển tốt bấy nhiêu.

Vậy, mình có một đồng cỏ đâu đó trong thân. Nó có thể không lớn, nhưng nó có đó. Mình không ngồi đó mà thắc mắc đồng cỏ sắp tới sẽ ra làm sao, hay có những đồng cỏ nào quanh mình. Hãy ở ngay tại chỗ mình đang ở, và cỏ sẽ mọc lên. Nước sẽ chảy qua. Và mình sẽ thấy chỗ mình đang ở bắt đầu phát triển. Đó là loại định mà mình có thể thật sự sống với.

Nói khác hơn, đó là loại định mình có thể cầm lấy, mang theo với mình đi bất cứ nơi nào, chứ không phải là chỗ mình thiết kế trước quá nhiều, thai nghén trước quá nhiều, và phải làm cái này, cái kia, phải điều chỉnh cái này, cái kia, cho đến nổi nó trở thành quá lý thuyết. Chỉ cảm nghiệm làm sao cho an ổn ngay đây, thoải mái ngay đây, và bất cứ đi đâu, mình cũng sống với cái “ngay đây.” Mình có thể nhận diện xem cảm giác dễ chịu đó là ở đâu, và mang nó theo với mình đi bất cứ chỗ nào. Đó là loại định có khả năng lớn mạnh, tăng trưởng. Đó là loại định thấm vào sự sống của mình, và bắt đầu tạo nên sự thay đổi trong cách mình suy nghĩ, hành động, và nói năng, bởi vì nó có mặt trong mọi nơi, mọi lúc. Nó không đòi hỏi quá nhiều uốn nắn. Nói có thể cần một chút chăm sóc, nhưng không phải dựa trên cái mình đọc từ trong sách. Nó chỉ là cảm giác an ổn, lành mạnh ngay đây. Mình có vùng an lạc nho nhỏ đó, và mình mang nó theo với mình.

Ajaan Fuang có lần nói rằng niệm và định là những cái vi tế, nhỏ nhiệm, nhưng mình phải giữ gìn chúng miên mật. Câu này bằng tiếng Thái nghe hay hơn, vì là câu chơi chữ. Có chữ nit, nghĩa là nhỏ, nhưng cũng có chữ nit - viết khác nhưng đọc giống – có nghĩa là luôn luôn, đều đều. Vậy định là cái vi tế mà mình hành đều đều, miên mật. Khi định đến từ chỗ an ổn, khoẻ khoắn lúc ban đầu, nó sẽ ổn định, vững vàng hơn nhiều. Mình có thể duy trì nó lâu hơn nhiều. Cảm giác an ổn, khoẻ khoắn bắt đầu lan toả khắp thân tâm khi mình cho nó cơ hội tiến triển, khi mình để cho cỏ mọc và nước lưu thông. Hay, nói theo hình ảnh của ngọn lửa, khi mình cho nó đủ không gian và sự bảo vệ để nó bắt cháy.

Trong một bài pháp thoại, Ajaan Lee nói rằng những cái lớn phải bắt đầu từ những cái nhỏ. Đôi khi, mình phải tự bằng lòng với chỉ một chút định thôi, một vùng an lạc nho nhỏ, nhưng mình kiên trì đều đặn với nó. Mình trồng một cây chuối, ít lâu sau, nó sẽ lớn và cho mình nhiều hột để trồng thêm những cây chuối khác. Mình phải lấy hột ra khỏi trái chuối - ở Thái Lan người ta có chuối có hột – mình trồng, và ít lâu sau mình có cả vườn chuối. Hoặc hay hơn nữa, xoài: Mình có một cây, và mình chăm sóc kỹ. Mình chưa lo đến chuyện trồng phần đất còn lại. Mình có một cây, sau một thời gian, nó cho mình những trái xoài, và từng chút từng chút một, mình có thể trồng cả vườn xoài với những cái hột mình lấy được từ trái của một cây xoài. Đồng thời, mình được ăn xoài. Mình có thể tự vui thích. Nói cho cùng, đây là một phần của con đường (đạo), phần mà Đức Phật đề cập đến một cách rõ ràng dứt khoát: hỷ, lạc, và khinh an là những chi phần của giác ngộ. Nếu mình không có cảm giác an lạc ấy, sự thực tập sẽ rất khô khan.

Trong lúc trồng và ăn xoài, mình thấy rằng con đường thật đẹp, thật đáng đi theo – không phải chỉ vì mình biết nó sẽ đưa mình đến một chỗ tốt lành, mà bởi vì nó là một con đường êm ái, tốt lành ngay trong lúc mình đang ở đó. Mình không phải đang đi qua sa mạc. Mình đang đi qua những vườn cây và những vùng quê màu mỡ. Nếu mình học nhận diện cây nào là thực phẩm, cây nào là dược thảo, thì sẽ có nhiều thứ giúp mình khoẻ mạnh, hăng hái trong suốt chặng đường.

 Tn Giải Nghiêm dịch

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay