MỸ THUẬT TRONG MẬT TÔNG PHẬT GIÁO
Thích Nhuận Châu
Cập nhật: 07:49:52 06/12/2009

MỸ THUẬT TRONG MẬT TÔNG PHẬT GIÁO

 

Mỹ thuật trong Phật giáo Mật tông Ấn Độ, ở vùng Hy-mã-lạp sơn, và vùng Đông Nam Á được kích thích bởi Kim cương thừa (Vajrayāna), có khi được gọi là Tantra, gọi cho những kinh điển được gọi là tantra (nghĩa là đan dệt–woven threads) mà tông phái đó hành trì. Những mỹ thuật này là những bộ phận hoàn chỉnh của nghi thức thiền định (sadhana) mà Kim cương thừa phát triển để khai thác năng lực cần có để thành tựu giác ngộ chỉ trong một đời. Mỹ thuật Kim cương thừa được gọi là Mỹ thuật Mật tông Phật giáo vì phức cảm mãnh liệt và đặc trưng bí ẩn của các pháp thiền quán khiến cho đặc trưng của nền nghệ thuật ấy trở nên huyền bí và “ẩn mật” đối với tất cả, nhất là người sơ cơ. Để vận dụng hoàn toàn nghệ thuật Mật tông, các hành giả phải được hướng dẫn ngay từng bước bởi một vị đạo sư phẩm hạnh. Quan niệm chỉ cần tu tập y theo kinh điển là chưa đủ.

 

H.1 Sự hợp nhất của Cakrasamvara và Vajravarahi. Tranh treo tường (thangka). Ở Nepal, khoảng vào năm 1450. Sưu tập của Nasli và Alice Heeramaneck. Hiện trưng bày ở Viện Bảo tàng County Museum of Art, Los Angeles, Hoa Kỳ.

 

 

Về mặt thẩm mỹ, có một vài khái quát có thể được nêu ra về hội họa Mật tông. Vì hình thái của con người là một ‘pháp khí’ để tu đạo, dáng dấp đó là tối cao. Hình ảnh của biểu tượng là rất quan trọng vì là trung tâm cho những pháp thiền quán đặc biệt. Một Mạn-đà-la thường kết hợp trong cách dùng những hình ảnh và biểu tượng để tạo nên hiệu quả. Bố cục, chiều sâu, và khối lượng chỉ được định rõ qua vị trí kề nhau của các màu sắc tương phản và những lằn ranh định nghĩa chắc chắn; những miêu tả hiện thực đều không được quý trọng. Phần lớn bối cảnh và chi tiết đều là lý tưởng hóa và cách điệu thành mẫu thức cân xứng uyển chuyển.

 

Thị kiến (visual) hỗ trợ cho nghi thức thiền quán

 

Mật tông Phật giáo sử dụng rất nhiều thị kiến về hình tượng và các biểu tượng để truyền đạt giáo pháp hơn các tông phái Phật giáo khác. Điều này do Kim cương thừa sử dụng kinh điển quá thâm thúy đến mức ý nghĩa có vẻ bề ngoài như được truyền đạt chỉ qua mỹ thuật. Ngay cả tên gọi của tông này, ‘Kim cang’, có nghĩa là ‘sấm sét’ hay ‘một thứ kim loại bền chắc, không hư hoại,’ được biểu hiện qua nghệ thuật bởi thể hiện nghi thức để hiển bày chân lý ẩn mật của danh xưng. Kim cang là một cây trụ trượng thường gồm có năm nhánh gắn với nhau ở đầu mút; trụ trượng biểu tượng cho sức mạnh và phương pháp tu tập tập trung vào năm Đức Phật siêu việt (Ngũ trí Như Lai), rốt ráo kết hợp cùng nhau trong cảnh giới giác ngộ. Có khi Kim cang được gắn liền với một cái chuông nhỏ, biểu tượng cho trí huệ (p: Prajñā; e: Wisdom). Một cái chuông với Kim cương thủ như vậy biểu tượng cho sự quân bình hoàn hảo và thiết yếu của sự kết hợp giữa phương tiện với trí huệ để thành tựu giác ngộ.

 

Có một phạm vi rất rộng của phương tiện truyền thông được dùng cho nghệ thuật Mật tông. Tranh treo tường (thang ka), có nghĩa là ‘vật được treo lên’, là những tác phẩm nghệ thuật thường được trưng bày trong các tu viện hay trong các bức tường của điện thờ, và những thủ bút minh họa là những hình thái nghệ thuật thông dụng nhất được dùng như sự hỗ trợ cho công phu thiền quán. Chúng thường được ủy nhiệm như quà tặng hay vật kỷ niệm một sự kiện đặc biệt hay trong một lễ hội. Các tác phẩm điêu khắc dùng cho điện thờ hoặc trong các hốc tường để tượng đều được đúc bằng kim loại, khắc bằng gỗ, hoặc điêu khắc bằng đất sét, thường được sơn hoặc mạ. Những pháp khí bằng thủ công dùng trong nghi thức thiền quán hoặc vũ hội (t: cham) thường được đúc bằng kim loại, ngọc và đá quý cũng được sử dụng, cùng với xương, vỏ sò, và pha lê. Nhiều phương tiện truyền thông tạm thời gồm bản in khắc gỗ, linh kỳ (prayer flag), và tranh nguyện bằng đất sét. Quà tặng, đặc biệt là những Mạn-đà-la điểm đạo, có thể được làm bằng hầu hết mọi chất liệu, như phấn, bơ, mễ cốc hoặc cát. Hai hình thái chính của kiến trúc linh thiêng trong Phật giáo Mật tông là tháp (stūpa) , được gọi là mchod rten (chorten) ở vùng Hy-mã-lạp sơn và phức hợp công trình kiến trúc chùa viện, gồm chánh điện, sân lễ hội và phòng xá cho tăng ni.

 

H.2 Tượng Nữ thần Kim cang (Goddess Vajravara), ở miền Trung Tây Tạng, thế kỷ thứ 14. Hiện được trưng bày ở Viện Bảo tàng Los Angeles County Museum of Art,

 

 

Các vị thần siêu việt trong nghệ thuật Mật giáo

 

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được tôn sùng, hay đúng hơn là được nhân rộng ra gấp nhiều lần, thành hai nhóm trong các vị thần của Mật giáo. Giáo pháp của ngài do vậy trở nên tinh vi hơn trong hệ thống thị kiến cụ thể được sắp xếp thành các đồ hình Mạn-đà-la, các biểu đồ huyền bí vạch ra các tiến trình thiền quán. Nhóm đầu tiên gồm năm Đức Phật siêu việt là nguồn gốc của năm chủng tánh Phật (buddha families) của các thần. Nhóm thứ hai bao gồm một loạt các loại chúng sinh, phần lớn được chấp nhận từ các truyền thống địa phương, là những người bảo trợ cho những công phu chuyên biệt; đây là những vị hộ pháp hay các vị thần được nhân cách hóa tiếng Tây Tạng gọi là yidams (s: istadevata).

Trong mỗi tông phái Kim cương thừa Phật giáo, nhóm thứ hai kết hợp vào nhóm thứ nhất theo một phương thức nhấn mạnh vào giáo pháp riêng của nó.

 

Mô tả bằng hình tượng của các vị thần Mật giáo này rất nghiêm cẩn. Năm Đức Phật siêu việt được được đồng nhất bởi màu sắc, thủ ấn, và phương hướng của Mạn-đà-la (phương Đông là ở dưới cùng), và mỗi phương diện mô tả một khía cạnh đặc biệt cả cuộc đời Đức Phật Thích-ca Mâu-ni.

1. A-súc-bệ Phật (Akobhya): Bất Động Phật (Kim cang bộ): màu xanh ngọc bích, xúc địa ấn (bhumisparśa-mudra), vị trí ở phương Đông (một số tông phái đặt A-súc-bệ Phật ở vị trí trung tâm). Đức Phật biểu tượng cho sự giác ngộ.

 

 

2. Bảo sanh Phật (Ratnasambhava; s: Jewel-Born); Bảo bộ, Thí ấn (varada-mudra), màu vàng ròng, phương nam, tâm bao dung của Đức Phật được thể hiện qua cách thể hiện sự giáo hóa như được mô tả qua chuyện tiền thân của ngài.

 

3. A-di-đà Phật: Vô lượng Quang (Liên hoa bộ), màu hồng, thiền định ấn (dhyāna-mudra); phương Tây, con đường thiền định của chư Phật.

4. Bất không thành tựu Phật (Amoghasiddhi; e: Infallible Success), (Yết-ma bộ), màu xanh lục, thủ hộ ấn (s: abhaya-mudra); phương Bắc, năng lực mầu nhiệm phòng hộ và cứu giúp chúng sinh.

 

5. Tỳ-lô-giá-na, Vairocana, (Phật bộ), màu trắng Kim cang, ấn chuyển pháp luân (s: dharmacakra-mudra), vị trí trung tâm (một số phái bố trí ở phía Đông); biểu tượng cho thời thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật và toàn bộ giáo lý của ngài.

 

Màu sắc của các yidam đều được xác định bởi vị trí trong Ngũ bộ. Năng lực và pháp khí mà họ sử dụng trong những nghi thức thiền định riêng biệt mà các ngài hướng dẫn đều được trình bày bởi thuộc tính riêng. Chẳng hạn, yidam của Vajravarah có màu đỏ vì vị ấy có liên quan đến Đức Phật A-di-đà. Vị này mang một thanh kiếm lễ để cắt đứt vô minh, vì chức năng của Vajravarah là ban tặng trí huệ siêu việt. Kết thân của vị này là Cakrasamvara có màu xanh vì vị này có liên quan đến Đức Phật Bất Động (Akobhya), ngài mang nhiều vũ khí vì ngài đảm nhiệm vai trò cung cấp mọi phương tiện thiện xảo, tất cả đều phát xuất từ tâm từ bi, đều cần thiết để khuyến khích người tu tập trở thành giác ngộ.

 

Sự khác nhau của các địa phương

 

Hành giả và các nghệ sĩ của Mật tông Phật giáo giữ địa vị lãnh đạo sau năm 500. Họ bắt đầu tạo hình tượng của nhiều vị Hộ thần (deity) mới, thường thể hiện các tư thế giao phối theo nghi thức (yuganaddha). Họ cũng gia tăng việc mô tả các thủ ấn và các pháp khí đa dạng, mở rộng cách dùng các mạn-đà-la, và nhận ra rằng chính các hình thái mỹ thuật tự chúng có thể là những dạng tu tập tâm linh. Những hình tượng sớm nhất về một vị thần cầm chày Kim cang có lẽ đã xuất hiện ở miền tây bắc vùng Gandhara cổ.

 

Theo sau sự lớn mạnh của Phật giáo Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7, mỹ thuật Mật giáo Tây Tạng phát triển chung quanh một nhân tố của hình thái Mật tông Ấn Độ cổ xưa, mà các thầy tế bản xứ sử dụng gọi là đạo Bon. Riêng đối với Tây Tạng và sau đó đối với Nepal, có cách vận dụng rộng rãi tư thế gọi là yab-yum, tiếng Tây Tạng nghĩa đen là ‘cha-mẹ’, như là một ẩn dụ cho thị kiến mạnh mẽ về sự cần thiết tuyệt đối trong sự kết hợp trí huệ siêu việt của nữ thần với phương tiện thiện xảo của nam thần. Vũ điệu với tư thế quay cuồng của phần lớn các hình tượng lõa thể cũng là đặc điểm của vùng Hy-mã-lạp sơn.

 

 

Một hình thái mô tả bằng hình tượng Tây Tạng là biểu đồ hệ phái được dùng để hợp pháp hóa các tông phái, dòng tái sanhtulku (s: sprulsku; e: living incarnations) của các vị Bồ-tát, đặc biệt như Đức Đạt-lại Lat-ma 14 là tái sinh của Bồ-tát Quán Thế Âm, và các bậc thầy trong một phả hệ từ bậc Tổ sư đời trước và các Phật bộ siêu việt. Song song với tiến trình phát triển này là sự gia tăng nhanh chóng của các ngôi tháp nhỏ (mchod rtens) để tưởng niệm, cũng như để cầu nguyện, năng lực che chở của các Đạo sư, của vị Thánh, của các vị tulku và kinh điển linh thiêng. Các mạn-đà-la khổng lồ ba chiều, một số cùng với các điện thờ bên trong, cũng được tưởng tượng như là các tháp nhỏ (mchod rtens). Độc đáo nhất trong mỹ thuật xứ Nepalmắt tháp (eye-mchod rtens), với hình tượng một con mắt khổng lồ vẽ trên mỗi cạnh của nền vuông phía dưới đỉnh xoắn ốc; những con mắt này thuộc về Đức Phật Tỳ-lô-giá-na hoặc Phật Bản sơ (Adibuddha).

 

Các pháp khí (ritual object) như bánh xe cầu nguyện, chày Kim cang (rdo rje), chuông nhỏ, và phur pa (dùng để câu triệu quỷ thần) được phát triển mạnh ở những vùng Hy-mã-lạp sơn. Những kỹ thuật tinh vi phức tạp cao trong việc tạo ra và hiến cúng những pháp khí linh thiêng này lan rộng ở miền Nam và Đông Á.

 

 

H.3 Tượng đài Borobudur ở Java, Indonesia.

 Ảnh của Charles and Josette Lenars/Corbis.

 

 

Mật tông Phật giáo ở Đông Nam Á hưng thịnh chủ yếu ở Bhutan, Myanmar, Kampuchea, Malasya, và Indonesia. Hình thức nghệ thuật Mật giáo quan trọng nhất hiện còn là phức hợp đền Angkor Thom ở Cambodia và Borobudur ở Java cũng như nhiều mẫu pháp khí và điêu khắc rất đẹp. Borobudur (khoảng năm 850) dựng lại cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni như là con đường lý tưởng của sự giác ngộ. Mỗi tầng được trình bày trên một cạnh khác nhau của mạn-đà-la khổng lồ ba chiều, với 72 tháp xuyên qua trên đỉnh, mỗi tháp có tôn trí Đức Phật Tỳ-lô-giá-na, biểu tượng cho trí huệ của ngài đang chiếu khắp các cõi giới. Khu vực này vừa là thể hiện phương diện hiển lộ cũng như về phương diện ẩn mật, tinh thần giác ngộ và sự nhập diệt của Đức Phật.

 

 Nguồn:

Encyclopedia of Buddhism.

Mac Millan Reference. USA. 2003.

 R.E. Buswell chủ biên.

GAIL MAXWELL Viện Bảo tàng Mỹ thuật Los Angeles County Museum of Art

Nhuận Châu dịch

 


 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay