Tháp đá Báo Thiên,
chùa Bút Tháp
Tháp Phổ Minh,
chùa Phổ Minh, Nam Định
Trụ biểu chùa Thiên Mụ,
bình minh trong sương mù
  
 
   
 
 
Đạo Phật ngày nay
HT Thích Trí Chơn
Cập nhật: 07:33:29 06/12/2009

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

 

 

Giới thiệu tác giả: Cố Dr. G. P. Malalasekera (1900-1973), người Tích Lan, một Phật tử học giả cổ ngữ Pali nổi tiếng thế giới, tốt nghiệp đại học Luân Đôn (Anh quốc) cấp bằng Ph.D. (Tiến sĩ Triết) năm 1925, và D. Lit. (Tiến sĩ Văn Chương) năm 1938. Giáo sư được mời dạy môn Pali, Văn Minh Phật Giáo, và làm khoa trưởng Phân Khoa Nghiên Cứu Đông Phương thuộc đại học Tích Lan năm 1942. Năm 1956, giáo sư được bổ nhiệm làm đại sứ Tích Lan tại Liên Xô; và sau đó ở Ba Lan, Lỗ Mã Ni, Tiệp Khắc, Gia Nả Đại và Anh Quốc. Từ năm 1959 đến 1967, giáo sư giữ chức đại diện thường trực cho Tích Lan tại Liên Hiệp Quốc, và trong năm 1967, giáo sư được đề cử làm Chủ Tịch Hội Ðồng Quốc Gia về Giáo Dục cấp cao của Tích Lan.

 

Về hoạt động tôn giáo, giáo sư từng làm Phó Hội Trưởng Hội Phật Tử Toàn Quốc Tích Lan (All Ceylon Buddhist Congress) từ năm 1937 đến 1939; và Hội Trưởng của Hội này từ năm 1939 đến 1957. Công đức đáng kể nhất là giáo sư đã đứng ra thành lập đầu tiên Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới (The World Fellowship of Buddhists) tại Colombo (Tích Lan) vào năm 1950, và giữ chức Chủ Tịch tổ chức này từ đó đến năm 1958. Năm 1955, giáo sư được uỷ nhiệm làm chủ biên bộ “Bách Khoa Tự Điễn Phật Giáo” (Encyclopaedia of Buddhism), do Bộ Văn Hoá của chính phủ Tích Lan ấn hành. Giáo sư là tác giả của nhiều bài khảo cứu, tiểu luận, và các sách Phật giáo Anh văn giá trị, trong đó có các tác phẩm: “The Buddha Doctrine of Anatta” (Giáo Lý Vô Ngả của Ðức Phật), “The Buddha and His Teachings” (Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài) v..v…

Tiến sĩ Malalasekera qua đời ngày 23-4-1973 tại Colombo (Tích Lan), hưởng thọ 73 tuổi.

(Ghi chú của dịch giả)

 

*******

Có nhiều tôn giáo khác nhau. Tôn giáo này mang tính chất địa phương và bộ lạc, tôn giáo kia thích hợp cho vài dân tộc. Có tôn giáo lại phổ cập toàn thế giới và nhân loại. Như mọi vật ở đời, các tôn giáo đều phải chịu luật thay đổi. Trong lúc biến đổi như thế, những tôn giáo đã phát triển cao có thể duy trì căn bản giáo lý của chúng. Nhưng khi các tôn giáo này đem áp dụng vào mọi xã hội khác xã hội chúng đã phát sinh; những tôn giáo đó lại phải đương đầu với nhiều thử thách. Cũng do bởi các nỗ lực để thích nghi và hữu ích mà những tôn giáo này đã tạo nên trong thời đại của chúng mọi sự phát triển cao quý về tinh thần. Ngày nay, các tôn giáo đang gặp phải nhiều thử thách lớn lao nhất, bởi chúng đang cần đến những hình thức cụ thể để chứng tỏ sự lợi ích và thỏa mãn đối với mọi nhu cầu và khát vọng của con người hôm nay.

 

Sự cần thiết của tôn giáo là ở đó và nhu cầu tôn giáo của con người ngày nay tuy bản chất không khác gì với các thế hệ tiền nhân xưa; những vẫn có nhiều điểm sai biệt, nếu không hoàn toàn thì cũng có một số vấn đề căn bản đã trở thành đáng kể đối với niên kỷ hiện đại, do bởi sự tiến triển của lịch sử và mọi đòi hỏi bất đồng mà chúng ta phải đương đầu. Khi va chạm với những nhu cầu này, các tôn giáo cổ xưa có thể cần được thêm vào giáo lý và giáo điều của chúng một hình thức mới, kết hợp giữa tân với cựu, tập quán với khoa học để chứng minh lý thuyết với sự thật. Không tôn giáo nào xứng đáng với danh nghĩa là tôn giáo duy nhất có thể truyền thừa một nền cựu tư tưởng.

 

Nhiệm vụ mới và căn bản của tôn giáo là tìm những phương pháp ứng dụng hữu ích mọi phát minh khoa học vào đời sống nhân loại, trình bày một tư tưởng hệ khả dĩ tạo nên được cho chúng ta một niềm tin chung tổng quát về bản thể vũ trụ và những giá trị mà chúng ta tìm thấy trong thế giới với đầy tính chất nhân tính của chúng ta. Nhưng ngoài ra còn có nhiều điều cần được giải đáp khác. Có những vấn đề vượt ngoài thế giới này, huyền bí và thiêng liêng. Câu hỏi cần được trả lời khi nó hiện đến với chúng ta là: Con người là chủ nhân ông hay một cái máy?

 

Trả lời được điều này tức sẽ dẫn đến cuộc cách mạng tinh thần có thể khiến con người thay đổi hoàn toàn thái độ đối với cuộc đời và mọi hiểu biết căn bản về sự sống. Ngày nay đa số mọi người nam nữ đều sống trong sự lo âu và bất an. Họ cảm thấy phải đối diện trước một thế giới họ chưa bao giờ tạo nên, một thế giới quá bao la và phức tạp hiện ra như thách đố nỗ lực của nhân loại; và lãnh đạm, nếu không là đối nghịch với mọi khát vọng của con người.

 

Đức Phật dạy rằng giáo lý của Ngài là một tôn giáo vĩnh cửu, thích hợp với mọi thời đại. Điều ấy có thể còn duy trì trong thế giới ngày nay không? Câu hỏi không phải là Phật giáo có thể dâng hiến những câu trả lời đặc biệt về các vấn đề của thời đại nguyên tử ngày nay hay không mà là đưa ra một nền tảng giáo lý trong đó chúng ta có thể tìm thấy những giải đáp hữu hiệu cho mọi vấn đề nêu trên. Lịch sử của thế giới xây dựng trên sự xuất hiện của những ý tưởng và nhân loại ngày nay có dồi dào ý tưởng hơn nhiều thế hệ trước.

 

Các dân tộc thế giới hình như đang tiến đến một kỷ nguyên hoà bình và phát triển thực sự cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần. Có nguồn hy vọng mới và một sự hiểu biết sáng suốt đang phục hưng, sẽ ảnh hưởng quyết định đến vận mạng con người. Nhân loại quá khứ đã từng có thời kỳ tiến bộ vượt mức và bây giờ hình như chúng ta cũng sắp tiến đến giai đoạn ấy. Chúng ta hiện sống trong tình trạng mà mọi việc điều có thể xảy ra, hoặc hết sức nguy hiểm hoặc hạnh phúc vô cùng. Loài người sẽ có thể tận diệt bởi chính mình hoặc một sức mạnh tinh thần có thể phục sinh và một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu.

 

Nhìn cảnh tượng thế giới ngày nay thật giống như một bức tranh hỗn tạp, dẩy đầy sự hỗn loạn, chống đối ý thức hệ, năng lực giết người và mọi hành động sân hận chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng nếu nhận xét kỹ hơn, chúng ta cũng thấy có một sự tiến triển đều đặn, nhịp nhàng của nhân loại đang hướng về thiện chí và hiểu biết; đoàn kết và thống nhất mọi nỗ lực hữu ích của con người. Theo quan niệm Phật giáo, con người không thể thả buông xuôi theo phận số, mà nhân loại tự có đủ năng lực làm chủ vận mệnh của mình.

 

Tương lai chúng ta do chúng ta quyết định. Chúng ta có thể sáng suốt hướng dẫn bước tiến của loài người. Ý tưởng cho rằng, chúng ta là những sinh vật nổi trôi, sẽ bị dập vùi bởi dòng nước lũ; và nhận chìm xuống vực thẳm trong một trận hồng thủy, chính là triết lý của tuyệt vọng, và Phật giáo không bao giờ dạy bất cứ một triết lý nào như thế. Mọi sự bất an, tai họa chiến tranh đe doạ tận diệt loài người, ngay từ lúc ban sơ những điều này đã làm khổ đau con người. Cho nên đó không phải là một hiện tượng mới lạ.

 

Điều mới lạ là sự tiến bộ vượt mức của khoa học và kỹ thuật ngày nay đã tạo nên cho chúng ta những khí cụ để hướng dẫn một cuộc sống mà hình như chúng ta không đủ năng lực làm chủ. Chúng đe doạ thâu tóm và lôi bừa chúng ta văng đi xa mà chúng ta không có sức để ngăn chặn chúng. Ngoại vật đã bắt đầu kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Sự thăng bằng, bình an và yên tĩnh đã lẩn tránh chúng ta. Chúng ta đã trở thành những kẻ chán chường, mệt mỏi, bất lực, không thể cố gắng để làm chủ chính mình. Con người đang tiến trên con đường mất dần nhân tính.

 

Trong tình trạng nguy hiểm này, Phật giáo có phương pháp gì để hướng dẫn cho con người không? Phật giáo dạy rằng mỗi người phải chịu trách nhiệm lấy cá nhân mình. Cuộc sống của chúng ta tuỳ thuộc ở mỗi chúng ta. Và chúng ta sẽ được quyết định bởi một điều, duy nhất chỉ một điều là CHÍNH CHÚNG TA. Không ai và không có vật gì khác có thể thay chúng ta giải quyết được. Cho nên chúng ta phải tự mình định đoạt, nghĩa là chúng ta quyết không làm nô lệ cho máy móc. Chúng ta phải tự giải quyết để lấy lại nhân cách, sự toàn thiện và ý thức bản thân, hầu xứng đáng giá trị của địa vị con người.

 

Điều này duy nhất chỉ có thể thực hiện qua sự phát triển tinh thần và tu sửa tâm niệm, được xem như kho tàng quý báu nhất của chúng ta. Chính bởi những lời dạy tu luyện bản tâm và các phương pháp nhờ đó con người có thể đạt đến khả năng sáng suốt và giác ngộ nội tâm mầu nhiệm của mình và vũ trụ mà Phật giáo đã trở thành tôn giáo có thể đóng góp nhiều lợi ích nhất cho thể kỷ hôm nay.

 

Nền tảng để tu luyện bản thân là tự mình giữ giới, và ở đây đức Phật không chỉ thuyết bày cho chúng ta một hệ thống giáo lý suông, mà cả một phương pháp sống đang được nhiều dân tộc trên thế giới ham chuộng thực hành. Chấm dứt điều ác, chúng ta phải biết làm lành và giữ tâm ý trong sạch, nguồn gốc tạo nên hạnh phúc và hoà bình.

 

Ngoài ra, những phương pháp phát triển tinh thần như quán tưởng thiền định cũng được đức Phật đề cập đến. Giáo lý và những điều răn dạy này không có gì huyền bí mà rất phổ thông dễ dàng cho những ai muốn tìm hiểu. Đó là con đường mở rộng cho tất cả. Thế giới đang khao khát hoà bình. Nhưng chừng nào tâm chúng ta chưa bình và con người còn gieo rắc những mầm mống chiến tranh, chừng đó thế giới chưa thể có hoà bình. Nguyên nhân mọi cuộc chiến tranh đều phát sinh từ sự tranh chấp giữa hai bản tính xấu và tốt nơi mỗi tâm niệm con người. Và chúng chỉ sẽ chấm dứt khi nào chúng ta thắng được cuộc tranh chấp nội tâm này.

 

Gần đây, chỉ những nhà khoa học Tây phương mới đặt trọng tâm nghiên cứu đến địa hạt tâm thức được xem như một vũ trụ vô hình và bao la nhất của con người. Trong khi họ tiếp tục thăm dò vào thế giới sâu kín này, cùng lúc chúng ta hy vọng họ có thể khám phá được những bí ẩn của thế giới vật chất, chừng đó một kỷ nguyên mới sẽ hiện đến với nhân loại. Chúng ta đang sống trong một thế giới đang thay đổi lớn lao; và con người còn tiến xa nữa trong phạm vi khoa học, có thể đạt được nhiều kết quả vĩ đại hơn cả quyền làm chủ ngoại giới.

 

Những thành tích khám phá được của con người trong thế giới vật chất sẽ giúp chúng ta tin tưởng để thành công trong việc nghiên cứu thế giới tinh thần. Thế giới hình như đã chuẩn bị sẳn sàng cho một cuộc cách mạng mới trong địa hạt tư tưởng (tâm linh), và chắc đã đến lúc Phật giáo đứng ra đóng vai trò của mình. Chúng ta cũng đừng quên rằng, ngay từ xưa, khi đức Phật bắt đầu chứng đạo Bồ đề, Phật giáo đã là nhà cách mạng chống lại mọi tập quán và những giáo lý đương thời không chân chính rồi.

 

Trong mọi thời đại, sự tiến bộ chỉ tạo nên được nhờ ở tinh thần sáng suốt, can đảm và công trình của những kẻ dám mạo hiểm tiền phong. Chúng ta phải sớm mở một con đường dành cho chuyến khởi hành xa xôi của chúng ta; nhưng còn bao lâu nữa chúng ta mới sẽ thực hiện được một cuộc khám phá đi sâu vào địa hạt tâm linh và tinh thần của chúng ta? Đến ngày ấy, như trong kinh Phật ghi chép là thời kỳ của đức Từ Tôn Di Lặc (Maitreya) xuất hiện trong thế giới, lúc mà cuộc đời này sẽ được chan hoà trong ánh sáng của Giác Ngộ. Tình Thương và Hoà Bình.

 

Trích tạp chí “THE MIDDLE WAY” (Trung Đạo), Vol. XL, No. 3 phát hành

           tại Luân Đôn (Anh quốc)

Nguyên tác: Dr. G. P. Malalasekera

                                                                                  Chuyển ngữ: H.T. Thích Trí Chơn

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay