Cảm ơn tất cả
Vĩnh Hảo
Cập nhật: 11:09:29 27/11/2009

CẢM ƠN TẤT CẢ

Vĩnh Hảo

 

 

Người Tây phương thường nói lời cảm ơn với nhau, giữa người cho và người nhận, giữa người bán và người mua, người giúp và người được giúp. Trong tương quan hai chiều, ai cũng cảm ơn đối phương cả. Đây là một trong những phép lịch sự xã giao tây phương mà tôi thích.

Nói đến việc cảm ơn của người Tây phương, không thể không nói đến Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn, là một lễ lớn có nguồn gốc tôn giáo, nhưng nay đã trở thành ngày lễ phổ quát của dân gian, thế tục (secular holiday). Trong tôn giáo, người ta tạ ơn thượng đế mà họ tôn thờ. Trong dân gian ngày nay, việc cảm ơn trong Lễ Tạ Ơn được mở rộng đến với tất cả những đối tượng nào người ta mang ơn, do vậy, cảm ơn cha mẹ, thầy giáo, sếp (chủ), người làm, nhân viên bưu điện, người dọn rác, v.v...

Ý nghĩa tạ ơn, cảm ơn như thế, thật là phù hợp với giáo lý Tứ Ân đã có từ lâu trong truyền thống Phật giáo. Tứ Ân hay Tứ Trọng Ân (bốn ơn nặng cần phải báo đền) được nói đến trong nhiều kinh điển Phật giáo. Đôi chỗ trình bày bốn ơn này khác nhau tùy theo khuynh hướng, thời đại và quốc độ, nhưng phổ quát nhất, xin được ra khỏi giới hạn thiền môn để trình bày như sau:

1) Ơn cha mẹ sinh dưỡng, gia giáo,

2) Ơn thầy dạy, học đường, giáo dục lễ nghĩa và kiến thức,

3) Ơn quốc gia, mà đại diện là chính quyền, bảo vệ giang sơn, giữ gìn an ninh xã hội, tổ chức và thi hành các luật lệ chung để tạo đời sống trật tự, bình đẳng và ấm no cho quốc dân,
4) Ơn chúng sanh, ơn của tất cả muôn loài.

Đối với hai ơn đầu, cha mẹ và thầy dạy, người con và người học trò nào cũng đều rõ, ở đây không cần bàn thêm.

Với ơn thứ ba là quốc gia mà trực tiếp là chính quyền từ trung ương đến hạ tầng, mỗi quốc dân cần nhận rõ nghĩa vụ của mình nhằm góp phần hoàn chỉnh đời sống và quyền lợi chung. Chính quyền của thời đại ngày nay không phải là chính quyền do “ông trời” nào sắp xếp, đặc cách cho làm “thiên tử” (ông trời con), mà do ý nguyện của số đông, của toàn dân. Chính quyền tốt thì ủng hộ, góp phần xây dựng, làm cho thêm cường thịnh; chính quyền xấu thì góp ý sửa sai, điều chỉnh, có khi cần phải làm cách mạng để lật đổ, thiết lập một chính quyền tốt đẹp hoàn hảo hơn. Bởi vì mục đích của chính quyền là để an dân. Dân không an, xã tắc không ổn định, chính quyền ấy không có lý do tồn tại và bám giữ quyền bính. Suy ra, được sống yên bình trong quốc gia nào phải nhớ ơn quốc gia đó. Những người Việt tị nạn cộng sản, đã định cư trên các quốc gia tự do, dân chủ, phải nhớ ơn quốc gia đón nhận và tạo điều kiện cho đời sống ổn định, bình an, thăng tiến của mình. Sau hơn ba mươi năm sống lưu vong, hầu hết người Việt tị nạn đều trở thành công dân, có quốc tịch của các quốc gia mà tâm thức ban đầu thường nghĩ là đất “tạm dung.” Thế thì, là quốc dân của quốc gia mới, không thể phụ ơn mà phải báo ơn bằng cách thi hành các nghĩa vụ công dân, đóng góp tâm trí và tài sức của mình vào cho sự phồn thịnh an vui của quốc gia ấy; nếu không tích cực đóng góp được thì cũng không làm điều gì trái ngược với quyền lợi và nguyện vọng chung của toàn dân trong quốc gia mà mình đang là công dân chính thức. Chính quyền không phải là quốc gia, không phải là tổ quốc. Chính quyền làm tốt thì mang ơn, cảm ơn; chính quyền làm sai làm xấu thì lên tiếng và bày tỏ thái độ phản đối để điều chỉnh. Góp phần làm cho đẹp cho tốt hơn, đó là nhớ ơn, báo ơn quốc gia, chứ không phải nhắm mắt nhắm mũi cảm ơn những kẻ cầm quyền bán nước, hại dân.

Bây giờ hãy nói về ơn thứ tư, là ơn chúng sanh. Đừng nghĩ chúng sanh ở đây là hàng sinh linh luân hồi đối với Phật và bồ-tát giác ngộ. Chúng sinh ở đây bao gồm tất cả loài hữu tình và vô tình. Một định nghĩa khá phổ thông của nhà Phật là “giả chúng duyên nhi sanh, cố viết chúng sanh,” có nghĩa là cái gì vay mượn các yếu tố/phần tử khác để được sinh ra thì cái đó là chúng sanh. Hoa không tự nó sinh ra mà cần có hạt giống, đất, nước, phân bón, không khí, ánh nắng. Vậy hoa là chúng sanh. Người không tự mình sinh ra mà cần có sự kết hợp của thần thức, tinh huyết của cha mẹ, cùng với tứ đại (các hợp chất đất, nước, không khí-gió, nhiệt độ-lửa). Vậy người là chúng sanh. Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) cũng không tự sinh mà phải nhờ các nguyên tử đặc trưng của mỗi chất kết hợp nên (âm tử, dương tử, trung hòa tử - electron, proton, neutron), vậy tứ đại cũng là chúng sanh. Các loài muông thú cho đến các loài vô tình như đất, đá, cỏ cây, v.v... cũng đều nhờ đến nhiều yếu tố nhân duyên khác mà sinh ra. Tóm lại, tất cả những gì hiện hữu trên cuộc đời, trong vũ trụ, hữu hình hay vô hình, hữu tình hay vô tình, đều là chúng sanh.

Ơn chúng sanh là ơn của toàn thể vũ trụ, vạn hữu. Cho nên, ơn cha mẹ, ơn thầy dạy, ơn quốc gia, là nói cho cụ thể, chứ ba ơn đó đều nằm trong ơn chúng sanh. Tổ tiên, ông bà sinh ra cha mẹ phải nhờ tất cả những yếu tố nhân duyên chung quanh, trực tiếp và gián tiếp kết hợp, tác động. Thầy dạy, quốc gia cũng thế. Không có ai, không có cái gì tự sinh ra. Tất cả đều phụ thuộc vào nhau, nương vào nhau, tác hưởng với nhau mà hình thành mọi sự, mọi vật, mọi loài trên đời. Triết lý nhà Phật gọi đó là tương sinh, cộng sinh.

Vậy, nghiệm xét thật sâu mối tương quan chằng chịt giữa con người và chúng sanh, mỗi người chúng ta đứng trước cuộc đời, phải trân trọng cảm ơn tất cả. Chẳng có ai, chẳng có vật gì trên đời này mà không ban ơn đến chúng ta. Nâng một ly nước lên uống, chúng ta thấy nước, người mang nước đến, người sản xuất cái ly, ông bà cha mẹ của những người này, những người tạo ra phương tiện chuyên chở để mang nước đến, những người tạo ra máy lọc nước, ông bà cha mẹ của những người này, thầy dạy của những người này, những người tạo ra cơm ăn áo mặc cho tất cả những người kể trên... Nghiệm càng sâu, càng thấy rõ sự liên hệ bất phân giữa mình với thế giới, với muôn loài. Cho nên, cảm ơn là cảm ơn tất cả. Chúng ta luôn là kẻ thọ ơn của thế giới, của chúng sanh. Với ý niệm đó, đừng bao giờ cho rằng mình là kẻ ban ơn, dù mình đã cho ra một thứ gì. Người xưa thường nói, “Thi ân bất ký, thọ ân bất vong,” tức là khi ban ơn thì đừng nên nhớ, khi chịu ơn thì đừng nên quên. Bởi vì trong mạng lưới hỗ tương chằng chịt giữa mỗi cá nhân với toàn thể thế giới, chúng ta thực sự chẳng ban ơn cho ai thứ gì cả. Tất cả đều là sự trao đổi, hỗ trợ, hỗ tương. Hãy tự cho mình là kẻ thọ nhận ơn lành của thế giới, của tất cả chúng sanh. Đó là thái độ khiêm cung, hiểu biết của con người trong thời đại mới, thời đại mà người ta nhận thức rằng hành tinh này chỉ là một phần tử thật nhỏ của thiên hà vũ trụ bao la, thời đại mà người ta nhìn ra tính cách tương quan, tương hệ của anh em nhân loại càng lúc càng rõ ràng hơn.

Đó là nhìn cái ơn trong sự thuận lý. Chứ ngay cả trường hợp một cá nhân hay nhóm người nào cố tình làm tổn hại đến mình, dĩ nhiên chúng ta cần có giải pháp đối phó để vượt qua hoàn cảnh nghịch ý đó, nhưng trong lòng cũng nên tỏ niềm biết ơn. Biết ơn kẻ xấu đã cho mình bài học của sự luyện tâm. Nhờ họ, mình hiểu được sự nhẫn nại, lòng khoan dung và đức trầm tĩnh của mình. Không có sự nghịch ý, sẽ không bao giờ chúng ta hiểu được tâm chúng ta cả.

Để cảm ơn tất cả chúng sanh, chúng ta tập sống đơn giản, hòa bình, nhân ái, đừng cố tình hủy hoại và lạm dụng tài nguyên của thế giới, đừng làm ô nhiễm môi trường sống bằng sự ích kỷ, thù hận, tham lam cá nhân, những yếu tố dẫn đến chiến tranh, chết chóc, khủng bố, đói nghèo. Sự phung phí và thờ ơ của chúng ta luôn tác hại đến kẻ khác, chúng sanh khác. 

Tóm lại, không cần phải đợi đến một ngày lễ lớn mỗi năm để nhớ ơn hay báo ơn. Chúng ta có thể nói lời cảm ơn với tất cả những ai ta tiếp xúc hàng ngày. Chẳng hạn, khi cảm ơn cha mẹ, cảm ơn người bán hàng hay người mua hàng, chúng ta đồng lúc liên tưởng đến tất cả nhân duyên nào liên hệ với những người đó. Trong liên tưởng như vậy, chúng ta luôn có trong ta một thế giới thân thuộc, gần gũi, đầy ơn lành của muôn loài chúng sanh. Và như vậy, một lời cảm ơn cha mẹ, một lời cảm ơn người bán hàng hay mua hàng, chúng ta cảm ơn tất cả.

Tuần lễ Thanksgiving, cuối tháng 11, 2009.

Vĩnh Hảo


 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay