Đối tượng của thiền quán
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 07:18:00 31/08/2008

ĐỐI TƯỢNG CỦA THIỀN QUÁN

Thích Thái Hòa

 

Đối tượng của thiền quán là Sắc pháp và Tâm pháp hay thân thể và tâm thức.

Sắc pháp là những pháp thuộc về vật lý, bao gồm các thể tính không biểu hiện cụ thể, cho đến các hình sắc, âm thanh, mùi vị,… mà các quan năng có thể nhận thức được. Tất cả những Sắc pháp như thế, đều có thể là đối tượng của thiền quán.

Tâm pháp là những pháp thuộc về tâm lý hay tâm thức. Cảm giác, tri giác, ý chí, tư niệm; hiểu biết, phân biệt… đều là những thành phần của tâm pháp, hay tâm thức. Tất cả những yếu tố của Tâm pháp như thế, đều có thể là đối tượng của thiền quán.

Thiền là phương pháp làm cho tâm ngưng lắng hết thảy mọi thứ phiền não. Và Quán là nhìn sâu vào trong lòng của đối tượng để nhận rõ tác nhân, tác duyên, bản chất cũng như tác dụng của chúng.

Ở kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm này, đức Phật dạy bốn phương pháp thiền tập:

Phương pháp thứ nhất: Quán niệm về thân thể.

Thực tập theo phương pháp này, hành giả phải thấy rõ và làm chủ mọi động tác của thân thể. Phải biết một cách đích thực những gì đang diễn ra ở nội và ngoại cơ thể qua các hình thái đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi, các yếu tố hình thành và các trạng thái hủy diệt của cơ thể.

Phương pháp thứ hai: Quán niệm về các cảm giác.

Thực tập theo phương pháp này, hành giả sử dụng mọi cảm giác làm đối tượng quán niệm. Tức là hành giả không đồng tình theo cảm giác dễ chịu, và cũng không đối kháng lại với cảm giác khó chịu, hoặc không để ý thức quán niệm bị quên lãng giữa những cảm giác không phải dễ chịu mà cũng không khó chịu. Trái lại, hành giả chỉ đưa ý thức tỉnh giác đi kèm và có mặt một cách đích thực trong các cảm giác ấy, để nhận rõ tính chất như thật của chúng.

Cảm giác có thể có mặt từ nơi tâm, hoặc từ nơi thân, nhưng dù nó có mặt từ đâu đi nữa, thì hành giả thực tập theo phương pháp này, phải đưa ý thức tỉnh giác đi kèm và có mặt một cách đích thực trong các cảm giác ấy, để mọi hạt giống tham ái, sân hận và si mê trong tâm thức của hành giả không có cơ hội tùy sinh và biểu hiện lên trên mặt ý thức.

Phương pháp thứ ba: Quán niệm về tâm ý.

Thực tập phương pháp này, hành giả sử dụng các yếu tố tạo nên tâm ý, làm đối tượng quán niệm. Khi các yếu tố như tham, sân, si… có mặt nơi tâm ý, thì hành giả đưa ý thức tỉnh giác, ý thức chánh niệm đi kèm và có mặt một cách đích thực ở trong các yếu tố tạo nên tâm ý xấu ấy, để nhận rõ sự có mặt và tính chất nguy hại của chúng. Do hành giả có ý thức chánh niệm như vậy, nên các yếu tố tạo nên tâm ý xấu ấy, không thể nào tiếp tục hiện hữu và phát triển một cách tự do trên mặt ý thức, và đương nhiên, chúng sẽ bị hạn chế, bị dừng lại và tự khử diệt.

Khi các yếu tố tốt đẹp như vô tham, vô sân, vô si, tàm, quý… có mặt nơi tâm ý, thì hành giả đưa ý thức tỉnh giác, ý thức chánh niệm đi kèm và có mặt một cách đích thực trong các yếu tố tạo nên tâm ý cao thượng, tốt đẹp ấy, để nhận rõ sự có mặt và tính chất an toàn của chúng, nhằm nuôi dưỡng và thăng tiến chúng trên mọi hoạt động của ý thức, và lẽ đương nhiên, chúng sẽ được biểu hiện ra trong mọi sinh hoạt hằng ngày, tạo nên những chất liệu tươi mát và an ổn trong cuộc sống.

Phương pháp thứ bốn: Quán niệm về pháp.

Thực tập phương pháp này, hành giả có thể sử dụng các pháp thuộc về nhân duyên như năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới làm đối tượng để quán niệm.

Hoặc có thể sử dụng các pháp thuộc về năm sự che khuất ở nơi tâm thức làm đối tượng quán niệm. Hoặc có thể sử dụng các pháp thuộc về giác ngộ hoặc giải thoát đang có mặt nơi tâm thức, như Bảy yếu tố giác ngộ, hay Bốn thánh đế làm đối tượng quán niệm.

Nhờ thực tập quán niệm các pháp thuộc về nhân duyên hoặc các pháp thuộc về vô lậu, mà các tham dục, sân hận, si mê, chấp ngã… đều bị đoạn tận, các thiện pháp vô lậu phát sinh và lớn mạnh, biểu lộ trọn vẹn trong mọi hình thái sinh hoạt hằng ngày.

Bốn phương pháp thực tập này, là căn bản của hết thảy mọi pháp môn thuộc về thiền quán. Không có hành giả Thiền tông nào mà không khởi hành đầu tiên bằng bốn phương pháp này.

Thực tập bốn phương pháp này trong đời sống hằng ngày, qua mọi động tác của thân thể, qua các cảm thọ, các tri giác, các tư niệm, qua sự tiếp xúc của các căn, trần và thức từ nội pháp, đến ngoại pháp, từ tục đế đến chân đế, là hành giả đang đi trên Thánh đạo, đang tiến dần đến đời sống giải thoát, an lạc và có thể đạt được Niết-bàn ngay trong đời sống hiện tại. Bởi vậy, đức Phật dạy: “Có một con đường đưa chúng sanh đến thanh tịnh, vượt qua sự lo lắng, sợ hãi, diệt trừ khổ não, chấm dứt khóc than, thành đạt Chánh pháp, đó là Bốn lãnh vực quán niệm.”

Đức Phật còn dạy: “Nếu thực tập bốn phương pháp này với tâm ý tha thiết, thuần nhất, thì buổi sáng thực tập, buổi chiều đã đạt được sự thăng tiến, hoặc buổi chiều bắt đầu thực tập, thì sáng mai đã đạt được sự thăng tiến.”

Đức Phật còn dạy: “Các đức Như Lai ở thời quá khứ, ở thời hiện tại, hay ở thời tương lai, các Ngài đạt được Bậc chánh giác, Bậc không còn bị mắc kẹt bởi điều gì, Bậc chặt đứt năm sự ngăn che, Bậc dứt sạch hết mọi cấu uế nơi tâm, Bậc loại trừ hết mọi yếu ốm của Tuệ, Bậc đạt được sự hiểu biết chơn chánh, Bậc đạt được địa vị giác ngộ cao nhất, chính là do các Ngài đã, đang và sẽ thiết lập tâm an trú vững chãi vào Bốn lãnh vực quán niệm này.”

Như vậy, qua lời dạy của đức Phật, chúng ta cần phải tinh chuyên thực tập bốn phương pháp quán niệm này hằng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây và do công năng thực tập như vậy, khiến cho các chi phần của thân và ngữ càng lúc càng trở nên thanh tịnh, khiến cho các quan năng nhận thức càng lúc càng trở nên trong sáng, khiến cho các niệm càng lúc càng trở nên thuần tịnh, và khiến cho sinh mệnh càng lúc càng lớn mạnh trong Thánh đạo.

Và hiển nhiên, đời sống an lạc đối với chúng ta không còn là một ước mơ, mà là một hiện thực.


 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay