Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
Một vài suy nghĩ về luật nghiệp báo
Hoàng Nguyên
Cập nhật: 13:52:52 26/11/2009

Một vài suy nghĩ về luật nghiệp báo

Hoàng Nguyên

 

Luật nghiệp báo dẫn khởi từ ý nghĩ, do đó, ý nghĩ đóng vai trò quyết định trong việc tác thành nghiệp hay không. Một hành động nếu không xuất phát từ ý thức thì hành động đó được xem là không tác thành nghiệp, giống như trường hợp cành cây khô gãy đè người chết, cành cây không tác nghiệp. Thấy được vai trò trọng yếu của ý thức đối với luật nghiệp báo, chúng ta kỷ luật phòng hộ ngay trong những ý nghĩ của mình.


Khái niệm về nghiệp


Nghiệp gọi đủ là: Nhân quả nghiệp báo, là kết quả của ý nghĩ, lời nói và hành động. Mỗi ý nghĩ, lời nói hay hành động đều mang lại kết quả cho chủ nhân của nó. Trên đại thể mà nói, ta trao cho người cái gì thì cái đó sẽ trở lại cho ta, ta gieo rắc niềm bất hạnh, nỗi đau thương cho tha nhân thì ta sẽ gặp phải hoàn cảnh bất hạnh, đau thương tương xứng; ta ban phát niềm vui, tạo dựng hạnh phúc cho người thì ta sẽ gặt hái được niềm vui, niềm hạnh phúc gấp bội. Nói lời nói hay hành động đều mang lại kết quả thì dễ hiểu, vì tác dụng của nó ta có thể thấy ngay trong hiện thực. Ví dụ, anh Ba hành hung anh Hai, làm anh Hai bị thương tật, kết quả anh Ba phải vào tù, còn bị mất một số tài sản để bồi thường cho anh Hai nữa. Ví dụ này chỉ có tính cách ước lệ, chứ nó không thể diễn tả được tính chất sâu thẳm của qui luật nghiệp báo. Vì dù pháp luật có phát hiện để trừng trị hay không thì trong môi trường của nghiệp, hành động của anh Ba đã tác thành nghiệp quả rồi, vấn đề anh Ba chuốc lấy sự báo ứng chỉ còn là vấn đề thời gian, nhân duyên, hoặc là kiếp này hoặc là kiếp sau. Nhưng ý nghĩ thì sao? Đối với luật pháp xã hội, chỉ có ý nghĩ không thôi thì không thể cấu thành tội phạm, chỉ khi nào ý nghĩ được thể hiện ra bằng hành động hoặc lời nói thì khi đó luật pháp mới vào cuộc. Song đối với luật nghiệp báo, khi khởi lên một ý nghĩ thiện hoặc bất thiện thì ngay lúc đó đã hình thành thiện nghiệp hoặc ác nghiệp. Nghiệp nhân này tiềm ẩn dưới dạng chủng tử, nó nằm trong sâu thẳm của vô thức hay nói đúng hơn nó hiện diện trong thức A-lại-da, chỉ chờ thời gian nhân duyên hội đủ để dẫn khởi thành kết quả. Quả báo của ý nghĩ chỉ tác thành nhân cách, chưa thể tác thành hoàn cảnh sống của cá thể, nhưng khi nó dẫn khởi thành hành động thì khi đó mới tác thành hoàn cảnh sống của cá thể. Ví dụ, anh Ba vì một lý do, điều kiện hoàn cảnh nào đó không thể hành hung được anh Hai, chỉ nuôi ý nghĩ hành hung anh Hai thôi, thì chính ý nghĩ bất thiện, ác độc này sẽ tác thành nhân cách của anh Ba và chính nhân cách này là những xung động dẫn khởi thành hành động về sau của anh, hoặc là kiếp này, hoặc là các kiếp về sau.
Nhân cách của cá thể phần lớn được kết thành từ những ý nghĩ trong kiếp quá khứ. Những xu hướng hành động của cá thể phần lớn cũng được thai nghén từ trong kiếp quá khứ. Ý nghĩ thì tác thành nhân cách. Lời nói, hành động thì tạo thành hoàn cảnh sống của cá thể. Ý nghĩ, lời nói và hành động, ba thành tố này duyên hợp với nhau sẽ sinh thành nhân cách và tạo dựng nên hoàn cảnh sống của cá thể.


Luật nghiệp báo dẫn khởi từ ý nghĩ, do đó, ý nghĩ đóng vai trò quyết định trong việc tác thành nghiệp hay không. Một hành động nếu không xuất phát từ ý thức thì hành động đó được xem là không tác thành nghiệp, giống như trường hợp cành cây khô gãy đè người chết, cành cây không tác nghiệp. Thấy được vai trò trọng yếu của ý thức đối với luật nghiệp báo, chúng ta kỷ luật phòng hộ ngay trong những ý nghĩ của mình.


Hoài nghi về nghiệp.


Trong cuộc sống, không ai (ngoại trừ những người có niềm tin sâu sắc về nghiệp báo) không khỏi có sự hoài nghi về luật nghiệp báo. Chúng ta thường phân vân là thực có nghiệp báo, thực có những người làm ác sẽ bị trừng trị đích đáng, những người làm thiện sẽ hưởng được phước báo tốt đẹp hay không? Sự hoài nghi của chúng ta không phải không có cơ sở, bởi lẽ, nhìn vào hiện thực cuộc sống, chúng ta thấy nhan nhản những kẻ có tâm địa nham hiểm, độc ác, thủ đoạn mà vẫn sống giàu có phây phẩy ra đó, còn những người hiền lương thuần thiện thì phải chịu những bất trắc, oan trái, cơ cực nghèo khó. Một tên cướp giết người cướp của, lẫn trốn pháp luật, thời gian phôi pha, vụ án không phá được; thế có chắc y sẽ chịu một quả báo tương xứng trong tương lai hay không? Rồi một đứa bé sanh ra trong một gia đình giàu có, thông minh đỉnh ngộ; thế có chắc là kiếp trước chú bé đã tạo được những phước lành hay không? Ngược lại, một đứa trẻ khác sinh ra trong một gia đình nghèo túng, tâm trí đần độn, tật nguyền; thế có chắc kiếp trước đứa trẻ đó đã tạo ra những tội lỗi tày trời hay không? Rồi một anh thương gia toàn gặp may mắn, thuận lợi trong việc kinh doanh, nhiều lúc đi chơi nghỉ mát thôi cũng gặp được những hợp đồng béo bở; thế có chắc y đã từng bố thí, ban ân rộng rãi trong kiếp trước hay không? Trái lại, cũng là một thương gia, nhưng anh này toàn gặp chuyện rắc rối, rủi ro, làm ăn thua lỗ, tan gia bại sản; thế có chắc kiếp trước y không chịu bố thí và cũng không ca ngợi hạnh bố thí hay không? Rồi có trường hợp ta giúp đỡ ai, họ mang ơn, sau này tìm đến ta để trả ơn. Nhân quả ở trường hợp này dễ hiểu nhưng nếu gặp kẻ vô ơn, không nhớ nghĩ gì đến chúng ta thì sao? Rồi có trường hợp ta hại người, họ tìm cách hại lại ta, nhân quả này dễ hiểu nhưng nếu gặp người từ tâm rất lớn, họ tha thứ không tìm cách mưu hại lại thì sao? Rất nhiều những điều hoài nghi vây bủa tâm tư của chúng ta. Chính sự hoài nghi này tạo nên tường thành ngăn cách niềm tin của chúng ta về luật nghiệp báo, và một khi chúng ta đánh mất niềm tin về luật nghiệp báo thì chúng ta dễ dàng đánh mất luôn nền tảng đạo đức của con người. Vậy làm thế nào để chúng ta tin hiểu được luật nghiệp báo?


Niềm tin về nghiệp.


Ngày nay, khoa học đã tiến đến ngưỡng cửa rất tinh vi, ngưỡng cửa đó là ngưỡng cửa giữa cái không và cái có hay nói cách khác cái ngưỡng cửa giữa vật chất và không phải vật chất. Mấy nghìn năm qua, các nhà khoa học đã quen chứng kiến và chứng minh những qui luật khách quan nằm trong không gian vật chất, vậy mà thuật ngữ khoa học ngày nay có cái gọi là không gian phi vật chất, họ đâm ra bối rối. Khi mà khoa học còn mù mờ về không gian phi vật chất (ta cũng có thể gọi đây là không gian tâm linh) thì việc đòi hỏi tin nhận nhân quả nghiệp báo phải có tính khoa học là một đòi hỏi thiếu tính khôn ngoan, nếu không muốn nói là quá vụng về; vì quy luật nhân quả nghiệp báo không thuộc lĩnh vực thế giới quan vật lý, nó nằm trong không gian tâm linh, tận sâu thẳm trong bản thể. Chỉ có đức Phật và các bậc thánh A-la-hán đã chứng ngộ thể nhập vào bản thể mới thấy rõ được đường đi lối về của luật nghiệp báo. Chúng ta, những người phàm phu, với tâm tánh loạn động, khó mà thấy được luật nghiệp báo vốn sâu thẳm và bao trùm tất cả. Chúng ta tin vào luật nghiệp báo vì chúng ta tin vào Phật và các vị A-la-hán, tin vào các bậc Thánh đạt đạo. Và hơn hết, chúng ta tin vào lương tâm thánh thiện của mình. Trong sâu thẳm lương tâm của mình, chúng ta ai ai cũng có lúc trực nhận rằng kẻ hiền lương sẽ gặp được những điều may mắn, tốt đẹp, còn kẻ độc ác sẽ gặp phải tai ương, hoạn nạn. Chính trong giây phút tâm tư tĩnh lặng, lương tâm soi sáng, chúng ta nhận ra được luật nghiệp báo, dù còn mơ hồ, chưa rõ lắm.


Cái khó của việc tin nhận nhân quả nghiệp báo chính là khoảng thời gian và khoảng không gian ngăn cách. Có khi một hành động bất thiện được anh A tạo ra ở kiếp này, ở đây nhưng mãi đến năm bảy kiếp sau anh mới thọ quả báo ở một chỗ khác. Ví dụ như trường hợp quốc sư Ngộ Đạt chẳng hạn, Ngài đã giết oan một mạng người mà mãi đến kiếp thứ mười Ngài mới chịu quả báo. Luật nghiệp báo không đóng khung trong một không gian, thời gian nhất định nào. Nó bao trùm cả tâm, vật, không gian vô biên và thời gian vô tận; hơn nữa, nó cũng không bị chi phối bởi tâm lý vô ơn hay từ tâm của hai trường hợp vừa nêu ở phần hoài nghi về nghiệp, vì dù gặp kẻ vô ơn hay người có từ tâm thì hành động của mình tạo ra mình sẽ gặt lấy. Luật nghiệp báo cũng giống như tấm gương bí mật ở trên cao. Người không thấy, không biết sẽ rất ngạc nhiên tại sao một ngọn đèn ở đây, bị ngăn cách bởi rất nhiều bức tường lại có thể xuất hiện một vầng sáng ở bên kia. Ngọn đèn chính là nghiệp nhân và vầng sáng bên kia chính là nghiệp quả. Chúng ta hiện không hay không biết gì về tấm gương, về luật nghiệp báo nhiều nhưng không hiểu không biết không có nghĩa là không có. Vậy điều khôn ngoan nhất hiện giờ là phải tin nhân quả nghiệp báo để làm lợi ích cho mình và cho xã hội.
Lợi ích thiết thực từ việc tin nhận luật nghiệp báo.
Người tin luật nghiệp báo tức tin rằng thiện ác sẽ có báo ứng phân minh. Một tên trộm giết người cướp của ma quái quỷ quyệt có thể lẩn tránh pháp luật nhưng gã ta không thể lẩn tránh được luật nghiệp báo, trong tương lai gã sẽ chịu quả báo tương xứng. Ngoài hai quả báo chính là cướp của giết người, gã phải chịu thêm những quả báo phụ kéo theo nữa. Chẳng hạn gã giết anh xe ôm rồi cướp xe tẩu thoát. Hậu quả đau thương để lại cho gia đình anh xe ôm là không kể xiết. Người vợ đau đớn mất chồng, những đứa con thơ dại mất cha, lạc lõng, bơ vơ côi cút. Anh xe ôm lại là người trụ cột, người lao động chính trong gia đình, mọi chi tiêu trong gia đình, ăn học của con cái chỉ trông chờ vào đồng tiền kiếm được của anh. Anh mất đi, kinh tế gia đình túng quẩn, nghèo khó, con cái không đủ cái ăn cái mặc, không còn điều kiện để tiếp tục học hành được nữa. Người vợ buồn khổ có khi dẫn đến bệnh tật rồi chết. Tất cả những nỗi đau khổ này, gã giết người kia phải gánh chịu, chắc chắn trong tương lai, những kiếp về sau, gã này phải chịu sự báo ứng vô cùng đau khổ. Tin vào sự báo ứng khốc liệt trong tương lai, những kẻ manh tâm làm ác sẽ chùng bước, sẽ quy thiện.


Chúng ta sanh ra đời không ai muốn mình bị xấu xí, tật nguyền, bất hạnh, nghèo khổ cơ cực; ai ai cũng muốn mình bảnh bao, thông minh đĩnh ngộ, giàu có, được nhiều người quí mến ủng hộ. Thế nhưng sống hiện đời, chúng ta toàn sống với tâm hồn nham hiểm, độc ác, hẹp hòi, ghanh ghét, đố kỵ, nhỏ mọn thì làm sao chúng ta có cuộc sống như ý được. Để niềm mong ước của chúng ta trở thành hiện thực, cách duy nhất là phải tin nhận luật nghiệp báo, phải thực hành ban phát tình thương, chia sẻ tài vật, cố gắng giúp đỡ mọi người, tạo dựng niềm vui, niềm hạnh phúc cho tha nhân, kính trọng và quy ngưỡng các bậc đạo đức Thánh hiền. Làm được điều này, phước báu tốt đẹp sẽ kết tinh trong chính bạn, hiện tại được nhiều người quý mến, kính phục và chắc chắn trong tương lại, bạn sẽ sinh ra làm người được như ý.
Một khi tin hiểu sâu sắc về luật nghiệp báo, tự nhiên lòng chúng ta trở nên rộng rãi bao dung, độ lượng hẳn ra. Trong gia đình, đoàn thể cho đến trong cộng đồng xã hội, nếu mọi người ai cũng có niềm tin sâu sắc về nhân quả nghiệp báo thì tự dưng, không ai bảo ai, họ đều đối xử rất chân tình, thánh thiện với nhau, thấy người này khó khăn, họ tìm đến giúp đỡ, thấy người khác gặp hoạn nạn họ tìm đến sẻ chia. Có thể nói người tin hiểu sâu sắc về nghiệp báo là người đạt đến sự tự giác thánh thiện cao độ. Họ không cần ai khuyến khích, kêu gọi. Họ thấy hễ có người nghèo khổ, hoạn nạn, bất hạnh là họ tự tìm đến giúp đỡ, sẻ chia với khả năng của họ. Tâm hồn của những người tin hiểu luật nghiệp báo là tâm hồn của những vị Bồ-tát. Họ rất thận trọng trong ý nghĩ, lời nói hay hành động của mình. Họ rất sợ tạo ra niềm đau cho người khác và quả báo bất hảo cho chính mình. Do đó, tin hiểu luật nghiệp báo trước hết là mang lại ích lợi cho tự thân và kế đến là tha nhân và xã hội.


Kết luận.


Ngày nay, xã hội trở nên mất cân đối, khoa học vật chất thì phát triển mạnh mẽ, khoa học đạo đức tâm linh thì thụt lùi; điều này, chỉ cần chúng ta nhìn vào thực trạng xã hội thì sẽ rõ. Bình tâm mà xét lại, chúng ta thấy mình đều có phần trách nhiệm trong việc đạo đức tâm linh đang đi xuống. Những người tạo nhiều ác nghiệp tày trời là những người không được giáo dục đạo đức hoặc có giáo dục, nhưng giáo dục lấy lệ, không gợi được cảm xúc thánh thiện sâu thẳm trong tâm khảm họ. Vấn đề giáo dục đạo đức tâm linh không đơn giản như việc giáo dục kiến thức khoa học. Việc giáo dục kiến thức khoa học, ta chỉ cần hiểu và trình bày lại những kiến thức đã có sẵn trong sách vở, còn việc giáo dục đạo đức tâm linh đòi hỏi nhà giáo dục ngoài việc có kiến thức chuyên môn cần phải có tâm hồn đạo đức thánh thiện trong sáng, phải biết khai thác triệt để khía cạnh cảm xúc thánh thiện ẩn sâu bên trong thính chúng. Sự thành công ít nhiều của nhà giáo dục đạo đức tùy thuộc vào việc gợi mở ít nhiều cảm xúc thánh thiện thẳm sâu bên trong những tâm hồn ấy, tùy thuộc vào việc phát khởi niềm tin mạnh yếu vào học thuyết, giáo lý của nhà giáo dục nêu ra (có thể là học thuyết của Phật giáo, Thiên chúa giáo…), tùy thuộc vào sự chuyển biến tâm hồn nông sâu của thính chúng. Đối với các nhà giáo dục theo học thuyết Phật giáo, điều trước hết và quan trọng nhất là nêu cao tinh thần nhân quả nghiệp báo. Một khi có ý thức về nghiệp báo thì họ có ý thức về đạo đức. Một khi có ý thức về đạo đức, họ biết tôn trọng cuộc sống. Một khi biết tôn trọng cuộc sống, họ biết mưu cầu hạnh phúc cho mình xuyên qua việc làm lợi ích cho tha nhân, cho tập thể, chứ họ không mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng việc tước đoạt lợi ích của tha nhân, của đoàn thể. Xã hội nếu có nhiều người tin hiểu luật nghiệp báo thì xã hội sẽ có được nhiều tiếng cười, nhiều niềm vui hơn và nếu ai ai cũng tin hiểu luật nghiệp báo thì cuộc đời này đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui. Bóng tối nham hiểm, độc ác, vị kỷ, hẹp hòi lụi dần; ánh sáng tình thương lan tỏa muôn nơi.

Nguồn: TSPL 07

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay