Bát Chánh Đạo Với Tứ Hoằng Thệ Nguyện
Thích Thái Hoà
Bốn hoằng thệ nguyện là bốn sự thệ nguyện rộng lớn của một hành giả khi tu tập đã thành tựu giáo lý Bát chánh đạo. Nghĩa là hành giả tu tập để thành tựu ý nghĩa tự giác hoàn toàn, đã giải thoát mọi sự trói buộc của sanh tử, nhưng lại có tâm nguyện muốn tiến xa hơn trên con đường thành tựu tuệ giác vô thượng, đó là Phật quả, nên đã tiếp tục phát khởi Bốn sự thệ nguyện rộng lớn để hoàn thành sự nghiệp giác tha viên mãn.
Bốn hoằng thệ nguyện là:
1.- Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp;
2.- Phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch;
3.- Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học;
4.- Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành.
Bốn hoằng thệ nguyện này được thiết lập và phát khởi là hoàn toàn dựa vào sự tu tập và thành đạt giáo lý Bát chánh đạo.
Thật vậy, nếu một hành giả không tu tập và không thành đạt giáo lý Bát chánh đạo, thì không thể nào phát khởi lên được bốn sự thệ nguyện rộng lớn này. Vì sao như vậy? Vì nếu một hành giả tu tập mà không có chánh kiến, thì vị ấy sẽ không có được cách nhìn chân xác và đích thực về cuộc đời, vị ấy sẽ không có được sự suy tư hợp lý, sẽ không có lời nói, việc làm, nếp sống... phù hợp với đạo lý giải thoát và giác ngộ.
Nếu không có chánh kiến, thì hành giả sẽ không thấy được tất cả những khổ đau triền miên của chính mình và của vô số chúng sanh, do đó sẽ không phát khởi được tâm trí rộng lớn và nỗ lực thực hành để đưa mình và tất cả chúng sanh về với giải thoát, giác ngộ.
Nếu không có chánh kiến, hay nói một cách tổng quát là, không thực hành Bát chánh đạo, thì nhất định hành giả sẽ không có đức lực, định lực và tuệ lực như thực. Vậy thì, dựa vào cơ sở nào để hóa độ chúng sanh? Và những chúng sanh được hóa độ ấy, phải đưa họ về chỗ nào, nếu không phải là đưa họ trở về với đời sống đạo đức và trí tuệ như thực ấy.
Nếu không dựa vào Bát chánh đạo mà tu tập thì hành giả sẽ không có chánh kiến, nếu không có chánh kiến thì không thấy rõ Khổ đế, đã không thấy Khổ đế thì làm gì mà phát khởi tâm nguyện rộng:
“Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp”.
Nếu không có chánh kiến, thì trong cuộc sống hành giả sẽ không thấy rõ sự liên hệ giữa mình và người, sẽ không thấy rõ được rằng, niềm đau của kẻ khác cũng có khi tạo thành nỗi khổ đau của chính mình, và niềm hạnh phúc của kẻ khác, cũng có khi là niềm hạnh phúc của chính mình; hạnh phúc của chính mình cũng đang có mặt trong hạnh phúc của kẻ khác. Với cách thấy sự sống có tính tác động liên đới như vậy, đó là cách thấy của một hành giả có chánh kiến. Hay nói cách khác, và chính xác hơn, đó là cách thấy của những người thực hành Bát chánh đạo.
Từ những cách nhìn và thấy rõ như vậy, hành giả mới phát khởi tâm nguyện rộng lớn là: “Chúng sanh không số lượng, thề nguyện đều độ khắp”.
Lại nữa, từ cách nhìn và cách thực hành của một hành giả ở nơi pháp Bát chánh đạo, vị ấy sẽ thấy chính bản thân của mình không có một tự ngã nào thực hữu, mà nó chỉ là một tập hợp của năm uẩn. Chúng liên hệ mật thiết và tác động qua lại hỗ tương với nhau trong một vòng nhân duyên, nhân quả sinh động vô tận. Vòng nhân duyên, nhân quả ấy có thể chuyển đổi từ một dạng này qua một dạng khác, từ một hình thái thô phù qua một dạng vi tế khác, từ một hình thái sinh hoạt cấp thấp qua một hình thái sinh hoạt cấp cao.
Nói gọn, bởi vì thấy rõ sự sống là duyên sinh vô ngã, không có tự tính, nên hành giả mới tu tập để chuyển đổi từ mê mờ thành giác ngộ, từ khổ đau thành an lạc cho chính mình và tất cả chúng sanh.
Bởi vậy, lời thệ nguyện thứ nhất phải được gắn liền với Bát chánh đạo, nếu không thì không thể nào phát khởi và thành tựu được lời thệ nguyện thứ nhất này.
Sự đau khổ của hành giả và sự đau khổ của tất cả chúng sanh là kết quả tất yếu của những tác nhân gần và xa trong chính tự thân và mỗi hoàn cảnh của nó. Do đó, một khi hành giả tu tập Bát chánh đạo, tức là đang nỗ lực đoạn trừ những tác nhân khổ đau, vì do hành giả đã thấy rõ những khổ đau của chính mình là bắt nguồn từ những tác nhân phiền não.
Bởi vậy, muốn hết khổ đau, thì hành giả phải nỗ lực đoạn trừ những tác nhân gây ra nó. Và muốn cho chúng sanh hết khổ đau, thì người phát khởi đại nguyện phải nỗ lực thường xuyên giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ thấy rõ mọi nguyên nhân phát sinh khổ đau để đoạn trừ. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, hành giả phải chỉ rõ “Tập đế” là nguyên nhân phát sinh khổ đau cho họ.
Thật vậy, nếu không thực hành Bát chánh đạo, thì hành giả không thể nào thấy rõ những tập khởi hay nguyên nhân phát sinh khổ đau của chính mình và kẻ khác; và cũng không thể nào đoạn trừ được những nguyên nhân ấy.
Do đó, muốn đoạn trừ những nguyên nhân khổ đau cho chính mình và kẻ khác, thì hành giả không thể không thực hành giáo lý Bát chánh đạo. Vậy, lời thệ nguyện thứ hai là:
“Phiền não không cùng tận, thề nguyện đều dứt sạch”.
Thệ nguyện này phải được gắn liền với giáo lý Bát chánh đạo. Chỉ có thực hành Bát chánh đạo mới đoạn trừ được vô biên phiền não.
Sự gắn liền Bát chánh đạo với lời thệ nguyện thứ ba là:
“Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học”.
Thật vậy, một hành giả khi đã thực tập và thành tựu giáo lý Bát chánh đạo, vị ấy muốn đi xa hơn nữa trên con đường tuệ giác, nên cần phải học hỏi nhiều pháp môn để giáo hóa chúng sanh và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ.
Nhưng, một hành giả muốn đem lại những lợi ích thiết thực cho bất cứ một ai, thì trước hết hành giả phải thấy rõ căn cơ, hoàn cảnh, trình độ và mọi diễn biến tâm-sinh lý nơi chính kẻ ấy nữa. Sự nghiệp giáo hóa đem lại lợi ích cho một người, mà còn lắm công phu như vậy, huống hồ là giáo hóa cho mọi chủng loại chúng sanh!
Lại nữa, chính trong mỗi chủng loại của chúng sanh cũng có những hình thái đồng và dị biệt, huống gì là vạn loại chúng sanh thì biết bao tâm - sinh lý, hoàn cảnh, trình độ, nghiệp duyên khác nhau không thể kể xiết.
Thế thì, sự học hỏi có tính chấp thủ và giới hạn sẽ không thích ứng, không đủ năng lực để đáp ứng mọi nhu cầu học hỏi của tất cả chúng sanh. Do không đáp ứng được nhu cầu của họ, nên nhất định sẽ không giáo hóa được họ, và như vậy hiệu năng giáo hóa sẽ bị giới hạn, sứ mệnh giác tha để đưa mình và mọi người, cũng như tất cả chúng sanh đạt đến tuệ giác không thành. Sự nghiệp giáo hóa đã không thành, thì hạnh nguyện lợi tha không viên mãn. Tất cả những nhược điểm ấy, là do sự học hỏi có giới hạn của hành giả tạo nên.
Bởi vậy, hành giả muốn giáo hóa chúng sanh có hiệu quả, thì phải nỗ lực học hỏi vô số pháp môn, để rồi tùy theo căn cơ, trình độ, hoàn cảnh của mỗi chúng sanh mà dìu dắt họ, hướng dẫn họ đi vào biển cả giác ngộ. Đó là lý do tại sao một hành giả tu tập Phật pháp là phải học hỏi “vô lượng pháp môn”.
Lại nữa, chân lý là không có giới hạn, nên bất cứ ai muốn tìm hiểu chân lý, thì người ấy phải có một sở học không giới hạn. Và chân lý là không có giới hạn, nên những ai muốn ngộ nhập chân lý, thì người ấy cũng phải tu và thực tập đời sống không giới hạn, đúng như chân lý vậy.
Trong tất cả mọi sự học hỏi, thì sự học hỏi để thấy rõ chân lý là sự học hỏi vô hạn. Và trong tất cả mọi hoạt động thiết thực lợi ích, thì những hành động để đem lại sự hiểu biết đúng đắn là hành động lợi ích lớn nhất và thiết thực nhất.
Bởi vậy, một hành giả tu tập và đã thành đạt giáo lý Bát chánh đạo rồi, vị ấy muốn tiến xa hơn và sâu hơn trong sự tu tập bằng cách học hỏi vô số phương pháp để giáo hóa chúng sanh. Do đó, dù bất cứ một pháp môn nào, hoặc thấp, hoặc cao, hoặc cạn, hoặc sâu, hoặc thô, hoặc tế, đều không thể bỏ qua bởi tâm chí cầu học của một hành giả đã phát tâm: “Pháp môn không kể xiết, thề nguyện đều tu học”.
Tuy nhiên, một hành giả phát khởi tâm chí học hỏi “vô lượng pháp môn” như vậy, không phải là một sự tình cờ, hay một sự ngẫu nhiên, mà chính nó đã bắt nguồn từ sự học hỏi và thực hành Bát chánh đạo, nghĩa là không tu học và thấy rõ giáo nghĩa của Đạo đế, thì vị ấy sẽ không có cơ sở để phát khởi lên những tâm nguyện rộng lớn về sự học hỏi vô lượng pháp môn như vậy.
Vậy, sự phát khởi tâm nguyện rộng lớn của một hành giả, là học hỏi vô lượng pháp môn, phải được xây dựng trên nền tảng của giáo lý Bát chánh đạo, hay nói rộng rãi hơn, đó là Đạo đế. Và chính đặt trên nền tảng này, hành giả mới có thể thành tựu được thệ nguyện học hỏi rộng lớn của chính mình, dù sự học hỏi ấy phải hiến dâng toàn thể sinh mệnh, và chịu bao ngược đãi trước những hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn cho đến muôn ngàn ức kiếp, nhưng tâm chí của vị ấy vẫn không hề bị thối chuyển và mệt mỏi.
Và sau cùng, sự gắn liền Bát chánh đạo với lời thệ nguyện thứ tư là:
“Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành”.
Nếu một hành giả tu tập mà không thành đạt chánh kiến, hay không thành tựu giáo lý Bát chánh đạo, thì không thể nào dẫn đến, hoặc đạt đến chánh trí và chánh giải thoát. Mỗi khi chánh trí và chánh giải thoát đã không thành đạt, thì không thể nào có sự ưa thích đối với niềm vui tịch tịnh và không thể nào nhận rõ Niết-bàn là một trạng thái an lạc tuyệt đối và là một sự hạnh phúc cao nhất trong tất cả mọi hạnh phúc của thế gian và xuất thế gian. Và, nếu không tu tập để có chánh kiến và có chánh kiến trong sự học tập thì không thể nào thấy rõ được Phật quả là quả vị cao nhất trong tất cả mọi quả vị tu tập, để khởi tâm chí mong cầu thành tựu quả vị ấy.
Thật vậy, trên bình diện giải thoát, đối với dục giới, sắc giới và vô sắc giới, thì giữa quả vị Phật và quả vị A-la-hán có thể thành đạt như nhau, nghĩa là cả hai quả vị này hoàn toàn không còn bị trói buộc ở trong sinh tử.
Nhưng, ở lãnh vực trí tuệ, soi chiếu để thấu triệt vạn pháp một cách như thật, thì sự khác biệt giữa hai quả vị này cách nhau một trời một vực. Trí tuệ của những vị chứng đạt A-la-hán, khi quán chiếu vạn pháp thì có những vấn đề quán triệt, nhưng vẫn có những vấn đề chưa quán triệt; những vấn đề quán triệt của các vị A-la-hán đó là: “Sự tái sinh của tôi đã hết, đời sống phạm hạnh đến đây đã thành tựu, điều đáng làm tôi đã làm, vĩnh viễn không còn sự tái sinh”.
Tóm lại, đạt được quả vị A-la-hán, tức là đã quán triệt đối với “phân đoạn sinh tử”, nhưng chưa phải là Bậc đã quán triệt đối với “biến dịch sinh tử” và sự giác ngộ chân lý hoàn toàn.
Trái lại, Bậc giác ngộ chân lý hoàn toàn phải là Phật.
Một khi đã thành tựu Phật vị thì không những quán triệt một cách như thực đối với các pháp thế gian mà còn đối với các pháp xuất thế gian nữa, không những quán triệt đối với các pháp Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát mà còn quán triệt đối với tất cả các pháp có tính cách vi mật, thâm diệu của chư Phật và tất cả những cảnh giới mầu nhiệm của các Ngài nữa.
Bởi, đạo cao quý như vậy, nên lý tưởng hay mục đích cuối cùng của người tu tập là phải đạt đến mục tiêu ấy.
Nhưng, muốn đạt được mục đích và lý tưởng cao cả này thì hành giả phải thành tựu Diệt đế. Diệt đế, ngoài ý nghĩa dập tắt phiền não, còn có những ý nghĩa đoạn trừ khát ái, tiêu diệt hết thảy vô minh; Diệt đế là giải thoát, là trí tuệ, là Phật vị và cảnh giới của Phật vị.
Như vậy, một hành giả tu tập muốn thành tựu Diệt đế, nghĩa là muốn thành tựu đời sống giải thoát, an lạc của Niết-bàn và Phật vị, thì phải dựa vào đâu để tu tập, nếu không phải là dựa vào nền tảng đích thực là Bát chánh đạo. Vì sao như vậy? Vì không dựa vào Bát chánh đạo để tu tập, thì không thể nào thấy được tự tâm là Bồ-đề, tự tâm là trí tuệ, tự tâm là giác ngộ và hết thảy chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Do không thấy được như vậy, nên không thể phát khởi lời thệ: “Phật đạo không gì hơn, thề nguyện đều viên thành”.
Bởi vậy, lời thề nguyện này là phải dựa trên nền tảng của chánh kiến mà phát khởi, hay nói một cách chân xác hơn, lời thề nguyện ấy phát khởi là hoàn toàn dựa vào giáo lý Bát chánh đạo. Thật vậy, nếu một hành giả không tu tập và không thành tựu giáo lý Bát chánh đạo một cách minh thị, thì vị ấy không tài nào và không thể nào thành đạt những tâm nguyện rộng lớn như vậy.
Để tóm tắt bài này, chúng ta sẽ thấy rằng, giáo lý Bát chánh đạo làm nền tảng để cho Bốn sự thệ nguyện rộng lớn sinh khởi. Hay nói cách khác, Bốn hoằng thệ nguyện là hình ảnh phóng đại và khai triển của giáo lý Bát chánh đạo. Do đó, không tu tập và thực hành Bát chánh đạo, thì hành giả cũng không dễ gì mà thực hành Bốn hoằng thệ nguyện một cách viên mãn.
Bởi vậy, giáo lý Bát chánh đạo và Bốn hoằng thệ nguyện gắn liền với nhau và không hề tách biệt nhau. Chúng là hai mặt của một thực thể giác ngộ, đó là tự giác và giác tha; vì tự giác và giác tha là hai mặt tất yếu và viên mãn của giáo lý giải thoát, giác ngộ vậy! ↑
|