Dưới đây là một vài dẫn khởi có tính cách thực tiễn đối với sự tu tập công án, được đề ra do các Thiền sư qua nhiều thời đại; từ đó, chúng ta có thể thấy rõ một công án sẽ làm được việc gì để khai triển ý thức Thiền và cũng thấy rõ sự tu tập công án đã bộc lộ cho khuynh hướng nào theo thời gian. Rồi chúng ta sẽ thấy, sự bành trướng của tu tập công án đã tạo nên một trào lưu mới mẻ giữa các Thiền sư dưới triều đại nhà Minh liên kết với phép niệm Phật. Đây là một danh hiệu gọi chung giữa tâm lý cơ giới luận của tu tập công án và phép trì tụng Phật danh (đề tài này sẽ được bàn riêng ở đoạn sau). (Thiền quan sách tấn của Chu Hoằng.)
Một Thiền sư trên núi Hoàng bá, khoảng đầu nhà Tống, chỉ thị về lối học Thiền như sau: (Thiền quan sách tấn của Chu Hoằng.)
"Này chư huynh đệ! Có thể chư vị thích nói về Thiền, về Đạo, chưởi Phật, chưởi Tổ nhưng đến khi tính lại, các thứ Thiền đầu môi chót lưỡi của chư vị nào có ích chi. Như thế chỉ làm mờ mắt kẻ khác, nhưng nay chư vị sẽ thấy rằng mình tự làm mờ mắt mình. Này chư huynh đệ! Lúc thân thể còn khang kiện hãy cố mà hiểu biết chân chính Thiền là gì. Quả tình, cái ổ khóa đó chẳng phải khó mở xoay vào cho lắm, mà chỉ vì chư vị không quyết lòng sống chết với công phu; rồi khi không biết làm sao để chứng, chư vị lại bảo "khó lắm, khó lắm, sức ta không làm nổi".
Thật là vô lý! Nếu chư vị quả thật là những kẻ trượng phu, chư vị sẽ thấy ra ý nghĩa công án của mình. Một thầy Tăng hỏi Triệu Châu: "Con chó có Phật tính không?" Châu đáp "Vô ". Rồi, bây giờ chư vị hãy chuyên tâm vào chữ Vô này và cố mà tìm hiểu ý nghĩa của nó. Hãy chuyên tâm vào đây cả ngày lẫn đêm; dù đi, đứng hay nằm, ngồi suốt trong mười hai thời; dù cả khi mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, hãy chú tâm nhất định nơi công án. Hãy tận lực ghi nhớ nó mãi trong lòng. Ngày qua tháng lại, cho tới khi tâm của chư vị được nhồi lại thành một khối, thì hoa lòng bỗng nhiên bừng nở � tỏ ngộ cái tâm cơ của Phật và Tổ. Bấy giờ, kể từ nay, khắp trong thiên hạ chẳng còn một lão Thiền sư nào mà mắt chư vị được nữa." (Lời Bình của Chu Hoằng: "Đây là khởi thủy của việc đề công án khán thoại đầu về sau này. Nhưng, bất tất chấp chặt chữ vô. Hoặc chữ vô, hoặc vạn pháp, hoặc núi Tu di, hoặc chết rồi, hoặc đốt rồi, v.v., nhẫn đến hoặc tham cứu niệm Phật. Tùy theo mà giữ lấy một tắc (một công án hay một thoại đầu), hẹn cho đến khi Ngộ thì thôi. Chỗ ghi chẳng đồng, nhưng chỗ ngộ không khác." � Thiền quan sách tấn (D.G.)
Phật tích Di-am Chân thiền sư khuyên rằng: "Lời xưa có nói mười phần tin là mười phần nghi; mười nghi là mười phần ngộ; (Tín hữu thập phần, nghi hữu
thập phần. Nghi hữu thập phần, Ngộ hữu thập phần. (D.G.) hãy rửa sạch cái tâm bình sinh chứa đầy những sở kiến, sở văn, biết lầm, hiểu bậy, lời lạ, tiếng hay, đạo Thiền, pháp Phật, cống cao, ngã mạn v.v. Chỉ chuyên chú tâm vào cái công án chưa hiểu thấu. Nghĩa là ngồi tréo chân cho vững, dựng xương sống cho thẳng, đừng phân biệt đêm ngày, giữ tâm chuyên nhất cho đến lúc chẳng bận lòng đông tây hay nam bắc. Như một người chết còn thở.
"Tâm theo cảnh mà hóa, đụng đến là biết ngay. Rồi tự nhiên ý niệm thôi móng khởi, tâm thức hết đường đi. Rồi hốt nhiên đập vỡ óc não và tự đấy nhận ra rằng nguyên lai Đạo vốn có trong mình. Bây giờ há chẳng phải là một bình sinh khoái chí sao?"
Đại Huệ là một đại luận sư về công án của thế kỷ XII. Một trong những công án lừng danh của sư là Vô của Triệu Châu, nhưng sư cũng có một công án riêng của mình. Sư thường mang cây gậy trúc ngắn đưa ra trước chúng tăng và bảo: "Nếu các ngươi gọi đây là cây gậy, hãy nói là phải; nếu các ngươi không gọi nó là cây gậy, hãy nói là không phải. Ngoài cái phải và không phải, các ngươi sẽ gọi nó là gì?" Trong trích dẫn sau đây rút ra từ các bài pháp của ngài nhan đề là Đại Huệ Phổ Thuyết do Thủ Tịnh (T�su-Ching, hay Thủ Tịnh là một trong những môn đồà của Đại Huệ? Cũng tác phẩm này, in trong DTK. 1998 thì là do Uẩn Văn, cũng một cao đệ của Đại Huệ. (D.G.) 1190, soạn tập, ngài còn nêu lên một công án khác cho vị tăng thị giả của mình là Tịnh Quang. (Ching Kuang, không rõ là Tịnh Quang hay Kinh Quang, cả hai tên này không thấy có trong DTK. 1998; trong đây chỉ thấy có Kinh Cán, nhưng không cùng một phát âm, và nội dung cũng khác với đoạn trích dẫn, DG)
"Pháp không do kiến văn giác tri mà biết rõ. Nếu pháp kiến văn giác tri mà biết rõ, đấy chỉ là kiến văn giác tri mà thôi; hoàn toàn không phải là cầu pháp. (Đoạn này trích trong kinh Duy-ma-cật; và được trích rất nhiều trong tác phẩm dẫn trên của Đại Huệ: Pháp bất khả kiến văn giác tri. Nhược hành kiến văn giác tri, thị tắc kiến văn giác tri, phi cầu pháp dã". (D.G.) Bởi vì pháp không ở nơi những cái mà người ta nghe từ kẻ khác hay học tập bằng thế trí. Bây giờ, ngươi hãy bỏ đi những gì thấy, nghe và suy nghĩ mà thấy những gì trong chính ngươi. Chỉ có chân không, vô vật, không thể bắt nắm được, không thể nghĩ tưởng đến được. Tại sao? Bởi vì đó là nơi siêu việt giác quan. Nếu giác quan mà với tới nơi này được, thì đó là cái có thể ghi tưởng có thể bám víu; và như vậy, nó nằm trong vòng sống chết.
"Điều cốt yếu là khép chặt các giác quan, và biến tâm thức thành như một khúc cây. Khi khúc cây này đột nhiên chổi dậy và khua vang, ấy là ngươi như sư tử cất tiếng rống tự do, tự tại không ai quấy phá, hay như một con voi vượt qua sông chẳng e dè dòng nước chảy xiết. Đấy là lúc không còn dao động, không còn tại tác, không có gì hết, Trưởng lão P�ing t�ien (?) nói:
Trời trong không mây mù
Đạo thường tồn miên viễn
Ai bước vào cửa này
Không học, không luận biện
"Nhà ngươi phải biết rằng do kiến văn tri giác mà bước vào đạo và cũng do kiến văn tri giác mà không bước vào được. Tại sao? Hãy cầm lấy cây dao hai lưỡi, nó giết chết và cứu sống; nơi này là chỗ kiến văn tri giác của ngươi, và ngươi có thể dùng được cái kiến văn tri giác ấy. Nhưng nếu thiếu con dao hai lưỡi này, nó vừa giết chết vừa cứu sống ấy, thì kiến văn tri giác của ngươi chỉ là một khối trở ngại lớn lao, nó xô ngươi té sấp mãi mãi; con mắt Đạo của ngươi sẽ mù hẳn, ngươi sẽ lang thang trong bóng tối, mắt mù, không biết sẽ làm sao để tự do tự tại. Nhưng nếu ngươi muốn mình là một vị thầy tự tại của chính mình bằng cách dứt bỏ kiến văn tri giác, hãy kềm lại cái tâm leo trèo như vượn, đừng để làm bậy; hãy bắt nó đứng yên; hãy kiên quyết chú tâm vào bất cứ những gì ngươi đang làm � đi đứng hay nằm ngồi, im lặng hay nói năng; hãy giữ tâm ngươi như một sợi dây căng thẳng; đừng để nó vuột khỏi tay mình. Ngay khi nó vuột khỏi vòng câu thúc, ngươi sẽ thấy nó lao đầu vào nơi kiến văn tri giác. Trong trường hợp như thế, có cách nào đối trị? Phải đối trị cách nào khả dĩ đây?
"Một thầy tăng hỏi Vân Môn: "Phật là cái gì?" "Đồ chùi phân." Đây là trị liệu; dù khi đi đứng hay nằm ngồi, hãy mãi mãi để tâm trên cái "Đồ chùi phân" này. Thời cơ sẽ đến khi tâm ngươi đột nhiên dừng lại như một con chuột già thấy mình đang ở bước đường cùng. Rồi khi nhảy bổ vào cái tịt mù và kêu lên; "À, là đây;" khi tiếng kêu này được thốt lên, ngươi đã khám phá ra chính mình. Cùng lúc ngươi thấy tất cả những giáo thuyết quí báu xưa kia được ghi trong Tam Tạng kinh điển, trong Bách Gia Chư Tử, chỉ là những chú giải của tiếng kêu bất chợt của chính ngươi "À, là đây!"
Đại Huệ không hề mỏi lòng nhắc nhở môn đệ của mình sự quan trọng của chứng ngộ siêu việt ngôn ngữ biện biệt, vượt ngoài giới hạn của tâm hành. Những bức thư và những bài pháp của ngài đầy cả khuyến thị và giáo huấn hướng về cứu cánh này. Tôi trích dẫn một vài đoạn trong đó. Sự nhấn mạnh của ngài trên điểm này chứng tỏ rằng đương thời Thiền đang sa đọa thành một hình thức một chiều tịch mặc, và đằng khác thành biện biệt về các công án của các bậc tôn túc để lại.
"Học Thiền phải đi đến chung cùng là chứng ngộ (ngộ nhập). Như một chiếc thuyền hội được làm để giựt giải nay bị ném vào một góc vắng. Các bậc tôn túc của Thiền cũng vậy; bởi vì chúng ta chỉ biết rõ sự thành đạt đích thực của Thiền khi nào chúng ta chứng ngộ. Bất cứ cách nào, phải đạt đến chứng ngộ; nhưng các ngươi sẽ không bao giờ đạt được mong ước bằng cách ngồi yên lặng một mình, ngồi như một người chết. Tại sao? Tổ sư há chẳng có nói rằng khi các ngươi cố đạt cái tĩnh mặc bằng cách dẹp hết các hoạt động thì cái tĩnh mặc của các ngươi lại càng quấy nhiễu hơn nữa? Dù các ngươi có hăng hái để làm lắng đọng cái tâm tạp loạn của mình kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại những gì ước mong thể hiện được, khi mà tập quán biện biệt vẫn còn tiếp tục. Vì vậy hãy vứt bỏ tập quán biện biệt đó đi; phải vẽ ra trước mắt hai chữ sống và chết và khăng khăng chú tâm vào công án sau đây như phải gánh chịu một món nợ phải trả vô cùng nặng nề. Hãy nghĩ nhớ công án dù đang làm bất cứ việc gì, dù là ngày hay đêm. Một thầy tăng hỏi Triệu Châu "Con chó có Phật tính không". Châu nói Vô. Hãy chú tâm vào chữ vô này và hãy nhìn xem cái gì nằm trong đó. Đến lúc tâm đã định ngươi sẽ thấy công án chẳng có mùi vị gì hết, nghĩa là chẳng có đường lối phân biệt nào để dò vào trong lòng của nó. Nhưng cùng lúc ấy, các ngươi có thể cảm thấy hoan lạc xâm chiếm trong lòng mình, và ngay sau đó, một cảm giác khác tiếp theo, lần này là một cảm giác bất an. Đừng để ý đến sự xen kẽ của các xúc cảm này, hãy cố tiến tới công án, cho đến lúc ngươi sẽ tự thấy là mình như một con chuột già lao đầu vào đường. Bây giờ cần một bước quay lui, nhưng những kẻ hạ căn hay dao động và ngập ngừng không bao giờ có thể làm vậy nổi.
Nơi khác, Đại Huệ nói : "Hãy kiên trì công án trong suốt cả bình sinh. Nếu một niệm khởi lên, đừng cố ý dẹp xuống, mà cứ cố giữ công án hiện tiền với tâm. Dù khi đi khi đứng hay nằm ngồi, chú tâm không gián đoạn. Đến khi bắt đầu thấy nó không còn hương vị gì hết, ấy là lúc thời cơ quyết định đang đến; đừng để nó vuột mất. Đến khi một vật đột nhiên chớp lên trong tâm ngươi, ánh sáng của nó sẽ sáng rực cả vũ trụ, và ngươi sẽ thấy rằng quốc độ của chư Phật hoàn toàn hiện lên trên đầu một sợi tóc, và bánh xe Chánh pháp vĩ đại đang quay trong một hạt bụi" (Những đoạn trên của Đại Huệ được trích trong Phổ thuyết, ngữ lục và thư. Ngài rất giỏi về kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka hay Gandayùaha), nên có nhiều dẫn dụng của giáo nghĩa kinh này, như đoạn chót ở trích dẫn trên.)
Không Cốc Long (Nguyên tác viết theo âm Bắc bình là K� ung-ku Ching-lung. Dò theo bản sách dẫn thì những âm sau đây chỉ chung một người : K� ung-ku ching-hung, K� ung-ku Ching-lung, K� ung-ku lung. Hai âm sau, theo âm Hán Việt là Không cốc Cảnh Long và Không cốc Long, thấy trong Truy môn Cảnh huấn (DTK. 2023) và Thiền quan sách tấn (DTK. 2023); nhưng K� ung-ku Ching-hung thì không biết đọc âm Hán Việt ra sao, vì chúng tôi chưa tìm ra xuất xứ của đoạn trích dẫn này (tác giả không cước chú xuất xứ; lối trích dẫn không cước chú này, trong nhiều chỗ khác, thường khiến người dịch bối rối không ít khi muốn tìm một dụng ngữ chính xác. Vả lại, các ấn bản của trích dẫn thường là rất cổ, nên nhiều bản hoặc thừa hoặc thiếu khác nhau. Trừ phi có ngay ấn bản mà tác giả dẫn dụng mới tránh khỏi những phiền phức khi vừa dịch vừa đối chiếu xuất xứ). (D.G) đã từng khuyên các sư tăng tương tợ!
"Cái vô của Triệu Châu, trước khi các thầy thấu triệt nghĩa lý của nó, thì nó như một hòn núi bạc hay như một bức tường sắt (nó đứng chắn lối của các thầy). Nhưng khi các thầy tiến tới với cái vô ngày qua ngày, cố bước vào trong lòng của nó, đừng để một khoảnh khắc dừng nghỉ, thời cơ tối thượng nhất định sẽ đến, như một cơn lụt tràn ngập; và rồi các thầy sẽ thấy rằng bức tường sắt hay hòn núi bạc chẳng chút gì đáng sợ. Điều quan trọng là đừng tin gì ở cái học, mà để hết tâm trí vào việc giải quyết vấn đề sanh tử. Đừng phí thì giờ ngồi không suy nghĩ về cái vô, hãy như một tên si ngốc không khác, đừng cố giải quyết sai lầm bằng tư duy biện biệt. Hãy kiên quyết để hết tâm chí mà hiểu thấu cái vô. Rồi đột nhiên, khi các người buông tay xuống, toàn thể tâm thức hoàn toàn đảo ngược và kể từ đây các người nhận thấy vô cùng minh bạch nơi chốn tận cùng của nó."
Tác giả của Thiền gia qui giám (Thiền gia qui giám Do Thối Ẩn, một Thiền sư người Cao li, đời Minh (A.D. 1368-1650) Tác phẩm xuất hiện năm 1579.) xác nhận tất cả những điều đã được trích dẫn trên, và mô tả đầy đủ về tâm lý của thực tập công án.
"Người học Thiền cần phải nhìn vào chỗ sống động chứ đừng nhìn vào chỗ chết. (Các Thiền sư thường phân biệt tử cú và hoạt cú. Hoạt cú chỉ cho những câu không hề có giảng giải bằng suy lý mà đẩy tác động ý thức thường nghiệm đến kỳ cùng. Còn tử cú là những câu chịu chi phối của luận lý hay triết học do đó có thể học và có thể truyền. Đấy là theo Thối Ẩn.) Hãy cố tìm hiểu ý nghĩa công án của mình, đồng thời đặt hết sức mạnh tinh thần vào phận sự như gà mái ấp trứng, như chuột rình mèo, như người đói tìm thức ăn, như kẻ khát tìm thức uống, như con nhớ mẹ. Nếu nổ lực đến kỳ cùng và kiệt lực như thế, chắc chắn thời cơ sẽ đến khi ý nghĩa của công án soi tỏ trên mình.
"Có ba yếu tố khiến cho việc học Thiền được thành tựu: 1.) Tín lớn; 2.) Chí lớn và 3.) Nghi lớn. Thiếu một trong ba cũng như cái đỉnh gẩy hết một chân, nó sẽ đổ. Trong suốt cả bình sinh, bất kể đang làm gì, hãy nỗ lực tìm thấy nghĩa lý cái Vô của Triệu Châu, luôn luôn gìn giữ công án hiện tiền, đừng bao giờ xao lãng tinh thần cầu hiểu. Hành trì liên tục bất đoạn, các thầy sẽ thấy rằng chẳng có khúc mắc của trí thức nào ở trong công án, thấy rằng nó hoàn toàn vô nghĩa khi các thầy hiểu chữ này một cách bình thường, thấy rằng nó hoàn toàn nhạt nhẽo vô vị, chẳng chút ngon ngọt nào, và rồi các thầy sẽ cảm thấy bồn chồn bất an. Đến đây là lúc rút kiếm ra khỏi vỏ, buông mình xuống vực thẳm và từ đó mà gieo trồng căn tính của Phật quả.
"Đừng nghĩ rằng ý nghĩa của công án hiện ra khi các thầy nắm lấy nó để giải quyết; đừng biện biệt hay nghĩ tưởng gì hết, đừng mong chờ chứng ngộ bằng cách lắng tâm dứt hết các ý tưởng tạp loạn; chỉ chuyên tâm vào tính cách bất khả tư nghì của công án, trên đó, tâm trí rõ ràng không chút câu thúc. (Về thái độ của hành giả Thiền đối với công án, trong các phụ lục, tôi đã dẫn chứng các chỉ thị cung cấp những tài liệu hứng thú đối với việc khảo cứu tâm lý về ý thức Thiền. Thối Ẩn (T�ui yin) khuyên các môn đệ công án gồm sáu điểm : 1) Không tính toán theo trí tưởng tượng: 2) Không phóng tâm xao lãng khi minh sư nhướng mày hay nhắm mắt ; 3) Không qui định công án để rút ra một ý nghĩa; 4) Không bộc bạch bằng lời ; 5) Không đặt ý nghĩa công án làm đối tượng cho tư tưởng ; 6) Đừng coi Thiền như một trạng thái chỉ thụ động ; 7) Không phán đoán công án theo tiêu chuẩn hữu và vô ; 8) Không coi công án như là chỉ điểm cho ngoan không (tuyệt đối trống rỗng) ; 9) Không lẩm nhẩm công án ; 10) Đừng đem lòng chờ đợi chứng ngộ. Thực tập công án được pha trộn với Thiền định, nhưng theo tất cả những cảnh giác này do một vị tôn túc đề ra về việc thực tập công án, thì rõ ràng Thiền (tông) không phải là thực tập Thiền định (tư duy) hay kham nhẫn (thụ động). Nếu những người học Thiền từ Đông đến Tây hiểu đúng đắn, thì phải hiểu trọn vẹn nét đặc sắc này. Thiền có một chủ đích rõ : "bừng tâm tỏ ngộ" ; và để đi đến tâm trạng này, phải nhìn thẳng công án bằng đôi mắt của tâm không tư duy, không chấp trước, chỉ coi như một cây sào nhờ đó mà nhảy khỏi dòng sông tương đối qua bờ tuyệt đối bên kia. Cái đặc sắc của đạo Phật Thiền tông là mọi thành quả không qua trung gian của khái niệm tôn giáo như tội lỗi, đức tin, Chúa, ân sủng, cứu chuộc, đời sau. v.v.) Cuối cùng các thầy sẽ thấy mình như một con chuột già lao vào góc kín đáo nhất của kho lúa nơi đây khi nhìn tới nhìn lui đột nhiên nó tìm ra lối thoát. Cân nhắc công án bằng tiêu chuẩn trí thức, như các thầy thường làm với những việc khác; sống cái kiếp sống trôi nổi trong dòng sinh tử; luôn luôn bị dày vò bởi những cảm giác sợ hãi, lo âu và lưỡng lự, tất cả những thứ đó đều do tưởng tượng và tâm trí mưu toan mà ra. Các thầy phải biết cách đứng lên trên những tế toái cuộc sống mà lắm người đang bị chìm đắm trong đó. Đừng phí thời giờ hỏi phải làm sao, chỉ cứ để hết tâm hồn vào công việc. Như một con muỗi châm chích con bò mộng bằng sắt; ngay khi tấm sắt đẩy ngược hẳn cái vòi yếu ớt của các thầy, nhưng hãy cố một lần quên lãng mình đi, mà cứ bước vào, công trình sẽ thành tựu."
Đến đây chúng ta đã trích dẫn khá đủ những thẩm quyền cho thấy đâu là sứ mệnh của công án dẫn đến chỗ gọi là chứng ngộ và cũng cho thấy cái gì xảy ra trong lòng Thiền sư khi ngài bắt đầu tập luyện tâm trí của môn nhân đưa họ đến chỗ thuần thục của ý thức Thiền. Tôi kết luận vắn tắt chương này với một đoạn trích từ tác phẩm của Bạch ẩn Huệ Hạc, cha đẻ của phái Thiền Lâm Tế Nhật bản ngày nay. Trong trích dẫn này chúng ta sẽ thấy tâm lý của Thiền tiến hành ra sao vốn chẳng có thay đổi nhiều qua hơn một nghìn năm, từ thời Huệ Năng và các môn đệ Trung hoa của ngài.
"Nếu các ngươi muốn đạt được đạo lý thanh tịnh của vô ngã, thì hãy cứ một lần buông tay rơi trên vực thẳm, rồi các ngươi sẽ bừng tỉnh chổi dậy trở lại và thành tựu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Thế nào là buông tay xuống vực thẳm? Giả sử có người dạo bước giữa những hòn núi xa xôi, nơi chưa từng có ai lưu lạc đến. Người ấy đến bên bờ một vực thẳm không đáy, đá lởm chởm, rong rêu phủ kín, vô cùng trơn tuột, không biết đặt chân đâu cho vững; y không thể đi tới, không thể bước lui, cái chết đối diện. Nguồn hy vọng độc nhất là giữ lấy sợi dây saün trong tay; sinh mệnh của y gởi vào sợi dây này. Nếu y bất cẩn buông tay, thân thể y sẽ lao thẳng xuống vực, xương thịt sẽ tan ra từng mảnh.
"Người học Thiền cũng vậy. Khi y bám chặt công án trong tay, rồi y sẽ thấy rằng mình đã bước tới cực độ khẩn trương của tinh thần và đang ở trong bước đường
như một người bị treo lơ lửng trên vực thẳm, chẳng còn biết phải làm gì. Trừ những cảm giác bồn chồn bất an, từng lúc và từng lúc, y giống như một người đã chết. Đột nhiên y thấy thân và tâm của mình bị quét ra khỏi cuộc sống cùng lúc với công án. Đấy gọi là "buông tay"; khi các ngươi tỉnh khỏi cơn si ngốc và lấy lại hơi thở, giống khi uống nước chỉ mình biết là lạnh. Đó là một niềm vui khôn tả".
"Tu Tập Công Án"
|