TRỰC TIẾP ỨNG XỬ
Trong toán học, ta có nhiều công thức để chứng minh tìm ra ẩn số của một bài toán.
Công thức để ta chứng minh là tam giác đều, khác với công thức ta chứng minh là hình vuông, hình chữ nhật và hình thang..., và công thức giải phương trình khác với công thức toán học lũy thừa.
Như vậy, ta có vô số công thức để giải trình vô số vấn đề qua cách nhìn toán học. Và lại nữa, mỗi giáo sư toán học, lại có những cách giải trình những vấn đề theo toán học của riêng mình nữa.
Cũng vậy, ta thực tập thiền, cũng có công thức của nó, nhưng không nhất định. Vì công thức thiền tập này có thể đúng cho người này, lúc này mà không đúng cho họ lúc khác. Và công thức thiền tập này, đúng cho người này thực tập mà không đúng cho người kia. Và lại nữa, nó đúng cho vùng này lúc này, mà không đúng cho vùng này lúc khác, và lại đúng cho vùng này, nhưng không thích hợp với vùng khác.
Nên, thiền không có bất cứ một công thức nào cho chính nó cả. Thực tập thiền là một công thức không có công thức.
Thực tập thiền là thực tập đối diện với tâm mình, để thấy sự linh hoạt, đa thù, vạn biệt của tâm, mà trực tiếp ứng xử.
Nên, các công thức thiền tập đang nằm ở trong sách vở hay đang treo ở nơi các thiền viện là những công thức chết.
Ta học thuộc lòng những công thức ấy để trở thành những học giả rao giảng về thiền thì được, nhưng giúp ta ứng xử với tâm ta thì chúng chẳng có hiệu năng gì; vì chúng là những cặn bã đã bị tâm thức đẩy ra bên lề để trở thành chữ nghĩa.
Nên, có vị cư sĩ xin tôi dạy cho phương pháp thiền, tôi nói: "Anh hãy trực tiếp với tâm anh mà tùy nghi ứng xử, tôi chẳng có phương pháp nào dành riêng cho anh cả".
Ta nên biết rằng, mọi công thức kể cả công thức toán học đều là do tâm bày đặt ra, nên chẳng có cái nào có thực thể cả, chúng chỉ là hư huyễn, nên ta không cần phải bám víu chúng, ta chỉ cần trực tiếp với tâm để ứng xử mà thôi.
|