Thêm vài ví dụ về Tin Lành, nghĩ về Phật giáo Việt Nam
Minh Thạnh
khi truyền đạo riêng tư tại nhà, nếu biết đối tượng là người theo đạo Phật, thì những người “rao giảng tin mừng” chuyển sang nói những chuyện không hay của đạo Phật, miêu tả đạo Phật như một tôn giáo lỗi thời, cổ hủ, mê tín. Tuy nhiên, điều đáng nói là họ có cả kho thông tin về tệ nạn các chùa, chuyện đời tư một số vị tăng ni, chuyện chia rẽ xung đột trong nội bộ Phật giáo…nhằm chứng minh việc từ bỏ đạo Phật là cần thiết, hợp lý.
Bài “Nhìn vài ví dụ về Tin Lành, nghĩ về Phật giáo Việt Nam” của tác giả Minh Tuệ đăng trên Phattuvietnam.net chứa nhiều thông tin, mà chúng tôi cũng biết như thế và định viết. Rất hay là tác giả Minh Tuệ viết trước.
Điều chúng tôi muốn chia sẻ là mong chư vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lưu tâm đến những thông tin như vậy.
Cách đây 30 năm, tôi có đem những việc cũng đại loại như thế trình lên bổn sư của tôi. Ông là một vị lãnh đạo có thể gọi là trẻ của giáo hội lúc đó (chưa thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam) so với các vị chức sắc khác, được đào tạo quy củ, trải qua nhiều năm hoạt động trong lãnh vực giáo dục, hoằng pháp (nếu là một hòa thượng cao tuổi chỉ tụng đám thì không nói làm gì). Thầy không hề bận tâm về những gì tôi trình lại, mà chỉ trách tôi sao đến nhà thờ Tin Lành nghe chi những việc vớ vẩn và cho rằng việc chiêu dụ nếu giả dối và mua chuộc không ảnh hưởng một chút gì hết tới đạo Phật, không đáng để lọt lỗ tai.
Sau này, nghe một số buổi thuyết pháp của một số vị hòa thượng cao niên hơn, tôi cũng được nghe cùng ý như vậy. Rằng nếu có Phật tử bỏ đạo chuyển sang đạo khác vì tiền hay lời đường mật, thì sớm muộn gì họ cũng nhận ra là lầm đường thôi, không có gì đáng nói. Hay là, người có duyên mới đến được đạo Phật, còn không có duyên thì thôi, lo nghĩ cho họ cũng vô ích, và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đạo Phật.
Như vậy, vấn đề trước tiên nằm ở chỗ làm sao để quý tôn đức lưu tâm đến những vấn đề quan hệ đến sự phát triển của đạo Phật, thậm chí có thể coi là ở mức độ tồn vong.
Ba mươi năm trước, Phật giáo chưa trở thành tôn giáo thiểu số ở Hàn Quốc, nên vị bổn sư của tôi không thấy có sự kiện thực tế nào để làm cơ sở cho sự quan tâm, nên có thể coi như không có gì là phải.
Nhưng bây giờ, khi Phật giáo Hàn Quốc chẳng những suy thoái mà còn bị chèn ép bởi tôn giáo khác, thì thật đáng lo ngại khi cũng có nhiều vị vẫn bàng quan, nói cùng nói chung một ý như 30 năm trước, rằng âu cũng là chuyện vô thường đương nhiên, Phật giáo suy ở chỗ này thì cũng thịnh ở chỗ khác, thời mạt pháp thì thế thôi, không có gì đáng ngại (!).
Thật tình, dù rất kính trọng trước đạo hạnh và sở học của những vị tôn đức có những ý kiến như vậy, cũng như đối với thầy tôi, tôi cũng không thể chia sẻ nội dung vừa nói ở trên.
Cảm tưởng chủ quan của tôi, là đó chẳng khác gì một sự thản nhiên, vô tâm của những người chèo lái một con thuyền, đang đắm dần vì những lỗ thủng, nhưng những người lái thuyền không hề để ý tới.
Cho nên, tôi xin phép diễn tả lại một cách hình tượng đôi chút vấn đề mà tác giả Minh Tuệ nêu ra, rằng cái đáng lo nằm ở chỗ lỗ thủng và những người lái thuyền, chứ không phải dòng nước bên ngoài.
Còn những ví dụ cần thêm, như đề bài đã nêu, thì vô số.
Tác giả Minh Tuệ phải mất công tự mình đi nhà thờ, đến tận cửa nhà thờ rồi mới được đón tiếp, còn tôi thì bạn bè, bà con (trước đây theo đạo Phật) đến tận nhà “loan báo tin mừng”, tặng kinh sách in ấn rất đẹp mang từ Mỹ về, và cũng hỏi thăm nếu có khó khăn gì thì cộng đồng tín hữu sẽ giúp đỡ…
Thậm chí, một hôm có cả người Mỹ nói tiếng Việt rành rõi đến thăm, nói là bạn tôi ở nước ngoài giới thiệu đến, là sứ giả của đấng...
Rút kinh nghiệm những lần trước, nói mình đạo Phật thì khách cứ ngồi lỳ mà “rao giảng tin mừng” mãi, những lần sau tôi phải nói dối mình là người vô thần, đoàn viên, học ở Liên Xô về, ngành học liên quan đến công tác tư tưởng, bênh cạnh là nhà một bác công an cao cấp…Thế là họ “sợ”, phải kết thúc việc “loan báo tin mừng” sớm.
Tôi có xem một hài kịch của người Việt quay ở Mỹ, sau tiếng chuông reo, cô chủ nhà mở cửa, thấy một người mặc áo vest thắt cà vạt nghiêm chỉnh, tay xách cặp cúi đầu chào nhã nhặn, cô hoảng hốt kêu lên: “Truyền đạo hả? Từ sáng đến giờ…6 người rồi!”.
Đáng lưu ý là trong khi truyền đạo riêng tư tại nhà, nếu biết đối tượng là người theo đạo Phật, thì những người “rao giảng tin mừng” chuyển sang nói những chuyện không hay của đạo Phật, miêu tả đạo Phật như một tôn giáo lỗi thời, cổ hủ, mê tín. Tuy nhiên, điều đáng nói là họ có cả kho thông tin về tệ nạn các chùa, chuyện đời tư một số vị tăng ni, chuyện chia rẽ xung đột trong nội bộ Phật giáo…nhằm chứng minh việc từ bỏ đạo Phật là cần thiết, hợp lý.
Cách trình bày của họ là không cường điệu, không bịa đặt những gì có thể kiểm chứng, nhưng đi vào cụ thể chi tiết những gì không thể kiểm chứng.
Điều nguy hiểm là họ tự xưng là đã từng là tín đồ đạo Phật, nay đã nhận ra được mình “sai lầm”, nên cải đạo, giờ tâm sự truyền đạt lại trải nghiệm bản thân để “giúp đỡ”.
Những chuyện kể về trải nghiệm cá nhân trong việc từ bỏ đạo Phật như vậy không chỉ diễn ra trong chỗ riêng tư. Trong câu chuyện mà tôi trình bày lại cho bổn sư đã đề cập ở đầu bài viết, tại nhà thờ, người ta giới thiệu một số người đã cải đạo lên phát biểu. Có cả một người được giới thiệu từng thọ giới tỳ kheo. Tôi ngờ rằng là sư giả, nên xin gặp riêng. Nhà thờ cũng chìu ý.
Để tôi hỏi vài câu nhằm chứng tỏ ông đúng đã là sư thật, vị sư cải đạo này xoáy ngay vào đời tư các vị lãnh đạo giáo hội bấy giờ (không phải Giáo hội Phật giáo Việt Nam), rằng vị thượng tọa này thích chơi xe châu Âu, vị thượng tọa kia chi hàng ngàn USD mua đồ cổ…, thậm chí vợ con của một vị hòa thượng nào đó (!)
Nghe đâu, “đại đức” Phật giáo cải đạo này có lịch chạy show đăng đàn ở các nhà thờ.
Tinh ý sẽ thấy, các vị được coi là tu sĩ của họ chỉ nói về cái hay của đạo mình, còn chuyện về đạo Phật đều để cho tín đồ nói, các vị “bề trên” không bao giờ đả động tới.
Tông phái Tịnh độ có khái niệm “nhân gian tịnh độ”, thì họ cũng trình bày về “thiên quốc” bây giờ, ở đây. Trong đó, các tín đồ tương thân tương ái nhau, sẵn sàng giúp đỡ tận tình cho những người gặp khó khăn, và nếu nói cần tiền thì có ngay một ít, miễn là dẹp bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà đi. Họ dẫn chứng về phúc lợi an sinh xã hội của các nước Bắc Âu, Mỹ…mang đến cho người dân như là đều xuất phát từ tư tưởng Tin Lành. Thật là một “thiên quốc” rõ ràng, đếm ngay được vì được giới thiệu bằng các con số đô la trợ cấp!
Có hỏi đến lý do tại sao người phương Tây lại quay sang đạo Phật, thì như đã chuẩn bị trước mọi tình huống, những tín đồ truyền đạo giải thích ngay là đó là một đạo Phật “đã được Ky tô hóa”, hay có người dè dặt hơn, gọi là một môn phái trên đường đến với Kytô (?). Họ sắp sẵn 2 bức ảnh một bên là ca đoàn nâng bản ký âm thánh ca trước mặt và bên là hình ảnh các vị tăng ni châu Âu hiện nay cũng ở tư thế như vậy. Để cũng rồi, nhắm đến kết luận cải đạo ngay là nhanh hơn hết, đi vòng như thế mất thời gian.
Có thể thêm nhiều ví dụ khác, nhưng không tiện nói ra, như miêu tả chư tăng ni thực tế là người đồng thời thuộc về một ngành khác, chẳng hạn. Ở chỗ riêng tư thì những tín đồ truyền đạo không có gì phải tránh né. Thật hết chỗ nói.
Những lỗ thủng đã được đục từ nhiều phía khác nhau của con thuyền Phật giáo.
Như đã nói, vấn đề không phải là nước, mà là những người chèo lái có phát hiện những lổ thủng và bịt nó lại hay không trước khi quá muộn.
Trong phần lớn trường hợp, cách thức tác động như vậy không làm một số đông người cải đạo ngay. Chỉ có thể tỷ lệ rất thấp cải đạo, thường rơi vào những người khó khăn về kinh tế như bài viết của tác giả MinhTuệ đã ví dụ, cần sự giúp đỡ tài chính nào đó, cải đạo như một sự đổi chác.
Nhưng tìm hiểu sâu hơn, thì mục tiêu tạo sự hoang mang có thể đạt được. Hệ quả tất yếu trước hết là ở khía cạnh tài chính. Đối tượng người theo đạo Phật mà họ nhằm vào cải đạo có thể chưa cải đạo, vẫn đi chùa, lễ Phật, ăn chay, tụng kinh, nhưng trong sự hoang mang, sẽ không cúng dường nhà chùa nữa, hay cúng dường ít đi, vì lo ngại tiền của mình cúng bị dùng vào việc riêng.
Hiện nguyên hình mục tiêu trước tiên là nhắm vào tài chánh Phật giáo. Số lượng cúng dường ngày càng ít đi, thì nhà chùa ngày càng chật vật, đời sống tăng ni ngày càng khó khăn, người đi tu ngày càng ít đi, con thuyền chìm dần, chìm dần.
Khi tăng ni chỉ còn số ít, chùa chiền mục nát, không người đến lễ bái, một tôn giáo mới sẽ ào đến với lớp trẻ nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt và thích hát những bài thánh ca bằng tiếng Anh, làm lễ cưới ở nhà thờ như, không phải như trong phim Pháp, Mỹ nữa, mà như phim Hong Kong, Hàn Quốc…
Lổ nhỏ còn đắm thuyền huống chi là nhiều lổ và khoét to mãi như vậy. Một kịch bản y hệt như đối với Phật giáo Hàn Quốc.
Nguồn: phattuvietnam.net |