Điều chỉnh hơi thở
TN Giải Nghiêm
Cập nhật: 15:25:14 07/11/2009

Điều Chỉnh Hơi Thở

December 2002

Hồi mới đến ở với Ajaan Fuang, một trong những câu hỏi tôi hỏi Thầy là: “Muốn tập thiền, mình cần phải tin gì?” Ngài trả lời rằng chỉ cần tin một điều: luật nghiệp báo (kamma.) Ngày nay, khi nghe đến từ “nghiệp” chúng ta thường nghĩ đến “nghiệp và tái sinh,” nhưng thầy tôi muốn nhấn mạnh đến quy luật của hành động: những gì mình làm quyết định những gì mình nếm trải.

Nếu bạn tin vào điều này, bạn có thể tập thiền, bởi vì nói cho cùng, hành thiền là làm. Mình không phải chỉ ngồi đó, đợi cho hết giờ, đợi cho việc Giác Ngộ xảy đến như một chuyện tình cờ. Ngay trong chính những trạng thái tĩnh lặng nhất của thiền, cũng vẫn có sự làm. Ngay cả hành động “làm chủ thể nhận biết” cũng vẫn là làm. Đó là một tác hành, một sankhara. Trong một Kinh, Đức Phật nói rằng các uẩn, khandhas, làm nên chánh báo này được định hình qua sự tác hành. Nói khác hơn: có một tiềm năng để phát khởi ra một hình sắc, một cảm thọ, ra tưởng, ra hành, ra thức; và hành động tạo tác, kiến lập là cái biến những tiềm năng này biểu hiện ra thành các uẩn.

Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng đó là một bài học quan trọng cho sự tập thiền chính ngay từ lúc ban đầu. Mình ngồi đây, trong thân thể này – và đương nhiên, ý niệm cho rằng mình đang ngồi trong hình hài này ngay đó là một tác hành – nhưng giữa bao nhiêu thứ để mình có thể tập trung vào lúc này, có cái gọi là khả năng chọn lựa. Khả năng chọn lựa này chính là chỗ mà nghiệp – kamma – có thể chen vào. Mình có thể chọn bất kỳ cảm thọ nào đến trong sự nhận biết (giác tri) của mình. Cũng giống như thể có một tiếng nói thì thầm trong mọi phần thân thể của mình. Có khả năng sẽ bị đau chỗ này, có khả năng sẽ  được lạc chỗ kia. Tất cả những cảm giác này đang trình diện trước mặt mình để mình làm một cái gì đó với chúng, và mình có thể chọn lựa sẽ lưu tâm đến những cái nào.

Các bác sĩ đã làm những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng cơn đau không phải chỉ là một hiện tượng vật lý. Nó không phải hoàn toàn đặt để, cố định. Có nhiều thông điệp gởi đến cho bộ não của mình ngay trong lúc này, mình không thể nào xử lý tất cả, và vì vậy, mình chọn chú tâm vào một số thông điệp nào đó mà thôi. Tâm có khuynh hướng chú vào sự đau nhức, bởi vì đó thường là một tín hiệu cảnh báo. Nhưng mình không bắt buộc phải chú tâm vào chỗ đó. Nói khác hơn, có thể có một chút khó chịu nào đó nơi một phần thân thể và mình có thể chú tâm vào đó, làm cho nó càng trở nên trầm trọng, càng trở thành vấn đề thêm ra. Đó là một chuyện mình có thể làm lúc này, nhưng mình có quyền chọn lựa – dù có thể mình không nhận ra điều này – làm hay không làm chuyện đó. Mình có thể chọn không làm cho nó trầm trọng hơn. Thậm chí mình có thể chọn không thèm để ý đến nó. Nhiều lúc chúng ta có những lề lối liên hệ với cảm thọ theo thói quen, và chúng quá quen thuộc, quá trùng lập cho đến nỗi chúng ta nghĩ không có chọn lựa nào khác. Chúng ta cho rằng: “Mọi sự phải xảy ra như vậy,” nhưng chúng không nhất thiết phải xảy ra như vậy.

Đó là một ý nghĩa khác hàm chứa trong luật nghiệp báo (kamma): Mình có thể thay đổi các hành động của mình. Nếu kinh nghiệm mình đang nếm trải đây (y báo, chánh báo) có một số phần tùy thuộc vào chọn lựa và sự tác hành, thì mình có thể chọn thay đổi. Mình thấy thực tại này rõ hơn khi chú tâm vào hơi thở. Hơi thở luôn có mặt trong hình hài này, và nếu nhìn kỹ, mình sẽ khám phá ra rằng hơi thở có nhiều tầng lớp. Cũng giống như khi mình nhìn lên trời: Có lúc mình thấy gió mát từ phương Nam thổi tới, nhưng nhìn lên thì mình thấy một cụm mây di chuyển về phương Đông, và một cụm mây khác cao hơn đang di chuyển về phương Tây. Có nhiều tầng gió trong không trung, cũng vậy, có nhiều tầng hơi thở trong thân thể. Mình có thể chọn tầng hơi thở nào để chú tâm vào.

Tương tự như khi mình có một cái radio: Mình có thể chọn đài mình muốn. Các sóng radio phát ra từ các đài phát thanh gần đó, với các tầng số khác nhau đang ở trong không khí quanh mình. Có sóng phát ra từ Los Angeles, từ San Diego, thậm chí những sóng ngắn phát ra từ đâu đâu đó, tràn lan khắp chốn. Chúng đang đi vào căn phòng này. Chúng đang đi vào thân thể mình lúc này. Và khi mình bật radio lên, mình chọn tầng số nào mình muốn tập trung vào, tầng số nào mình muốn nghe. Cũng vậy với thân này. Mình lựa trong số tất cả các cảm giác có thể có được một loại cảm giác mà mình muốn tập trung vào: cảm giác thở của hơi thở. Chỗ nào mình cảm được cảm giác của hơi thở vào-ra rõ nhất, hãy tập trung vào chỗ đó. Một số người trong chúng ta có cái radio không được chăm sóc tốt, mỗi khi mình vặn đài này thì nó tuột sang đài kia. Vậy cho nên mình cứ phải bắt đi bắt lại hoài.

Nhưng vấn đề không phải chỉ có việc bắt đài. Vấn đề còn là mình làm gì với cảm giác mà mình đã bắt được. Trở lại, mình có thể tập trung vào hơi thở như thế nào khiến nó trở nên khó chịu, nhưng mình có thể tập trung vào hơi thở như thế nào khiến nó trở nên dễ chịu. Mình không bắt buộc cứ phải đối diện với tính cố định của hơi thở. Những gì mình làm với hơi thở có thể làm cho nó tăng hay giảm phần khổ, lạc. Để tiếp tục ví dụ, nó cũng giống như có nút điều chỉnh âm thanh trên radio: Mình có thể vặn to đến mức đinh tai nhức óc, hay vặn nhỏ đến mức không nghe gì được cả. Nhưng một khi đã biết điều chỉnh thành thạo âm thanh rồi, mình có thể áng chừng được mức độ cũng như cường lực tập trung để có sự thưởng ngoạn tối đa.

Khi đã điều chỉnh càng lúc càng chính xác rồi, mình khám phá ra rằng còn có những cái tinh vi tế nhị khác. Và cũng như cái radio, khi mình đã bắt được tầng số chính xác rồi, nhiễu xạ không còn nữa và mình có thể nghe được những cái vi tế trong tín hiệu mà trước đây mình không nghe thấy. Mình có thể chơi với chúng, tăng tiếng kim (treble) hay tiếng thổ (base) tùy theo ý thích. Cho nên, mặc dù tín hiệu radio là cố định, mình có thể làm đủ cách với nó. Đó là yếu tố nghiệp (kamma) trong sự tập thiền của mình bây giờ: Nó chính là cái mình đang làm với hơi thở.

Mình có thể học cách làm sao để liên hệ với hơi thở khéo léo hơn để có thể cảm nhận không phải chỉ có không khí ra vào buồng phổi, mà còn cả những cảm giác xuyên qua toàn thân khi mình thở vào, thở ra, hay những mô thức chuyển động trong cơ thể khiến cho không khí được đưa vào phổi hay thả ra ngoài. Có một làn sóng lướt ngang qua cơ thể mỗi khi mình thở. Khi mình trở nên bén nhạy với nó, mình bắt đầu cảm nhận được chỗ nào trong cơ thể có sự căng thẳng, và chỗ nào không có; chỗ nào khí lưu thông, và chỗ nào không lưu thông.

Và một lần nữa, đây không phải chỉ là một sự kiện cố định. Mình có thể làm này làm kia với sự lưu thông đó. Mình có thể cải thiện sự lưu thông đó. Nếu mình nhận ra chỗ nào trong cơ thể có sự căng thẳng thì hãy thư giãn chỗ ấy; và thường thường làm như vậy sẽ giúp không khí lưu thông tốt hơn không phải chỉ ở riêng một chỗ ấy, mà ở cả những phần khác trong cơ thể. Mình bắt đầu cảm nhận được thân thể này là cả một chuỗi các luồng kinh mạch (khí) liên đới với nhau. Căng thẳng chỗ này có thể đưa tới căng thẳng chỗ kia, và chúng liên kết làm thành một cảm giác đau thắt chung chung, hay những chuỗi co thắt từng đợt trong cơ thể. Mình có thể thư giãn cảm giác đó. Đó là quyền chọn lựa của mình. Mình có thể thư giãn chỗ căng thẳng này, và nhận thấy nó đưa tới sự nới giãn ở chỗ khác. Hoặc giả mình nhận thấy mọi thứ trở nên lỏng lẻo quá, khiến mình trôi tuột đi. Điều này có nghĩa là mình phải học làm sao để biết được thế nào là “vừa phải” để có thể trú với cảm giác đó, duy trì được sự chú tâm, và thậm chí khi tín hiệu radio bắt đầu chệch đi một chút, mình có thể bắt theo được nó, và kèm sát với nó.

Tại điểm này, mình có thể buông cảm giác của hơi thở vào-ra – hơi thở thô, dễ thấy – và chú vào sự lưu thông của hơi thở tế trong cơ thể. Trong khi lắng nghe các phần trong cơ thể, xem chỗ nào căng hay bế tắc, hay co thắt, hãy để cho khí đi vào tràn ngập khắp các xó xỉnh ấy, và cảm giác khoan khoái, tươi tỉnh sẽ mỗi lúc một tăng thêm. Đó lá ý nghĩa của piti. Piti là uống vào cảm giác dễ chịu. Chúng ta thường dịch piti là hỷ lạc, nhưng từ này liên hệ đến từ uống, pivati. Mình uống vào cảm giác dễ chịu. Và cảm giác đầy đủ, tươi nhuận lan toả khắp châu thân vì mình mở các tế bào ra và cho phép hơi thở đi vào. Khi có cảm giác đầy đủ, tròn đầy đó, thì mình dễ dàng thoải mái, buông thư.

Đây có lẽ không phải là một hình ảnh đẹp đẽ gì để ví von, nhưng tâm lúc này cũng giống như một con muỗi đã chích được vào mạch máu chủ trong cơ thể mình. Nó cắm chiếc vòi nhỏ của mình vào và cứ ở yên chỗ đó, tắm mình trong hoan lạc. Cánh của nó chùng lại, chân của nó chùng lại, và dù mình có cố gắng xua nó đi cách mấy, nó cũng không chịu đi. Nó chỉ lo uống vào, hút vào cái mà nó muốn. Tâm cũng giống như vậy: Khi cảm giác khí (hơi thở) lưu nhuận, khoẻ khoắn trong cơ thể, mình buông bỏ mọi thứ khác. Dù cho có bao nhiêu sự nhiễu loạn đi đến, mình cũng không buồn đoái hoài đến chúng, bởi vì mình đã có thứ khác làm cho mình hết sức hài lòng, thoả mãn. Mình có thể nói đó là một cảm giác gần như có chết cũng đành. Mình bớt sự đề phòng, buông bỏ mọi thứ khác, vì cảm giác này hoàn toàn thu hút. Mình mở từng phần trong cơ thể, trong tâm thức để cảm giác này đi vào.

Trong khi mình an trú ở đó, và tâm càng lúc càng lắng lại, mình bắt đầu nhận biết một cảm giác no đủ sâu hơn, hoàn toàn viên mãn, không còn bị lên xuống, giao động - một sự an tĩnh thật sự trong thân. Có cảm giác nhè nhẹ của sự trao đổi không khí trên bề mặt thân thể, trên bề mặt ý thức, nhưng ở sâu bên dưới là sự an tĩnh lớn. Không còn cảm giác uống, hút vào nữa, vì mình đã hoàn toàn no đủ. Ajaan Lee dùng hình ảnh cục nước đá: Có hơi nước toả lan từ cục nước đá – một sự vận hành như làn khói nước quanh viền tâm thức – còn lại tất cả đều ngưng tụ, vững chãi.

Và rồi ngay cả làn khói nước đó cũng dừng lại, và sự vững chãi đong đầy khắp tâm thức mình. Sự vững chãi này đi kèm với cảm giác sáng sủa, dù mình không cảm nhận sự sáng sủa này dưới hình thức ánh sáng. Đây là một phẩm chất dị thường: một cảm giác thuộc về thân, một sắc thái của thọ, sáng suốt, minh mẫn, tràn ngập khắp châu thân, và mình đang ngồi ngay trong lòng nó.

Mình không cần phải vội vàng để đạt đến những trạng thái ấy, không cần phải nhảy qua các vành đai. Đúng ra, tốt nhất là đừng cố gấp. Chỉ cần tìm một cảm giác mà mình có thể bắt nhập vào. Trú ở đó, và mọi sự sẽ tự phát triển, đơn giản nhờ sự đều đặn kiên trì của sự chú tâm của mình. Khi đã đạt đến cảm giác an tịnh vững vàng rồi thì hãy trú ở đó, mình sẽ bắt đầu nhận ra rằng mình có quyền chọn có nên định cho nó một hình dạng hay không. Mình có thể chú vào các cảm giác cho mình ý thức về hình dạng cơ thể, hay có thể chọn không để ý đến chúng.  Đây là chỗ mà mình thật sự thấy được sự tham dự của nguyên tắc về nghiệp (kamma) trong thiền tập. Cũng gần giống như các cảm giác trong thân thể đã hoá thành một màn sương khói. Có những hạt hơi thở li ti đang lấp lánh, và mình cảm nhận được khoảng cách giữa chúng. Toàn thân tràn ngập bởi không gian này, và không gian ấy nới rộng ra ngoài thân thể, đi về mọi hướng. Thay vì chú vào những hạt nước li ti, mình chú ý vào không gian. Điều này cho một một bài học hết sức rõ ràng về những khả năng chọn lựa mình có thể có được trong cách mình cảm nghiệm giây phút hiện tại. Nội một cảm giác ‘có thân thể đây’ đến từ hình dạng trong tiềm thức – cho thấy những chọn lựa mình đã chọn. Mình nhận ra rằng có nhiều cảm giác khác nhau để mình có thể chú tâm vào, và có một nghệ thuật trong sự chọn lựa đó, trong việclàm lớn lên những cảm giác đó, và trong việc bỏ qua một bên những cảm giác mình không chọn.

Cho nên, mặc dầu đây chỉ là tu tập định nhưng cũng có nhiều yếu tố minh sát (giác quán) ở trong. Đức Phật có lần nói rằng cần phải có cả sự định tĩnh lẫn minh sát (giác quán) để đạt được những trạng thái thu nhiếp (thiền định) mạnh. Và chúng ta không bao giờ nói đến tuệ mà không đặt nó trong khung cảnh của nghiệp, của yếu tố thiện hảo nơi những gì mình đang làm.

Vì vậy, sự thực tập này là sự thiết lập nền tảng để - đến lúc cần quán các vấn đề vô thường, khổ, không-phải-ngã – mình sẽ có được bối cảnh phù hợp. Mình đã tạo được một không gian tốt bên trong, một không gian tốt trong giây phút hiện tại, để không còn cảm giác đói khát đòi hỏi phải chạy theo nắm bắt lấy cái này hay cái khác. Khi đã uống đến mức đầy đủ và an định, mình ở trong tâm trạng sẵn sàng xét sự việc như chúng thật sự là - để khi tuệ đến, nó không lung lạc. Không có nền tảng vững chắc này, nghĩ đến vô thường, khổ, và không-phải-ngã có thể làm cho mình hoang mang, mất hướng. Nhưng khi mình bắt đầu nghĩ đến những vấn đề này trong bối cảnh những gì mình đang làm trong thiền tập, chúng sẽ làm cho sự hành thiền thêm vững vàng, ổn định. Đây là chỗ mà sự tập trung, định tĩnh, minh sát, và tuệ đến với nhau một cách quân bình, mạnh khoẻ.

 Bhikkhu Thanissaro
Việt dịch: TN Chân Giải Nghiêm

 
 
   
 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay