Chuẩn bị cho một mùa xuân
Nguyễn Thế Hà
Cập nhật: 13:12:10 07/11/2009

Chuẩn bị cho một mùa xuân

 

Mùa Xuân đã bắt đầu. Chúng ta đang đón Xuân. Đó là Xuân của con người đặt cho trời đất. Mùa Đông lạnh giá, ngày ngắn đêm dài, tuyết rơi lạnh lẽo, hay mưa gió bão táp. Nhìn cảnh bên ngoài xơ xát, cây cối trụi lá, oằn người trong gió táp, tuyết phủ. Cảnh thê lương trái hẳn với cái rực rỡ, tươi vui của mùa Xuân. Lòng người ai cũng phơi phới sau một mùa Đông dài. Con người cảm nhận mùa theo cảm giác và hình sắc bên ngoài và con người luôn có sự chờ đợi, vì chờ đợi nên con người mới có Đón Xuân. Không ai bảo đón Đông vì mùa Đông chẳng ai thèm đón và còn trông cho nó chóng qua đi. Còn mùa Thu thì sao? Suốt một mùa Hè nắng ấm, trời đùng đùng chuyển sang heo may lạnh lẽo, mây thu ảm đạm, cây cối bắt đầu rụng lá, xác xơ. Lòng người trùng xuống: Đông sắp đến rồi. Một tiếng thở dài.

Con người hoàn toàn sống theo cảm giác và cảm xúc. Người có cảm giác mạnh quá biến thành cảm xúc và bị cảm xúc sai khiến. Đông lạnh chịu không nỗi, Hè nóng chịu không nỗi, Thu buồn chịu không nỗi. Chỉ còn một mùa Xuân ba tháng ngắn ngủi. Hết một đời người. Một năm mười hai tháng, thật sự mình chỉ có hạnh phúc trong ba tháng. Con người như vậy chỉ sống hạnh phúc có một phần tư đời họ. Nguyên do tại đâu. Họ chỉ sống theo cảm giác và cảm xúc. Uổng quá.

Nếu con người sống cho sâu sắc trong giây phút hiện tại, quán sát cho tường những gì xảy ra chung quanh thì không biết bao nhiêu lý thú bày ra mà chúng ta gọi là mầu nhiệm. Thiên nhiên thì nhiều mầu nhiệm. Mùa Xuân thì khỏi nói vì con người thích mùa Xuân nên biết nhiều về mùa Xuân, ngoài nắng ấm trời xanh còn biết bao nhiêu hoa lá phô sắc. Đến Thu nếu mình đứng trên một ngọn đồi nhìn xuống thung lũng là một bức tranh rực rỡ đủ màu. Có thể nói màu lá muôn sắc rực rỡ hơn hoa mùa Xuân. Trời thu là dịp ngắm chim di cư. Hàng ngàn con chim từ phương Bắc hàng ngày xuôi Nam trốn lạnh. Chim bay rợp trời. Trên chặn đường di cư chim tìm về những khu rừng trăm sắc lá trú ngụ tạm thời để những ngày sau bay tiếp. Người biết quán sát họ biết giống chim nào thường hay ngụ ở khu rừng này, giống nào về ngụ khu rừng kia. Ai thích ngắm loại nào thì đến cắm trại khu rừng đó. Có người khám phá có những con chim bị dị tật, mõ cong, tiếng kêu khác hẳn. Họ kết luận chim bị môi sinh ô nhiễm tác hại. Có giống chim mấy năm nay không thấy bay về đây, hoặc bay về thưa thớt nhiều. Phải chăng bị tiệt chủng? Sự quán sát đã giúp cho nhiều nhà sinh vật, môi sinh có dữ kiện để báo động tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cuối thu cây trơ cành, lá rụng hết. Đây là lúc con người cảm thấy buồn nhất, phải chịu đựng ba  bốn tháng nữa mới có mùa Xuân rực rỡ. Họ tìm mọi cách đi trốn. Nhưng với những ai biết sống trọn vẹn từng giây phút từng mùa đi qua thì cảm thấy thích thú. Chính thời gian lá rụng cành trơ là lúc chúng ta thấy được sự sống của thiên nhiên, đất trời. Cây cối cũng biết dự trữ năng lượng cho riêng mình để sinh tồn. Suốt mùa Hè nắng ấm cây cối chăm lo kết hoa kết trái còn chăm lo dự trữ cho tương lai. Nhờ lá rụng chúng ta mới quán sát trên cành cây trơ trụi không biết cơ mang nào những nụ bụ bậm, no tròn. Đó là những nụ hoa, chuẩn bị cho mùa Xuân năm sau. Trong suốt mùa Đông lạnh lẽo, cây cối ngủ yên, không sản xuất mà cũng không tiêu thụ vì đất đóng băng làm sao hút chất mầu mỡ. Có những ngày dài cành cây bị đá đóng băng, đụng đến là gãy từng khúc. Những nụ no tròn bị đá bọc như gương, vậy mà bên trong sự sống vẫn bình thường, vẫn tươi, nhựa vẫn không bị đông, không bị chín vì lạnh. Ai bảo mùa Đông không có hoa? Hoa mùa Đông là những nụ no tròn nằm ngủ trong suốt mùa Đông. Để rồi khi tuyết vừa tan, nắng ấm trở về, nụ hoa bắt đầu bung ra khoe sắc.

Chúng ta thử nghĩ nếu cây cối chờ đến mùa Xuân mới kết hoa thì làm sao kịp cho hoa nỡ trong mùa Xuân? Thiên nhiên đã chuẩn bị mùa Xuân từ khi trời sang Thu vào Đông năm trước. Người tu chúng ta cũng vậy. Chúng ta không quan niệm tu là tích trữ phước báu, chừa bỏ lỗi lầm. Chưa đủ. Cần phải biết ngăn ngừa và đối trị những cảm xúc tiêu cực có thể xảy ra thình lình làm đổ vỡ hạnh phúc. Đối trị một cảm xúc thật khó nếu mình không biết những phương pháp Đức Thế Tôn dạy: trở về với phút giây hiện tại, nắm lấy hơi thở để nhận diện những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh. Thực tập cho miên mật, phải hạ thủ công phu, phải tinh chuyên như cây cối cần cù tích lũy năng lượng trong suốt mùa Thu để có được những bông hoa cho mùa Xuân.

 

Nguyễn Thế Hà

(Theo PSN )

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay