Viết nhân ngày của mẹ
Nguyễn Mạnh Trinh
Đối với dân tộc Việt Nam, chữ Hiếu rất quan trọng nên có rất nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật xoay quanh chủ đề Mẹ. Đó là một đề tài thực là rộng lớn và hàm chứa nhiều đặc tính của văn hóa Việt nam.
Nhân ngày lễ Mother’ Day, tôi có một chút tản mạn về văn học như một sự tưởng nhớ đến các bà mẹ Việt Nam, mà chữ hy sinh đã được nạm vàng trong một cuộc sống đầy bất trắc sóng gió của Việt Nam chiến tranh và Việt Nam hậu chiến. Biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam, âm thầm lo lắng cho chồng cho con, vun xới gia đình đến quên mình, lấy niềm vui của chồng con làm niềm vui của mình. Bao nhiêu bà mẹ Việt Nam, trong những ngày sau 1975, nặng vai gia đình con cái, mà vẫn gom góp đi thăm nuôi chồng bị tù cải tạo ở những xó rừng heo hút.vbVà cũng biết bao nhiêu bà mẹ ở xứ người, làm lại cuộc đời với bàn tay trắng để phụ giúp chồng nuôi dưỡng con bảo bọc gia đình trong truyền thống Việt Nam đã có tự ngàn xưa...
Từ cổ đại đã có ngày vinh danh Mẹ, như thời đại cổ Hy Lạp, là ngày lễ kỷ niệm của bà Cybele, mẹ vĩ đại của dòng tộc Geek hay thời đế quốc La Mã cũng có ngày Matronalia, ngày mà các bà mẹ được gửi quà tặng. Hay về sau ngày ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng 3 cũng được nhiều dân tộc chọn là ngày của mẹ.
Riêng ở Hoa kỳ, măm 1912, bà Anna Jarvis đã chọn ra ngày “chủ nhật thứ hai của tháng năm” để làm ngày của Mẹ và bà đã sáng lập ra The Mother’s Day International Association. Và sau những cuộc vận động, tổng thống Woodrow Wilson đã tạo thành sắc luật với sự đồng thuận của quốc hội chọn ngày 10 tháng 5 mỗi năm là ngày Mother’s Day.
Ở trên thế giới có nhiều quốc gia chọn ngày của mẹ ở những thời điểm khác nhau. Ở Việt Nam, ngay lễ Vu Lan được coi như ngày vinh danh mẹ.
Ngày The Mother’s Day là một ngày lễ quan trọng đối với dân chúng Hoa Kỳ. Họ biểu lộ sự biết ơn các bà mẹ và đã tổ chức những bữa ăn sum họp gia đình và các con gửi tặng bà mẹ những món quà biểu lộ tình thương và sự biết ơn của mình. Càng ngày người dân Hoa kỳ càng tiêu xài cho ngày lễ này càng nhiều và thương mại nhờ đó cũng thành thông lệ tốt để phát triển.
Theo tổ chức IBIS World khảo sát và công bố kết quả thì năm 2008 dân chúng Hoa kỳ đã tiêu tốn tới 2 tỉ 600 triệu dollars tiền hoa, 1 tỉ 530 triệu tiền quà tặng, 600 triệu tiền thiệp chúc mừng. Cũng như trong ngày này đã tiêu thụ 7.8 phần trăm tổng sản lượng của kỹ nghệ nữ trang toàn quốc cho những đồ vàng bạc nhẫn xoàn làm quà tặng cho mẹ.
Có nhiều người phản đối sự lạm dụng ngày lễ như một dịp để buôn bán. Như bà Anna Jarvis người đã phê bình nặng nề thói tục xử dụng thiệp chúc mừng mẹ và cho rằng đó là một việc làm lười biếng không có tình cảm thay vì viết một lá thư thì biểu lộ được lòng biết ơn nhiều hơn. Bà đã bị bắt giam năm 1948 vì đã gây xáo trôn trong cuộc biểu tình chống lại sự thương mại hóa ngày lễ của Mẹ. Bà tuyên bố rằng cuối cùng bà muốn sẽ chẳng bao giờ cử hành ngày lễ này vì nó đã bị lạm dụng đến nỗi không thể kiểm soát được.
Với người Việt Nam ngày của Mẹ là ngày rằm tháng bảy, lễ Vu lan, dịch từ tiếng Phạn là Vu lan Bồn, từ chuyện tích của Ngài Mục Kiền Liên cầu nguyện cho Mẹ là bà Thanh Đề bị làm ngạ quỉ đọa vào địa ngục. Từ đó các Phật tử theo gương ngài để nhớ ơn và đền ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Từ thời tiền chiến đến bây giờ, có rất nhiều tác phẩm viết về tình mẹ. Trong nhất thời không thể nào đề cập đến hết được tôi chỉ nhắc đến những gì tôi nhớ hoặc đã gây cho tôi xúc cảm. Thí dụ tiêu biểu như truyện ngắn Anh Phải Sống của nhà văn Khái Hưng tả lại sự hy sinh của người mẹ tự buông tay chịu chết để người cha sống sót và nuôi mấy đứa con thơ. Mùa lụt hai vợ chồng vì nghèo khổ nên chèo thuyền ra giữa sông để vớt củi từ trên ngược chảy về. Sóng to gió lớn nên thuyền bị chìm và hai vợ chồng cùng bơi để vào bờ. Nhưng sức đã yếu nên người vợ buông tay để chồng có thể được cứu sống để nuôi nấng mấy đứa con. Trước khi buông tay giã biệt, người mẹ đã kêu lên “thằng Bò, cái Lớn, cái Bé! Không... Anh phải sống“. Một truyện ngắn thật cảm động đã làm nhiều người cảm xúc đến rưng lệ.
Hoặc tiểu thuyết Chồng Con của Trần Tiêu, chuyện một bà mẹ suốt đời hy sinh cho chồng cho con… Khi còn trẻ, phải gánh vác việc nhà gặp phải anh chồng lười biếng ham chơi, lại phải nợ nần để mua nhiêu mua lý cho chồng. Đến khi có con thì lại khổ về đường con, cho đến khi bệnh nặng gần chết mà vẫn còn phải cố sống để làm tròn bổn phận người vợ người mẹ và bảo vệ cái thanh danh của gia đình. Tiểu thuyết này mô tả lại sinh hoạt của dân quê thuở trước với những hủ tục đã làm người nghèo càng nghèo hơn…Chân dung bà mẹ là một biểu hiện hy sinh thật rõ ràng của thời đại đã qua trong đời sống dân tộc Việt Nam.
Về thi ca thì cũng có rất nhiều, thí dụ như bài Nắng Mới của Lưu Trọng Lư:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người phơi trước dậu phơi
Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước dậu thưa
Hoặc bài Lời Ru Của Mẹ của Hồ Dzếnh:
Khi con còn ngủ trong thai
Cuống nhau mẹ chắt đêm ngày thức ăn
Nôi êm nâng giấc con nằm
Sữa thơm mẹ lại vắt phần nuôi con
Bùn màu thắm nước nâu non
Biết bao nghĩa cả tình son với đời
Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru
Đó là chỉ một vài tiêu biểu chứ trong văn học Việt Nam còn rất nhiều tác phẩm viết về Mẹ rất cảm động.
Nhưng âm nhạc đã tạo cho tôi thật nhiều xúc động khi nghe những bản nhạc như Ơn Nghĩa Sinh Thành của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân, Bông Hồng cài Áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ…
Bản Lòng Mẹ tôi đã nghe đi nghe lại ở một băng ghi âm còn sót lại sau những ngày ở Sài Gòn tháng 5 năm 75. Lúc ấy, gia đình tôi đã di tản nhưng chưa biết tin tức thế nào và tôi đã nghe bản nhạc có những câu như “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu...” đã làm lòng tôi như mềm đi trong nỗi bồi hồi khôn xiết. Tôi nghe mãi đến nỗi băng ghi âm bị mòn đi thành những tiếng rè rè. Và tôi vẫn nghe, tưởng âm thanh rè rè đó là tiếng động của chuyến tàu đã đưa những người thân đi xa mất biệt…
Bản nhạc Ơn Nghĩa Sinh Thành làm tôi nhớ đến những ngày của biến cố Tết Mậu Thân. Lúc ấy cha tôi vừa mất ở nhà ông anh cả của tôi và đêm tôi ngồi canh bên quan tài của ông mà nghe bản nhạc ấy một mình với tâm tư rối bời và buồn thảm. Lạ một điều, nghe bản nhạc của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tôi lại nghe như có một chút gì như muốn chia sẻ nỗi ngậm ngùi của riêng tôi. Từ câu học thuộc lòng thời nhỏ: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, để thành một dòng nhạc nhắc nhở đạo làm con. Mà tôi thì tự nhận xét mình là đứa con làm phiền lòng cha mẹ nhiều nhất…
Ca khúc “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý và gợi cảm hứng từ một bài đoản văn cùng tên.
Bông Hồng Cài Áo là một đoản văn của Hòa thượng Nhất Hạnh viết năm 1962 ở một trại hè Camp Ockanikon tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ và phổ biến trong nội bộ đoàn sinh viên Phật tử Sài Gòn bằng cách chép tay thành 300 bản làm quà tặng cho bạn bè. Mỗi bản chép tay đều gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hoặc màu trắng cho người mẹ đã qua đời. Rằm tháng bảy năm 1962 tức lễ Vu Lan các sinh viên Phật tử tụ họp tại chùa Xá Lợi và cử hành Lễ Bông Hồng Cài áo đầu tiên. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối của thầy Từ Mẫn in quyển Bông Hồng Cài Áo đầu tiên khổ nhỏ và dài có thể bỏ vào bì thư để gửi tặng bạn bè trong ngày lễ Vu Lan.
Bài viết gửi cả tấm lòng của một người đã xuất gia tặng Mẹ. Giọng văn thật thiết tha, ý nghĩa thật sâu sắc, biểu hiện của một phong thái rất Việt Nam, cô đọng trong từ ngữ nhưng lại mở ra nhiều ý tưởng độc đáo.
Mở đầu với một bài thơ mà ông nhớ từ thuở nhỏ vì nỗi đau mất mẹ:
“năm xưa tôi còn bé
mẹ tôi đã qua đời
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi
quanh tôi ai cũng khóc
im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi
hoàng hôn phủ trên mộ
chuông chùa nhẹ rơi rơi
tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời”
Ai đã từng làm cha mẹ mà không phải se lòng với những câu văn thiết tha, với những suy tư rất thực tế mà lại đầy triết lý. Nhất là đoạn cuối có lời nhẹ nhàng hướng dẫn, có ý sâu sắc ngỏ tình, đã mở ra những khung trời yêu thương.
Đoạn văn ấy đã làm rường cột cho bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khi ông làm bản Bông Hồng Cài Áo:
“Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc khi đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên Mẹ. Sẽ bắt Mẹ dừng kim chỉ mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ anh sẽ hỏi một câu làm mẹ chú ý. Anh hỏi “mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh vừa cười vừa hỏi ”Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp ”Mẹ có biết là con thươngb mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng sẽ hỏi một câu ấy. Bởi vì anh. Bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, anh sẽ không hối hận đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ. Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm vào trong vô tâm quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.”
Nghe bản nhạc của Phạm Thế Mỹ, hình như tất cả những điều tuyệt diệu của bài đoản văn đã được lột tả trong âm nhạc. Những thông điệp tình thương được gửi đi không những nguyên vẹn mà làm vỗ cánh bay đi xa hơn, làm xao động cao rộng hơn. Hòa thượng Nhất Hạnh đã nhận xét về bản nhạc như sau: ”Phạm Thế Mỹ làm bài Bông Hồng Cài áo rất dễ dàng như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy...”
Với riêng tôi, ca khúc Bông Hồng Cài Áo nhắc nhở ngày mẹ tôi từ trần. Bà mất vào ngày 3 tháng 5 năm 2003 trước Mother’s Day một tuần và đến lễ Vu Lan là ngày cúng 49 ngày của mẹ tôi. Hôm ấy, có một cô bé trong đoàn phật tử trong buổi lễ hỏi tôi. Chú cài bông hồng mầu gì? Và tôi trả lời: Mầu trắng. Và cô bé nói con sẽ hát bài Bông Hồng Cài Áo để tặng chú. Khi trả lới cô bé, tôi nhớ lại như một cách phản xạ. Nhớ lại vành khăn trắng, mùi nhang khói, đôi mắt nhắm lại của mẹ ngày nào, tất cả làm tôi như hụt hẫng. Đọc những câu kinh, nhìn lên bàn thờ Phật, để trấn tĩnh lại. Đôi mắt Đức Phật, như có chút gì xẻ chia, như có chút gì an ủi. Mẹ tôi đã đi xa. Bây giờ, hết rồi, không còn nụ cười móm mém mắt cũng cười theo khi nhìn con cháu. Bây giờ hết rồi không còn những chuyện kể ngày xưa lúc ở phố Lạng Sơn hay ở làng Phù Lưu. Bây giờ, mẹ đang nằm trong lòng đất xứ người. Và biết đâu, ở cõi âm phần đó mẹ trở về lại quê hương, để ghé thăm ngôi nhà cũ, ngõ làng xưa. Biết đâu…Và bản nhạc Bông Hồng Cài Áo có khi là một hối tiếc muộn màng của một đứa con nhiều lần làm mẹ buồn như tôi…
Cuộc đời mẹ tôi, trải qua nhiều khó khăn nhiều lo toan khổ cực và với đàn con như một con gà mẹ luôn xòe cánh ra che chở và chống đỡ lại những nghiệt ngã của cuộc đời.
Mẹ hay kể lại những năm đói hay những cuộc chạy loạn trong cuộc đời mình. Bà vẫn nhớ những người đã cưu mang giúp đỡ đến nỗi mấy đứa con khi nghe một câu đầu đã tiếp theo ngay câu thứ hai, và bà cười nhưng vẫn tiếp tục cái câu chuyện đã quá quen thuộc ấy. Bà nhắc đến khi chạy loạn, ghé vào chùa của sư cô Khoa có cây khế đã thành thức ăn thanh đạm trong nhiều ngày cho cả gia đình hay những khi bố tôi phải vào rừng kiếm gỗ đẽo guốc để bán những lúc khó khăn. Thời gian lúc đó, với bà vẫn gần gũi quen thuộc như lúc hiện giờ, sáng sớm ra chợ mở cửa hàng buôn bán như một công việc đã kéo dài năm này qua tháng khác.
Năm 1975, những phi đoàn F5 dời về phi trường Tân Sơn Nhất lúc đầu tháng tư. Và tháng chót trong đời quân ngũ của tôi là thời gian ở đấy. Tình hình lúc này nặng nề với bao nhiêu biến chuyển của đất nước. Trong đơn vị, câu chuyện hàng ngày vẫn bao quanh câu hỏi đi hay ở. Còn ở gia đình, cũng câu hỏi tương tự. Mẹ tôi vẫn một câu nói. Đứa nào đi được thì cứ đi, đừng có lo cho người khác, nhất là những đứa có thể có những phương tiện. Bà nói, mẹ đã có nhiều thời gian sống với bọn “họ“ rồi. Khổ sở lắm … Khi sửa soạn những túi xách để ra đi, bà cứ chép miệng. Qua Mỹ rồi, làm gì có trầu mà ăn! Những miếng trầu, là cái thú vui của bà cũng như xem và nghe các tuồng cải lương. Những miếng trầu, suốt mấy chục năm, đã thành một thói quen thân yêu không thể nào bỏ. Thế mà, vì nghĩ đến mấy đứa con, bà quên đi cái tập quán ấy, chấp nhận ra đi…
Rốt cuộc, gần như cả gia đình tôi di tản được năm 1975. Riêng tôi, còn nặng nợ nên kẹt lại, dù đã đi xuống phi trường Bình Thủy nhưng không thoát được phải trở về nhà. Cái giây phút phải leo vào nhà sao thê thảm. Cửa dưới bị niêm phong, nên phải leo lên lầu để vào nhà. Khi nhìn thấy vât dụng của những người thân trong nhà tôi thấy nghẹn ngào. Vật thì còn đây nhưng người thì đã đi xa. Tôi nhìn giường ngủ của mẹ, nhìn đôi dép nhung dưới sàn, nhìn ô trầu, nhìn cái áo vắt trên thành giường, tự nhiên tôi muốn òa khóc. Những lá trầu đã héo vàng, những miếng cau đã quăn queo, những vệt vôi têm đã khô bong ra, như biểu tỏ của nỗi niềm chia ly vĩnh viễn. Lúc đó tôi nghĩ chẳng bao giờ gặp lại được những người thân. Cái cảm giác tuyệt vọng làm tôi như muốn ngạt thở. Nhưng rồi vẫn phải nén cảm xúc và vẫn phải sống và thoát đi cái địa ngục đang dần hiện đến của số phần những người thua trận.
Đi tù rồi trở về Sài Gòn, chờ đợi những chuyến vượt biên, thỉnh thoảng tôi lại đi qua để nhìn vào căn nhà thời xưa của mình cũng như sạp bán vải trong chợ Bình Tiên của mẹ ngày xưa. Cảnh vật cũng thê lương ảm đạm như người lúc đó. Buôn bán khó khăn, phiên chợ mất đi cái náo nhiệt thời xưa và người mua kẻ bán tràn ùa ra lề đường với kiểu buôn bán tạm bợ chỉ biết ngày nay mà không thể mường tượng được sinh kế của ngày mai. Từ những người đàn bà buôn gánh bán bưng trên hè phố tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Không biết bây giờ bà ra sao và đời sống thế nào? Sau này, khi nghe kể lại, khi tạm cư ở đảo Wake, mẹ tôi thường xuyên ra cầu tàu nhìn mông về phía biển và đợi một chuyến tàu ghé bến có đứa con của mình. Bà chờ đợi và chờ đợi…
Tôi vượt biển tới đảo Kuku rồi Galang năm 1980. Trong vài tháng chờ định cư, tôi đã sống những ngày tự do thật vui vẻ. Mấy đứa em gửi thư qua nói anh hãy xem thời gian hiện tại như là đi nghỉ hè, qua đây sẽ làm việc học hành đến không kịp thở.
Đến Mỹ, sau một thời gian ngắn tôi lao vào cuộc sống mới. Vừa học vừa làm, với cái tâm tư cố gắng bây giờ cho ngày mai. Mẹ tôi hàng ngày thúc đẩy ; Ráng học cho có một cái nghề. Ở đây mà lông bông không nghề nghiệp không bằng cấp thì khổ lắm. Không phải với riêng tôi mà cả với mấy đứa cháu nội, cháu ngoại bà cũng khuyên nhủ như thế. Gia đình mình không có gia tài cha ông để lại, thì phải gắng học để có của cải cho riêng mình. Có lúc có mấy người bạn rủ tôi mở tiệm furniture, lúc ấy làm ăn rất dễ dàng mà vốn liếng chẳng bao nhiêu. Nhưng mẹ tôi cản, nói học phải là công việc chính để chừng nào xong sẽ tính sau.
Mỗi buổi sáng sớm mẹ tôi dậy sớm sửa soạn bữa ăn sáng cho tôi và mấy đứa cháu cũng như bới cơm mang đến trường. Trên bàn ăn là một dãy năm cạp lồng cơm để thứ tự và món ăn thay đổi ngon lành. Kết quả là bây giờ, mấy chú cháu, cậu cháu đều tốt nghiệp hậu đại hoc và đều có công ăn việc làm tốt. Và, như thế mẹ tôi hài lòng lắm.
Bây giờ mẹ tôi đã yên nghỉ ở nghĩa trang Peek Family.
Có một lúc nào như khi trong trại cải tạo nghe bài “Lòng mẹ“ tưởng không bao giờ gặp lại khi mẹ tôi đã di tản vào những ngày tháng tư năm 1975. Hay như bây giờ nghe bài “Bông hồng cài áo“ để thấy trong dạ thổn thức. Lúc ở nghĩa trang, nhìn những con chim sáo đen mổ những hạt cơm cúng, tự nhiên tưởng tượng đến những ngã đường nào mù mịt trong cõi âm phần. Ra đi hay trở về, hiện tại không xác định được. Nhưng chỉ mường tượng một điều cuộc sống sẽ còn dài. Chẳng phải ngày một ngày hai mà chấm dứt…
( Theo PSN )
|