Thông điệp gửi mẹ
Hoàng Công Danh
Cập nhật: 09:57:34 07/11/2009

Thông điệp gửi mẹ

 

Hoàng Công Danh

 

Mẹ yêu quý!

Hôm qua con đọc xong cuốn sách nhỏ Bông hồng cài áo của thầy Nhất Hạnh mà như muốn bật lên khóc. Khóc vì con thấy thật hạnh phúc bởi còn có mẹ trên cõi đời này, khóc vì con thương cho bao đứa trẻ khác không còn có mẹ để mà sung sướng. Một phút tĩnh lặng con niệm chánh pháp của Bụt và cài lên ngực mình đóa hồng tươi tắn của một ngày đầu xuân.

Tối hôm nay nhà trong lại vang lên mấy lời ân cần âu yếm của mẹ con nhà chủ trọ.

-  Con có ăn bánh phồng tôm không để mẹ chiên?

-       Không!

- Con có ăn xôi không để mẹ nấu bây giờ?

Và lần này thì thực sự con không thể cầm nổi nước mắt, câu chuyện của mẹ con nhà người làm tái hiện trong tâm trí con tình nhũ mẫu của mẹ, trước đây, giờ này và cả mai sau... Phút giây, con thèm được trở về mái ấm nhà mình, được lèn vào bếp nằm trong vòng tay mẹ những ngày còn thơ. Bàn tay trái mẹ ẵm con, tim con lúc ấy áp sát tim mẹ và đập nhịp đều đặn, con biết mình đang được an trú trong hạnh phúc vì không còn nơi nào tốt lành và ấm áp hơn thế! Tay phải mẹ khều rơm, những cọng rơm mùa trước phơi gặp mưa bị iu nên giờ khói xông lên nghi ngút làm cay lòng mắt của hai mẹ con. Dù biết thế nhưng con vẫn hỏi “sao mẹ lại khóc?”

- Vì mẹ thương con!

Và mẹ cũng biết nhưng muốn hỏi lại “thế sao con khóc?”

- Vì con cũng thương mẹ!

Thế là mẹ dùng cả hai tay ẵm chặt con vào lòng, con thấy chan chứa và thèm khóc thật sự chứ không còn do khói làm cay mắt. Cũng vừa lúc ấy nồi khoai trên bếp đã chín, con đưa tay chộp lấy một củ nhưng nóng quá nên thả xuống vội. Mẹ liền chụp tay con mà xoa “khéo bỏng mất!”. Rồi mẹ cắm chiếc đũa vào củ tròn nhất ngon nhất “lần sau đừng có hư như thế nữa mà bỏng mất đôi tay, phải giữ đôi tay thật đẹp để còn múa hát cho mẹ xem, để còn cầm bút viết cho mẹ một bài thơ câu văn”. Và lúc này con buông bút xuống để nhìn kĩ bàn tay mình, đây chính là bàn tay năm xưa chụp khoai, bàn tay mang bao kì vọng của mẹ; hôm nay, bây giờ con đang dùng chính bàn tay ấy để viết thông điệp gửi mẹ đây.

Con nhớ lần đầu tiên đến lớp mẫu giáo làng, mẹ dắt con vào gửi cho cô giáo rồi phải về lo việc chợ búa. Nhìn dáng mẹ đi khuất dần sau luỹ tre làng mà con thấy tủi thân quá! Xung quanh bạn bè mới cũng đều rõi mắt nhìn theo những bà mẹ. Sợ con buồn nên cô giáo dạy hát bài Mẹ là cô giáo, “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, bài hát là vậy nhưng con biết cô giáo làm sao mà bằng mẹ cho được. Cô cũng hiền, cũng đẹp, cũng thương con nhưng không sao sánh được với mẹ vì mẹ là hiện thân của tình thương mà! Hết giờ, con chạy ào ra cửa, băng qua đám ruộng làng chạy về ôm chầm lấy mẹ, quên mất là cô giáo dặn phải đi thưa về chào. Mẹ mỉm cười chưa nói câu nào thì con đã bật lên khóc nức nở “ngày mai con không đi học nữa đâu, con sợ xa mẹ lắm!”.

Không thể nào quên con ngựa đồ chơi biết nhảy. Ngày ấy cứ mỗi lần chợ về mẹ lại mua cho con một gói chè, rồi một bận con nhủ mẹ sẽ nhịn quà trong mười ngày để dành tiền mua con ngựa đồ chơi. Hôm sau mẹ mua về cho con thứ đồ chơi ấy và vẫn gói chè như mọi hôm, con sướng quá không ăn nhưng mẹ bắt phải ăn và mấy hôm sau vẫn không cắt phần quà. Mẹ nói “con còn nhỏ mà biết tích góp như vậy là mừng rồi, coi như mẹ thưởng con ngựa cho con”. Ngày ấy đến bây giờ dễ cũng mười lăm năm rồi mẹ nhỉ? Thế mà con ngựa ấy như còn nhảy mãi trong con và con tự nhủ mỗi ngày hãy cứ chạy, cứ sống bằng tất cả nhiệt huyết của mình bởi trong mình đã có động lực tình thương của mẹ.

Con nhớ có những chiều đông dầm dề mưa, con đứng bên này sông ngắm từng chuyến đò ngang dõi hình bóng mẹ mà lòng cũng dập dìu theo từng con sóng buổi chiều tà. Một chuyến... hai chuyến... ba chuyến, không có bóng mẹ rồi đến chuyến cuối cùng, lúc hoàng hôn đã tắt hẳn, màn đêm phủ kín một quãng sông thì bên kia lầm lũi một mình bóng mẹ đang chuyển hàng lên đò. Đò cập bến và trong cái bóng tối ấy vẫn rạng lên ánh cười của mẹ, cái cười khó khăn lắm mới nở nổi sau khi đã dồn nén tất cả bỉ cực của một buổi chợ xa. Mẹ cười vì thấy con, vì mẹ không muốn con phải nghĩ nhiều cho mẹ, con còn phải để tâm trí cho việc học hành vui chơi. Ôi mẹ bao la vĩ đại! Thế mà con đâu có hiểu được, lại còn giận mẹ sao về tối quá vậy!

Có lần giận mẹ con đã định bỏ nhà đi tìm thảnh thơi nhưng may có câu chuyện chánh pháp nên thôi. Câu chuyện kể thế này: Có một anh chàng sống với mẹ già, một hôm anh ta nghe người ta truyền tụng ca ngợi về đức Phật. Ngưỡng mộ quá anh bỏ nhà ra đi mong tìm gặp cho được ngài, mặc cho mẹ hết lời can ngăn. Anh ra đường gặp một vị sư, sư nói rằng “Anh đi tìm hễ người nào chân phải mang dép trái, còn chân trái mang dép phải thì đó chính là Phật”. Anh đi tìm mãi mấy tháng trời mà không gặp được ai như thế. Đói lòng quá không có chi ăn, anh có ý định ghé về nhà ăn chút gì rồi đi tiếp. Đến nhà gõ cửa, người mẹ đã lâu không gặp con nên sinh sầu nhớ và khi nghe tiếng con thì hấp tấp từ trên giường chạy ra mở cửa, do vội nên chân phải mang dép trái, chân trái mang dép phải. Chàng trai gặp lại mẹ và như thói quen anh nhìn xuống chân thì chợt reo lên “Phật đây rồi! Phật đây chứ còn đâu nữa?”. Con kể chuyện này để nói rằng mẹ chính là một đức Phật với tình thương dành cho con cái vô bờ bến.

Có chiếc máy bay vừa bay qua đây mẹ ạ! Chiếc máy bay hướng về phía bắc mà con như muốn gửi gắm tấm lòng mình lên trên chuyến bay ấy để gửi về cho mẹ một nụ hôn tri ân. Con ngóng lên nhìn máy bay và thấy hình bóng mẹ như áng mây buổi trưa, tĩnh lặng thinh không. Đám mây vẫn hiền hậu nhìn con và nếu xem kĩ thì trong đó có mẹ đang ấp ủ tình thương để chuẩn bị chiều nay làm một trận mưa tưới mát tâm hồn con. Trong cái ngước lên ấy con thấy đám mây – hiện sinh của mẹ giữa bầu trời bao la như tình yêu thương, con vùng vẫy trong bầu trời ấy mà lắm lúc quên mất nên đã có lần mình làm mẹ đau khổ. Mẹ không để tâm đến những sai sót của con và sẵn sàng tha thứ cho tất cả các tội lỗi do con đã gây ra, những tội lỗi mà nghĩ lại thì thấy như là oan nghiệt phát sinh từ tâm một kẻ bất hiếu – con đã có lần như thế và mẹ hệt như vị bồ tát ân xá đại ngàn.

Con đi học xa nhà, nhiều hôm ngồi trong phòng trọ khuya khoắt nhìn ra bên ngoài thấy gia đình họ nhà chim đậu trên cây trứng cá mà thèm được trở về sum ấm. Con chim con nghiêng đầu rúc vào chim mẹ và con lặng đi trong giây lát, nước mắt lại chực trào bây giờ. Và con đã khóc mẹ ạ! Người ta bảo khóc là hèn nhát, không! con không hèn nhát đâu, con vẫn đủ nghị lực để sống và vươn lên báo đáp tình mẹ. Người ta bảo đừng khóc vì mình sẽ nhỏ bé đi, quả là thế vì với mẹ con mãi là đứa bé lên ba chập chững dù cho mai này con có đóng vai trò là một người cha. Có khi mẹ gửi vào đây cặp bánh chưng, con bóc bánh và ăn cẩn trọng bởi sợ hết, những lúc ấy thật là ngon vì con đang ăn chính dư vị nếp quê nhà và hương thơm lòng mẹ. Trong nhân bánh con nhận ra được sự ấm áp của bàn tay mẹ, bàn tay đã trồng đậu và nặn nên nhân bánh để gửi vào đây là cả một ngọn nguồn nghĩa mẫu. Những lần về nhà bao giờ con cũng ghé vào chợ trước. Góc chợ quê nghèo nhỏ nhắn ấy đã nuôi lớn con hai mươi năm bằng con tôm con tép, mớ rau mớ cải, bằng những câu chuyện để con lớn lên giữa chợ-đời. Và chính ở góc chợ ấy hình bóng mẹ mấy chục năm như đã mặc định. Con chạy vào, mẹ lẫn giữa mấy củ khoai, trái cà, rau ráng, và con thấy mẹ thật bình dị thân thương như những thứ quà quê. Với vạt áo bạc màu, chiếc quần mòn lê qua bao phiên chợ, đôi tay dạn dày rạn nứt mấy nét do tiếp xúc nhiều với nước chua. Con khẽ kêu “mẹ” một cách khẽ khàng vì sợ làm mẹ giật mình. Mẹ quay lại và ánh lên cái nhìn trìu mến, mừng rỡ khi gặp lại đứa con sau mấy tuần xa cách. Mấy tuần đối với chặng đường dài cuộc đời thì không đáng là bao nhưng với từng ngày ngóng trông của mẹ thì quả là dài vô tận. Mẹ mỉm cười khẽ, cái nhìn bao dung chan hòa, con đọc được trong ấy sự mãn nguyện của người mẹ khi thấy đứa con trưởng thành. Nhưng mẹ ơi! mẹ đừng cười nữa vì con nhìn thấy trên trán mẹ những nếp nhăn đã hiện rõ, mẹ đừng cười nữa vì con sợ những nếp nhăn ấy kêu gọi tuổi già phủ lên trên đầu mẹ. Con cứ muốn mẹ trẻ mãi để mà che chở cho con, con sợ mẹ già vì tuổi già rồi sẽ có ngày mẹ ra đi mà con lại không muốn như thế một chút nào dù biết cuộc đời là vô thường.  Nhưng mẹ ơi! con đã nghĩ lại rồi, nếu như cái ngày buồn thê thảm ấy đến thì con cũng sẽ không tuyệt vọng lắm đâu bởi con nghĩ mẹ không mất đâu cả, mẹ vẫn còn đó trong cây cà, cây ớt, hàng khoai luống cải, mẹ vẫn còn đó trong chái bếp mái ngói hun khói bao chiều, mẹ vẫn còn đó trên chiếc giường ngày xưa dành phần ráo cho con lăn bên ướt mẹ nằm, và hơn hết mẹ vẫn còn trong máu thịt con, trong tâm trí và trong trái tim con vì tình thương ngày ấy vẫn theo con sống tốt mỗi ngày.

Người ta khoác lên vai con tấm áo huy hoàng của danh vọng nhưng con nghĩ tấm áo ấy phải dành cho mẹ vì không có mẹ thì con chẳng thể làm được gì. Mẹ là ngọn nguồn của sáng tạo thơ ca nhạc họa. Đời ban cho con một ít năng khiếu cảm thụ viết lách, trong con có hạt giống nghệ thuật nhưng nhờ mẹ mà những hạt giống ấy được tưới tẩm vun vén để nở hoa. Thế mà liệu trong cái vườn hoa ấy con đã dành cho mẹ được bao nhiêu đóa? Con có viết về mẹ mấy bài thơ nhưng chả bao giờ để cho mẹ đọc cả, ngay cả khi viết bức thông điệp này con cũng không chắc là mình sẽ dâng mẹ vì con nghĩ trong mẹ đã có con, ánh mắt tâm tư của mẹ luôn dõi theo từng bước đi việc làm của con nên chắc mẹ đã đọc được tất cả những gì con viết.

Tình mẹ vô biên và cao cả, mẹ là hiện thân của những gì đẹp nhất trên thế gian này. Sự hiện diện của mẹ đã là niềm hạnh phúc nhất, chính vì thế mà con sẽ mỉm cười thật tươi và bước đi trong sự an lành vi diệu. Con dâng mẹ những tâm tư này và mẹ ơi chớ có khóc khi đọc dù cho đó là nước mắt của sự sung sướng mãn nguyện, bởi con sợ nước mắt lắm! khi một ngày kia...

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay