MẸ ĐỒNG
Kí ức về làng trong tôi gắn liền với hình ảnh hai người mẹ. Một người mẹ bằng da bằng thịt đã mang nặng đẻ đau nuôi tôi khôn lớn. Một người mẹ là tượng đồng tâm linh chở che an lành - Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát. Dù cho bồ tát đã vượt ra ngoài vòng luân hồi cõi người, không giới tính, nhưng tôi vẫn thích gọi là Mẹ bởi tình nhũ mẫu vô biên vô lượng.
Tượng đồng Mẹ Quán Thế Âm ở làng có từ lâu lắm rồi! Lần đầu tiên tôi đến chùa, chạm vào ngay ở khoảnh sân một người mẹ cao quá tầm người lớn, khi đó chưa biết Ngài là ai, ông nội nhủ chắp tay và dạy cách niệm danh hiệu Ngài. Một làn khói nhang xông lên, cái làn khói nhang này thức dậy trong tôi một niềm tôn kính thiêng liêng, tựa như tiên tổ mình vậy! Ngài đứng đó, một tay cầm bình Cam Lồ còn tay kia bắt ấn nghiêm trang. Tôi ngước đầu nhìn lên và thấy Ngài đưa mắt nhìn xuống, ánh mắt hiền từ nhân hậu hệt của mẹ mình. Ngay từ lúc đó tôi đã thích đến chùa. Lòng mộ đạo ngày nhỏ chỉ đơn thuần như vậy. Phải chăng mẹ là biểu hiện của tình yêu? Mẹ ở nhà dạy ta yêu quê hương xóm giềng bằng những câu ca tiếng ru, mẹ ở chùa dạy ta lòng từ bi nhân ái.
Ngày đó làng còn nghèo, chùa làng cũng chỉ là tranh tre nứa lá dựng đơn sơ sau chiến tranh. Quan Âm Các chỉ có mấy trụ tre xung quanh, phía trên làm mái tranh mộc mạc cốt che mưa che nắng. Mái tranh đã sờn đi nhiều, đứng dưới nhìn lên có thể thấy trời và nắng lọt qua đó rọi xuống vào đúng đỉnh đầu Ngài làm loé lên vầng hào quang. Sau này xem phim ảnh, thấy các vị Phật và Bồ Tát có hào quang thì tôi không còn ngạc nhiên nữa, không cho đó là phù phiếm huyễn hoặc mà xem hào quang như một tia nắng chiếu vào khai thức hạnh tuệ.
Bức tượng cao gấp rưỡi một thân người lớn, ngày đó mình còn thấp bé nên cứ thích đứng vào lòng bức tượng, khi ấy tay bắt ấn của Ngài sẽ xoa lên đầu và tưởng tượng dòng suối Cam lồ đang rưới mát lên tóc. Trò này đặt tên là tắm nước Cam lồ, dù không có tí nước nào nhưng vẫn cảm thấy mát lắm, thì ra là do hơi đồng phả vào mình nên cảm thấy thế.
Nhìn vào màu áo Ngài có thể thấy tuổi của bức tượng là nhiều lắm, một màu đen huyền bóng kít. Vạt áo chỗ lưng bóng lên như một tấm gương mờ, soi vào có thể thấy mặt mình. Chiến tranh đã làm cho áo Ngài không còn nguyên vẹn, những viên đạn để lại dấu vết rải rác trên đó. Có vài lỗ thủng tròn cỡ ngón tay cái, và thế là những chú ong tò vẽ bay vào làm tổ, hình như chúng cũng biết rằng trong lòng Ngài là nơi trú ngụ an lành nhất. Những chú ong này nhờ sống trong lòng Ngài nên cũng hiền từ, chúng không bao giờ cắn bọn trẻ con. Có bận tôi lấy chiếc que thọc vào trong phá tổ, thế là một bầy ong bay ra bám vào đầu que và kêu lên như cầu xin. Ôi! Nhẽ nào chỉ vì một trò nghịch mà mình nỡ phá vỡ sự yên bình của chúng. Khái niệm tình thương và lòng từ bi tôi có được từ đó, ngay dưới chân mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát.
Có một hôm rằm đi chùa, mãi nằm chơi lăn lóc chỗ Quan Âm Các nên ngủ quên mất. Đến nửa đêm quờ tay sang chạm phải hơi đồng lạnh toát sực tỉnh ra. Nhưng ngay khi nhìn thì đôi mắt hiền từ của Ngài trông xuống khiến tôi an tâm, không hề lo sợ dù ngày còn nhỏ mình rất yếu bóng vía. Tôi chạy nhanh về nhà, khi ánh trăng rằm đang rực sáng giữa khuya thanh vắng, vừa chạy vừa niệm danh hiệu Ngài. Giấc ngủ đêm hôm ấy ở chùa cũng sâu và an lành chẳng khác gì ở nhà. Từ đó tôi biết rằng mẹ Quán Âm còn biết ru ngủ và vỗ về giấc trẻ thơ.
Khi tôi bắt đầu biết chữ thì ông nội dạy cho đọc kinh. Và cuốn sách đầu tiên tôi đọc chính là cuốn “Kinh Quán Thế Âm” tại nó nhỏ và mỏng nhất. Hồi đó có một người tặng cho nhà tôi năm mươi cuốn kinh này. Nghe đâu để cầu nguyện một việc gì đó cần thiết, như chữa bệnh tật chẳng hạn, thì dâng cúng sách kinh Quán Thế sẽ dễ thành lắm! Ông nội bảo học thuộc một số câu trong cuốn kinh mỏng ấy để khi gặp tai nạn bất trắc đem ra niệm sẽ thấy bình tâm và được Ngài phò hộ. Vậy là mỗi lần ra đường ban đêm tôi đều đi chậm và niệm, thay vì chạy thật nhanh như lần trước. Càng ngày, cái yếu bóng vía trong mình cũng nhạt dần và mất đi, tính tình vì thế cũng cương trực hẳn lên.
Mỗi lần đi thi, trước khi đặt bút làm bài tôi đều niệm danh hiệu Ngài, nhờ thế mà trí huệ được khai sáng, làm bài rất tỉnh táo và nhiều lần gặp may mắn. Những khi đi xe đò qua chỗ đèo lệch hiểm nguy, tôi cũng niệm “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” và thế là bình yên. Hôm đi xa đất nước, lần đầu tiên được ngồi máy bay bay qua những vùng trời, tôi nhìn ra bên ngoài, những đám mây tạc lên hình tượng mẹ Quán Thế Âm tựa như đây là cõi Phật và mình đang được nằm giữa sự bảo bọc của Ngài nên an nhiên đến lạ.
Thời gian rồi sẽ làm cho chiếc áo tượng đồng mòn đi nhưng ánh mắt hiền từ của Ngài vẫn thế, nhẹ nhõm đến thánh thiện, quán chiếu hết khắp thảy muôn nơi. Đi rất xa làng rồi nhưng hình ảnh Mẹ đồng vẫn như đang ở rất gần, mỗi khi có gì bất an thì quán niệm và cảm thấy mình như được nằm trong vòng tay của Ngài những ngày còn nhỏ.
Ôi! Mẹ đồng của con.
Minsk. Mùa Vu lan 2008
Hoàng Công Danh
|