Vu lan: Lẽ sống, tình người
Thích Đồng Thành
Cập nhật: 09:33:58 07/11/2009

Vu Lan: Lẽ sống, Tình người

Thích Đồng Thành

Có những chiều thu nhặt lá vàng,

Nghe lòng tràn ngập nỗi miên man,

Chạnh nhớ ân sâu tình man mát,

Ôi lòng mẹ đó cứ thênh thang. Mỗi khi những làn gió thu dịu mát trở về, trời đất nhuốm màu quan san, nhìn từng chiếc lá vàng đơn độc đang cuộn vào hư không mênh mông vô tận, nghe tiếng rỉ rích của những giọt mưa ngâu bên bờ sông xa vắng, có lẽ, trong chúng ta, ai cũng cảm thấy cõi lòng mình dấy lên một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến kỳ lạ. Bâng khuâng bởi giữa vũ trụ bao la kia, thân phận mình sao quá bé nhỏ, tầm thường và mong manh; xao xuyến vì trong cõi cảnh túy sanh mộng tử này đời mình vẫn còn diễm phúc được sinh ra và lớn khôn trong bầu trời tình thương hiền hòa và trong mát của cha và mẹ.

Từ thuở còn nằm trong nôi, con thơ đã biết đến quê hương qua những lời ru ngọt ngào và tha thiết của mẹ. Những lời ru ấy tuy dung dị, nhưng đã gieo vào tâm hồn con thơ những ý niệm thật đẹp, thật đáng yêu về tình người và lẽ sống, nhen nhúm trong con hoài bão vào và hy vọng bình dị mà thiêng liêng, lắng sâu mà tha thiết. Trải qua bao năm tháng của đời mình, con thơ mới dần thấu hiểu được gì là quê hương, đâu là tình mẹ:

Quê nghèo có mái tranh xiêu,

Có con đò nhỏ sớm chiều đón đưa,

Có hoa cau, có bóng dừa,

Có người mẹ đã bạc phơ mái đầu.

Mẹ và quê hương, hai tên gọi dường như cách biệt ấy đã quyện vào nhau để nâng niu, nuôi dưỡng và đưa lối con thơ vào một thế giới kỳ hoa dị thảo. Quê hương có nắng sớm mai của trời xuân, có tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa trưa hè, có đàn cò thẳng cánh trên đồng lúa xanh, có những đêm trăng rằm thanh bình, êm ả v.v… tất cả những nét kiêu kì đó của tạo hóa sẽ trở nên vô vị, xa lạ nếu như nơi ấy thiếu đi hình bóng thân thương và lời ru ngọt ngào của mẹ.

Vào những ngày đông rét mướt, mẹ chống chọi với cái buốt giá của đất trời để con mình được ấm êm trong chăn gối. Những lúc gió xuân đến, dù thiếu thốn trăm bề, mái tranh nghèo hãy còn siêu vẹo, mẹ vẫn cố xoay sở cho con được chiếc áo mới để con không cảm thấy tủi thân với chúng bạn xung quanh. Mẹ yếu đi để con vạm vỡ, mẹ già đi để con khôn lớn. Từ khoảnh khắc tinh mơ cho đến đêm khuya tĩnh mịch, suốt bốn mùa luân chuyển của đất trời, mẹ dãi dầu trong nắng mưa, nhẫn chịu trong gian khó, dành cả tuổi thanh xuân, hy sinh trọn đời mình để đổi lấy một thứ rất tầm thường trong cuộc sống: nụ cười của con. Nụ cười ấy là niềm vui của mẹ, một niềm vui thật bình dị nhưng cao quý biết bao.

Có lẽ chính nét cao thượng của tình thương đó mà hình tượng người mẹ đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng trong nhiều nền văn hóa của loài người và hiếu hạnh được xem là một trong những đức tính cao đẹp nhất để thẩm định nhân cách mỗi người, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông.

Truyền thống cổ xưa của Ấn Độ cho rằng một vị thầy tâm linh bằng mười vị thầy thế tục, một người cha bằng một trăm vị thầy tâm linh, nhưng một người mẹ thì bằng một ngàn người cha, người nào đền đáp được công ơn của cha mẹ chính là người cao thượng trên đời này. A-dục vương, vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử cổ đại Ấn Độ đã từng sắc chỉ cho khắc những lời giáo huấn của đức Phật cho những thanh niên Licchavi trên tấm bia Brahmagiri như sau: “Mẹ, cha và các vị thầy cần phải được chăm sóc chu đáo, lòng từ bi phải được ban trải đến khắp chúng sanh, chân lý phải được tuyên thuyết rộng rãi cho mọi người… đây là những phẩm tính tự nhiên tự ngàn xưa, chúng là cho cuộc sống được trường cửu và mọi người cần phải kính cẩn tôn thờ.” Đạo lý thờ cha kính mẹ vốn đã là một nguyên lý sống rất thực, rất gần gũi với những trái tim nơi xứ sở văn hóa lâu đời ấy.

Đối với người Trung Quốc, hiếu hạnh được xem là một đức tính cụ thể nhất để đánh giá nhân cách của một con người. Họ trân trọng Hiếu kinh, họ ngưỡng mộ những tấm gương hiếu hạnh. Bàng bạc trong văn chương trí thức hay bình dân, chúng ta thấy tấm gương một Vương Tường vùi mình trong băng lạnh để hơi nóng làm tan băng hầu bắt cá đem về nuôi mẹ, một Ngô Mãnh chỉ mới tám tuổi ngủ không mặc áo, chịu bị muỗi đốt để cha mẹ được ngủ yên…Khổng Tử thì không ngớt lời khen ngợi những người chí hiếu, Mạnh Tử thì luôn nhắc đến mẹ trong nỗi niềm khôn khuây. Ngài Tông Mật, vị tổ thứ năm của Hoa Nghiêm tông trong Phật giáo Trung Quốc đã từng viết rằng: “Từ thuở hỗn mang của vũ trụ cho đến ngày nay, có một nhân tố thấm nhuần cả đất trời, hợp nhất người và thần, nối liền giữa kẻ cao sang và người nghèo khó, được hàng tín đồ Khổng, Thích tôn sùng, nhân tố ấy không gì khác hơn là đạo hiếu.

Con người sinh ra trong cõi đời này không thể chỉ biết sống với bản năng, dục tính hay chạy theo một tham vọng viễn vông, xa lạ nào đó để rồi đời mình bị chôn vùi trong lo sợ, khao khát và khổ đau. Sự cao thượng hay thấp hèn của mỗi người đều tùy thuộc vào nhân cách, phẩm hạnh của người ấy. Nhân cách hay phẩm hạnh ấy được hiệp thành không chỉ từ mỗi hành vi, lời nói mà ngay cả từ những ý niệm vi tế trong tâm thức của họ. Sống là phải hiểu đạo lý, là phải biết vươn lên theo ánh sáng chân lý của cuộc đời. Cha mẹ là hiện thân của lẽ sống, của tình thương, là một nguồn hạnh phúc cao quý nhất trên thế gian này. Thờ ơ với cha mẹ, chúng ta đã vô tình bị vuột mất khỏi tầm tay một cơ hội hy hữu, quí giá mà sau này ta sẽ không tìm được ở bất cứ nơi đâu hay bất cứ lúc nào trên trần gian này. Mỗi giây phút, mỗi sát na của thời gian cứ thoáng qua thật mau, lắm lúc con tỉnh ngộ lại thì hỡi ôi đã quá muộn màng, còn đâu nữa lẽ sống và tình đời, còn chi nữa hạnh phúc và thương yêu. Bài thơ quạ hiền mất mẹ đã phần nào diễn tả nỗi niềm thống thiết của người con khi mẹ qua đời:

Từ ô thất mẫu,

Á á hổ ai âm,

Triêu dạ bất phi khứ,

Chung niên thủ khố lâm…

Tích hữu Ngô Khởi giả,

Mẫu một tang bất  lâm,

Ta tai tư đồ bối,

Kỳ tâm bất như cầm.

Quạ hiền bị mất mẹ, tiếng kêu thật thảm thiết bi ai, suốt ngày chẳng chịu bay đi và trọn năm quanh quẩn trong rừng cũ, nơi mà mẹ mình ngày xưa thường sống… Xưa có một người tên Ngô Khởi, mẹ mất nhưng chẳng chịu về thọ tang, thương thay cho bọn người như thế, tâm họ đâu bằng tấm lòng của loài cầm thú nơi rừng sâu. Xem thế cũng đủ để biết rằng tình mẫu tử là một thứ tình thật thiêng liêng luôn âm ỉ trong từng nguồn mạch cơ thể của vạn triệu sinh linh trên trần gian này.

Trong đạo Phật, hình tượng người mẹ luôn là biểu tượng tỏa sáng của tâm nguyện, nhân cách và sự hy sinh. Tình thương của mẹ gồm thâu cả bốn loại tâm vô lượng từ, bi, hỉ và xả. Khi biết mình thọ thai, người mẹ cảm nhận niềm vui của tâm từ. Dầu chưa hình dung được hình dáng con mình, mẹ vẫn luôn muốn bảo bọc, nâng niu con. Khi con cất tiếng khóc chào đời, một tình thương con dấy lên trong lòng mẹ, mẹ muốn xoa dịu và chia sẻ nỗi đau của con. Lúc con bắt đầu biết bò, biết đi, biết cười, biết nói, mẹ cùng hoan hỉ với niềm vui của con. Khi con lớn lên, tiếp xúc với cuộc đời, ra đi theo ước vọng riêng, mẹ nâng cánh con bay vào cuộc đời, không ôm giữ con cho riêng mình.

Tình thương của mẹ như thế không bao giờ làm tổn thương mà trái lại còn bồi đắp cho tâm hồn và thể xác của con. Vào mùa hạ, có những cơn mưa rào ào ạt đổ về làm cho mặt đất tinh khôi kia bị xói mòn, loang lổ, cuốn trôi những lớp phù sa màu mỡ trong lòng đất. Tình thương của mẹ không ào ạt, hồ hởi như những cơn mưa rào kia mà trái lại nó giống như cơn mưa râm âm thầm, rỉ rích, thấm sâu vào lòng đất, vào từng tế bào, từng mạch máu của con, xoa dịu những niềm ray rức của đời con, mang đến cho con một niềm tin về lẽ sống cuộc đời.

Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những vị thầy đầu tiên và cũng cao cả như Phạm Thiên, vị thần cao tột nhất trong huyền thoại Ấn Độ, do vậy người con phải luôn tưởng nhớ đến những thâm ân cao cả của cha mẹ mình. Văn học Phật giáo có kể lại rằng vì cảm niệm thâm ân của mẹ, đức Phật đã đến cung trời Đao Lợi, nơi mẹ mình thác sanh sau khi lìa đời, để giảng pháp cho mẹ. Ngài cũng giảng pháp cho cha, giúp phụ vương liễu ngộ chân lý để thoát khỏi vòng luân hồi.

Theo Phật giáo, trên đời này có ba loại người con, đó là: người con kém hơn cha mẹ về mọi mặt (Avajata); những người con có cùng khả năng như cha mẹ (Anujata); và  những người con siêu việt cha mẹ mình (Atijata). Nếu người con biết sống hướng thượng, vượt hẳn những khả năng của cha mẹ thì đó là một niềm tự hào cho gia đình, bằng không người con phải cố noi gương cha mẹ chứ đừng bao giờ có điều gì yếu kém hơn cha mẹ vì đó là một điều tủi hổ cho mình và gia đình mình.

Người con phải biết ơn cha mẹ mình, phải chăm sóc họ thật chu đáo. Nếu cha mẹ có làm gì sai, con cái phải giúp cha mẹ từ bỏ những tà nghiệp đó, phải khuyến hóa cha mẹ làm các việc lành. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì con phải làm sao để gieo niềm tin chân chánh trong lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ vô luân, người con phải khuyên cha mẹ sống theo luân lý đạo đức. Nếu cha mẹ không được học hỏi những lời giáo huấn quí báu thì người con phải tạo điều kiện cho cha mẹ. Nếu cha mẹ không rộng lượng, người con phải khuyên họ độ lượng. Nếu cha mẹ không hành thiền để tăng trưởng tuệ giác thì người con phải khuyến khích họ hành thiền. Nếu cha mẹ đang theo con đường thuần thiện thì người con phải theo gương họ. Làm được như vậy, người con đã báo ân cha mẹ mình một cách ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật thường khen ngợi những người biết ơn và biết  báo ơn một cách chân chính. Ngài dạy rằng người biết ơn là hạng người hy hữu trong đời này: “Này các Tỳ-kheo, sự xuất hiện của ba hạng người trên thế gian này thật là hy hữu. Những gì là ba? Sự xuất hiện của đức Như Lai, bậc A La Hán, bậc Chánh Đẳng Giác trên thế gian này thật là hy hữu; cũng vậy, người có thể tuyên thuyết pháp và luật mà đức Như Lai đã dạy; và người luôn chánh niệm, biết ơn thì thật là hy hữu trên thế gian này.” Ngài còn dạy rằng một người cao thượng là người biết ơn và luôn ghi nhớ công ơn mà mình đã nhận từ người khác. Biết ơn và chánh niệm là những đặc điểm của một người cao thượng.

Trong hàng đệ tử của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất là một người con hiếu trí kiêm toàn. Khi biết thọ mạng của mình không còn bao lâu nữa, Tôn giả liền xin phép đức Phật được trở về thăm lại và nhập diệt tại quê nhà. Từ lâu mẹ Ngài vẫn còn tin theo Bà-la-môn giáo, dù gia sản đồ sộ, bà vẫn không quen thực hành hạnh bố thí, cúng dường và tu tập theo chánh đạo. Khi trở về quê, Tôn giả thị hiện bệnh tật, Đế Thích và các thiên chúng khác đến vấn an, mong được hầu hạ, nhưng Tôn giả từ chối vì rằng xung quanh Ngài đã có nhiều pháp hữu chăm lo. Sau khi chư thiên từ giã Tôn giả, bà Xá-lợi liền vào hỏi thăm và được biết rằng trong số chư thiên đó có cả người mà mình đang tôn thờ: trời Đế Thích - một chúng sanh đang còn trầm luân, trí tuệ và đạo lực kém xa con mình. Bà vô cùng bất ngờ và sự kiện đó đã chuyển hướng cuộc đời của bà theo Chánh pháp.

Hạnh hiếu là thánh hạnh của tôn giả Xá Lợi Phất, là Bồ-tát hạnh của Bà-la-môn nữ-tiền thân của đức Địa Tạng Vương (Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), là Phật hạnh của Thiểm Tử- tiền thân của đức Phật Thích Ca (Kinh Bổn Sanh, Phật Thuyết Bồ Tát Thiểm Tử Kinh).

Gương hiếu của Thiểm Tử được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Quốc và là một mẫu chuyện rất cảm động về đạo hiếu. Nội dung mẫu chuyện ấy như sau:

Có một vị Bồ-tát du hóa trong nhân gian, Ngài gặp một đôi vợ chồng già nua, mù loà và không có con cái. Cả hai vợ chồng đều có ước nguyện vào rừng núi để sống gần gũi với thiên nhiên hoang dã, dành thời gian còn lại trong đời mình để tu niệm thân tâm. Vì sợ rằng đôi vợ chồng già ấy sẽ gặp bất trắc trong rừng sâu nên Bồ-tát bèn tái sanh trong gia đình ấy để chăm sóc cho họ. Khi sanh được một cậu con trai, hai vợ chồng vô cùng sung sướng và đặt tên con là Thiểm Tử. Lớn lên Thiểm Tử rất mực ngoan hiền và chăm sóc cha mẹ mình thật chu đáo. Năm tháng trôi qua, cha mẹ của Thiểm Tử đã quên đi ý nguyện ban đầu. Một hôm Thiểm Tử nhắc lại cho cha mình ước muốn ngày xưa và chàng hứa rằng sẽ hầu hạ cha mẹ chu đáo nếu họ thích vào rừng sâu. Nghe lời hứa của con, đôi vợ chồng bèn bán tất cả gia sản và cùng vào chốn thâm sơn. Tại nơi trú ẩn mới, Thiểm Tử cất một gian nhà tranh, giăng giây khắp nơi để hướng dẫn lối đi cho cha mẹ và vẫn chăm sóc song thân một cách chu đáo như thuở trước. Gia đình Thiểm Tử sống chung với muông thú xung quanh, làm bạn chim chóc của núi rừng.

Khi mùa xuân đến, mỗi lần đến hồ lấy nước, Thiểm Tử thường choàng áo da hươu vì chàng không muốn làm khuynh động các loài thú bên hồ. Sáng hôm đó, quốc vương xứ ấy đi săn trong khu rừng nơi Thiểm Tử đang sống. Thấy một đàn hươu bên hồ, nhà vua bèn vội vàng giương cung, một con hươu gục ngã bên dòng nước. Nhà vua vui mừng thúc ngựa đến bên hồ nước, nhưng đau xót thay con vật bị trọng thương kia lại là Thiểm Tử. Nhà vua sửng sốt và hỏi Thiểm Tử vì sao lại mặc áo da hươu. Thiểm Tử thuật lại mọi chuyện và nói rằng suốt bao năm qua, chưa có một con thú nào làm hại đến mình mà giờ đây, chàng lại trúng tên độc của một đồng loại. Nếu chàng chết đi thì cha mẹ cũng không thể sống được vì không ai chăm sóc cho họ. Trong lúc cái chết đang đến gần người con đức hạnh và hiếu thảo, dông tố và mưa gió ào ạt nổi lên khắp nơi, chim muông đều kêu la thảm thiết. Nhà vua vô cùng lo sợ và hối hận rằng vì một chút vui thú, mình đã hại đến một người con hiếm thấy. Song Thiểm Tử tâu với vua rằng đây là nghiệp quả của mình chứ không phải lỗi của nhà vua, điều mà chàng lo nhất là hai đấng song thân không có người phụng dưỡng. Cảm động trước tấm lòng chí hiếu của Thiểm Tử, nhà vua hứa sẽ chăm sóc cha mẹ chàng chu đáo nếu như chàng qua đời. Thiểm Tử chỉ đường cho nhà vua đến am tranh và trút hơi thở cuối cùng.

Khi hay tin dữ, cha mẹ Thiểm Tử đau đớn vô cùng, họ mong được sờ  lên thi thể người con yêu của mình. Người cha ôm đôi chân và bà mẹ thì tựa đầu con vào lòng. Sau đó bà lại liếm vết thương, hút chất độc ra và mong rằng con sẽ sống lại dù mình phải hy sinh. Trong cơn đau đớn tột độ, hai vợ chồng bèn lập lời thề rằng nếu Thiểm Tử là một người con chí hiếu thì chất độc kia sẽ tan biến, con mình sẽ sống lại. Lời thề ấy cảm thấu đất trời, mũi tên bỗng bậc ra, chất độc tan dần và Thiểm Tử sống lại.

Thiểm Tử là hiện thân của một người con chân chính, luôn hướng cha mẹ mình về một đời sống hướng thượng. Người con như thế quả là một nhân duyên lớn, là thiện tri thức để cha mẹ có thể thăng hoa nhân cách và đạo nghiệp của mình.

Vào ngày rằm tháng bảy, người ta thường về chùa để cầu nguyện cho mẹ cha, để dự lễ Bông Hồng Cài Áo, đó là những nghĩa cử thật cao đẹp và ý nghĩa để người con có thể sống với cha mẹ bằng trọn trái tim nhiệt thành của mình. Nguồn hạnh phúc tinh thần đó thật dung dị nhưng lại vô cùng thâm thuý và thiêng liêng, không thể đánh đổi bằng vật chất giả tạm của thế gian. Áo em cài một đoá hoa hồng, cõi lòng em trào dâng một niềm vui sướng vì đời mình vẫn còn có mẹ. Đôi khi người ta thường gắn thêm một chiếc nơ bên dưới bông hồng để làm biểu tượng cho cha, cha còn là nơ xanh, cha mất là nơ trắng. Thật bất hạnh cho những ai bỗng cảm tủi thân khi người ta cài lên áo mình một đoá hoa trắng, nơ trắng. Làm sao có thể nói hết được tâm sự của người cài hoa trắng, một tâm sự đơn côi, trống vắng, như bầu trời đêm không một ánh sao, như một ngày buốt giá không một tia nắng rọi về.

Nếu là người được cài hoa hồng, nơ xanh, bạn hãy vui lên, hãy đặt trọn niềm tin vào những ước vọng tươi sáng của mình vì bên cạnh bạn, trong trái tim bạn vẫn còn hiện hữu một dòng suối tình thương thật trong mát và ngọt ngào, một nguồn động viên thật mạnh mẽ, thâm sâu. Giữa những đa đoan của cuộc sống, bạn nên dành cho mình những giây phút trầm lắng để tiếp xúc với song thân, nhất là khi làn da mẹ trở nên nhăn nheo, khi từng sợi tóc của cha đã nhuốm bạc, khi vẻ đẹp của mẹ trong tuổi thanh xuân không còn nữa. Chính những khoảnh khắc đó, bạn thực sự sống với cha mẹ bằng niềm tri ân chân thành và ý nghĩa nhất. Có như thế, thì dẫu mai sau, dù sống ở phương trời nào đi nữa, dù đang vượt qua đoạn đường nào trong hành trình xa xăm của cuộc đời, bạn vẫn thấy trong trái tim mình, trong máu thịt mình một niềm an lạc miên trường, một tình thương và lẽ sống muôn phần cao quý.

Mùa Vu Lan PL 2548

TĐT

Nguồn: Tập san Pháp luân số 05

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay