Chùa Tra Am
Tâm Quang
Cập nhật: 20:57:01 06/11/2009

CHÙA TRA AM

VÀ SỰ NGHIỆP KỲ VĨ CỦA TỔ KHAI SƠN

TRỪNG THÔNG VIÊN THÀNH

 

 Tâm Quang

 

 I. Dẫn nhập

 

Trong số những ngôi chùa đã được chư Tổ khai sơn, kiến tạo trên miền đất cố đô vào các thập kỷ đầu của thế kỷ XX, cùng với nếp sống giản dị, đạo phong thanh thoát của quý ngài trong những ngôi chùa này đã ảnh hưởng sâu rộng đến sự tu tập và trau dồi Phạm hạnh của nhiều thế hệ Tăng Ni, đã đem lại niềm tin mạnh mẽ cho đông đảo tín đồ Phật giáo tại Thừa Thiên, Huế suốt gần một thế kỷ nay.

 

Trong đó có CHÙA TRA AM (1).

Chùa Tra Am, tuy mới được Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành kiến tạo vào năm Quý Hợi, 1923, nhưng tài năng, đức độ và sự nghiệp lớn lao của ngài cũng đã làm cho ngôi chùa mới trở này thành một trong những cảnh Già lam danh tiếng ở đất thần kinh Huế.

Chùa Tra Am, ban đầu chỉ là một thảo am khiêm tốn, nằm ẩn mình trong một khung cảnh thanh u, tịch mịch nhưng lại thắm đượm một bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đã khiến cho nhiều danh sĩ trí thức, nhiều tao nhân mặc khách cùng thiện nam, tín nữ khi đến viếng thăm, dâng hương lễ bái đều vô cùng hoan hỷ.

Điểm nổi bật nhất là chùa Tra Am đã đóng góp vào kho tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam những tác phẩm văn học có giá trị và là nơi đã đào tạo nên nhiều bậc Cao tăng lừng lẫy cho sự phát triển và hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Có thể nói, trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, thì chùa Tra Am đã tích cực đóng góp một phần rất lớn vào kho tàng này. Qua những tác phẩm do Hòa thượng khai sơn Trừng Thông Viên Thành trứ tác, biên soạn như bộ Lược ước tùng sao (gồm chữ Hán và chữ Nôm), Hạc trình ngâm (chữ Hán), Văn tế cô hồn (chữ Nôm) Văn tế Thánh Mẫu (chữ Hán), v.v… cùng nhiều tác phẩm thi văn khác, hiện còn lưu lại, không chỉ sáng rực về mặt xiển dương chánh pháp mà còn thơm ngát thiền vị trong lãnh vực văn chương.

Trong sự nghiệp nuôi dưỡng và đào tạo Tăng tài, chùa Tra Am tuy không mở Phật học đường hay Học viện nào to lớn nhưng suốt thời gian 5 năm (từ 1923 đến 1928) vẫn luôn có một đạo tràng để làm nơi dạy dỗ chúng tăng.

Trong số chư Tăng cần mẫn theo học và xuất thân tại đạo tràng này, có rất nhiều vị, trong đó có Hòa thượng Thích Chánh Giáo (Bổn sư của Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang). Ngoài ra, Tổ Viên Thành còn giáo dưỡng nên một thế hệ đệ tử ưu tú, sự nghiệp của quý ngài đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo tại Thừa Thiên, Huế nói riêng và Phật giáo cả nước nói chung, như quý Hòa thượng Tâm Phổ Trí Uyên (1886-1940) khai sơn chùa Diệu Minh ở Cồn Hến, Huế (Ngày nay đổi là chùa Pháp Hải), Hòa thượng Tâm Đăng Trí Hiển (? - 1940) Trú trì chùa Ba La Mật và chùa Tra Am, Hòa thượng Tâm Thọ Trí Giải, tự Đạo Thể (? -? ) Trú trì chùa Diệu Hỷ (gần chùa Diệu Đế, Huế), Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ, tự Đạo Giám (1909-1984) trú trì chùa Bảo Quốc, Huế, kiến tạo Tu viện Quảng Hương Già Lam, Sài Gòn… ngài là một trong những vị Cao tăng lỗi lạc bậc nhất và là người có công rất lớn trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài và xiển dương mạnh mẽ nền văn hóa Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Để được rõ hơn, chúng tôi xin trình bày sơ lược lịch sử chùa và tiểu sử Hòa thượng khai sơn, trong đó có sơ lược phần tiểu sử chư vị đệ tử ưu tú của ngài.

 

 II. LƯỢC SỬ CHÙA TRA AM

Chùa Tra Am (1) do Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành (1879-1928) (2) bỏ tiền ra mua đất và kiến tạo vào năm Quý Hợi, 1923. Chùa tọa lạc trên vùng đất nằm cạnh khu nghĩa địa của họ Nguyễn Khoa, ở phía Nam núi Thiên Thai và phía Đông núi Ngũ Phong (2) thuộc địa phận ấp Tứ Tây, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (Năm Tân Sửu, 1961, xã An Cựu sáp nhập vào xã Thủy An, sau năm Ất Hợi, 1995 đổi lại là phường An Tây, thuộc thành phố Huế).

Không gian ở đây không bao la, hùng vĩ như những danh lam nổi tiếng ở đất Thần kinh mà chỉ thể hiện đậm nét trang nghiêm, thanh tịnh của chốn thiền môn.

Vào niên hiệu Bảo Đại nguyên niên (Bính Dần, 1926) quan Tham tá các vụ Tiến sĩ Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu, người đạo hữu tri kỷ của Hòa thượng khai sơn, trong bài “Tra Am ký” (bằng Hán văn), đã mô tả khá chi tiết và rõ nét cảnh trí chùa Tra Am lúc bấy giờ như sau: “Quanh co theo khe nước, vạch lối trong đám cây rừng thì đến cửa am. Trước cầu Lược ước bắc ngang dòng khe Tẩy bát, am tranh nằm kín đáo đằng sau. Gian trước thờ Phật, sau riêng một hiên có bảng đề 3 chữ “Ngọa vân khốt”(3) đây là nơi hằng ngày Thượng nhân giảng kinh cho đệ tử.

Đối diện cảnh núi non cằn cỗi, khe suối mới khơi, trúc già lã ngọn, đá non chồng chất, tâm hồn mình dễ sinh nhiều ý tưởng phiêu du ngoài trần thế, nên tôi có đề câu thơ:

Năm Tân Hợi, 1971, nhà nghiên cứu Thiếu nữ thủ Nguyễn Văn Thoa cũng lại mô tả khá tỉ mỉ cảnh trí chùa như sau: “Lối vào chùa, phải đi ngang qua núi Ngự Bình, len lỏi trong các rừng thông, rừng bứa phủ đầy dây leo xanh tốt. Con đường đất bé nhỏ, khi cao, khi thấp qua các dòng khe, sườn đồi. Suốt ngày chỉ nghe tiếng nước chảy róc rách, thì thầm lẫn trong tiếng chim ríu rít gọi đàn. Thỉnh thoảng mới thấy vài người lên thăm mộ hoặc đốn củi rảo bước đi về. Vết chân người nơi đây còn vắng lắm, làng xóm ở mãi ngoài xa…”

Sau khi xây dựng thảo am xong, Hòa thượng dùng biệt hiệu “TRA AM” của mình để đặt tên chùa.

 

Đất thấp, bằng phẳng, chùa nằm ẩn mình trong khung cảnh thanh u, tịch mịch lại có dòng khe nhỏ nước chảy róc rách quanh năm, càng làm cho không khí nơi đây thường trong lành, mát dịu. Chính dòng khe này và bàn tay khéo léo của Tổ khai sơn đã tạo cho chùa Tra Am có một sắc thái đặc biệt, hiếm thấy một ngôi chùa nào ở Huế có khung cảnh tương tự !

 

Muốn vào chùa phải qua một dòng khe nhỏ, nên Hòa thượng khai sơn đã cho xẻ một thân cây thông lớn bắc làm cầu, có tay vịn để dễ dàng khi qua lại. Ngài lại đặt cho chiếc cầu này một cái tên rất thơ mộng là “Lược ước kiều” (5) (Ngày nay, chiếc cầu này đã được đúc bằng xi-măng, nhưng cũng chỉ dùng cho người đi bộ và xe máy hoặc xe đạp qua lại, nên dáng vẻ vẫn có phần thơ mộng như “Lược ước kiều” ngày xưa). Dòng khe nhỏ có tên là “Tẩy bát lưu” (6) và cái bến nhỏ là “Tẩy bát thủy” (7) (Ba chữ này, hiện còn lưu dấu trên mấy phiến đá trước sân chùa).

 

Với tài năng, đức độ và sự giao lưu rộng rãi cùng bàn tay chăm sóc chu đáo của Hòa thượng khai sơn, đã làm cho chùa Tra Am trở nên một danh lam với nhiều điểm nổi bật và là nơi thu hút nhiều danh sĩ trí thức, nhiều tao nhân mặc khách đến thăm viếng, lễ bái cầu nguyện.

Vào năm Khải Định thứ 10, Ất Sửu, 1925 có Thị độc Học sĩ Long Biên Nguyễn Như Cơ, khi lên thăm viếng và đàm đạo với Hòa thượng khai sơn đã mô tả cảnh chùa bằng cái nhìn trầm buồn, xa vắng qua bốn câu thơ đầy thi vị:

 Bên khe róc rách nước trong veo,

 Một liếp lều tranh cảnh vắng teo,

 Xa chốn bụi hồng lòng phủi sạch,

 Buồn nghe trong núi lá thông reo.

 

Dưới triều vua Bảo Đại, quan Thượng thư Bộ Kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, trong một dịp lên viếng thăm và đàm đạo với Hòa thượng đã ngồi lặng yên trước khung cảnh thoát tục này và đã cảm xúc nên bài thơ:

                  Nhịp cầu Lược-ước bắc qua khe

Một mái am tranh gió bốn bề

Cúc nở xuê xoang tuồng nệm gấm

Dây leo dỏng dảnh bức màn tre

Ngồi xem nước chảy, đôi ghềnh đá

Đứng đợi trăng lên, mấy bụi tre

Cảnh có, người vui, càng rốn lại

Mặt trời khuất núi vẫn chưa về.

 

Một danh sĩ tên tuổi khác là Thượng thư Đỗ Phú Túc, khi lên thăm viếng và đàm đạo với Hòa thượng khai sơn, cũng nhận định cảnh sắc Tra Am chính là nơi dễ làm cho lòng trần thanh thản, quên hết mọi phiền lụy ở đời và ham muốn ở lại tu tập thiền định, qua bài thơ vịnh của ông sau đây:

Ngũ Phong (2) yên cảnh trúc Kỳ Viên

Đại đạo chiêu thùy tại mục tiền

Kệ bãi, phất trần yêu nguyệt tọa

Thi thành, đầu bút chẩm vân miên

Tùng phong, trúc lộ, nhiêu giai hứng

Thủy điểu, sơn cầm, ngộ giác duyên

Vinh nhục thế đồ châu cửu ngạn

Tức cơ ngã diệc dục tham thiền.

 Dịch:

Ngũ Phong khói tỏa dựng chùa chiền

Đạo lớn trông ra đã thấy liền

Kệ hết, phẩy bàn, mời nguyệt chiếu

Thơ thành, ném bút, gối mây yên

Gió sương tùng trúc nhiều giai hứng

Chim chóc hòa ca tỏ giác duyên

Vinh nhục giữa đời thôi dẹp hết

Thanh nhàn ta muốn học tham thiền.

                      (Nguyễn Văn Thoa, dịch)

 

Trong suốt thời gian Hòa thượng khai sơn trụ thế, chùa Tra Am vẫn giữ dáng vẻ thiền vị, nên thơ, dễ làm lắng lòng tao nhân mặc khách, là điểm giao lưu thắm thiết, là nơi đàm đạo chánh pháp và xướng họa thơ văn lý tưởng của các danh sĩ trí thức đương thời. Có lẽ, do đó mà nhiều sử liệu hiện lưu hành đều ghi rằng: “Tra Am, có thể nói là một “Thi Am”, hay rõ ràng hơn là một ngôi “Chùa Thơ”.

***

 

Ngày mồng 7 tháng 10 năm Mậu Thìn (ngày 18.11.1928)(8) Tổ khai sơn viên tịch, môn đồ cung thỉnh Hòa thượng Tâm Đăng Trí Hiển, trú trì chùa Ba La Mật ở ấp Phú Thượng, làng Nam Phổ, huyện Phú Vang lên kế tục trú trì. Trong thời gian gần 12 năm làm trú trì chùa Tra Am, vào năm Đinh Sửu, 1937, Hòa thượng Trí Hiển có mở một đợt trùng tu, nhưng quang cảnh chùa vẫn được Hòa thượng giữ nguyên nét u nhã, thanh nhàn như thời Tổ khai sơn còn trụ thế.

Đến năm Canh Thìn, 1940, Hòa thượng Trí Hiển viên tịch và cũng từ đây chùa Tra Am dần dần bước vào thời kỳ thay đổi.

Sau năm Canh Thìn, 1940, Trưởng tử của Hòa thượng Trí Hiển là Hòa thượng Nguyên Tuyết Như Ý, đang học tập và du hóa ở miền Nam, được môn đồ cung thỉnh về kế tục trú trì.

Qua năm Canh Tý, 1960 và Tân Sửu, 1961, Hòa thượng Như Ý mở cuộc đại trùng tu. Đây là lần trùng tu khá qui mô. Đại điện thờ Phật được tôn tạo nguy nga, hai bên tả hữu có lầu chuông trống, Tăng xá, thư phòng… đều được sửa sang rộng rãi, khang trang. Lần này, Hòa thượng đã cho gắn tấm biển tên chùa trước hiên tiền đường là “MẬT SƠN TỰ” (không có hai chữ TRA AM. Mật Sơn cũng là biệt hiệu của Tổ Viên Thành, vì thế cho nên trong nhiều tác phẩm do ngài biên soạn, đều ghi biệt hiệu Mật Sơn Tra Am. Xin chú ý ở tấm biển tên chùa có cách viết rất lạ, là chữ MẬT ngài cho viết ở giữa, chữ SƠN ở bên phải (ngoài nhìn vào), chữ TỰ ở bên trái. Do đó, có nhiều người đã đọc là “Sơn Mật tự”).

Điểm đặc biệt là trong lần trùng tu này, Hòa thượng lại mô phỏng theo nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của Phật giáo Khmer ở các tỉnh miền Nam Việt Nam, lối kiến trúc này lại chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Cao Miên, nên đã làm cho quang cảnh chùa hoàn toàn thay đổi, không còn giữ nguyên dáng vẻ thanh thoát, thiền vị của thời mới kiến tạo.

Sự thay đổi lớn lao này, đã khiến Hòa thượng Nhật Quang Trí Quang, vào năm Nhâm Tý, 1972 khi viết lời Tựa cho cuốn “Tra Am và Sư Viên Thành” đã than thở: “Đến nỗi sau đó, đến lại mấy lần, tôi đã bực thầm, bụng bảo dạ “thực hết rồi”, Tra Am sau này chỉ là của người sau, tương phản đến nỗi, so với vài chỗ xuống suối Tra Am (may mà còn vài chỗ ấy), thấy mà ngao ngán!”

***

 

Năm Ất Sửu, 1985, Hòa thượng Nguyên Tuyết Như Ý viên tịch, môn đồ cung thỉnh Hòa thượng Nguyên Thanh Đức Phương, trú trì chùa Lam Sơn, Huế kiêm nhiệm trú trì. Hòa thượng Đức Phương hiện đứng cương vị trú trì nhưng ngài đang gánh vác nhiều Phật sự trọng đại khác, nên mọi công việc và sự sinh hoạt của Tăng chúng trong chùa đều do vị đệ tử của út của Hòa thượng Như Ý là Đại đức Quảng Thế Thể Thanh trông coi và cáng đáng.

Từ khi được môn phái giao nhiệm vụ làm giám tự, dù tuổi trẻ, nhưng Đại đức cùng Tăng chúng trong chùa đã không ngừng nỗ lực góp công, góp sức trùng tu phần hậu điện, thiền đường, tăng xá, nhất là chỉnh trang lại cảnh trí chung quanh “Ngọa vân khốt” thật hài hòa, xinh xắn. Chính Hòa thượng trú trì và chư tôn thiền đức trong môn phái đã không ngớt lời tán thán!

Có lẽ, nhờ sức sáng tạo đầy trí tuệ và bàn tay nhẫn nại ấy mà diện mạo chùa Tra Am hôm nay đã phần nào trở lại dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát. Xứng đáng là một ngôi Tổ đình trong quần thể chùa tháp đồ sộ ở đất thần kinh Huế, với bốn thế hệ truyền thừa (từ chữ Trừng xuống đến chữ Tâm, Nguyên và Quảng, theo kệ truyền thừa của Tổ Thiệt Diệu-Liễu Quán ở chùa Thuyền Tôn, Huế).

 Ngày nay, thiện nam, tín nữ hoặc khách thập phương đến vãn cảnh chùa, chắc sẽ thấy được sự thay đổi đáng trân trọng này.

 (còn tiếp)

 

 Chú thích:

1. Biệt hiệu Tra Am là Hòa thượng lấy điển tích trong Nam sử của Trung Hoa như sau: “Trương Phu thuở nhỏ tên tục là Tra. Cha ông là Trương Thiệu, tên tục là Lê. Thời bấy giờ vua Tống Văn Đế thường gọi đùa rằng: “Tra sao bằng Lê được.” Trương Phu cười mà tâu vua rằng: “Lê là cây trăm quả, Tra đâu dám sánh bằng.” Hậu thế dùng điển này để chỉ người sau không bằng người xưa, tỏ ý khiêm nhường. Khi lấy biệt hiệu Tra Am, Hòa thượng cũng có ý tự cho mình không bằng Sư phụ Thanh Chân Viên Giác.

Ở Thừa Thiên, Huế từ trước đến nay, mọi người thường quen gọi là chùa TRÀ AM. Ít người chú ý tới điển tích này.

 

2. Hòa thượng cũng như quý Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp trú trì chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh khai sơn chùa Tây Thiên, Hòa thượng Tâm Ấn Viên Quang, khai sơn chùa Châu Lâm, Huế v.v… là những bậc Cao tăng kỳ vĩ của Phật giáo Thừa Thiên, Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Sự nghiệp lừng lẫy của quý ngài đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Thế nhưng chúng tôi không rõ vì lý do gì mà trong bộ “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX” của Thượng tọa Đồng Bổn, bản in năm 1995, tại Sài Gòn lại không đề cập đến. Trong khi đó phần nhiều các vị đệ tử của quý Ngài lại được ghi? Nhưng vì lý do gì đi nữa thì sự thiếu sót này cũng là một điều đáng tiếc!

 

3. Ngũ Phong là tên dãy núi gồm 5 hòn xếp thành một bình phong nằm phía trái núi Thiên Thai và phía Nam núi Ngự Bình.

 

4. “Ngọa vân khốt” (còn có âm là “Quật”), là tên do Hòa thượng đặt cho cái hiên nhà tọa lạc sau chính điện, nơi hằng ngày Hòa thượng giảng dạy kinh luật cho đệ tử. Ở đây có tấm bảng bằng gỗ trầm hương khắc ba chữ “Ngọa Vân Khốt”. Chữ do quan Thượng thư Đỗ Phú Túc viết và bàn tay khéo léo của quan Tham tá Các vụ Tiến sĩ Nguyễn Cao Tiêu khắc vào năm Đinh Mão, 1927. Chữ “Ngọa vân”chỉ cho các bậc Cao tăng như bóng mây. Khi các ngài đi gọi là “vân du”, khi nghỉ ngơi thì gọi như thế. Sự kiện các quan Đại thần viết và khắc tấm biển này càng chứng tỏ đạo hạnh của Hòa thượng khai sơn đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của nhiều thành phần trong xã hội. Nhất là các danh sĩ trí thức thời bấy giờ.

 

5. Hai câu thơ trên, ý nghĩa sâu xa, có phần khó hiểu, nên xin ghi phần giải thích: “Ta vốn không muốn đem thân nương náu chỗ vắng vẻ không người, nhưng phải làm thế, vì sợ ở giữa chỗ đông người, cái tiếng tăm hờ, giả tạo của ta sẽ bị đời thi nhau to nhỏ bình luận”. Chủ ý của Tiến sĩ Nguyễn Cao Tiêu là muốn nói rằng Hòa thượng Viên Thành muốn vươn thoát ra ngoài hệ lụy phiền phức của đời nên mới chọn Tra Am để ở. (Chú của Nguyễn Văn Thoa).

 

6. “Lược ước kiều”, cầu Lược ước. Cổ thi có câu: “Lược ước hoành thu thủy” (nước thu, cầu nhỏ bắc ngang dòng) và trong thơ của Lục Du cũng có câu: “Tiên tiên nhất cừ thủy, Vãng lai nhất lược ước!”(Bên bờ nước chảy trong ve; qua về trên chiếc cầu treo hững hờ”. Có lẽ, Hòa thượng đã lấy ý trong hai câu thơ trên mà đặt tên cho chiếc cầu này. Thật là thi vị!

 

7. “Tẩy bát lưu” nghĩa là dòng khe để rửa bình bát.

 

8. “Tẩy bát thủy” nghĩa là nước để rửa bình bát.

 

9. Trong cuốn “Tuyển dịch văn bia chùa Huế” của Lê Nguyễn Lưu, xuất bản năm 2005, tại Huế, ghi “ngày 16.11.1928”. Chắc là nhầm, vì ngày này chỉ khớp với ngày mồng 5 tháng 10 năm Mậu Thìn.

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay