Phóng Sinh
Không Quán
Hôm nay là ngày thứ ba, 10 tháng sáu 2008, cả thành phố Montréal của nơi Long ở chìm trong cơn bão. Mây đen thổi ngập trời vần vũ. Sấm chớp lòe trời và cơn mưa trút xuống từng mảng nước, sau đó ngưng phắt lại và chỉ vài giờ sau lại trút từng cơn mưa vũ bão khác. Gió thổi dữ dội và gào thét. Cả thành phố chìm trong sự sợ hãi của cơn bão với sức thổi của gió lên hơn 120 cây số giờ. Lúc ấy, Long đang đi làm trên sở. Vào lúc một giờ trưa thì thành phố bị mất điện và sau đó tin tức báo cho biết cơn bão đã làm lật úp các xe vận tải lớn và làm tê liệt các trục lộ giao thông, vật ngã rất nhiều trụ điện, cho nên cả khu của chàng ở đều bị mất điện.
Buổi chiều khi Long về đến nhà thì khu của chàng ở vẫn bị mất điện. Đang loay hoay chưa biết làm gì để sửa soạn cho bữa tối thì thầy Geshe-la (1) từ chùa điện thoại đến để nhắn chàng lên chùa giúp làm các công việc sửa soạn cho lễ Phật đản cuối tuần này. Chàng nhân dịp hỏi thầy là chùa có bị mất điện không thì may quá, Geshe-la cho biết là tuy bị mất điện, nhưng chỉ hai tiếng sau đã có trở lại. Chàng thưa với thầy là nhà con vẫn bị mất điện và thầy bảo chàng lên chùa dùng bữa chay để rồi sau đó phụ làm giúp chùa. Chàng vui vẻ nhận lời.
Long hành trì Mật tông từ lâu với chùa Tây Tạng, ngôi chùa mà chàng giúp sư trưởng xây cất hoàn thành từ gần mười năm nay. Tháng này là tháng tư của âm lịch Tây Tạng (khác khoảng một tháng so với âm lịch của Việt Nam), và cũng là tháng mừng ba lễ lớn trong truyền thống Mật tông Tây Tạng. Đó là lễ mừng Phật đản, lễ mừng Phật thành đạo và lễ tưởng nhớ đức Phật bát Niết-bàn (2). Do đó cả chùa ráo riết hành trì trong tháng này. Cuối tuần vừa qua cả chùa đã nhập thất trong ba ngày và bây giờ sửa soạn đại lễ Phật đản trong cuối tuần sắp tới này vì theo lời dạy của chư thầy tổ, mọi công đức hành trì trong tháng sẽ được nhân lên 100.000 lần so với những ngày thường trong năm và trong nguyên tháng, tất cả Phật tử sẽ ăn chay trọn tháng.
Trong tháng Phật đản, Phật tử thường làm theo một truyền thống rất đẹp để thể hiện lòng từ bi. Đó là lễ phóng sinh. Chư tăng dạy hành lễ này không những để thể hiện lòng từ bi mà còn tạo cơ duyên để cho đời sau đạt được thân người mạnh khỏe không bệnh tật để có thể tu đạo. Mọi năm, Long cũng thường tham dự vào lễ phóng sinh nhằm ngày Phật đản. Trong chùa cử một đạo hữu đi mua những hộp giun thường bán trong các trạm xăng cho những người ham thích câu cá và mang về chùa để các bạn cùng chia nhau ra mang đi chôn trong những khoảnh đất xốp gần bờ sông, vừa phóng sinh vừa trì chú. Hoặc là có khi đi mua cá tươi còn sống trong các tiệm mang về thả sông. Chàng cũng tham dự. Nhưng đôi khi Long vẫn thấy là hiện tượng đi mua giun trong tiệm phóng sinh, tuy đẹp, nhưng nó mang một cái hành động "hữu ý", "hữu tâm" để cốt ý tạo công đức và do đó, tâm thức còn có sự mong cầu công đức. Chàng vẫn thích cái gì tự nhiên, không mong cầu, "vô tâm" và thoát ra khỏi cái sự "hữu tâm" hay "hữu ý" trong những hành động của mình.
Dĩ nhiên, trong đời sống đâu phải dễ dàng mà tạo được một sự phóng sinh "vô tâm". Sống trong thành phố, đâu có dịp để gặp được một chúng sinh hữu tình đang bị giết hại một cách tự nhiên để mình có cơ hội hành trì pháp phóng sinh một cách tự nhiên trong thiên nhiên của đất trời. Do đó, mà Long vẫn tham dự vào các lễ phóng sinh có sắp đặt của chùa tổ chức. Nhưng chàng vẫn nghĩ rằng phóng sinh hay nhất là phải tự nhiên không có tính toán và hoàn toàn không có sắp đặt trước.
Ở những nơi như Việt Nam, chàng còn nghe nói là có những người lợi dụng truyền thống tốt đẹp đó để bán chim trước cửa chùa cho thiện nam tín nữ mua phóng sinh, nhưng thực ra đã bắt những con chim đó, tập cho nó ăn những thứ thuốc nghiện và huấn luyện cho nó quay trở về với chủ nhân để có thể tiếp tục bán cho Phật tử đi đến chùa dự lễ Phật đản. Còn tại một số các chùa, có nhiều Phật tử vì ham thích tạo công đức quá cho nên tổ chức mua những lồng chim thật lớn để phóng sinh, trong đó nhét chật lèn những con chim bồ câu hay chim sẻ (vì khi làm lễ phóng sinh thì mọi người ai cũng muốn có phần). Do đó, khi thả những con chim ấy ra thì vì bị nhốt lâu quá và chật ních, cho nên có con đã ngoắc ngoải gần chết, có con thì còn sống nhưng bay đi không nổi nữa, đi lềnh khênh giữa đường xá và xe chạy qua đè chết... Cảnh tượng làm cho chàng chán ngán và chỉ thấy thương tâm hơn...
“Chàng lại càng nghĩ đến lời Phật dạy về hạnh tùy hỷ, đâu cần phải tự tay thả chim! Chỉ cần phóng tâm tùy hỷ công đức, là mình cũng đã tạo công đức y như người làm hành động công đức ấy mà thôi... Khỏe ru, nhìn mọi người thả chim mà tủm tỉm cười tùy hỷ, thế có phải sướng hơn không! Cho nên làm bất cứ cái gì mà "hữu tâm" thì đều có thể bị những tác dụng phiền não phụ đi kèm theo đằng sau.”
Giúp thầy làm xong những việc khó nhọc thì đã 10 giờ tối, chàng chào thầy đi về nhà nghỉ ngơi để còn đi làm sáng sớm hôm sau. Đêm hôm đó, chàng ngủ trong giấc ngủ chập chờn vì cơn bão vẫn còn trút những cơn mưa đêm từng chập. Nửa đêm chàng phải trở dậy để đi đóng các cửa sổ vì sợ mưa hắt ướt cả vào nhà.
Sáng hôm sau thức dậy sớm hành trì và tụng chú xong, chàng thay quần áo đi làm. Trời hãy còn sớm. Cơn mưa đêm đã ngừng hẳn. Bước chân ra ngoài, chàng thấy bầu trời xanh lơ và ánh mặt trời chiếu rạng ngàn tia sáng tưng bừng. Cơn bão đã qua đi rồi nhưng nhà chàng vẫn chưa có điện. Chặc lưỡi lắc đầu, chàng đi bộ ra trạm xe buýt để chờ chuyến xe đưa lên sở làm. Vừa đi, Long vừa trì tụng bài kinh quen thuộc đến nằm lòng. Nhờ thói quen hành trì và trì tụng, tâm thức chàng thường nhanh chóng nhập vào cảnh giới của lời kinh và chú, ít bị vọng động bởi các trần cảnh bên ngoài. Nhưng chàng vẫn nhìn thấy các vũng nước mưa còn đọng lại trên lề đường sau đêm bão bùng mưa gió, mặt đất bên lề đường sũng mềm nước và trên đầu các ngọn cỏ vẫn còn đọng các giọt mưa...
Chàng bước chân đều đặn đi ngang qua ngôi trường học. Chỉ cần đi qua hết cái sân cỏ mênh mông phía trước ngôi trường là chàng sẽ đến bên trạm xe buýt quen thuộc. Tâm trí vẫn hoàn toàn chú vào lời kinh theo từng nhịp bước, mắt chàng lim dim không để ý đến cảnh vật lắm, nhưng vẫn liếc sơ trên đường đi của lề đường. Bất chợt, có một bóng chim vụt lên trước mặt, Long mở mắt nhìn thì hóa ra có một con chim mỏ vàng như con sáo đã bay về phía trước tránh bước chân của chàng. Hình như có cái gì vừa rơi xuống. Chàng vẫn không ngừng bước đi ngang qua, nhưng hơi lạ nên chàng ngoái đầu lại...
À ra thế, một con giun nằm trên lề đường đằng sau chàng đang quằn quại lê lết cố bò vào bên trong bờ cỏ, nhưng cũng còn một khoảng cách cũng hơi xa xa. Con chim vừa mới làm rơi miếng mồi giun bắt được ở đâu đó khi vội vàng bay vụt lên để tránh bước chân chàng vô tình đi về hướng trạm xe buýt. Dường như bóng chim vẫn còn đâu đây chỉ chờ chàng bước đi hẳn để quay lại tìm chú giun đang quằn quại lê lết trên lề đường xi măng, đằng sau con giun là vệt nước nhơn nhớt. Là của giun hay là nước dãi của chim? Chàng cũng không rõ…
Không lưu tâm lắm, chàng dợm bước định tiếp tục đi và quay tâm thức chú ý lại vào bài kinh. Hốt nhiên, tâm chàng động chuyển qua hình ảnh chú giun đang quằn quại. Chàng bèn quay hẳn người lại và nhìn kỹ. Quả thế, chú giun đang cố sức lẩn trốn cho nhanh vào bờ cỏ trước khi chàng bỏ đi hẳn. Còn chim sáo chỉ chờ có thế để quay lại với bữa ăn điểm tâm ngon lành của buổi sáng đẹp trời. Long thầm nghĩ "… trời đất cũng có đức hiếu sinh...", chàng quay lại hẳn và ngồi xuống, nhặt hai cành cây gãy bên lề đường và rất nhẹ nhàng xúc con giun bỏ sang bên lên trên bờ cỏ, rồi định dợm bước chân đi.
Tâm thức lại chuyển động lần nữa, dường như có cái gì chưa ổn, vì chú giun còn đang tìm cách lẩn qua cỏ mà chui xuống vùng đất còn xốp mềm sau cơn mưa đêm qua. Chú giun còn tênh hênh quá.... Ơ hay, thế thì vẫn chưa ổn. Chàng đi tìm hẳn một khúc cây đầy lá xanh mà trận bão làm gãy rơi xuống gần đó, đặt lên và che hẳn chú giun với thân gỗ và cành lá xum xuê... Thế này thì chắc ăn rồi nhé... Chú giun cứ từ từ mà lẩn xuống đất...
Khoan khoái, Long đứng dậy bỏ đi về hướng trạm xe buýt và tiếp tục hướng tâm cầu nguyện. Trên cành cây, hình như có tiếng chim kêu ríu rít, chàng chợt suy nghĩ tiếp. Con chim dường như đang phản đối là chàng đã cướp miếng ăn điểm tâm buổi sáng của nó. Chàng giật mình, nhớ lại câu chuyện đức Phật Thích-ca thời còn tại thế đã từng cắt bắp vế để đền cho con chim bù cắt đến đòi đức Phật trả lại con chim sẻ trốn sau lưng ngài khi bù cắt bắt được. Long lại quay lại thêm lần nữa và mở cặp của mình ra lấy một phần thức ăn trưa rắc vụn trên lề đường nơi con chim đã làm rớt chú giun xuống...
Thanh thản bước đi về hướng trạm xe buýt, chàng hoan hỷ tiếp tục cầu nguyện cho hết phần hành trì buổi sáng. Một ngày thật đẹp trời và nhất là một ngày không uổng phí đã bắt đầu...
Chàng mỉm cười nghĩ thầm, xin cầu nguyện hồi hướng cho chú chim sáo, không ăn thịt con giun, chuyển sang ăn bữa điểm tâm bằng món đồ ăn chay của chàng rắc xuống lề đường mà phát sinh đầy đủ công đức để đời sau thoát khỏi cõi súc sinh, tái sinh lên cảnh giới cao hơn của cõi người hay cõi chư thiên hành trì đạo pháp...
Mùa Phật đản 2008
12 June 2008.
Chú thích:
(1) Geshe-la: tiếng Tây Tạng dùng để cung kính xưng hô với một vị tỳ-kheo đã đậu bằng Geshe trong các Tu viện đại học Mật tông, tương đương với trình độ tiến sĩ của đại học Âu Mỹ.
(2) Tạng ngữ gọi là Saga Dawa.
|