GIỚI THIỆU -
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH KIM CANG TAM MUỘI
Thích Thái Hòa
-Tông yếu:
Theo Sa môn Nguyên Hiểu, Tông yếu của kinh nầy có hai loại gồm là hợp và khai.
Đối với hợp, kinh nầy lấy Nhất vị làm chủ yếu để thực hành thiền
quán, nên Nhất vị quán hạnh là tông của kinh nầy.
Đối với khai, kinh lấy Thập trùng pháp môn làm tông. Trong Thập trùng pháp môn ấy, mỗi pháp môn đều bao gồm cả chín pháp môn còn lại. Vì vậy, mười mà một; một mà mười. Một không ra ngoài mười, mười không ra ngoài một. Nghĩa là mười trùng pháp môn không ra ngoài nhất quán hạnh, vì trong nhất quán hạnh có chín hạnh quán kia. Vì vậy, Nguyên Hiểu giải thích, Tông yếu của kinh nầy, khai không thêm một, hợp không giảm mười, nên “bất tăng bất giảm” là tông yếu của kinh nầy vậy. (Đại chính 34, tr 0961a22).
Trong Kim cang tam muội kinh tự, được giữ lại ở trong Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông (1218 – 1277), đã viết Tông yếu của kinh nầy như sau: “Trẫm nghe, bản tánh ngưng huyền, chân tâm trong lặng, tròn khuyết đều dứt, không phải trí của tánh lấy đâu xét tỏ ngọn nguồn, hợp tan dứt bặt, chỗ mắt tai đâu thể dự phần ảnh hưởng. Có, không xóa sạch, đạo tục san bằng. Ngang nhiên một mình tồn tại, nghiễm nhiên siêu việt không ngoài. Đó là dòng tông yếu của tự tánh kim cang vậy” (Khóa Hư Lục, Việt Nam Phật Điển Tùng San, 1942).
Theo Viên Trừng – Trạm Nhiên (1561 – 1626), kinh nầy lấy “chân không thực tướng” làm tông. (Tục Tạng Kinh 35, tr 0217a). Và theo Nhân Sơn – Tịch Chấn, đời Thanh (1644 – 1912), kinh nầy lấy bản giác và thỉ giác làm tông. Thực tướng vô tướng làm thể. Tông thông và Thuyết làm dụng. Dụng và thể bày phơi hỗ trợ nhau. ( Kim cang tam muội kinh thông tông ký,Tục Tạng Kinh 35, tr 257c13).
- Giáo Học:
Trong cuộc đời hoằng pháp, Đức Phật luôn luôn căn cứ vào Tứ tất đàn để thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, đúng lý, đúng cơ và đúng thời, để giúp chúng sanh chuyển hóa khổ đau, sống đời giải thoát; chuyển hóa mê lầm sống đời giác ngộ, đúng với nghĩa lý rốt ráo của Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Tứ tất đàn gồm: - Thế giới tất đàn. – Các các vị nhân tất đàn. – Đối trị tất đàn. – Đệ nhất nghĩa tất đàn.
- Thế giới tất đàn: Đức Phật thành tựu đối với thế giới là do Ngài tùy thuận theo các pháp thế gian để giảng dạy giáo pháp do tự thân Ngài chứng ngộ. Chẳng hạn, thế gian là vô thường, thì Ngài nói là vô thường và Ngài đã sử dụng những ngôn ngữ của thế gian để diễn tả về tính chất vô thường ấy, đối với các pháp thuộc về thế gian như năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, khổ đế, tập đế,… Và chính nơi những pháp thế gian ấy, Đức Phật lại chỉ rõ nhân duyên sinh khởi của chúng và bản thể không sinh diệt của chúng, khiến cho những người trong thế gian, khi nghe Phật pháp liền sinh khởi được chánh kiến, chánh trí và sinh ra hỷ lạc giải thoát.
Như vậy, hoằng pháp bằng phương pháp Thế giới tất đàn, Đức Phật thuyết pháp không phải chỉ đúng cơ, đúng thời mà còn đúng lý, đem lại niềm vui chính đáng và hướng thượng cho thế gian nữa. Vì vậy, Thế giới tất đàn còn gọi là Lạc dục tất đàn.
-Vị nhân tất đàn hay còn gọi là Các các vị nhân tất đàn: Đức Phật thuyết pháp, giáo hóa thành tựu là do Ngài trình bày pháp một cách thực tiễn và có thể ứng dụng đối với từng căn cơ, trình độ và hoàn cảnh của mọi người. Đối với căn cơ của người nghe như thế nào, thì Ngài trình bày pháp như thế ấy, để cho người nghe có thể phát khởi niềm tin đối với chánh pháp và thực hành theo pháp, khiến cho họ khởi sanh được chánh kiến, chánh trí và sinh ra hỷ lạc.
Như vậy, hoằng pháp bằng phương pháp Vị nhân tất đàn, Đức Phật thuyết pháp không phải chỉ đúng cơ, đúng thời mà còn đúng lý, có khả năng phát khởi và nuôi lớn thiện căn nơi người nghe, khiến cho họ có thể tu tập tiến tới thành tựu các thiện pháp tối hậu nữa. Vì vậy, Vị nhân tất đàn còn gọi là Sanh thiện tất đàn.
- Đối trị tất đàn: Đối trị tất đàn có nghĩa là chuyển hóa thành tựu. Pháp Đức Phật dạy, nhằm nhắm tới chuyển hóa những phiền não nơi tâm chúng sanh. Những chúng sanh sống nặng về tham dục, thì Ngài dạy quán chiếu về sự bất tịnh của các dục, hay là những nguy hiểm do các dục đem lại, hoặc Ngài dạy về những tính chất hư ảo của các dục,… khiến cho người kia hiểu rõ tác nhân và khổ quả của nó, nhằm hướng tới đời sống ly dục tịch tịnh của Niết bàn. Nếu đối với những chúng sanh tâm đầy sân hận, thì Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe về những tai hại do lòng sân hận đem lại, hoặc lợi ích do tâm không sân hận đem lại và hướng dẫn cho họ thực hành quán chiếu từ bi. Hoặc có những chúng sanh tâm nặng về si mê, tà kiến, thì Đức Phật dạy cho họ giáo lý duyên khởi và thực tập quán chiếu sâu sắc đối với giáo lý ấy, khiến họ đoạn trừ tâm ngu si, nhằm sinh khởi chánh kiến và chánh trí,… Nghĩa là căn cơ của chúng sanh có nhiều loại phiền não trói buộc, thì Đức Phật sẽ vì họ mà trình bày nhiều phương pháp đối trị và chuyển hóa, khiến cho họ sinh khởi đời sống của chánh trí và chánh giải thoát.
Như vậy, hoằng pháp bằng phương pháp Đối trị tất đàn, Đức Phật đã tùy theo căn cơ của từng người, của từng loại chúng sanh, từng cấp độ tu tập, để dạy cho họ những phương pháp đối trị và chuyển hóa phiền não thô hoặc tế, nhằm đạt tới lý chân thực, nên pháp được Đức Phật dạy có nội dung Đối trị tất đàn, không những chỉ có khế cơ, khế thời mà còn cả khế lý nữa. Nhờ ở trong Đối trị tất đàn, Đức Phật dạy pháp chuyển tải đầy đủ cả ba mặt như vậy, khiến cho người biết tu tập có khả năng đoạn trừ được các lậu hoặc ở trong sanh tử, nên Đối trị tất đàn cũng còn gọi là Đoạn ác tất đàn.
- Đệ nhất nghĩa tất đàn: Nghĩa là sự thành tựu tuyết đối. Đức Phật thuyết pháp bằng Thế giới tất đàn, Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn với mục tiêu cuối cùng là để hiển thị Đệ nhất nghĩa tất đàn. Nghĩa là hiển thị chân lý tuyệt đối mà Ngài muốn giảng dạy cho chúng sanh. Chân lý tuyệt đối mà Đức Phật muốn giảng dạy cho chúng sanh là gì? Đó là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có khả nay thành Phật. Muốn thành Phật, thì phải chứng nhập Phật tánh. Muốn chứng nhập Phật tánh, thì phải từ nơi tâm bồ đề hay từ bản giác mà phát khởi đại nguyện lợi hành, giáo hóa hết thảy chúng sanh bằng những hạnh vô tướng,… khiến cho tất cả chúng sanh đều nhập vào lý tánh tuyệt đối. Nên, Đệ nhất nghĩa tất đàn còn gọi là Nhập lý tất đàn.
Đối với Tứ tất đàn nầy, Ngài Long Thọ nói: “Trong Tứ tất đàn đã thâu nhiếp hết thảy mười hai thể loại của kinh và tám vạn bốn ngàn pháp tạng đều là thực, mà hoàn toàn không có gì mâu thuẫn nhau. Trong phật pháp hết thảy đều là thực. Có pháp thực, vì theo nghĩa của Thế giới tất đàn; có pháp thực, vì theo nghĩa của Các các vị nhân tất đàn; có pháp thực, vì theo nghĩa của Đối trị tất đàn và có pháp thực, vì theo nghĩa của Đệ nhất nghĩa tất đàn (Duyên Khởi Luận - Đại Trí Độ Luận 1, Đại chính 25, tr ?).
Như vậy, mỗi thời Đức Phật thuyết pháp, thì ngay trong pháp được thuyết bởi Ngài đều chuyển tải đủ cả Tứ tất đàn. Ba tất đàn trước là phương tiện và tất đàn sau cùng là cứu cánh. Cứu cánh không rời phương tiện, cứu cánh có mặt ngay nơi những phương tiện mà Đức Phật đang sử dụng để thuyết pháp. Nghĩa là trong khi Đức Phật thuyết pháp, Ngài đang sử dụng những phương tiện của thế gian để ngôn thuyết, và sử dụng những pháp đang hiện hữu ở trong thế gian để chỉ bày, thì những phương tiện ấy, không phải là những phương tiện đơn thuần mà những phương tiện có nội dung và có tác dụng hiển thị lý tính, tức là hiển thị Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Đặc biệt ở trong giáo học kinh Kim cang tam muội nầy, mỗi phần pháp thoại ngắn của Đức Phật dạy cho thính chúng hay cho người hỏi, đều hàm chứa đầy đủ phương pháp thuyết giáo theo Tứ tất đàn nầy. Và đặc biệt hơn nữa, là ngay nơi Thế giới tất đàn, Ngài hiển thị ngay Đệ nhất nghĩa tất đàn; ngay nơi Vị nhân tất đàn, Ngài hiển thị ngay Đệ nhất nghĩa tất đàn; ngay nơi Đối trị tất đàn, Ngài hiển thị ngay Đệ nhất nghĩa tất đàn và ngay nơi Đệ nhất nghĩa tất đàn, Ngài lại hiển thị ngay nghĩa rốt ráo tột cùng của pháp thoại.
Chẳng hạn, ở phẩm Vô tướng pháp của kinh nầy, Bồ tát Giải thoát đã hỏi Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả chúng sanh, nếu cho rằng có tướng của ngã, có tướng của tâm, thì sử dụng pháp gì để giác ngộ cho họ, khiến cho họ ra khỏi những sự trói buộc ấy?”.
Đức Phật dạy: “Nầy thiện nam tử! Nếu có người nào cho rằng có ngã, thì hãy hướng dẫn cho họ quán chiếu mười nhân duyên. Mười nhân duyên vốn từ nơi nhân quả. Từ những chủng tử vận hành nơi tâm mà nhân quả được hưng khởi. Tâm còn không có thực, nữa là thân.
Nếu có người nào chấp hữu ngã, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi kiến chấp hữu. Nếu có người nào chấp vô ngã, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi kiến chấp vô. Nếu có người nào chấp tâm sanh, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi tự tánh tịch diệt. Nếu có người nào chấp sự tịch diệt của tâm, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi bản tánh sanh. Vắng lặng là thấy tánh, chính đó là hội nhập thực tế. Vì sao? Vì sanh vốn không diệt; vì diệt vốn không sanh. Không diệt, không sanh; không sanh, không diệt, hết thảy pháp cũng đều như vậy” (Đại chính 9, tr 366b23).
Trong bài pháp thoại nầy, Đức Phật dạy: “Nếu có người nào cho rằng có ngã, thì hãy hướng dẫn cho họ quán chiếu mười nhân duyên”. Phần pháp thoại nầy, Đức Phật dạy chứa đựng gồm: Vị nhân tất đàn và đối trị tất đàn.
Ngài lại dạy tiếp: “Mười nhân duyên vốn từ nơi nhân quả. Từ những chủng tử vận hành nơi tâm mà nhân quả được hưng khởi”. Phần pháp thoại nầy, Đức Phật đã hiển thị lý tính của các pháp duyên khởi nhân quả thuộc Thế giới tất đàn. Và chuyển Thế giới tất đàn, Vị nhân tất đàn và Đối trị tất đàn thành Đệ nhất nghĩa tất đàn, nên Ngài lại dạy tiếp: “Tâm còn không có thực, huống nữa là thân”. Đây là phần, Đức Phật chuyển Thế giới tất đàn, Vị nhân tất đàn và Đối trị tất đàn thành Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Và phần pháp thoại tiếp theo, Đức Phật dạy, cho Bồ tát Giải thoát rằng: “Nếu có người nào chấp hữu ngã, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi kiến chấp hữu. Nếu có người nào chấp vô ngã, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi kiến chấp vô. Nếu có người chấp tâm sanh, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi tự tánh tịch diệt. Nếu có người nào chấp sự tịch diệt của tâm, thì hướng dẫn cho họ vắng lặng ngay nơi bản tánh sanh. Vắng lặng là thấy tánh, chính đó là hội nhập thực tế…”.
Qua phần pháp thoại nầy, ta thấy rằng, Đức Phật đã hiển thị Đệ nhất nghĩa tất đàn, ngay nơi Thế giới tất đàn, ngay nơi Vị nhân tất đàn và ngay nơi Đối trị tất đàn. Chính đây là một trong những điểm đặc biệt của giáo học kinh nầy.
Tông Thiên Thai của Phật giáo Trung Hoa ở thế kỷ thứ sáu, đã chia giáo pháp Đức Phật thành bốn giáo gồm: Tạng giáo, chỉ cho giáo lý Nguyến thủy hay Tiểu thừa; Thông giáo là giáo lý bao gồm cả Tiểu thừa và Đại thừa; Biệt giáo là giáo lý thuần Đại thừa và Viên giáo là giáo lý rốt ráo viên mãn mà bản hoài Đức Phật muốn giảng dạy sau cùng.
Tông nầy đã phối hợp rằng, Tứ thánh đế được Đức Phật trình bày ở trong Tạng giáo là Sanh diệt Tứ đế, và nó thuộc về Thế giới tất đàn. Tứ thánh đế được Đức Phật trình bày ở trong Thông giáo là Vô sanh Tứ đế, nó thuộc về Vị nhân tất đàn. Tứ thánh đế được Đức Phật trình bày ở trong Biệt giáo là Vô lượng tứ đế, nó thuộc về Đối trị tất đàn. Tứ thánh đế Đức Phật trình bày ở trong Viên giáo là Vô tác tứ đế, nó thuộc về Đệ nhất nghĩa tất đàn (Tham khảo Phật Quang Đại Từ Điển 2, 1758bc, 1759a).
Tông Thiên Thai đã phân định giáo pháp của Đức Phật thành bốn loại Tạng, Thông, Biệt, Viên; đã phân Tứ thánh đế thành bốn loại gồm: Sanh diệt tứ đế; Vô sanh tứ đế; Vô lượng tứ đế; Vô tác tứ đế và phối hợp với bốn loại tất đàn như vậy, chỉ có tính cách giáo khoa, chú giải hơn là sự thể nghiệm giáo lý tương tức mà đức Phật đã dạy ở các kinh Bát nhã, Hoa nghiêm và ngay ở trong giáo học của kinh Kim cang tam muội nầy.
Ngài Hiền Thủ (643 – 712), Tổ thứ 3, Tông Hoa Nghiêm của Phật giáo Trung Hoa cũng đã có phán định giáo pháp Đức Phật thành năm giáo gồm: 1- Tiểu thừa giáo, giáo lý Phật giảng dạy cho những vị có căn khí Tiểu thừa. 2- Đại thừa Thỉ giáo, còn gọi là Quyền giáo, giáo lý Phật giảng dạy cho những vị mới phát tâm Đại thừa. 3- Đại thừa Chung giáo, còn gọi là Thực giáo, giáo pháp Phật giảng dạy cho những vị phát tâm Đại thừa chân thực. 4- Đốn giáo, giáo pháp Phật dạy thẳng cho những vị có căn khí Đại thừa không cần phải trải qua thứ lớp. 5- Viên giáo, là giáo pháp Phật dạy rốt ráo viên mãn Phật địa (Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương 1. Phật Quang Đại Từ Điển 2, tr 1146a).
Ngài Khuê Phong - Tông Mật (780 – 841), Tổ thứ 5 của Hoa Nghiêm Tông, cũng phân giáo pháp Phật dạy thành năm giáo gồm: 1- Nhân thiên giáo, giáo lý Phật dạy về nhân quả nghiệp báo thiện ác ba đời cho những vị tu tập Tứ thiền, Bát định.. 2- Tiểu thừa giáo, giáo lý Phật dạy về lý ngã - không, để thực tập trí quán vô ngã, đoạn trừ các nghiệp liên hệ đến các loại căn bản phiền não như tham, sân, si…, chứng đắc ngã không - chân như. 3- Đại thừa Pháp tướng giáo, tương đương với Thỉ giáo, là giáo lý Phật dạy về lý sở biến của Duy thức. Tu tập các pháp Duy thức quán, Lục độ, Tứ nhiếp để nhiếp phục, đoạn trừ hai loại chướng ngại do phiền não và sở tri, chứng nhị không - chân như. 4- Đại thừa Phá tướng giáo, tương đương với Không ở Thỉ giáo. Phật dạy về lý của hết thảy pháp đều rỗng lặng, nhằm quán chiếu lý vô nghiệp, vô báo, vô tu, vô chứng, để phá trừ các chấp cho rằng, các pháp là có tướng nhất định. 5- Nhất thừa hiển tánh giáo, pháp Phật dạy dựa vào sự ẩn mật của phương tiện để chỉ thẳng tự tâm, tức là chân tính của bản giác, xa lìa các chấp trước vọng tưởng, thấy được trí tuệ rộng lớn của Như lai ngay ở trong tự thân (Hoa Nghiêm Nguyên Nhân luận, quyển trung, Phật Quang Đại Từ Điển 2, tr 1146ab).
Với sự phán giáo của các Tổ sư Tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm như vậy, đã có ảnh hưởng nhất định trong việc phân loại giáo pháp của Phật, của phần nhiều các nhà chú giải Phật kinh về sau.
Vì vậy, Sa môn Tịch Chấn cho rằng, kinh nầy thuộc giáo lý Nhất thừa Viên Đốn và là Tông chỉ chân thực của chư Phật ( Tục Tạng 35, tr 254a3).
Lại nữa, trong phần Huyền Đàm, Sa môn Tịch Chấn còn nói: “Xét rằng, giải thích kinh giáo của Tông Thiên Thai, diễn giải huyền nghĩa theo năm lớp. Nghĩa do danh mà hiển thể, do thể mà minh tông, dựa vào tông mà biện dụng, sau đó mới phát minh giáo tướng. Hiền Thủ sớ giải kinh Hoa Nghiêm, trước hết mở bày phân biệt mười môn. Những điều nầy là yếu chỉ của hai nhà lập giáo. Nay, kinh Kim cang tam muội, nhiếp đủ nghĩa uyên áo của năm địa vị tu chứng sau, ở trong mười địa vị Bồ tát của kinh Hoa Nghiêm. Nên, sẽ theo cách phân biệt mười môn, để làm phân diễn tóm lược”. (Huyền Đàm, Kim cang tam muội kinh thông tông ký 1, tr 255b1).
Và vì vậy, trong Kim cang tam muội kinh tự, Vua Trần Thái Tông nói: “Từ đời Hán bắt đầu, mở rộng tới nay: Thiên, Viên, Bán, Mãn, Nhất, không thiếu trong hòm ngọc; Đốn, Tiệm, Thực, Quyền, Vạn, có thừa trong rương báu. Kinh Kim cang tam muội, há không phải là loại giáo học Viên, Mãn, Đốn, Thực đó sao?”. (Khóa Hư Lục, Việt Nam Phật Điển Tùng San, 1941).
Như vậy, theo Vua Trần Thái Tông, giáo học trong kinh Kim cang tam muội, bao hàm đủ các giáo học, như các Tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm đã phân loại, chứ không phải chỉ có một giáo loại.
Nghiên cứu kinh Kim cang tam muội, ta thấy giáo học của kinh nầy là rút ra từ tinh hoa của các kinh, và xuyên suốt các tinh hoa ấy thành Nhất thừa, Nhất giác, Nhất vị, Nhất nhân, Nhất quả, Nhất tâm, Nhất cảnh, Nhất quán, Nhất hạnh, Nhất tướng, Nhất tánh, Nhất thể, Nhất dụng, Nhất trí, Nhất lý,…
Vì vậy, giáo học kinh Kim cang tam muội bao gồm hết thảy các giáo học. Nên, Vua Trần Thái Tông nói: “Kinh Kim cang tam muội, há không phải là giáo lý Viên, Mãn, Đốn, Thực đó sao?”.
Tuy nhiên, dù các Ngài lập giáo có phân chia giáo pháp Đức Phật thành Tạng, Thông, Biệt, Viên hay Thỉ, Chung, Viên, Đốn, hoặc Tiểu thừa, Đại thừa, Quyền giáo, Thực giáo,… thì tất cả cũng đều mang một ý rất tương đối.
Tương đối là bởi vì tướng của ngôn ngữ không phải là lý tánh của thực tại. Thực tại là vô hạn, không có ngằn mé, trong lúc ngôn ngữ của thế gian, bị giới hạn trong những ngôn âm, ngữ pháp và phương sở, nên nó vừa đủ để diễn tả những gì mang ý nghĩa quy ước của thế gian, chứ không đủ khả năng để diễn tả thực tại vô hạn, đúng như ở kinh nầy, Tôn giả Xá lợi phất đã thưa hỏi Đức Phật rằng: “Tướng của ngôn ngữ, văn tự, chính nó không phải là nghĩa. Nghĩa đúng như thực, thì không thể giảng nói. Nay, việc thuyết pháp của Như lai là thế nào?”
Đức Phật dạy: “Ta thuyết pháp là vì do Tôn giả và chúng sanh ở trong sanh tử mà thuyết. Thuyết pháp mà không thể thuyết, đó mới gọi là thuyết pháp. Ý nghĩa và lời nói được ta thuyết không phải là văn. Ngôn ngữ và văn tự của chúng sanh nói không phải là nghĩa. Ngôn ngữ không phải là nghĩa, vì nó đều là hư vô, trống rỗng. Ngôn ngữ của hư vô, trống rỗng là ngôn ngữ đều không có ở nơi nghĩa. Ngôn ngữ không có nơi nghĩa là ngôn ngữ hư dối”. (Đại chính 9, tr 271a11).
Do đó, việc phán giáo của các Ngài là do dựa vào căn cơ của người nghe, chứ không phải dựa vào giáo pháp của Phật. Giáo pháp của Phật dạy chân thực chỉ có tác dụng diệt khổ và chỉ thuần một vị là giác ngộ và giải thoát. Cũng như biển tuy lớn, nhưng nước biển chỉ thuần một vị duy nhất là mặn.
Điều nầy, ở kinh Kim cang tam muội, đức Phật đã dạy cho Trưởng giả Phạm Hạnh rằng: “Này Trưởng giả! Tất cả pháp vị, cũng giống như những dòng chảy kia, tên gọi, số lượng, tuy có khác nhau, nhưng nước của chúng thì không khác. Nếu an trú ở nơi biển lớn, thì bao quát hết thảy sông ngòi. Cũng vậy, an trú nơi đệ nhất vị là thâu nhiếp hết thảy các vị”. (Đại chính 9, tr 371c23).
Vì vậy, khi nghiên cứu hay chú giải, ta xếp loại các kinh vào giáo học nầy hoặc giáo học kia, nó chỉ có giá trị rất tương đối về mặt nghiên cứu, giáo trình, học thuật mà hoàn toàn không nằm ở trong ý nghĩa đoạn trừ phiền não, đạt ngộ hay giải thoát.
- Pháp Hành:
Nếu đọc kỹ kinh Kim cang tam muội, ta thấy kinh đã đưa ra rất nhiều pháp hành để chứng nhập giác tính. Kinh có tám phẩm và mỗi phẩm đều đưa ra nhiều pháp hành cho các hành giả.
Ở phẩm tựa, Đức Phật đã nêu lên một pháp hành tổng quát như sau: “Nếu người nào nghe kinh nầy, cho đến chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, thì người ấy sẽ đi vào địa vị trí tuệ của bậc Toàn giác, có thể sử dụng phương tiện để giáo hóa chúng sanh, vì tất cả chúng sanh mà làm vị Đại tri thức”. (Đại chính 9, tr 366a8).
Thọ trì một bài kệ bốn câu, bằng cách đọc, tụng, tư duy, quán chiếu để thâm nhập nghĩa lý sâu xa của bài kệ và trú tâm vào nơi nghĩa lý ấy, khiến cho tâm thuần nhất bất động, chứng nhập bản giác, không sinh, không diệt và từ bàn giác rỗng lặng, không sinh, không diệt ấy mà phát khởi hạnh nguyện, vận dụng vô số phương tiện thiện xảo để hóa độ chúng sanh và làm bậc Đại tri thức cho tất cả chúng sanh.
Ở phẩm Vô tướng pháp, Đức Phật dạy pháp quán vô tướng. Nghĩa là quán chiếu vô tướng của tâm để thể nhập tâm không; quán chiếu vô tướng của ngã, để thể nhập ngã không; quán chiếu vô tướng của pháp để thể nhập pháp không.
Như Đức Phật dạy: “Này Bồ tát! Tất cả tướng của tâm, xưa nay không có nguồn gốc, vốn rỗng lặng, vô sanh, không có nguồn gốc xứ sở. Nếu tâm vô sanh là rỗng lặng. Cõi tâm rỗng lặng là chứng đạt tâm không.
Này thiện nam tử! Tâm không có hình tướng. Không có hình tướng của tâm. Không có hình tướng của ngã. Hình tướng của tất cả pháp cũng đều như vậy”. (Đại chính 9, tr 366b20).
Và nếu khởi hạnh nguyện hóa độ chúng sanh, thì cũng phải quán chiếu hết thảy chúng sanh tướng đều là vô tướng, đều là tướng tịch diệt, thì mới có thể giáo hóa khiến cho những chúng sanh kia xa lìa tâm chấp ngã và pháp. Tất cả ngã và pháp xưa nay đều rỗng lặng. Như kinh Đức Phật dạy: “Này thiện nam tử! Nếu hóa độ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh để hóa độ và không có chúng sanh nào là không hóa độ, thì sự hóa độ ấy rất là lớn, khiến cho những chúng sanh ấy đều xa lìa ngã và pháp. Tất cả ngã và pháp xưa nay đều rỗng lặng”. (Đại chính 9, tr 366b14).
Như vậy, pháp hành ở phẩm nầy, Đức Phật dạy bốn pháp quán chiếu then chốt gồm: - Quán chiếu tướng của tâm là vô tướng. – Quán chiếu tướng của ngã là rỗng lặng. Quán chiếu tướng của tất cả pháp là tịch diệt. Quán chiếu tướng của hết thảy chúng sanh là vô tướng để khởi hạnh nguyện giáo hóa.
Ở Phẩm Vô sanh hành, Đức Phật dạy pháp hành vô sanh, ngay ở nơi Vô sanh pháp nhẫn. Quán chiếu để thấy rõ tánh vô sanh ở nơi pháp và phi pháp; tánh vô sanh ở nơi tâm; tánh vô sanh ở nơi tánh và tướng của tâm; tánh vô sanh ngay nơi các pháp duyên khởi; tánh vô sanh ở nơi các tâm hành; tánh vô sanh ở nơi giác tánh; tánh vô sanh ở nơi công dụng và vô công dụng; tánh vô sanh ở nơi chứng đắc và không chứng đắc; tánh vô sanh ở nơi trú và vô trú; tánh vô sanh ở nơi thiền định và trí tuệ,…Nghĩa là quán chiếu để thấy rõ bản thể của tất cả pháp hiện hữu do đối đãi hay không đối đãi, tự tánh của nó đều vốn tịch lặng, vô sanh. Vô sanh là Niết bàn. Niết bàn là sự tịch lặng ngay nơi tự tánh của vạn hữu.
Ta hãy tịch lặng nơi tâm ta, thì giác tánh thanh tịnh và vô sanh nơi tâm tự hiển lộ. Đó là pháp hành chủ yếu của phẩm nầy.
Phẩm Bản giác lợi, Đức Phật dạy pháp lợi hành từ bản giác, với những pháp hành như sau:
- Quán chiếu để thấy rõ bản giác và thỉ giác bất nhị. Nghĩa là thỉ giác là từ nơi bản giác mà hiện khởi, nên ngoài bản giác không có thỉ giác. Điều nầy, kinh đã nêu lên ví dụ, ví như người có mê muội, tay nắm tiền vàng mà không có biết, chạy khắp mười phương trải qua năm mươi năm, bần cùng khốn khổ, tìm cầu công việc để nuôi thân mà vẫn không đủ. Người cha thấy con của mình cớ sự như vậy, liền bảo rằng: “ Con nắm đồng tiền vàng, sao không sử dụng? hãy nên tùy ý sử dụng, đều sẽ được đầy đủ”.
Người con tỉnh ra, biết được mình có tiền vàng, tâm rất vui mừng, liền bảo rằng mình được tiền. Người cha liền bảo rằng: “Này con chớ có vui mừng, tiền vàng mà con đang được đó, vốn là của con, không phải do con kiếm được sao lại vui mừng?”.
Đức Phật dạy: “Tâm thức thanh tịnh cũng lại như vậy, xưa không có tướng xuất, nay không có tướng nhập. Do xưa mê mờ, chứ không phải không có; nay do giác ngộ, chứ không phải ngoài vào”. (Đại chính 9, tr 369a1).
Như vậy, thực hành pháp quán chiếu nầy là phải thấy thỉ giác là từ bản giác. Nghĩa là thỉ giác và bản giác là bất nhị.
- Quán chiếu để thấy rõ Tánh giác và Niết bàn là bất nhị: Tánh giác hay Niết bàn không phải là đối tượng sở đắc, vì sao? Vì nó Như như bất động, nó vốn hiện hữu như vậy là như vậy, không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không khứ, không lai, không đồng nhất, không dị biệt, không được, không mất,… Điều nầy, Đức Phật dạy như sau: “Tánh giác không sanh, Niết bàn cũng không sanh; Tánh giác không diệt, Niết bàn cũng không diệt, nên Niết bàn và Tánh giác không có khác nhau. Niết bàn không thể chứng đắc, không thể chứng đắc Niết bàn. Vậy, lấy gì mà an trú Niết bàn?”. (Đại chính 9, tr 368c24).
Như vậy, thực hành pháp quán chiếu nầy, để thấy rõ Tánh giác hay tánh Niết bàn nơi mỗi chúng sanh hay nơi các tình thức, nó có mặt một cách như nhiên và siêu việt.
- Quán chiếu để chuyển hóa các tình thức vào thanh tịnh thức: Như Đức Phật dạy: “Các Đấng Toàn giác thường sử dụng Nhất giác mà chuyển hóa các tình thức nhập vào thức thanh tịnh”. (Đại chính 9, tr 368b14).
Quán chiếu rằng: “Tính của các tình thức đều là rỗng lặng, vô sanh; tính của các đối tượng cũng vốn rỗng lặng, vô sanh, như vậy các tình thức lấy điều kiện nào mà sanh?”. (Đại chính 9, tr 368b19).
Vì vậy, Đức Phật dạy: “Các Thức vốn thanh tịnh, không có xứ sở, không có biến động, không có riêng biệt các duyên, tánh vốn rỗng lặng, tánh vốn không có giác. Giác chính là giác”. (Đại chính 9, tr 368c6).
Như vậy, quán chiếu sự rỗng lặng ở nơi các tình thức, để thể nhập bản giác và do thể nhập bản giác, nên các thức uẩn hoàn toàn không sanh khởi.
Thức thanh tịnh hay còn gọi là Yêm ma la thức trong pháp quán nầy, nó đồng nghĩa với bản giác, tức là bản tánh giác ngộ thanh tịnh vốn có nới tất cả chúng sanh mà các thức uẩn chỉ là những vọng niệm, hay là những khách trần bám víu bên ngoài, nó chỉ hiện hữu như huyễn, như mộng. Và, những huyễn mộng ấy chỉ có thể bị quét sạch, khi mặt trời trí tuệ từ bản giác xuất hiện.
Đó là những pháp hành chủ yếu của phẩm kinh nầy.
Phẩm nhập thực tế, Đức Phật dạy các pháp hành như sau:
- Quán ngũ không: Quán chiếu ngũ không là quán chiếu đối với năm sự rỗng lặng. Quán chiếu để thấy rõ, chúng rỗng lặng không mắc kẹt ở nơi sự rỗng lặng và sự rỗng lặng không phải là tướng rỗng lặng; quán chiếu để thấy rõ pháp là vô tướng, nhằm buông bỏ những ý niệm thủ và xả nơi tâm và nơi pháp. Năm pháp quán chiếu ấy là:
1 – Tam hữu thị không: Nghĩa là quán chiếu để thấy tự tánh của ba cõi là rỗng lặng.
2 - Lục đạo ảnh thị không: Nghĩa là quán chiếu để thấy rõ ảnh tượng của chúng sanh trong sáu đường là rỗng lặng.
3 - Pháp tướng thị không: Nghĩa là quán chiếu để thấy rõ hành tướng của các pháp đều là rỗng lặng.
4 - Danh tướng thị không: Nghĩa là quán chiếu để thấy rõ, mọi hình tướng của tên gọi đều là rỗng lặng.
5 - Tâm thức nghĩa thị không: Nghĩa là quán chiếu để thấy rõ, ý nghĩa của tâm thức là rỗng lặng.
Do quán chiếu năm sự rỗng lặng ấy mà chứng nhập ba không như sau:
1 – Không tướng diệc không: Do quán chiếu năm sự rỗng lặng mà chứng nhập được tướng rỗng lặng cũng rỗng lặng.
2 - Không không diệc không: Do quán chiếu năm sự rỗng lặng mà chứng nhập được sự rỗng lặng ở nơi rỗng lặng cũng rỗng lặng.
3 - Sở không diệc không: Do quán chiếu năm sự rỗng lặng mà chứng nhập được sự rỗng lặng ở nơi đối tượng cũng rỗng lặng.
Do quán chiếu năm sự rỗng lặng mà chứng nhập ba sự rỗng lặng nầy. Sự chứng nhập nầy, gọi là chứng nhập địa vị không thủ xả. (Tham khảo Đại chính 9, tr 369b11).
Lại nữa, ở phầm nầy, Đức Phật dạy pháp quán chân như duyên khởi như sau:
“Tất cả tướng của pháp không sanh khởi từ nơi duyên mà tướng và tánh sanh khởi từ chân như, nhưng chân như không bị động. Tánh và tướng từ nhân duyên, tướng ấy vốn không có và rỗng lặng. Duyên thì ở nơi duyên; rỗng lặng thì ở nơi rỗng lặng, không có sanh khởi theo duyên.
Tất cả pháp do duyên là do tâm mê lầm mà vọng thấy, chứ hiện thực vốn không phải sanh, vì duyên vốn không thực có. Lý của pháp chân như nơi tâm, tự thể rỗng lặng, không có xứ sở”. (Đại chính 9, tr 370a3).
Như ở phẩm nầy, Đức Phật nói: “Pháp thuộc chân như là vô tướng, rộng lớn như hư không, hàng nhị thừa không thể nhận biết được. Cảnh giới hư không trong và ngoài không thể đo lường. Bậc Đại sĩ sáu hạnh mới có thể nhận biết.
Đức Phật dạy sáu hạnh gồm: 1 – Mười tín hạnh. 2 – Mười trú hạnh. 3 – Mười hạnh hạnh. 4 – Mười hồi hướng hạnh. 5 – Mười địa hạnh. 6 – Đẳng giác. Những vị ở trong các hạnh như vậy mới có thể nhận biết”. (Đại chính 9, tr 370a10).
Lại nữa, ở phẩm nầy, Đức Phật dạy nhập thực tế bằng pháp hành “Tồn tam thủ nhất nhập Như lai thiền”.
Tồn tam là còn ba; thủ nhất là giữ một; nhập Như lai thiền là chứng nhập thiền định của Như lai.
Đức Phật dạy, còn ba là còn ba giải thoát. Giữ một là giữ nhất tâm chân như. Chứng nhập thiền định của Như lai là quán chiếu lý tính của tâm chân như thanh tịnh. Chứng nhập cõi tâm như vậy là chứng nhập thực tế.
Ba giải thoát gồm: - Hư không giải thoát. – Kim cang giải thoát. – Bát nhã giải thoát. Quán chiếu lý tính là quán chiếu lý thanh tịnh chân như của tâm, đều không thể không có tâm. (Đại chính 9, tr 370a25).
Lại nữa, đối với giới hành, Đức Phật dạy ở trong phẩm nầy cũng rất đặc biệt.
Ngài dạy, đối với tồn dụng, thì tâm tánh và sự tướng không phải hai. Đối với quán sát, thì nội hành và ngoại hành, xuất và nhập không phải hai. Không vướng mắc một tướng, tâm không có được mất, một không phải một địa, lưu nhập tâm thanh tịnh, đó gọi là quán sát.
Người quán sát như vậy, không kẹt nơi hai tướng, tuy không xuất gia, nhưng không kẹt ở tại gia; tuy không mặc pháp phục, không thọ trì đầy đủ giới ba la đề mộc xoa, không dự vào pháp bố tát, nhưng có thể sử dụng pháp tự tứ vô vi ở nơi tự tâm, mà chứng được thánh quả, không kẹt nhị thừa mà đi vào con đường bồ tát, sau đó viên mãn các địa vị của bồ tát và thành tựu bậc Giác ngộ hoàn toàn. (Đại chính 9, tr 370b2).
Việc thọ giới và đắc giới ở nơi phẩm nầy cũng đặc biệt. Đức Phật dạy: “Này Bồ tát! Những bậc nhân giả ấy, không mắc kẹt vào những pháp biến động hay không biến động của thế gian, tâm của họ nhập vào ba tụ giới thanh tịnh rỗng lặng, diệt trừ hết sạch pháp hữu lậu liên hệ ba cõi”.
Bồ tát Đại lực, thưa với Đức Phật rằng: “Bậc nhân giả ấy, đối với Phật, quả đức đầy đủ; đối với Phật ở nơi Như lai tạng; đối với Phật ở nơi các hình tượng, ở nơi những chỗ của Phật như vậy, mà phát tâm bồ đề, chứng nhập ba tụ giới thanh tịnh, không mắc kẹt nơi những hình thức của giới, tâm vắng bặt các pháp hữu lậu liên hệ ba cõi”. (Đại chính 9, tr 370b27).
Những pháp hành như vậy, là những pháp hành đưa hành giả từ thế giới của nhận thức đối đãi hư vọng, quay về với nhất tâm chân như và chứng nhập hoàn toàn với thực tại không có ngằn mé.
Phẩm Chân tánh không, Đức Phật dạy quán hạnh thuận với chân như để đầy đủ vạn hạnh qua các pháp hành như sau:
1- Giới hành từ chân như: Đức Phật dạy: “An trú đúng ở nơi lý chân như, ngăn cửa ngõ của sáu đường, tùy thuận với chân như ở nơi bốn duyên là đầy đủ cả ba tụ tịnh giới”. (Đại chính 9, tr 370c23).
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, Đức Phật rằng: “Thế nào là thuận chân như ở nơi bốn duyên, đầy đủ cả ba tụ tịnh giới?”.
Đức Phật dạy:
1/1- Tác trạch diệt lực thủ duyên: Duyên thủ đắc đối với giới là do năng lực tác pháp có chọn lựa. Đó là Nhiếp luật nghi giới.
1/2 – Bản lợi tịnh căn lực sở tập khởi duyên: Duyên được tập khởi do căn lực thanh tịnh của lợi hành từ bản giác. Đó là Nhiếp thiện pháp giới.
1/3 – Bản tuệ đại bi lực duyên: Duyên vào năng lực đại bi của trí tuệ từ bản giác. Đó là Nhiếp chúng sanh giới.
1/4 - Nhất giác thông trí lực duyên: Duyên vào năng lực của trí thông với nhất giác. Đó là an trú thuận theo chân như. Ấy là bốn duyên.
Này thiện nam tử! Năng lực của bốn đại duyên như vậy, không mắc kẹt ở nơi sự tướng, nhưng không phải là không có công dụng, lìa khỏi một xứ thì không thể mong cầu.
Này thiện nam tử! Một việc như vậy, bao gồm thông cả sáu hạnh, nó là biển cả tuệ giác của Phật”. (Đại chính 9, tr 370c24).
Ý nghĩa đắc Bồ tát Đại thừa giới của kinh Kim cang tam muội là dựa trên nền tảng chân như và từ chân như mà đắc giới và khởi hạnh nguyện, có đủ năm mươi hạnh địa của bồ tát và một hạnh địa của Đẳng giác.
Vậy, chân như là gì? Kinh trả lời: “Tướng chân như là tướng của các tướng đã vắng lặng. Vắng lặng chính là ý nghĩa của chân như”. (Đại chính 9, tr 371b24).
Do đó, giới hành không phải chỉ là vắng lặng ở nơi cảnh, mà vắng lặng ở nơi tâm, mới khế với bản tánh thanh tịnh của giới là giới thể chân như.
2- Quán chiếu lý chân như:
Quán chiếu lý chân như là sự quán chiếu không mắc kẹt ở nơi sự tướng; không mắc kẹt nơi ngã và pháp; không mắc kẹt nơi nghĩa, ngữ, danh số,… để thấy lý của như là như như, trong lý ấy đầy đủ hết thảy pháp.
Phật dạy: “Người nào sống với lý chân như, người ấy vượt qua ba khổ hải”. (Đại chính 9, tr 371a10).
3- Năm vị trí an trụ:
Tôn giả Xá lợi phất hỏi, Đức Phật rằng: “Tất cả chúng sanh từ hạng Nhất xiển đề và tâm của hạng Nhất xiển đề, nên an trú vào những vị trí nào để đạt đến Như lai và thực tướng của Như lai”.
Đức Phật dạy: “Từ nơi tâm của hạng Nhất xiển đề cho đến Như lai và thực tướng của Như lai, nên an trú vào năm vị trí:
- Tín vị: Tin tưởng rằng, chủng tử chân như ở trong thân nầy, bị vọng tưởng che lấp, buông bỏ tâm vọng tưởng là liền có tâm an tịnh, thanh bạch, nhận biết rõ ràng, các thế giới chỉ là ngôn ngữ của tâm ý.
- Tư vị: Tư là thẩm sát các cảnh giới, chỉ là ngôn ngữ của tâm ý. Các ngôn ngữ phân biệt của ý là tùy nơi tâm ý mà hiển bày. Các cảnh giới được thấy không phải là thức căn bản của tự ngã. Biết rõ thức căn bản nầy, không phải là pháp, không phải là nghĩa, không phải là chủ thể nắm giữ, không phải là đối tượng được nắm giữ.
- Tu vị: Tu là thường phát khởi và có khả năng phát khởi, phát khởi và tu tập đồng thời. Trước tiên là sử dụng trí tuệ để chỉ đạo, bãi trừ các chướng nạn, vượt ra khỏi mọi sự trói buộc và che lấp.
- Hành vị: Hành là xa lìa phạm vi các chủng tử tâm hành. Tâm không còn thủ hay xả. Lợi căn cực tịnh, tâm chân như bất động, bản tánh chân thực quyết định, Đại bát Niết bàn là tánh rỗng lặng rộng lớn.
- Xả vị: Xả là không mắc kẹt ở nơi tánh rỗng lặng. Chánh trí linh hoạt lưu chuyển, ở nơi tướng chân như của đại bi, tướng không kẹt mắc nơi chân như. Đối với tuệ giác vô thượng, tâm rỗng rang, không thấy có chứng đắc, không thấy có xứ sở và ngằn mé của biên giới là đạt đến Như lai”. (Đại chính 9, tr 371a21).
Như vậy, hành giả muốn thể nhập thể tánh rỗng lặng chân thực, khởi đầu bằng niềm tin. Phải tin tưởng ở trong thân nầy có Phật tánh thường trú, có chủng tử của Phật thân không sanh diệt, đó là chủng tử chân như. Bằng niềm tin ấy mà thực hành tất cả những pháp môn tu tập trải qua trong các địa vị, dẫn đến sự thành tựu viên mãn trí tuệ của một bậc Toàn giác.
Tuy nói năm vị, nhưng năm vị ấy không ra ngoài giác ngộ nhất tâm. Giác ngộ nhất tâm là sống tùy thuận với chân như. Chân như là chủng tử của bản giác mà bản giác thì tất cả chúng sanh đều có. Tu tập năm vị, nghĩa là thông qua năm vị mà thể nhập bản giác, sống với đời sống ở nơi tự tánh thanh tịnh.
4- Quán chiếu một thi kệ:
Tôn giả Xá lợi phất thưa, Đức Phật rằng:
“Thật không thể nghĩ bàn! Như lai thường dùng pháp như thực để giáo hóa chúng sanh, nghĩa như thực như vậy là nghĩa rộng, văn nhiều, những chúng sanh có lợi căn mới có thể tu tập. Đối với những chúng sanh độn căn, khó dùng tâm ý để thực hành. Phải dùng phương tiện nào để giúp đỡ những hạng độn căn hội nhập được sự thực nầy?”.
Đức Phật dạy: “Nên giúp đỡ những hạng độn căn, thọ trì một bài kệ bốn câu là nhập được nghĩa lý chân thực nầy. Tất cả phật pháp, đều được tóm thâu trong một bài kệ bốn câu”.
Ngài liền nói bài kệ ấy rằng:
“Nhân duyên sở sanh nghĩa
Thị nghĩa diệt phi sanh
Diệt chư sanh diệt nghĩa
Thị nghĩa sanh phi diệt”. (Đại chính 9 tr 371b28/c7).
Nghĩa là:
“Nghĩa do nhân duyên sanh
Nghĩa ấy diệt, không sanh
Diệt các nghĩa sanh diệt
Là nghĩa sanh, không diệt”.
Như vậy, quán chiếu theo một bài kệ với tâm nhất như, tuệ sẽ sinh khởi và thâm nhập được toàn thể nghĩa lý của Phật pháp.
Với ý nghĩa của bài kệ nầy, giúp cho ta thấy rằng, bất cứ nghĩa nào được sanh khởi từ nhân duyên, thì nghĩa ấy là nghĩa của sanh diệt mà không phải thực nghĩa từ chân như.
Do đó, bài kệ đã giúp cho ta đi vào được hai cửa ngõ của thiền quán là sanh diệt và chân như. Cửa ngõ sanh diệt là của ngõ của các pháp quan hệ nhân duyên sanh khởi. Và cửa ngõ chân như là cửa ngõ của tánh không.
Các pháp thuộc về nhân duyên, chúng luôn luôn tồn tại trong ý nghĩa đối đãi của sanh diệt. Và các pháp hoạt dụng từ chân như, chúng không hoạt dụng và tồn tại trong ý nghĩa sanh diệt mà chúng hoạt dụng và tồn tại trong nghĩa rỗng lặng, không sanh diệt.
Vì sao như vậy? Vì Đức Phật dạy: “Tất cả tướng của pháp không sanh khởi từ nhân duyên mà tướng và tánh sanh khởi từ chân như, nhưng chân như không bị biến động. Tướng và tánh từ nhân duyên, tướng ấy vốn không có và rỗng lặng (Đại chính 9, tr 370a3).
Do đó, thực tập và quán chiếu bài kệ một cách sâu sắc, sẽ giúp ta trực diện và thiệp nhập được tính sanh diệt và không sanh diệt ngay nơi mọi sự hiện hữu.
Tuy mọi hiện hữu đang trùng trùng duyên khởi mà tính thể của mọi sự hiện hữu ấy luôn luôn ở trong sự rỗng lặng, không sanh diệt.
Tóm lại, pháp hành trong phẩm nầy, là quán chiếu tâm chân như để hội nhập toàn phần với tâm ấy, và từ tâm ấy mà hiện khởi hạnh nguyện giáo hóa lợi hành cho chúng sanh.
Phẩm Như lai tạng, Đức Phật dạy những pháp hành như sau:
1- An trú nhất vị:
An trú nhất vị là an trú nhất tánh chân thực, tức là an trú vào tự tánh chân như của Như lai tạng. Bản thể của Như lai tạng là Như. Như là tự tánh của Như lai tạng. Tác dụng của Như lai tạng là Lai. Tạng là kho tàng ẩn chứa chủng tử bồ đề của Như lai. Tất cả những gì biểu hiện từ kho tàng ấy đều gọi là Như lai.
Như lai tạng tất cả chúng sanh đều có. Nó có ngay nơi tâm tánh của chúng sanh. Nhưng chúng sanh do sống theo thức và bị các thức khuấy động làm ô nhiễm tâm tánh, biến Như lai tạng trở thành tạng thức, để cất giữ tất cả chủng tử ô nhiễm mà chúng sanh đã và đang huân tập.
Các bậc Thánh giả, quán chiếu biết rõ các tướng do bảy thức khuấy động tàng thức mà biểu hiện, chúng đều như huyễn hóa không thực. Vì vậy, các bậc Thánh giả không chạy theo và dựa theo thức để nhận thức thực tại mà chuyển thức thành trí để hội nhập với thực tại. Khi các thức đã chuyển thành trí, thì tàng thức tự nó là Như lai tạng tánh thanh tịnh.
Do đó, an trú nhất vị, chính là an trú vào tự tánh thanh tịnh ở Như lại tạng. Bản thân Như lai tạng là tịch diệt, bất động là nhất tâm chân như.
Từ Nhất tâm chân như mà Bồ tát hoạt khởi đại bi, làm lợi ích hết thảy chúng sanh bởi vô số hạnh nguyện, biểu hiện dưới vô số hình tướng, sử dụng vô số phương tiện thiện xảo để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh mà không rời tự tánh thanh tịnh, vẫn an trú ở nơi nhất vị là Phật đạo.
Vì vậy, Đức Phật đã nói với Trưởng giả Phạm hạnh rằng: “Này Trưởng giả! Các pháp do ta giảng dạy là không thể nghĩ bàn. Vì do những người mê lầm, nên mới có những phương tiện dìu dắt. Tất cả tướng của pháp là đều từ nơi trí tuệ đệ nhất nghĩa chân thực”.
Trưởng giả Phạm hạnh thưa: “ Pháp nếu như vậy, thì con an trú nơi đệ nhất vị, để thâu nhiếp hết thảy các vị”. (Đại chính 9, tr 371c16).
Do đó, an trú nhất vị là an trú nơi Nhất Phật đạo và mọi hành đạo đều từ nơi Nhất Phật đạo mà hành.
2- Ba pháp hành:
Đức Phật dạy: Ba hành gồm:
- Tùy sự thủ hành: Nghĩa là bậc Thánh giả tu tập, ở tâm kim cang, quán chiếu thấy những sự tướng hiện tiền, mỗi mỗi sự tướng đều tuân thủ và tùy thuận đối với giác tánh.
- Tùy thức thủ hành: Nghĩa là bậc Thánh giả tu tập, quán chiếu thấy rõ, hết thảy chúng sanh do bảy thức chuyển khởi, khiến Như lai tạng chuyển thành tạng thức ô nhiễm. Vì vậy, hết thảy chúng sanh đều bị điên đảo vọng tưởng đối với ngã và pháp. Bậc Thánh giả do tu tập, an trú vào tâm kim cang, chứng đắc trí tuệ không do phân biệt, biện biệt được tướng vi tế của các thức, khiến cho chúng hoàn toàn tịch lặng. Biết rõ ba cõi chỉ là duy tâm; vạn pháp chỉ là duy thức, khiến cho mọi tâm thức thế gian đều tuân thủ, thuận hành theo giác tánh.
- Tùy như thủ hành: Vọng tưởng của chúng sanh sanh diệt trong từng sát na, niệm trước diệt, niệm sau sanh, tương tục khởi hiện không dừng nghỉ. Bậc Thánh giả an trú tâm kim cang, mỗi niệm đều thanh tịnh. Nơi tất cả hành, động tịnh đều ly. Mặc dù do nhân duyên mà khởi, nhưng đều tuân thủ và thuận hành giác tánh.
Ba hành nầy không ngoài đời sống thường nhật của hết thảy chúng sanh. Chúng sanh hành theo vọng thức, vọng niệm, khiến dẫn sinh tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Chư Phật hành ba hành nầy thuận theo giác tánh, nên thành tựu tám vạn bốn ngàn pháp môn tam muội. (Ba hành - Tham khảo Kim cang tam muội kinh thông tông 10, Tục Tạng Kinh 35, tr 313b23/c1).
Ba hành với ý nghĩa như vậy, nên Đức Phật dạy Trưởng giả Phạm hạnh rằng: “Này Trưởng giả! Ba hành như vậy, là thâu nhiếp hết thảy pháp môn. Hết thảy pháp môn đều thâu nhiếp vào ba hành nầy. Người nào chứng nhập ba hành nầy, người ấy ở nơi tướng rỗng lặng không sanh khởi. Người nào chứng nhập được như vậy, có thể bảo rằng người ấy, chứng nhập kho tàng của Như lai, người ấy chứng nhập mà không chứng nhập gì cả”. (Đại chính 9, tr 372a3).
3- Quán chiếu thường pháp:
Quán chiếu thường pháp là quán chiếu sự vắng lặng ở nơi tâm và pháp. Người nào chỉ thấy pháp vắng lặng mà các thức nơi tâm còn hoạt khởi, thì chưa phải là vắng lặng. Phải vắng lặng ngay các tướng hoạt khởi của thức nơi tâm, đó mới gọi là pháp thường vắng lặng. Vắng lặng không phải vắng lặng của tâm đối với pháp mà chính là vắng lặng của tâm đối với tâm. Tướng của các thức thường biểu hiện ở trong sanh diệt mà tánh của nó thường vắng lặng. Tánh của thức thường vắng lặng, đó là thường pháp. Tánh của thức thường vắng lặng ấy là vô cấu thức, là bạch tịnh thức hay chính là Như lai tạng tính.
Vì vậy, Đức Phật dạy cho Trưởng giả Phạm hạnh rằng: “Pháp thường là pháp phi thường, không ngôn thuyết, không chữ nghĩa, không sự thực, không giải thoát, không phải là không, không phải là cảnh giới, lìa hẳn các lằn mức hư vọng, đoạn diệt. Pháp phi thường ấy là thường, vì nó xa lìa các kiến chấp đoạn và thường. Thấy rõ thức là thường, vì thức thường vắng lặng. Vắng lặng ngay cả sự vắng lặng”. (Đại chính 9, tr 372b19).
Như vậy, hành pháp quán nầy, là quán chiếu sự vắng lặng các tướng của thức nơi tâm, để thấy rõ tự tánh của thức là thường, không sanh diệt. Danh và sắc hư vọng, vô thường, bất thực là vì do chúng được biểu hiện từ các tướng của những thức tâm biến động mà không phải từ nơi tự tánh của thức không biến động. Tự tánh của thức là thường, là tịch diệt. Nó không phải chỉ tịch diệt ở nơi những đối tượng mà nó tịch diệt và rỗng lặng ngay ở nơi tự thể của chính nó.
Nên, trong kinh Phật dạy: “Biết rõ các pháp như vậy, nên không chạy theo ngôn ngữ, văn tự. Nghĩa của tâm là ở nơi tâm không phân biệt ngã. Biết ngã chỉ là tên gọi giả định là chứng đắc Niết bàn. Chứng đắc Niết bàn là chứng đắc Tuệ giác vô thượng”. (Đại chính 9, tr 372b25).
Đó là pháp quán chiếu về thường pháp, để siêu việt các kiến chấp đối đãi giữa thường và vô thường, giữa sanh và diệt, giữa ngã và phi ngã, giữa pháp và phi pháp,… để thể nhập sự vắng lặng ngay cả sự vắng lặng.
Phẩm Tổng trì, là phẩm nắm giữ và duy trì hết thảy những pháp trọng yếu xuyên suốt các phẩm của kinh Kim cang tam muội nầy.
Ở phẩm nầy, Bồ tát Địa tạng đóng vai trò chủ chốt trong việc giải nghi cho đại chúng trong suốt quá trình nghe pháp thoại và tu học. Với danh nghĩa Địa tạng, Vị Bồ tát nầy xuất hiện ở phẩm nầy có hai nghĩa.
Một, Địa là đất. Đất có khả năng duy trì tất cả các hạt giống và làm cho các hạt giống sanh trưởng và không có bất cứ sự kỳ thị nào đối với các chủng loại. Hai, Tạng có khả năng cất giữ mọi hạt giống không để bị hư mất.
Cũng vậy, Bồ tát Địa tạng có mặt ở trong phẩm nầy là tiêu biểu cho vị Bồ tát đã từng thực hành và nắm giữ toàn bộ nhân và quả của các pháp hành mà Đức Phật đã dạy ở trong kinh nầy, từ phẩm Vô tướng pháp đến phẩm Như lai tạng và đã thực hành đến chỗ viên mãn các hạnh địa Bồ tát, lại tiếp tục tu học đoạn trừ các vi tế hoặc, hành bồ tát đạo để nhập vào địa vi Đẳng giác và Diệu giác.
Đẳng giác là địa vị mà Bồ tát Địa tạng đã hội nhập, dù đã hội nhập với địa vị nầy, vị thì đồng với địa vị giác ngộ, nhưng quả thì chưa đồng, nên có những nghi ngờ nhỏ nhặt đối với pháp học và pháp hành, mà tự thân chưa thể giác liễu hoàn toàn, nên cần tiếp tục tu tập và học hỏi đối với Bậc toàn giác. Và chính lời thưa hỏi ấy, của Bồ tát Địa tạng cũng đã hiển thị hạnh giác tha của Ngài đối với đại chúng trong hiện tại và cả tương lai.
Vì vậy, Bồ tát Địa tạng ở phẩm nầy, với phẩm hạnh của một vị Bồ tát ở vào địa vị Đẳng giác về pháp học và pháp hành đã thưa hỏi Đức Phật. Nhân đó, Đức Phật dạy, các pháp hành ở trong phẩm nầy mà ta có thể tóm lược những pháp hành chủ yếu như sau:
1- Quán chiếu chân như vô trú:
Ở phẩm Như lai tạng, Trưởng giả Phạm hạnh thưa với Đức Phật rằng:
“Pháp được Như lai dạy
Đều ở nơi vô trú
Con từ chỗ vô trú
Chốn ấy lễ Như lai.
Kính lễ tướng Như lai
Trí như không, bất động
Không kẹt, không xứ sở
Kính lễ thân vô trú”. (Đại chính 9 tr 372b11).
Ở phẩm nầy, Bồ tát Địa tạng đã bạch với Đức Phật rằng: “Như Đức Thế Tôn dạy: Nghĩa và pháp đều rỗng lặng, chứng nhập vô hành nơi rỗng lặng, các nghiệp không mất, không có ngã và liên hệ ngã. Thân kiến gồm cả chủ thể và đối tượng, các phiền não trong ngoài đều vắng lặng, các ước muốn đều dứt, quán chiếu lý tính như vậy, định và tuệ đều ở nơi chân như. Đức Thế Tôn thường dạy, pháp như thực, rỗng lặng là lương dược. (Đại chính 9, tr 373b11).
Đức Phật dạy: “Đúng như vậy. Vì sao? Vì pháp tánh rỗng lặng. Tánh rỗng lặng không sanh, nên tâm thường không sanh. Tánh rỗng lặng không diệt, nên tâm thường không diệt. Tánh rỗng lặng vô trú, nên tâm cũng vô trú. Tánh rỗng lặng vô vi, nên tâm cũng vô vi. Rỗng lặng, nên không có ra hay vào, lìa hẳn các thứ được, mất. Các uẩn, nhập và giới,… cũng đều là không, tâm không kẹt ở nơi chân như cũng lại như vậy.
Này Bồ tát! Tôi nói pháp là vì để phá trừ các loại chấp hữu”. (Đại chính 9, tr 373b14).
Quán chiếu để thấy rõ các pháp từ chân như mà biểu hiện. Chân như là đối tượng quán chiếu và hành giả là chủ thể thường quán chiếu. Bản tánh của chủ thể thường quán chiếu và đối tượng được quán chiếu cả hai đều nhất thể rỗng lặng và xuyên suốt vô trú, đó là pháp quán đặc biệt ở phẩm nầy.
2- Quán chiếu ba sự:
Ở trong phẩm nầy, Đức Phật dạy cho Bồ tát Địa tạng quán chiếu ba sự để tự soi xét tâm mình như sau:
“Ba sự gồm: - Nhân. – Quả. – Thức. Ba sự kiện lớn như vậy, vốn tự rỗng lặng, không thực thể, không phải là ngã hay chân ngã, tại sao đối với chúng lại sanh tâm ái nhiễm? Quán chiếu ba sự kiện ấy đều do phiền não trói buộc, khiến luân chuyển ở trong biển khổ. Vì sự kiện như vậy, nên phải thường tự soi xét tâm mình”. (Đại chính 9, tr 373c5).
Tất cả chúng sanh bị luân chuyển liên tục trong ba cõi là do bị ràng buộc bởi nhân quả và nghiệp thức. Từ nơi nghiệp thức mà nhân quả của chúng sanh biểu hiện luân hồi và trôi lăn trong lục đạo. Bảy thức khuấy động tàng thức làm khởi sanh ái nhiễm đối với ngã và pháp. Nhân của sanh tử từ đó duyên với vô minh mà tập khởi và các khổ quả cũng từ đó mà hình thành. Như vậy, nhân và quả không rời thức, chúng duyên vào thức mà biểu hiện.
Pháp quán chiếu Nhân – Quả - Thức nầy là quán chiếu để thấy rõ hai mặt nhiễm ô và thanh tịnh của một tâm. Nếu tâm không bị các thức khuấy động và tác động, thì nhân quả sanh tử không thể hình thành. Và tâm chính là sự thanh tịnh, rỗng lặng, vô trú và vô sự.
Như vậy, mọi hiện sự nhân quả sanh tử ở trong thế gian, đều là hiện sự của thức. Do đó, muốn thoát ly sanh tử, người tu tập phải chuyển hóa mọi thức tâm thành trí tánh. Đó là điểm đặc biệt của pháp quán nầy.
3- Quán chiếu ba đại đế:
Bồ tát Địa tạng thưa Đức Phật rằng, thế nào là ba đại đế và một hạnh chứng nhập?
Đức Phật dạy: “Ba đại đế gồm: - Một, Bồ đề chi đạo: Đạo bồ đề, đó là sự thực bình đẳng, chứ không phải là không bình đẳng. Hai, Đại giác chánh trí đắc đế: Sự thực được chứng đắc do chánh trí của bậc Đại giác. Nghĩa là không phải tà trí có thể chứng đắc được sự thực. Ba, Tuệ định vô dị hành nhập đế: Chứng nhập sự thực là do thực hành định và tuệ thuần nhất. Nghĩa là chứng nhập sự thực không phải là tạp hạnh.
Người nào dùng ba sự thực nầy mà tu tập phật đạo, người ấy ngay nơi pháp nầy đều được Chánh giác, được trí tuệ của bậc Chánh giác, tâm từ bi cùng tột lưu chảy, mình người đều lợi lạc, thành tựu tuệ giác của Phật”. (Đại chính 9, tr 373c9).
Quán chiếu sự thực thứ nhất ở trong pháp hành nầy, để thấy rõ sự thực là phật tính giữa Phật và chúng sanh đều bình đẳng. Nó bình đẳng ngay nơi tự tính. Nhưng, tự tướng thì sai thù. Vì sao? Vì Phật thì thường trú với giác tính và từ giác tính mà khởi hạnh, nên không có hạnh nào của phật là không Phật. Trái lại, chúng sanh cũng đồng có và ở trong bản thể đó, nhưng không tỉnh giác để cho các chuyển thức khuấy động, biến Như lai tạng tánh thành tướng của thức tạng và từ thức tạng ấy mà các thức hiện khởi ái trước, vọng tưởng đối với ngã và pháp, khiến cho mọi hành hoạt của chúng sanh không gì là không chúng sanh. Nên, hiện tiền chỉ cần buông bỏ và rỗng lặng các thức niệm và vọng niệm, thì giác niệm và chánh niệm hiện tiền. Bấy giờ chúng sanh là Phật.
Quán chiếu sự thực thứ hai để thấy rằng, thực tướng không hay thực tánh không của vạn hữu, bằng chánh trí hay bằng chân trí là có thể chứng nhập ngay trong từng giác niệm hiện tiền. Nếu thiếu giác niệm hiện tiền, thì không thể trực nhận và thiếu tuệ giác hiện tiền, thì không thể hội nhập để sống cùng và sống với. Và thiếu chân như trí thì không thể hội nhập chân như lý. Mỗi khi chân như trí hội nhập với chân như lý, thì ngay đó trí và lý bất nhị.
Quán chiếu sự thực thứ ba để thấy rằng, thâm nhập sự thực, không có con đường nào khác, không có phương pháp nào khác, ngoài thực hành giới định và tuệ. Giới thể thanh tịnh ở đây phát sanh do định và tuệ thuần nhất. Định thuần nhất làm phát sinh giới, gọi là là Tịnh lự sanh luật nghi. Nghĩa là luật nghi sanh khởi từ thiền định. Nó có khả năng phòng hộ các quan năng nhận thức, khiến cho các niệm luôn luôn hoạt khởi ở trong sự thanh tịnh. Tuệ thuần nhất làm phát sanh giới, gọi là Đạo sanh luật nghi. Nghĩa là tuệ có khả năng quét sạch các phiền não nơi tâm, sau khi các phiền não đã bị định nhiếp phục, để sinh khởi và hội nhập với thánh đạo vô lậu, khiến giới vô lậu sinh khởi làm tươi nhuận các chủng tử vô lậu và giải thoát, khiến cho các oai nghi như đi đứng nằm ngồi, sinh hoạt của bậc Thánh giả đều luôn luôn được an hành ở trong chánh niệm, tỉnh giác.
Do đó, hội nhập với tự thân thực tại, không có con đường nào khác ngoài con đường giới định tuệ. Giới định tuệ ở mặt pháp học, ta thấy tuy là ba, nhưng ở mặt pháp hành, nó chỉ là một. Đó là nét đặc biệt của pháp hành nầy.
Và đối với ba sự thực rộng lớn như vậy, chúng liên hệ và hỗ dụng cho nhau một cách chặc chẽ, nên ta chỉ cần nhất hạnh là có thể hội nhập. Vì sao? Vì ba sự thực ấy không ra ngoài một sự thực, đó là nhất phật đạo, đó là đạo bồ đề và đó là giác tánh giữa phật và chúng sanh đều bình đẳng. Tánh giác ấy là nhất tánh, nhất đạo, nên hội nhập nhất tánh, nhất đạo thì chỉ có nhất hạnh tam muội.
Vì vậy, ở phẩm nầy, Đức Phật dạy, Bồ tát Địa tạng rằng: “Này Bồ tát! Đối với ba việc lớn, thì hãy tự soi xét tâm mình và đối với ba sự thực rộng lớn, thì nên nhất hạnh mà chứng nhập”. (Đại chính 9, tr 373c3).
Nếu ta đọc kỹ kinh Kim cang tam muội, thì mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn, mỗi bài kệ thưa hỏi và giải đáp giữa Đức Phật và đại diện của các thính chúng đều là mỗi pháp học, mỗi pháp môn và đều là mỗi pháp hành cho chúng ta tu học. Nhưng, ở đây tôi chỉ có thể rút ra một số pháp hành do tự thân đọc tụng và cảm nhận mà thôi.
-Quả Vị:
Ở trong kinh Kim cang tam muội, giáo lý hàm chứa đầy đủ cả bản giác và thỉ giác, quả vị hàm chứa đầy đủ cả Tam hiền, Thập thánh và quả vị cao nhất là Nhất vị, hay Phật vị, ấy là quả vị Vô thượng bồ đề.
Như vậy, Tông yếu, giáo học, hạnh và quả của kinh Kim cang tam muội đã cho ta thấy sự xuyên suốt và những đặc điểm của kinh nầy, là lý tính chân như bình đẳng, nhất giáo, nhất hạnh và nhất vị.
Những vị nào muốn nghiên cứu và chiêm nghiệm sâu rộng kinh nầy, xin hãy đọc thẳng vào Đại Chính 9, kinh số 1730, tr 365.
Thích Thái Hòa |