NÓI VỚI NGƯỜI PHẬT TỬ PHƯƠNG TÂY
His Holiness the Dalai Lama - Tuệ Uyển chuyển ngữ
Chúng ta quy tụ nơi đây hôm nay, một buổi nói chuyện phổ thông, bởi vì mỗi chúng ta đang tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa trong đời sống. Trong vài ngày qua chúng tôi đã nói nhiều lần rằng cùng với tiến trình vật chất, sự phát triển nội tại là quan trọng và hữu ích. Tự quý vị có thể quán sát thấy rằng khi những người có năng lực nội tại mạnh mẻ gặp phải những vấn nạn, họ được trang bị tốt hơn để đối mặt với chúng. Trong trường hợp của Tây Tạng và kinh nghiệm của chính mình, mặc dù có thể có giới hạn, chúng tôi thấy điều này là đúng. Một số người trong vị trí của chúng tôi, trong trường hợp phức tạp và có những trách nhiệm rộng lớn, dưới những tình trạng như vậy, có thể trở nên có một số vấn đề tinh thần. Tuy thế, như quý vị có thể thấy trên khuôn mặt tôi, chúng tôi không quá buồn phiền. Dĩ nhiên, chúng tôi nhận thức những vấn đề rất to tát, thảm họa; nhưng chúng tôi chấp nhận chúng như những sự thật và cố gắng làm những gì tuyệt nhất có thể. Không nghi ngờ gì nữa một thái độ của sức mạnh nội tại có thể hổ trợ; nó ảnh hưởng phương cách chúng ta tiếp cận và đối diện với những vấn đề.
Bởi vì mỗi người ít hay nhiều có cùng tính tự nhiên, sự thực hành tôn giáo, trong trường hợp này là Phật giáo, có những điều thâm sâu và lợi ích cho đời sống chúng ta. Điều này không cần thiết để mang đến một sự tái sinh tốt đẹp, và xa hơn thế; ngay cả trong đời sống này nếu chúng ta tiếp nhận một thái độ đúng đắn đối với những con người đồng loại của chúng ta, tự nó sẽ mang lại những sự thỏa lòng to lớn. Những nguyên tắc chính là động cơ tốt và từ bi yêu thương.
Mặc dù từ bi yêu thương được giải thích một cách chính yếu trong kinh điển Bồ tát đạo – Đại thừa – nhưng tất cả những ý tưởng Phật giáo đặt căn bản trên từ bi yêu thương. Tất cả những lời dạy của Đức Phật có thể tuyên bố trong hai câu: - Thứ nhất là, “Quý vị phải giúp đở những người khác.” Điều này bao gồm tất cả những lời giáo huấn của Đại thừa. - “Nếu không, quý vị không nên làm tổn hại kể khác.” Đây là tất cả những lời dạy của Thanh văn thừa, hay Thượng tọa bộ. Nó phát biểu căn cứ trên tất cả những điều giới luật (đạo đức), chính là điều để chấm dứt tổn hại người khác. Những lời giáo huấn của cả hai trường phái là đặt cơ sở trên tư tưởng của yêu thương, từ bi. Một Phật tử, nếu có thể, nên giúp đở người khác. Nếu điều này không thể, tối thiểu đừng làm bất cứ điều gì tổn hại kẻ khác.
Khi chúng ta thực hành, khởi đầu, như một căn bản chúng ta kiềm chế chính mình dừng lại những hành động xấu, điều có thể tổn hại kẻ khác, một cách tối đa mà chúng ta có thể. Điều này là để che chở hay phòng ngự (chư ác mạc tác – chớ làm những điều ác). Sau đấy, khi chúng ta đã phát triển những phẩm chất nào đấy, rồi thì như một mục tiêu hành động chúng ta nên giúp đở kẻ khác (chúng thiện phụng hành – hãy làm các điều lành). Trong trình độ đầu tiên, đôi khi chúng ta cần cô lập trong khi theo đuổi sự phát triển nội tại của chính mình; tuy nhiên, sau khi chúng ta có một sự vững vàng nào đấy, một sức mạnh nào đấy, chúng ta phải duy trì với sự tiếp xúc, và phục vụ xã hội trong bất cứ lĩnh vực nào – sức khỏe, giáo dục, chính trị, hay bất cứ điều gì.
Có một số người tự gọi chính họ là có khuynh hướng tôn giáo, cố gắng để biểu lộ điều này bằng việc ăn mặc trong một kiểu dáng khác thường, duy trì một cách sống đặc biệt, và cô lập chính họ với toàn thể xã hội còn lại. Điều đó là sai lầm. Kinh điển về tịnh hóa tâm linh (rèn luyện tâm thức) nói rằng, “Chuyển hóa quan điểm nội tại, nhưng hãy để bên ngoài của quý vị như nó là.” Điều này là quan trọng. Bởi vì mục tiêu chính của việc thực hành Đại thừa là phụng sự người khác, chúng ta không cô lập chính mình với xã hội. Để phục vụ, để giúp đở, để hổ trợ chúng ta phải duy trì sự hiện diện trong xã hội.
Đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là, đặc biệt trong Phật giáo trong khi chúng ta thực hành chúng ta phải xử dụng cả khối óc cũng như trái tim (lý trí và tình cảm). Về phương diện đạo đức, chúng ta phải thực hành phẩm chất của một trái tim tốt lành và nồng ấm; cũng thế, vì Phật giáo liên hệ rất nhiều trong lý trí và sự hợp lý (logic) – về phía tuệ trí – thông minh là quan trọng. Do vậy, một sự phối hợp của tuệ trí và con tim là cần thiết. Không có kiến thức, không có sự thông tuệ hữu dụng đầy đủ, chúng ta không thể tiếp cận chiều sâu của giáo nghĩa đạo Phật; thật khó khăn để đạt đến trình độ cụ thể hay phẩm chất tuệ trí toàn hảo. Cũng có thể có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đây là nguyên tắc thông thường.
Cần thiết có một sự phối hợp của lắng nghe, suy nghĩ, và thiền quán (văn, tư, tu). Khi tham dự nghe pháp, thật quan trọng để hòa hiệp tâm thức, làm cho tâm thức quen thuộc, với điều đang được nghe. Học hỏi về tôn giáo không giống như học tập lịch sử. Nó phải được hòa hiệp với tiến trình tinh thần của chúng ta; tâm thức chúng ta phải nên được tràn ngập với nó. Một kinh điển nói rằng những sự thực hành giống như một tấm gương; những hành động của thân thể, lời nói, và tâm ý chúng ta giống như một gương mặt được thấy trong gương; và qua sự thực tập chúng ta nên nhận ra những lỗi lầm và từ từ loại bỏ chúng. Khi nó được nói trong truyền khẩu, “Nếu có đủ không gian giữa chính quý vị và sự thực hành để cho người nào khác bước xuyên qua, thế thì quý vị không đang thực hành những giáo huấn một cách thích đáng.” Trong trường hợp đó, sự thực hành trở thành điều gì ấy giống như một đối tượng của sự giải trí. Và nếu nó là thế đấy, nó có thể biến thành một đối tượng của tranh cải. Rồi thì sau một cuộc giao thoa hữu hảo của tranh luận, nó ngay cả có thể đưa đến đấu đá. Điều này hoàn toàn không phải là mục tiêu của tôn giáo.
Trong khi chúng ta học hỏi về những sự thực hành, chúng ta phải liên hệ chúng với chính thái độ của chúng ta. Có một câu chuyện của một học giả du già Gadamba, người đang đọc Luật tạng (những nguyên tắc) rằng không thích hợp để dùng da thú làm tọa cụ; ông ta đang ngồi trên tấm da gấu, thế là ông lập tức rút nó ra khỏi chỗ ngồi của mình. Rồi thì khi ông đọc tiếp, ông ta học được rằng được phép dùng những thứ như thế nếu thời tiết quá lạnh hay người ấy bệnh, và vì vậy ông ta cẩn thận đặt nó trở lại chỗ ngồi. Đây là một sự thực hành đúng đắn – lập tức thực hành điều gì mà mình đang học hỏi.
Nếu một người đang học hỏi tôn giáo ở trình độ phổ thông hay Phật giáo như một sự học vấn bài bản chuyên môn, nó là một thực trạng khác nhau ngay từ đầu. Mục tiêu chỉ là để thu thập kiến thức của một chủ để khác của học vấn. Tuy vậy, chúng ta là những Phật tử, chúng ta phải thực tập, nên cố gắng thực hiện những điều giáo huấn trong khi mình đang học hỏi. Rồi thì chúng ta có thể kinh nghiệm giá trị thực sự của chúng.
Điểm thứ ba chúng tôi muốn trình bày là khi chúng ta bắt đầu thực hành, chúng ta không nên dự đoán quá nhiều. Chúng ta sống trong thời đại của máy điện toán và tự động hóa, vì thế chúng ta có thể cảm thấy rằng sự phát triển nội tại cũng là một thứ tự động , một thứ mà chúng ta có thể bấm một nút và mọi thứ thay đổi. Nó không phải như vậy. Sự phát triển nội tại không dễ dàng và sẽ cần có thời gian. Tiến trình ngoại tại, những sứ mệnh không gian sau cùng và tiếp theo, không phải đạt đến trình độ hiện tại trong một thời gian ngắn mà trải qua hàng thế kỷ, mỗi thế hệ làm nên một sự phát triển xa hơn căn cứ trên những điều của thế hệ trước. Tuy nhiên, sự phát triển nội tại thật sự khó khăn hơn vì sự trau dồi nội tại không được chuyển tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Kinh nghiệm kiếp sống quá khứ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hiện tại, và kinh nghiệm của đời sống này trở thành căn bản cho sự tái sinh kế tiếp phát triển, nhưng việc chuyển tiếp sự phát triển nội tại từ một người này đến một người khác là không thể được.
Chúng tôi đã gặp nhiều người phương Tây, những người rất hào hứng về việc thực tập của họ lúc mới bắt đầu, nhưng sau vài năm đã hoàn toàn quên lãng nó, và không có vết tích gì về những thứ họ đã từng thực tập. Đây là bởi vì họ đã kỳ vọng quá nhiều lúc khởi đầu. Trong tác phẩm “Dấn thân tron những hành động của Bồ tát” của Tôn giả Tịch Thiên (Shantideva) nhấn mạnh sự quan trọng của việc thực hành nhẫn nại, kiên trì, và bao dung. Sự bao dung kiên trì là một thái độ không chỉ đối với kẻ thù của chúng ta mà cũng là một thái độ của hy hiến, của kiên quyết, vì thế chúng ta không rơi vào sự lười biếng, giải đãi của sự ngã lòng. Chúng ta nên thực hành nhẫn nại, hay kiên trì và bao dung, với sự quyết tâm rộng lớn. Điều này là quan trọng.
Để chúng tôi dùng chính mình làm một thí dụ. Chúng tôi sinh ra trong một gia đình Phật giáo trong một xứ sở mà Phật giáo là chính yếu, mặc dù có Ki tô giáo, Hồi giáo cũng như nhiều tín đồ theo tôn giáo cổ truyền của Tây Tạng, đạo Bon. Chúng tôi có thể học Phật giáo từ ngôn từ mẹ đẻ và từ một tuổi rất trẻ đã trở thành một tu sĩ. Vì thế, từ quan điểm thực hành những lý thuyết Phật giáo, chúng tôi có nhiều khả năng hơn quý vị. Nhưng trong dạng thức của chính sự phát triển của mình, trong khoảng mười lăm hay mười sáu tuổi chúng tôi bắt đầu thật sự có nhiệt tình cho việc thực tập. Chúng tôi bắt đầu thực tập từ lúc ấy cho đến bây giờ. Nhìn lại những năm tháng ấy, chúng tôi có thể chú ý có sự cải thiện trải qua một thời gian của hai đến ba năm. Trong ít tuần, chúng tôi nhận biết rất ít. Vì thế, quyết định để thực hành không đánh mất nổ lực là rất quan trọng.
Sự phát triển nội tại đến từng bước một. Chúng ta có thể nghĩ, “Hôm nay sự tính lặng nội tại của tôi, sự an bình tinh thần của tôi, thì rất nhỏ, rất yếu,” nhưng nếu chúng ta so sánh, chúng ta nhìn lại năm, mười, hay mười lăm năm trước, và nghĩ “phương cách suy nghĩ của tôi lúc ấy là gì?” “Tôi có sự yên bình nội tại bao nhiêu lúc ấy và nó là gì hôm nay?” – so sánh nó với những gì lúc ấy, chúng ta có thể nhận thức rằng có một sự tiến triển nào đấy, nó một giá trị nào đấy. Đây là điều mà chúng ta nên so sánh và so sánh như thế ấy – không phải với cảm nhận hôm nay và cảm nhận hôm qua, hay tuần rồi, hay tháng rồi, ngay cả năm rồi, nhưng năm năm rồi. Rồi thì chúng ta có thể nhận thức rằng những gì cải thiện đã xảy ra một cách nội tại. Tiến trình đến bằng sự duy trì nổ lực liện tục trong sự thực tập hàng ngày.
Đôi khi người ta hỏi chúng tôi rằng Phật giáo – một nền giáo huấn cổ xưa đến từ phương Đông – có thích hợp cho người phương Tây hay không. Câu trả lời của tôi là căn bản của tất cả các tôn giáo để đối trị với những vấn nạn cơ bản của loài người. Khi chúng ta là con người, dù Tây hay Đông – đen , trằng, vàng, hay đỏ - có những khổ đau của sinh đẻ, bệnh tật, tuổi tác, và chết, tất cả là bình đẳng trong sự quan tâm ấy. Khi mà những khổ đau đó của con người vẫn hiện diện, vì chính yếu giáo huấn được quan tâm với những khổ đau đó, không có nhiều cho câu hỏi là nó có thích hợp hay không.
Tuy thế, có một câu hỏi với sự quan tâm đến khuynh hướng tinh thần của mỗi cá nhân. Cho một số cá nhân, một tôn giáo nào đấy mang đến nhiều lợi lạc hơn trái lại trong những trường hợp khác những tôn giáo khác lại mang đến nhiều lợi ích hơn. Dưới những hoàn cảnh, những giáo huấn đa dạng khác nhau được thấy là cần thiết và hữu dụng cho xã hội loài người, không nghi ngờ gì có những người tìm thấy Phật giáo thích hợp cho những yêu cầu của họ.
Khi nói về tính chất, không có câu hỏi về thích hợp hay không cần thiết thay đổi căn bản của lý thuyết. Tuy thế, sự thay đổi trên trình độ bể mặt hình thức là có thể. Một tu sĩ Miến Điện của truyền thống Thượng tọa bộ (Theravada) mà tôi vừa mới gặp ở Âu châu và tôi đã phát triển tôn trọng sâu sắc vị ấy, đã làm sự phân biệt giữa di sản văn hóa và chính tôn giáo. Tôi gọi điều này là sự khác biệt giữa tính chất của một tôn giáo và những cấp độ nghi thức cúng kính hay lễ lạc. Ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bổn hay bất cứ nơi nào, khía cạnh tôn giáo của đạo Phật là giống nhau, nhưng di sản văn hóa là khác nhau trong mỗi quốc gia. Do vậy, ở Ấn Độ, Phật giáo hòa hiệp với văn hóa Ấn Độ; ở Tây Tạng, là văn hóa Tây Tạng, v.v. và v.v… Từ quan điểm này, sự hòa hiệp với nền văn hóa Tây phương vào trong Phật giáo là điều cũng có thể.
Bản chất của giáo nghĩa đạo Phật là không thay đổi; bất cứ nơi nào nó đến là nó phù hợp; tuy vây, những khía cạnh bên ngoài – những nghi thức hay lễ lược nào đấy – là không cần thiết thích ứng cho một môi trường mới; những thứ đó sẽ thay đổi. Chúng sẽ thay đổi thế nào trong những nơi chốn cụ thể chúng ta không thể nói. Khi Phật giáo lần đầu tiên đến Tây Tạng từ Ấn Độ, không ai có thẩm quyền để nói, “Bây giờ đạo Phật đã đến một vùng đất mới; từ bây giờ trở về sau chúng ta phải thực hành trong cách này hay cách kia.” Đã không có những quyết định như vậy. Nó tiến triển dần dần, và trong một thời gian một truyền thống đặc thù đã khởi lên. Điều như thế có thể là trường hợp của những người phương Tây; dần dần, trong một thời gian, có thể có sự phối hợp của Phật giáo với nền văn hóa Tây phương. Trong trường hợp nào đi nữa, thế hệ này – thế hệ của quý vị - những người bắt đầu ý tưởng mới này trên những xứ sở mới có một trách nhiệm to lớn để mang bản chất và điều phối nó trong chính môi trường của quý vị.
Vì điều này chúng ta phải dùng bộ não để quán sát. Quý vị không nên đi theo cực đoan nào – quá bảo thủ thì không tốt, quá nhạy cảm thì cũng không tốt. Như trong lý thuyết Trung đạo của chúng tôi, chúng ta nên đi theo tiến trình vừa phải. Điều rất quan trọng là giữ một sự tiếp cận trung bình trên mọi lãnh vực. Ngay cả trong việc tiêu thụ thực phẩm hàng ngày của chúng ta, chúng ta phải theo một cách vừa phải. Quá nhiều trong bao tử, rắc rối sẽ đến với chúng ta; quá ít thì không đủ. Vì thế cho nên, trong đời sống hàng ngày – trong cung cách toàn diện của đời sống – rất quan trọng để duy trì trong sự trung bình; cả hai cực đoan phải được kiểm soát lại. Bộ não này phải có đầy đủ kiến thức về môi trường và sự kế thừa văn hóa – đầy đủ kiến thức về những thứ ấy là giá trị trong đời sống hằng ngày và những gì không hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày, dù nó là một phần của di sản văn hóa.
Trong trường hợp của nền văn hóa Tây Tạng, thí dụ, những truyền thống nào đấy trong quá khứ có thể không hữu dụng trong tương lai. Khi dưới những hoàn cảnh mới hệ thống xã hội và cung cách suy nghĩ của xã hội thay đổi, những phương diện nào đấy có thể không hữu dụng nữa. Cũng giống như thế, nếu ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại có một số khía cạnh văn hóa cũ kỷ không hữu ích trong đời sống hàng ngày của thời đại, chúng nên được loại bỏ, và những phương diện khác vẫn có ý nghĩa đầy đủ và hữu dụng nên được duy trì. Quý vị nên phối hợp nền văn hóa ấy với Phật giáo.
Nếu chúng ta thực sự hấp dẫn với Phật giáo, thế thì điều quan trọng nhất là sự tứng dụng – thực hành. Học hỏi đạo Phật và rồi thì dùng nó như một vũ khỉ nhằm mục tiêu phê phán những triết lý hay ý tưởng khác là sai. Mục tiêu chính của tôn giáo là để chế phục chính mình, không phải để phê phán kẻ khác. Tốt hơn chúng ta nên bình phẩm chính mình. Tôi đã làm được bao nhiêu với sự giận tức của tôi? Với sự vướng mắc của tôi, với sự thù hận của tôi, với sự kiêu kỳ của tôi, sự ghen tỵ của tôi? Đây là những thứ mà chúng ta phải kiểm soát lại trong đời sống hằng ngày với kiến thức của giáo nghĩa đạo Phật. Rõ chứ?
Như những Phật tử, trong khi thực hành những giáo huấn của mình, chúng ta phải tôn trọng những tín ngưỡng khác, Do Thái giáo, Ki Tô giáo, v.v.và v.v… Chúng ta phải nhận thức và cảm niệm sự cống hiến của những tôn giáo ây qua nhiều thế kỷ quá khứ đến xã hội loài người. và vào lúc này chúng ta phải cố gắng để làm một nổ lực công cộng để phục vụ con người. Sự tiếp nhận một thái độ đúng đắn đối với những tín ngưỡng khác là quan trọng một cách đặc biệt cho những người Phật tử mới duy trì trong tâm tư của mình.
Cũng trong những người Phật tử, có nhiều trường phái khác nhau, nhiều hệ thống khác nhau để thực hành, chúng ta không nên nghĩ rằng trường phái này là tốt hơn, trường phái đó là tệ hơn, v.v. và v.v…Cảm giác và bình phẩm môn phái về những nền giáo lý khác hay những giáo phái khác nhau là rất xấu, là độc tố, và nên tránh.
Điều quan trọng nhất là sự thực tập trong đời sống hàng ngày; rồi thì quý vị từ từ sẽ biết giá trị thực sự của tôn giáo. Giáo lý không có nghĩa đơn thuần là kiến thức mà để cho sự cải thiện tâm thức chúng ta. Để làm điều ấy, nó phải là một phần của đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu đặt giáo thuyết vào một tòa nhà và khi quý vị rời tòa nhà sao lãng việc thực tập, quý vị không thể đón nhận giá trị của nó.
Chúng tôi hy vọng rằng sự dấn thân vào trong việc thực tập của quý vị với một trái tim tốt lành và tự một động cơ cống hiến điều gì đấy tốt đẹp đến xã hội phương Tây. Đấy là sự cầu nguyện và ước muốn của chúng tôi.
1- HỎI: Vai trò gì của vị thầy trong sự thực hành? Có cần thiết để có một vị thầy không?
ĐÁP: Vâng, nhưng nó tùy thuộc trên chủ đề. Những chủ đề thông thường, những khái niệm Phật giáo phổ thông, có thể tự học qua sách vở. Nhưng với những chủ đề phức tạp nào đấy là khó khăn để hiểu nếu chỉ đọc sách mà không có một người từng trải chỉ dẫn và giải thích.
2- HỎI: Một người, đặc biệt ở phương Tây, phải có nền tảng của sự khiêm tốn, chân thực và một đời sống đạo đức. Một khi người ấy có nền tảng này, những gì khác mà Ngài khuyến nghị người ấy trau dồi trong đời sống của họ. nếu có một nền tảng đạo đức, luân lý, và khiêm tốn?
ĐÁP: Việc làm kế tiếp là trau dồi sự vững vàng của tinh thần. Đạo đức là một phương pháp để chế phục chính mình – Nó là một hành động bảo vệ. Kẻ thù thực sự của chúng ta, quý vị thấy, là trong chính chúng ta. Những cảm xúc ưu phiền đau khổ (kiêu kỳ, sân hận, ganh tị) là những kẻ thù thực sự của chúng ta. Đây là những kẻ tạo rắc rối, và chúng được tìm thấy trong chính chúng ta. Sự thực tập thật sự của tôn giáo rốt lại là sự đấu tranh chống lại những kẻ thù nội tại này.
Như bất cứ một cuộc chiến tranh nào, trước nhất chúng ta phải có một hành động tự vệ, và trong cuộc chiến đấu tâm linh chống lại những cảm xúc tiêu cực, đạo đức là sự tự vệ của chúng ta. Nhận thức rằng ngay lúc đầu chúng ta không được chuẩn bị đầy đủ cho sự công kích, chúng ta trước phải dùng đến hành động phòng vệ và đó nghĩa là đạo đức. Nhưng một khi chúng ta đã chuẩn bị sự phòng vệ, đã trở nên gọi là quen thuộc với đạo đức, rồi thì chúng ta mới dấn thân vào việc tấn công. Ở đây vũ khí chính của chúng ta là tuệ trí. Vũ khí tuệ trí này giống như một viên đạn, hay có thể là một tên lữa, và người phóng hỏa tiễn thì tinh thần vững vàng hay bình lặng định tĩnh. Tóm lại, một khi chúng ta có một căn bản trong luân lý hay đạo đức, bước tiếp theo là rèn luyện trong tinh thần vững vàng định tĩnh và cuối cùng là tuệ trí.
3- HỎI: Ngài có thể vui lòng cho chúng tôi một lời dạy bảo ngắn gọn là điều mà chúng tôi có thể mang theo chúng tôi trong đời sống hằng ngày chứ?
ĐÁP: Chúng tôi không biết. Chúng tôi thật không có gì nhiều để nói. Chúng tôi sẽ đơn giản nói điều này. Tất cả chúng ta là những con người, và từ quan điểm này chúng ta là giống nhau. Tất cả chúng ta muốn hạnh phúc vui tươi và chúng ta không muốn buồn rầu đau khổ. Nếu chúng ta quan tâm đến điều này, chúng ta sẽ thấy rằng không có sự khác nhau giữa những con người khác tín ngưỡng, chủng tộc, màu da, hay văn hóa. Tất cả chúng ta có một nguyện ước thông thường này cho hạnh phúc an lạc.
Thật sự, tất cả những Phật tử chúng ta là phải cứu hộ tất cả chúng sinh, nhưng thực tế trong lời nói, điều này có thể quá to rộng, một sự ý tưởng cho hầu hết mọi người. Trong mọi trường hợp, chúng ta tối thiểu nghĩ trong những điều kiện của sự giúp đở tất cả chúng sinh. Điều này rất quan trọng. Ngay cả nếu chúng ta không thê nghĩ trong hình thức của tất cả chúng sinh sống trong những thế giới khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên nghĩ trong giới hạn của nhân loại trên hành tinh này. Làm điều này là đem một sự tiếp cận thực tế đến vấn đề. Cần thiết phải giúp đở kẻ khác, không chỉ trong sự cầu nguyện, mà trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta thấy rằng chúng ta không thể giúp đở kẻ khác, tối thiểu chúng ta có thể làm là chừa bỏ việc làm tổn hại họ.
Trên một trình độ rất thực tiễn, những thái độ như thế là những thứ mà chúng ta cần. Cho dù chúng ta là một người tin tưởng ở tôn giáo,hay không là một vấn đề khác. Đơn giản như một cư dân của thế giới, như thành viên của gia đình nhân loại, chúng ta cần loại thái độ này. Qua một thái độ như thế nền thanh bình và hòa hiệp lâu dài của thế giới có thể đạt đến được. Qua hòa hiệp, thân hữu, và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể vượt thắng nhiều vấn nạn trong một con đường đúng đắn, mà không có khó khăn.
Đây là điều mà chúng tôi tin tưởng, và bất cứ nơi nào chúng tôi đi đến, cho dù đó là một quôc gia cộng sản như Liên bang Sô Viết hay Mongolia, hay đến một xứ sở tư bản và dân chủ như Hoa Kỳ và những nước Tây Âu, chúng tôi tuyên bố cùng một thông điệp. Đây là sự gợi ý và khuyến nghị của tôi. Nó là điều tôi cảm nhận. Chính tôi thực hành điều này tối đa mà tôi có thể. Nếu quý vị cảm thấy đồng ý với tôi, và quý vị tìm thấy giá trị nào đấy trong điều tôi vừa nói, thế thì nó đã xứng đáng.
Quý vị thấy, đôi khi những người tôn giáo, những người thể hiện chân thành trong sự thực hành tôn giáo, rút lui khỏi phạm vi hoạt động của nhân loại. Trong quan kiến của tôi, điều này không tốt. Nó không đúng. Chúng ta hạn chế điều này, nhưng chúng ta nên truyền lực cho điều này. Bởi vì trong những trường hợp nào đấy, một người ước nguyện một cách chân thành để dấn thân trong một khuynh hướng thiền quán thế thì cũng đúng đắn thôi để tìm sự cô lập cho một thời gian giới hạn nào đấy. Nhưng những trường hợp như thế vượt xa ngoại lệ, và đại đa số chúng ta phải thể hiện một sự thực tập chân thành trong hoàn cảnh của xã hội loài người.
Trong Phật giáo, cả học hỏi và thực tập là cực kỳ quan trọng và chúng phải đi liền với nhau. Không có kiến thức, chỉ dựa trên tín ngưỡng, tin tưởng và tin tưởng hơn là tốt nhưng không đủ. Vì thế, phần vận dụng lý trí phải được hiện diện một cách xác định. Cùng lúc, sự phát triển trí óc nghiêm nhặt mà không tin tưởng cùng sự thực hành , cũng không có lợi ích. Thật cần thiết để phối hợp kiến thức phát sinh từ sự học hỏi với sự thực hành chân thật trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Hai điều này phải đi đôi với nhau.
4- HỎI: Ngài đã từng nói về phụng sự. Làm thế nào chúng ta có thể phụng sự trong xã hội Tây phương?
ĐÁP: Nếu bạn giúp đở dù chỉ một người, đấy là giúp đở, là phụng sự. Có những cơ hội rộng rãi để giúp đở người khác trong lĩnh vực học vấn, trong trường học, đại học, v.v… Nhiều anh chị em Ki Tô hữu đang thể hiện những việc làm như thế điều mà tôi rất khâm phục và là điều mà những Phật tử phải học hỏi. Vì thế trong lĩnh vực của học vấn và sức khỏe, bạn có thể trực tiếp cống hiến phụng sự.
Cũng thế trong những nghề nghiệp như là làm việc trong một công ty hay như một công nhân hãng xưởng, mặc dù quý vị có thể không trực tiếp giúp đở người khác, một cách gián tiếp quý vị đang phục vụ xã hội. Ngay cả khi quý vị đang hành động vì quyền lợi lương bổng của mình, một cách gián tiếp nó hổ trợ mọi người, và quý vị nên hành động với một động cơ tốt lành, cố gắng nghĩ, “Việc làm của tôi là ý nghĩa giúp đở mọi người.” Nếu quý vị đang chế tạo súng hay đạn, dĩ nhiên nó sẽ khó khăn. Nếu quý vị đang chế tạo súng đạn, và luôn luôn nghĩ,”tôi đang làm điều này để giúp đở người khác,” nó sẽ là đạo đức giả, có phải không?
5- HỎI: Tôi không cảm thấy xứng đáng như một con người. Làm thế nào tôi có thể hành động trên điều này như một thiền sinh bắt đầu tu tập?
ĐÁP: Bạn không nên ngã lòng. Khả năng nhân bản là giống nhau cho tất cả mọi người. Sự cảm nhận của bạn, “tôi vô giá trị,” là sai. Chắc chắn là sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Tất cả chúng ta có năng lực của tư tưởng - vậy bạn đang thiếu điều gì? Nếu bạn có sức mạnh ý chí, thế thì bạn có thể làm bất cứ điều gì. Nếu bạn trở nên ngã lòng, nghĩ rằng, “Làm thế nào một người như tôi có thể làm được bất cứ điều gì?”, thế thì không thể nào bạn có thể thành công. Do vậy, trong Phật giáo thường nói rằng bạn là người thầy của chính bạn. Bạn có thể làm bất cứ điều gì.
6- HỎI: Một người có thể giác ngộ mà không cần phải tách rời khỏi thế giới được không?
ĐÁP: Chắc chắn. Viễn ly thế giới có nghĩa là từ bỏ sự dính mắc với thế giới. Nó không có nghĩa là quý vị phải tách biệt với nó. Mục tiêu chính của giáo nghĩa đạo Phật là để phụng sự người khác. Nhầm mục tiêu phục vụ người khác quý vị phải ở lại trong xã hội. Quý vị không nên cô lập chính mình với xã hội còn lại.
7- HỎI: Hoàn thành tất cả điều ấy là đòi hỏi trên con đường (học hỏi, hướng dẫn, thiền quán) và hoạt động cung cấp thực phẩm, nơi cư trú, và bảo vệ cho cho gia đình một người là hai nguyện ước tròn vẹn. Làm thế nào chúng ta có thể quân bình tất cả những lời nguyện ước của chúng ta?
ĐÁP: Chúng ta phải hành động tối đa cả hai điều này như mình có thể làm. Điều này vị trí của riêng tôi, vì chính tôi cố gắng để làm những sự thực hành nào đấy nhưng cùng lúc thể hiện việc làm trên thực tế lợi ích cho người khác. Cho những người cùng trường hợp tương tự như tôi, khía cạnh quan trọng nhất là trau dồi một động cơ tốt đẹp và thể hiện chương trình hàng ngày với nó. Trong buổi sáng sớm cũng như vào buổi tối khuya, quý vị có thể dành ít nhất nửa giờ đồng hồ trong sự thực hành thiền quán, tụng kinh, trì chú, thực tập yoga, hay những điều tương tự. Rồi thì, trong khi làm việc ban ngày, quý vị nên nhớ đến động cơ.
Mỗi buổi sáng trước khi hoạt động, chúng ta nên phát sinh một quyết tâm để thể hiện trong ngày làm việc hôm nay theo những lời giáo huấn và cho sự lợi ích tối đa đến những người khác. Vào buổi tối, trước khi lên giường ngũ, kiểm soát lại những gì chúng ta đã làm suốt ngày, cho dù chúng ta thực sự hành động theo với điều quyết tâm ban đầu hay không. Đấy là cách thể hiện sự thực tập hằng ngày như thế nào.
A TALK TO WESTERN BUDDHISTS
Trích từ quyển “The Dalai Lama A Policy of Kindness”
Tuệ Uyển chuyển ngữ
27-05-2009
Nguồn: thuvienhoasen.org |