MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG
nhìn qua lăng kính văn học Phật giáo
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
(tt)
2.4. Luận thuyết.
Đây thuộc thể loại sáng tác, trước tác hay trước thuật của các vị thiền sư. Thể tài văn học này rất phong phú. Về hình thức thường sử dụng tản văn, văn biền ngẫu, đôi khi xen kẽ cả thơ. Nội dung khá rộng rãi. Có bài là thuần túy tư tưởng Phật: Dựa theo kinh, pháp để dạy đồ chúng, pháp môn tu tập, nói về giới luật, kinh điển, Tăng-già; lại còn có những bài thiên về triết luận đạo đức nhân sinh. Có bài liên hệ quốc gia đại sự như khuyên vua, giúp nước.
Về đời Lý, người ta còn tìm được mấy đoạn tư tưởng của Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn. Tăng phó Nguyễn Thường khuyên vua Lý Cao Tông không nên mê đắm âm nhạc buồn thảm. Quốc sư Viên Thông bàn việc trị loạn, nguyên tắc dùng người, đạo đức bản thân... để khuyên vua Lý Thần Tông. Có những đoạn văn như sau:
- Yêu người là kính trọng kẻ dưới, sợ hãi tựa như leo bám dây mục (An nhân giả kỉnh kỳ hạ dã, lẫm hồ nhược ngự hủ sách).
- Sửa mình là cẩn thận ở trong lòng, run rẫy như đi trên băng mỏng (Tu kỷ giả thận ư trung dã, lật nhiên như lý bạc băng).
Hoặc: “Được người thì trị, mất người thì loạn”; hay: “Dùng quân tử thì được thịnh, dùng tiểu nhân thì suy vong”.
Vào thời này, lời khuyên dạy của các vị thiền sư là mẫu mực, là thước đo, là chiến lược, là chính sách cho các vua trị nước. Nếu vua nghe theo thì nước nhà an ổn, hưng thịnh; nếu vua vì tửu sắc mà không nghe theo thì triều đại ấy suy tàn.
Thể loại văn học thời này còn nhiều như biểu, tấu, truyện, sử... nhưng chỉ cần khái quát chừng ấy, ta cũng đã hình dung ra sự phong phú của nó.
3. Văn tự, ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là yếu tố, là chất liệu, là phương tiện để xây dựng nên hai loại hình văn học là tư duy khái niệm và tư duy hình tượng. Không có ngôn ngữ, văn tự thì không có văn học.
Người ta thường nói Việt Nam có 4 ngàn năm văn hiến; tức là có ngôn ngữ, chữ viết, văn tự đã 4 ngàn năm. Tuy nhiên, chẳng có ai chứng minh được điều đó vì thời đại Hùng Vương về trước vẫn còn được xem là khuyết sử; và ngay thời đại Hùng Vương - 18 đời vua mà tồn tại 2000 năm - thì cũng chẳng có ai có thể tin được! Do sử liệu của ta thường dựa vào sử liệu Trung Quốc - mà Trung Quốc thường ngạo mạn xem các nước khác đều là man di - nên ta không thể tin cậy được. Ngày nay, nhờ khoa khảo cổ học, di truyền học, ngôn ngữ học (nhất là đo sọ người) - có những phát kiến đáng cho chúng quan tâm, là giống dân Việt (Văn minh Đông Sơn - chủng Cổ Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Miến, Cao Miên, Lào, Gia Rai, Mường, Lạc Việt - tất cả đấy chính là Bách Việt) là một chủng tộc cổ sơ, có ngôn ngữ, chữ viết cổ sơ - có thể gọi là có cả 5000 văn hiến! .
Nhà sử học Lê Mạnh Thát nói rằng, ông đã tìm ra bài “Việt ca” trong chính sử nhà Hán nhằm chứng minh chữ Việt cổ đã có mặt từ thời Hùng Vương (Tất đã có tiếng nói và chữ viết). Các nhà khảo cổ tìm thấy những ký hiệu chữ viết trên trống đồng Đông Sơn, họ cũng dự đoán đấy là thứ chữ của người Việt cổ, khoảng thế kỷ thứ IV trước công nguyên.
Một vài sử liệu trong “Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh”... GS. Lê Mạnh Thát cũng tìm ra một vài hình thái chữ Việt xen lẫn giữa kinh văn Hán.
Như vậy, từ những cứ liệu ấy, ta có thể giả đoán chữ Việt cổ đã được tìm thấy cách đây trên 2000 năm, nhưng sau đó mất tích do tình trạng Bắc thuộc - nhưng tiếng nói thì còn! Đến thế kỷ thứ V, thiền sư Đạo Cao có viết hai tác phẩm ngôn ngữ học dựa theo âm Hán nhằm truyền bá chữ Việt... nhưng sau đó rồi cũng chìm mất. Thế là cả một ngàn năm, dân tộc Việt phải sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thống trong hành chánh, trong dịch thuật, sáng tác, trong học hành, thi cử...
Đến thời nhà Lý, lần đầu tiên, ta tìm thấy các vị thiền sư sử dụng chữ Nôm - tức là thứ chữ sáng tạo đọc theo âm Việt nhưng lại mượn chữ tượng hình, tượng thanh của Hán ngữ. Người ta tìm thấy thiền sư Đạo Hạnh đã viết một bài vè có tên là “giáo trò” có 4 chữ, 8 câu theo điệu dân gian, mộc mạc - bằng chữ Nôm. Đây là bài “giáo đầu” trong các cuộc diễn trò - cụ thể là hát chèo và múa rối - thuộc loại sớm nhất văn học Nôm ở nước ta. Chính nhờ sự khởi xướng này của Đạo Hạnh, đồng thời, do muốn thoát ly ảnh hưởng văn hóa Tàu, muốn khởi động tinh thần tự chủ của dân tộc, mà sau này, vua Trần Nhân Tông đã viết những bài phú bằng chữ Nôm xuất sắc như: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và cư trần lạc đạo phú...
Tinh thần dùng chữ Nôm để thay thế chữ Hán trải qua quá trình vận dụng sáng tạo của dân tộc, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, công lao ấy được phát tích tại nhà chùa. Cụ thể là khi viết tên tuổi, họ hàng, quê quán trên sớ điệp trong các cuộc lễ cầu an, cầu siêu - chữ Hán thường không đáp ứng đủ hoặc không viết được tên chữ Việt - nên các nhà sư phải chế tác, lâu dần thành chữ Nôm .
Các thời đại đi sau, sau Trần Nhân Tông, Huyền Quang, nhiều tác giả sử dụng văn Nôm như là phương tiện để sáng tác văn học... như Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Trần Ngạc, Hồ Quý Ly...
4. Đề tài sáng tác.
Triều Lý được xây dựng do kiến trúc sư Vạn Hạnh với sự hỗ trợ của một số các vị thiền sư khác - nên văn học thời này, toàn bộ là văn học Phật giáo. Có một vài bài thơ xen kẽ tư tưởng Nho hay Lão nhưng chưa đáng kể, vì Phật vẫn là chủ đạo. Do vậy, đề tài sáng tác chủ yếu là sự tu tập, tư tưởng giáo pháp, tâm yếu thiền, kinh nghiệm tâm linh tu chứng. Lan xa hơn chút nữa là răn dạy môn đồ, khuyên vua giữ tâm, giữ đức. Ngoài ra, có những sáng tác có tính tự sự hoặc được ngẫu cảm từ thiên nhiên với ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà hình tượng văn học - không thua gì khí hậu Hán-Đường. Tuy có ngẫu cảm về thiên nhiên, nhưng thiên nhiên ấy không phải là chủ đạo; nó chỉ là “duyên sự”, là “cái đinh để treo bức tranh thiền”. Thiên nhiên ấy bao giờ cũng được cảm nhận qua tâm thiền để gởi gắm kinh nghiệm tâm linh siêu thoát.
Các đề tài tư tưởng, triết lý cũng vậy - nó không rơi vào loại triết luận duy lý khô khan mà luôn được chế biến bằng cảm xúc nghệ thuật ngôn từ.
Trong khi nghiên cứu thơ thiền, các nhà nghiên cứu còn đưa ra mảng đề tài về con người và cuộc sống trần tục. Đấy là một hiểu lầm thậm thâm nguy hiểm. Đời Lý không có thiền sư nào sáng tác văn học về đề tài con người hay đề tài cuộc sống trần tục. Nếu các ngữ lục, bi ký, truyện có đề cập về tiểu sử, cuộc đời và hành trạng... của một vị thiền sư - thì đấy đâu hẳn là nói về “con người” - mà nó nói về nhân cách, phong thái và cả cuộc đời tu chứng, phụng sự của vị ấy. Họ còn nói rằng, có một bộ phận văn học quan niệm về con người, như con người ngộ đạo, khát khao hòa nhập vào vũ trụ, pháp giới. Điều này có thể đúng, có thể không. Đúng, nếu người ta coi đạo Phật như Bà-la-môn giáo, muốn thể nhập, hòa tan giữa tiểu ngã và đại ngã vũ trụ. Sai, nếu người ta hiểu được tinh thần giác ngộ, giải thoát của đạo Phật là thấy rõ ngã và pháp đều vô tự tính, rỗng không... chẳng cần thõng, cần trụ, cần ly, cần nhập vào đâu cả.
Về cuộc sống trần tục cũng vậy. Những bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ, bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác - đâu phải là tâm sự, nỗi lòng của tác giả đối với cuộc sống, cuộc đời? Bài thứ nhất, siêu thoát triết lý có, không, thoát ly ý niệm, khái niệm để ngắm nhìn thực tại. Bài thứ hai, ngẫu tác từ ngoại cảnh, thấy rõ sự sinh diệt, thay đổi của thế giới sinh vật lý - rồi đưa đến chân trời cao viễn hơn của “mùa xuân tâm linh”.
Thật đáng tiếc là một số nhà nghiên cứu với cái tâm trần tục nên nhìn đâu cũng thấy trần tục.
III. Đặc điểm và tính chất văn học thời Lý.
Nếu các thể tài, loại hình văn học là hình thức chuyển tải văn học - thì đặc điểm, tính chất nổi trội, quyết định - là nội dung của văn học. Chính nội dung của văn học với đặc trưng của nó mới là cái hồn, cái tinh hoa của văn học.
Khi phân tích đặc điểm và tính chất của văn học thời Lý, các nhà nghiên cứu đã “mượn” quan niệm về “tôn giáo” của Tây phương, “mượn” quan điểm “mỹ học”của Hegel... để tạo lập tiền đề rồi xác định giá trị. Họ nói rằng:
“- Tôn giáo là ngọn nguồn vô tận để khêu gợi cảm hứng sáng tạo.”
“- Sự kính tín, kính ngưỡng của con người đối với vị thần linh, giáo chủ... đem đến những tác động khôn cùng cho ngọn bút sáng tạo.”
Điều đầu tiên cần phải đính chính ở đây là đạo Phật không phải là tôn giáo. Tôn giáo (Réligion) là sản phẩm của Tây phương - để chỉ những tôn giáo hữu thần như Ki-tô giáo, Hồi giáo, Bà-la-môn giáo. Tôn giáo, theo định nghĩa của Tây phương thì nó phải hội đủ 3 yếu tố: Một vị Thượng đế, thần linh; một hệ thống tư tưởng và một hình thức tổ chức lễ nghi, cúng bái, cầu nguyện tha lực.
Các tôn giáo trên toàn cầu đều gồm đủ 3 yếu tố ấy nên được gọi là tôn giáo. Riêng đạo Phật thì không có yếu tố thứ nhất, không có một Thượng đế, thần linh nào cả. Có yếu tố thứ hai, tức là một hệ thống tư tưởng, giáo pháp (Tam Tạng kinh). Riêng yếu tố thứ ba, thì có nhưng được xem nhẹ. Tịnh Độ tông thì đậm đặc yếu tố thứ ba, nhưng Thiền tông thì hoàn toàn ngược lại - không có tha lực, cầu nguyện, chỉ chú trọng tự lực, tự giác.
Yếu tố thứ hai tức là “một hệ thống tư tưởng” cũng phải nên bàn lại. Có nhiều học giả sính cái học Tây, sợ rằng đạo Phật không có triết lý - nên “hệ thống tư tưởng Phật học” họ gọi là triết lý của đạo Phật. Xin thưa ngay rằng, tất cả cái gọi là triết lý, triết luận, triết học đều là sản phẩm của Tây phương duy lý, là sự chia chẻ, phân tích các ý niệm trừu tượng - thiên về luận suy, suy đoán “thực tại” chứ chưa bao giờ là “thực tại”. Đông phương, nhất là Phật giáo với trọn bộ Tam Tạng thánh điển - đức Phật do tuệ giác thâm sâu, cao viễn - ngài chứng nghiệm như thế nào thì ngài nói ra như thế ấy; nói ra, “như thị thuyết”, “như thực thuyết”. Nếu sử dụng từ triết lý thì chỉ đúng ở lãnh vực triết luận của chư tổ trong các luận thuyết của các ngài.
Vậy, đến đây, khi nghiên cứu đặc điểm tính chất văn học thời Lý chúng ta loại bỏ ra ngoài những tiêu mục như:
- Tôn giáo và cảm xúc văn học.
- “Triết lý” Phật giáo và tư duy văn học.
- Phật giáo và “bản thể luận”...
- Ý nghĩa “triết học” của chữ Tâm...
Cái mà chúng ta nghiên cứu ở lãnh vực này là:
- Cơ sở tư tưởng.
- Tư duy khái niệm.
- Tư duy hình tượng.
1. Cơ sở tư tưởng.
Văn học là một loại hình cấu trúc thượng tầng của xã hội. Nó là một hình thái ý thức nâng cao các giá trị mỹ học về đạo đức, luân lý... để vượt thoát ra khỏi thế giới của bản năng và thú tính.
Muốn hình thành một nền văn học thì phải có một cơ sở tư tưởng làm nền tảng. Nếu Tây phương dựa trên các tôn giáo và các triết gia thì Đông phương dựa trên nền tảng Đạo học của Phật, Nho và Lão.
Văn học thời Lý là của Phật giáo. Các vị thiền sư ngoài việc nghiên cứu kinh điển của Phật và của tông phái mình, họ còn nghiên cứu cả Nho, Lão... Với nghĩa rộng hơn, ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh; họ còn tinh thông cả y dược, lý số, phong thủy, thiên văn, bói toán, bốc phệ... Sở học của họ hàm tàng nội điển và ngoại điển; vừa chú trọng tu chứng bản thân vừa tìm phương tiện giáo hóa nhân quần.
Chính nhờ gặp gỡ Nho giáo mà Phật giáo như tăng thêm sức đại dụng từ, bi, hỷ, xả với nhân, nghĩa của Khổng Nho. Dễ dàng kết hợp tố chất đức hạnh của Tăng như chánh hạnh, chánh trực, ôn nhu, hiền thiện, tri túc... với chí công vô tư, liêm khiết, chánh trực... của Nho gia. Chính nhờ gặp gỡ Lão Trang mà Phật giáo dễ dàng chuyển tải những tư tưởng giải thoát, vô trụ, vô chấp, vô tướng, vô dục, vô vi. Có nhiều tư tưởng trong “Đạo đức kinh” ta tưởng như chính Phật thuyết: “Kiến tố, bảo phác, thiểu tư, quả dục” (Thấy cái trinh trắng, giữ gìn cái chất phác, ít cái tư lợi tư kỷ, bỏ bớt cái lòng ham muốn). Trang Tử thì coi cái chết bằng nhau, như nhau (tề sinh tử) - nhẹ nhàng như mảnh lông hồng; Khổng Tử thì xem “sinh ký tử quy”(sống gởi thác về). Không biết các bậc thức giả đạt quan Nho Lão, nói thì hay thế, nhưng không biết họ có ra đi được như thế không; nhưng các vị thiền sư giác ngộ sinh tử đại sự thì rất là trạm nhiên, thanh thoát, nhẹ nhàng khi xả bỏ báo thân.
Tuy nhiên, thời Lý, đất nước vừa mới xây dựng, chỉ riêng tư tưởng Phật đã đủ để ổn định và phát triển quốc gia - nên các vị thiền sư chưa cần mượn Nho, Lão. Tất cả các thể tài văn học cũng vậy, nội dung sáng tác vẫn đậm đà tư tưởng Phật. Chỉ có một vài bài có bóng dáng Nho, Lão:
- Ảnh hưởng thuật ngữ Lão: Bài "Vận nước" của Pháp Thuận.
“- Vận nước như dây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Chốn chốn hết đao binh”.
- Ảnh hưởng thuật ngữ Kinh dịch, của Viên Chiếu:
“- U minh càn tượng nhân ô thố
Khuất khúc khôn duy vị Nhạc, Hoài.”
- Ảnh hưởng hình ảnh Tiên gia, của Chân Không:
“- Nếu đến tiên gia trong động thẳm
Thuốc đan đổi cốt được đem về.”
Ngoài ra, trong văn học thời Lý, các thuật ngữ như đạo, tâm, vô vi... thường được sử dụng lẫn lộn, chung một trường khái niệm; nhưng thật ra, đạo, tâm, vô vi của Phật hoàn toàn mang ngữ nghĩa khác, khác nhau quá xa. Chỉ người học Phật nào lặn sâu vào “linh hồn” của Phạn ngữ mới nắm bắt chân xác được ngữ nghĩa ấy. Rất tiếc, mấy ngàn năm nay, đạo, tâm, vô vi... chúng ta sử dụng - đều là mượn khái niệm của Nho, Lão nên nhiều nơi đã bị sai lệch.
2. Tư duy khái niệm (ngôn ngữ khái niệm).
Sau khi có cơ sở tư tưởng, các vị thiền sư dựa trên nền tảng ấy để chuyển tải quan niệm, thái độ, chứng nghiệm... của bản thân mình - thể hiện qua loại hình văn học thứ nhất là: tư duy khái niệm hay là ngôn ngữ khái niệm.
Các thể tài văn học như ngữ lục, bi, minh, ký, sử, truyện... và cả một số kệ, thơ, có tính chất tư tưởng, triết lý... đều thuộc về ngôn ngữ khái niệm.
Chủ thể loại hình văn học này là lý tính - nên sự xúc tác, va động tương giao và phạm trù thưởng ngoạn cũng thuộc về lý tính. Tuy nhiên, lý tính Đông phương khác lý tính Tây phương.
Nếu lý tính Tây phương thuộc phạm trù tư duy phân tích, nhị nguyên, chủ biệt, hướng ngoại thì lý tính Đông phương thuộc tư duy tổng hợp, nhất nguyên, chủ toàn và hướng nội.
Do sự khác biệt ấy nên các vị thiền sư nếu có sử dụng ngôn ngữ khái niệm để diễn đạt thế giới khách quan (thiên nhiên ngoại vật) - để rồi cũng phản ánh chúng bằng cái tâm của mình. Và cũng nhờ hướng nội nên lý trí phân tích nhị nguyên, nếu có - cũng trở về với trực giác tổng hợp của tâm linh.
*- Ví dụ bài thơ của Mãn Giác:
“- Ông thấy xuân đi, xuân đến, hoa nở, hoa tàn, việc đời qua trước mắt, trên đầu già đến rồi”- thuộc lý trí. Nhưng hai câu cuối: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai” - thì đã lộ rõ “trực giác tâm linh”! Ở đây, lý trí, lý tính với những khái niệm ước lệ tương thuộc đã cùng đường, tuyệt lộ!
*- Ví dụ bài thơ “Ngôn hoài” của thiền sư Không Lộ cũng vậy.
Hai câu đầu: “Giấu mình, chọn đất dễ ưa. Niềm quê lạc đạo sớm trưa nhẹ lòng” - thuộc lý trí, tình cảm. Nhưng đến hai câu sau: “Có khi chót vót cô phong. Cất dài tiếng hú, hư không lạnh bầu!”- là đã thuộc về cảm hứng siêu thoát ngoài lý trí nhị nguyên.
Sau đây là những bài thơ thuộc ngôn ngữ khái niệm:
*- Ví dụ bài thơ của vua Lý Nhân Tông ca ngợi thiền sư Vạn Hạnh:
- Vạn Hạnh thông ba cõi
Thật hợp lời sấm xưa
Quê nhà tên Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh vua.
*- Ví dụ như bài thơ của thiền sư Cứu Chỉ:
- Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường.
*- Ví dụ bài thơ của Ni sư Diệu Nhân:
- Sanh, già, bệnh, chết
Xưa nay lẽ thường
Muốn cầu thoát ra
Mở trói, thêm buộc.
Ngôn ngữ khái niệm hoặc tư duy khái niệm cũng thuộc tư duy văn học - nhưng thường thiếu cảm xúc nghệ thuật. Cho nên, có nhiều bài thơ nửa là tư duy khái niệm, nửa là tư duy hình tượng - chất xúc tác nó sẽ thấm sâu vào đầu óc, vào cả con tim. Tư duy khái niệm thì khô khan, lạnh lùng - nhưng tư duy hình tượng lại dễ ăn sâu vào phế phủ, tạo ấn tượng sâu đậm. Thời nay, lúc gọi là văn học nghệ thuật - người ta chú trọng loại hình đi sau.
3. Tư duy hình tượng - ngôn ngữ hình tượng.
Trong lãnh vực này, nghệ thuật diễn đạt là hình ảnh, màu sắc, âm thanh... chứ không phải là các khái niệm trừu tượng. Chính nó tạo nên nghệ thuật. Thi ca sở dĩ được gọi là nghệ thuật cùng chung với điêu khắc, hội họa, âm nhạc... vì nó chuyển tải được cảm xúc, tâm hồn, cá tính và phong cách sáng tạo của tác giả. Mỹ học - cái đẹp - không phải là một bông hoa đẹp, một cảnh thiên nhiên đẹp, một cô gái đẹp, một ngôi chùa đẹp - mà chính là sự sáng tạo từ cảm xúc, tâm hồn, nhãn quan, sự chế biến chúng bằng tế bào tim, tế bào não của chủ thể sáng tạo.
Từ quan điểm có vẻ hiện đại này mà nhìn ngắm nghệ thuật văn học đời Lý quả là khiên cưỡng, áp đặt. Tuy nhiên, thật lạ lùng làm sao - các vị thiền sư đời Lý - đã có những bài thơ làm cho chúng ta ngày nay cũng phải lạnh gáy, rùng mình.
*- Ví dụ bài thơ “Ngư nhàn” của thiền sư Không Lộ:
- Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên
Ngư ông thùy trước vô nhân hoán
Quá ngọ, tình lai, tuyết mãn thuyền
Đọc bài thơ, ta thấy cảnh: “Muôn dặm sông xanh, muôn dặm trời. Một làng trồng dâu (chỉ còn nhìn thấy) cả một làng chìm khuất trong làn khói. Ông chài ngủ say không ai gọi. Lúc trưa trợt, trời quang tạnh, tuyết đã đầy thuyền”.
Vị thiền sư nghệ sĩ này đã dùng hình ảnh để nói lên, để vẽ ra. Chưa nói đến bức tranh đẹp, thanh thoát, vô sự... mà đọc xong, ta cảm nhận sự tĩnh định đến lạ kỳ, dường như trời đất, thiên nhiên, con người đều chìm ngập trong cơn đại định của thiền gia.
Ta cũng có thể tìm ra nhan nhản loại thơ thuộc ngôn ngữ hình tượng này:
- Theo gió, tiếng còi xuyên trúc đến
Đội trăng, bóng núi vượt tường sang.
(Viên Chiếu)
- Rùa mù chui vách đá
Trạch què bò núi cao.
(Viên Chiếu)
- Càn khôn gom lại đầu sợi tóc
Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng.
(Khánh Hỷ)
Và... còn nhiều nữa...
Để kết luận,
Văn học đời Lý điển nhã, cổ kính, hầu như thuần túy là tư tưởng Phật - là những áng văn bất hủ của một thời - mà nhà nghiên cứu nào, nhìn từ “cặp kính màu” nào cũng phải công nhận. Nói như vậy chứng tỏ người ta đã thấy rõ giá trị văn học dẫn đạo của các vị thiền sư trong buổi đầu xây dựng đất nước, gắn liền với các sinh hoạt khác đa dạng của thời đại. Mà, bao giờ, tư tưởng và văn học cũng cầm lá cờ tiên phong hoặc đặt nền tảng ổn định cho chính trị, nhân sinh và xã hội.
Trang sử vàng của văn học thời Lý - dầu 1000 năm qua đi nhưng nó còn sáng rỡ cho đến tận bây giờ, còn để lại các giá trị tinh thần chói lọi - là cái gì thức tỉnh đạo đức, lương tri; thức tỉnh cái đà suy thoái của nhân bản, nhân văn do nền văn minh trục vật đem lại.
Văn học thời Lý là nơi cô đọng tất thảy mọi tinh chất của thiền môn. Và dòng suối trinh tuyền mỹ học ấy chỉ chảy qua tâm hồn dân tộc, tắm mát hạnh phúc nhân sinh - chỉ một lần - và chưa thấy trở lại!?
Việt Nam chúng ta trong thời đại hội nhập đa văn hóa toàn cầu, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - lật lại trang sử của cha ông - không biết có học được bài học gì để tiếp truyền hơi thở cũng như nội lực sinh mệnh của dân tộc?
Mùa thu. Tôi nghe đất trời có gió thổi và lá rơi!
MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG
|