MỘT NGÀN NĂM THĂNG LONG
nhìn qua lăng kính văn học Phật giáo
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
I. Khái quát văn học các thời đại đi trước.
Khi nhận xét về văn học Lý, Trần - Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” đã nói rằng: “Ta thường xét về văn hiến nước nhà, văn đời Lý thì cổ áo, xương kính, phảng phất như văn đời Hán; đến thời Trần tuy hơi kém hơn đời Lý nhưng cũng điển nhã hoa thiệm, nghị luận phô bày đều có sở trường cả”.
Nhận xét ấy có thể đúng một phần nhưng không phải là tất cả. Điều đáng lưu ý ở đây là xác định rằng văn học đời Lý đã đạt được đỉnh cao về giá trị uyên áo của nó - nhưng Phạm Đình Hổ đã quên xác định rằng, văn học ấy (Lý, Trần) hầu hết là văn học Phật giáo.
Đỉnh cao về giá trị văn học ấy không phải tự dưng mà có, đột khởi mà có. Nó là sự tiệm tiến, chuyển tiếp. Nó là một dòng chảy liên tục, không gián đoạn từ thời đại Hùng Vương, kinh qua các triều đại, bất chấp các thời kỳ lệ thuộc Trung Hoa.
Từ thuở “bình minh” của văn hiến Việt và văn học Phật giáo, ta đã có:
- Việt Luật (Luật pháp của Lạc Việt, có sai khác với Hán Luật 10 điều - từ thuở Hùng Vương).
- Lịch pháp Việt (sách thiên văn, lịch số... ngày tháng, năm... của Lạc Việt).
- Bài ca Việt (bằng chữ Việt cổ mà Lưu Hướng tìm thấy trong sử liệu Trung Quốc).
- Một số kinh sách dịch của Mâu Tử và Khương Tăng Hội - ảnh hưởng tư tưởng, văn hóa suốt nhiều thế kỷ.
- Các kinh đại thừa xuất hiện, như Pháp Hoa tam-muội và Tịnh Độ Di-Đà...
Rồi sau đó, 6 lá thư trao đổi giữa thứ sử Lý Miễu với hai vị thiền sư Đạo Cao, Pháp Minh, cho ta biết thêm thông tin:
- Lạc Việt, từ thuở Hùng Vương, đã cố tạo cho mình một ngôn ngữ riêng, muốn thoát ly văn hóa Tàu; đến thời này, thiền sư Đạo Cao còn viết một tác phẩm ngôn ngữ học có tên là “Tá âm” (dựa theo âm Hán) - và một quyển tự điển Việt - có tên là “Tá âm tự”.
Tiếp đến,
- Đạo Thiền soạn: Giới quả trang nghiêm, thọ giới tinh hoằng giới thức, chú ưu-bà-tắc giới...
Thế kỷ thứ V - là thời đại mà Nho Mặc tranh với Phật - như lời của Lý Miễu: “Đây là thời đại đã bị khó khăn do bọn Nho, Mặc đang giành nhau nổi lên - thì há dễ cho chánh tín bị lu mờ - làm cho sự hủy báng (Phật) càng thêm tăng hấn.”
Phật giáo thời Lý Miễu đang rơi vào cuộc khủng hoảng, một phần là do Nho Mặc tranh giành ảnh hưởng, một phần, Phật giáo quyền năng và cầu nguyện thần bí đã thiếu sinh lực sau cuộc tự thiêu của Đàm Hoằng. Thế kỷ thứ VI, thiền phái Pháp Vân của Tỳ-ni-đa-Lưu-chi và Pháp Hiền xuất hiện. Tư tưởng của các kinh “Tượng đầu tinh xá” và “Đại thừa phương quảng tổng trì” xuất hiện, đã đáp ứng được phần nào cuộc khủng hoảng của thế kỷ thứ V, tạo nên sinh lực mới. Những người Phật tử như Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục đã đứng lên giải phóng dân tộc. Các nhà sư và một số tu sĩ trí thức Phật giáo rành thông tiếng các nước đã tìm ra mối bang giao với Chiêm Thành, Java... phối hợp viện binh, hợp đồng tác chiến, lấy lại quyền tự chủ, độc lập .
Thời lệ thuộc nhà Đường (603 - 906) dòng thiền Pháp Vân phát triển mạnh, song song với Kiến Sơ, sau cuộc khởi nghĩa khác của Mai Hắc Đế và Bố Cái Đại Vương; thời này, tư tưởng thiền Đông độ đan xen kinh Kim Cương tạo cho văn học một khuôn mặt mới.
Đây là giai đoạn rầm rộ bang giao nền văn học của hai nước Việt - Trung. Thật khó lòng biết rõ là ai ảnh hưởng ai - vì tất thảy mọi tư liệu đều thuộc về thư tịch Trung quốc hoặc suy luận, chắp chỗ này nối chỗ kia; nhiều nguồn lại thiếu kiến văn học thuật lẫn phương pháp khoa học của các nhà nghiên cứu sử đi trước. Có thể các nhà sư Trung Quốc trước khi Tây Du đều tìm xuống Giao Chỉ để học tiếng Phạn, tìm hiểu văn hóa, địa lý “rợ Hồ”. Có thể các nhà sư Giao Chỉ quen biết các nhà sư Trung Quốc, cùng nhau tổ chức những chuyến tàu vượt biển sang các nước Nam Á đến Tích Lan rồi lên Ấn Độ. Ngoài ra, đâu cũng biết rõ triều đình nhà Đường đã mời một số nhà sư hữu danh ở Giao Chỉ thuyết pháp tại kinh đô Lạc Dương và tại triều đình. Một số danh sĩ đương thời như Thẩm Thuyên Kỳ, Dương Cự Nguyên, Giả Đảo... làm thơ ca tụng đức tài của các nhà sư Giao Chỉ. Lại còn có vị sư như Đại Thừa Đăng có công bút thọ 8/10 công trình dịch thuật vĩ đại của Huyền Tráng... Sự tới lui, qua lại nhộn nhịp ấy đã ảnh hưởng lớn lao đến các bậc thức giả Trung Quốc; nên dù lệ thuộc Tàu, ở Giao Chỉ vẫn tồn tại chính quyền “lưỡng đầu”: Thứ sứ Tàu hữu danh vô thực và quyền tự quyết vẫn nằm trong tay Lạc Việt .
Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, đuổi Tàu về nước, đăng quang vương vị; rồi nhà Đinh, nhà Lê xây dựng sự nghiệp, phát triển đất nước.
Khái quát đi qua cả ngàn năm như vậy để biết rằng, sinh lực và hơi thở của văn hóa Việt Nam đi liền với văn hóa Phật. Vậy, sự hình thành văn học thời Lý - phải nói là tập đại thành tinh hoa của hơn mười thế kỷ. Muốn tìm ra diện mạo của văn học đời Lý, chúng ta phải nghiên cứu từ chiều hướng ấy.
II. Diện mạo văn học thời Lý.
Khái niệm về văn học từ thời cổ đại, trung đại cho đến hiện nay có nhiều sự thay đổi, nhiều quan kiến sai khác.
Từ thời cổ và trung đại, các bộ môn như văn, triết sử đều được gọi chung là văn học. Những kinh, sách, những tác phẩm lấy “tư duy khái niệm” làm nền tảng, như sách triết luận, sách dạy về lý luận, sách dạy về đạo đức làm người; toàn bộ văn sách, cảnh sách ấy đều được ghép vào loại hình văn học. Thậm chí, kinh điển được dịch hoặc những tư tưởng được rút ra từ đấy, đem bình luận, phân tích cũng được gọi là văn học. Từ thời cổ đại, chúng chưa có ranh giới - mà vào thời trung đại vẫn chưa có ai phân tích rạch ròi loại nào là “văn học”, loại nào là “phi văn học”.
Người xưa đã đi từ các quan niệm:
- Có văn hóa tất có văn học.
- Có ngôn ngữ, văn tự tất có văn học.
- Tư duy tôn giáo tất là tư duy văn học.
- Có phiên dịch, trước tác, trước thuật tất là có văn học.
Ngày nay, theo quan niệm của khoa lý luận văn học hiện đại, thì tư duy hình tượng là đặc trưng của tư duy văn học; còn tư duy khái niệm có tính logic, biện chứng, luận lý, thuần lý - được gọi là “phi văn học”. Vậy, những gì được sáng tạo thông qua tâm trạng, tình cảm, cảm xúc... mới được gọi là văn học - hoặc là “văn học phi chức năng”. Còn những gì thiên về khái niệm trừu tượng, tư duy trừu tượng, logic, biện chứng - đều được gọi là phi văn học - hoặc là “văn học chức năng”.
Dầu sao, chúng chỉ là quan niệm - tiện cho việc thống kê, phân tích, tỷ giảo của những đầu óc duy lý - chứ thật ra cũng khá gian nan khi phân biệt cho rạch ròi. Dù văn học hay phi văn học, chúng vẫn là văn học. Dù chức năng hay phi chức năng, chúng vẫn là văn học. Nghiên cứu văn học thời nhà Lý, thuở bình minh của trung đại, tiêu chí không biên giới giữa hai loại hình văn học trên - lại càng hợp lý hơn. Như vậy, các thể tài, các loại hình sau đây đều được xem là văn học: bi, minh, chiếu, chế, biểu, hịch, cáo, ngữ lục, luận thuyết, văn sách...
Theo chiều hướng ấy, khi nghiên cứu văn học thời Lý, ta phải bắt đầu nghiên cứu tác giả, nội dung tác phẩm cũng như các thể loại mà chúng đã thể hiện.
1- Tác giả.
Theo tập “Thơ văn Lý, Trần”, người ta đã thống kê cả thảy có 74 tác giả, thuộc thời Lý; trong đó có 60 tác giả có tên và 14 tác giả khuyết danh.
Trong số 60 tác giả có tên thì đa phần đều là thiền sư. Đại lược như: Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh, Định Hương, Thiền Lão, Cứu Chỉ, Huệ Sinh, Viên Chiếu, Ngộ Ấn, Mãn Giác, Chân Không, Diệu Nhân, Không Lộ, Minh Không, Đạo Hạnh, Giới Không, Khánh Hỷ, Trí Bảo, Thường Chiếu, Tịnh Giới, Y Sơn, Hiện Quang...
Còn vua chúa, quý tộc chỉ có 4: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Ỷ Lan, Lý Nhân Tông. Số quan lại, nho sĩ thì có 6: Chu Văn Thường, Lý Thừa Ân, Đoàn Văn Khâm, Nguyễn Công Bật, Dĩnh Đạt, Ngụy Tư Hiền.
Thống kê, điểm danh khái lược như vậy - để biết rằng - đời Lý là thời phát triển cao độ của Phật học, cụ thể là thiền học. Nó đã từ khung cảnh thiền môn, ảnh hưởng đến khí hậu cung đình, sau đó là lan sang quan lại. Sau này, khi nghiên cứu văn học đời Trần, ta lại thấy chúng lan rộng xa hơn, thấm sâu vào xã hội, nhân sinh... rồi dần dần trở thành huyết mạch, sự sống, hơi thở của con người qua phong tục, tập quán, ca dao, thành ngữ, tục ngữ...
2. Thể loại văn học.
Gần như toàn bộ văn học thời Lý phải nói là văn học Phật giáo, văn học thiền học - đã được khởi nguyên từ khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Vào các vua Đinh, Lê và đầu triều Lý, tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, hoặc “Phật dụng Nho” chỉ mới manh nha, chưa định hình, chưa trở thành sách lược của triều đình - mặc dầu tư tưởng lấy Phật làm chủ đạo đã được tiên tri từ đầu thế kỷ thứ IX, qua câu kệ của thiền sư Định Không:
“- Đất trình pháp khí
Một món đồng ròng
Để Phật pháp được hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp.”
Tiếp sau Định Không là Pháp Thuận với bài thơ “Nga nga” để tiếp Lý Giác; Khuông Việt với bài từ "Nguyễn Lang quy" tiễn Lý Giác về Tàu. Ấn tượng nhất là bài thơ “Vận nước như dây quấn” của Pháp Thuận, những câu kệ tiên tri của Đa Bảo cùng những tiên tri của Vạn Hạnh - đã đưa triều Lý lên ngôi; đấy hoàn toàn là công đức của các vị thiền sư. Mãi cho đến khi Lý Công Uẩn, sau khi dời đô về Thăng Long - lấy tư tưởng Phật làm tư tưởng chủ đạo, điểm tựa cho dân tộc - mới trở thành sách lược. Cụ thể là Lý Thái Tổ cho xây dựng chùa “Khai Quốc” đầu tiên ở kinh thành, rồi sau đó cho xây dựng liên tiếp rất nhiều ngôi chùa khác nữa. Ai “mở nước”? Rõ ràng là Phật giáo đã mở nước, xây dựng quốc độ thanh bình, lấy tư tưởng Phật làm chủ đạo.
Vào giai đoạn đầu triều Lý - tức là đầu thời kỳ trung đại - các thể loại văn học tương đối đa dạng. Ta có thể khái lược:
- Văn học phụng sự triều đình trong các công tác hành chánh, như: Chiếu, chế, biểu, hịch...
- Văn học phụng sự giáo dục: Văn sách, kinh nghĩa...
- Văn học phụng sự Phật học: Kinh, kệ, thơ thiền, ngữ lục, tụng cổ, niệm tụng, minh, bi ký, luận thuyết, truyền đăng...
Trong các thể loại văn học trên, ngày nay, nếu khu biệt văn học Phật giáo - thì chúng ta chỉ nghiên cứu các loại hình văn học phụng sự Phật học. Vì đây mới chính là sự thể hiện tạo nên diện mạo văn học Phật giáo thời Lý.
2.1. Kệ, thơ.
Kệ, thơ là gọi chung kệ và thơ của các vị thiền sư. Đôi khi kệ cũng chính là thơ, các nhà biên khảo văn học gộp chung lại và gọi là thơ thiền. Tuy nhiên, nếu phân định kỹ, kệ và thơ vốn là hai thể tài khác nhau.
*Kệ: Phát nguyên từ “gathā” tiếng Pāḷi. Lúc đức Phật thuyết xong một thời pháp, thường tóm tắt ý kinh bằng 1 bài kệ - thuộc thể loại văn vần. Vậy, gātha - kệ - thường có nội dung là giáo lý thuần túy. Các vị thiền sư Trung Hoa, Việt Nam cũng dùng kệ để nói về tinh túy Phật học, tâm yếu Thiền hoặc cô đọng cả một đời chiêm nghiệm, tu học hoặc sở đắc riêng tư của mình để trao gởi cho môn đồ, sau khi giảng pháp hoặc trước lúc thị tịch.
Đời Lý, Trần - các vị thiền sư nói kệ, đôi khi có lẫn tư tưởng Nho, Lão - nhưng bao giờ tư tưởng Phật, thiền học cũng là chủ đạo. Có một số vị cũng nói kệ - nhưng kệ ấy, vài câu là tư duy khái niệm, vài câu là tư duy hình tượng. Bài nào hoàn toàn là tư duy khái niệm thì nó gần với kệ. Bài nào nửa tư duy khái niệm, nửa tư duy hình tượng thì xem như nửa kệ, nửa thơ. Bài nào hầu hết là tư duy hình tượng thì đậm đà chất thơ hơn.
*Thơ: Thoát thai từ kệ ở trên, các vị thiền sư lúc thì làm thơ sấm vĩ, lúc suy lý, lúc tự sự, lúc ngẫu hứng, lúc tức cảnh sinh tình rất là đa dạng.
Do khó phân biệt nên người ta gọi chung là thơ thiền hết.
Thời Lý, các nhà nghiên cứu đã tìm ra 161 bài; trong đó hầu hết là có tính triết lý, 13 bài là sấm vĩ và chừng 10 bài tức cảnh sinh tình.
Chúng ta có thể nêu dẫn một số:
- Kệ của thiền sư Đa Bảo có tư tưởng Phật học:
- Trong cây vốn có lửa
Có lửa, lửa mới hừng
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát, lửa đâu bùng?
Nhận xét: Lửa có từ trong cây là nhân, nhân ấy phải có duyên là sự cọ sát mới thành lửa được. Vậy nhân không thể thành quả, phải có duyên góp vào mới thành quả: Nhân + duyên = quả
- Kệ của Định Hương trưởng lão có tư tưởng thiền:
- Xưa nay không xứ sở
Xứ sở là chơn tông
Chơn tông như là huyễn
Có huyễn tức không không.
Nhận xét: Mở phơi thế giới không tánh, chân diện mục... vốn thoát ly khái niệm, rỗng rang, vô trụ xứ, không chấp trước, dính mắc...
- Kệ của thiền sư Vạn Hạnh có tư tưởng Phật học dẫn đến triết lý hành động:
- Thân như ánh chớp có rồi không
Xuân thắm, thu sang sắc nhạt hồng
Gẫm chuyện thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy, đầu cỏ, hạt sương đông.
Nhận xét: Đây là kệ mà không còn mang tính chất của kệ nữa, vì hai câu đầu tuy là tư tưởng Phật học nhưng đã được thi vị hóa bằng cảm xúc hình tượng. Còn hai câu sau là thái độ cư xử, hành động.
- Kệ của thiền sư Đa Bảo thì lại thuộc sấm vỹ:
- Một bát nước công đức
Tùy duyên hóa thế gian
Sáng choang còn chiếu đuốc
Bóng mất, trời lên non.
Nhận xét: Tiên tri nhà Lý lên ngôi, được tám đời (bát = tám).
- Kệ của thiền sư Vạn Hạnh cũng thuộc sấm vỹ:
- Tật Lê chìm biển Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo lặng
Tám cõi mừng bình an.
Nhận xét: Tiên tri nhà Tiền Lê mất và nhà Lý lên ngôi vua thì thiên hạ thái bình.
- Kệ của thiền sư Đạo Hạnh là thơ có tư tưởng thiền:
- Có thì có cả trần sa
Không thì tất thảy ta bà cũng không
Nhìn xem bóng nguyệt lòng sông
Chấp chi có có, không không đời này.
Nhận xét: Có, không chỉ là ý niệm chứ không phải thực tại. Bóng trăng ở dưới sông, nó có đấy nhưng thò tay vớt thì không có. Nhưng bảo không có thì tại sao ta vẫn thấy nó có? Vậy, có cũng trật mà không cũng sai. Thực tại vốn ở ngoài có, không của ý niệm.
- Kệ của thiền sư Mãn Giác là thơ có tư tưởng thiền:
- Xuân đi, đóa đóa hoa rơi
Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu
Việc đời trước mắt qua mau
Tuổi già chợt đến trên đầu thế a!
Xuân tàn, chớ bảo không hoa
Một cành mai nở, đêm qua, trước thềm!
Nhận xét: Ngắm nhìn ngoại giới và bản thân mình thay đổi theo định luật tự nhiên của vạn hữu - thiền sư mở phơi một thế giới “Mùa xuân không sinh diệt của tâm linh”.
- Kệ của thiền sư Không Lộ là thơ có tư tưởng thiền:
- Giấu mình, chọn đất dễ ưa
Niềm quê lạc đạo, sớm trưa nhẹ lòng
Có khi chót vót cô phong
Cất dài tiếng hú, hư không lạnh bầu!
Nhận xét: Vui vẻ, bình dị, thanh thản ở hai câu đầu. Nhưng hai câu sau lộ rõ tư tưởng thiền học cao viễn từ cảm xúc tâm linh siêu thoát không thời nào có được.
2.2. Ngữ lục.
Thời Lý ta được nghe nhắc đến Tuyết Đậu ngữ lục của phái Thảo Đường. Thường thường, ngữ lục của vị thiền sư nào thì nói về cuộc đời, hành trạng, yếu chỉ thiền hoặc kinh nghiệm tu chứng trọn đời của vị ấy. Cuộc đối thoại giữa thầy và trò - được gọi là thiền ngữ, thiền thoại... cũng ở trong nội dung của ngữ lục.
“Tham đồ hiển quyết” của thiền sư Viên Chiếu cũng được xem là ngữ lục. Trong Tham đồ hiển quyết có một số câu được xem như công án, một số câu lộ rõ tư tưởng, triết lý Phật, một số câu khác thì nghe “thơ hơn cả thơ”.
*- Dạy tu hành, nghĩa gần:
- Bưng chậu nước đầy không cẩn thận
Một phen vấp ngả hối mà chi.
Nhận xét: Chăm chăm cái tâm như bưng chậu nước đầy. Phải chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi mỗi oai nghi, tế hạnh.
*- Dạy tu hành, nghĩa bóng:
- Khuyên anh hãy gắng nông tang nhé
Đợi thỏ, người kia luống uổng công.
Nhận xét: Lo nông vụ mới có gạo ăn, chớ đừng ngu si như người nước Tống kia cứ ôm cây mà đợi thỏ. Hãy tự lo tu tập mới mong giác ngộ, đừng hảo huyền chờ đợi giác ngộ nó tìm đến cho mình.
*- Dạy công án:
- Ao khô cá lên cạn
Sống cả vạn năm xuân.
Nhận xét: Gọi là công án - vì chúng ta không thể suy lý, diễn dịch theo cái biết của lý trí nhị nguyên hoặc theo các quan niệm của thế giới hữu vi. Nó chỉ có giá trị tức thời giữa thầy và trò, nhằm đối trị một vướng mắc, một chấp trước nào đó của đệ tử (thiền gọi là đối căn, đối cơ). Nó thuộc phạm trù tâm linh trực giác. Đôi khi, do người đệ tử hoài nghi Niết-bàn là nơi không sinh diệt, cắt đứt chư duyên... là chỗ chẳng còn sự sống - nên thiền sư đã gợi ý rằng - đừng lo, cái ao kia mà khô thì cá lên cạn, nó không chết đâu - nó sống cả vạn năm xuân đấy! (Tạm giải mã - con cá sống vạn năm xuân - ta có thể liên tưởng đến cành mai của Mãn Giác thiền sư).
*- Dạy rất dễ hiểu, mà ngôn ngữ thuộc tư duy hình tượng, đậm đà chất văn học.
- Khi có vị tăng hỏi: Phật và Thánh nghĩa thế nào? Thầy đáp: Ngày thì ác vàng dọi, đêm đến thỏ bạc soi!
Nhận xét: Phật một nhiệm vụ, Thánh một nhiệm vụ. Tùy thuộc thời đại, không thời gian, đại dụng... mà xuất hiện, chẳng thể so sánh được. (Lưu ý: Thánh chính là Chu Công, Khổng Tử - vậy là Nho giáo đã đi vào thiền môn).
Đôi khi thiền sư Viên Chiếu ứng khẩu mà hình tượng thơ, cấu trúc thơ rất gần với hiện đại:
- Theo gió, tiếng còi xuyên trúc đến,
Đội trăng, bóng núi vượt tường sang!
2.3. Minh, bi ký.
Minh là thể văn vần, bi ký là thể văn xuôi. Tuy thế, người ta thường xếp chúng vào chung một loại.
Tất cả minh, bi ký thời Lý đều thuộc về văn học Phật giáo.
Bi ký thuộc loại văn xuôi cổ mà ngày nay gọi là tản văn. Nội dung bi ký thường ghi chép, kể lại việc xây dựng, tôn tạo, trùng tu, công đức, tiểu sử... của người có công hoặc xuất xứ của hiện vật, công trình. Thường là ghi khắc lên chuông hay bia đá, văn biền ngẫu rất công phu.
Cuối phần bi ký thường có một bài minh - nhằm tóm tắt nội dung ở trên hoặc cảm xúc, tán thán của người chấp bút. Minh luôn luôn là thơ, loại 4 chữ hay 5 chữ... tuy nhiên, không nhất định như thế.
Đôi khi trên bia đá, trên chuông người ta còn tìm thấy một bài minh chứ không có ký - như bi minh của thiền sư Pháp Bảo soạn vào năm 1126 - nói về đạo Phật và ca tụng công lao của Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng chùa Linh Ứng. Ta chỉ chép mấy câu đầu và mấy câu cuối: