Con đường hạnh phúc: Giáo lý căn bản của Đức Phật (phần 2)
Nguyễn Duy Nhiên
Cập nhật: 09:03:35 27/09/2009

Chân đế thứ hai: dính mắc là khổ đau

Chân đế, tức sự thật mầu nhiệm thứ nhất đã không ngần ngại gì khi tuyên bố thẳng thừng rằng, đau đớn là tự tánh cố hữu của sự sống, vì tất cả mọi vật đều biến đổi không ngừng. Chân đế thứ hai giải thích, khổ đau có mặt khi ta chống cự với những kinh nghiệm của cuộc sống, thay vì biết cởi mở và chấp nhận chúng với một thái độ thông minh và từ ái.

Hiểu được chỗ này, ta sẽ thấy rằng giữa đau đớn (pain) và khổ não (suffering) có một sự khác biệt rất lớn. Đau đớn thì không thể tránh né được, sự sống đi kèm với đau đớn. Nhưng khổ thì không bắt buộc. Nếu khổ là những gì xảy ra khi ta vùng vẫy chống cự lại những kinh nghiệm của mình, vì thiếu khả năng chấp nhận, thì khổ là một điều dư thừa, không cần thiết.

Tôi đã từng hiểu lầm điểm này, khi mới bắt đầu tu tập, tôi cứ đinh ninh rằng nếu tôi công phu thiền tập cho đúng mức, mọi đớn đau của tôi sẽ biến mất. Đó là một lầm lẫn lớn. Tôi rất thất vọng khi khám phá ra sự sai lầm ấy và cũng hơi xấu hổ vì sự ngây thơ của mình. Rõ ràng là ta sẽ không bao giờ có thể chấm dứt hết những đớn đau trong cuộc đời này.

Đức Phật có dạy: “Những gì ta yêu quý sẽ đem lại cho ta đớn đau.” Tôi nghĩ đó là sự thật. Thường thì ít khi nào tôi nhắc đến lời ấy với những thiền sinh mới bắt đầu, tôi không muốn họ hiểu lầm là đạo Phật bi quan. Nhưng sự thật là vậy. Vì mọi việc đều biến đổi luôn, những mối liên hệ của ta đối với những gì ta yêu quý, hoặc mối liên hệ của chúng đối với ta, rồi cũng sẽ thay đổi. Và rồi ta sẽ chịu nỗi đau của sự mất mát, chia lìa. Chúng ta đã chọn cuộc sống tương giao ấy, vì ta chấp nhận sẵn sàng trả giá bằng sự đau đớn.

Đối với tôi, thấy được sự khác biệt giữa một thái độ dửng dưng và một thái độ vui vẻ, nhiệt tình đối với kinh nghiệm của sự sống mà không bị dính mắc, luôn luôn là một thử thách lớn (trong nhà thiền có lẽ gọi đó là một công án). Theo tôi thì chuyện ấy có thể thực hiện được. Nhưng vì trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc sống bao giờ cũng có một sự chọn lựa giữa sự “dễ chịu” và “khó chịu”, nên khó có thể nào ta lại không muốn sự “dễ chịu”. Thật ra thì rất khó để không muốn gì hết.

Người ta kể rằng thánh John of the Cross có lời cầu nguyện rằng: “Thượng đế, xin hãy ban cho con được thấy ảnh tượng của ngài!” Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi cũng muốn được thấy hình ảnh này nọ. Thời ấy là vào cuối thập niên sáu mươi, ban nhạc trẻ The Beatles và đạo sư Maharishi Mahesh đang phổ cập hóa pháp môn định tâm, và nền văn hóa lúc ấy đang có một tính chất “ảo hóa.” Và tôi cũng mong muốn có một việc kỳ lạ nào đó xảy đến cho mình.

Vài năm sau đó cũng đã có những chuyện “kỳ lạ” xảy đến cho tôi. Trong một thời gian nỗ lực tích cực hành thiền, tôi kinh nghiệm được con người tôi tràn ngập ánh sáng, và tỏa chiếu nữa. Thật là kỳ diệu vô cùng. Trong lãnh vực của sự hành thiền nghiêm túc thì kinh nghiệm ấy chẳng có gì to tát hết, nhưng đối với tôi thì nó huyền diệu vô cùng. Và sau một thời gian, tôi bắt đầu cho rằng nó cũng chưa đủ kỳ diệu. Tôi nhớ lại câu chuyện của thánh Paul, bị mù lòa vì ánh sáng chói rực trên đường đi đến Damacus, và vì tôi chưa bị mù, tôi bắt đầu mong ước được thấy thêm ánh sáng nữa. Nhưng tôi không bao giờ dám thú nhận điều ấy với bất cứ một ai, vì trong giới tu hành, mong muốn được thêm lạc thú thì chẳng có vẻ thiền một chút nào hết – mặc dù tôi là thế!

Chân đế thứ hai của đức Phật là: Tham muốn bất cứ điều gì cũng khổ đau cả. Thường thường thì người ta hay diễn dịch rằng “nguyên nhân của khổ đau là lòng tham muốn,” nhưng theo tôi nghĩ thì nói như vậy cũng không thật chính xác. Nói nguyên nhân thì có vẻ như là cái xảy ra trước và sẽ sinh ra một kết quả cụ thể nào đó. Như ta hay nói: “Mong muốn bây giờ, đau khổ sau này.” Nhưng tôi tin là: “Mong muốn bây giờ, đau khổ bây giờ.”

Có lần tôi nghe một người nào đó nói rằng dấu hiệu của sự giác ngộ là khi ta lúc nào cũng có thể nói, và thật sự tin nữa: “Tôi đâu có muốn đâu, nhưng đó là những gì tôi có, thì cũng là tốt vậy!”

Mẹ vợ của con trai tôi là người không những có một thái độ khoan dung đối với những sự khó chịu, mà còn biết tán thưởng những điều đó nữa. Bà là người duy nhất mà khi tôi đi xe chung trên xa lộ ở Los Angeles, với hàng trăm chiếc xe phóng ào ào, xuyên qua lại ngang ngược trong một không khí đầy bụi bặm, khói xăng, kẹt cứng, bực bội, mà vẫn nói với một giọng ngạc nhiên chân thành: “Chà! Coi kìa, người ta đi đâu đông quá!”

Lẽ dĩ nhiên, từ chuyện xa lộ cho đến những nạn đói kém, cho đến chiến tranh, khoảng cách ấy xa vời lắm, nhưng khi ta nhận thấy được rằng thái độ chấp nhận khoan dung là có thể được, thì việc ấy sẽ khích lệ ta nhiều lắm. Sự thực nghiệm tâm linh có lẽ là để khám phá ra tiềm năng ấy trong ta và khai mở nó ra. Và chân đế thứ ba cho ta biết việc đó chắc chắn có thể thực hiện được.

Nguyễn Duy Nhiên dịch

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay