Con đường hạnh phúc: Giáo lý căn bản của Đức Phật
Nguyễn Duy Nhiên
Cập nhật: 13:13:58 20/09/2009

Con đường hạnh phúc

Giáo lý căn bản của Đức Phật

Nguyễn Duy Nhiên

Tuệ giác căn bản: Bác Ba và Ông Ngoại tôi

Bản đồ của đức Phật trình bày về hành trình đi đến tuệ giác và hạnh phúc hấp dẫn được nhiều người, vì chúng rất đơn giản. Chủ yếu, đức Phật dạy rằng khi ta buồn bực về những chuyện mà mình không thể kiểm soát được thì việc ấy chẳng có ích lợi gì. Chúng ta không hề có một sự chọn lựa nào về những quân bài mà ta được chia cho trong cuộc sống. Sự chọn lựa duy nhất mà ta có là thái độ của mình về những lá bài trên tay và sự khéo léo trong việc chơi ván bài ấy.

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước đây, khi đức Phật truyền dạy những tư tưởng của ngài, có rất nhiều người lãnh hội được ngay. Họ hiểu đức Phật thông suốt đến độ khi vừa nghe ngài nói xong, họ lập tức đạt được một sự an lạc đời đời. Và những người chưa hiểu đức Phật ngay lúc ấy, họ về thực tập thiền quán và rồi cũng hiểu.

Giáo lý của đức Phật bao gồm một vũ trụ quan mênh mông, nhưng thông điệp chánh của ngài về một lối sống lành mạnh và an vui, đối với tôi, cũng giống như bác Ba sống ở cuối phố cùng dãy với tôi, và của ông Ngoại tôi mất cách đây mười năm.

Bác Ba đã chín mươi tuổi, và ông vẫn còn rất thích trồng trọt. Bác Ba và vợ bác, một người bạn đời trên gần bảy mươi năm trời, đã tự tay chăm sóc một mảnh vườn rộng bảy mẫu tây, và hai ông bà thường bày bán trái cây ngoài nhà xe của họ. Một buổi đẹp trời mùa hè năm ngoái, tôi lái xe xuống nhà bác Ba để mua vài củ hành, tôi thấy cánh cửa nhà xe rộng mở. Tôi tự nghĩ: “Ồ! Xem kìa, bác Ba đã tự tạc cho mình một bức tượng của bác ngồi trước nhà xe, trông cứ như là người thật vậy!”

Nhưng nhìn kỹ lại thì tôi nhận thấy đó chính là bác Ba trước nhà xe, ngồi yên như một pho tượng, chờ đợi. Ông không đọc, cũng không viết, không sắp soạn những món hàng của mình, cũng không gọt chuốt một vật gì, ông không làm một việc gì hết, chỉ ngồi yên chờ đợi. Mà chẳng phải là gian hàng của bác Ba nằm trên một con đường chánh nào để có thể ngồi nhìn xe cộ qua lại. Nhà xe nằm ở phía sau căn nhà bác, và ngôi nhà lại nằm trên một con đường nhỏ vắng vẻ. Không có gì qua lại hết. Chỉ vì bác Ba không có một việc nào cần phải làm, nên bác không làm gì cả. Tôi chưa bao giờ luận bàn triết học với bác, nhưng tôi đoán rằng có lẽ bác sẽ nói: “Nếu nó không hư thì đừng có sửa,” và “Nếu nó có hư, và ta sửa không được, thì đừng thèm lo gì thêm cho mệt.”

Tôi đậu xe lại, bước xuống, đi lại nhà xe trước khi bác Ba cử động. Tôi chợt nhớ là mình có để máy chụp hình trong xe, tôi nói: “Bác Ba, cháu muốn chụp một tấm hình của bác, được không?” “Được,” bác trả lời. Bác không hề hỏi tại sao.

Tấm hình ấy đẹp lắm, bác Ba ngồi yên cạnh thùng cà chua và những trái zuchini. Tôi phóng lớn tấm ảnh, đóng khung và treo trong văn phòng của mình, cạnh bức hình của đạo sư Meher Baba, người mà tôi rất ngưỡng mộ. Tôi rọi lớn một tấm nữa, đóng khung và đem tặng cho bác Ba. Bác nói: “Cám ơn.”

Ông Ngoại tôi thọ chín mươi tám tuổi, ông mất vì tuổi già. Tim ông cuối cùng ngừng hoạt động, nhưng đầu óc của ông thì vẫn tỉnh táo cho đến giây phút cuối. Ông sống lâu hơn má tôi, đứa con gái đầu lòng, và lâu hơn cả ba người vợ của ông. Ông đã sống qua những giai đoạn đen tối nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Ông Ngoại tôi đến Hoa Kỳ từ Âu châu, khi còn là một thanh niên, bỏ lại sau lưng ba má, anh, chị, em ở Áo, và không bao giờ có dịp gặp lại. Ông đã tìm làm những công việc lao động tay chân, vì ông không biết đọc cũng không biết viết. Tôi nhớ ngày còn bé, hay nhìn ông Ngoại dùng một loại xà phòng vụn đặc biệt để rửa tay cho sạch. Ông là một người nhiệt tình và dễ xúc động. Khi ba má tôi làm cho tôi một buổi tiệc sinh nhật, ông Ngoại chảy nước mắt khi nghe mọi người hát bài “Mừng sinh nhật”.

Khi má tôi mất năm bà bốn mươi bảy tuổi, ông Ngoại tôi lúc ấy cũng đã bảy mươi bảy. Cái chết của má tôi là một đòn thật nặng giáng xuống cho ông. Lúc đưa đám tang má tôi ông buồn thảm vô cùng, tôi lo không biết ông có qua được khỏi ngày hôm đó không. Ông Ngoại tôi không hề che giấu nỗi đau của mình với chính ông hoặc với bất cứ một ai.

Má tôi mất vào tháng tám. Mùa hè những năm ấy ông Ngoại đang còn làm nhân viên trưởng trông coi việc bảo trì cho những dãy nhà nghỉ mát ở Maine. Vài ngày sau đám tang má tôi, ông Ngoại lấy lại sự quân bình về tinh thần lẫn thể chất và trở lại đi làm. Ông lặp lại câu nhân sinh quan của ông, mà tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần: “Thôi thì làm gì được bây giờ? Đời là vậy!” Lúc ấy tôi thấy ông giống như một nhà đại triết gia vậy.

Ông tiếp tục làm việc thêm nhiều năm nữa, tục huyền và vui thú với đám cháu chắt nội ngoại. Ông Ngoại lúc nào cũng là một người bạn thân tình đối với Ba tôi, cũng như đối với người vợ mới của ba tôi khi ông tái giá. Ông không bao giờ trở lại căn nhà ngày xưa mà má tôi đã từng sống. Trở về nơi ấy gợi cho ông quá nhiều thương nhớ.

Tôi thường ghé thăm ông Ngoại khi ông đã già, già lắm, sống trong một cộng đồng dành cho những vị cao niên ở niền nam Florida. Mỗi ngày hai lần, sau buổi điểm tâm và ăn trưa, ông hay rủ tôi đi dạo với ông. Chuyến đi thật dài vì ông bước rất chậm. Ông giải thích rằng đây là chuyến đi thưởng ngoạn của ông, một cuộc tập thể dục hằng ngày. Tôi hỏi: “Ông Ngoại nghĩ gì khi ông Ngoại đi dạo?” Ông nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: “Con nói nghĩ gì có nghĩa là sao? Khi đi thì mình chỉ có đi, vậy thôi!” Lúc ấy tôi nhìn ông Ngoại và nghĩ rằng ông chính là đức Phật.

Bác Ba cũng như ông Ngoại, chưa bao giờ được nghe ai nói gì về thiền. Tôi nghĩ là họ biết chú ý đến đời sống của họ và trở nên minh triết. Đối với đa số chúng ta, những người không có được tuệ giác một cách tự nhiên, thiền tập là một phương tiện giúp ta đạt được việc ấy.

Chân đế thứ nhất: Nỗi đau, không tránh được. Nỗi khổ, không cần thiết.

Bản đồ chánh đức Phật sử dụng để trình bày hành trình đi đến hạnh phúc và giải thoát được gọi là Tứ diệu đế, hay là Bốn sự thật mầu nhiệm.

Trong Chân đế thứ nhất, đức Phật giải thích rằng: “Ta không thể nào trốn tránh được nỗi đau đớn của cuộc đời, nhưng khổ não thì tùy thuộc vào sự chọn lựa của ta.” Thật ra đức Phật cũng không nói rõ như vậy, ngài nói bằng thổ ngữ của thời ấy. Lối giải thích của tôi bằng ngôn ngữ của thời nay chỉ là cố gắng chuyên chở cái ý nghĩa mà đức Phật muốn truyền đạt, và tôi hy vọng làm như vậy tôi không bị mang tiếng là bất kính đối với ngài.

Cuộc đời là khó khăn. Ông Scott Peck viết câu ấy mở đầu cho quyển The Road Less Traveled, và đã bán được hơn mấy trăm ngàn bản. Đôi khi tôi nghĩ có lẽ khi người ta đọc câu đầu tiên ấy, họ cảm thấy hứng khởi vì thấy có người đã nói lên một sự thật về kinh nghiệm của cuộc sống, và vì thế họ mua quyển sách ấy.

Cuộc đời cũng rất là bí mật. Dầu ta có chuẩn bị, dự định kỹ lưỡng bao nhiêu, bản chất của đời sống bao giờ cũng là không thể đoán trước được. Mấy năm nay, tôi có dán trên tấm kiếng trong phòng tắm một tờ giấy để nhắc nhở mỗi ngày: “Cuộc đời là những gì xảy đến với ta trong khi ta bận rộn dự định cho những việc khác.” Nhưng rồi cũng chẳng thay đổi được gì, tôi lúc nào cũng bỏ thì giờ ra cố gắng sửa chữa hiện tại, để hy vọng rằng mình sẽ được an vui hơn trong một tương lai huyền thoại nào đó.

Vào giữa tuổi ba mươi mấy, tôi chợt ý thức, với một nỗi hốt hoảng lớn, là tôi hoàn toàn không trang bị đủ để đối phó với sự to tát và cái đáng sợ của sự sống. Tôi đã luôn phải xoay xở để tự dối mình về một sự quân bình tế nhị mà chúng ta cần phải có, để duy trì một hạnh phúc đang treo mong manh trong mỗi giây, mỗi phút. Tôi lớn lên và thành đạt hết những gì người ta cho là sẽ bảo đảm cho mình một hạnh phúc. Tôi đã theo đuổi, học hỏi một ngành chuyên môn mà tôi đã có thể sinh sống bằng nghề ấy, và cảm thấy rất mãn nguyện. Tôi lập gia đình, có được bốn đứa con tuyệt trần và tôi thương yêu chúng vô cùng. Nhưng vì chưa bao giờ nghĩ đến sự mong manh của chúng, nên tôi cũng không hề nghĩ ngợi hay thắc mắc gì về ý nghĩa của cuộc sống.

Một hôm, ở cuối dãy phố nơi tôi ở, hai đứa bé gái trên đường đến trường bị một xe hơi lạc tay lái đụng tử thương. Đó là hai chị em, đứa lên sáu và đứa lên bảy. Tôi không quen biết chúng nhưng nghe kể, vì chúng là bạn học với con gái tôi. Đột nhiên, tôi tỉnh dậy và ý thức được sự thật là ta đang sống giữa những hiểm nguy, và mỗi giây phút của cuộc sống quý giá vô ngần. Nếu sự thật ấy đã đánh thức tôi dậy trong quân bình, hoặc ít nhất là nếu tôi chín muồi hơn một chút, có lẽ tôi đã kinh nghiệm được sự chuyển hóa mà ta thường nghe nói trong kinh điển, và sau đó cuộc đời tôi sẽ thay đổi hoàn toàn và được sống trong sự trong sáng vĩnh viễn.

Nhưng chuyện ấy đã không xảy đến với tôi. Thay vì vậy, tôi lại bị lao đầu xuống hố sâu của ảm đạm và thất vọng. Tôi không tưởng tượng được vì sao người ta vẫn có thể tiếp tục sống trong một cuộc đời mà cuối cùng chỉ có sự chết chóc, và lúc nào cũng đầy dẫy những bất ngờ. Tôi ý thức rằng tất cả những mối liên hệ trên đời này đều chấm dứt bằng một sự mất mát, và sự mất mát nào cũng đau đớn. Tôi không hiểu vì sao chúng ta lại có thể chịu đựng được!

Sự thật là bây giờ tôi có thể nhắc lại giai đoạn này của đời mình một cách nhẹ nhàng, điều ấy không có nghĩa là tôi đã không đau khổ trong thời gian ấy. Có chứ! Tôi đã đọc về những triết gia theo trường phái hiện sinh như là CamusSartre, và tự hỏi làm sao tôi đã có thể xoay xở để che giấu sự thật khủng khiếp này với chính mình trong những năm qua. Tôi tự hỏi, sao những người khác lại không một ai nhận thấy sự thật này! Làm sao mọi người lại có thể sống như thể mọi việc đều tốt đẹp, trong khi chắc chắn là không phải vậy?

Tôi còn nhớ khi dạy những sinh viên trường tâm lý học về “mặc cảm hiện sinh”, tôi thường hay kể cho họ nghe câu chuyện vui về Kierkegaard. Có người nói với Kierkegaard: “Tôi sẽ gặp lại ông thứ ba tuần tới nhé,” và ông ta trả lời: “À, tôi sẽ gặp lại anh thứ ba tới, nếu khi anh ra khỏi nhà không có miếng ngói nào rơi trúng đầu, và khi băng qua đường anh không bị chiếc xe ngựa nào đụng phải,” và ông còn tiếp thêm nhiều cái “nếu” khác nữa...

Thật ra thì câu chuyện vui ấy không có gì đáng cười hết. Tôi không thể nào nói: “Má gặp lại con chiều nay” với những đứa con mình trước khi chúng đến trường, hoặc là: “Anh đi chơi vui vẻ nha” với bất cứ một ai, mà không nghe thấy trong đó có những điềm xấu xa vang vọng bên tai.

Một phần tôi cảm thấy tuyệt vọng vì tôi nghĩ rằng, hình như chỉ duy có mình tôi là thấy như vậy. Chung quanh tôi, dường như ai cũng cảm thấy cuộc đời này là tốt đẹp, chẳng có gì đáng lo cả.

Thật là một niềm vui lớn khi lần đầu tiên tôi đi tham dự một khóa tu thiền, và nghe người ta nói lên sự thật hết sức rõ ràng - Sự thật mầu nhiệm thứ nhất là sự sống thì khó khăn và đau đớn, tự tánh của chính nó là vậy, chứ không phải vì chúng ta đã làm một cái gì sai trật hết.

Tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và vui sướng khi được gặp những người dám chấp nhận rằng cuộc đời này là khó khăn, thường khi là đau đớn, mà vẫn bình an trong khi họ công nhận sự thật ấy. Điều quan trọng là họ trông có vẻ rất an lạc. Sự kiện ấy làm an tâm tôi vô cùng. Tôi tự nghĩ: “Đây là những người giống như tôi, có một đời sống y như tôi, họ biết được sự thật và dám gọi tên nó mà vẫn cảm thấy an ổn.”

(còn tiếp)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay