Một Niềm Tin Hạnh Phúc
Mỗi khi nói về vấn đề niềm tin trong đạo Phật, chúng ta thường hay nhắc đến những lời Phật dạy trong kinh Kalama.
Có một lần, đức Phật đi ngang qua bộ lạc của người Kalama. Nghe danh tiếng của Phật, người dân của bộ lạc này tìm đến đảnh lễ và hỏi Phật,
“- Có một số đạo sư khác đi ngang qua đây. Nhưng người nào cũng làm sáng tỏ, và ca tụng quan điểm của chính mình, nhưng lại bài xích, khinh miệt, chê bai, và xuyên tạc quan điểm người khác. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: ‘Trong những vị đạo sư này, ai nói sự thật, ai nói dối?’
- Trong những trường hợp như thế, đương nhiên là các Ông có những nghi ngờ và có những phân vân! Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì phong văn. Đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin một điều gì vì đó là thói quen đã có từ lâu. Đừng tin một điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị cho ta. Đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy.
Nhưng này các Ông, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: ‘Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau’, thời này các ông, hãy từ bỏ chúng!
Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: ‘Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc’, thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc!”
Ta biết rõ và chứng nghiệm những gì?
Và chúng ta thường dựa trên lời kinh đó mà hiểu rằng, đức Phật dạy ta đừng bao giờ nên tin vào một điều gì hết, chỉ những gì tự chính bản thân mình đã chứng nghiệm rồi thì ta mới có thể tin. Thật ra đó cũng chính là lời Phật dạy, nhưng có phải trong kinh Kalama đức Phật chỉ chia sẻ với những người dân ở đấy có bấy nhiêu đó thôi chăng?
Thật ra, trong kinh đức Phật còn giảng nghĩa thêm cho các vị Kamala ấy như vầy nữa,
“- Các Ông nghĩ thế nào, lòng tham lam, sân hận hay si mê khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn
- Khi có người bị tham sân si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, nói láo, khuyến khích người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, các việc này là thiện hay bất thiện?
- Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Đáng chê hay không đáng chê?
- Đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
- Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không? Hay ở đây như thế nào?
- Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ, ở đây, đối với chúng con là vậy.
- Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông là như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên, những điều này do chính bản thân các ông hiểu rõ và tự chứng nghiệm, vậy các ông hãy từ bỏ chúng. Nếu các ông biết chấp nhận và thực hành và trọn đời sẽ được an lạc và hạnh phúc.”
Và ngược lại, đức Phật cũng lặp lại như vầy về những hành động vô tham, vô sân và vô si:
“- Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, khi không tham, không sân, không si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Khi có người không bị tham sân si chinh phục, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho người ấy hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Các Ông nghĩ thế nào, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là thiện, bạch Thế Tôn.
- Các pháp này là đáng chê hay không đáng chê?
- Không đáng chê, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?
- Ðược người trí tán thán, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc an lạc không, hay ở đây, là như thế nào?
- Ðược thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.
- Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông là như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên, những điều này do chính bản thân các ông hiểu rõ và tự chứng nghiệm, vậy các ông hãy chứng đạt và an trú! Nếu các ông biết chấp nhận và thực hành và trọn đời sẽ được an lạc và hạnh phúc.”
Chúng ta đều đã tự chứng nghiệm.
Như vậy, tôi nghĩ trong kinh Kalama đức Phật không nói về một niềm tin xa xôi nào khác mà ta cần phải đi tìm kiếm và chứng nghiệm, Ngài chỉ trình bày cho ta thấy những điều mà chính bản thân chúng ta đã từng chứng nghiệm và biết rất rõ. Chúng ta ai cũng đều biết rằng, hễ mình hành động vì ganh tỵ, nhỏ nhen, tính toán, si mê… thì đó là những điều bất thiện và chúng sẽ mang đến cho ta khổ đau. Và ngược lại, những hành động nào do bao dung, tha thứ, trí tuệ, thương yêu… thì chắc chắn sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.
Và trong kinh đức Phật cũng nhắc nhở rằng, đức tin đặt trên nền tảng "tự bản thân mình chứng nghiệm" mà Ngài trình bày, là cũng nằm trong ý đó: "Ðiều đã được nói lên với các Ông là như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên." "And in reference to this was it said."
Có niềm tin trong sự thực tập của mình
Nếu không khéo, chúng ta có thể vô tình biến những lời dạy rất thực tế của đức Phật thành lý thuyết suông, và lý luận cho rằng niềm tin của ta phải được dựa trên một sự chứng nghiệm gì to tát hay xa xôi lắm. Và rồi ta có thể lại đi tìm kiếm quẩn quanh, mà không chịu quay nhìn lại nơi chính mình.
Thật ra, đức Phật bao giờ cũng khuyên ta nên có một niềm tin vào chánh pháp và sự thực tập của mình. Những việc làm nào bị thúc đẩy do tư lợi, do tham sân si sẽ mang đến cho ta khổ đau, và nếu biết cố gắng thực tập tha thứ, rộng lượng, cởi mở… ta chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Đó là những gì mà đức Phật khuyên ta nên tin, bỡi tất cả chúng ta ai cũng đều đã chứng nghiệm và hiểu biết những việc ấy rất rõ.
Dầu xã hội hay cuộc sống chung quanh có nói rằng, giàu sang sẽ mang đến tự do, và dầu cho có một uy quyền nào đó bảo ta rằng, danh lợi sẽ mang đến hạnh phúc… ta cũng đừng vội tin. Hãy tự quay lại nhìn những gì mình đã chứng nghiệm! Những việc làm nào bắt nguồn từ những cố chấp, nắm bắt, nhỏ nhen sẽ chỉ mang đến sự bất toại nguyện và khổ đau. Và cái gì bắt đầu bằng sự buông bỏ, tha thứ và thương yêu sẽ đưa ta đến giải thoát.
Tôi nghĩ đức Phật dạy ta hãy có niềm tin và biết cố gắng thực hành điều này: mỗi lời ta nói, mỗi bước chân mình đi, mỗi việc mình làm, hãy nhớ giữ gìn chánh niệm và nuôi dưỡng một lòng thương yêu rộng mở. Và đó cũng là một niềm tin sẽ mang lại cho ta thật nhiều tự do và an lạc, hạnh phúc.
Nguyễn Duy Nhiên
|