Khoảng trống trong tâm hồn
Nguyễn Cẩn
Cập nhật: 07:25:48 09/09/2009

Khoảng trống trong tâm hồn

Nguyễn Cẩn

Những điều trông thấy…

Đã có hàng loạt những hình ảnh, bài viết báo động về bạo lực học đường, khi học sinh, lứa tuổi thích ô mai, lứa tuổi của mộng mơ lao vào nhau trút những cơn phẫn nộ bằng hung khí. Khi sân trường không bình yên thì lấy đâu bình yên cho sân cỏ, nơi mà tính chất ăn thua, cạnh tranh đã ngấm từ trong từng tế bào cổ động viên hay cầu thủ. Mới hôm nào cổ động viên Hải Phòng gây kinh hoàng trên đường phố Hà Nội thì hôm Chủ nhật đầu tháng 7 vừa qua, trọng tài đã phải ra về trong sự bảo vệ của hàng chục công an trên sân Đồng Tháp. Gần đây sân chùa cũng chẳng bình yên khi ở Tu viện Bát  Nhã, người ta đã dùng bạo lực xua đuổi tăng sĩ ra khỏi nơi tu tập bằng hung khí và cả bùn dơ. Buồn chăng? Khi những cảnh tượng trên diễn ra liên tục và thường xuyên đến mức không ngày nào không có chuyện, các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập các loạt bài, phóng sự về những chuyện scandals trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, trừ những lãnh vực chưa được phép khai thác dẫu rằng scandals ở đấy thì chẳng thiếu.(!) Còn trong đời sống xã hội, người ta đã sử dụng bạo lực như một phương tiện nhanh chóng hữu hiệu để giải quyết vấn đề hay thậm chí chỉ để thỏa mãn cái “tôi” bé nhỏ của mình.

Những điều nghe thấy…

Chúng ta nghe những nhà bình luận xã hội nói gì về nguồn gốc của xung đột hay bạo lực? Họ giải thích đơn giản nguyên nhân của mọi thứ tội lỗi, sai trái là do “mặt trái của cơ chế thị trường”(?) dù cái mặt trái ấy không ai hiểu nó ra sao. Chỉ hình dung đấy là một khuôn mặt xấu xí, đầy sẹo nhìn mọi quan hệ dưới lăng kính lợi nhuận, dịch vụ, đổi chác, tàn nhẫn, lọc lừa, phi nhân tính... Điều ấy có thể đúng khi người ta hô hào xã hội hóa các dịch vụ giáo dục hay y tế để rồi khi đến trường hay vào bệnh viện, trẻ em hay người bệnh chỉ nhìn thấy những đôi mắt lạnh lùng với những tờ biên lai học phí hay viện phí thay cho thái độ ân cần xuất phát từ lương tâm chức nghiệp. Điều ấy có thể đúng khi nền hành chính công đang bị “dịch vụ” hóa. Nhưng có phải đấy là hậu quả của “cơ chế thị trường”, hay nguyên ủy nó nằm ở một chỗ sâu hơn, xa hơn: khoảng trống của giáo dục đạo đức? Bởi lẽ trong các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển từ rất lâu như những nước Tây Âu hay Bắc Mỹ thì tình trạng bạo lực, lối ứng xử hung bạo đã được kiểm soát khá tốt. Tất nhiên không loại trừ những “kẻ giết người hàng loạt” đó đây vẫn xuất hiện, đặc biệt là Hoa Kỳ nơi súng ống được bán tự do. Thế nên không thể cứ đổ vấy cho “mặt trái cơ chế thị trường” là có thể xoa tay ngủ yên rằng cái gì nó cũng có hai mặt.

Những điều cần phải thấy và làm

Như thế chúng ta đã lúng túng trong việc giải thích tình trạng bạo lực gia tăng trong xã hội, khắp mọi nơi, sân cỏ hay sân trường, trong từng tâm hồn con người hôm nay vì “làm thế nào mà một thế giới luôn tràn ngập lòng căm thù và tức giận lại có thể có được nền hòa bình thật sự? … Tìm kiếm những giải pháp bên ngoài là một hành động đáng khen ngợi, nhưng chúng ta không thể thành công nếu tâm hồn chúng ta luôn đầy ắp những căm thù và tức giận” (Đức Đạt-lai Lạt-ma). Vậy nên lỗ hổng trong xã hội, trong mỗi con người hôm nay là thiếu sự huân tập, giáo dục tâm thức những phẩm chất để có thể sống an lạc. Đức Phật đã từng chỉ ra ba loại phẩm hạnh căn bản: Phẩm hạnh về việc giải phóng cá nhân để kiềm chế bản thân tránh xa những hành vi và lời nói gây hại cho mọi người; phẩm hạnh về sự quan tâm dành cho người khác (còn xem như là phẩm hạnh của các vị Bồ-tát), chủ yếu quan tâm giúp đỡ mọi người; và phẩm hạnh tập trung vào những kỹ thuật đặc biệt nhằm kiểm soát và mở rộng khả năng tâm hồn để có được sự sáng suốt và từ bi. Người cũng cho ta biết tình yêu đúng nghĩa phải có những phẩm chất: sự tử tế, lòng từ bi, sự cảm thông, đức trầm  tĩnh.

HT. Thích Nhất Hạnh đã có lần viết: “Bạn và đối tượng yêu thương của bạn không thể là hai cá nhân độc lập. Hãy tiếp tục chiêm nghiệm, thiền định cho đến khi bạn thấy mình xuất hiện nơi những kẻ hung ác nhất, nơi mọi đứa trẻ đang sắp chết vì đói… nơi mọi người đang bước đi trên đường, mọi người ở mọi nơi trên thế giới”. Chúng ta, nói một cách hình tượng, đang ở trên cùng một con tàu, tìm kiếm cùng một thứ: hạnh phúc. Nhưng không thể có hạnh phúc nếu mình tự co lại thành một thứ ốc đảo xa xôi. Bạn không thể là kẻ giàu sang lẻ loi hãnh tiến giữa muôn người cơ cực vì một xã hội nếu chỉ gồm một thiểu số giàu có và hàng triệu người nghèo khổ không thể tự hào là một xã hội hạnh phúc (!). Vì khi đó “Con người hiện diện ở đời như là một người khát nước ở ngoài bể khơi đang uống nước mặn. Càng uống thì càng khát và càng khát thì càng uống…” (Thích Chơn Thiện - Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāli). Thế nên trong chừng mực nào đó, xã hội chúng ta đang trải qua những khủng hoảng đạo đức, niềm tin, tình cảm và cả giáo dục khi người ta không tìm thấy lý tưởng để vươn lên, vượt qua những dục vọng của chính mình “Con người có thể mong chờ những gì từ kinh tế, chính trị, cạnh tranh… đi cùng với tham, sân, si, hận thù, v.v… nếu không phải chỉ xây dựng trên trái đất một thị trường thực phẩm khổng lồ, một thị trường vũ khí giết người hàng loạt, v.v… chỉ đem lại sự tàn bạo và sợ hãi ? (!) (TCT-sđd) và chính tác giả, trong luận án của mình đã đề nghị đặt nền giáo dục hôm nay và mai sau trên tư duy vô ngã xem con người là một hiện hữu duyên sinh hay là năm thủ uẩn, mà không phải là một thực thể (entity)... để nhấn mạnh rằng “... vai trò của giáo dục là giúp con người thấy sự thực của chính mình, sự thực của thế gíới, và loại bỏ hết thảy nguyên nhân của phiền não, khổ đau để được hạnh phúc trong hiện tại và tại đây”. (TCT-sđd)

Được như thế, khoảng trống lòng yêu thương trong mỗi con người mới được lấp đầy và cuộc sống mới thật sự mang nhiều ý nghĩa.■

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay