Mang Viên Long
MÁ GỌI
Tôi chỉ được sống bên mẹ vỏn vẹn có tám năm. Ở tuổi này, tôi chỉ biết Mẹ qua tiếng gọi mà thôi. Bên trong tiếng “Mẹ” ấy, tôi không có chút suy cảm gì nữa.
Năm tôi lên bảy tuổi, bà đau nặng, nằm liệt giường. Bà bị bệnh lao phổi. Thời ấy – 1950, trong vùng kháng chiến, làm gì có được một viên thuốc kháng sinh? Bà nằm yên trong một gian nhà cách biệt ba anh em tôi - vì người ta sợ lây bệnh cho chúng tôi nữa!
Nằm một chỗ trong căn buồng tối, bệnh tình ngày càng nặng, không có chút hy vọng kéo dài thêm cuộc sống, nên bà thường nhờ người giúp việc gọi tôi đến bên bà. Bà chỉ nhìn tôi. Hỏi tôi đôi câu bâng quơ. Rồi bà nói: “Thôi, con đi chơi đi…”. Sau lời nói ấy, tôi hình như thấy được nét mặt vui tươi, rạng rỡ của bà!
Một hôm, đang mải mê chơi vụ – bà giúp việc đến kéo tay tôi:
- “Tý ơi! Tý… Má gọi kìa…”.
Dĩ nhiên là tôi thích chơi hơn là trở về. Cuộc thi chọi vụ đang hấp dẫn tôi. Tôi chần chừ mãi, không chịu bỏ cuộc chơi.
Bà giúp việc phải quay lại gọi lần nữa, tôi mới chịu chia tay lũ bạn.
Tôi chạy một mạch về nhà, nhưng đứng ló thụt ở cửa buồng.
Bà nhận ra tôi – lên tiếng:
- Lại đây với má…
Tôi vẫn đứng yên. Bóng tối và hơi lạnh của căn buồng luôn đóng kín cửa sổ, làm tôi sờ sợ. Nghĩ đến dáng mẹ gầy khô, tóc rụng chỉ còn lưa thưa ngả bạc; tôi lại cảm thấy lo lo…
- Lại đây con! Tiếng bà lại vang lên.
Tôi bước nhè nhẹ, rụt rè.
- Con cũng sợ má sao?
Tôi giật mình: “Không, con đâu có sợ!” - Tôi đã nói dối lòng mình để bà yên tâm.
Hơn năm chục năm qua, tôi chỉ mong đợi một lần “Má gọi” mà không bao giờ có được! Mọi việc đều đi qua cuộc đời ta chỉ một lần…(1991)
CHIẾC ÁO DÀI CỦA MẸ
Cho đến khi học hết năm cuối của bậc Trung học Đệ nhất cấp, tôi chỉ còn giữ được một chiếc áo dài của Mẹ mà thôi.
Đó là chiếc áo dài bằng nỉ màu xanh đậm – còn mới; có lẽ là bà đã chỉ mặc đôi ba lần thời còn trẻ.
Tôi đã giữ kỹ trong rương khá lâu, coi đó là hình ảnh, là di vật quý báu còn lại của Mẹ bên đời mình!
Năm ấy, tôi đang cần một chiếc áo để mặc ngày Tết, nhưng không có tiền mua vải. Tôi đã mang chiếc áo dài đến năn nỉ bác thợ may trong xóm, sửa lại cho tôi chiếc áo sơ mi ngắn tay.
Và tôi đã mặc “chiếc áo đặc biệt” đó cho đến lúc chật ních – rồi đem cho một đứa cháu gọi bằng cậu.
Bây giờ, trong tay tôi không có một kỷ vật gì của Mẹ. Một chiếc lược sừng trâu chẳng hạn. Hay một chiếc gương soi tròn nhỏ mà Mẹ vẫn thường dùng… Tôi không còn chút gì của Mẹ cả!
Tôi rất đỗi ân hận, nhưng mọi việc đã lỡ như thế rồi. Đã hơn 50 năm trôi qua, tôi biết tìm lại ở đâu?
Bù lại, trong tâm trí tôi, trong tận cùng niềm suy cảm – chiếc áo dài bằng nỉ màu xanh thẫm và chiếc áo sơ mi thuở ấy, luôn an ủi tôi – rằng tôi đã được mặc chiếc áo dài cũ của Mẹ. Chiếc áo mà Mẹ tôi đã mặc thời xuân trẻ, đã thấm đượm hơi hướm và bàn tay Mẹ giặt giũ nâng niu…
Ấm áp và hạnh phúc thay!
(1985)
GIẤC MƠ MẦU NHIỆM
Khoa học giải thích “giấc mơ” là hoạt động ẩn tàng của tiềm thức – nó thường xuất hiện bất ngờ trong giấc ngủ, nhất là khi có sự kích thích thích hợp của đời sống hiện tại. Tuy vậy, giấc mơ còn phản ánh phần nào dòng chảy của tâm linh, của sự nhiệm mầu chưa có sự giải thích nào thỏa đáng.
Trong suốt thời gian hơn năm mươi năm sau ngày Mẹ tôi mất, tôi được ba lần nằm mơ thấy bà trong lúc tâm trí tôi hoàn toàn không hề nghĩ tới.
Năm tôi được 16 tuổi – nghĩa là khoảng 8 năm sau ngày bà mất – tôi bị bệnh sốt rét nằm liệt giường trong căn buồng tối. Không có một ai chăm sóc cho tôi cả, dầu tôi đang sống với người anh cả! Cơn sốt kéo dài, tôi mê man nằm bất động, không hay biết gì nữa. Trong một giấc mơ ngắn vào buổi trưa – tôi thấy Mẹ tôi về, cho tôi một trái cam tươi. Tôi sung sướng ăn hết quả cam bà cho, trong lúc bà nhìn tôi, mỉm cười hiền lành. Tôi hân hoan tột cùng. Bà đã ra khỏi giấc mơ thật chóng vánh. Tôi thức giấc. Mở to đôi mắt, nhưng căn buồng tối om. Tôi cảm thấy người tôi bỗng khỏe hẳn, nhẹ nhàng; đúng lúc cô y tá mang chiếc đèn dầu vào – chích cho tôi một mũi Quinine Max sau gần một tuần không có một viên thuốc. Tôi đã được khỏi bệnh hẳn sau đó hai ba hôm…
Lần thứ hai, năm tôi hai mươi tám tuổi: đang dạy học, tôi bị đẩy vào quân trường. Phải sống xa đời sống êm ả bên đám học trò; để sống gần với súng đạn, sự thù hằn, chết chóc – tôi vô cùng bàng hoàng, không tìm ra lối thoát. Không biết ngày mai của đời mình sẽ ra sao? Một đêm nằm ngủ ở bãi tập trong cơn mưa rả rích từ chiều – tôi đã được thấy Mẹ tôi về. Bà nhìn tôi giây lâu – không nói năng gì, chỉ mỉm cười… Bà thoáng đến, rồi thoáng đi – nhưng đã để lại cho tôi nhiều nỗi an vui, và may mắn sau đó: tôi đã được trả lại với học trò, trường học - ngay sau ngày ra trường!
Lần thứ ba - giống như các đồng nghiệp có cùng cảnh ngộ, tôi lên đường học tập ở trại 53. Đời sống kham khổ. Lao động cật lực. Tương lai quả thật là mù mịt. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, Mẹ tôi đã đến… Bà đứng bên một đầu võng, khẽ đưa võng cho tôi, đôi mắt nhìn tôi đầy thương cảm. Trông bà có vẻ buồn buồn! Tôi hân hoan gọi “Mẹ” - nhưng bà đã ra khỏi giấc mơ của tôi rồi! Chưa bao giờ tôi có được phút giây hạnh phúc tột cùng như thế. Chỉ thoáng qua thôi nhưng giấc mơ đã cho tôi niềm an lạc, những gặp gỡ hiền lành, để sớm được trở về với gia đình!
Ba lần Mẹ tôi đã đến với tôi, trong ba bước ngoặt quan trọng trong đời. Dường như bà luôn dõi theo từng năm tháng của đời sống tôi, để có mặt kịp thời. Để an ủi. Để cứu vớt tôi. Cho tôi niềm tin yêu để tiếp tục đi hết quãng đời mình.
- Mẹ ơi! Mẹ thiêng liêng và mầu nhiệm lắm – tình thương yêu của Mẹ thật vô bờ! (1981)
TUỔI GIÀ NHỚ MẸ
Người bạn già đặt tách nước trà xuống bàn, nhìn tôi giây lâu, rồi nói: “Tôi nói thật lòng, chú đừng trách tôi nha?”
Anh cứ tự nhiên - xưa nay, tôi chẳng dám buồn trách ai…
Với giọng nói quả quyết - có lẽ ông ta đã có nhiều dịp suy nghĩ - Ông lại nhìn thẳng vào mặt tôi: “Đời người có hai cái bất hạnh lớn: Một là tuổi nhỏ bị mồ côi cha mẹ sớm; hai là tuổi già không còn người bạn đời bên cạnh!”
Ông tiếp:
- Tôi đã “lãnh” một cái - cha mẹ mất sớm - nhưng “được” một cái là đến tuổi 80 - vợ chồng còn bên nhau hôm sớm an ủi, giúp đỡ… Người xưa có nói “trẻ cậy cha/ già cậy con” - nhưng bây giờ thì… hình như chẳng còn được như xưa nữa rồi!
Tôi cười: “Anh còn được một - Còn tôi thì ‘lãnh đủ’cả hai!”
Đó, chính vì lẽ đó nên tôi sợ chú trách tôi…
Nói thật điều bất hạnh của ai trước mặt họ quả là nên dè dặt thật - nhưng với riêng tôi - tôi biết rõ duyên nghiệp của mình từ rất lâu rồi - trước sau gì - đời người làm sao tránh khỏi hai cái bất hạnh lớn ấy?
Sau một ngụm trà - một phút yên lặng - tôi hỏi: “Anh có thường nghĩ nhớ về cha mẹ mình không?” - “Tuổi càng cao, tôi nhớ đến cha mẹ càng nhiều! Có lẽ, đó là nguồn an ủi duy nhất còn lại cho đời người sau bao nhớ nhung khác đã trôi qua?”
Tôi nhìn anh: “Khi nhớ Mẹ - anh thường làm gì?”
- Tôi khóc - anh đáp gọn.
Anh hỏi tôi: “Còn chú làm gì?”
- Tôi ân hận - tôi đáp, tôi không khóc được như anh - tôi luôn ân hận vì đã chưa làm được một điều gì nhỏ nhoi để báo đền ơn nghĩa sinh thành cho cha mẹ tôi cả!
Ông gật gù: “Đời người – đúng là chớ nên để một sự ân hận nào nằm sâu trong tâm hồn mình - bởi vì chính đó mới là điều bất hạnh khủng khiếp nhất!” (2003)
|