Học theo hạnh Tổ sư
Đại sư Triệt Ngộ dạy: “Thật vì sanh tử, phát lòng Bồ-đề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật.” Mười sáu chữ này là cương tông giềng mối của pháp môn niệm Phật. Nếu không phát lòng chân thật thiết tha vì nỗi khổ sanh tử thì tất cả lời khai thị đều phù phiếm, bởi vì tất cả sự khổ trong đời này không gì hơn là việc sanh tử. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, sống chết, chết sống, ra khỏi bào thai này lại chui vào một bào thai khác, bỏ lớp da này lại mang một lớp da khác, khổ não quá nhiều không kham nổi, huống chi tự mình chưa thoát luân hồi, làm sao tránh khỏi đọa lạc? Than ôi, khi một niệm sai lầm liền rơi vào ba đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, dễ tới mà khó lui chân, chịu đọa đày khổ đau kiếp kiếp! Cho nên đại chúng phải hết sức lo sợ mà nghĩ đến vấn đề sanh tử như chịu tang cha mẹ, như cứu lửa đốt trên đầu mà gắng công chuyên tinh tu tập; ta đã khổ vì sự sống chết mà cầu thoát ly, phát lòng từ bi tin tưởng đến tất cả muôn loài cũng đau khổ như vậy. Chúng sanh cùng ta đồng một bản thể, là cha mẹ ta trong nhiều kiếp, là chư Phật đời vị lai, nếu chẳng phát tâm cứu độ, chỉ cầu giải thoát riêng mình thì đối với tình có chỗ chưa an, đối với lý có điều thiếu sót. Huống chi chẳng phát đại tâm thì ngoài không thể cảm thông với Phật, trong không thể khế hợp với tánh chân, trên không thể tròn quả Bồ-đề, dưới không thể độ khắp muôn loài. Như thế làm sao báo ân nhiều kiếp, làm sao giải được oan gia nhiều đời, làm sao thành tựu căn lành gieo trồng từ xưa, làm sao sám trừ tội nghiệp oan khiên tạo ra từ trước? Và như thế thì tu hành chỗ nào cũng gặp chướng duyên, dù cho có thành tựu thì cũng chỉ là quả vị thấp, cho nên phải xưng tánh phát lòng Bồ-đề vậy.”
Đó là một trong số rất nhiều lời khai thị của chư Tổ mà Minh Tâm tôi được nghe trong suốt những buổi công khóa niệm Phật Thập Ký Số tại chùa Đức Viên (San Jose, CA). Minh Tâm tôi có thiện duyên được tham dự vào những khoá tu niệm Phật này suốt ba tháng Hạ và cuối Đông 08, và càng hạnh phúc hơn là được chọn để đọc lại những lời khai thị của chư Tổ cho đại chúng cùng nghe.
Từng lời, từng chữ, từng câu của chư Tổ dạy như tiếng đại hồng chung vang lên giữa đêm trường tăm tối, như dao cứa vào tim, như muối chà xát vào vết thương rỉ máu, đánh động vào tâm thức nông nổi đầy vọng tưởng chao đảo của kẻ ngu muội này, khiến tôi chợt bừng tỉnh cơn mộng dài suốt mấy chục năm trường triền miên dong ruỗi theo cảnh trần hư huyễn.
Nhớ lại ngày xưa, Minh Tâm tôi, một con người còn bé nhỏ, vị trí xã hội rất nhỏ, học vấn kiến thức lại càng nhỏ hơn nữa, nhưng lý tưởng lại quá to lớn, chí hướng cũng to lớn và cái Ta (cồng kềng mông muội) lại càng to lớn hơn nữa... Tôi nghe nói làm Sư có nghĩa là làm Thầy trời người (thiên nhân chi đạo sư), thế là trên đầu chồng thêm một cái đầu to lớn, tôi mang theo cả cái khối vũ trụ lý tưởng ‘làm thầy thiên hạ’ đó và cái chí khí ngạo nghễ ‘cát ái từ thân’ xuất gia, bước vào chùa và âm thầm vạch sẵn cho mình những phương pháp qui mô để xông pha nghiên cứu lãnh vực kinh điển.
Ôi! Vũ trụ trong tôi sao mà to lớn thế, sao mà bao la thế, trên cái hình thể cầu vồng năm sắc kia chỉ có mình tôi bay lượn. Ôi, tôi cảm thấy tôi anh hùng quá, tôi vĩ đại quá, dám cắt bỏ mái tóc dài chấm lưng và dám ăn chay để làm “Sư” nữa, trong khi đám bạn học cùng lớp của tôi khi ra trường đều tất bật vất vả: người thì chạy chọt để tìm một việc làm hợp ý xứng danh, kẻ thì vương mang sợi dây tình ái lập gia đình, và cũng có người mưu cầu xa hơn bay luôn ra nước ngoài tạo dựng con đường danh lợi nghênh ngang... Ôi, chỉ có mình tôi, chỉ có mình tôi là dám ra đi quyết tìm Chân Lý!
Tôi không thích học các bộ kinh Nam Tạng mà chỉ thích tụng hay nghe giảng các bộ kinh Đại Thừa Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang v.v... Tôi cũng rất say mê hình ảnh cô đơn của Phật trên tay chỉ có một bình bát đi khắp vạn dặm đường xa truyền trao chân lý hay bước đi độc hành của đại sư Vĩnh Gia Huyền Giác... và cái Ta ngạo nghễ đó của tôi lại càng ngất ngưỡng hơn khi tôi học thần chú Lăng Nghiêm, tưởng tượng diễn đạt hình ảnh một “nhà sư nữ hiệp” đầy khí phách hiên ngang xông pha vào chốn địa ngục tối tăm hay cõi đời nhiều gian khổ khó khăn như lời thệ nguyện của ngài A-nan: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê-hoàn...” Vì thế, vào những buổi công phu khuya, âm thanh chát chúa của tôi lấn át hết cả đại chúng, ồm ồm kêu gào lên những câu thệ nguyện đó như phô bày cho Đức Phật biết rõ là “Phật ơi, con đây, con là người sẵn sàng nhảy vào dầu sôi lửa bỏng để cứu khổ chúng sinh, y như ngài A-nan đã lập thệ, con đây, chính con đây!!!” và mỗi lần được nói với Phật như vậy, được phô diễn ra cái “đại hùng tâm” như vậy, tôi như khỏe hẳn ra, sảng khoái lạ thường, tâm trạng cứ bay bổng lâng lâng chín tầng mây (vì trạng thái sung mãn đó, đại chúng ở chùa đã tặng tôi biệt hiệu ‘Hội Trưởng Am Mây Ngủ’ hay ‘Kẻ gác cổng thiên đường’), và những thiên Tỳ Ni Nhật Dụng, Cảnh Sách, Oai Nghi, các thời khóa, sám nguyện, v.v... mà Sư Phụ chúng tôi bắt phải học thuộc, đều được tôi ngấu nghiến, chất đầy cái bụng tham cầu vĩ đại của tôi... và càng tự mãn với chính mình bao nhiêu, cái Ta trong tôi càng bành trướng kinh khủng lên đến nỗi tôi chỉ thấy có mình tôi là giỏi nhất chùa.
Tôi thức hôm, thức khuya, chong đèn miệt mài với sách vở. Tôi tìm tòi trong thư viện trường, tôi lục lạo những chồng sách cũ... mong tìm thấy những diễn dịch hay giải thích những thuật ngữ Phật giáo, những ý tứ thâm sâu, những căn nguyên nghĩa lý vi diệu u huyền trong kinh điển để chứng tỏ cho các huynh đệ đồng môn hay các Phật tử cái khả năng kiến thức Phật giáo của tôi. Khi bắt gặp những cái nhìn chiêm ngưỡng hay soi mói nghi ngờ, những câu nói khen tặng thán phục, tôi giả vờ khiêm tốn nhưng thấy cả cái lỗ mũi nở to ra trước mắt, phập phồng hít vào hết những âm thanh ngọt ngào khen ngợi đó. Ôi, sao những lời khen tặng của người ta mới êm tai làm sao, mới ngọt ngào dễ chịu làm sao!!! Và rồi tôi cứ sống hai mặt như thế suốt những tháng năm dài trong tự viện. Cái thế giới bên trong của tôi đầy dẫy những hình ảnh lý tưởng, siêu thực của một thiên đường tôn giáo.
Những năm cuối 80, bước vào thập kỷ 90, thiên hạ đua nhau tu tập thiền: nào thiền Minh Sát, thiền Tổ Sư, thiền Như Lai, thiền Trung Hoa, thiền Nhật Bản... tôi cũng lao vào, xục xạo tìm kiếm cho mình những công án xuất chúng. Tôi cũng thực tập thiền Sổ Tức, hít vào rột rột, thở ra phì phò, chẳng những thế, tôi lại chỉ tập thiền vào ban đêm cơ, giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng thở phì phò đứt quãng của tôi mới khiến huynh đệ tỷ muội của tôi nể sợ chứ! Thiên địa ơi! Trong số huynh đệ tỷ muội, chỉ có mỗi mình tôi là dám tu thiền! Tôi thở, tôi hít, tôi suy tầm công án, tôi nhắm mắt lim dim như đang bay vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ... Chắc chắn mọi người đang nể phục tôi đây, chắc chắn ai ai cũng đều phải cúi đầu trầm trồ những nỗ lực ‘vĩ đại, siêu quần bạt tụy’ của tôi đấy!!!
Bỗng một ngày kia, Thầy tôi cho gọi tôi đến liêu phòng, quan sát tôi một hồi, lắc đầu có vẻ ngao ngán (lạ nhỉ!) thật lâu, và buông ra một câu khiến tôi bàng hoàng dựng tóc gáy (dù chẳng có sợi nào): “Chú Tâm này (Thầy tôi hay gọi chúng tôi là các chú như chú tiểu, chú điệu mặc dù chúng tôi thụ giới Tỳ Khưu Ni đã lâu), đá xanh gặp chú cũng phải giật mình nữa là tôi!” Chỉ có một câu như vậy, thế thôi!
Ôi, sao lại thế nhỉ? Sao đá xanh gặp tôi mà cũng phải giật mình? Tôi cứ suy nghĩ mãi mà chẳng hiểu ý nghĩ của Thầy tôi ra sao cả? Một đêm nọ, đang ngồi cố tập trung vào hơi thở để khỏi phải lăn quay ra ngủ, tâm thức tôi chợt bừng sáng lên, aaa... tôi biết rồi, đó là một công án, đó là một công án. Thầy tôi, có lẽ đã nhìn thấy được ‘căn cơ trác tuyệt’ của tôi nên đã cho một công án để phá vỡ nghi tình. Đúng thế, chắc chắn là thế! Ôi, thế mà sao tôi lại ngu muội đến thế nhỉ? Đã là công án thì làm gì có câu trả lời!!! Tuyệt quá, thế là từ ngày đó, tôi lại càng tu thiền dữ dội hơn, càng ra sức thở ra thật mạnh, hít vào thật sâu hơn, càng lim dim thiền định hơn, càng tỏ vẻ như đang tập trung năng lực vào một khối nghi, quyết đập vỡ nó, tôi ít nói hẳn đi, có khi cả ngày chẳng muốn bắt chuyện với ai cả, dáng trầm tư hơn, oai nghi đĩnh đạc ra dáng vẻ lắm...
Mọi người trong chùa có lẽ như đang tôn trọng sự kiện ‘sắp thành đạo’ của tôi nên cũng tránh không làm tôi vướng bận, e dè tiếp xúc với tôi hơn. Chỉ có sư tỷ Minh Nghiêm là ngây thơ, vì ở chung một liêu, nên tỏ vẻ bức xúc cứ theo tôi hỏi thăm hoài: “Này Minh Tâm, làm sao thế, có chuyện gì không, có đau yếu gì không, sao không nói năng gì hết vậy v.v...?” Ồ, thật là quá ngây thơ, tôi khó chịu lẩm bẩm trong miệng: “Sao Chị lại vô tâm thế nhỉ? Thế Chị không nhận ra được là tôi sắp sửa chứng đắc thiền cơ hay sao đấy? Thiệt tình!!!”
Một đêm khuya, tôi không hít thở nữa vì cả đại chúng, sau mấy ngày chấp tác vất vả trong dịp Đại Lễ Phật Đản, đã ngủ vùi từ sớm rồi, đâu có ai thức mà nghe tôi biểu diễn nữa nên tôi cũng quơ đọc một tờ báo Công An mà người nào đó đã bỏ quên để tìm giấc ngủ mau hơn. Bỗng tôi bật ngồi dậy, hốt hoảng và chợt run bắn lên sau khi đọc qua một đoạn tin tức:
Tin từ khám Chí Hòa: Những tên tù nhân anh chị cũ, ngoài những cách thức đánh đập dã man, đâm chết người khác bằng nhiều thủ đoạn, khí cụ tự làm, còn phát kiến ra một cách giết người từ từ khác là đốt bao ni lông và đổ vào mắt, lên đầu, vùng hạ bộ hay tay chân những tù nhân mới không chịu tùng phục hay nộp tiền cho chúng. Chất lỏng nóng bỏng này còn kinh khủng hơn nước sôi, nóng rất dai, phá hủy toàn diện những bộ phận trên cơ thể con người, tạo đau đớn không cùng... Một đám dã thú, không còn tánh người nữa . . .
Tôi lợm giọng muốn nôn oẹ ra mà không nôn mửa ra được, cổ họng tôi đau thắt, bụng tôi quặn lại, co bóp thật mạnh, tim tôi đập liên hồi, tôi cảm thấy mệt quá, khó thở quá... kinh khủng quá, dễ sợ quá... tại sao người ta có thể dã man đối với nhau như thế, tại sao trong cùng một hoàn cảnh tù ngục đọa đày mà người ta còn có thể giết hại lẫn nhau như thế? Chỉ vì một miếng ăn? Chỉ vì mấy đồng bạc hay sao? Dễ sợ quá, ghê tởm quá. Con người là như thế sao? Thiên đường trong tôi bỗng vỡ tan ra từng mảnh. Chỉ còn niềm đau tê dại và nỗi sợ hãi khôn cùng. Tôi bỗng sợ hãi con người, tôi sợ tất cả.
Và trong nỗi sợ hãi ghê tởm đó, tôi chạy vội lên chánh điện, hốt hoảng thắp nhang khấn vái cầu cứu Phật: “Lạy Phật, xin hãy cứu con, xin cho con rút bỏ đi lời thệ nguyện nhảy vào chốn khổ Sa Bà để cứu chúng sinh đi, con sợ lắm, con sợ lắm, con không về cõi đời này nữa đâu, con về luôn với Phật thôi, ôi, sao con người lại dã man không khác gì cầm thú vậy, con không thể cứu họ được đâu, không, không, con sợ lắm, tài đức con yếu kém lắm, con xin rút lại lời thề của con, Phật Tổ chứng minh cho con, con xin rút lại, con không trở về Sa Bà này nữa đâu, dễ sợ quá.. .”
Trong cơn bấn loạn sợ hãi đó, tôi cứ lẩm bẩm khấn vái lung tung cả lên, chỉ mong sao lời thề ‘đại hùng, đại nguyện, đại bi’ đó không ứng nghiệm nữa. Từ đêm đó, tôi biến đổi hẳn đi, không còn tự tin nữa mà cũng chẳng dám phát đại tâm đại chí gì cả mà chuyên chú hẳn vào nơi thần lực gia hộ của Phật và Hộ Pháp. Tôi cũng bỏ luôn không ngồi thiền, chẳng thở ra hít vào gì nữa, cũng chẳng minh sát hay minh tâm gì gì nữa cả... tôi chỉ niệm Phật thật siêng năng, mỗi đêm ít nhất là ba chuỗi tràng, ngoài ra tôi còn trì niệm thần chú Hộ Pháp nữa. Tôi thực thi pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh chăng?
Không, không phải thế, thực tâm thời gian đó, tôi đang bám víu cầu cứu trong tiếng niệm Phật, trong câu thần chú. Không hiểu sao tôi lại bị ám ảnh nặng đến như vậy? Cảnh ngục tù giết hại lẫn nhau đó cứ lởn vởn trong đầu óc tôi khiến tôi không tài nào an giấc được, hễ chợp mắt là tôi tưởng tượng thấy cảnh ghê tởm đó liền, vì thế tôi phải bám víu vào cái phao tâm linh danh hiệu Phật để trấn áp nỗi sợ hãi trong tôi. Tôi tưởng tượng cảnh địa ngục trần gian, cảnh địa ngục cõi âm với Diêm Vương, Phán Quan, quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, tôi tưởng tượng thấy vạc dầu sôi, thấy cột đồng, thấy tội nhân đang bị hành hình tra khảo... Tôi sợ quá, tôi không thể đi vào cảnh giới đó, tuyệt đối không.
Đại chúng huynh đệ không một ai biết được sự biến đổi lớn lao trong tôi, họ chỉ thấy một con người mệt mỏi, bần thần, đôi khi hốt hoảng giật mình chỉ vì một tiếng động khả nghi hay một bóng dáng xa lạ. Có thể họ lại cho rằng tôi đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nào đó, vì tôi vốn tự cho mình là một thành phần của học phái triết gia Socrates mà, nên để yên cho triết gia Minh Tâm suy tư những vấn đề trọng đại tầm cỡ của cô ta đi.
Thiệt tình đau khổ quá! Tôi không thể mở miệng ra phô bày cái sợ vớ vẩn đó cho họ biết được, còn gì là mặt mũi chứ!! Tôi không tâm sự với một ai được, chỉ có Phật và kinh sách thôi. Tôi che giấu, trốn tránh sự sợ hãi đó và hăng hái ra sức thuyết phục Sư Phụ tôi cho phép các sư cô trong chùa mời thầy về dạy võ để tự vệ và bảo vệ cho Sư Phụ tôi, nhưng thực ra là để cứu nguy cho tôi nếu có gì bất trắc. Đêm khuya tĩnh mịch, mỗi lần nghe tiếng động nào khang khác là tôi dựng cả chùa dậy để bắt trộm, bắt cướp, có lần tôi làm náo động cả cái xóm nhỏ vì tưởng là có ăn trộm trốn trong vườn chùa. Ôi, xấu hổ quá nhưng tôi chẳng biết làm sao hơn!
Bấy giờ, ngoài thời gian chấp tác ở chùa và đi học, tôi lao vào đọc những kinh sách về Tịnh Độ để tìm một cảnh giới tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn, không có những cảnh tương tàn sát hại nhau như cái thế giới nhiễu nhương này. Sự nỗ lực học hỏi của tôi cũng có kết quả. Vài tháng sau, sự sợ hãi tưởng tượng đó dần dần phai nhạt và mất dấu. Tôi cũng đã ít nhiều thăng bằng trở lại, vui vẻ hơn, lạc quan hơn, và hình như cũng dễ thương hơn. Quý sư cô cũng thở phào nhẹ nhõm vì tôi đã không còn hăng hái thúc giục quý sư cô học võ nghệ nữa, mà có học nữa thì chắc chắn quý sư cô cũng chẳng thi lên được một cái đai xanh, đai vàng nào.
Pháp môn tu tập của tôi trong giai đoạn đó là niệm Phật. Tôi chỉ niệm Phật nhưng cũng chẳng phát nguyện cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc quốc gì cả. Tôi niệm Phật, trì chú, tụng kinh, lễ bái, chép kinh, học kinh, v.v. và v.v. như một bổn phận phải làm, không làm không được. Tôi tụng kinh như đang trả bài cho Phật, nếu không siêng năng hành đạo bái sám thì của đàn-na tín thí khó tiêu, mang lông đội sừng vay trả, trả vay, kiếp kiếp luân hồi đền mạng. Tâm trí tôi bấy giờ là phải đền ân đàn việt, đền ân Phật Tổ, chư Tiền Bối, và Sư Phụ tôi. Tôi tu đây là để trả nợ, là bổn phận, là trách nhiệm. Hướng tu học của tôi bấy giờ lại chuyển sang một mục tiêu khác. Tu có đối tượng, tu có mục đích, tu có ta có người. Mỗi ngày qua, thực hiện đầy đủ được hết tất cả các thời khóa theo đại chúng hoặc thêm vài khóa lễ bái phi thời nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khoan khoái vì đã trả nợ xong rồi, đền đáp tứ ân như thế là tốt lắm rồi. Tôi cảm thấy cuộc đời tu hành của tôi yên ổn quá, an nhàn quá. Thế mà ít có ai chịu đi tu nhỉ?
Năm năm, mười năm, mười lăm năm... thấm thoát tôi đã ăn cơm chùa được hơn mười lăm năm. Mười lăm năm. Trung bình một phần tư cuộc đời người. Tôi đã làm được gì trong quãng thời gian một phần tư đời người đó của tôi? Tôi đã đạt được gì? Tôi còn lại gì?
“Thật vì sanh tử, phát lòng Bồ-đề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật.”
Tôi có thật vì sanh tử sự đại không? Tôi có từng phát Bồ-đề tâm chưa? Hình như tôi chưa hề đặt cho tôi câu hỏi đó. Ngày lại, ngày qua, cơm sáng, cơm trưa, cơm tối, chấp tác, tụng kinh, giỗ chạp, lễ lạc, an cư, mùa hạ, mùa mưa... cuộc đời tôi trôi qua thật nhanh, những công việc đều đặn như hai mùa mưa nắng của tuần hoàn vũ trụ xoay đều, xoay đều tựa hồ như không bao giờ thay đổi. Sài Gòn hết nắng rồi lại mưa. Tôi cũng thế, hết cầu an lại đến cầu siêu, hết giỗ cha mẹ người lại đến giỗ các bậc tiền bối, hết chấp tác thì lại tụng kinh, hết sám hối mùa hạ rồi lại đến chạy lo bánh chưng ngày Tết... như một bổn phận phải trả. Có lúc tôi chợt nghĩ: “Không biết các vị tu sĩ khác có nghĩ như mình không nhỉ? Hay chỉ có mỗi mình ta như một bánh xe trật đường rầy?”
Bánh xe cuộc đời tôi cứ thế mà lăn, lăn tròn, lăn tròn qua tận xứ người, xa dần mái chùa Thầy Tổ và quê hương. Mười năm kế tiếp lặng lẽ bào mòn niềm tin và sự tinh tấn trong tôi. Tôi lao vào một đấu trường tự ngã khác với khoa bảng, học vị thế gian. Tôi say mê học, học miệt mài những môn sinh ngữ, tôn giáo, văn chương, v.v... Tôi không còn thì giờ để suy ngẫm, trầm tư hay quán chiếu nội tâm gì cả. Việc học thế tục chiếm lĩnh hầu như toàn bộ thời gian của tôi. Một hôm được rãnh rỗi một tí, tôi liếc nhìn một cách hờ hững hai tủ sách Phật học đã bám nhẹ một lớp bụi mỏng vì lâu ngày chưa có tay người chạm đến, mệt mỏi vói tay lấy đại một quyển nào cũng được gọi là tự nhắc nhở một chút đừng quên mình là một tu sĩ, và tình cờ lật thấy một đoạn luận giải trong tập Liên Trì Cảnh Sách của đại sư Viên Nhân. Ngài giảng giải về cách Buông Xả vạn duyên.
Buông xuống
Đức Phật thuyết pháp suốt 49 năm, kết tập thành Tam Tạng Kinh Điển, chính là nói gọn với chúng ta hai chữ ‘buông xuống.’ Kinh Kim Cang nói rằng:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương cũng như điện
Nên quán đúng như thế.
(Hữu vi: sự vật gì cũng có tướng, thấy biết được qua cảm giác của sáu căn ‘mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý,’ luôn chuyển biến vô thường gọi là pháp hữu vi.)
Lại nói rằng: Lìa hết thảy tướng là chư Phật. Tâm Kinh nói rằng: Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Kinh A-di-đà dạy chúng ta rằng: Chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn. Kinh Vô Lượng Thọ: Phát tâm Bồ-đề một lòng chuyên niệm. Kinh Hoa Nghiêm phần sau cùng là mười đại nguyện vương của ngài Phổ Hiền dạy chúng ta hồi hướng khắp tất cả, chỉ dạy quay về Cực lạc. Toàn bộ đều dạy chúng ta cần phải buông xuống.
Xả
Học Phật chính là cần phải xả, xả chính là được, có xả mới có được. Xả một phần được một phần lợi ích, xả mười phần được mười phần lợi ích. Giống như trên tay bạn có đồ vật mà bạn cứ luôn nắm chặt không buông ra, làm sao bạn có thể lấy được một bảo vật quý báu khác?
Như một tia chớp xẹt ngang qua tâm thức, tôi chợt thức tỉnh. Đúng, quả đúng như thế! Phải, từ bao lâu nay tôi luôn nắm giữ, không buông bỏ, khư khư nắm chặt tất cả những gì tôi có, tôi học, tôi hiểu, tôi đạt. Tất cả những thứ tri kiến thừa thãi lượm lặt đó là của tôi, chúng là của tôi, và tôi hợm hĩnh tự khoe khoang, hãnh diện với cái mớ học thức vụn vặt tự bao lâu nay của tôi. Phải, từ bao lâu nay tôi chẳng thẩm thấu một pháp môn nào cả nhưng lại tưởng là đã hiểu sâu, nắm chắc. Tôi chỉ là một kẻ ‘vào tai ra miệng,’ nghe đâu thì xâu đó, tôi chỉ là một kẻ mê muội, ngu xuẩn, hợm hĩnh một cách đáng thương! Bây giờ ngồi ngẫm nghĩ lại sự tu tập của mình, thật buồn cười và ân hận.
Người Âu Mỹ có những danh từ rất thông dụng‘me, my, mine’. Người Việt Nam chúng ta cũng có những danh từ đó như họ‘tôi, của tôi, cái của tôi’, và chắc chắn những dân tộc khác cũng đều có như vậy, và những danh từ này được sử dụng rất nhiều, hầu như có thể nói là một trăm phần trăm từ văn chương cho đến những câu chuyện tán gẫu, đầu môi chót lưỡi. Không ai mà không thích nói đến ‘tôi, cái tôi, cái của tôi.’ Tôi thích cái này, tôi không thích cái kia, tôi là bác sĩ, tôi là kỹ sư, nhà của tôi, gia đình của tôi, cái xe của tôi . . .
Chúng ta có thể nói về cái Tôi của mình hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng tháng, hằng năm, suốt cả đời mà vẫn thèm khát được nói về ta, hăng say nói về ta, và chính sự mê đắm đó là sợi dây xiết cổ, là ngục tù giam cầm, là sự đầu thai lộn lạo xuống lên trong sáu nẻo luân hồi trả vay đền mạng. Thế mà chúng ta vẫn chưa tỉnh thức, vẫn đắm chìm trong ảo tưởng về một cái ta thật có, và chấp chặt ôm đồm những cái của ta, không hề buông bỏ.
Chúng ta vẫn luôn say ngủ, mơ màng trong huyễn cảnh phù du và chưa hề có một ý niệm buông xả, rời bỏ cái thế giới ngũ dục ô trược này. Chúng ta mãi miết đi tìm những bóng dáng danh vọng, chúng ta chìm đắm trong biển tình sông ái, chúng ta hào hứng với những cuộc chơi phù phiếm xa hoa, và có lẽ chưa bao giờ chúng ta nghĩ rằng một phút giây nào đó, cái xác thân giả tạm này sẽ rời bỏ chúng ta vĩnh viễn.
Đúng vậy, tôi chưa hề tha thiết với việc sanh tử sự đại của tôi. Trong mấy chục năm qua, tôi đã đi cầu siêu, đưa đám ma, cải táng, hỏa thiêu không biết bao nhiêu lượt người hay đã đi thăm hỏi nhiều bệnh nhân sắp từ giã cõi trần, nhưng tất cả những sự việc đó như làn gió vèo thoảng qua không để lại một dấu vết sâu khắc ghi nào trong tâm khảm. Tôi đã làm xong công việc của tôi rồi, đã thực thi xong bổn phận đền trả ân tín thí của tôi rồi thì thôi, không còn đắn đo gì nữa hết, phần còn lại là của họ, không phải tôi, không phải cái chết của tôi.
Đại sư Châu Hoằng cảnh sách đại chúng: “Đại chúng! Tôi với các ông hôm nay đưa vị tăng này, ngày mai đưa vị tăng khác, không hay không biết bỗng đến phiên mình, lúc ấy hối hận không còn kịp nữa. Cần phải gấp rút niệm Phật, thời giờ đừng để luống qua, như thế mới được.”
“Tôi thấy các ông tự mình cũng bảo đáng tiếc, đối với người khác cũng bảo đáng tiếc, nhưng đến khi ở Tăng phòng vẫn bàn tán cười nói như thường, chỉ vì các ông không tin ‘mạng người trong hơi thở’.
Đại sư Hám Sơn cũng dạy: “Điều cần yếu nhất trong sự tu hành là tâm tha thiết về việc sanh tử luân hồi. Tâm sanh tử không thiết tha, làm sao dám gọi là niệm Phật thành một khối? Nếu người thật sự vì sự luân hồi mà tha thiết thì mỗi niệm như cứu lửa cháy đầu, chỉ e mất thân người, muôn kiếp khó được. Lúc ấy quyết giữ chắc câu niệm Phật, quyết đánh lui vọng tưởng, trong tất cả thời, tất cả chỗ, danh hiệu Phật thường hiện tiền, không bị vọng tình ngăn che lôi kéo. Dùng công phu khẩn thiết như thế, lâu ngày niệm sẽ thuần thục, tâm được tương ưng, tuy không khởi tâm tham cầu mà niệm lực tự nhiên sẽ kết thành một khối.”
“Ngày đêm sáu thời, chỉ đem một câu niệm Phật trấn định nơi lòng, mỗi niệm không quên, mỗi tâm không u ám. Khi ấy gác bỏ tất cả niệm đời, xem câu niệm Phật dường như tánh mạng của mình, cắn răng giữ chặt, quyết không buông bỏ cho đến lúc đi, đứng, nằm, ngồi, uống ăn, làm việc, câu niệm Phật đây vẫn thường hiển hiện. Nếu gặp cảnh duyên phiền não, tâm không được yên, chỉ nên chuyên niệm Phật, phiền não liền tự tan mất, bởi phiền não là cội gốc luân hồi, niệm Phật là thuyền vượt qua biển khổ sanh tử. Muốn thoát sanh tử chỉ đem câu niệm Phật phá tan phiền não, đó là phương pháp đơn giản mà rất hiệu nghiệm vậy.”
Tôi đã hoàn tất chương trình học tại xứ người của tôi vào đầu mùa xuân 09. Tuổi đời của tôi cũng đã quá nhiều rồi. Có lắm khi tôi tự hỏi: “Mình học mãi như vậy để làm gì nhỉ? Mình đâu có nhất thiết phải đi kiếm việc làm, thế mà suốt ngày cứ loay hoay bận rộn bài vở, bù đầu bù óc lên vậy nhỉ? Áo thì suốt năm, suốt tháng, suốt đời chỉ có một kiểu một, không thay đổi, tóc thì cũng chỉ có một kiểu là lấy tông đơ hay dao lam cạo sạch, ăn thì chỉ xoay chung quanh rau, đậu hũ và tương chao, không được nếm cái gì khác, thế mà vất vả đua tranh hết cả hơi, để làm gì nhỉ? Thật buồn cười.
Mùa hạ năm nay, tôi lại trở về chùa Đức Viên an cư cùng Ni chúng. Thời khóa đúng là trú dạ lục thời từ 5 giờ sáng cho đến 9 giờ 30 tối. Tôi nói đùa với quý Ni: “Ai nói tu ở Mỹ là thoải mái chứ? Ở Đức Viên thật đúng là không có thì giờ để góp ý hay chống đối gì cả...” Nhưng phải thú nhận là chúng tôi rất hoan hỷ và an lạc trong từng câu niệm Phật, trong từng lời cảnh sách khai thị của chư Tổ, trên từng bước chân thiền hành. Riêng tôi, tôi đã tìm thấy pháp môn thích hợp với căn cơ ám độn của tôi và tôi tự hứa là sẽ cố gắng thực hành theo lời dạy của chư Tổ cho đến hết quãng đời còn lại của mình.
Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm,
Như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc?
Đại chúng đương cần tinh tấn,
Như cứu đầu nhiên,
Đản niệm vô thường, thận vật phóng dật.
(Ngày nay đã qua, mạng sống cũng bớt,
Như cá thiếu nước, nào có vui gì?
Đại chúng nên cần tinh tiến,
Như cứu lửa cháy đầu,
Nhớ nghĩ vô thường, cẩn thận chớ có buông lung.)
Bài kệ trên là của Đại sư Tuyết Lư khai thị cho đại chúng khi kết thất niệm Phật. Ngài còn giảng giải thêm:
“Chữ ‘ngư’ mà tôi nói ở đây là con cá đang nằm trong nồi, ở dưới để sẵn củi, tuy trong nồi có nước, tạm thời cá có thể bơi qua bơi lại, tiêu dao tự tại, nhưng nguy hiểm đến cùng cực, chỉ chờ lúc củi bén lửa thì phận cá sẽ ra sao? Các vị nghĩ xem, hoàn cảnh của chúng ta đây giống hệt như thế đó: bị ác ma giam chặt trong chảo dầu do chúng tạo, sớm tối sẽ bén lửa. Chúng ta phải nhận biết hoàn cảnh này, vị trí này.
“Điều thứ hai là phải sợ. Điều vừa nói trên chưa đáng sợ, điều đáng sợ là nghiệp chưa tiêu nên phải lãnh chịu chẳng ngừng. Thử hỏi: Thế giới này là ngũ trược ác thế, vì sao quý vị sanh vào đây? Lại vì sao sanh nhằm thời này? Đều do nghiệp lực khiến thành như vậy; vì cộng nghiệp, cộng cảm, cộng thọ đó.”
“Đã như vậy thì đừng có oán trời, trách người. Người có công phu tốt tự có biện pháp tốt. Do cộng thọ nên không tránh khỏi chết, nhưng chết đi sanh về những nơi khác nhau là do công phu sai khác, tức là lúc chết chính là lúc vãng sanh. Nếu chúng ta đạt được Nhất Tâm thì ngay hiện tại sẽ đạt được ‘cộng trung bất cộng’ (dù cộng nghiệp mà chẳng phải chịu cùng khổ quả), tương lai vãng sanh cũng ổn đáng. Nhưng nếu nay chúng ta chưa làm được như vậy thì chết đi sẽ lại hướng đến tam đồ, lục đạo. Đấy chính là điều chúng ta phải nên kinh sợ.”
“Điều thứ ba là nên tiếc. Học Phật, niệm Phật đến nay đã là hai mươi mấy năm rồi, nhưng trong số những người cùng tu vẫn chưa có ai nắm vững. Tiếc thay! Tiếc thay! Cơ duyên trước mắt một phen mất đi, khó thể có lại được. Đừng nói đời này chẳng tu, đợi đến kiếp sau mới tu, bởi lẽ ‘thân người khó được.’ Ví dù được làm thân người nhưng Phật Pháp khó nghe, chưa chắc đã được nghe Phật Pháp. Ví dù được nghe Phật Pháp, chưa chắc đã được nghe pháp môn Tịnh Độ, và ví dù có được nghe pháp môn Tịnh Độ, cũng chưa chắc được kết thất đạo tràng niệm Phật cùng tu ...?”
Chư Tổ đang quở trách tôi đấy! Học Phật, niệm Phật đã hai mươi mấy năm rồi nhưng vẫn chưa nắm vững yếu quyết gì cả để làm tư lương về Tịnh Độ. Tiếc thay! Tiếc thay! Uổng phí thời gian và công sức!
Đệ tử chúng con đê đầu thành tâm đảnh lễ chư Tổ đã phát đại Bồ-đề tâm khai thị cho hàng sơ cơ hậu học chúng con nắm vững pháp môn tu tập của mình. Chúng con nguyện không tham luyến thế gian, một lòng chí thành trì danh hiệu Phật, nguyện Ngài tiếp dẫn chúng con và chúng sinh, đồng sinh Tây Phương, thoát khổ ba đường, viên thành Phật quả, trở lại Sa Bà hóa độ chúng sinh.
Thích nữ Minh Tâm
|