1001 Chuyện về Mẹ
Tâm Minh
Kính thưa quí vị và các bạn,
Bình thường khi muốn nói về số nhiều khó kể ra cho hết, người ta dùng số “101” nhưng nhan đề này dùng “1001” chuyện về Mẹ bởi vì trước hết, ngày xưa mình chỉ biết về Mẹ của mình, Mẹ của những người nổi tiếng trong sách vở mà mình được học, thường là những danh nhân của Pháp, Đức, Trung Hoa, Mỹ, Anh, Nhật Bản, v.v... và ở mỗi nước mình chỉ học được gương tốt của một vài người. Nước có nhiều người con hiếu nhất là nước Trung Hoa với 24 người con hiếu mà đến thế kỷ này có vị đã thành ra “lỗi thời” rồi! Còn bây giờ khi chúng ta hay con em chúng ta lên trên mạng (Internet) thì mỗi ngày đọc được rất nhiều chuyện, từ có hiếu đến bất hiếu, từ mẹ Việt Nam đến mẹ Pháp, Đức, Anh, Nga, từ đứa con của Tây Tạng, Ấn Độ đến đứa con Thái Lan, Hàn quốc, v.v… thiên hình vạn trạng, đừng nói là hàng ngàn gương sáng hay “gương tối” về chữ Hiếu, về lòng mẹ, tình mẹ… (vì kể cả mẹ giết con cũng có nữa!☺☺!!) mà hàng vạn cũng có nữa!
Con số 1001 này còn làm gợi nhớ đến ông Vua trong “1001 đêm” với những câu chuyện thần thoại tuyệt vời từ cửa miệng của một cô thiếu nữ xinh đẹp và vô cùng thông minh kể cho nhà vua nghe hằng đêm. Chuyện kể hoài không bao giờ dứt, bởi vì nếu câu chuyện chấm dứt thì đời của cô thiếu nữ ấy phải bị kết liễu theo! Chuyện về Mẹ cũng vậy, rất nhiều, và kể mấy ngày mấy đêm cũng không hết… vì nếu chúng ta biết đọc chữ của nhiều quốc gia trên thế giới ta sẽ đọc được vô số chuyện kể về Mẹ ở khắp nơi. Tại sao năm nào cũng nói chuyện về Mẹ? Xin thưa, là để nhắc nhở con em chúng ta giữ được hạnh Hiếu của người con Phật. Dù xã hội có đảo điên, lòng người có điên đảo đến đâu, người con Phật vẫn phải nhớ lời Phật dạy, “trong thời không có Phật, thờ phụng cha mẹ là thờ phụng Phật.”
Cầu nguyện cho các bà Mẹ trên thế giới đầy đủ sức khỏe và an lạc, từ bi và trí tuệ cho những đứa con được hưởng nhiều hạnh phúc, có đủ sức mạnh để chịu đựng những vô thường của cuộc đời trong thế kỷ quá nhiễu nhương và tàn bạo này.
Xin mời quí vị và các bạn ghé lại đây nghe các Huynh trưởng GĐPT nói chuyện về Mẹ nhân mùa Vu Lan năm nay.
A: Sắp tới Vu Lan rồi hở? Thời gian đi mau thật!
B: Vì vậy chúng ta đang chuẩn bị những câu chuyện về Mẹ để nói trong dịp Vu Lan đây.
C: Cái khó là nội dung về Mẹ nhưng Oanh Vũ phải kể chuyện khác, Thiếu phải kể khác và Thanh cũng không giống 2 ngành kia nữa!
A: Tất nhiên rồi! Cách tốt nhất là mấy ACE mình kể ra những câu chuyện nào mình cho là hay nhất và từ đó thấy ngay có thể kể cho ai nghe, nghĩa là đối tượng nào thích hợp, v.v… phải không?
B: Đồng ý! Mình bắt đầu trước nha! Có một anh chàng kia vừa cưới vợ nên cưng vợ hết biết! Nhưng anh ta vô phước gặp phải cô vợ rất ghét bà mẹ chồng. Cô ta bày ra trò bị bệnh nặng sắp chết và cho biết chỉ có trái tim người mẹ chồng mới chữa lành bệnh cô ta mà thôi. Anh chàng này tất nhiên là đau khổ lắm, nhưng trăm phương ngàn kế phải lấy cho được trái tim Mẹ, nếu không thì người vợ yêu quí sẽ chết. Thế là một buổi chiều, anh chàng tìm cách dụ mẹ vào rừng chơi và nhân lúc bất ý, dùng dao đâm vào tim Mẹ để bà chết ngay không thể nói được lời nào! Xong anh ta móc trái tim bỏ vào hộp đậy nắp lại, ôm chiếc hộp chạy về nhà. Đường chạng vạng tối, anh ta vấp rễ cây ngã xuống, thì anh nghe tiếng Mẹ rõ ràng “con bị té có đau lắm không?” Tiếng nói phát ra từ trái tim của Mẹ trong chiếc hộp!
C: Trời ơi! Bạn kể chuyện gì mà nghe ghê rợn vậy? Con cái gì mà bất nhơn vậy hả? Có thật không? Vợ cũng “độc ác số một” nữa!
A: Mình có đọc truyện đó, hình như truyện ở Philippines hay Miến Điện gì đó, không phải chuyện ở Việt Nam đâu! Mình kể các bạn nghe chuyện này nè, là chuyện thật 100% nhưng cũng không phải người Việt mà là người Trung Hoa: Có một anh chàng kia lớn lên trong một cô nhi viện, được ăn học tử tế và cuối cùng đã tốt nghiệp đại học, có thể coi như thành công trong đời. Nhưng anh ta rất hận các bậc làm cha mẹ, và mỗi năm cứ đến ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day) thì anh ta không tham dự và tuyên bố hẳn hoi là mình rất ghét ngày ấy. Ai cũng biết là cảnh sát đã lượm anh ta từ một bến xe đò và đem anh ta giao cho viện mồ côi này nên không ai ngạc nhiên cả. Một hôm bà hiệu trưởng đưa cho anh ta coi hồ sơ cá nhân của anh ta. Anh đọc thấy rất nhiều chuyện lạ trong hồ sơ, suy ra có gì bí ẩn trong cuộc đời của mình nên anh chăm chú nghiên cứu.
B: Chuyện lạ gì vậy? Bạn làm mình hồi hộp quá!
C: Tại sao bà hiệu trưởng không cho anh ta coi lúc nhỏ mà để lớn lên mới cho coi?
A: Tất nhiên là có lý do, các bạn hãy bình tĩnh mà nghe mới hấp dẫn chứ! Anh ta ngồi hằng giờ để quan sát những vé tàu lửa đi và về từ trạm xe bus ở gần trường (nơi anh ta được cảnh sát lượm về) đến một tỉnh ở rất xa trên vùng núi… Anh ta bèn “điều tra” và biết là tuy mẹ anh đem anh bỏ nơi trạm xe bus kia nhưng không phải là bỏ rơi mà là cố ý bỏ ở đó để con mình được viện mồ côi nuôi ăn học đàng hoàng, vì nhà cha mẹ anh rất nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ che thân, lấy tiền đâu mà cho con đi học. Lòng đầy trắc ẩn pha lẫn hạnh phúc, anh ta đi kiếm lại gia đình mình thì biết được thêm là bà mẹ vừa mất cách đó vài tháng. Bà đoán biết thế nào đứa con cũng tìm ra nguồn gốc của mình nên có để lại cho anh mấy tấm ảnh kỷ niệm. Nhờ vậy, anh ta còn được xem những tấm hình của mình trong ngày tốt nghiệp Tiểu học, Trung học rồi Đại học và khám phá ra rằng Mẹ đều có đến trường, chụp hình chung với toàn thể học sinh trong lớp, đứng gần anh ta nhưng không gần lắm! Anh ta cảm động đến chảy nước mắt khi nghe kể về tình trạng đói khổ của gia đình cha mẹ mình. Rồi anh ta tưởng tượng Mẹ đứng xa nhìn mình, theo dõi mình sống, học hành lớn lên dần … lòng tràn ngập thương nhớ và hối hận đã có khi oán hận Mẹ.
B: Như vậy là cuộc đời anh ta đã thoát ra khỏi cảnh bần cùng khốn khổ của giai cấp “bần cố nông” của cha mẹ mình rồi! Bà mẹ nơi suối vàng cũng được mỉm cười sung sướng. Lòng hy sinh rất trí tuệ của bà đã được đền đáp xứng đáng.
C: Đúng vậy, câu chuyện người Mẹ độc đáo của bạn A kể làm mình nhớ đến chuyện này cũng rất cảm động: Một chàng thanh niên Mỹ độc thân sống xa nhà, tạm gọi tên là Jack. Một hôm, nhân ngày Mother’s Day, Jack ghé vào một tiệm hoa để đặt hoa tặng Mẹ ở quê nhà. Mẹ đang ở cách chàng hơn 400 km. Sau khi trả tiền, đi ra cửa, chàng gặp một em bé gái chừng 10 tuổi, đi vào tiệm nhìn chàng và hỏi: Chú có thể mua cho cháu một bông hoa hồng không? Được chứ! Cháu vào chọn đi! Cô bé vào chọn 1 bông hồng rồi lại hỏi Jack: Chú có thể cho cháu đi thăm Mẹ cháu được không? Được, cháu lên xe đi! Cô bé chỉ “nhà của Mẹ” cho Jack khi xe đi ngang một nghĩa trang “Chú ơi, Mẹ cháu ở trong này, Chú vào với cháu chứ?” “Được!” Jack trả lời và bước theo cô bé. Đến trước một ngôi mộ còn mới cô bé dừng lại nói: “Đây là nhà của Mẹ. Nhưng cháu không bao giờ còn có thể gặp Mẹ được nữa mặc dù hôm nay là ngày Mother’s Day. Năm ngoái ngày này thật vui, Mẹ cười, Mẹ nói… còn bây giờ Mẹ đã nằm im trong này rồi!” Nói xong cô bé nức nở khóc. Jack đứng lặng yên nhìn, như muốn chia sẻ nỗi đau với cô bé nhưng anh tự biết là mình bất lực! Mắt anh cũng đỏ như mắt cô bé tự lúc nào không hay! Trời đã xế chiều, Jack nhắc cô bé trở về nhà. Và sau khi đưa cô bé về nhà, Jack trở lại tiệm hoa. Bỏ đi cái hóa đơn đã đặt hoa gởi về tặng Mẹ, anh chọn mua một bó hoa tươi toàn thứ hoa ly trắng mà mẹ anh rất thích rồi lái xe về thăm Mẹ. Lái xe đi trong đêm nhưng Jack cảm thấy lòng mình thật ấm!
A: Như vậy chúng mình đã kể những chuyện tương đối “lạ” về Mẹ. Những chuyện này e rằng kể cho các em Oanh Vũ nghe không hợp, mình kể một chuyện khác, hy vọng các em sẽ thích nghe hơn: Có một con nai kia đang nuôi con dại. Một hôm, khi hai mẹ con chơi đùa với nhau thì một người thợ săn đến bắn chết con nai mẹ vì nó có bộ lông rất đẹp. Trước khi dãy chết, nai mẹ vắt sữa của mình ra cỏ cho nai con uống. Câu chuyện này cho thấy con người luôn tự hào mình là con vật cao hơn loài thú nhưng ở đây người thợ săn rõ ràng là tham lam, ác độc. Về đạo đức thì thua xa, không thể so sánh với con nai mẹ hiền lành giàu tình mẫu tử kia được.
B: Đúng vậy, câu chuyện bạn A vừa kể nếu được thực hiện dưới hình thức một hoạt cảnh thì các em rất thích, và Đoàn mình có được một tiết mục “Con nai hiền và Người thợ săn độc ác” trong văn nghệ Vu Lan rồi!
C: Ý kiến của bạn B làm mình có thêm một tiết mục hoạt cảnh nữa, đó là “con Cò mà đi ăn đêm.” Hoạt cảnh này cũng minh họa được tình mẫu tử thiêng liêng của Cò Mẹ.
A: Phải rồi! Hình ảnh này còn dễ thực hiện hơn “con nai hiền” và còn rất nên thơ, lại có người đi câu đêm và mấy câu đối thoại của hai “nhân vật”, Cò và người: Ông ơi Ông vớt tôi nao, tôi có lòng nào ông hãy xáo măng, có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
B: Con Cò này là một triết gia, coi bộ đối với người lớn cũng khó hiểu chứ đừng nói là các em Oanh Vũ.
C: Đúng! Đúng! hoạt cảnh này không phải để cho Oanh Vũ đâu mà để cho ngành Thanh đấy!
A: Các bạn nghĩ sao nếu mình trình bày bài hát có bốn câu:
“Mẹ là Phật, là Phật hóa thân
Mẹ là hoa, hoa đẹp tuyệt trần
Mẹ là suối, suối nguồn vô tận
Suốt cuộc đời làm kẻ hiến dâng.”
B: Mấy bài hát tương tự như vậy thì để làm nhạc nền cho các hoạt cảnh là được rồi. Mình có đọc được câu chuyện về Mẹ có thể diễn thành vở kịch được.
C: Mình biết rồi, có phải sự tích đức Quán Thế Âm Bồ-tát trong phim Trung Hoa không?
A: Mình nghĩ không phải phim mà là truyện “Quan Âm Tóc rối” của nhà văn Huỳnh Trung Chánh thì phải?
B: Bạn nói đúng ý mình rồi!
C: Sao hai bạn đều biết hết mà mình không biết. Kể chuyện ấy cho mình nghe với, tóm tắt cũng được!
A: Bạn tự đọc thì hay hơn, ở đây chúng mình chỉ nói khái quát chứ đâu có thể nói hết được!
B: Đúng vậy! Đọc xong “Quan Âm tóc rối” chúng ta thấy được ý nghĩa “Ngàn mắt ngàn tay” của Bồ-tát Quán Thế Âm. Đối với chúng ta, bất cứ ai cứu vớt chúng ta ra khỏi đau khổ, chết chóc, cho chúng ta hưởng sự an lạc nội tâm, đem hy vọng đến giữa lúc tuyệt vọng, v.v... thì đó đều là hiện thân của đức Quán Thế Âm Bồ-tát, hay Mẹ hiền Quan Âm.
C: Mình hiểu rồi, vì lòng mẹ, tình yêu của Mẹ là tình yêu vô điều kiện, dù cho đứa con có hiếu hay bất hiếu, thành công hay thất bại, khôn ngoan hay dại dột, Mẹ đều yêu thương bình đẳng.
A: Còn nữa, Mẹ theo nghĩa rộng đó, không cứ là người Mẹ sinh ra mình mà có thể là một người bạn, một người quen hay không quen nhưng có duyên cứu vớt mình thì họ đều hiện diện ngay khi mình cầu cứu. Tuy vậy có người thấy được, có người không thấy.
B: Đúng vậy, tác giả “Quan Âm tóc rối” bảo rằng muốn gặp được Bồ-tát Quán Thế Âm thì phải tập nhìn, phải học hạnh lắng nghe, lắng nghe tiếng kêu cứu của thế gian; tập hạnh từ bi cứu khổ cứu nạn thì không những chỉ 32 hóa thân của Bồ-tát Quán Âm mà cả vô lượng vô biên ứng hoá thân của ngài sẽ thị hiện rõ ràng trước mặt!
C: Thật là hay quá! Hèn gì biểu tượng của Bồ-tát là Mẹ và tình Mẹ được biểu hiện qua “bát cơm phiếu mẫu”, qua một con cá lớn đưa thuyền vào bờ hay qua một hình bóng đứng giữa biển cứu những thuyền nhân thoát khỏi giông bão hãi hùng và những đợt sóng thần dữ dội, v.v...
A: Phải rồi, Mẹ hiền Quán Âm thị hiện ở khắp mọi nơi, chỗ nào có cảm thì tất nhiên có ứng, bởi vậy mà trong nhân gian có câu:
Ao nào cũng có ánh trăng
Nhà nào cũng có Quan Âm hiện tiền.
B: Mình nghĩ rằng “Quan Âm hiện tiền” trong mọi nhà chính là người Mẹ. Người Mẹ nào cũng yêu con cái hơn cả bản thân mình, hy sinh cho con cái ngay từ khi con mới lọt lòng (Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn).
C: Thật là hay quá, mình cảm ơn các bạn đã khai triển đề tài này. Mình nhất định phải tu tập để được làm một cánh tay hay một con mắt của Mẹ Hiền Quán Âm có ngàn vạn hay triệu mắt triệu tay mới được!
A: Mình nghĩ rằng ai là người con Phật cũng có ước mong như bạn vậy cả. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nha!
B: Đồng ý. Nhân mùa Vu Lan, chúng ta hãy cảm ơn những bà Mẹ cho chúng ta đã gặp mặt trong đời. Mặt khác hãy tu tập hạnh từ bi đem vui cứu khổ của đức Quán Thế Âm Bồ-tát để được trở thành một cánh tay, một con mắt trong vô lượng vô biên cánh tay và con mắt của tình thương của Mẹ.
C: Xin cảm ơn các bạn về buổi hội thảo ích lợi này, xin hẹn lần sau. Tạm biệt!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!■
|