Hòa thượng Thích Mật Hiển
Tâm Quang
Cập nhật: 08:28:29 28/08/2009

 

Tiểu sử Hòa thượng TÂM HƯƠNG MẬT HIỂN (1908-1992)

 

Hòa thượng thế danh là NGUYỄN DUY QUẢNG.

Ngài sinh ngày mồng 4 tháng 02 năm Mậu Thân (ngày 06.3.1908) (2) tại làng Dạ Lê thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên (nay là thôn Dạ Lê, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thân phụ của Hòa thượng là cụ ông Nguyễn Duy Bút, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tang.

Hòa thượng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Phật giáo nên đã duyên khởi rất nhiều đến chí nguyện xuất gia của Ngài.

Năm 6 tuổi (Giáp Dần, 1914), Hòa thượng được song thân đem lên chùa Trúc Lâm, xin thọ giáo với Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên.

Năm 13 tuổi (Tân Dậu, 1921) được Hoàng tử Đan (tức vua Khải Định) cảm mến, tiến dẫn vào Nội phủ, cho theo học với các vương tôn, nhưng cuộc sống ở chốn vương giả này không phù hợp với chí nguyện của Hòa thượng, nên chỉ được một năm thì Ngài xin trở về chùa.

Năm 14 tuổi (Nhâm Tuất, 1922) được Bổn sư thế độ cho thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu và đặt pháp danh là Tâm Hương, pháp hiệu là Mật Hiển.Thể nhập đời thứ 43 dòng Thiền Lâm Tế Chánh Tông Trung Hoa, đời thứ 9 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán Việt Nam.

Năm Đinh Mão, 1927, Hòa thượng xin phép Bổn sư vào Quảng Nam, theo học Mật giáo với một vị sư người Tây Tạng.

Năm Mậu Thìn, 1928 (3), Hòa thượng cùng pháp đệ Mật Nguyện lại xin vào Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, tham học với Hòa thượng Phước Huệ, một bậc Quốc sư tinh thông Tam tạng. Trong thời gian lưu học ở Thập Tháp, Hòa thượng càng tỏ rõ là một môn sinh xuất sắc, Ngài không chỉ chăm lo học tập Kinh sách Đại thừa mà còn nghiên cứu Mật tông, một Tông phái rất ít thịnh hành tại Việt Nam, thế nhưng Hòa thượng đã liễu ngộ được “Mật tông yếu chỉ”. Nhờ thế mà sau này, Hòa thượng đã cứu giúp cho rất nhiều người bị các chứng bệnh hiểm nghèo.

Đến đầu năm Canh Ngọ, 1930, Hòa thượng xin trở về Huế và tiếp tục theo học ở Sơn môn Phật học đường Trúc Lâm. Qua năm Ất Hợi, 1935 lại được chuyển lên lớp Đại học tại Phật học viện Tây Thiên (4).

Cũng trong năm 1935 này, Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ Tỷ kheo Bồ-tát giới tại giới đàn chùa Tịnh Lâm (5) ở Bình Định, do Hòa thượng Tâm Minh làm Đàn đầu. Hòa thượng đắc Thủ Sa-di trong giới đàn này.

Sau khi thọ Đại giới trở về, liền được Bổn phú pháp bài kệ:

 Tâm hương thế giới huân

 Tùy xứ kiết tường vân

 Phú nhữ tâm hương tánh

 Cự kim chánh thị quân.

 

Năm Mậu Dần, 1938, Hòa thượng Tâm Chơn Mật Tín, Đệ nhị trú trì chùa Trúc Lâm viên tịch. Môn đồ suy cử Hòa thượng lên kế tục trú trì. Qua năm Kỷ Mão, 1939, Triều đình Huế có chỉ chuẩn Hòa thượng về giữ chức Trú trì (6) Quốc tự Thánh Duyên, ở núi Thúy Vân, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Năm Kỷ Sửu,1949, Sơn môn Tăng-già tỉnh Sa Đéc (Nam Việt) và một số tỉnh ở Cao nguyên Trung Việt mời Hòa thượng vào giảng dạy cho các Phật học đường ở các tỉnh này. Được một thời gian thì Hòa thượng trở về Huế.

Năm Quý Tỵ, 1953, trong kỳ Đại hội Giáo hội Tăng-già Trung Việt, chư tôn đức cung thỉnh Hòa thượng đảm nhận chức vị Trị sự trưởng.

Năm Bính Thân, 1956, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam cử Hòa thượng hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang tham dự Đại lễ Phật đản tại Quốc gia Đông Hồi. Trong dịp này, Hòa thượng cùng phái đoàn đi chiêm bái nhiều Phật tích tại các nước Miến Điện (Myanma), Thái Lan, Lào và Cao Miên.

Năm Mậu Tuất, 1958, Hòa thượng cùng quý Hòa thượng Thiện Hoa, Tâm Châu, Thiện Minh Đại diện Tổng Hội Phật giáo Việt Nam sang tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới tại Tokyo, Nhật Bản.

Năm Quý Mão, 1963, trên cương vị Trưởng ban tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2507 tại Huế, Hòa thượng cùng chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội chính thức phát động phong trào đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo và tự do tín ngưỡng của chính quyền Ngô Đình Diệm, cho đến ngày thắng lợi.

Cuối năm Quý Mão, 1963, Giáo hội Tăng-già Thừa Thiên công cử Hòa thượng làm thành viên chính thức của Đoàn Đại biểu Phật giáo Thừa Thiên, vào tham dự Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn.

Năm Ất Tỵ, 1965, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đệ tứ tôn chứng giới đàn Vạn Hạnh, tổ chức tại chùa Từ Hiếu, Huế. Đây là một giới đàn được tổ chức rất qui mô và vô cùng trọng thể sau cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, và sau 9 năm chế độ này cai trị ở miền Nam Việt Nam.

Năm Đinh Mùi, 1967, Giáo hội miền Vạn Hạnh cung thỉnh Hòa thượng giảng dạy cho lớp Đại học Liễu Quán, tại chùa Linh Quang, Huế. Cũng trong năm này, Hòa thượng được cung thỉnh làm Đệ ngũ Tôn chứng cho Đại giới đàn tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang.

Năm Mậu Thân, 1968, Viện Tăng Thống cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng Trưởng lão và Giám Luật chư Tăng Ni thuộc Viện Tăng Thống.

Với hình tướng uy nghi, giới hạnh trang nghiêm, trên cương vị Giám luật, Hòa thượng đã không ngừng gìn giữ giềng mối thanh tịnh của chư Tăng Ni suốt một thời gian dài.

Đây cũng là thời kỳ các Trung tâm đào tạo Tăng tài tại miền Nam Việt Nam phát triển đến mức khả quan, nên Hòa thượng hợp lực cùng nhị vị Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ và Thiện Hoa Hoàn Tuyên thành lập Ban Bảo trợ, nhằm giúp đỡ cho mọi hoạt động của các trung tâm đào tạo này.

 

Trong sự nghiệp nhiếp hóa đồ chúng, Hòa thượng là vị Bổn sư rất gần gũi và thương yêu đệ tử, nhưng trong sự chăm nom giáo dưỡng Ngài cũng vô cùng chuẩn mực và nghiêm khắc. Đệ tử xuất gia của Ngài không nhiều, nhưng sự nghiệp của chư vị đệ tử cũng đã đền đáp được ân đức của Ngài một cách xứng đáng, như quý Hòa thượng Nguyên Chơn Lưu Đoan, Nguyên Tịnh Lưu Thanh, Nguyên Tuấn Lưu Hòa, Nguyên Tuyết Như Ý .v.v...

Năm Nhâm Tý, 1972, Hòa thượng Tâm Như Mật Nguyện, trú trì chùa Linh Quang viên tịch. Giáo hội cung thỉnh Hòa thượng kiêm nhiệm trú trì.

Năm Ất Mão, 1975, sau ngày đất nước thống nhất, cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam chuyển mình qua một giai đoạn lịch sử đầy biến động.

Năm Tân Dậu, 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh và Ban Trị sự tỉnh Giáo hội Thừa Thiên cũng công cử Hòa thượng kiêm nhiệm Phó Ban Trị sự. Trong thời gian này, Hòa thượng thường được chư tôn giáo phẩm cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, làm Giáo thọ, hoặc làm Yết Ma cho các giới đàn tại chùa Bảo Quốc, Huế.

Năm Giáp Tý, 1984, Hòa thượng Tâm Huệ Thanh trí, Trưởng ban Trị sự tỉnh Giáo hội viên tịch, với cương vị Phó ban, Hòa thượng lên đảm nhận Quyền Trưởng ban. Đến năm Canh Ngọ, 1990, Đại hội kỳ I, Giáo hội tỉnh Thừa Thiên Huế, chính thức cung thỉnh Hòa thượng lên giữ trọng trách Trưởng ban Trị sự kiêm Ủy viên Tăng sự.

Với chức “Uỷ viên Tăng sự”, tuy không tương xứng với tầm vóc đạo hạnh lớn lao của Ngài, nhưng cũng nhờ từ tâm, uy đức và cả sự nghiêm khắc của Ngài mà truyền thống giới luật của Tăng-già Thừa Thiên, Huế, luôn được giữ gìn cẩn mật, trong sáng.

Suốt tám năm - từ năm 1984 đến năm 1992 - Hòa thượng đảm nhận trọng trách này, cũng là giai đoạn Đạo pháp gặp nhiều cam go, thách thức, nhưng với tài năng, đức độ và trí tuệ thù thắng, Hòa thượng vẫn tự tại và khôn khéo dung nhiếp mọi chướng duyên để đem lại nhiều thành tựu lớn lao cho Phật giáo Thừa thiên Huế.

 

Đầu năm Nhâm Thân, 1992 như dự tri được thời khắc từ giã môn đồ, tứ chúng chẳng còn bao lâu... nên Hòa thượng lần lượt đi tham lễ khắp các Tổ đình, về thăm lại quê hương. Đến giữa tháng ba thì pháp thể Hòa thượng khiếm an, chư vị đệ tử tận tình chăm sóc và cầu xin ngài nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Đến ngày Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2536, Rằm tháng Tư năm Nhâm Thân (ngày 17.5.1992) Ngài an nhiên thị tịch.

 

***

 

Hơn Tám Mươi Năm - hóa thân làm một bậc Sa môn đạo cao, đức trọng, trong cuộc sống tu hành thanh tịnh, Hòa thượng lại giản dị, khiêm cung, nhưng trong sứ mệnh phục hưng và hoằng dương Chánh pháp, Hòa thượng lại không ngừng nỗ lực tiếp nối sự nghiệp của Bổn sư một cách chu toàn và xứng đáng.

Với dáng vẻ mình mảnh, thân gầy, mà tinh thần lại dẻo dai như tùng bách, nhất là trong đôi mắt tinh anh của Ngài luôn hiện rõ nét từ tâm, nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Đạo phong và nhân cách lớn lao ấy, không chỉ biểu lộ một sức mạnh vô ngôn, thù thắng trong việc giữ gìn mạng mạch Chánh pháp và duy trì giềng mối Tăng luân, mà còn thể hiện rất rõ trong mọi sinh hoạt thường nhật khi Ngài còn trụ thế.

Ngày nay, Ngài đã đi vào cõi Niết-bàn tịch tịnh, nhưng uy nghi và từ tâm vô lượng của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử Thừa Thiên, Huế!

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay