GIỚI THIỆU
KINH KIM CANG TAM MUỘI
THÍCH THÁI HÒA
Kinh Bản Và Huyền Thoại
Theo Viên Trừng – Trạm Nhiên (1561- 1626), ở trong Kim cang tam muội kinh chú giải tự, thì Đức Phật nói kinh nầy sau Bát nhã và trước Pháp hoa. Ông ta lập luận rằng: Đức Phật nói Nhất thừa ở trong Bát nhã là thời kỳ thính chúng đang còn trình độ tu học ở ngoại vi, nhưng đến khi Đức Phật nói kinh nầy, thì thính chúng nghe được giáo pháp chân thực và đều tùy thuận Nhất thừa. Ông đã dẫn chứng thi kệ của kinh nầy, do Tỷ kheo A già đà bạch rằng: “Đương vị nhập thực thuyết, tùy thuận giai Nhất thừa,… Nghĩa là: Sẽ nói vào chân thực, đều tùy thuận Nhất thừa,…”. Ông lại dẫn tiếp: “Nhất vị chi pháp nhuận, phổ sung ư nhất thiết,… Nghĩa là: Thấm nhuần một pháp vị, tất cả đều sung mãn,…” (Đại chính 9, tr 366a23-26).
Vì vậy, ông kết luận, kinh nầy Đức Phật giảng dạy cho đại chúng sau thời kỳ Bát nhã. Và Viên Trừng – Trạm Nhiên lai nói: Kinh nầy, tuy chỉ thị Nhất thừa, nhất pháp, nhất vũ, nhất vị, nhưng chưa thọ ký trực tiếp tên, hiệu, cõi nước cho những vị đương cơ, vì vậy mà biết rằng, kinh nầy Đức Phật, giảng dạy cho đại chúng trước thời kỳ Pháp hoa. (Viên Trừng, Kim cang tam muội chú giải tự, Tục Tạng kinh 35, tr. 0219b22-c5).
Nếu theo luận chứng của Viên Trừng – Trạm Nhiên và lại căn cứ vào năm thời kỳ giảng dạy giáo pháp của Đức Phật do Trí Khải (538 – 597), Tổ sư của Thiên Thai Tông Trung Hoa phán định, thì Đức Phật giảng kinh Kim cang tam muội nầy khoảng năm 42, sau khi Ngài thành đạo.
Nhưng, theo Nhân Sơn - Tịch Chấn, đời Thanh (1644 – 1912), ở trong phần Huyền đàm, mục Giáo Tích Tiền Hậu, của Kim cang tam muội kinh thông ký, đã đưa ra nhiều luận chứng, để chứng minh rằng, kinh Kim cang tam muội được Đức Phật giảng dạy, sau kinh Pháp Hoa và trước kinh Niết Bàn, nghĩa là trước khi đức Phật nhập Niết bàn khoảng ba tháng. (Huyền Đàm - Giáo Tích Tiền Hậu - Kim cang tam muội Kinh Thông Ký, Tục Tạng Kinh 35, tr 257c17 – 258c02).
Như vậy, theo Nhân Sơn - Tịch Chấn, Đức Phật giảng kinh nầy, vào khoảng Ngài gần cuối năm 79 tuổi.
Kinh Kim cang tam muội, được dịch sang Hán vào thời Bắc lương (397- 439), hiện có ở trong Đại Chính Tân Tu, số ký hiệu 273, cuốn 9, từ trang 365 đến 374. Mất tên người dịch.
Ta đọc Xuất tam tạng ký tập 3, do Tăng Hựu (445-518), soạn dựa vào bản Lương thổ dị kinh lục của Thích Đạo An (312- 385), có ghi tên của kinh nầy. (Đại Chính 2145. 55. 18c6).
Pháp Kinh viết Chúng kinh mục lục vào năm 594, cũng có ghi Kinh Kim cang tam muội vào mục lục, loại đơn bản thất dịch (Đại chính 2146. 55. 121a14).
Năm 597, Phí Trường Phòng viết Lịch đại Tam bảo kỷ, cũng có ghi tên kinh nầy. (Đại chính 2034. 49. 85a18). Và trong Chúng kinh mục lục của Ngạn Tông cũng ghi kinh nầy vào loại khuyết bản (Đại chính 2147. 55. 176b28).
Trong Chúng kinh mục lục của Tĩnh Thái viết năm 666, ghi kinh nầy khuyết bản (Đại chính 2148. 55. 214a29).
Đạo Tuyên viết Đại đường nội điển lục, năm 664 cũng chép theo cách của Xuất tam tạng ký tập (Đại chính 2149. 55 .256c4). Trong Dịch kinh cổ kim đồ kỷ (Đại chính 2151. 55. 361a24), do Tĩnh Mại viết cũng giống Đạo Tuyên.
Năm 695, Minh Thuyên thiết lập Đại Chu san định chúng kinh mục lục, xếp kinh Kim cang tam muội vào loại thất dịch và khuyết bản.
Đến năm 730, Trí Thăng viết Khai Nguyên thích giáo lục, ghi rằng kinh Kim cang tam muội hiện còn (Đại chính 2154.55.5522b14).
Bản dịch kinh Kim cang tam muội đến thời Trí Thăng vẫn còn là do lấy những thiên còn lại mà đưa vào Đại tạng (Khai Nguyên giáo lục 12, 19. Đại chính 2154. 55. 605b15, 667a22, 668c20).
Như vậy, theo các tư liệu ta thấy kinh Kim cang tam muội đã được dịch sáng Hán muộn lắm là vào thế kỷ thứ tư và đã được đưa vào Đại tạng kinh vào thế kỷ thứ tám.
Theo Nhân Sơn – Tịch Chấn, đời Thanh (1644 – 1912), trong phần Huyền Đàm, mục Phiên dịch thời đại của Kim cang tam muội kinh thông ký, sau khi đã đưa ra những luận chứng và ông đã đi đến kết luận rằng, kinh Kim cang tam muội do Pháp sư Đạo An (312 – 385) dịch. (Tục Tạng Kinh 35, tr 258c02 – 259a06).
Ngoài kinh Kim cang tam muội, ở trong Đại chính Tân tu, cuốn 34, ta còn thấy có Kim cang tam muội kinh luận của Nguyên Hiểu, với số ký hiệu 1730, từ trang 961a1 đến 1007c29.
Nguyên Hiểu là ai, mà đã viết sớ, luận về kinh nầy?
Theo Tống cao tăng truyện, do Tán Ninh (919-1001) viết thì: “Nguyên Hiểu họ Tiết, người Tương Châu, Đông Hải. Học đạo khi tuổi còn để chỏm. thường thích đi đó đây và tranh luận, không ai có thể vượt qua. Ông thông hiểu hết tam học. Sức học địch cả muôn người. Ông rất hâm mộ cửa trường của Ngài Huyền Trang, nhưng duyên không được. Ông bất mãn ăn chơi vô kể,… Hoặc viết sớ để giảng về Tạp Hoa, hoặc đánh đàn làm nhạc, ở các đền thờ, hoặc ở trọ làng xóm, hoặc thiền ở nơi núi sông, cuộc sống của ông phần nhiều theo tự ý, chứ không theo thời khóa nào cả.
Bấy giờ quốc vương đại hội một trăm tòa Kinh nhân vương, tìm khắp các bậc thạc đức. Châu ấy cho sư có danh tiếng bèn tiến cử lên. Các vị khác không thích nếp sống của sư, đề nghị vua đừng chấp nhận.
Chẳng bao lâu, phu nhân của vua não bị sưng vù lên, các danh y bó tay. Vua, vương tử, thần thuộc cầu đảo khắp chỗ sông núi hồn thiêng, nhưng không có hiệu quả. Có chiêm gia bảo rằng: “Nếu sai người đến nước khác kiếm thuốc thì bệnh mới lành”. Vua liền sai sứ lấy thuyền vượt biển vào Đường để tìm y thuật.
Trong lúc ở trên thuyền mơ màng, sứ giả liền thấy có một ông, do sóng đánh nhảy lên thuyền, mời sứ giả xuống biển xem cung điện trang nghiêm đẹp đẽ, liền gặp Long vương.
Long vương tên Khâm Hải, bảo với sứ giả rằng: “Phu nhân của vua nước ngươi là người con gái thứ ba của Thanh Đế. Trong cung ta trước có kinh Kim cang tam muội, đó là hai giác viên thông, trình bày hạnh bồ tát. Nay, nhờ bệnh của phu nhân làm tăng thượng duyên, muốn gởi kinh nầy ra nước kia để lưu bố”. Nói rồi, Long vương đem đến ba mươi tờ, xếp chồng rời rạc, giao cho sứ giả.
Lại còn nói: “Kinh nầy khi đem vượt biển sợ quỷ”. Long vương sai cầm dao rạch đùi của sứ giả nhét vào trong, dùng giấy sáp cuốn buộc lại để làm thuốc rịt bắp đùi lại như cũ.
Long vương dặn khi về đến, có thể nhờ Thánh giả Đại An xếp thứ tự đóng lại, rồi mời pháp sư Nguyên Hiểu viết sớ mà giảng, thì bệnh của phu nhân sẽ lành, không có gì để nghi ngờ. Giả như có thuốc A-da-đà hiệu lực cũng không hơn được”.
Dặn xong, Long vương đưa họ ra khỏi Long cung, lên mặt biển trở về nước.
Bấy giờ sứ giả về kể lại, nhà vua nghe câu chuyện rất hoan hỷ. Cho người tìm mời Thánh giả Đại An đến để xếp đặt thứ tự của kinh.
Không ai có thể biết nguồn gốc của Đại An, hình dáng và phục sức của ông hết sức kỳ lạ. Chỗ của ông thường ở nơi chợ búa, thường đánh chén đồng mà hát ca lên tiếng “Đại an, đại an”, vì vậy mà ông có hiệu ấy.
Vua cho sứ mời ông vào cung, ông nói: “Hãy đem kinh đến đây, tôi không muốn vào nước có cung vua”.
Ông được kinh, liền xếp thành tám phẩm, đều hợp với ý Phật. Ông nói: Đem mau cho Nguyên Hiểu giảng, còn người khác thì không được.
Nguyên Hiểu nhận kinh nầy, chính tại quê mình là Tương Châu, liền bảo sứ giả rằng: Kinh này lấy hai giác là bản giác và thỉ giác làm chủ trương, hãy vì ta mà chuẩn bị xe trâu một sừng, đem bàn đặt giữa hai sừng để bút nghiên lên. Trước sau trên xe trâu, liền viết sớ thành năm cuốn. Ngay ngày đó, vua mời Nguyên Hiểu giảng ở chùa Hoằng Long.
Bấy giờ, có một người xấu trộm mất bản sớ mới làm, liền đem việc ấy trình vua, vua cho trễ ba ngày, nên chép lại thành ba cuốn, gọi là lược sớ.
Đúng lúc vua, quan, đạo tục, nhóm đầy cả pháp đường, Nguyên Hiểu bước lên pháp tòa, tuyên giảng đúng cách, giải nghĩa có thể lặp lại rõ ràng. Tiếng ca ngợi vang dậy trời đất. Nguyên Hiểu nói: “Ngày xưa, tuy chọn trăm cột, tôi không dự vào, nay đặt một đòn dông, thì tôi lại có thể”. Bấy giờ, những bậc danh đức khiêm mình, tự sám hối.
Ngày xưa, Nguyên Hiểu bày tích mất bình thường, dạy người không nhất định, có khi liệng mâm mà cứu người, phun nước mà dẹp cháy, tàng hình ấn hiện nhiều chỗ, hoặc có khi ở trong sáu phương giả chết, cũng là dòng họ của Bôi Độ, Chí Công.
Còn việc ông giải thích tánh nghĩa, xem vào không chỗ nào là không rõ. Sớ có hai bản quảng và lược, đều lưu hành ở nước ấy (Triều Tiên). Bản lược lưu nhập vào Trung Hoa, sau có phiên kinh tam tạng cải làm luận”(Tống cao tăng truyện 4, Đại chính 2061.50. 730a6-b29).
Đọc Tống cao tăng truyện của Tán Ninh viết vào khoảng giữa những năm 982-988, ta thấy được những gì giữa kinh Kim cang tam muội và Nguyên Hiểu?
Trước hết, Tống cao tăng truyện cho ta biết rằng, bản kinh Kim cang tam muội do Nguyên Hiểu sớ luận là một bản kinh được tàng trữ từ Long cung và sắp xếp thứ tự tám chương như đang có hiện nay là do Thánh giả Đại An. Và Tống cao tăng truyện cũng cho ta biết rằng, Đại An và Nguyên Hiểu xuất hiện cùng thời với Ngài Huyền Trang mở trường dịch kinh vào đời Đường, ở thế kỷ thứ bảy.
Tuy nhiên, Tán Ninh ở Tống cao tăng truyện cũng không cho ta biết thêm gì về kinh Kim cang tam muội do Long vương Khâm Hải trao cho sứ thần của vua Tân La (Triều Tiên) là bằng văn bản Phạn hay Hán hoặc bằng ngôn ngữ của Tân La? Và nếu là bản Hán thì do ai dịch và vì lý do gì không lưu thông mà phải tàng trữ tại Long cung cho đến khi gặp sứ thần của nước Tân La mới trao mà còn sợ đi đường bị việc quỉ chiếm đoạt?
Lại nữa, Tống cao tăng truyện cũng cho ta biết giữa Thánh giả Đại An và Pháp sư Nguyên Hiểu có liên hệ chặc chẽ với bản kinh Kim cang tam muội về sư sắp xếp và chú giải qua lời giới thiệu của Long vương Khấm Hải từ Long cung.
Không những vậy, kinh Kim cang tam muội còn là pháp dược chữa lành cơn bệnh hiểm nghèo u não của phu nhân vua Tân La bấy giờ, chỉ đơn giản do Thánh giả Đại An sắp xếp lại nội dung bố cục của kinh và Pháp sư Nguyên Hiểu viết sớ giảng giải, lưu bố kinh nầy là bệnh kia lành.
Tống cao tăng truyện nói rằng, việc sắp xếp nội dung kinh Kim cang tam muội của Thánh giả Đại An rất hợp với ý của Phật. Còn Nguyên Hiểu khi nhận kinh nầy để sớ giảng ông liền buộc miệng nói: “Kinh nầy lấy hai giác là bản giác và thỉ giác làm chủ trương, thì hãy vì ta mà chuẩn bị cổ xe một sừng và hãy đem bàn đặt giữa hai sừng để bút nghiên lên”.
Những thông tin về Thánh giả Đại An và Nguyên Hiểu với kinh Kim cang tam muội của Tống cao tăng truyện, đã giúp cho ta biết thêm về túc duyên đối với phật pháp của hai vị nầy và nhất là đối với kinh Kim cang tam muội. Và biết đâu Nguyên Hiểu là hóa thân của Vô trú Bồ tát ở trong phẩm Bản Giác Lợi và Thánh giả Đại An là hóa thân của Đại lực Bồ tát ở trong phẩm Nhập Thực Tế của kinh Kim cang tam muội nầy, và chỉ có thể như thế mới có thể trả lời được câu hỏi, tại sao khi trao kinh Kim cang tam muội nầy, Long vương Khâm Hải ở Long cung lại giới thiệu cho sứ thần của vua nước Tân La (Triều Tiên), khi về nước phải tìm gặp hai vị nầy để yêu cầu sắp xếp nội dung của kinh và sớ giải, mà không thể giao cho ai khác?
Có người sẽ cho rằng, cách lý giải và để trả lời như vậy, không có tính thuyết phục, vì nó mang tính chất huyền thoại hơn là khoa học. Nhưng ta thử đặt lại câu hỏi một cách nghiêm túc rằng: Có khoa học nào không bắt đầu từ huyền thoại? Không có huyền thoại sẽ không bao giờ có khoa học. Huyền thoại nuôi dưỡng và phát triển khoa học và là chất xúc tác để cho khoa học đầy năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Vì sao? Vì cuộc sống là cả một trường thiên diễn về huyền thoại hay chính nó là huyền thoại. Khoa học không có huyền thoại thì làm sao khoa học có đủ khả năng nhận thức và khám phá cuộc sống để phục vụ con người?
Ngoài bản Kim cang tam muội kinh luận của Nguyên Hiểu ra, ta còn thấy có Kim cang tam muội chú giải, bốn cuốn của Viên Trừng – Trạm Nhiên đời Minh. (Tục Tạng Kinh 35, số ký hiệu 065). Và Kim cang tam muội kinh thông tôn ký, 12 cuốn của Sa môn Tịch Chấn, thuật, vào đời Thanh. (Tục Tạng kinh 35, số ký hiệu 652).
Đọc Khóa hư lục của vua Trần Thái Tông (1217-1277), ta thấy Vua có viết bài tựa kinh Kim cang tam muội. Bản kinh Kim cang tam muội do Vua chú giải đã bị thất lạc, nhưng bài tựa của kinh do Vua viết vẫn còn giữ lại ở trong Khóa hư lục và đã được nhiều vị dịch ra Việt văn.
Kinh Kim cang tam muội cũng đã trở thành đối tướng học hỏi và nghiên cứu trong các công trình nghiên cứu của các học giả cận đại và hiện đại như Mizuno Kogen và Robert E. Buswell. Và những công trình nghiên cứu ấy đã được công bố năm 1955 cho công trình của Mizuno Kogen và năm 1989 cho công trình của Robert E. Buswell.
Và kinh Kim cang tam muội cũng đã được Lê Mạnh Thát nghiên cứu và công bố trong Toàn Tập Trần Thái Tông, do Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, năm 2004.
Và như vậy, sự có mặt của kinh Kim cang tam muội ở trong tam tạng giáo điển là một sự lý thú kỳ diệu. Kỳ diệu, vì nó vừa là hiện thực và vừa là huyền thoại. Huyền thoại trong phiên dịch và hiện thực trong văn bản.
Hiện thực, vì kinh Kim cang tam muội đã chỉ ra cho con người có nguyện lớn, có chí lớn với những phương thức hành xử và ứng dụng pháp quán chiếu vô trú một cách linh hoạt và sống động như kinh nói: “Này Bồ tát! Người như vậy, không kẹt ở nơi hai tướng, tuy không xuất gia, nhưng không kẹt ở tại gia; tuy không mặc pháp phục, không thọ trì đầy đủ giới pháp ba la đề mộc xoa, không dự vào pháp bố tát, nhưng có thể sử dụng pháp tự tứ vô vi nơi tự tâm mà chứng được thánh quả, không kẹt nhị thừa mà đi vào con đường bồ tát, sau đó sẽ viên mãn các địa vị Bồ tát và thành tựu Bậc giác ngộ hoàn toàn”. (Đại chính 9, tr 370b4).
Và huyền thoại, vì chính khi nghe Phật dạy như vậy, Bồ tát Đại lực thưa: Người như vậy là người không thể nghĩ bàn, họ không phải là người xuất gia mà cũng không phải là không xuất gia. Vì sao? Vì họ đã vào nhà Niết bàn, mặc áo Như lai, ngồi tòa Bồ đề, những người như vậy, cho đến những bậc Sa môn cũng phải đảnh lễ cúng dường”. (Đại chính 9. tr 370b8).
Như vậy, kinh Kim cang tam muội đối với đời sống giác ngộ, nó đã hiển thị khả tính hiện thực trên cả hiện thực và khả tính huyền thoại trên cả huyền thoại trong cùng một tánh thể giác ngộ mà tính thể ấy là siêu nhiên, bất hoại và vốn có ngay nơi tất cả chúng sanh.
Vì kinh Kim cang tam muội là kinh chuyển tải tuệ giác chứng nhập Như lai tạng, và từ Như lai tạng mà hiện khởi đại nguyện, thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, hiển thị cho họ niềm tin tuyện đối với diệu pháp Nhất thừa là phải thực hành bồ tát đạo, đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng hạnh nguyện vô tướng, vô sanh từ bản giác.
Và chỉ có lợi hành từ bản giác, tức là từ tự tánh giác ngộ, mới có khả năng chứng nhập thực tại toàn diện là thực tại vô biên không có ngằn mé. Và mỗi khi đã hội nhập được với thực tại nầy, thì có khả năng biện tài vô ngại. Nghĩa là có khả năng diễn đạt một pháp môn thành vô lượng pháp môn và vô lượng pháp môn thành một pháp môn; có khả năng thi thiết vô lượng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh mà không rời đương xứ cứu cánh là bản giác, không rời thể tính chân không tịch diệt.
Và chính vì vậy, hạnh nguyện ấy đã trở thành vầng mây lành phủ khắp mọi không gian và thời gian, mưa những trận mưa cam lồ làm cho hạt giống bồ đề vốn có nơi tất cả chúng sanh đều được nứt mầm và trỗi dậy, cùng phát khởi đại nguyện lợi hành và đồng nhập vào Như lai tạng, cùng thể chứng địa vị toàn giác, tức là Phật quả.
Vì vậy, những vị đại sĩ sống và lợi hành hết thảy chúng sanh bằng tuệ giác Kim cang tam muội, thì ngay nơi tướng, họ hành vô tướng, ngay nơi sanh, họ hành vô sanh, ngay nơi hành, họ hành vô hành,… thì việc bản kinh Kim cang tam muội nầy không có tên dịch giả là điều hết sức dễ hiểu.
Không lưu lại tên mình nơi bản dịch, tự nó đã giới thiệu, hành vô tướng hành, hành vô sanh hành, hành vô hành hành,… của bậc đại sĩ một cách hiện thực. Nó hiện thực đến nỗi mọi tri thức thế gian, mọi ngôn ngữ học giả, chỉ ước định được rằng, hoặc nó là thế nầy, hoặc nó là thế kia, đến nỗi dẫn đến những tranh biện mang đầy những tri kiến của ngã tính, khiến cho thực tại toàn diện bị họ banh vỡ từng mảnh vụn để kiếm tìm châu báu một cách vô vọng.
Mỗi khi thực tại toàn diện, bị banh vỡ bởi tri thức để khám nghiệm và kiếm tìm, thì nó không còn là nó nữa, nó tức khắc trở thành huyền thoại mà muôn đời tri thức không bao giờ vén mặt tới được. Nó đã trở thành “huyền chi hựu huyền”. Nghĩa là: Nó vốn “Đã huyền mà lại thêm huyền” nữa vậy.
Ý Nghĩa Đề Kinh
Kinh Kim cang tam muội, tiếng Phạn là वज्र्समाधिसूत्र = Vajrasamādhi-sūtra. वज्र = Vajra là kim cang, một loại khoáng chất kiên cố, bất hoại. Tự thân của kim cang là bất hoại, không có bất cứ vật gì làm nó hủy hoại, nhưng nó có khả năng làm hủy hoại đối với tất cả. समाधि = Samādhi, Hán phiên âm là tam ma địa, tam ma đề, tam ma đế và dịch là đẳng trì. Đẳng, có nghĩa là lìa tâm hôn trầm và trạo cử; trì nghĩa là duy trì tâm ý vào một đối tượng duy nhất. Đẳng trì là trạng thái của tâm ngưng tụ vào một đối tượng duy nhất không tán loại, do đó mà tuệ giác cũng như sự an lạc sinh khởi. Vì vậy, đẳng trì cũng còn gọi là đẳng dẫn hay đẳng chí. Đẳng dẫn, nghĩa là từ đẳng trì mà dẫn sinh các công đức của thiền định, trí tuệ, thần thông và từ bi. Và cũng từ đẳng trì mà có thể dẫn đến những địa vị giác ngộ thù thắng. Samādhi còn dịch là tam muội, chánh định, chánh thọ, chánh tâm hành xứ,…
Như vậy, Kim cang tam muội là thiền định kim cang. Vậy, thiền định nầy là gì? Ma ha bát nhã ba la mật kinh 3 nói: “Kim cang tam muội giúp cho người tu tập nhanh chóng chứng được giác ngộ”. (Đại chính 8, tr 237c25 – 238a27). Kinh Đại bát Niết bàn 2, lại nói: “Chứng nhập Kim cang tam muội thì thấy được Phật tính”. (Đại chính 12, tr 372b12). Bát nhã và Trí độ luận giải thích: - An trú ở tam muội nầy, thì có khả năng phá thủng các tam muội khác. – Tam muội nầy đối với các pháp đều thông đạt và khiến cho mỗi loại tam muội ấy đều có tác dụng. - Tam muội nầy có khả năng phá sạch tất cả pháp, nhập vào Niết bàn tuyệt đối. (Tham khảo Đại Trí Độ Luận 47, Đại chính 25, tr 396b – 398c).
Sa môn Nguyên Hiểu, ở trong Kim cang tam muội kinh luận 1, cũng nói rằng: “Vì không có cái gì là không phá trừ, nên gọi là Kim cang tam muội” (Đại chính 34, tr. 0962a).
Như vậy, Kim cang tam muội kinh là kinh đức Phật dạy về thiền định Kim cang; dạy về thiền định của Kim cang; dạy về thiền định như Kim cang; dạy về thiền định ở trong Kim cang và Kim cang chính là Thiền định.
Nếu nói theo nghĩa của dụ và pháp, thì ở trong đề kinh nầy nêu lên đủ cả hai nghĩa ấy. Kim cang là dụ và tam muội là pháp. Pháp thiền định hay tam muội nêu lên trong đề kinh chuyển tải có bảy nghĩa:
1- Pháp thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt và phá hoại đối với tất cả những khoáng vật khác, thì Thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy cũng vậy, nó có khả năng chặt đứt và phá hoại hết thảy mọi hình tướng huyễn hóa của ngã và pháp để hiển thị vô tướng của ngã và pháp hay là hiển thị pháp chân thực vô sanh. Như trong kinh đức Phật nói: “Này thiện nam tử! Nếu dùng vô sanh mà hóa độ chúng sanh nơi huyễn hóa, thì không có chúng sanh nào là không hóa độ, nên sự hóa độ ấy rất lớn, khiến cho những chúng sanh ấy đều xa lìa được ngã và pháp. Tất cả ngã và pháp xưa nay vốn rỗng lặng. Nếu đạt được tâm rỗng lặng, thì tâm ấy không phải là huyễn hóa. Không huyễn, không hóa là được vô sanh. Tâm vô sanh ngay nơi không huyễn hóa”. (Đại chính 9, tr. 366b14).
“Này Bồ tát! Tất cả tướng của tâm xưa nay không có nguồn gốc, vốn rỗng lặng, vô sanh, không có nguồn gốc xứ sở. Nếu tâm vô sanh là vào rỗng lặng. Cõi tâm rỗng lặng là đạt tâm không. Nầy thiện nam tử! Tâm không có hình tướng, không có hình tướng của tâm, không có hình tướng của ngã. Hình tướng của tất cả pháp cũng đều như vậy”(Đại chính 9, tr. 366b20).
Như vậy, Kim cang tam muội là vô tướng, có khả năng chặt đứt và đâm thủng mọi hình tướng của ngã và pháp, khiến cho tất cả chúng sanh và những vị đang tu học trong giáo pháp nhị thừa đều chứng nhập nhất vị hay thực tế. Nhất vị hay thực tế là chân lý giải thoát rôt ráo tối hậu, mà đức Phật muốn chỉ bày cho hết thảy chúng sanh.
2- Pháp thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy, ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt và phá hoại đối với tất cả những khoáng vật khác, thì Thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy cũng vậy, nó có khả năng chặt đứt mọi vướng mắc đối với tất cả tánh và tướng của tâm, để hiển thị tướng và tánh vô sanh của tâm. Như trong kinh đức Phật dạy: “Tâm vô sanh, vô nhẫn là không có hình tướng. Ví như bản tính của lửa, tuy ở trong gỗ, nhưng vì bản tánh quyết định của nó không có xứ sở, nên chỉ có danh từ, tánh của nó không thể thủ đắc. Muốn giải thích lý của nó, chỉ nêu lên danh xưng giả định. Tướng của danh xưng đã không thể thủ đắc, thì tướng của tâm cũng vậy, không thấy xứ sở, biết tâm như thế là tâm vô sanh.
Nầy thiện nam tử! Tánh và tướng của tâm ấy, lại như quả A ma lặc, vốn không phải tự sanh, không sanh từ cái khác, không cọng sanh, không sanh từ nhân, không phải vô sanh. Vì sao? Vì do duyên thay đổi, duyên khởi không phải sanh, duyên hết chẳng phải diệt, ẩn hiện đều vô tướng, lý tánh căn nguyên đều tịch diệt, không có xứ sở, không thấy chỗ trú, do tính quyết định. Tính quyết định ấy, cũng không phải là đồng nhất, không phải là dị biệt, không phải là gián đoạn, không phải là thường hằng, không phải là nhập, không phải là xuất, không phải là sanh, không phải là diệt, lìa xa bốn luận chứng, dứt bặt mọi ngôn ngữ. Tánh của tâm vô sanh cũng lại như vậy”. (Đại chính 9, tr. 367c4).
Như vậy, Kim cang tam muội là tướng và tánh của tâm vô sanh, có khả năng chặt đứt và xuyên thủng tất cả tánh và tướng do tâm chấp thủ ngã và pháp phơi bày, để đưa tánh và tướng của ngã và pháp trở lại với tự tướng, tự tánh rỗng lặng và vốn tịch diệt ở nơi tự tâm vô sanh.
3- Pháp Thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy, ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt tất cả những khoáng vật khác, thì thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy, là nhất giác, có khả năng chặt đứt tất cả vọng giác của chúng sanh, để đưa họ hội nhập bản giác. Như trong kinh đức Phật dạy: “Các Đấng Toàn Giác- Như Lai, thường sử dụng nhất giác mà chuyển hóa các tình thức, nhập vào thức thanh tịnh. Vì sao? Vì bản giác tất cả chúng sanh đều vốn có, nên thường sử dụng nhất giác, để giác ngộ đối với các loại chúng sanh, khiến cho tất cả đều nhập được bản giác, để giác ngộ được rằng, các tình thức đều là rỗng lặng vô sanh. Vì bản tánh quyết định, vốn không hề có sự biến động”. (Đại chính 9, tr. 368b14).
Như vậy, Kim cang tam muội là nhất giác có khả năng chặt đứt và xuyên thủng tất cả các giác của hết thảy hữu tình, cũng như nhị thừa và đưa tất các giác ấy hội nhập bản giác.
4- Pháp thiền định đức Phật dạy trong kinh nầy, ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt tất cả những khoáng vật khác, thì thiền định không mắc kẹt ở nơi không của kinh nầy có khả năng chặt đứt mọi mắc kẹt và xuyên suốt các không, để hội nhập thực tế là chân lý tối hậu của giải thoát và giác ngộ. Như trong kinh đức Phật dạy: “Không mà không mắc kẹt nơi không; có mà không mắc kẹt nơi có; không phải không hay không phải có. Pháp chẳng có, tức là không mắc kẹt nơi không; tướng chẳng không, tức là không mắc kẹt nơi có. Không thể sử dụng sự hiểu biết đối đãi giữa có và không, mà có thể hiển bày được như lý.
Nầy Bồ tát! Mọi hình tướng của nghĩa đều không có tên gọi, không thể nghĩ bàn. Vì tên gọi không phải là tên gọi, mà cũng không phải không nơi tên gọi; nghĩa lý không phải là nghĩa lý, mà không phải không nơi nghĩa lý. (Đại chính 9, tr. 369b19).
Như vậy, Kim cang tam muội là không trú ở nơi không, có khả năng chặt đứt và xuyên thủng, không những đối với chúng sanh tu tập mắc kẹt nơi hữu, mà còn mắc kẹt nơi vô và ngay cả mọi danh và mọi nghĩa, để thể nhập thực tại chân như. Thể nhập thực tại chân như là không mắc kẹt nơi tướng và tánh của chân như. Người nào tu tập không mắc kẹt vào tướng và tánh ấy, là người có khả năng hội nhập với bến bờ giác ngộ chân thực.
5- Pháp thiền định đức Phật dạy ở trong kinh nầy, ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt mọi khoáng vật, thì thiền định của kinh nầy là an trú nơi không-nghĩa để chặt đứt và xuyên suốt các nghĩa, nhằm hiển thị đệ nhất nghĩa là nghĩa lý như như của vạn hữu. Như trong kinh đức Phật dạy cho Tôn giả Xá lợi phất rằng: “Ta thuyết pháp là do vì Tôn giả và chúng sanh ở trong sanh tử mà thuyết. Thuyết pháp mà không thể thuyết, đó mới gọi là thuyết pháp. Ý nghĩa và lới nói được ta thuyết không phải là văn. Ngôn ngữ và văn tự chúng sanh nói không phải là nghĩa. Ngôn ngữ không phải là nghĩa, vì nó đều là hư vô, trống rỗng. Ngôn ngữ của hư vô, trống rỗng là ngôn ngữ không có nơi nghĩa. Ngôn ngữ không có nơi nghĩa đều là ngôn ngữ hư dối.
Ngôn ngữ nơi nghĩa chân như là như-thực-không, chứ không phải trống không. Như-thực-không mà chẳng phải thực, vì nó lìa hẳn hai tướng đối đãi. Trung đạo mà không phải ở giữa. Pháp không phải là ở giữa, vì nó lìa hẳn cả ba tướng (bên nầy, bên kia và ở giữa), không thấy có xứ sở. Nói Như và Như-như, như ấy không phải là hữu hay vô, không phải là hữu đối đãi với vô. Như không phải là vô hay hữu, hay hữu không phải là hữu, mà như ấy không ở nơi hữu hay vô gì cả. Vì vậy, thuyết mà không thuyết gì cả. Ngôn thuyết không ở nơi chân như, chân như không hiện hữu ở nơi chân như, nên mới gọi là chân như”. (Đại chính 9, tr. 371a13).
Như vậy, Không-nghĩa là Kim cang tam muội của kinh nầy, nó có khả năng chặt đứt và xuyên thủng mọi nghĩa được biểu hiện từ tâm chấp ngã và pháp, để đưa mọi ý nghĩa ấy hội nhập vào đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là tánh chân thực của không, là thể tính Niết bàn tịch tịnh chân thực.
6- Pháp thiền định đức Phật dạy trong kinh nầy, ví như Kim cang. Kim cang có khả năng chặt đứt và đâm thủng các khoáng vật, thì Thiền định về ba hành và ba không ở trong kinh nầy có khả năng chặt đứt và đâm thủng các hành và các không, thâu nhiếp hết thảy pháp môn vào ở nơi ba hành và ba không nầy, khiến cho tất cả đều hội nhập Như lai tạng. Như đức Phật dạy cho Trưởng giả Phạm hạnh rằng: “Nầy Trưởng giả! An trú nơi Phật đạo duy nhất là chứng được ba hành. Ba hành là: 1- Tùy sự thủ hành: Hành thủ chứng là do tùy thuận sự tướng. 2- Tùy thức hành: Hành thủ chứng là do tùy thuận các thức. 3- Tùy như thủ hành: Hành thủ chứng là do tùy thuận chân như”.
Nầy Trưởng giả! Ba hành như vậy, là thâu nhiếp hết thảy pháp môn. Hết thảy pháp môn đều hội nhập vào ba hành nầy. Người nào chứng nhập ba hành nầy, người ấy ở nơi tướng rỗng lặng không sinh khởi. Người nào chứng nhập được như vậy, có thể bảo rằng người ấy, chứng nhập kho tàng của Như lai. Người nào chứng nhập kho tàng Như lai, người ấy chứng nhập mà không chứng nhập gì cả (Đại chính 9, tr. 372a1).
Ngoài ba hành, đức Phật còn dạy cho Trưởng giả Phạm hạnh về tứ trí và những tác dụng lớn lao của nó, không những về mặt tu chứng, mà còn về mặt hóa độ chúng sanh nữa (Đại chính 9, tr. 372a9-12). Và, Ngài còn dạy thực hành Tam tam muội là có đại dụng trong và ngoài không xâm đoạt lẫn nhau. Tam tam muội gồm: - Không tam muội: Thiền định ở nơi không. – Vô tướng tam muội: Thiền định ở nơi vô tướng. – Vô tác tam muội: Thiền định ở nơi vô tác (Đại chính 9, tr. 372a14- 21).
Như vậy, ba hành và tam tam muội là Kim cang tam muội của kinh nầy, nó có khả năng chặt đứt và xuyên suốt các hành và các tam muội khác, khiến cho người hành trì có khả năng chặt đứt sự vướng mắc đối với các hành và các tam muội, mà hội nhập Như lai tạng, nhất vị, nhất thừa hay nhất Phật đạo.
7- Pháp thiền định đức Phật dạy ở trong kinh Kim cang tam muội nầy, không đơn thuần chỉ là định mà còn là tuệ. Không đơn thuần là trí mà còn là cảnh. Chính định ấy là trí và chính trí ấy là cảnh. Cảnh của trí là tịnh độ. Cảnh và trí không hai.
Trí tuệ tóm lược có bốn: - Trí quyết định: Nghĩa là trí ấy tùy thuận theo chân như. – Trí không nhất định: Nghĩa là trí phương tiện, sử dụng để phá trừ các bệnh cố chấp. – Trí Niết-bàn: Nghĩa là trí tuệ loại trừ cái biết thoáng chốc đối với lằn mức chân thực. – Trí tuyệt đối: Nghĩa là trí tuệ chứng nhập Phật đạo toàn vẹn, như thực (Đại chính 9, tr. 372a9).
Trong bốn trí ấy, trí tuyệt đối là trí Kim cang tam muội, có khả năng chặt đứt và xuyên suốt các trí để hội nhập nhất trí là Phật trí. Phật trí là do ở trong Kim cang tam muội quán chiếu mà sinh khởi. Nên, Bồ tát Địa tạng thưa đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Biết có, nhưng không phải là thực, vì chúng như sóng nắng. Biết thực, nhưng không phải là không, vì chúng như tánh lửa sinh. Người nào quán chiếu được như vậy là người có trí tuệ.
Đức Phật dạy, đúng như vậy. Vì sao? Vì người ấy là người có sự quán chiếu chân thực. Quán chiếu tướng và không phải tướng, đều là nhất như, bình đẳng, vắng lặng. Vì rỗng lặng chấp thủ nơi không và do tu pháp-không, nên thấy được Phật. Do thấy được Phật, nên không chảy theo ba dòng. Ba con đường giải thoát ở trong Đại thừa, đều nhất thể không có tự tánh. Vì không có tự tánh, nên không; vì không, nên vô tướng; vì vô tướng, nên vô tác; vì vô tác, nên vô cầu; vì vô cầu, nên vô nguyện; vì vô nguyện, nên biết rõ nghiệp, cần phải tịnh tâm; vì tâm thanh tịnh, nên thấy được Phật; do thấy được Phật, liền sanh tịnh độ”. (Đại chính 9, tr. 373b19).
Như vậy, tuyệt đối trí là trí của Kim cang tam muội. Trí ấy do tu tập pháp-không của Kim cang tam muội mà thành tựu và thành tựu trí ấy là thấy pháp thân của Phật và hội nhập tịnh độ của các Ngài. Trí ấy là trí xuyên suốt với cảnh. Trí và cảnh nhất như. Trí và cảnh ấy là trí và cảnh của Kim cang tam muội. Tam muội là trí, Kim cang là cảnh. Trí và cảnh là một. Trí tịnh nên cảnh tịnh. Trí và cảnh như vậy là trí cảnh của tịnh độ.
Ý nghĩa trí và cảnh nhất như, thanh tịnh nầy, ở trong kinh Đại bát nhã, đức Phật đã nói với Tôn giả Thiện-hiện như sau: “Này Thiện-hiện! Vì tất cả trí ở nơi trí thanh tịnh, nên thanh tịnh là sự rỗng lặng ở bên trong. Do thanh tịnh là sự rỗng lặng ở bên trong, nên thanh tịnh ở nơi pháp thiền định, không còn hai loại phân biệt và vô phân biệt, vì hai loại ấy đã bị đoạn tận. (Nan tín giải phẩm, Đại bát nhã kinh, cuốn 261, Đại chính 6, tr. 319c12).
Do đó, trí và cảnh thanh tịnh, nhất như là một trong những ý nghĩa rốt ráo của tên kinh Kim cang tam muội nầy.
Và như vậy, đề kinh Kim cang tam muội tóm lược có bảy nghĩa chính như đã trình bày ở trên. Kim cang tam muội là vậy, nên ở kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Nầy Bồ tát đại sĩ! Người tu tập Đại Niết-bàn được Kim cang tam muội, an trú ở trong tam muội ấy, thì có thể phá tan tất cả pháp”. (Niết Bàn Kinh 24, Đại chính 12, tr. 509b).
Kinh Kim cang tam muội còn có tên là Bất khả tư nghị, quá khứ chư Phật chi sở hộ niệm, năng nhập Như lai nhất thiết trí hải. Nghĩa là tên gọi của kinh nầy là Không thể nghĩ bàn, được sự hộ niệm của chư Phật quá khứ, có khả năng chứng nhập biển trí tuệ toàn giác của Như lai.
Sở dĩ, kinh có tên như vậy, vì pháp được trình bày ở trong kinh nầy là nắm giữ toàn bộ hết kinh pháp, là thâu nhiếp tinh yếu của tất cả kinh, là tông chỉ của pháp ở nơi pháp của các kinh. Vì vậy, tên kinh còn gọi là Nhiếp Đại thừa kinh, hoặc còn gọi là Vô lượng nghĩa tông. (Đại chính 9, tr. 374a24).
Kinh nầy gọi là Nhiếp đại thừa kinh, vì từ nơi bản giác mà phát khởi hạnh nguyện và ngay nơi tục đế cũng như chơn đế mà khới nhập nhất thừa hay nhất vị. Sa môn Nguyên Hiểu giải thích ở trong Kim cang tam muội kinh luận 1, rằng: “Không có chỗ nào là không thiết lập, nên gọi là Nhiếp đại thừa kinh”. (Đại chính 34, tr. 0961a).
Kinh nầy gọi là Vô lượng nghĩa tông, vì tông chỉ của kinh nầy là Nhất vị vô sở đắc, nhưng không phải là không đắc. Do từ tông chỉ đó mà các pháp môn được khai triển thành Nghĩa tông vô lượng. Cũng ở trong Kim cang tam muội kinh luận 1, Sa môn Nguyên Hiểu đã giải thích “Tất cả tông nghĩa không ra ngoài hai, nên gọi là Vô lượng nghĩa tông”. (Đại chính 34, tr. 0961a).
T.T.H.
|