Hoa nghiêm suối nguồn văn hóa Phật giáo thời Trần
Mai Thị Thơm
Cập nhật: 06:41:09 09/08/2009

HOA NGHIÊM

SUỐI NGUỒN VĂN HÓA

PHẬT GIÁO THỜI TRẦN

 

MAI THỊ THƠM

 

I. Hình ảnh cụ thể của Hoa Nghiêm trong văn hóa Phật giáo thời Trần

1.1. Hoa Nghiêm thời giữa và cuối Lý

Như ghi nhận ở mục giới thiệu Kinh Hoa Nghiêm trong phần Bối cảnh lịch sử ở trên, Hoa Nghiêm bộ kinh điển ẩn tàng một hệ thống giáo nghĩa thậm thâm vi diệu như vậy, nên sau khi được hình thành và được truyền bá rộng rãi ở Ấn Độ, Hoa Nghiêm đã được rất nhiều nhà học Phật Trung Hoa phiên dịch, chú thích, sớ giải từ thời Đường trở đi với vô số tác phẩm có giá trị triết học cao, nào là Hoa nghiêm kinh sưu huyền ký (gồm 5 quyển, tác giả là Trí Nghiễm thời Đường); Hoa nghiêm kinh thám huyền ký (gồm 20 quyển, tác giả Hiền Thủ thời Đường); nào là Hoa nghiêm kinh đại ý,(1 quyển), Hoa nghiêm kinh quyết nghi (40 quyển, Lý Thông Huyền đời Đường soạn), Hoa Nghiêm kinh cốt mục (2 quyển, Thực Xoa Nan Đà đời Đường viết), Hoa nghiêm pháp giới huyền kính (2 quyển, Thích Đỗ Thuận đời Đường soạn)…

Không chỉ thế, ở Trung Quốc, Nhật Bản… còn hình thành tông Hoa Nghiêm, với nền tảng giáo điển chủ yếu là kinh Hoa Nghiêm và được phát triển vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, giáo điển Hoa Nghiêm còn được các tông phái khác học hỏi vận dụng vào sự tu tập hàng ngày, trong đó đáng kể nhất là Thiền tông. Theo học giả Daisetz Teitaro Suzuki (tác giả bộ Thiền luận), tứ tổ Hoa Nghiêm tông Trung Quốc là Thiền sư Trừng Quán (738- 839), từng theo học thiền với Thiền sư Vô Danh (đệ tử của Thiền sư Thần Hội, thuộc dòng thiền Huệ Năng), và đã vận dụng phương pháp thiền để diễn giải Hoa Nghiêm[1]; ngũ tổ Hoa Nghiêm tông là Khuê Phong Tông Mật (780 – 842), ban đầu xuất gia học Phật với Viên Thiền sư ở Toại Châu, sau lại tham yết với Trung Thiền sư ở Nam Kinh, Chiếu Thiền sư ở Lạc Dương, rồi khi đã có sở ngộ và gặp được bộ Hoa nghiêm sớ, tổ bèn đến xin làm môn nhân của tứ tổ Trừng Quán[2]. Từ tổ sư này trở đi, giáo nghĩa Hoa Nghiêm thâm nhập một cách sâu rộng vào trong đời sống tu học của Thiền tông dưới rất nhiều hình thức khác nhau.

Vả lại, tuy là chủ trương “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”, nhưng các Thiền sư không phủ nhận kinh điển, các ngài đã khéo léo vận dụng giáo điển trong những cuộc đối thoại thiền, và coi đó là phương tiện giúp môn sinh giác ngộ. Giáo điển Hoa Nghiêm đương nhiên cũng được các Thiền sư chủ động vận dụng khá nhiều vì sự dung hợp vô ngại của nó. Điển hình như Thiền sư Thạch Đầu (699- 790) trong Tham đồng khế, Thiền sư Động Sơn (806- 859) trong Bảo kinh tam muội ca đã vận dụng tư tưởng giao thoa nhất thể của Hoa Nghiêm để trình bày các mệnh đề đối lập như sáng tối, ngay lệch… Song, trào lưu hỗn hợp Thiền với triết học Hoa Nghiêm lên đến tột đĩnh khi Vĩnh Minh Diên Thọ (904- 975) tổ nối pháp của dòng thiền Pháp Nhãn viết Tông cảnh lục gồm 100 quyển, với mục đích dung nạp mọi tư tưởng dị biệt trong Phật giáo vào thuyết duy tâm (tâm có nghĩa là thực tại cứu cánh tự giác sát) của mình.

Ở Việt Nam, tuy không hình thành tông Hoa Nghiêm, Hoa Nghiêm cũng không trở thành giáo điển chính được các Thiền sư của các dòng thiền Pháp Vân và Kiến Sơ thời kỳ đầu vận dụng nhiều như giáo điển Bát Nhã, Pháp Hoa. Nhưng với địa thế Giao Châu, sự giao lưu ảnh hưởng văn hóa của các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Ấn Độ vào văn hóa Việt là điều hiển nhiên.

Hơn nữa, hệ thống giáo lý Phật giáo nguyên thủy Việt Nam, cụ thể là từ thời Mâu Bác, Khương Tăng Hội… là hệ thống giáo lý hợp sáng, tức là dung hợp rất nhiều loại giáo điển, Thiền, Tịnh, Mật, Đạo gia, Nho gia… đều trở thành giáo điển được học hỏi và vận dụng trong đời sống tu hành và truyền bá của người con Phật.

 Do vậy, từ thế kỷ X trở đi, các Thiền sư Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng của sự phát triển giáo điển Hoa Nghiêm trong Thiền học ở Trung Quốc, cũng đã bắt đầu vận dụng giáo điển Hoa Nghiêm trong công cuộc hoằng hóa Phật pháp của mình. Vậy thì, Hoa Nghiêm đi vào đời sống tu học của người con Phật Việt Nam, cụ thể là Thiền học Việt Nam từ thời Lý trở đi như thế nào?

Từ thời giữa và cuối Lý, Hoa Nghiêm đã được các Thiền sư của hai phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng như phái Vô Ngôn Thông của Đại Việt vận dụng tương đối nhiều. Có khi chư vị trích dẫn nguyên kinh văn của Kinh Hoa Nghiêm để giảng giải cho các môn đồ, có khi các ngài chọn Đà là ni trong Hoa Nghiêm làm chú thuật trì tụng hằng ngày trong đời sống tu học của bản thân, cũng có khi, tinh thần Hoa Nghiêm được các ngài vận dụng trong kệ thị tịch, hoặc kệ đúc kết một bài giảng…

1.2. Hoa Nghiêm trong các Thiền sư phái Vô Ngôn Thông

Theo ghi nhận trong Thiền uyển tập anh, phái Vô Ngôn Thông thì có các Thiền sư Cứu Chỉ, Đại Xả, Nguyện Học, Hiện Quang, đặc biệt là Thiền sư Thường Chiếu đều có vận dụng Kinh Hoa Nghiêm.

Thiền sư Cứu Chỉ (khoảng nửa cuối thế kỷ mười một) chùa Diên Linh, núi Long Đội, vì ham học rộng các sách Nho, Phật từ thuở thiếu thời, nên sớm nhận ra: “Khổng -Mặc chấp có, Trang- Lão chấp không, sách vở của thế tục chẳng phải là phương giải thoát. Chỉ có Phật pháp không kể có, không, có thể dứt sanh tử, nhưng phải siêng năng giữ giới, cầu bậc Thiện tri thức ấn chứng mới được” và với ảnh hưởng của tinh thần viên dung vô ngại, vượt lên Nhị kiến của Hoa Nghiêm, Ngài đã có một cái nhìn toàn triệt về con người cũng như vũ trụ. Khẳng định chắc chắn rằng các pháp vốn có từ tâm, nhưng tâm và pháp lại không hai, đều ở nơi con người này, và đều huyễn hóa, vốn do duyên sinh, cho nên không có gì để phân biệt ta người, thiện ác, phiền não, Bồ đề, Niết bàn, sanh tử. Cái nhìn Nhị kiến đã không còn, vọng chấp ràng buộc cũng hết, vậy thì con người ung dung tự tại làm mọi việc, hiện hữu khắp nơi, có trong mọi lúc, nhưng vẫn không thấy cái gì là có, Phật cũng không, pháp cũng không, chúng sanh cũng không, nhân quả cũng không, thế là tu mọi pháp, độ mọi chúng sanh mà vẫn không thấy mình tu, mình độ. Thế nên Ngài đã ân cần dạy lại cho đồ chúng trước khi thị tịch, hòng mong chúng có thể tự lợi lợi tha, tiếp nối dòng thánh:

Rõ biết thân tâm vốn lặng yên

Thần thông biến hóa hiện mọi tướng

Hữu vi vô vi từ đây hiện

Thế giới hà sa không thể lường

Tuy dù biến khắp cả hư không

Mỗi mỗi xem ra chẳng hình dạng

Ngàn năm muôn năm khó sánh đó

Xứ xứ nơi nơi thường tỏ rạng” (NCV NCVTUTA, tr. 198).

Bước sang thế kỷ mười hai, Hoa Nghiêm thâm nhập càng sâu rộng hơn nữa trong tư tưởng của các Thiền sư Đại Việt.

Thiền sư Đại Xả (1120- 1180) hằng ngày trì tụng một thần chú trong Kinh Hoa Nghiêm và nhờ thần lực của thần chú này mà ngài có thể sống ung dung tự tại không bị ràng buộc theo một hình thức cứng nhắc nào của giới xuất gia:

 Thiền sư Đại Xả, chùa Báo Đức núi Vũ Ninh, người phường Đông tác, họ Hứa. Lúc nhỏ xuất gia theo Đạo Huệ núi Tiên Du, tập tành Thiền học, biết sơ nét chính của nó.

Sư thường trì tụng thần chú Diệu môn phổ hiền trong Kinh Hoa Nghiêm làm công việc hằng ngày. Có lúc sư xoã tóc, bỏ ăn, cư trú không nơi nhất định” (NCV NCVTUTA, tr. 221).

Theo ghi nhận của GS Lê Mạnh Thát: “Hoa nghiêm diệu môn phổ hiền thần chú, chính là Tốc tật mãn phổ hiền hạnh nguyện đà la ni có lẽ do Bất Không thêm vào trong lời nguyện của Phổ Hiền trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm bốn mươi quyển ĐTK 293 tờ 847a2- 848b9 của ông và sau này đã trích thành một bản văn riêng rẽ, mà người ta gọi là Phổ hiền hạnh nguyện tán ĐTK 297tờ 880 a1- 882c17. Nó đọc là: Nẵng ma tát để rị giả địa vĩ ca nam đát tha nghiệt đa nam. Án a mậu phạ ra vĩ nghì dỉ sa phạ ha” (NCV NCVTUTA, tr. 444).

Thiền sư Nguyện Học (?- 1181) chùa Quảng Báo làng Chân Hộ lúc sắp thị tịch dạy đồ chúng rằng:

Rõ hiểu thân, tâm mắt tuệ khơi

Linh thông biến hóa, hiện thật tướng

Ngồi nằm đi đứng riêng siêu nhiên

Ứng hiện hóa thân chẳng thể lượng

Hư không đầy dẫy tuy lấp khắp

Xem qua chẳng thấy như có bóng

Thế gian không vật hay sánh kịp

Mãi hiện ánh thiêng sáng rạch ròi

Thời thường dạy dỗ bất tư nghị

Không được một câu đáng làm lời”.

(NCV NCVTUTA, tr. 235).

Phẩm Thập Định thứ hai mươi bảy của Kinh Hoa Nghiêm ghi nhận việc Phật bảo Bồ tát Phổ Nhãn trực tiếp hỏi Bồ tát Phổ Hiền về hạnh nguyện, giải thoát, tam muội… của Phổ Hiền vì Bồ tát Phổ Hiền đang ở trong pháp hội Hoa Nghiêm tại đạo tràng Bồ đề nước Ma Kiệt Đà, thế nhưng Bồ tát Phổ Nhãn và đại chúng tìm kiếm khắp nơi vẫn không sao thấy được, ngay khi các Bồ tát này nhập mười ngàn vô số tam muội cầu thấy Bồ tát Phổ Hiền vẫn không sao thấy được, và cho đến khi họ lắng lại với chính họ thì mới thấy được:

“Chư Bồ tát này đối với Phổ Hiền sanh lòng tôn trọng khát ngưỡng, muốn thấy, nhưng nhìn khắp mọi nơi mà vẫn không thấy, cũng chẳng thấy toà ngồi của Bồ tát Phổ Hiền…

Phổ Nhãn và chư Bồ tát lại ngó tìm khắp cả hội trường rồi thưa Phật: Bạch đức Thế Tôn! Nay chúng con vẫn chưa thấy được thân và toà ngồi của Bồ tát Phổ Hiền.

Phật nói: Đúng thế. Vì cớ chi mà các ngươi không thấy được? Này Phổ Nhãn! Vì trụ xứ của Bồ tát Phổ Hiền rất sâu, bất khả thuyết. Bồ tát này được vô biên môn trí tuệ, nhập sư tử phấn tấn định, được lực dụng tự tại vô thượng, vào nơi vô ngại thanh tịnh sanh mười trí lực của Như Lai, lấy pháp giới tạng làm thân, tất cả Như Lai đồng hộ niệm, khoảng một niệm có thể chứng nhập trí vô sai biệt của tam thế chư Phật. Vì thế các ngươi không thấy được…

Phật bảo Phổ Nhãn và đại chúng: Chư phật tử! các ngươi lại phải kính lễ Bồ tát Phổ Hiền, ân cần cầu thỉnh, chuyên tâm quán sát mười phương, tưởng thân Phổ Hiền hiện ở trước mình, suy gẫm như vậy khắp pháp giới, thâm tâm tín giải, nhàm lìa tất cả, thệ đồng một hạnh với Phổ Hiền, vào nơi pháp chân thực bất nhị, thân mình hiện khắp tất cả thế gian, biết rõ căn tánh sai biệt của chúng sanh, khắp mọi nơi tập hợp đạo Phổ Hiền…

Bấy giờ Bồ tát Phổ Hiền liền dùng sức thần thông giải thoát theo chỗ đáng hiện mà hiện sắc thân, làm cho tất cả chúng Bồ tát đều thấy Phổ Hiền ngồi trên toàn liên hoa gần đức Như Lai. Cũng thấy nơi tất cả thế giới khác, chỗ tất cả chư Phật, Bồ tát Phổ Hiền tuần tự tiếp nối mà đến. Cũng thấy nơi tất cả chư Phật kia diễn thuyết tất cả hạnh Bồ tát khai thị đạo nhất thiết chủng trí, xiển minh tất cả thần thông của Bồ tát, phân biệt tất cả oai đức của Bồ tát, thị hiện tất cả tam thế chư Phật” (tập 3, tr. 13 – 16).

Chính vì thế mà Thiền sư Nguyện Học dạy đại chúng phải quay về với chính mình mới tìm được “Đạo”, vì “Đạo” ở trước mắt, tuy không hình tướng nhưng bàng bạc khắp mọi nơi và đủ vô số công dụng, chư Phật ba đời cũng như lịch đại tổ sư đều chứng biết đạo như thế nên các Ngài không nhọc công tìm kiếm bên ngoài.

Thiền sư Hiện Quang (?- 1221) núi Yên Tử lại nói về việc vượt lên cái nhìn pháp huyễn và tu huyễn để giải thoát mọi sự ràng buộc cố chấp về cái huyễn. Vì theo tinh thần nhà Phật, chấp có không đúng, mà chấp không cũng sai nốt; chập thật là vọng, mà chấp huyễn cũng vọng. Phải vượt lên chấp có chấp không, chấp thực chấp huyễn thì mới thực sự đạt ngộ và mới thong dong trên hành trình tu học:

Pháp huyễn đều là huyễn

Tu huyễn cũng là huyễn

Chẳng là hai huyễn ấy

Tức trừ được mọi huyễn”.

Phẩm Thập định Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Đại Bồ tát biết tất cả pháp thế gian đều đồng như huyễn hóa. Vì biết pháp huyễn nên biết trí huyễn. Vì biết trí huyễn nên biết nghiệp huyễn.

Đã biết trí huyễn và nghiệp huyễn nên khởi huyễn trí xem tất cả nghiệp như nhà huyễn thuật thế gian. Chẳng ở ngoài bản xứ mà hiện huyễn, cũng chẳng ngoài huyễn mà có bản xứ….

Đại Bồ tát được huyễn trí giải thoát bất tư nghì, đến nơi bĩ ngạn, trụ nơi huyễn tế, nhập ở huyễn số thế gian, tư duy các pháp thảy đều như huyễn, chẳng trái huyễn thế, cùng tận nơi huyễn trí, rõ biết tam thế cùng huyễn không khác, thông đạt quyết định, tâm không ngằn mé” (tập 3, tr. 30- 31).

Thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) một trong những đệ tử đắc pháp của Thiền sư Quảng Nghiêm, là người đã dẫn thẳng kinh văn Hoa Nghiêm để trả lời câu hỏi về pháp thân của một thiền sinh. Chính từ tinh thần dung nạp không ngại đó của Kinh Hoa Nghiêm mà ngài đã sẵn sàng tiếp quảng chùa Lục Tổ - một tổ đình lớn của phái Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, để rồi sau này góp công lớn trong việc dung nhập các Thiền phái đương thời bằng tinh thần tuỳ tục cụ thể nhất cho Phật giáo thời cuối Lý đầu Trần. Sau đây là câu đáp của Ngài về Pháp thân được NCVTUTA ghi nhận: “Lại hỏi:Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?

Sư đáp: Như một lỗ chân lông biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì sao? Vì Pháp thân ứng hóa thành Đẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi dục và cõi phi dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp. Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp là tính Niết bàn. Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sanh, không có tính phi chúng sanh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành đẳng chánh giác” (NCV NCVTUTA, tr. 239).

Và đoạn trả lời này của Ngài được rút ra từ hai đoạn trong phẩm Như Lai xuất hiện của Kinh Hoa Nghiêm như sau:

Đoạn 1 trích từ tr. 424 – 425 tập 3: “Chư phật tử! Đại Bồ tát phải biết thân Như Lai trong một lỗ chân lông có thân chư Phật bằng số tất cả chúng sanh. Vì đức Như Lai thành đẳng chánh giác rốt ráo không sanh diệt. Như một lỗ chân lông khắp pháp giới, tất cả lỗ chân lông cũng đều như vậy. Phải biết chẳng có một chút chỗ nào là không có thân phật. Vì đức Như Lai thành Đẳng chánh giác không chỗ nào chẳng đến. Tuỳ sở năng, tuỳ thế lực, ở dưới cây Bồ đề trên toà sư tử, hiện nhiều thân thành Đẳng chánh giác”.

Đoạn 2 trích từ tr. 422 tập 3: “Chư phật tử! Lúc đức Như Lai thành chánh giác, ở trong thân Như Lai, thấy khắp tất cả chúng sanh thành chánh giác, nhẫn đến thấy khắp tất cả chúng sanh nhập Niết bàn đều đồng một tánh. Một tánh đây chính là không tất cả tánh. Không những tánh gì? Không tánh tướng, không tánh tận, không tánh sanh, không tánh diệt, không tánh ngã, không tánh phi ngã, không tánh chúng sanh, không tánh phi chúng sanh, không tánh Bồ đề, không tánh pháp giới, không tánh hư không, cũng lại không thánh thành chánh giác. Vì biết tất cả các pháp đều không tánh nên được  Nhất thiết trí đại bi tương tục cứu độ chúng sanh”.

1.3. Hoa Nghiêm trong các Thiền sư phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Không khác gì nhiều các Thiền sư phái Vô Ngôn Thông, chư Tôn túc phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng chịu ảnh hưởng không ít tinh thần Bồ tát, pháp giới viên dụng vô ngại của Hoa Nghiêm, cho nên cái nhìn về vũ trụ, con người, cũng như mọi hành xử của các Ngài đều rất thoải mái, không vướng chấp một điều gì, bởi vì trong mắt họ là:

Tạo có mảy may có,

làm không hết thảy không,

có không trăng dưới nước,

đừng chấp có không không”.

mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh cuối thế kỷ mười một đầu thế kỷ mười hai đã khẳng định. Đã vượt được nhị nguyên rồi, đã dung thông mọi thứ rồi thì việc gì mà không làm được, nơi nào mà không đến được.

Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142) làng Từ Liêm, Vĩnh Khương, ban đầu theo học với Thiền sư Bản Tịch, sau mới tìm đến Thiền sư Biện Tài và đã tỏ ngộ tính giác, tiếp nối dòng thiền Pháp Vân thuộc thế hệ thứ 14, từng đưa cái nhỏ vào cái lớn, đưa cái lớn vào cái nhỏ, đưa phàm vào thánh, đưa thánh vào phàm, càn khôn vũ trụ gom thân lại trong một lỗ chân lông, cả nhật nguyệt tinh tú gói trọn trong một hải cải, thế vậy mà mọi vật trong vũ trụ này không hề vì thế bị nhỏ đi, bị bó hẹp, mất bản tính vốn có của mình, hạt cải hay lỗ chân lông cũng không vì thế mà to ra, biến mất hình dạng nhỏ bé của mình trong tư tưởng Hoa Nghiêm để đáp lại câu hỏi “sắc là phàm hay thánh” của Thiền sư Pháp Dung rằng:

Nhọc đời thôi hỏi sắc cùng không

Học đạo chẳng qua phỏng tổ tông

Thiên ngoại tìm tâm không định thể

Nhân gian trồng quế há thành rừng?

Càn khôn gom lại đầu sợi tóc

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng

Trước mặt nắm tay dùng việc lớn

Ai hay phàm thánh với tây đông ( NCVTUTA, tr. 287).

Và đó là hình ảnh từ phẩm Phật bất tư nghì thứ ba mươi ba trong Kinh Hoa Nghiêm: “Phật tử! Tất cả chư Phật đem tất cả núi Tu Di, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, đại hải, núi rừng, cung điện, nhà cửa trong những thế giới khắp pháp giới để vào một lỗ chân lông đến suốt kiếp vị lai mà các chúng sanh chẳng hay chẳng biết. Chỉ trừ người được thần lực của Như Lai gia trì. Bấy giờ nơi một lỗ chân lông chư Phật giữ lấy tất cả thế giới suốt kiếp vị lai, hoặc đi đứng nằm ngồi chẳng hề biết mỏi mệt. Ví như hư không khắp giữ gìn tất cả thế giới khắp pháp giới mà không mỏi mệt…

Phật tử! Tất cả chư Phật có thể trong khoảng một niệm bước được bất khả thuyết bất khả thuyết thế giới vi trần số bước. Mỗi bước đó đi qua bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát vi trần quốc độ, đi mãi như vậy trải qua tất cả thế giới vi trần số kiếp…” (tập 3, tr. 248).

Thiền sư Y Sơn (? -1216) thế hệ thứ mười chín cũng dựa vào tinh thần vượt Nhị kiến, thoát khỏi cái nhìn hai tướng nên biến hiện cùng khắp của Như Lai trong hành trình độ thoát chúng sanh ở mười phương ba đời của Kinh Hoa Nghiêm để dạy đồ chúng:

“Các ngươi nên biết, Như Lai thành đẳng chánh giác, đối với tất cả nghĩa lý, không còn có chỗ xem xét; đối với các pháp bình đẳng, không có gì nghi hoặc, không hai, không tướng, không đi, không đứng, không lường, không hạn, xa lìa hai bên, ở nơi trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, ngôn thuyết, truyền được thân lượng bằng hết thảy chúng sanh, được thân lượng bằng hết thảy mọi cõi, được thân lượng bằng hết thảy tam giới, được thân lượng bằng hết thảy Phật, được thân lượng bằng hết thảy ngôn ngữ, được thân lượng bằng hết thảy nguyện, được thân lượng bằng hết thảy hạnh, được thân lượng bằng hết thảy tịc diệt.

Lại nói rằng:

 Như Lai thành chánh giác

Hết thảy lượng đẳng thân

Hồi hổ không hồi hổ

Đồng tử mắt sáng thần”.

Lại nói:

Chân thân thành vạn tượng

Vạn tượng tức chân thân

Cung trăng xanh quế đỏ

Quế đỏ tại cung trăng” (NCVTUTA, tr. 303 – 304).

Cũng theo ghi nhận của tác giả Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, lời dạy trên của Thiền sư Y Sơn được trích từ Đại phương quảng phật hoa nghiêm kinh 52 tờ 274c29- 275a17 như sau:

Phật tử! Bồ tát ma ha tát ưng tri Như Lai thành chánh giác ư nhất thiết nghĩa, vô sở quán sát, ư pháp bình đẳng, vô sở nghi hoặc, vô nhị vô tướng, vô hành vô chỉ, vô lượng vô tế, viễn ly nhị biên, trú ư trung đạo, xuất quá nhất thiết văn tự ngôn thuyết (…), đắc nhất thiết chúng sanh lượng đẳng thân, đắc nhất thiết tam thế lượng đẳng thân, đắc nhất thiết Phật lượng đẳng thân, đắc nhất thiết ngôn ngữ lượng đẳng thân, đắc chân như lượng đẳng thân, đắc pháp giới lượng đẳng thân, đắc hư không giới lượng đẳng thân, đắc vô ngại giới lượng đẳng thân, đắc nhất thiết nguyện lượng đẳng thân, đắc nhất thiết hành lượng đẳng thân, đắc tịch diệt Niết bàn giới lượng đẳng thân”.

 Những dẫn chứng trên cho chúng ta thấy rằng, thực sự Hoa Nghiêm đã đi vào Đại Việt từ sớm, và cũng như thời kỳ tư tưởng Hoa Nghiêm được thịnh hành trong sự nghiệp tu học hoằng hóa của các Thiền sư Trung Quốc từ thế kỷ mười trở đi, các Thiền sư Đại Việt thời giữa và cuối Lý đã không ngại dẫn dụng kinh điển này tạo nên một nét văn hóa Phật giáo thế sự đặc biệt của Đại Việt, đưa Phật giáo và quốc gia bước vào một giai đoạn thịnh trị, một thời kỳ hoàng kim rực rỡ trong dòng lịch sử của cả hai.

2. Hoa Nghiêm thời Trần

Dòng thiền Thảo Đường ra đời vào thời Lý Thánh Tông, đánh dấu sự phát triển mới của Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của giai đoạn Phật giáo thế sự. Với sự ngộ đạo và nối pháp của chín Thiền sư Cư sĩ (Hoàng đế Lý Thánh Tông, cư sĩ Ngộ Xá, Tham chính Ngô Ích, Thái phó Đỗ Vũ, Hoàng đế Lý Anh Tông, Thái phó Đỗ Thường, Hoàng đế Lý Cao Tông, Xướng nhi quản giáp Nguyễn Thức, Phụng ngự Phạm Đẳng), chiếm một nửa số Thiền sư ngộ đạo nối pháp của dòng thiền này, triết lý viên dung vô ngại, không phân biệt tại gia xuất gia đều có thể ngộ đạo trong Hoa Nghiêm lại được thể hiện một cách sống động.

Thời Trần, Phật giáo Đại Việt lại tiếp tục phát triển, đánh dấu cho sự cực thịnh đó là sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm chất Việt nhất, do người Việt sáng lập, được người Việt truyền thừa và tiếp nhận theo văn hóa Việt. Tư tưởng Hoa Nghiêm cũng tiếp tục được phát triển, từ vị Vua đầu nhà Trần là Thái Tông, đến Thánh Tông, Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ… tư tưởng đó được thể hiện khá rõ ràng trong các tác phẩm của họ.

Song, không chỉ là một vài tư tưởng được các Thiền sư vận dụng để hoằng dương Phật pháp nữa, mà có cả những cảnh giới lung linh kỳ diệu, nơi thuyết giảng kinh điển Hoa Nghiêm, có những hình ảnh sống động vô ngần của pháp hội Hoa Nghiêm với Phật, Bồ tát, chúng hội trời thần…. Đặc biệt hơn là cả bộ Kinh Hoa Nghiêm được chính thức đưa vào giảng dạy trong các Thiền viện trong nhiều năm nhiều tháng với thính chúng lên đến hàng ngàn người đủ thành phần xã hội từ cao sang đến thấp hèn, song song với hệ thống kinh điển, ngữ lục khác như Pháp Hoa, Viên Giác, Đại Tuệ ngữ lục, Tuyết Đậu ngữ lục

Như trên đã nói, Hoa Nghiêm với những tư tưởng siêu việt nhị nguyên, viên dung vô ngại, không phủ định hoàn toàn mọi pháp, không đưa hành giả rơi vào trạng thái ngoan không, mà trình hiện ra trước mắt hành giả một pháp giới với muôn vàn cảnh tượng lung linh diệu kỳ. Nơi đó có Phật, có Bồ tát luôn hướng đến chúng sanh, thuyết giảng vô số giáo pháp độ thoát chúng sanh, có đại chúng dự nghe pháp Phật trong các pháp hội, có trời rồng thần ủng hộ pháp phật, mọi vật xung quanh thì xinh động đến lạ kỳ, mỗi hàng cây, mỗi ánh sáng… đều vang ra tiếng pháp nhiệm mầu.

Trong Hoa Nghiêm không phân biệt tại gia xuất gia, thành phần xã hội, tất cả đều có thể học Phật, hành đạo, tự độ độ tha theo căn tánh lợi độn của mình.

Trong Hoa Nghiêm có vô số vô lượng pháp môn từ bi hỷ xả, ngũ căn ngũ lực, bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ… nói chung, mỗi chúng sanh ở đó là một Bồ tát, được sinh ra từ thiện căn, từ trí lực, nguyện lực, hạnh đức của Phổ Hiền.

Hoa Nghiêm đưa ra cả một hành trình tu học từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là các pháp môn đó tách bạch riêng rẻ nhau, ngược lại mỗi pháp môn dung nạp vô số pháp môn, vô số pháp môn nằm trong một pháp môn.

Chính những tính ưu việt đó, Hoa Nghiêm đã dễ dàng thâm nhập sâu rộng vào Phật giáo thời Lý- Trần, đặc biệt là thời Trần. Sau đây là một vài hình ảnh chính trong Hoa Nghiêm được thể hiện trực tiếp trong văn hóa Phật giáo thời Trần.

2.1. Rừng Thệ Đa trong kinh Hoa Nghiêm

Đây là nơi diễn ra pháp hội thứ chín trong kinh Hoa Nghiêm, cụ thể là phẩm Nhập pháp giới:Bấy giờ đức Thế Tôn ở nước Thất La Phiệt, trong Trùng các Đại Trang Nghiêm, tại rừng Thệ Đa, vườn Cấp Cô Độc câu hội với năm trăm đại Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát làm thượng thủ. Tên của các ngài là…” (tập 4, tr. 7) .

Rừng Thệ Đa vườn Cấp Cô Độc này là nơi ghi dấu một sự tích vô cùng ly kỳ của một tinh xá được xây dựng ở phía bắc thủ đô Savatthi thuộc vương quốc Vesali do Trưởng giả Sudatta - một thương gia nổi tiếng về việc làm từ thiện “Cứu giúp những kẻ khốn cùng và cô độc” và Thái tử Jeta con Vua Pasenadhi vì sự ngưỡng mộ đức Thế Tôn.

Trong tác phẩm Đường xưa mây trắng, Sa môn Thích Nhất Hạnh kể về câu chuyện này với tựa Bao nhiêu tấc đất bấy nhiêu tấc vàng sau khi đã giới thiệu về cuộc gặp gỡ giữa thương gia Sudatta với đức Phật ở Magadha, và đã được Phật đồng ý để Tôn giả Sariputta cùng theo chàng về Vương quốc mình, tìm nơi xây dựng một Tinh xá cúng dường Phật và chư Tăng, để dân chúng nước này được kết duyên học Phật:

Sudatta đi xem xét nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào đẹp đẽ và thanh tịnh bằng khu lâm viên của Thái tử Jeta nằm sát thủ đô Savathi. Chàng nghĩ nếu có được khu lâm viên này làm cơ sở lưu trú và hành đạo của Bụt và giáo đoàn thì đạo lý tỉnh thức sẽ được truyền bá sâu rộng trong Vương quốc. Sudatta tìm đến Thái tử Jeta xin gặp. Hôm ấy, trong dinh thự của Thái tử có một vị văn quan trong triều mà Sudatta cũng quen biết. Sau khi chào hỏi Thái tử và vị văn quan, Sudatta trình bày ước muốn của mình và xin Thái tử nhường lại cho chàng khu vườn của Thái tử để làm cơ sở tu học và hoằng pháp của Bụt. Thái tử Jeta mới có hai mươi tuổi. Khu vườn này là của Vua Pasenadi ban cho chàng năm ngoái. Thái tử nhìn vị quan văn rồi nhìn Sudatta nói: - Khu vườn ấy là của phụ vương tôi cho tôi, và tôi quý nó như vàng. Nếu ông có đủ vàng lá đem trải đầy khu vườn thì tôi sẽ nhường nó lại cho ông.

Thái tử Jeta nói nửa đùa nửa thật nhưng thương gia trẻ tuổi này lại không cho đó là chuyện đùa. Chàng nói: - Được rồi, tôi sẽ theo điều kiện của Thái tử đặt ra. Sáng mai tôi sẽ cho chở vàng tới.

Thái tử Jeta giật mình: - Tôi nói đùa đó mà, tôi không bán khu vườn của tôi đâu. Ông đừng chở vàng tới.

Nhưng Sudatta vẫn nghiêm trang: - Thưa Thái tử, ngài là một bậc Vương giả. Ngài đã nói ra lời nào thì chắc lời ấy không thể bị xóa bỏ.

Rồi Sudatta quay sang hỏi vị văn quan đang ngồi uống nước với Thái tử: - Thưa đại nhân, có phải đúng như vậy không?

Vị văn quan gật đầu. ông ta quay về phía Thái tử Jeta: - Vị thương gia Anathapindika này nói đúng, thưa Điện hạ. Đã không đưa ra giá cả thì thôi, mỗi khi đã đưa ra giá cả thì ta không có quyền không bán.

Thái tử Jeta đành nhượng bộ. Tuy nhiên chàng hy vọng rằng Sudatta không có đủ vàng. Thái tử chưa kịp nói gì thêm thì Sudatta đã đứng dậy chắp tay tạ ơn và cáo biệt. Ngay sáng hôm sau, chàng cho người chở vàng tới lót khu vườn.

Thái tử Jeta chứng kiến cảnh tượng lót vàng này và rất lấy làm kinh ngạc. Thái tử biết đây không phải là chuyện mua bán tầm thường. Không ai bỏ ra một số vàng lớn như thế để mà mua một khu vườn giải trí. Bụt và giáo đoàn của người chắc chắn là những nhân vật lỗi lạc lắm cho nên thương gia này mới phát tâm dũng mãnh như thế được. Nghĩ thế, Thái tử tới gần Sudatta và hỏi thăm chàng về Bụt. Mắt vị thương gia sáng lên. Chàng kể cho Thái tử nghe về con người của Bụt, về đại cương giáo lý của người và về giáo đoàn các vị khất sĩ. Chàng lại hứa ngày mai sẽ đến mời Thái tử đi thăm viếng đại đức Sariputta, một vị cao đệ của Bụt, hiện đang có mặt tại thủ đô.

Nghe Sudatta nói, Thái tử Jeta cũng thấy hứng khởi trong lòng. Lúc bấy giờ người của Sudatta đã chở vàng được ba chuyến và đã lót được hai phần ba khu vườn. Khi chiếc xe sắp đi chuyến thứ tư, thì Thái tử Jeta đưa tay ngăn lại. Thái tử nói với Sudatta:

Thôi, ông lót từng ấy vàng đủ rồi, phần đất còn lại là phần tôi hiến tặng cho Bụt và giáo đoàn. Tôi cũng muốn góp phần vào công trình lớn lao và đẹp đẽ của ông. Tôi nói như thế này ông nghe có được không nhé: Cứ xem như là ông cúng đất còn tôi thì cúng cây cho tu viện. Sau này có ai hỏi thì ta có thể nói rằng: Tu viện này tên là vườn Anathapindika với cây của Jeta, ông chịu không?

Hình ảnh Tinh xá Kỳ Viên với câu chuyện rải vàng mua đất được diễn ra giữa Thái tử Kỳ Đà con Vua Ba Tư Nặc thành Xá Vệ và Trưởng giả Cấp Cô Độc được ghi lại rất nhiều trong hệ thống văn bia thời Trần. Khác với thời Lý, thành Vương Xá, núi Linh Thứu là những nơi được nhắc đến nhiều nhất khi nói về sự kỳ vĩ của chùa tháp, những ngôi chùa được xây dựng ở thời Trần lại thường được ví với cảnh trang nghiêm lộng lẫy của Kỳ Thọ Cấp Vô Độc Viên.

Ngay bia đầu tiên của thời Trần trong tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, ngôi chùa Thiệu Long thuộc địa phận Hà Tây do vợ chồng Đỗ Năng Tế, Đặng Ngũ Nương xây dựng vào thời Trần Thái Tông cũng được ví: “Rộng lớn như đất vàng thành Xá Vệ, bao la tựa cung điện Đâu Suất Đà, xung quanh thật xứng tạo Thắng phương (chùa), quy chuẩn đáng dựng nên Bảo sát (chùa). Ông bèn thí xả tiền tài bổng lộc, theo gương Chiến Thắng (tên Thái tử Kỳ Đà) hiến đất Kỳ Viên, học hạnh Cấp Cô (Trưởng giả Cấp Cô Độc) chở vàng rải đất”.

Chùa Hưng Phúc hương An Duyên phủ Thanh Hóa được cha con Lê Minh xây dựng vào năm Thiệu Long thứ bảy (1264) và được tu bổ mở rộng vào năm Khai Thái thứ nhất (1324) cũng được văn bia chùa này ghi nhận: “Kỳ viên trang nghiêm, rực rỡ bởi vàng ròng rải đất”.

Minh văn chuông chùa Diên Thánh Báo Ân thuộc phường Đông Ngạc hương Từ Liêm – Hà nội do Quyền ngự sử trung tán nội tán lang Trần Chấn Khanh soạn vào thời Khai Hựu (1333) ghi nhận về ngôi chùa này: “Trong cảnh Kỳ Viên, đất vàng trang nghiêm, cây báu ao báu, tươi tốt xinh đẹp”.

Những ngôi chùa thời Trần ở đất Đại Việt được xây dựng bằng cả tiền tài báu vật lẫn tâm hạnh Bồ tát, được trang hoàng hết sức lộng lẫy, ví như Tinh xá Kỳ Viên trong rừng Thệ Đa thuộc thành Xá Vệ này, nó không chỉ khẳng định sự giàu cường thịnh đạt của quốc gia Đại Việt, sự am hiểu thấu thông tư tưởng Hoa Nghiêm của người con Phật, mà còn khẳng định rằng Đại Việt chính là Trùng Các giảng đường, là cõi nước chư Phật mười phương. Vì thế không chỉ có Phật điện, Tăng phòng, vườn ao ngăn nắp, mà mọi thứ ở đây đều như được làm bằng thất bảo, đều lung linh kỳ diệu:

“Cảnh chùa này, bên trái tiếp ao xanh ngắt, mùa hè sen ngát đưa hương; bên phải gối đầm trong vắt, sớm mai ánh sắc cầu vòng, phía đông hướng đến ruộng xanh, nông phu cuốc đất mà ca bài thái bình; phía tây liền với rừng rậm, muông thú hót reo mà du chơi cõi thánh. Do thế, sai thầy thợ chọn vị trí, đặt thước tấc để tạo nền móng. Nhiều người dốc sức, thợ giỏi tựu về, cây kỳ gỗ dị, chốn chốn hướng lai, đá hoa gạch vân, nơi nơi tập hợp. Thợ khéo trình bày phong cách, đục đẻo chạm trỗ trang nghiêm; Lỗ Ban dâng tài xẻ gỗ, dây mực cưa đục bày ra. Xây chẳng bao lâu, công trình hoàn tất. Trời đất hợp nhau giúp sức, người thần khâm phục vẻ kỳ.

Chính điện nguy nga núi dựng, lan can rực rỡ rồng bay, trồng cây tiên làm cột, điểm xuyết bằng rừng đẹp Tam thần, tìm ngọc Hán làm rường, che phủ bằng lộng báu Cửu hoa ; thềm khắt rồng rùa, đạp nước phun mưa, cửa chạm phượng loan, uốn lượn theo mây, xếp tinh đẩu mà Bắc cực thua xa, bày cây hoa mà Thượng lâm thất sắc, ngói sen muôn tầng sắp lớp, hàng hàng châu ngọc sương giăng, linh vàng lung linh bốn góc, gió thu văng vẳng tiếng huyền. Sơn son thếp vàng, đẹp đẽ nào khác gấm thêu họ Đậu; vàng ngọc điểm tô, rực rỡ kém gì ánh quang ngọc dạ.

Ở giữa Kim tiên sáu trượng, ngồi toà sư tử trang nghiêm, khắc chạm lời vàng kinh ngọc, thần tiên như muốn giáng lâm, thánh tượng uy nghiêm, khác nào phân thân chốn ấy; bên cạnh đặt tiên nữ dâng hoa, Bồ tát phương tiện quyền biến, nghe học kinh pháp ở non Thứu, giảng thuyết kinh điển tại vườn Nai. Tôn giả mày rậm tóc quăn, sống động như là tranh vẽ, Hộ pháp chống kiếm cầm giáo, đặt yên ở trước điện Phật. Bên trái là Hoà thượng Trần Như, làm ruộng phúc cho đàn việt; bên phải là chánh thân Mỹ Âm, giữ việc lành cho Bảo sát. Trước mở Tam quan, hứng ngọn gió lành, làm nơi dừng xe cho khách; giữa thông một chiếc cầu ngang, đặt toà thưởng ngoạn cho Thiền sư vãn cảnh.

Kế đến xây lầu cao chót vót, vọng tiếng kình lợi lạc quần sanh. Ngoài đặt vườn hoa, hương giải thoát thơm khắp cung nhật nguyệt, giữa đào ao sen, hoa lành đẹp cả cõi thần tiên. Tăng phòng la liệt, dưỡng nuôi ngọc sáng cho sa môn, nhà bếp đặt bày, cung dưỡng món ngon lên thượng sĩ. Hoa thơm giăng đường, giai nhân tựa hiên không nói, cây lành che mát, rèm châu màn báu rũ che; xanh xanh dương liễu, người đẹp đùa với gió mai, biếc biếc lan can, lộng lẫy mà lưu sắc tối. Tùng bách ngàn năm trồng trọt, tốt tươi chừ muốn hóa thành rồng, ngô đồng trăm thước bón chăm, mơn mởn chừ ngã cành đợi phượng” (Văn bia chùa Thiệu Long).

Thật không khác gì cảnh giới mầu nhiệm hiện ra trong pháp hội Hoa Nghiêm bên đất Phật thuở nào khi mà đức Thế Tôn nhập tam muội Sư tử tần thân:

Lầu các Đại trang nghiêm bỗng nhiên rộng rãi không ngằn mé, kim cang làm đất, bảo vương che bên trên, vô lượng bảo hoa và châu ma ni rải đầy trong lầu, lưu ly làm cột, các thứ báu hiệp thành, trang nghiêm với đại quang ma ni, vàng diêm phù đàn, như ý bảo vương trùm khắp phía trên để nghiêm sức. Lầu cao thành dãy, đường gác kèm bên, thềm mái thừa nhau, cửa ngạch chói nhau, thềm bậc hiên bao lơn đều đầy đủ. Tất cả đều trang nghiêm với diệu bảo. Những bảo ấy đều được làm bằng hình tượng thiên nhân, kiên cố đẹp lạ, đệ nhất thế gian. Lưới báu ma ni che khắp bên trên. Bên cửa đều dựng tràng phan, đều phóng ánh sáng cùng khắp pháp giới. Ngoài đạo tràng, thềm cấp lan can nhiều vô lượng không thể kể nói, đều bằng ngọc ma ni.

Lúc đó, lại do thần lực của Phật, rừng Thệ Đa bỗng nhiên rộng rãi đồng với bất khả thuyết phật sát vi trần quốc độ, tất cả diệu bảo xen lẫn trang nghiêm, bất khả thuyết bảo vật trải khắp mọi nơi. Vô số bảo vật làm tường rào. Cây đa đa báu trang nghiêm bên đường.

Trong rừng lại có vô số dòng sông thơm, đầy những nước thơm gợn sóng xoay quanh. Tất cả hoa báu theo dòng chuyển về phía hữu, tự nhiên diễn ra âm thanh Phật pháp. Bất tư nghì hoa sen báu búp nở thơm tho giăng bày trên mặt nước. Những cây hoa báu trồng hai bên bờ sông, bất tư nghì đài, nhà mát xếp hai bên bờ sông, lưới báu ma ni che trùm. Vô số báu vật phóng ánh sáng lớn, vô số báu vật trang nghiêm mặt đất, đốt những diệu hương mùi thơm ngào ngạt.

Lại dựng vô số bảo tràng: Những là bảo hương tràng, bảo y tràng, bảo phan tràng, bảo thắng tràng, bảo hoa tràng, bảo anh lạc tràng, bảo man tràng, bảo linh tràng, ma ni bảo cái tràng, đại ma ni bảo tràng; phát vô số âm thanh danh hiệu Như lai ma ni tràng, sư tử ma ni vương tràng, thuyết nhất thiết Như lai bản sự ma ni vương tràng, hiện nhất thiết pháp giới ảnh tượng ma ni vương tràng. Những bảo tràng này bày hàng trang nghiêm khắp cả mười phương.

Bấy giờ trong hư không trên rừng Thệ Đa, có bất tư nghì mây thiên cung, vô số mây cây hương, bất khả thuyết mây núi Tu Di, vô số mây kỹ nhạc phát ra tiếng vi diệu ca ngợi công đức Như Lai, bất khả thuyết mây hoa sen báu, bất khả thuyết mây toà báu, trải thiên y với các Bồ tát ngồi trên ca ngợi công đức của Phật, bất khả thuyết mây báu hình tượng thiên vương, bất khả thuyết mây trân châu trắng,, bất khả thuyết mây trân châu đỏ, bất khả thuyết mây kim cang. Những mây báu này đều dừng ở hư không bao vòng cùng khắp để trang nghiêm.” (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới tr. 14 -16).

Tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên một lần nữa được chuyển về phủ Thanh Hóa, nơi có ngôi chùa Hưng Phúc xinh đẹp lộng lẫy mà bao người con dân Đại Việt thời Trần đã dày công đắp tạo:

“Rồi đồng lòng hiệp sức làm toại chí cha ông. Khai thác nền móng, mở rộng quy mô, đắp tô tượng Phật, khắc chạm muôn hình. Điện Phật xây phía trước, nhà Tăng bọc phía sau. Bệ thờ đỡ bằng rồng đá, chạm khắc cực tài khéo nhân gian; điện Phật lợp bằng ngói hoa, mái vươn cao suốt ngoài mây thẳm. Thềm xếp đá vân, sân bày hoa lạ. Gió thổi ngọn tùng, phảng phất tựa cung trời vang tiếng sáo; trăng rây trúc biếc, lung linh như cõi Phật toả hào quang. Cổ thụ sum suê, giống hệt cội Bồ đề tươi tốt; vườn kỳ thăm thẳm, tưởng như mặt đất trải vàng. Hiện lạ bày kỳ, trăm ngàn biến thái, bút lời khôn tả cho cùng”.

Pháp giới Hoa tạng xinh đẹp không chỉ được diễn tả bằng văn bia bởi lợi thế văn xuôi đối xứng của thể loại này và cũng không phải chỉ bởi ngọn bút tài tình của những nhà thơ thời thịnh Phật. Pháp giới Hoa tạng còn lộng lẫy bởi cảm nhận sâu sắc tinh tế của một Thiền sư ngộ đạo bằng những phát hoạ của thơ phú. Và vì là pháp giới Hoa tạng nên cảnh lung linh kỳ ảo không chỉ hiển hiện ở Kinh thành Thăng Long, ở phủ Thanh Hóa, hoặc một vài nơi của đất Đại Việt, mà khắp nơi trên dãi đất thân thương này, dù là núi non hẻo lánh cũng vẫn là trụ xứ của đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, cũng vẫn là trụ xứ của vô số vô lượng chư Phật trong mười phương ba đời, cũng như của bất khả thuyết bất khả thuyết hàng Bồ tát đang ngày đêm không ngừng nghỉ với hạnh tự lợi lợi tha.

Cảnh chùa Hoa Yên núi Yên Tử của đệ tam tổ Huyền Quang sao mà lộng lẫy đến lạ, sao mà tự hào đến lạ:

Chim thuỵ dõi tiếng ca chim thuỵ

Gió tiên đưa đòi bước thần tiên

Bầu đủng đỉnh giang hoà thế giới

Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên

Đất phúc địa nhận xem luống kể, kể bao nhiêu dư trăm phúc địa

Trời thần tiên thập thu thửa lạ, lạ hơn ba mươi sau Thiền thiên”.

Bởi vì đây là nơi:

Đất tựa vàng liền

Cảnh bằng ngọc đúc

Mây năm thức che phủ đền Nghiêu

Núi ngàn tầng quanh co đường Thục

La đá tầng thang dốc, một hòn ướm vịn một hòn

Nước suối chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc

Cỏ chiều gió lướt, dợm vui vui

Non tạnh mưa dầm, màu thúc thúc

Ngàn cây phơi cánh phượng, vườn thượng uyển đoá tốt rờn rờn

Hang nước tưới hàm rồng, nhả ly châu hột săn mục mục

Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông

Da điểm đồi mồi, giống hoà vườn trúc

Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành

Đền ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc

Cảnh tốt hoà lành

Đồ tựa vẽ tranh

Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo

Nhèn chi Vua Bụt tu hành

Hồ sen trương tán lục

Suối trúc bấm đàn tranh

Ngự sử mai hai hàng chầu rập

Trượng phu tùng mấy chạnh phò quang

Phỉ thuý sắp hai hàng loan phượng

Tử vi bày liệt vị công khanh

Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng

Vượn bồng con kề cửa nghe kinh

Nương am vắng bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ

Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằn vặc, núi xanh xanh” (Vinh vân yên tự phú, TVLT, tập 2, tr. 710 -711).

Thử so với khu vườn Phổ Trang Nghiêm xứ Hải Triều của Ưu bà di Hưu Xả, một trong những Thiện tri thức trong hành trình học đạo hạnh Bồ tát của đồng tử Thiện Tài để thấy tự hào trước tài hoa của những người con Phật thời Trần:

Vườn Phổ Trang Nghiêm tường rào bao bọc bằng các thứ báu, cây báu giăng hàng trang nghiêm. Vô số những cây hoa báu rải những diệu hoa khắp mặt đất. Vô số cây hương báu toả hương thơm ngào ngạt xông khắp mười phương. Vô số cây tràng hoa báu mưa tràng hoa báu lớn rủ xuống khắp nơi. Vô số cây ma ni báu mưa đại ma ni báu rải khắp mọi nơi. Vô số cây y báu mưa y phục báu nhiều màu tuỳ sở nghi giăng trải quanh vườn. Vô số cây âm nhạc gió động thành tiếng êm diệu hơn thiên nhạc. Vô số cây trang nghiêm mưa những vật trân ngoạn kỳ đặc trần thiết nghiêm sức khắp nơi.

Mặt đất trong vườn thanh tịnh không cao thấp. Lại có trăm vạn điện đường xây bằng ma ni báu. Có trăm vạn lầu gác, vàng diêm phù đàn che trùm phía trên; trăm vạn cung điện, Tỳ lô giá na ma ni xen lẫn trang nghiêm; một vạn ao tắm các báu hiệp thành; lan can bảy báu bao bọc giáp vòng; thềm đường bảy báu phân bổ bốn phía; nước tám công đức đứng lặng đầy ao, hương thơm như chiên đàn. Cát vàng trải đáy ao. Nhiều loại chim đẹp du chơi trong đó hót tiếng hoà nhã. Cây báu đa la hàng liệt bao vòng, lưới báu giăng trùm, rủ những linh vàng, gió nhẹ rung thường vang tiếng diệu. Giăng màn báu lớn, dựng vô số ma ni tràng báu toả ánh sáng chiếu khắp trăm ngàn do tuần.

Trong đó lại có trăm vạn ao, bùn hắc chiên đàn ngưng đọng đáy ao. Vô số hoa sen báu nở khắp trên mặt nước. Hoa đại mai ni chiếu rực .

Trong ao lại có cung điện rộng lớn tên là Trang nghiêm tràng hải tạng, diệu bảo làm nền, tỳ lưu ly làm cột, diêm phù đàn che trên, trang nghiêm bằng ma ni sáng, vô số báu vật sáng rực khắp nơi.

Lầu nhiều tầng giáp với gác nhiều thứ trang sức a lô na hương, giác ngộ hương, tất cả đều toả hương thơm xông khắp mọi nơi.

Trong cung điện lại có vô số toà hoa sen báu trần thiết giáp vòng, như là toà báu ma ni chiếu sáng mười phương; toà báu hoa sen tỳ lô giá na; toà báu hoa sen chiếu sáng thế gian, toà báu hoa sen sư tử tạng; toà báu hoa sen ly cấu tạng; toà hoa sen báu phổ môn ma ni; toà hoa sen báu quang nghiêm ma ni; toà hoa sen báu an trụ đại hải tạng; toà hoa sen báu kim cang sư tử.

Trong vườn lại có trăm vạn thứ màn, như là màn y phục, màn tràng hoa, màn hương, màn hoa, màn cảnh, màn ma ni, mà chơn kim, màn đồ trang nghiêm, mà âm nhạc, màn tượng vương thần biến, màn mã vương thần biến, màn ma ni bảo của thiên đế trang sức.

Lại có trăm vạn mành lưới báu giăng che phía trên, như là lưới bảo linh, lưới bảo cái, lưới bảo thân, lưới hải tạng trân châu, lưới ma ni lưu ly, lưới ma ni sư tử, lưới ma ni nguyệt quang, lưới ma ni nhiều hình tượng, lưới anh lạc báu.

Lại có trăm vạn ánh sáng chiếu soi, như là ánh sáng báu ma ni, ánh sáng báu minh nhật, ánh sáng báu hương diệm, ánh sáng báu thắng tạng, ánh sáng báu diệm tràng, ánh sáng báu đại đăng, ánh sáng báu chiếu khắp mười phương.

Thường mưa trăm vạn đồ trang nghiêm, trăm vạn hương hắc chiên đàn vang ra âm thanh vi diệu, trăm vạn hoa mạn đà la hơn hoa cõi trời, trặm vạn chuỗi ngọc hơn chuỗi cõi trời, trăm vạn tràng hoa báu đẹp hơn cõi trời thòng xuống khắp nơi, trăm vạn y phục nhiều màu hơn cõi trời, trăm vạn báu ma ni chiếu sáng khắp nơi, trăm vạn thiên tử vui mừng chiêm ngưỡng, đầu mặt đảnh lễ, trăm vạn thiên nữ ở giữa hư không bay xuống, trăm vạn Bồ tát cung kính thân cận thường thích nghe pháp (Phẩm Nhập pháp giới, tr. 164- 167).

Cảnh chùa thời Trần ở Đại Việt tuy cũng rất lộng lẫy trang nghiêm, nhưng lại rất gần gũi thân thương với người bản xứ. Rõ ràng cảnh đẹp Hoa Nghiêm đã làm nền, làm cái tổng thể, để cho nét vẽ điểm tô hoa lá, tùng trúc núi mây, suối reo chim hót, hoa nở vượn cười, Phật hiện từ bi, Thiền sư ngồi thiền định được ánh lên bằng tâm thức của dân tộc Việt. Và chính cái riêng biệt này đã ảnh hiện trong nó cái tổng thể của pháp giới Hoa tạng, riêng mà chung, chung mà riêng, hai mà một, một mà hai.

Hoạt cảnh trong chùa Đại Việt cũng không khác gì hoạt cảnh của pháp hội Hoa Nghiêm. Bởi vì Phật ở pháp hội Hoa Nghiêm vì lòng từ bi mà nhập tam muội, mà dùng thần lực gia trì cho các Bồ tát, để các Bồ tát đủ điều kiện trí bi phương tiện mà thực hành hạnh nguyện tự độ độ tha, tạo nên một Phật quốc vô cùng sống động. Phật ở chùa Đại Việt cũng vậy, cũng “Hiện từ bi” và sức gia bị để cho tất cả những người con Phật trên đất Đại Việt đều là: “Bồ tát trang nghiêm, trượng phu trung hiếu”.

Cỏ cây hoa lá, dòng suối, ngọn núi ở Đại Việt cũng thế, cũng đều phát ra âm thanh êm diệu, ánh hiện một thứ ánh sáng lung linh, đều có tác dụng làm cho người con Phật lắng lại với mình, quay về với bản tính Như như bất động của mình, không bị nghiệp thức kéo lôi, mà lại trọn vẹn với tinh thần của tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả, hoặc với tinh thần của lục Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… Quả thực, yêu làm sao ngôi chùa Đại Việt!

2.2. Đồng tử Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm

Hoạt cảnh cuối cùng được xuất hiện bởi sức thần biến của Phật Đà ở giảng đường Trùng các Đại Trang Nghiêm thuộc Tinh xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên trong Vương quốc Thất La Phiệt là hoạt cảnh được dàn dựng để giới thiệu về hành trình tu học thật gian khổ và cũng quá ly kỳ của đồng tử Thiện Tài.

Đồng tử Thiện Tài vốn là người con của đất Phước Thành, nơi có khu rừng Trang Nghiêm Tràng Ta La, là chỗ có Đại tháp miếu mà chư Phật thuở xưa từng an trú để hóa độ chúng sanh; và là nơi mà đức Thích Ca khi tu hạnh Bồ tát đã từng xả bỏ vô lượng vô biên sự khó xả bỏ, tiếng vang động khắp chư Phật mười phương ba đời, vì thế khu rừng này luôn được sự bảo hộ và cúng dường của trời, rồng, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và phi nhân.

Theo ghi nhận trong phẩm Nhập pháp giới, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi giới thiệu về thân thế của đồng tử này như sau:

“Đồng tử Thiện Tài lúc mới vào thai mẹ, trong nhà đó tự nhiên hiện ra lầu gác thất bảo. Dưới lầu gác đó có bảy phục tạng. Trên phục tạng đất tự nứt ra, mọc lên nanh thất bảo: Vàng, bạc, lưu ly, trân châu, pha lê, xa cừ, mã não.

Sau mười tháng, Thiện Tài được sinh ra, thân hình tay chân đoan chánh đầy đủ. Lúc đó bảy phục tạng từ đất trồi lên, ánh sáng chói rực. Mỗi tạng báu ngang dọc cao thấp đều vuông vức bảy thước tay. Trong nhà đó lại tự nhiên có năm trăm món đồ bằng thất bảo, mọi vật được đựng đầy trong đó. Những là trong chậu kim cang đựng tất cả thứ hương thơm; trong chậu hương đựng các thứ y phục; trong bát mỹ ngọc đựng các thứ thực phẩm thượng diệu; trong bát ma ni đựng các thứ trân bảo đẹp lạ; bình vàng đựng bạc, bình bạc đựng vàng; trong bình vàng bạc đựng đầy ngọc lưu ly và ma ni; trong bình pha lê đựng đầy xa cừ; trong bình xa cừ đựng đầy pha lê; trong bình mã não đựng đầy trân châu; trong bình trân châu đựng đầy mã não; bình hoả ma ni đựng đầy thủy ma ni; bình thủy ma ni đựng đầy hoả ma ni. Năm trăm đồ đựng châu báu như vậy tự nhiên xuất hiện. Nơi đó lại mưa các châu báu và những tài vật khác làm cho những kho đụn trong nhà đều đầy ngập.

Vì cớ này mà cha mẹ thân thuộc và tướng sư đều gọi đứa trẻ ấy là Thiện Tài. Thiện Tài đã từng cúng dường chư Phật quá khứ, gieo trồng căn lành, tin hiểu rộng lớn, thường thích gần gũi các Thiện tri thức, thân ngữ ý đều không lỗi lầm, tu đạo Bồ tát, cầu Nhất thiết trí, thành pháp khí của Phật. Tâm đồng tử này thanh tịnh như hư không, hồi hướng Bồ đề không chướng ngại” (tr. 94- 96).

Và đó là nguyên nhân để Bồ tát Văn Thù Sư Lợi đích thân giảng dạy Phật pháp cho Thiện Tài, rồi sau đó giới thiệu Thiện Tài đi cầu học đạo hạnh Bồ tát với các Thiện tri thức. Trải qua không biết bao nhiêu dặm đường, bao nhiêu thành ấp, xóm làng, quốc gia; khắc phục không biết bao nhiêu khó khăn gian khổ trên đường đi; chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng vui có, buồn có, trang nghiêm lộng lẫy có, khổ đau khủng khiếp có; biểu hiện không biết bao nhiêu là cung bậc cảm xúc, lúc thì sướng vui đến tột cùng, lúc thì nghi ngờ lo sợ đến ngất lịm; Bà la môn cũng gặp, Thuỷ thủ cũng tham bái, Quốc vương cũng hướng đến, kỹ nữ cũng khẩn cầu, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắt, Ưu bà di, Đồng nam, Đồng nữ, Dạ thần, Phật mẫu, Trưởng giả, Thọ thần… không một hạnh Bồ tát nào mà Thiện Tài không thiết tha học hỏi, quán sát, tư duy, trải nghiệm, để cuối cùng gặp lại Văn Thù, hoà nhập làm một với Phổ Hiền, với chư Phật, trọn vẹn hạnh “Thượng cầu hạ hóa”.

Chứng kiến hành trình tu học quá kỳ vĩ nhưng lại rất thiết thân của đồng tử Thiện Tài, Thượng Sĩ Tuệ Trung đã dứt khoát chỉ dạy cho đại chúng nên noi theo gương lớn đó mà tu mà học, để không uổng phí một kiếp làm người. Ngài dạy:

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân

Chân vọng tâm kia cũng là trần

Nếu muốn một lần lên bờ giác

Hãy xem Đồng tử gặp tiền nhân”.

(Thị chúng, TVLT, tr 231).

Thật vậy, người thế gian thích tâm vọng, thích dối hơn thật, không thích chân tâm, người học Phật lại thích chân tâm, thích thật hơn dối, không thích vọng tâm. Song cho dù là tâm nào, chân hay vọng đều chỉ là hạt bụi mà thôi, đều không bền chặt, nếu còn chấp thì còn luân hồi sanh tử, còn ràng buộc bởi nghiệp báo nhân quả. Muốn giác ngộ thực sự, một lần buông bỏ hết, một lần bước hẳn sang bờ bên kia thì phải học đạo hạnh cầu Thiện tri thức của đồng tử Thiện Tài.

Bởi vì sao? Vì đồng tử Thiện Tài chỉ phải trải qua một kiếp hiện tại thôi mà đã trọn vẹn công hạnh của Bồ tát rồi. Theo kinh điển Phật giáo, thông thường người học Phật muốn thành Phật phải tu học trong suốt ba a Tăng kỳ kiếp. Mà theo cách tính trong Từ điển phật học Hán Việt, A tăng kỳ được dịch là Vô số, hoặc Vô lượng số, một A tăng kỳ là vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu, nói cho rõ hơn thì một A tăng kỳ là 1 rồi thêm bốn mươi bảy số 0 đằng sau (tr. 36).

Vậy mà, đồng tử Thiện Tài không những chỉ tu học trong một kiếp, mà một kiếp đó cũng không còn là một kiếp nữa, có thể chỉ là một niệm, bởi vì, theo sự dung hợp vô ngại của tinh thần Hoa Nghiêm, một niệm bao hàm vô lượng vô biên bất khả thuyết kiếp suốt quá khứ hiện tại vị lai. Không gian trong hành trình tu học của đồng tử Thiện Tài cũng vậy, cho dù đồng tử đã đi qua rất rất nhiều nơi, nhưng cuối cùng kết thúc cuộc hành trình đó, đồng tử không cần quay về ngần ấy đoạn đường mà vẫn gặp được Bồ tát Văn Thù, rồi từ trong giây phút đó, được gặp Phổ Hiền, nhập làm một với Phổ Hiền, làm một với chư Phật. Vô số sự kiện, cảnh tượng, việc tu học trong vô lượng vô biên bất khả thuyết kiếp của năm mươi ba Thiện tri thức lại được thị hiện chỉ dạy cho Thiện Tài chỉ trong tích tắt của hiện tại miên viễn cả thời gian lẫn không gian.

2.3. Kinh Hoa Nghiêm

Như trên đã nói, Hoa Nghiêm là bộ kinh được chính thức đưa vào giảng dạy trong các Thiền viện đương thời song song với các kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Bát Nhã Tâm Kinh… và các lục như Đại Tuệ ngữ lục, Dã Hiên ngữ lục

Song, vì Hoa Nghiêm là một bộ kinh tương đối lớn, nên việc giảng dạy thường trải qua một thời gian dài, và thường được giảng theo từng hội một trong kinh. Điều này thể hiện rõ ở thời tổ Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Có thể có một câu hỏi đặt ra ở đây rằng vì sao tinh thần Hoa Nghiêm thấm đẫm trong mọi lĩnh vực của văn hóa Phật giáo thời Trần như vậy, mà lại chỉ đến thời tổ Phổ Tuệ thì kinh điển này mới được giảng dạy rộng rãi và được chính thức ghi nhận trong tư liệu? Vì theo những ghi chép trong Bia tháp Viên Thông thì hầu hết những buổi thuyết giảng Hoa Nghiêm đều theo lời thỉnh nguyện của giới xuất gia và tại gia trong hoàng thất nhà Trần.

Có lẽ câu trả lời là vì từ thời Thái Tông đến thời Nhân Tông, đất nước Đại Việt trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh. Ba lần chống giặc Nguyên, mấy lần dẫn quân giúp, dẹp sự quấy nhiễu của Chiêm Thành, Chân Lạp, Ai Lao, cả nước, cả dân tộc, không phân biệt thành phần xã hội đều đóng góp sức lực của mình cho công cuộc bảo vệ trị an đất nước, mãi cho đến khi Nhân Tông xuất gia, đất nước khá yên bình ổn định rồi, việc củng cố giáo hội, truyền bá rộng rãi giáo điển đến cho mọi tầng lớp được quan tâm nhiều hơn.

Vả lại, cứ mỗi lần giặc Nguyên dẫn quân sang xâm lược, chùa chiền Đại Việt cũng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, tư liệu ghi chép hoạt động Phật giáo trong lúc này khó bảo tồn nguyên vẹn, việc mất mát thiếu thốn âu cũng là lẽ thường tình. Tuy vậy, trước đó, dù Hoa Nghiêm không được diễn giảng cho số đông Phật tử như thời tổ Pháp Loa, nhưng chắc chắn ở các Thiền viện, việc này vẫn được thực hiện giữa chư Tăng với nhau. Hoặc cũng như thời Lý, cả bộ Kinh Hoa Nghiêm tuy không được diễn giảng trọn vẹn, nhưng một câu kệ, một mẫu chuyện, một đoạn kinh trong Hoa Nghiêm vẫn được thường xuyên trích dẫn giảng dạy.

- Câu hỏi đáp đầu tiên trong Ngữ lục vấn đáp môn hạ của Vua Trần Thái Tông, chúng ta đã có thể bắt gặp hình ảnh của kinh Hoa Nghiêm khi người hỏi và người đáp đều vận dụng nó:

Một hôm Vua chơi chùa Chân Giáo, Thiền sư Đức Thành người Tống tiến lên hỏi:

Đức Thế Tôn chưa rời Đâu Suất đã giáng xuống cung Vua, chưa lọt lòng mẹ đã độ hết chúng sanh là thế nào?

Vua đáp:

Muôn sông có nước trăng muôn sông

Vạn dặm không mây trời vạn dặm.

Tăng nói:

Chưa rời Đâu Suất, lọt bào thai

Chỉ bảo phân minh đã rõ rồi

Đâu Suất, bào thai nay đã tách

Dám mong phân giải một đôi lời.

Vua nói:

Mây sinh Nhạc đỉnh bềnh bồng trắng

Nước đến Tiêu Tương một sắc xanh”.

 (TVLT , tr. 104, 106).

Hình ảnh của câu hỏi đáp này chính là cách trả lời vô cùng súc tích, hết sức đặc biệt, lại rất trực tiếp của các Thiền sư Trung Hoa hay Đại Việt từ hình ảnh phong phú nhiệm mầu, lung linh siêu tuyệt trong con mắt các Thiền sư Ấn Độ được ghi nhận trong Kinh Hoa Nghiêm qua cuộc hội ngộ hỏi đáp giữa Bồ tát Di Lặc với đồng tử Thiện Tài ở phẩm Nhập pháp giới của Kinh Hoa Nghiêm:

Lại ở nơi những lầu gác trong tháp Đại trang nghiêm này, mỗi lầu gác đều cao rộng trang nghiêm tối thượng, trong đó đều thấy đại thiên thế giới, trăm ức tứ thiên hạ, trăm ức Đâu Suất thiên, mỗi mỗi đều có Bồ tát Di Lặc giáng thần đảnh sanh. Thích, Phạm, Thiên vương ẵm bồng cung kính. Bồ tát sơ sanh kinh hành bảy bước, nhìn xem mười phương, tuyên bố độc tôn, làm đồng tử, ở cung điện, dạo chơi vườn ngự, vì cầu Nhất thiết trí mà xuất gia khổ hạnh, thị hiện nhận cháo sữa, đến ngồi đạo tràng, hàng phục ma quân, thành Đẳng chánh giác, quán sát cây Bồ đề, Phạm vương thỉnh chuyển pháp luân, lên cung trời mà thuyết pháp, kiếp số thọ lượng, chúng hội trang nghiêm, nghiêm tịnh quốc độ, thực hành hạnh nguyện, phương tiện giáo hóa, thành thục chúng sanh, thị hiện Niết bàn, phân chia xá lợi, trụ trì giáo pháp, những sự việc chẳng đồng như vậy thảy đều thấy rõ.

Lại thấy bốn phía vách trong mỗi bước đều dùng châu báu trang nghiêm. Trong mỗi châu báu đều hiện hình Di Lặc thuở kiếp xưa tu hành đạo Bồ tát: Hoặc bố thí đầu mắt tay chân, môi lưỡi răng nướu, máu thịt da xương; hoặc bố thí vợ con, thành ấp, tụ lạc, quốc độ, ngôi Vua. Làm cho người ở lao tù thì được ra khỏi; kẻ bị trói buộc thì được cởi mở; người bệnh được lành; người lạc đường biết đường chánh; hoặc thấy Di Lặc làm thuyền sư đưa mọi người qua biển lớn; hoặc làm mã vương cứu hộ ác nạn; hoặc làm đại tiên khéo giảng luận thuyết; hoặc làm luân vương khuyên tu thập thiện; hoặc làm y vương khéo chữa các bệnh; hoặc hiếu thuận cha mẹ; hoặc thân cận thiện hữu; hoặc làm Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát; hoặc làm Như lai giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh; hoặc làm pháp sư phụng hành Phật pháp, thọ trì, đọc tụng, tư duy đúng lý; lập tháp Phật, tạo tượng Phật; hoặc mình cúng dường, hoặc khuyên người cúng; thoa hương, rải hoa, cung kính lễ bái. Những sự như trên thực hành không dứt.

Hoặc thấy Bồ tát Di Lặc ngồi toà sư tử, thuyết pháp khuyên chúng sanh an trụ thập thiện, nhất tâm quy hướng Tam bảo, thọ trì năm giới và tám giới, xuất gia nghe pháp, thọ trì, đọc tụng, tu hành đúng pháp…” (tr. 762, 768, 776).

Rõ ràng theo quan niệm thông thường, Bồ tát Di Lặc hiện là Bồ tát “Nhất sanh bổ xứ”, tức là Bồ tát còn một đời nữa mới thành Phật, hiện đang ở cung trời Đâu Suất, đợi đến thời kỳ mà đức Thích Ca thọ ký trong Kinh Di Lặc hạ sanh mới được giáng xuống vương cung, mới có việc vào thai mẹ, rồi việc tu học độ sanh… nhưng tất cả hành trình của Bồ tát từ quá khứ, hiện tại đến tương lai đều đã được thực hiện, đều đang hiện hữu trong lầu gác Tỳ lô giá na này, Thiện Tài đã thấy rất rõ, rất cụ thể, và không chỉ có ở một nơi mà khắp cả cõi nước mười phương trong suốt ba đời đều hiện hữu những sự kiện đó. Thế nên Vua Thái Tông mới khẳng định rằng: “Ngàn sông có nước ngàn ánh trăng hiện; muôn dặm không mây muôn dặm trời xanh”.

Việc độ sanh, thành Phật của Bồ tát, Như Lai ngàn xưa vẫn vậy, chỉ vì chúng sanh có phân biệt nên mới thấy có việc giáng thần, nhập thai ở một thời điểm nào đó hoặc ở một địa vực nào đó. Khi nào hết phân biệt, khi nào giác ngộ, thấy được bản tính của vũ trụ và con người, câu hỏi trên sẽ không còn được đặt ra nữa, và cũng không còn thấy có Phật độ sanh, chúng sanh được Phật độ… Hơn nữa, khi đã thành Phật thì mọi việc phương tiện độ sanh của chư Phật mười phương ba đời đều thế, đâu chỉ có đức Thích Ca, hay đức Di Lặc mới có. Đó quả là: “Mây sinh đỉnh Nhạc bồng bềnh trắng, nước đến Tiêu Tương một sắc xanh”.

- Trong phần Tụng cổ, tức là hình thức tụng giải về những lời dạy của Phật trong kinh điển hoặc những pháp thoại, những lời khai thị của chư cổ đức, nhằm giúp Thiền sinh giác ngộ được thực tướng của các pháp, giác ngộ được Bản lai diện mục của mình, Thượng Sĩ Tuệ Trung có đáp lời hỏi về một bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm cho một Thiền sinh được ghi nhận trong Tuệ Trung ngữ lục như sau:

Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Tất cả pháp không sanh

Tất cả pháp không diệt

Nếu hay hiểu như thế

Chư Phật thường hiện tiền.

Thầy nói:

Xem! Xem!

Lại nói:

Lớn giọng bảo im

Bỏ bánh ăn bột.

Hét.

Tụng:

Đầu vàng (Phật) khua lưỡi gạt chúng sanh

Chốn chốn ngủ say, dạo một mình

Chẳng quản đêm tàn còn mộng mị

Đinh đông cửa phượng giục tàn canh”.

(Thích Thanh Từ,  Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, tr. 231).

Hòa thượng Thích Thanh Từ cũng đã giảng giải rõ ý nghĩa của bài tụng cổ này, xin ghi lại để chư vị hiểu thêm:

Kinh Hoa Nghiêm day: “Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền”.

Đức Phật nói: Tất cả pháp không sanh, tất cả pháp không diệt, nếu chúng ta hằng thấy như vậy thì Phật thường hiện tiền ở nơi ta.

Thượng Sĩ nói: Xem! Xem! Để chỉ? Thấy chư Phật hiện tiền không? Nếu chư Phật hiện tiền thì cứ nhìn sẽ thấy.

“Lớn giọng bảo im, bỏ bánh ăn bột”. Ở đây nói tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, vậy pháp chẳng sanh pháp chẳng diệt là pháp ở ngoài hay ở nơi mình? Nếu thấy tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt, hay hiểu như thế thì chư Phật thường hiện tiền. Mà thấy ở bên ngoài thì chẳng khác nào chúng ta bảo người khác đừng nói chuyện trong khi mình lại lớn tiếng la lên: Im, đừng nói chuyện. Bảo người đừng nói chuyện mà mình lại la to, giống như muốn ăn bánh mà bỏ bánh lấy bột.

Ý ngài nói tại sao chúng ta không thấy mình là chẳng sanh chẳng diệt, mà lại thấy tất cả pháp chẳng sanh chẳng diệt, mới thấy được Phật hiện tiền? Nếu tâm mình chẳng sanh chẳng diệt thì Phật hiện tiền nơi mình, đâu có xa. Ngài cho rằng thấy các pháp chẳng sanh chẳng diệt như vậy là quanh co. Đó là bỏ cái này để cầu cái kia.

“Đầu vàng khua lưỡi gạt chúng sanh, chốn chốn ngủ say, dạo một mình”. Đầu vàng là chỉ cho đức Phật, khua lưỡi gạt chúng sanh là lời Phật nói trong kinh gạt chúng ta. Gạt như thế nào? Vì chúng sanh còn đang say mê, Phật dạy quán tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt. Như vậy, bảo họ quán là chỉ cho họ còn những cái say mê, nên nói chốn chốn ngủ say, dạo một mình. Ai dạo? Thiên hạ thì đang ngủ say, còn Phật thì đi có một mình, thành ra ngài đánh lừa mình đi một cách tự do.

“Chẳng quản đêm tàn còn mộng mị, đinh đông cửa phượng giục tàn canh”. Đêm đã mãn rồi mà vẫn còn mê ngủ, tiếng kiểng ở đền Vua báo sáng rồi mà vẫn còn nằm ngủ. Ý nói Phật nói tất cả chẳng sanh, tất cả chẳng diệt, nếu hay hiểu như thế, chư Phật thường hiện tiền, đó là Phật nói lừa chúng ta. Thượng Sĩ nói nếu tâm chẳng sanh chẳng diệt thì ngay đó là Phật rồi, cần gì phải thấy các pháp chẳng sanh chẳng diệt chi cho lòng vòng. Nhưng sở dĩ Phật nói như thế vì chúng sanh mê chấp các pháp là sanh là diệt, nên ngài dạy đừng chấp các pháp. Đa số chúng ta thấy các pháp không sanh không diệt là thấy Phật hiện tiền, tức là thấy Phật ở ngoài mình, sự thực thì Phật hiển hiện ở tự tâm mình. Thế nên Thượng Sĩ nói Phật khua lưỡi gạt chúng sanh. Tại sao Phật gạt chúng sanh? Vì chúng sanh đang mê ngủ, mặc dù đã tàn canh, tiếng kiểng đánh thức mà vẫn cứ ngủ. Chỉ có một mình Phật mới là người tỉnh, mới dùng phương tiện đánh lừa, bảo phải thấy tất cả pháp không sanh không diệt là thấy phật hiện tiền, tức là nhận ra phật ở ngay nơi mình” (tr. 232-234).

Đọc lời dạy này của Thượng Sĩ Tuệ Trung chúng ta lại nhớ đến hình ảnh Vua Thái Tông bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc lên núi Yên Tử để cầu làm Phật thuở nào trong Thiền tông chỉ nam tự:

Lão Tăng ở nơi sơn dã đã lâu, xương gầy mặt võ, ăn rau đắng, nuốt trái rừng, chơi cảnh ngàn, uống nước suối, lòng như mây nổi, theo gió đến đây. Nay Bệ hạ bỏ ngôi nhân chủ, tìm sự nghèo hèn nơi rừng núi, chẳng hay Bệ hạ muốn cầu điều gì mà đến chốn này?

Trẫm nghe Sư nói, rơi hai hàng nước mắt, đáp lại rằng:

Trẫm đương trẻ thơ, mẹ cha vội mất, trơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương; lại nghĩ sự nghiệp các Đế vương thuở trước, thay đổi bất thường, cho nên tìm đến núi này, chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác. Sư nói: Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà sáng suốt, đó chính là chân Phật. Nay nếu Bệ hạ giác ngộ được điều đó, thì lập tức thành Phật, không cần khổ tâm tìm kiếm bên ngoài” (TVLT tập 2, tr. 28).

Chỉ có thế, lòng lặng mà sáng suốt đã là Phật, là Phật rồi thì lúc nào Phật không hiện hữu, đâu đợi quán các pháp chẳng sanh chẳng diệt hay quán:

Các pháp do duyên sanh

Các pháp do duyên diệt

Duyên sanh các pháp sanh

Duyên diệt các pháp diệt”.

Như kinh điển dạy. Bởi vì, chấp sanh diệt là một mê lầm, mà chấp không sanh không diệt cũng là một mê lầm, cả hai cách chấp đều mê lầm, chỉ khi nào chúng sanh tự tại với cái nhìn tương đối về bản thân cũng như vạn hữu thì chúng sanh là Phật.

- Vua Trần Nhân Tông trước khi thị tịch cũng đã đem bài kệ Kinh Hoa Nghiêm trên mà giảng dạy cho Thiền sư Bảo Sát, người đệ tử duy nhất thân cận bên người vào giây phút cuối cùng:

Tất cả pháp không sanh

Tất cả pháp không diệt

Nếu hay hiểu như thế

Chư Phật thường hiện tiền

Sao có chuyện đến đi” (Toàn tập Trần Nhân Tông, tr. 225).

Trên kia Thượng Sĩ Tuệ Trung bảo rằng vì chúng sanh mê ngủ nên Phật mới nói như thế gạt chúng sanh, còn ở đây Thượng hoàng cũng bảo Thiền sư Bảo Sát im đi, đừng nói mớ, đừng nói lời nói trong giấc ngủ. Cảnh giới đạt ngộ của chư Phật chư Tổ là thế, dù phương tiện độ sanh có muôn ngàn cách thức, mục đích cuối cùng vẫn chỉ là một, cái nhìn của con mắt tuệ là chẳng khác nhau.

- Từ khi được đệ nhất tổ Trúc Lâm truyền trao việc kế thừa gia phong của ngài, đệ nhị tổ Pháp Loa đêm ngày tích cực hoằng dương Phật pháp. Đất nước Đại Việt cũng đã bước vào thời kỳ yên ổn, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội đều đang trên đà phát triển rực rỡ. Hoàng thân quốc thích, quần thần bách tính đều có nhiều thời gian hơn cho việc hướng Phật, giáo hội Phật giáo được chính thức hoạt động thống nhất theo một quy củ dưới sự giám sát của triều đình.

Việc học hiểu sâu rộng tư tưởng giáo điển của Phật được mọi thành phần xã hội coi trọng, những buổi thuyết giảng kinh điển với quy mô lớn cho đông đảo Tăng tục được đệ nhị tổ cũng như triều đình thường xuyên tổ chức. Song, kinh điển được đem ra diễn giảng ở thời kỳ này không dừng lại ở những bộ kinh bộ lục ngắn gọn, mà những bộ kinh lớn như Niết Bàn, Lăng Nghiêm… đã lần lượt được thuyết giảng, đặc biệt nhất là Kinh Hoa Nghiêm.

Bắt đầu từ năm Hưng Long thứ mười tám (1310), nhân đại lễ Vu Lan cầu siêu cho Vua cha Trần Nhân Tông, Vua Anh Tông xuống chiếu mời tổ Pháp Loa về hành lễ và giảng giải đại chỉ Kinh Hoa Nghiêm, và trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, tổ đã liên tục giảng giải cả chín hội Kinh Hoa Nghiêm theo lời thỉnh cầu của Hoàng thân quốc thích cũng như những người học đạo khác, ở những pháp hội Hoa Nghiêm đó số lượng thính chúng có đến hàng ngàn người, và bộ kinh này không phải chỉ được đem ra giảng giải một lượt, mà nó được diễn giảng nhiều lần, tuỳ theo căn cơ tiếp nhận của người học Phật.

Điều đó được ghi nhận cụ thể trong Bia tháp Viên Thông chùa Thanh Mai:Năm Hưng Long thứ mười tám, tháng bảy, phụng chiếu đến dự đại lễ Vu lan được tổ chức để cầu siêu cho Thượng hoàng Nhân Tông, Sư thăng đường giảng tôn chỉ yếu lược của Kinh Hoa Nghiêm.

Năm Đại Khánh thứ tám (1321) hoà thượng Thu Tử trụ trì chùa Hiển Linh Diên Quang thỉnh sư về chùa giảng phẩm Thập địa của kinh Hoa Nghiêm.

Năm Đại Khánh thứ chín (1322) Thượng phẩm Hoài Ninh Hầu Trịnh Trọng Tử muốn thỉnh Sư về giảng hết chín hội Kinh Hoa Nghiêm. Đến đây, Hoài Ninh Hầu và Chủ sự Tăng Huyền Quang dâng sớ thỉnh Sư về chùa Báo Ân Siêu Loại, giảng hội thứ hai của Kinh Hoa Nghiêm. Chín hội kinh được giảng sau đó, thính chúng dự nghe nhiều thì hơn ngàn người, ít thì hơn năm sáu trăm người. Tháng ba, Nhân Huệ Đại Vương thỉnh Sư về chùa Xí Thạnh Quang giảng hội thứ hai của Kinh Hoa Nghiêm.

Năm Đại Khánh thứ mười (1323), lúc Sư bốn mươi tuổi, Công chúa Bảo Vân thỉnh Sư về chùa Siêu Loại giảng hai hội ba và bốn của Kinh Hoa Nghiêm, Bảo Từ Hoàng thái hậu, Tư đồ Văn Huệ Vương thỉnh Sư về chùa Quỳnh Lâm giảng hội năm Kinh Hoa Nghiêm.

Năm Khai Thái thứ nhất (1324), tháng hai, Chiêu Từ Hoàng thái phi xuống nội chỉ thỉnh Sư về phủ Kiến Xương giảng hội sáu Kinh Hoa Nghiêm…; tháng mười hai Bảo Huệ Quốc mẫu thỉnh Sư về Dưỡng Phúc đường giảng hội bảy Kinh Hoa Nghiêm.

Năm Khai Thái thứ hai (1325), Công chúa Hoa Dương thỉnh Sư về chùa Thiên Quang giảng hội tám Kinh Hoa Nghiêm, Bảo Từ Hoàng thái hậu xuống chỉ thỉnh Sư về chùa Quỳnh Lâm giảng hội chín Kinh Hoa Nghiêm.

Năm Khai Hựu thứ hai (1330), Sư bốn mươi bảy tuổi, ngày mười lăm tháng giêng, Đại sư An Lạc Kiên Đức và Lệ Bảo Công chúa thỉnh Sư về viện An Lạc Tạng giảng lại hội một hội hai Kinh Hoa Nghiêm…”.

Theo sự phân chia của Kinh Hoa Nghiêm tám mươi quyển, chín hội kinh được giảng ở bảy nơi khác nhau:

Hội thứ nhất, được giảng ở Bồ đề đạo tràng thuộc nước Ma Kiệt Đà, Ấn Độ, gồm sáu phẩm: Thế chủ diệu nghiêm thứ nhất, Như Lai hiện tướng thứ hai, Phổ Hiền tam muội thứ ba, Thế giới thành tựu thứ tư, Hoa tạng thế giới thứ năm, Tỳ Lô Giá Na thứ sáu.

Hội thứ hai, được giảng ở điện Phổ Quang Minh thuộc Bồ đề đạo tràng nước Ma Kiệt Đà, Ấn Độ, hội này cũng có sáu phẩm kinh: Như Lai danh hiệu thứ nhất, Tứ thánh đế thứ hai, Quang minh giác thứ ba, Bồ tát vấn minh thứ tư, Tịnh hạnh thứ năm, Hiền Thủ thứ sáu.

Hội thứ ba, được giảng ở điện Diệu Thắng thuộc cung trời Đế Thích núi Tu Di, hội này có sáu phẩm kinh được diễn giảng: Thăng Tu Di sơn đảnh thứ nhất, Tu Di sơn đảnh kệ tán thứ hai, Thập trụ thứ ba, Phạm hạnh thứ tư, Sơ phát tâm công đức thứ năm, Minh pháp thứ sáu.

Hội thứ tư, được giảng ở điện Bảo Trang Nghiêm thuộc cung trời Dạ Ma, bốn phẩm kinh được giảng ở hội này: Thăng Dạ Ma thiên cung thứ nhất, Dạ Ma kệ tán thứ hai, Thập hạnh thứ ba, Vô tận tạng thứ tư.

Hội thứ năm, được giảng ở điện Diệu Bảo Trang Nghiêm thuộc cung trời Đâu Suất Đà, ba phẩm kinh được giảng ở hội này gồm: Thăng Đâu Suất thiên cung thứ nhất, Đâu Suất kệ tán thứ hai, Thập hồi hướng thứ ba.

Hội thứ sáu, được giảng ở điện Ma Ni Bảo Tạng thuộc cung trời Tha Hoá Tự Tại, hội này chỉ giảng một phẩm kinh, đó là phẩm Thập địa.

Hội thứ bảy, được giảng ở điện Phổ Quang Minh thuộc Bồ đề đạo tràng nước Ma Kiệt Đà, Ấn Độ, hội này có mười một phẩm kinh được giảng diễn, đó là: Thập định thứ nhất, Thập thông thứ hai, Thập nhẫn thứ ba, A Tăng kỳ thứ tư, Thọ lượng thứ năm, Chư Bồ tát trụ xứ thứ sáu, Phật bất tư nghì thứ bảy, Như Lai thập thân tướng hải thứ tám, Như Lai tuỳ hảo quang minh thứ chín, Phổ Hiền hạnh thứ mười, Như Lai xuất hiện thứ mười một.

Hội thứ tám, được giảng ở điện Phổ Quang Minh thuộc Bồ đề đạo tràng nước Ma Kiệt Đà, Ấn Độ, hội này có một phẩm kinh được giảng dạy, đó là phẩm Ly thế gian.

Hội thứ chín, được giảng ở Trùng Các Đại Trang Nghiêm trong rừng Thệ Đa vườn Cấp Cô Độc nước Thất La Phiệt, Ấn Độ, hội này một phẩm kinh được giảng dạy, đó là phẩm Nhập pháp giới.

M.T.T.


 



[1] Thiền luận quyển hạ

[2] Từ điển phật học Hán Việt, NXB KHXH, Hà nội, 1998

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay