CÙNG EM, TA GỠ BỎ VÔ THƯỜNG….
Cư sĩ Liên Hoa
Cập nhật: 14:57:06 06/08/2009

CÙNG EM,

            TA GỠ BỎ VÔ THƯỜNG….

 

Cư sĩ Liên Hoa

 

 

Như là giọt nước

Rơi xuống dòng đời

để làm làn sóng

chở lời thương yêu

 

như là giọt mưa

rơi xuống phận người

để cho nguời có

tin yêu tâm mình

 

như là tấm lòng

bao năm nuôi dưỡng

những lời thơ thương

đem đến cho người

 

như là hạnh phúc

trao hết cho người

khi đời không còn

người thở niềm vui….

           

Thưa vâng, nếu như cuộc đời mất đi những ước vọng nhỏ nhoi nào đó có thể đem đến cho thân phận con người, một hình ảnh thân thương, một lời nói dịu dàng chia sẻ, một ánh mắt xoa dịu tâm buồn, một bàn tay trìu mến, một tấm lòng chân chất, bộc trực, mộc mạc hoặc một tình yêu ngọt ngào chân thật… để cho con người có ý nghĩa sống vững với niềm tin yêu loài người, trong những biến động của cuộc đời…. thì đó quả thật là điều thật bất hạnh.

            Giữa biển nghiệp mênh mông, mỗi một con người lèo lái chiếc thuyền của cuộc đời xuôi chảy theo dòng sinh mạng, nương mình theo con sóng. Cuộc đời có một ý nghĩa nào đó hay không, tùy theo mỗi người định đoạt, không có một thần linh nào can thiệp trước quyết định của con người. Đó là tinh thần tự do và nhân bản, mà qua đạo Phật, thì con người là chủ nhân của đời sống cho chính mình.

            Xuyên suốt qua nhiều kiếp sống, lang thang từ các nẽo trầm luân với bao nhiêu là hình dạng, biến thái, có khổ đau, có hạnh phúc, có vô lượng vọng tưởng…. vì đánh mất cái tâm, quên đi tánh giác, chân thường… « thất viên minh tánh tác trần lao », nhưng nay lại hy hữu thay, để có được thân xác và tâm hồn như hiện tại.

Đem hơi thở đi vào đời, như là hạnh phúc, trao hết cho người, khi đời không còn, người thở niềm vui… như câu thơ trên với tấm lòng chân chất, với ước nguyện làm cái gì đó ích lợi cho đời sống và con người… dù là chỉ mới có tư tuởng nuôi dưỡng những ý nghĩ trong lành nầy trong tâm không thôi, thì với cái thân ngũ uẩn dù còn đang mang đầy uế trược, nhưng lạ thay là với cái thân tâm thường tình đó bỗng nhiên trở nên có một giá trị đặc biệt. Những con người biết sống cho tha nhân, trực tâm, làm đúng tâm mình với những gì mình suy tưởng, chánh niệm, hy hiến cho đời, thì chính người nầy và môi trường chung quanh đã có ảnh hưỡng đón nhận sự lợi lạc nhất định nào đó.

Tư tưởng chỉ đạo và định hình cho hành động, vì tư tưởng rất là quan trọng trong cuộc hành trình tạo thành dòng sinh mạng cho con người để con người làm người, vì như « tác ý tức nghiệp», khi suy tư đã vô hình làm bản lề, mắc xích nối liền đưa đến kết quả, tạo ra một năng lượng làm ấm lòng hay tác hại đến…, huống chi là thực hành, áo dụng, hành động.

Mọi người sinh ra đều giống nhau trên thân phận trần trưồng, oà lên tiếng khóc khi vào đời, hít thở không khí trần gian, thèm bầu sữa ngọt ngào để nuôi dưỡng thân xác bé bỏng.

Hình hài đã định hình từ giọt máu đầu tiên trong bụng mẹ và lớn dần theo thời gian. Có mặt trên dòng đời, cũng có nghĩa là bước chân trần đang từ từ dẫm xuống mảnh đất trần tục với cái thân xác, thân năm uẩn.

Ý thức về cuộc đời, quay lại nhìn mình để nhận thức về chính mình là một sinh vật hiện hữu, và chợt thấy rằng không phải khi rời bỏ trần gian nầy, chúng ta mới bị lôi kéo theo những nghiệp lực để đi về các cõi tương ứng. Nhưng do hành động, tư tưởng nuôi dưỡng, tạo thành nội kết … nên ngay đời sống hiện tại, chúng ta đã hoặc đang tham dự bao lần luân hồi, biến hình thay dạng. Có khi là thánh nhân, lương thiện của các cõi trời, có khi là hung tàn bạo nguợc, dữ dằn theo bản năng của các loài dã thú, có khi đầy mưu mô thâm độc để hại người lợi mình, giành giật, chiếm hữu hoặc cũng có khi thay đổi nhiều hình dáng trong cùng một con người. Mỗi hình dạng biến thái là một kiếp sống- vắn hay dài, tùy theo tâm cảnh hoặc sự sáng suốt của người đó. … Tất cả dòng sinh mạng nầy do chính mình tạo tác, suy tư và tự hình thành nên những nghiệp lực.

Trong một bài viết nào đó, tôi đã mượn cái thân để đi sâu vào tâm, và nhìn thẳng vào chính biểu tượng mình đưa ra đế nói với, chia sẻ với như là :

« Nếu không có cái thân cát bụi nầy, làm sao ta yêu em. Không thể nói em yêu, khi bàn tay còm cõi, khi tấm lòng nghèo nàn, khi góc sâu của cõi lòng chỉ là những hoang vu, đơn độc. Có lời nào nói hết, có bài thơ nào đầy đủ, khi tuổi thơ mất rồi, và chúng ta không có niềm vui, chỉ là những lo toan, tính toán, dự phóng cho hư vô và nếu thế, ta mãi mãi xa em.

Có một góc trời nào đó, kéo ta trở về để đến nhận diện, nhìn lại mình, nhìn lại tâm để tìm thấy em trong những rời bỏ, xa lìa của đôi tay mở rộng. Phải thấy em như một trẻ thơ vui đùa, trong trắng và trên gương mặt mầu nhiệm nầy, ta thấy cả bầu trời mở rộng...”.

Trong một câu chuyện về “4 bà vợ của nhà Vua” trong Kinh của đạo Phật nói đến, mà chúng đã được biết, để ví dụ cho cái thân xác, mà chúng ta sẽ đối diện khi đang sống ôm ấp, nâng niu hoặc khi sắp lìa bỏ cuộc đời..

Yêu quí cái thân xác, chiều chuộng, nâng niu, tô điểm, bồi đắp, chứa chấp của cải vật chất, tiền tài, địa vị, danh vọng, gia đình, người thân yêu… tất cả sẽ rời bỏ chúng ta ra đi theo tiến trình sinh-trụ-hoại-diệt…, nhưng chỉ có cái tâm, cái nghiệp lực theo mình như bóng với hình, dù bất cứ nơi chốn nào, hay bất cứ cõi giới nào… nhưng mà trong đời sống, chúng ta lại thường quên lãng..

Có người cho rằng đạo Phật bi quan, chối bỏ thân xác, làm mất giá trị cho cuộc sống, làm đảo lộn cuộc nhân sinh v.v.. Nhưng quên rằng, nếu thực sự chịu khó nghiên cứu và đi sâu vào giáo Pháp của đạo Phật với sự tu tập, và đúng theo tinh thần của Phật giáo, thì chính đạo Phật rất quí trọng cái thân xác vốn dĩ vô thường, hữu hạn nầy.

Chúng ta thường nghe rằng “Tất cả chư Bồ tát đều đản sanh trong cõi ta bà năm trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược và mang thân xác phàm tục, nhưng cũng chính từ thân xác đó đã tu tập, chuyển hoá để trở thành vị Thánh nhân, vị Toàn Giác… ban vui cứu khổ, chỉ đường giải thoát và là bậc Thầy của trời người, của nhân loại

Biết thân năm uẩn là vô thường, duyên sinh duyên diệt để chúng ta không tham chấp vào đó rồi đau khổ khi vô thường có mặt, nhưng nhờ đó, nhận chân ra rằng trong cái biến hoại sinh diệt đó, có cái “bất sinh bất diệt và thường hằng”, đó là con đường mà người con Phật tu tập để thể nhập.

Nhưng từ đâu, ở đâu để tìm ra điều đó, nếu không phải từ thân xác nầy? Có lẽ vì nội kết trong tâm được nuôi dưỡng, vỗ về, làm chúng ta không thể quên được những đau khổ của những ngày qua, và đem chúng vào cái thân nầy để hành hạ mình, làm đau khổ tha nhân và từ đó, để cho mọi người có nhận định sai lầm về cái thân và cho là đạo Phật bi quan, chối bỏ, trong khi, đạo Phật lại muốn dùng chính cái thân xác nầy như một phương tiên vi diệu để giảm thiểu, trừ bớt bất hạnh và để chuyển hoá cho chính mỗi người bớt khổ đau do tham chấp, chiều chuộng, dưỡng nuôi, ôm ấp …. Vì lẽ đó, mà chúng ta nên quán chiếu lại, đừng quên đi cái giá trị đích thực của thân xác.

Chúng ta không thể biến mình là «người tình không chân dung » ảo hoá, vất va vất vuởng không nơi nương tựa, sống vô giá trị, ảo tưởng về cuộc nhân sinh trong các trò chơi … trong khi giá trị thực của cuộc đời là hạnh phúc, an lạc cho chính mình và người theo tinh thần của giáo lý Hoa nghiêm: “Cái nầy có, cái kia có. Cái nầy không, cái kia không…” trong Bốn Vô Ngại: “Lý vô ngại. Sự vô ngại. Sự Lý vô ngại. Sự Sự vô ngại” và chưa từng có một Pháp nào hiện hữu đơn thuần, mà không phải là do duyên sinh.

Giáo lý đạo Phật rất rõ ràng, đơn giản về cái xác thân. Không có thân, làm sao ta có thể làm nên những kỳ tích dù là tầm thường, cho chính mình và cho cuộc đời.

Giá trị của vô thường là giúp chúng ta trực nhận đuợc Chân thường. Cho nên, dù là biết đời là huyễn, chư Bồ tát- những người mang chí nguyện lớn vẫn đi vào đời, làm lợi ích cho con người. Vì lẽ đó, vô thường là một giá trị đặc thù hay là một nét đẹp, nét chấm phá linh động trong bức tranh toàn cảnh bi tráng của con người.

Nếu cuộc đời, trần gian nầy không có đạo Phật, không có một đức Phật Thích Ca ra đời, thì chúng ta không thể tưởng tượng thế giới nầy sẽ ra sao? Cũng ăn, cũng mặc, cũng ngủ, cũng an lành trong những thú vui, nô lệ thần quyền … như thời thường, nhưng lại đánh mất đi sự khám phá ra “Ông chủ thật” trong thân xác của mình và do đó, tâm hồn sẽ cằn cỗi, khổ đau, bất hạnh trong cái nội tâm phức tạp, mang đầy nội kết…. khiến chúng ta vô cảm với người chung quanh, dù đó chỉ là bệnh tưởng trong cái “điên đảo mộng tưởng” của tâm thức.

Tâm nhỏ, hạn hẹp… thì đức Phật của ta sẽ nhỏ bé. Tâm vô lượng, thì đức Phật sẽ vô lượng, tùy theo mức độ nhận thức được và sống với đức Phật của mình…”

Qua đó, điều may mắn cho nhân loại, là có một đạo Phật như thế. Chúng ta đến đạo Phật và là người con Phật, nên được thừa hưởng những ân từ của giáo Pháp, để biết đến Vô ngã, từ bi, hỷ xã, dấn thân (đại nguyện), hạnh Bồ tát, thường lạc ngã tịnh v.v...Rất là nhiều hạnh phúc, quyện lấy tâm mình để trong con người của mình ánh lên hương trầm của tấm lòng. Cuộc đời, nếu không có tấm lòng, đời sống sẽ nghèo nàn lắm, hiu hắt như một bóng đêm tràn về, héo úa.

Thân và tâm thường đi đôi với nhau, và qua thân, chúng ta nhìn thấy tâm, thấy được khả năng đạt được cái vô hạn trong hữu hạn, thấy Tánh Giác nơi mình và Người.

Thân tâm có một lúc nào đó, có giá trị vô cùng tận mà con người khi tìm đến trân quí, hy sinh, tiếp cận… vì đó là món quà vô giá mà kẻ mở rộng trái tim, tấm lòng có thể cho nhau với lòng tin yêu tha thiết…. nhưng cũng chính với nó, nếu chỉ là lời nói, vô cảm, không có lòng chia sẻ, sống vì mình, cho mình trong cuộc đời, không có lòng sống vì tha nhân, người thương yêu, thì sẽ mất ý nghĩa…

Và Ngài Bồ tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa, đã nhìn thấy điều đó trong mình và người, nên dùng pháp môn nầy để thực hành hạnh Thể Nhập Tri Kiến Phật và mong muốn đánh thức mọi người đều trực nhận điều nầy.

Đó cũng là tâm ấn tâm trong chân trời sáu độ ba la mật, như lời nhắc nhở, khuyến tấn, như xác quyết cho “lòng thâm tín chư Phật” để “tán thán công đức cao thâm, biển rộng lớn của đức Phật” và vẫn đi đến, tiếp cận với người với lời rằng “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật”.

Thưa bạn, qua các dữ kiện được nêu trên, với sự trình bày thô thiển và với kiến thức về Phật học hẹp hòi của mình, người đang tu tập….. chúng ta nhận được bài học nào?

Có phải chúng ta mang ơn nặng đối với đức Phật và giáo Pháp của Ngài quá nhiều chăng? vì đạo Phật tôn trọng và đề cao cái thân xác năm uẩn nầy và dùng nó như phương thiện xảo để đạt cái “Chân thường” xuyên qua Vô thường. Cái Chân tâm đó, Tánh Phật đó không phải trên trời cao, trong biển rộng, núi rừng hoặc do một ai đó  ban tặng dù là thần linh, để phải thần phục, cúi đầu nô lệ.

Tánh giác đó nằm ngay trong cái thân xác phàm tục, bất toàn nầy và để thể nhập vào đó, ta cần nhẫn nhục, có trí tuệ soi sáng, có lòng tinh tấn, có trầm tư, có bố thí, có gìn giữ tâm trong” * v.v… thì chúng ta mới khai phá được chân trời bao la vô tận trong cái “ trạm nhiên tịch tịnh”.

  Trong Bài “Làm thế nào để mỗi lúc trong đời sống chúng ta đầy ý nghĩa” của Ngài Lama Yeshe Rinpoche *, có đoạn văn sau:

Việc tối quan trọng đối với chúng ta là làm sao biết được cách nào tốt nhất để hướng dẫn đời sống hàng ngày. Điều đó tùy thuộc sự nhận thức rằng hành động nào có giá trị tinh thần hay không. Sự khác biệt giữa chúng là cái gì đúng với Chánh pháp hoặc không đúng Chánh pháp. Sự hiểu biết nầy đem đến những lợi ích thật kỳ diệu và vô hạn.

Lama Atisa hỏi Ngài rằng:“Các hành động thuờng có những hậu quả như thế nào đối với cuộc đời nầy?” Lama Atisa trả lời rằng: Mỗi một việc làm đó là nhân của sự tái sanh bất hạnh, đau khổ trong ba cõi xấu: địa ngục, quỉ đói và súc sanh.

Mặc dù vậy, Ngài đem một ví dụ điển hình như việc đọc kinh cầu nguyện, làm thế nào ứng dụng nó vào trong mọi hành động của chúng ta trong hai muơi bốn giờ một ngày như : đi, ngồi, ngủ, ăn, nói hoặc đang làm những công việc- bất cứ việc gì, ngay cả đang thở. Mỗi một hành động có thể trở thành nguyên nhân của tỉnh thức, giải thoát hay an lạc trong những kiếp sau, hoặc tái sanh trong những cảnh giới thấp, khổ đau. Tất cả tùy thuộc vào ý muốn của chúng ta.

Ví dụ đơn giản như đang uống nước, dù ngụm chỉ một bụm nước, cũng có thể là nhân của tỉnh thức, giải thoát, an lạc trong những đời sống kế tiếp hay tái sanh trong các cõi bất hạnh. Nếu chúng ta uống với Chánh niệm, thì hành động uống nuớc đó là Chánh pháp, nhân của An lạc. Nếu chúng uống nước với tâm phiền não, tham chấp hoặc ngay cả si mê, sân hận; đó là những hành động không đúng Chánh pháp, đưa đến tái sanh trong các cõi xấu.

Vì thế, bạn phải nghĩ rằng: “Nếu tôi uống nước với tâm bồ đề, bất kể tôi uống bao nhiêu ngụm nước hoặc bao nhiêu ly nuớc, thì mỗi một chánh niệm đó trở thành nhân của Tỉnh thức, lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, nếu tôi uống nuớc với thái độ tham đắm đời sống nầy, thì mỗi một ngụm nước, mỗi ly nước đều trở thành nguyên nhân của khổ đau- những thống khổ trong những cảnh giới thấp và tất cả những vấn nạn nầy thì mọi người đều đã trải qua”.

Có phải chăng từ cái thân tầm thường nầy, từ những việc nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật… chúng ta đang mở rộng cho thân xác của mình một giá trị đặc biệt, để không mang tâm vô cảm đối với những gì chung quanh và với con người. Chúng ta không ngủ quên trong cái tháp ngà của tài sắc danh thực thụy và bỏ quên tất cả để nuôi dưỡng nội kết, nuôi dưỡng thân trong các biến hoại, khiến không nhìn thấy được và sống được với chân thường, thường trụ trong các biến đổi.

Và biển giáo Pháp của đức Phật thì dù bao la, vô tận với những phương thuốc kỳ diệu có thể chữa lành những vết thương lòng, để cho dù là chúng ta mang đầy nội kết do bất hạnh, do vỗ về niềm đau nổi khổ của mình để nhân lên, để nói rằng “đời ta quả là cô đơn, tủi thân, bất hạnh” vì không ai hiểu, không ai thương mình, mà chỉ mình ta hiểu ta trong lối sống tự kỷ. Chúng ta vô tình biến mình tắm trong nhung lụa của trái tim cô đơn, trái tim mù loà, trái tim bên lề, hoặc trái tim không đập (xin lổi, vì tim mà không đập, có nghĩa là ngưng, thì đời đã nằm im lìm, đâu còn gì để than van, khóc lóc).

 

Có một hôm

ngắt vài cọng cỏ

ta hỏi thầm rằng

khi lìa thân mình, cỏ có đau không?

 

Có một hôm

cầm vài chiếc lá

đang phơi mình, cười héo trên sân

ta hỏi lá rằng

khi lìa xa cành, lá có xót xa không?

 

Có một hôm

nâng từng sợi gió

như làn tóc mây

như làn sương mỏng

ta hỏi gió rằng

gió đi về phương nao?

 

Và giờ đây

vóc từng hạt cát

rồi hỏi cát rằng

cát bụi đi về đâu?

 

Cát bụi đi về đâu?

ôi con người

đến từ cát bụi

ôi con người

cát bụi tạo thân

nếu không có hơi thở

rồi sẽ ra sao?

nếu không có nước mắt buồn vui

đời sẽ ra sao?

nếu không có thân nầy

có gì để nhớ mong

nếu không có tấm lòng nầy

đời sẽ ra sao?

và nếu không có trái tim cuồng si

làm sao ta yêu em?

 

Ta yêu em, không bằng lời nói

ta yêu em, không bằng khói thuốc

ta yêu em, không bằng những bài thơ

ta yêu em, không bằng những lời kinh cầu

nhưng ta yêu em

bằng trái tim nóng bỏng

trái tim miệt mài

theo từng hơi thở ngắn, dài

giữa đêm dài

nhìn lại tâm mình

và thấy em thơ !!!!!!

  

Thưa bạn, bài thơ trên đây, được sáng tác đã lâu, nhưng khi đọc lại, với tâm cảm của người viết trong lúc nầy, bỗng nhiên tràn lan các ý tưởng, nên cũng cần ghi lại như một chia sẻ.

Là người đi gom những vần thơ, có thể của người nầy hay nguời khác mà mình học được, nghe lóm được hay copy lại hoặc giả cũng là của chính mình khi suy tư đến… cuộc đời với biết bao nhiêu là kinh nghiệm cần trải qua, mà mỗi lần vấp phải, đối diện, dù là khổ đau hay hạnh phúc, con người cũng đểu kinh qua và ngạc nhiên, mở mắt nhìn lại thật kỷ, trực nhận rằng “đời quả là kỳ diệu”. Đẹp vô cùng!

 

Này em, vừa thức sáng nay

cùng ta chào đón một ngày vừa sang

ánh trăng mòn mỏi cuối trời

giả từ đêm cũ, gió mang hương về

 

ngày qua tháng lại mênh mông

mắt nai, mở rộng chân tình, lời thương

bầu trời ôm mộng ru đời

giật mình chợt thấy mây rời bến xa

 

cánh chim sải cánh lưng trời

không gian mở rộng , bước đường thênh thang

lỡ mang lấy nghiệp vào đời

thôi thì cũng mở tấm lòng một khi

 

trăng kia còn chở mây xanh

trời kia còn vướng cõi tâm tự giờ

có vào trần tục rong chơi

nhiều khi cũng phải khóc cười để vui

 

biết rằng huyễn hoá vào đời

từ bi vẫn nở trong lòng nhân sinh

người đi nhặt những lời thơ

đem tâm gửi những chân tâm đến người…

 

Mượn những ngôn ngữ của đời thường, trần tục….nhưng cũng muốn tìm lại mảnh hình hài của tâm, dù là trong một hình thái nào đó, để trong từng hơi thở của trầm tư trên đỉnh núi non cao, sương rơi buốt lạnh, ngồi ngắm bầu trời xanh rộng, lắng mình để thấy lại tuổi thơ trở lại, thấy đôi mắt trong sáng, ngạc nhiên, thơ dại của bé thơ và để thấy rằng để cám ơn cuộc đời, cám ơn con người và lòng trọng ân lên đức Phật, nên người con Phật thường dùng “phổ xuất vô tận diệu ngôn từ” để nói về điều gì đó, có thể chia sẻ đến với người trong cuộc sống làm người có ý nghĩa.

Những lời thô thiển, học hạnh yếu kém, nhặt được những gì dù nhỏ nhoi, rơi rớt lại trong thơ, trong tâm và như người gom lá rụng  và những gì chia sẻ nơi đây, dù là đúng hay không, dù là bạn có đồng ý hoặc không, thì cũng vẫn như một tấm lòng chia sẻ, tìm đến. Có được không bạn?

 

Xin kính cám ơn bạn……

 

viết xong lúc 4:15 chiều

 

ngày 01.08.2009

 

 ­________________________

 

* Đại cương Kinh Pháp Hoa trong “Vô ngã là Niết Bàn” do HT. Thiện Siêu giảng.

* Trong Bài “Làm thế nào để mỗi lúc trong đời sống chúng ta đầy ý nghĩa” của Ngài

   Lama Yeshe Rinpoche *, do Cư sĩ Liên Hoa dịch

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay