Về Thăm Bồ đề Đạo tràng
Bồ đề Đạo tràng là nơi kỷ niệm sự thành đạo, chứng đắc quả vị Giác ngộ siêu việt của Bồ-tát Tất-đạt-đa. Ở nơi ấy Ngài đã trở thành đấng Chí tôn, bậc thầy của cả trời người với tên hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Bồ đề Đạo tràng còn được gọi là tháp Đại giác hay Đại tháp. Bồ đề Đạo tràng là tên người Việt thường dùng, tên đầy đủ và nguyên gốc của nó là Mahābodhi Mahāvihāra (tạm dịch - Đại Tháp Đại Giác).
Thật là một sự diễm phúc lớn đối với tôi khi được đến chiêm bái thánh tích thiêng liêng này. Vừa đến phía ngoài cổng của khuôn viên Đại tháp, thoảng nghe tiếng tụng kinh và những điệu nhạc đệm cho lời kinh Pāli phát ra từ các loa phóng thanh đã thấy trong lòng trào dâng một cảm xúc khó tả. Một bầu không khí thiêng liêng, mầu nhiệm và uy nghiêm lan tỏa khắp khuôn viên Bồ đề Đạo tràng. Mặc dầu tôi đã kính cẩn chấp tay xá chào ngôi Đại Tháp khi vừa đối diện để bắt đầu tiến đến những bậc cấp dẫn vào Đại Tháp, nhưng khi bước chân đến những bậc cấp dẫn vào khu Đại Tháp, có một sức mạnh vô hình đã tác động vào tâm thức của tôi, tác động vào từng bước chân của tôi. Vừa đặt chân chạm vào bậc cấp đầu tiên, bỗng đôi chân tôi chùn lại, bước chậm rãi từng bước một. Mỗi bước chân đặt xuống bậc cấp là như có một luồng điện từ phía dưới truyền lên thân thể tôi, làm cho toàn thân tôi rúng động lạ thường. Một sức mạnh tâm linh tại nơi giác ngộ của đức Thế Tôn đã tác động và thân và tâm tôi. Lúc ấy tôi cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng, yếu ớt vô cùng trước sức mạnh tâm linh ấy. Nó đã làm cho những bước chân của tôi trở nên vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát, như là không muốn tạo ra một sự tổn thương, xáo động nào đến mặt phẳng của các bậc cấp, và cũng là để trọn vẹn nhận diện, đón nhận những gì đang diễn ra trong thân tâm của mình. Thật là kỳ lạ, mặc dù chịu sự tác động của sức mạnh tâm linh và sự uy nghiên của ngôi Đại Tháp như vậy mà lòng tôi vẫn thấy an lành, cảm giác sợ sệt không hề hiện hữu trong tâm tôi. Sự uy nghiêm và sức mạnh vô hình ấy không làm cho tôi khiếp sợ. Ngược lại, nó còn làm cho tâm tôi trở nên an bình và thành kính hơn.
Cũng thật là đặc biệt, không biết ai đã đặt tên cho bốn địa điểm quan trọng trong cuộc đời của đức Phật (vườn Lâm-tỳ-ni, nơi Thái tử Tất-đạt-đa ra đời; Bồ đề Đạo tràng nơi Phật thành đạo; Vườn Nai (Lộc Uyển), nơi Phật chuyển vận bánh xe pháp lần đầu tiên; và thành Câu Thi Na, nơi đức Phật nhập vô dư niết bàn) là Tứ động tâm. Chữ ‘động tâm’ ở đây vừa là tính từ mang nghĩa quan trọng, trọng điểm. Nó vừa là động từ chỉ sự rung động, sự biến động ở trong thân tâm của người đến viếng thăm, đến chiêm bái. Ai đã một lần đặt chân đến một trong bốn địa điểm trên thì chắc chắn sẽ cảm nhận được thế nào là “động tâm”, sẽ thấu hiểu được sự thiêng liêng, mầu nhiệm và uy nghiêm của nơi thánh địa. Chính đức Thế Tôn đã từng dạy rằng, nếu ai có duyên đến chiêm bái những thánh tích của đức Phật thì người đó sẽ có được nhiều phước đức. Tại sao đức Phật lại dạy điều này? Tại vì, khi chúng ta đến chiêm bái các thánh tích thì niềm tin của chúng ta đối với Tam Bảo, đối với chân lý càng thêm lớn mạnh, càng thêm vững chắc. Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức. Khi chúng ta đến thăm các thánh tích, được tận mắt nhìn thấy các dấu tích, các di vật của lịch sử để lại, chúng ta vững tin rằng đức Phật là một nhân vật lịch sử, là một con người có thật, bằng xương bằng thịt như chúng ta chứ không phải là một nhân vật huyền thoại, hư cấu. Ngài là một con người bình thường, đã ưu tư, trăn trở vì nỗi khổ của bản thân và của tha nhân, và đã quyết chí đi tìm chân lý và đã chứng đạo. Giáo lý của Ngài dạy đã được thực hành và truyền trao từ thế hệ này đến thế hệ khác trong suốt hơn 25 thế kỷ qua. Đã có không biết bao nhiêu người tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tìm thấy được chân hạnh phúc nhờ vào giáo lý của Ngài. Hơn nữa, khi đến chiêm bái các thánh tích, sức mạnh tâm linh tích tụ ở các thánh địa đó cũng tác động không nhỏ đến tâm thức của chúng ta. Chính những điều này sẽ làm cho tâm hướng thiện, hướng thượng trong chúng ta càng thêm lớn mạnh, nó khơi dậy tiềm năng giác ngộ trong chúng ta, tưới tẩm và nuôi dưỡng cho hạt giống từ bi, trí tuệ trong tâm của chúng ta càng thêm lớn mạnh. Sự thật là đã có không ít người, từ châu Á cũng như châu Âu, sau một chuyến hành hương chiêm bái các thánh tích của Phật giáo, đã tạo ra một sự chuyển đổi vô cùng lớn lao trong đời sống của họ. Có thể nói là họ đã thay da đổi thịt, trở nên một người hoàn toàn mới, một người rất thánh thiện.
Ngoài sự chí thành chí kính của tất cả mọi khách hành hương khi đến Bồ đề Đạo Tràng, có một điều rất đặc biệt là tất cả mọi người đều rất thân thiện, cởi mở và dễ dàng tiếp chuyện với nhau nếu có thể vượt qua được rào cản của ngôn ngữ giao tiếp. Dù là những người không cùng màu da, dân tộc, không cùng văn hóa, thậm chí là không cùng tín ngưỡng, tôn giáo (không phải tất cả những người đến Bồ đề Đạo tràng đều là Phật tử, có những người theo đạo Hindu, theo đạo Sikh, theo đạo Tin Lành, …) họ đều nhìn nhau với ánh mắt và nụ cười hiền lành, dễ thương. Có lẽ là chính sức mạnh tâm linh tại nơi giác ngộ của đức Thế Tôn và bản chất của một nền giáo lý thuần hậu, nhân từ và hòa ái của đạo Phật đã góp phần tạo nên sự thân thiện, cởi mở đó.
Đến với Bồ đề Đạo tràng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng ta là một tòa tháp uy nghiêm, hùng vĩ được tạo dựng giữa một vùng đất có mặt bằng thấp hơn so với xung quanh. Vì thế mà những bậc cấp dẫn vào tháp là bậc cấp theo chiều đi xuống chứ không phải đi lên như bình thường chúng ta thường gặp. Không biết đây chỉ là bố cục ngẫu nhiên mà nhà thiết kế đã tạo ra hay là có dụng ý ở trong đó? Theo cảm nhận của cá nhân, bố cục này như có ý muốn thể hiện hành trình giác ngộ của đức Phật, xuất thân là một hoàng tử có địa vị cao sang, và đã giã từ tất cả những thứ cao sang ấy để sống đời khất sĩ, vô gia cư, không tài sản và từ trong đời sống vô gia cư ấy mà Ngài đã trở thành bậc Đại Giác, bậc thầy của cả trời người. Theo những cứ liệu của lịch sử thì Bồ đề Đạo tràng đã được vua A Dục khởi công xây dưng vào thế kỷ thứ III trước CN. Sau 10 năm lên ngôi Hoàng đế vua đã đến chiêm bái thánh tích Bồ đề Đạo tràng, và 10 năm sau đó vua đã cho kiến tạo khu thánh tích này. Khởi đầu vua cho xây Kim Cang tòa ở dưới gốc cây Bồ-đề và một trụ đá để đánh dấu nơi thành đạo của đức Phật. Sau đó vua cho tạo dựng một ngôi tháp. Theo những di tích còn sót lại cùng những lời ghi ở trên đó thì khoảng 150 cho đến 300 năm sau khi vua A Dục kiến tạo Bồ đề Đạo tràng (tức vào khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ I trước CN) đã có 3 mệnh phụ Phu nhân đã góp công tôn tạo và bảo trì khu thánh tích. Theo tác giả William, trong số họ có một người là phu nhân của một lãnh chúa có tên là Kurangi. Những vị nữ tín chủ này đã xây dựng những rào chắn bao quanh Kim Cang tòa và trụ đá để bảo vệ chúng. Họ còn cho xây những điểm mốc đánh dấu những bước đi mầu nhiệm của đức Phật (jewel-walk posts) trong suốt 7 ngày của tuần thứ 3 sau khi ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đắng Chánh giác. Trong khoảng thời gian đó, đức Phật đã thiền hành tới và lui tại một khoảng trống gần cây Bồ đề, vừa là để tưởng niệm công ơn của cây đã che chở cho Ngài, vừa là để trải nghiệm những điều mầu nhiệm, uyên thâm của trạng thái giác ngộ. Những điểm mốc mà họ xây lên là nhằm để đánh dấu những dấu chân mầu nhiệm của đức Phật, trên mỗi điểm ấy có gắn hình hoa sen bằng đá.
Tiến vào bên trong ngôi Đại Tháp, khách hành hương sẽ được chiêm ngưỡng một tôn tượng vô cùng đặc biệt của đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni. Bức tượng này được điêu khắc thật là hoàn mỹ. Đấy là bức tượng đức Thế Tôn đang ngồi trong tư thế kiết già, cao hơn 2 mét, với nét mặt điềm tĩnh và hiền hòa, tươi đẹp. Bức tượng này được tạc từ một tảng đá đen. Màu vàng của bức tượng như trong hiện tại là do bức tượng đã được sơn lại bởi những tín đồ hành hương. Theo nhiều nguồn sử liệu ghi chép thì bức tượng này được tạo dựng vào khoảng thế kỷ thứ II sau CN, khi mà Phật giáo bắt đầu chia làm hai bộ phái là Phật giáo Nguyên Thủy (Hinayana) và Phật giáo Đại thừa (Mahayana), và cũng là lúc mà nghi thức thờ phụng tôn tượng bắt đầu nảy sinh và phát triển trong truyền thống Phật giáo Đại thừa.
Cây Bồ đề thiêng liêng tại Bồ đề Đạo tràng là một trong những di tích không kém phần quan trọng. Tuy đấy không phải là cây Bồ đề nguyên thủy, nhưng là một cây con được bắt nguồn cây Bồ đề gốc, nó vẫn có một sức mạnh tâm linh vĩ đại và có sức ảnh hưởng lớn đối với tín đồ hành hương. Chính tại dưới gốc cây Bồ đề này mà đức Phật đã chứng quả vị Giác ngộ Tối thượng, và cũng chính dưới gốc cây này, sau khi chứng đạo, đức Phật đã dành một tuần lễ đầu tiên để thiền quán và an hưởng niềm hỷ lạc vô biên của sự giác ngộ. Đến bên gốc cây Bồ đề, chí thành đảnh lễ, tưởng niệm và ngồi tĩnh tạo dưới bóng mát của tàng cây, chúng ta sẽ nhanh chóng cảm nhận được một niềm tịnh lạc lạ thường dấy khởi trong tâm. Trong tập Chuyện Tiền Thân cho biết rằng, Kim cang tòa dưới gốc cây Bồ đề này được xem là trọng điểm của trái đất, là điểm duy nhất được hình thành trên lớp địa tầng nguyên ủy vào thời kỳ hoàng kim của trái đất ở trong vũ trụ, chỉ có tại nơi này ở trên trái đất bậc tu hành mới chứng đạt được quả vị Vô thượng Bồ đề.
Số phận của cây Bồ đề này cũng lắm thăng trầm. Vào thời vua A Dục, bởi vì vua quá sùng tín, quá yêu quý đối với cây Bồ đề, dành nhiều thời gian cho nó, quan tâm đến nó còn hơn cả đối với hoàng hậu của vua, hoàng hậu Tissarakkhā, vì thế mà vị hoàng hậu này đã sinh tâm ghen ghét đối với cây Bồ đề và đã thuê một người phụ nữ giỏi về chú thuật dùng bùa chú để giết chết cây Bồ đề. Sau đó không lâu thì cây bồ đề bị khô héo đi. Việc cây Bồ đề bị khô héo dần đã làm cho vua A Dục vô cùng buồn khổ, và tuyệt vọng. Trước tâm trạng buồn và tuyệt vọng của vua, hoàng hậu Tissarakkhā đã tâu với vua rằng, nếu cây Bồ đề chết đi thì hoàng hậu sẽ đem niềm an vui đến cho đức vua. Nhưng vua A Dục đã đáp lại rằng, cây Bồ đề không phải là một người phụ nữ, nó là một cây xanh mà tại nơi đó đức Phật đã đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi nghe vua giải thích như vậy thì hoàng hậu đã nhận thấy được lỗi lầm của mình, liền bí mật triệu mời người phù thủy ấy đến để tìm cách cứu sống cây Bồ đề. Họ đã cho người đào đất ở xung quanh gốc cây lên và dùng hàng nghìn bình sữa để tưới cho gốc cây mỗi ngày. Sau đó không lâu thì cây đã hồi sinh, xanh tươi như cũ.
Vào năm 600 sau CN, cây Bồ đề một lần nữa bị hủy diệt bởi vua Sesanka, một tín đồ sùng tín của thần Shiva. Đến năm 620, vua Purnavarma đã cho trồng lại một cây Bồ đề con. Dưới thời của vua Purnavarma, cứ đến dịp tổ chức lẽ hội Vaisakha hàng năm là có hàng nghìn người từ khắp nơi trên đất nước Ấn Độ tụ hội về dưới gốc cây Bồ đề thiêng liêng để làm lễ. Họ dùng nước hoa, sữa thơm để tưới cho cây, và họ còn dâng hoa và nhạc để cúng dường cây Bồ đề.
Tuy nhiên, trải qua thời gian lâu dài, cùng những tác động của thiên nhiên và của con người, vào năm 1862, theo những dòng ghi chép của một nhà Khảo cổ học người Anh, Cunningham, thì cây Bồ đề lúc ấy đã lâm vào trình trạng xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn một phần của thân cây ngã về phía Tây là còn xanh lá, còn những phần khác thì lá đã úa tàn và thân thì bị mục nát. Sau đó vài chục năm, một cơn bảo đã làm cho cây bồ đề gãy đổ. Cũng may là người ta đã thu lượm được nhiều hạt giống của nó và đã ươm giống, và nhờ đó mà mần non của cây mẹ đã được sinh trưởng tại vị trí cũ. Cây Bồ đề trong hiện tại là cây thuộc thế hệ thứ tư của cây Bồ đề nguyên thủy và nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tìn đồ Phật tử trên khắp thế giới, là hình ảnh nhắc nhở chúng ta nhớ về sự chứng ngộ siêu việt của đức Phật, là biểu tượng của niềm an lạc vô biên, của một tiềm năng siêu tuyệt đang ẩn tàng trong tất cả chúng ta.
Bên cạnh đó, tại khu thánh tích này còn có những điểm cũng đáng để cho khách hành hương lưu tâm và chiêm bái. Một là ngôi tháp nhỏ có tên là Animesha Lochana tọa lạc về phía Tây Bắc của ngôi Đại tháp. Nó đánh dấu vị trí mà khi xưa đức Phật đã đứng nhìn về phía cây Bồ đề không chớp mắt trong suốt 7 ngày của tuần lễ thứ hai. Hai là một ngôi đền nhỏ không có mái che nằm ở phía Đông Bắc của ngôi Đại tháp, nó được gọi là đền Ratanaghara. Tại đây đức Phật đã trải qua 7 ngày của tuần thứ tư để quán chiếu về lý Duyên Sinh của vạn pháp. Và chính trong lúc thiền quán về lý Duyên sinh này, từ trong châu thân của đức Phật đã tỏa ra những tia sáng màu xanh, vàng, đỏ, trắng, da cam và một màu thứ sáu được kết hợp bởi 5 màu trên. Sáu màu sắc này chính là nguồn cảm hứng để sáng tạo nên lá cờ Phật giáo đang được lưu hành tại các quốc gia có tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới. Ba là cây Ajapāla Nigrodha (nay chỉ còn lại một tấm biển ghi dấu tích, còn cây ấy thì không còn nữa) nằm phía trước mặt của ngôi Đại tháp, ngay trên lối đi vào từ cổng phía Đông. Đức Phật đã thiền định suốt tuần thứ năm ở dưới gốc cây này. Bốn là hồ Muchalinda, nằm về phía Nam của ngôi Đại tháp. Đức Phật đã thiền tọa suốt tuần thứ sáu bên cạnh cái hồ này. Trong lúc đức Phật đang tọa thiền thì bỗng mưa bão, sấm sét nổi lên vang trời. Thấy đức Phật ngồi dưới mưa bảo như thế, có một con rắn chúa trong hồ tên là Muchalinda đã rời nơi trú ngụ, dùng thân mình quấn lấy cơ thể đức Phật nhiều vòng và dùng phần trên của thân che trùm lên đầu của Phật để che chở cho đức Thế Tôn tránh được sự tổn hại của gió táp mưa sa. Vì thế mà hồ này được gọi tên là hồ Muchalinda. Trên lối đi dẫn vào hồ Muchalinda còn có một trụ đá của vua A Dục. Trụ đá này đã bị gãy mất phần đầu, nhưng toàn thân thì vẫn còn nguyên vẹn. Năm là cây Rajāyatana, nó cũng chịu chung số phận như cây Ajapāla Nigrodha, nay chỉ còn lại một tấm biển ghi lại dấu tích mà thôi, tấm biển này nằm phía đông nam của ngôi Đại tháp. Dưới gốc cây này đức Phật đã tọa thiền suốt tuần thứ bảy sau khi Ngài chứng đạo Vô thượng.
Hiện nay trong khuôn viên của Bồ đề Đạo tràng còn có một công viên được gọi là Meditation park. Trong công viên có nhiều cây xanh, cây cảnh, những thảm cỏ xanh, những mái đình, những cái thất nhỏ rất thích hợp cho việc hành thiền và hòa minh với thiên nhiên, cây cỏ.
Khu thánh tích Bồ đề Đạo tràng đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, không biết bao nhiêu lần suy tàn, đỗ nát, rồi được khôi phục trở lại kể từ ngày được vua A Dục tạo dựng cho đến ngày nay. Thời gian đầu chỉ có Kim Cang tòa dưới cây Bồ đề, những trụ đá của vua A Dục và những điểm mốc đánh dấu những nơi đức Phật đã trải qua trong thời gian đầu sau khi chứng đạo và những rào chắn xung quanh. Theo những ghi chép của ngài Pháp Hiển về Bồ đề Đạo tràng lúc ngài đến đó chiêm bái (vào khoảng năm 400 sau CN), lúc đó có nhiều tượng Phật được tôn thờ trong các mái đình không có tường xung quanh, có nhiều công trình kỷ niệm đánh dấu những nơi đức Phật đã đặt chân đến, và có một số tu viện với nhiều vị tu sĩ tu hành cẩn mật. Ngài Pháp Hiển đã không đề cập gì đến ngôi Đại Tháp, chứng tỏ là lúc đó ngôi Đại tháp chưa được xây dựng. Nhưng trong truyện ký của ngài Huyền Trang ở phần viết về Bồ đề Đạo tràng lúc ngài đến chiêm bái (vào khoảng năm 635 sau CN) thì ngài đã miêu tả khá cụ thể về tháp Đại giác. Những miêu tả ấy về tháp Đại giác khá tương tự như ngôi tháp mà chúng ta đang thấy ở Bồ đề Đạo tràng ngày hôm nay. Ngài Huyền Trang đã miêu tả rằng, về phía đông của cây Bồ đề, có một tòa tháp cao khoảng 160-170 feet (khoảng 50-55 mét), được xây bằng gạch xanh, bốn mặt của tòa tháp được gắn những hình trang trí rất là tinh xảo,… Như vậy chúng ta có thể đoán được rằng ngôi tháp Đại giác đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V-VI. Còn có thêm một bằng chứng khẳng định cho việc suy đoán này, đó là ngôi tháp ấy là một trong những ngôi tháp đầu tiên đã được xây dựng hoàn toàn bằng chất liệu gạch, một loại gạch được sản xuất ở xứ Ấn Độ vào cuối triều đại Gupta, tức là vào cuối thể kỷ thứ V và đầu thế kỷ thứ VI. Đến thế kỷ thứ XII, Bồ đề Đạo tràng đã không được tu sửa và rơi vào tình trạng bị bỏ rơi hoàn toàn. Những thời gian tiếp sau đó, khu thánh tích đã trải qua nhiều lần phục hồi, nâng cấp và sửa chữa bởi các vị vua sùng đạo, các tín chủ và các nhà hảo tâm ở trong nước Ấn Độ cũng như ở nước ngoài. Vào năm 1874, khu thánh tích đã được bắt đầu một quá trình nâng cấp toàn bộ được tiến hành bởi phái đoàn của vua Miến Điện, Mindon-Min, với sự chấp thuận của chính quyền Ấn Độ. Lần nâng cấp này đã tạo nên diện mạo của Bồ đề Đạo tràng như chúng ta thấy trong hiện tại.
Vào năm 1953, chính quyền Ấn Độ đã chính thức thành lập Ban quản lý khu thánh tích Bồ đề Đạo tràng gọi là Bodhgaya Temple Management Committee. Nhiệm vụ chính của Ban quản lý này là để giữ gìn và tu sửa khu thánh tích, mở mang và cải thiện khu đất của thánh tích, bảo vệ lợi ích và sự an toàn cho khách hành hương, và cuối cùng là thực hiện những nghi lễ thờ phụng thích hợp tại Bồ đề Đạo tràng.
Bồ đề Đạo tràng ngày nay đã được toàn thế giới biết đến. Vào ngày 27 tháng 6 năm 2002, Ủy ban văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Bồ đề Đạo tràng là một di sản của thế giới. Hàng năm, có hàng nghìn người trên khắp thế giới, bao gồm cả Phật tử lẫn những người không phải là Phật tử, tìm về khu thánh tích thiêng liêng này để chiêm bái. Và hiện có không biết bao nhiêu người đang ngày đêm mong ước có một lần đặt chân đến Bồ đề Đạo tràng để được phủ phục trước ngôi tháp Đại giác, để được đảnh lễ tôn tượng của đức Thế Tôn đang thờ phụng trong tháp, và để được chiêm ngưỡng cây Bồ đề thiêng liêng, được ngồi tĩnh tạo dưới bóng cây thiêng và cảm nhận những cảm xúc lạ thường mà thanh thoát trào dâng trong lòng.
Nếu ai có điều kiện thì nên một lần đến chiêm bái thánh tích Bồ đề Đạo tràng. Khi đến chiêm bái khu thánh tích, khách hành hương nên dành thời gian cho nó, không nên vội vàng, không nên để mình bị chi phối bởi bất kỳ một lý do nào khác. Hãy đến đó để thấy, để tự mình cảm nhận, tự mình trải nghiệm những diễn biến tâm lý diễn ra trong tâm của mình. Nếu có thời gian thì khách hành hương nên đến chiêm bái vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Vì vào mỗi thời điểm khác nhau ấy, chúng ta sẽ có những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận vào lúc sáng sớm nó khác với lúc hoàng hôn, và cũng khác với lúc màn đêm buông xuống bao trùm lấy cảnh vật, toàn cảnh khu thánh tích Bồ đề Đạo tràng hiện lên mờ ảo dưới ánh đèn điện. Nếu có nhiều thời gian hơn nữa thì khách hành hương nên đến viếng thăm các ngôi chùa của các quốc gia khác nhau trên thế giới, chùa của Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Việt Nam, Bhutan, Sri Lanka,… Mỗi chùa có một sắc thái riêng, có một lối trang trí và cách thờ phụng riêng, nhưng tất cả đều mang đậm bản sắc dân tộc của quốc gia đó và đều trang nghiêm, thanh tịnh. Hãy đi thăm một vòng cho biết, để mở rộng tầm mắt, để khám phá những nét văn hóa, tín ngưỡng rất riêng của từng dân tộc. Thánh tích Bồ đề Đạo tràng thiêng liêng đang còn đó, những ngôi chùa đặc sắc ấy vẫn đang hiện hữu nơi kia. Tất cả đang chờ đợi bạn, đang chờ đón những đứa con tinh thần trở về với tổ ấm thiêng liêng. Cầu chúc cho tất cả mọi người có đu duyên lành để đến chiêm bái khu thánh tích Bồ đề Đạo tràng thiêng liêng.
Quảng Trí
Tài liệu tham khảo:
Anuradha Seneviratna, King Asoka and Buddhism, historical and literary studies, Buddhist Publish Society, Kandy, Sri lanka, 1994.
Bodhi tree, from http://www.angelfire.com, provided by the Dharma and Root Institute for Wisdom Culture.
Macmillan Encyclopedia of Buddhism, 2003 Ed., Vol. 1, ‘Bodh Gayā’ written by Leela Aditi Wood.
Macmillan Encyclopedia of Buddhism, 2003 Ed., Vol. 2, ‘MahāBodhi Temple’ written by Leela Aditi Wood.
Mahabodhi Mahavihara, a world heritage site, published by Bodhgaya Temple Management Committee, 2nd ed., 2005.
William, Mahabodhi temple, on www.stupa.org.nz website.
|