Hoằng pháp vùng sâu vùng xa
Thích Quảng Phước
Hoằng pháp là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của người con Phật, điều ấy đã được đức Phật chỉ dạy cho những vị đệ tử đầu tiên của Ngài, ngay sau khi họ đã được nghe và lãnh hội được giáo pháp giải thoát.
Theo dòng lịch sử Phật giáo, sau khi chứng đắc vô thượng Bồ-đề tại Bồ-đề đạo tràng, đức Thế Tôn đã lên đường chuyển vận bánh xe pháp, độ năm anh em Kiều-trần-như, Da-xá... Với những người đệ tử đầu tiên, đức Phật đã dạy mỗi người nên đi một hướng, không nên đi hai người một hướng, để đem giáo pháp an lạc ban bố cho chúng sanh, hãy lên đường hoằng pháp, vì sự an lạc và giải thoát cho chư thiên và loài người.[1]
Nương theo lời dạy cao cả ấy, tôn giả Punna (Phú-lâu-na) đã phát nguyện hoằng pháp quên mình,[2] Tỳ-kheo Mahinda đã truyền bá Phật pháp đến với quốc đảo Srilanka,[3] Tổ Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) đã thiết lập Phật giáo Thiền tông ở Trung Quốc… Ý thức được sự cao quí và thậm thâm của giáo Pháp đức Phật, Đại đế Asoka (A-dục vương) đã đem Phật pháp phổ biến trên toàn cõi Ấn Độ và cả những quốc gia lân cận trong suốt thời gian tại vị của mình; vua Lương Võ Đế ở Trung Hoa đã xây hàng vạn ngôi chùa tiếp Tăng độ chúng và ủng hộ Phật pháp phát triển thật huy hoàng; vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia tu tập và đem Phật pháp áp dụng cho cả dân tộc, tạo một nước Việt thịnh trị thái bình. Phát hiện ra triết lý cao cả tuyệt vời của Phật giáo, giáo sư Phật học nổi tiếng người Anh, Rhys Davids (1843-1922) đã phát nguyện học Phật, đồng thời thành lập hội Pāli Text Society và dịch hầu như toàn bộ kinh tạng Pāli sang tiếng Anh, giới thiệu Phật pháp trên vùng trời Âu Mỹ, v.v… Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng ta cùng tìm hiểu vài nét về việc hoằng pháp của Phật giáo, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.
Hai chữ “hoằng pháp” có lẽ quá quen thuộc với người con Phật, bởi hoằng pháp là một trong những nhiệm vụ chính, nhiệm vụ trong nhà, trong chùa, trong tự viện của người con Phật “Hoằng pháp vi gia vụ”. Hoằng pháp nghĩa là đem giáo pháp của đức Phật hoằng dương, quảng bá, truyền bá đến tất cả chúng sanh, để mọi người áp dụng tu tập, đạt được sự an lạc giải thoát.
Bốn chữ “vùng sâu vùng xa” thường được hiểu là những nơi xa xôi, những vùng ấy dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế vật chất khó khăn, kiến thức của người dân còn thấp, chưa có điều kiện để tiếp xúc với những nền văn minh khoa học, hay những tư tưởng giác ngộ giải thoát của những bậc vĩ nhân. Đó là cách hiểu thông thường của những người trong xã hội. Theo Phật giáo, cụm từ vùng sâu vùng xa cần được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn. Chúng ta nhớ lại vào thời đức Phật, khi trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) có duyên lành được diện kiến đức Phật, được nghe giáo pháp giải thoát và chứng được đạo quả Tu-đà-hoàn[4]. Cảm nhận được sự cao quí và an lạc của chánh pháp, ông cũng muốn toàn thể quê hương ông được thấm nhuần giáo pháp giải thoát ấy. Nhưng quê hương ông rất xa thành Rajagaha (Vương-xá), nơi đức Phật và chư Tăng đang cư ngụ, ông đã thưa đức Phật, nơi ấy là nơi xa xôi, dân chúng chỉ tin theo ngoại đạo tà giáo, không biết gì về Phật pháp, và cầu thỉnh đức Phật cùng chư Tăng đến nơi ấy để hoằng dương chánh pháp giải thoát… Nhận lời thưa thỉnh của trưởng giả Cấp Cô Độc, đức Phật đã cho tôn giả Xá-lợi-phất đến thành Xá-vệ (Sravasti), quê hương của trưởng giả Cấp Cô Độc thiết lập tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), hoằng dương Phật pháp ở nơi này[5]. Vào thời ấy, Xá-vệ quốc (Sravasti) là một trung tâm thương mại thịnh hành, gần hoàng cung của thái tử Kỳ-đà (Jeta), và tinh xá Kỳ Viên nguyên là hoa viên diễm lệ của thái tử Kỳ-đà. Nhưng nơi ấy vẫn gọi là một vùng xa xôi. Như vậy, theo Phật giáo, cụm từ vùng sâu vùng xa phải được hiểu là những nơi còn xa với chánh pháp, nơi không có Phật pháp. Người con Phật thường phát nguyện trong mỗi thời kinh “sanh phùng trung quốc, trưởng ngộ minh sư…”[6] (sanh ra gặp những nơi có Phật pháp, để gặp được những bậc minh sư…). Trung quốc ở đây có thể hiểu là những nơi có Phật pháp thịnh hành, nơi ấy có thể là nước Tây Tạng xa xôi, một quốc gia cao nhất thế giới[7], hay là một vùng đồi núi xa xôi như Dharamsala[8], nơi có những bậc Thánh tăng đang cư ngụ. Người con Phật không bao giờ phát nguyện sanh về những trung tâm giàu nhất thế giới như New York, Washington DC hay San Francisco… vì, nếu những nơi ấy không có Phật pháp hay không biết về Phật pháp thì những nơi ấy vẫn được xem là “vùng xa” và hạnh nguyện của người con Phật cũng nên phát nguyện đem Phật pháp đến những nơi ấy. Khái niệm vùng sâu vùng xa phải được hiểu theo một ý nghĩa rộng lớn, không hạn chế trên mặt từ ngữ, vì nếu căn cứ theo từ ngữ thì những thành phố giàu có hưng thịnh sẽ không được xem là vùng sâu vùng xa, ngược lại những vùng cao nguyên xa xôi như Dharamsala, hay quốc gia Tây Tạng sẽ bị liệt vào vùng sâu vùng xa. Như vậy, hoằng pháp vùng sâu vùng xa là đem Phật pháp đến những nơi không có Phật pháp, hay những nơi Phật pháp chưa được phát triển, để người dân nơi ấy được biết đến Phật pháp, áp dụng tu tập chuyển hoá mọi phiền não khổ đau, đạt được an lạc giải thoát, và đó là hạnh nguyện cao cả nhất của người con Phật nên làm.
Những tấm gương hoằng pháp vĩ đại trong Phật giáo: Tấm gương hoằng pháp vĩ đại nhất trong Phật giáo phải đề cập trước nhất là đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni. Ngay sau khi chứng đắc đạo quả Giác ngộ Giải thoát dưới cội Bồ-đề, Ngài đã thuyết kinh Hoa Nghiêm suốt ba tuần trong thiền định cho những hàng Bồ-tát thượng căn “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt”[9]. Cho đến những giờ phút cuối cùng trước khi Nhập Niết-bàn, Ngài còn giảng giải giáo pháp độ ông Tu-bạt-đà-la, và thuyết kinh Di giáo để lại những lời vàng ngọc cho hàng đệ tử của Ngài ghi nhớ thực hành. Suốt bốn mươi chín năm ròng rã ấy, Ngài đã đi hầu hết mọi miền trên xứ Ấn, một quốc gia mênh mông có số dân vào hạng nhất nhì trên thế giới, để hoằng pháp lợi sanh, độ hầu hết mọi hạng người trong xã hội, từ những tên tướng cướp hung tàn đến những nàng kỹ nữ lầu xanh, từ những bậc đế vương cao cả, cho đến những người hốt phân nghèo hèn. Quả thật, Ngài là tấm gương hoằng pháp vĩ đại nhất không ai sánh bằng.
* Noi theo gương hoằng pháp vĩ đại ấy, các đệ tử của Ngài cũng đem cả cuộc đời mình tu tập Phật pháp và giáo hóa chúng sanh. Trong các đại đệ tử của đức Phật, tôn giả Punna (Phú-lâu-na) được xem là người hoằng pháp bậc nhất (đệ nhất thuyết pháp). Nếu tôn giả Xá-lợi-phất được xem là vị có trí tuệ bậc nhất, ngài Mục-kiền-liên (Moggallā na) là thần thông đệ nhất[10]… thì tôn giả Phú-lâu-na được xem là vị thuyết pháp đệ nhất. Sự bình chọn như vậy không chỉ vì tôn giả là người năng động trong việc hoằng pháp, tinh thông Phật pháp, có tài hùng biện để thu nhiếp thính chúng, có nhãn quan siêu việt thấy được căn cơ của mọi người… để tùy theo đó mà thuyết giảng pháp môn thích hợp cho mọi người tu tập, đạt được sự an lạc giải thoát… mà vượt lên trên hết là tôn giả có một tâm nguyện hoằng pháp vô úy, hoằng pháp quên mình. Tinh thần ấy được mô tả trong kinh Giáo giới Phú-lâu-na: Vào thời đức Phật có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây phương Du-na quốc), quốc độ này chưa biết đến Phật pháp, và cũng chưa có vị Tỳ-kheo nào dám đến ấy để hoằng pháp, vì người dân nước này rất hung dữ và thô ác. Biết được điều này, tôn giả Phú-lâu-na đã xin phép đức Phật đi hoằng pháp ở nơi đó. Đức Phật hỏi: “Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta’. Bạch Thế Tôn, tại đây con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy ném đánh ta’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Nhưng này Punna... lấy gậy đánh đập Ông... Ông nghĩ thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con... ‘... Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta’ ... Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Nhưng này Punna, ... lấy dao đánh đập Ông... Ông nghĩ thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunapa ranta lấy dao đánh đập con... ‘... Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta’.... Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy. Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông... Ông nghĩ thế nào? Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy. Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.”[11]
Với tinh thần hoằng pháp vô úy ấy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, bằng tài thuyết pháp đệ nhất của mình, tôn giả Phú-lâu-na đã độ được khoảng một ngàn nam nữ cư sĩ, và làm cho người dân xứ Sunaparanta có niềm tin vào Tam bảo, biết và thực hành Phật pháp.
* Vua Asoka (Vua A-dục): Có ai ngờ một bạo chúa, một người từng giết cha và gần một trăm người anh, em của mình để đoạt ngôi vị lại trở thành một vị vua Phật tử nhân từ được mọi người ca ngợi. Có ai ngờ một vị vua tàn ác từng đem quân đi chinh chiến giết hàng vạn người trong những cuộc chiến kinh hoàng nhất, lại trở thành biểu tượng của hòa bình, của sự yêu thương, bất bạo động, v.v... vị đại đế ấy chính là vua Asoka[12]. Điều gì đã làm cho một vị vua tàn bạo ấy trở nên một vị vua nhân từ, được nhân loại ngợi ca hàng mấy mươi thế kỉ nay? Đó chính là nhờ vào giáo pháp từ bi, cứu khổ của đức Phật, giáo pháp ấy đã biến một vị vua tàn ác (ác vương A-dục) trở thành một vị vua anh minh, nhân từ vào hàng bậc nhất của nhân loại, có công hoằng pháp và hộ trì chánh pháp (Hộ pháp A-dục). Sau khi thể ngộ được giáo pháp giải thoát, từ bi, trí tuệ của đức Phật, đại đế Asoka đã vứt bỏ thanh gươm đẫm máu đầy ma lực[13], và sống một cuộc đời từ bi theo giáo pháp của đức Phật, đem chánh pháp ấy áp dụng trên toàn vương quốc của mình và hoằng dương đến những quốc gia lân cận. Có thể nói rằng, sự hộ pháp và hoằng pháp của vua Asoka là một tấm gương vĩ đại nhất trong lịch sử hoằng pháp của đạo Phật; từ ngàn xưa đến tận bây giờ chưa có một vị vua hay Phật tử nào có thể so sánh bằng. Sự hoằng pháp và hộ pháp ấy có thể tóm lược qua những điểm chính sau: Để cho toàn thể thần dân nước mình được an lạc thái bình, nhà vua đã khuyến khích toàn dân thực hành giáo pháp từ bi cứu khổ của đức Phật, khắc những bia kí, những chỉ dụ... mang nội dung kinh điển, hay lời Phật dạy để phổ biến trên toàn quốc gia, phân chia Xá lợi của đức Phật thành tám vạn bốn ngàn phần, đồng thời xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi bảo tháp tại các ngã tư đường, và thỉnh Xá lợi Phật đặt vào các ngôi bảo tháp ấy để mọi người trong cả nước được lễ lạy, cúng bái, tạo phước. Đích thân nhà vua đi đảnh lễ những Thánh tích Phật giáo, xây những trụ đá tại những nơi ấy để lịch sử ngàn sau còn biết một cách chính xác những Thánh tích này (nơi đức Phật đản sanh, nơi đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, v.v...) Cho đến ngày nay, một trong những trụ đá ấy đã trở thành biểu tượng của huy hiệu và quốc kỳ của Ấn Độ. Thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo, nhà vua đã ra lệnh toàn dân không được giết hại thú vật, xây các bệnh viện cho người lẫn thú vật, cho người đào giếng và trồng cây hai bên đường để khách bộ hành được dừng chân nghỉ ngơi và dùng nước, đây là việc làm vô cùng ý nghĩa đối với một quốc gia thiếu nước, nóng bức và khô cằn như Ấn Độ; và những việc làm ấy đã trở nên bất hủ với thời gian, thậm chí ngày nay đã trở thành những minh chứng hùng hồn cho việc bảo vệ môi trường cũng như tinh thần bất bạo động. Để chánh pháp được hưng thịnh, và thuần túy không bị chánh tà xen tạp, nhà vua đã phát tâm hộ trì và tổ chức kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba. Hơn thế nữa, nhà vua còn cho người con trai và con gái của mình xuất gia làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, đem Phật pháp hoằng dương trên quốc đảo Srilanka, đồng thời cử rất nhiều đoàn truyền giáo mang giáo pháp của đức Phật truyền bá ra các quốc gia lân cận và sang tận các nước châu Âu. Có thể nói đại đế Asoka là một trong những tấm gương hoằng pháp vĩ đại nhất trong lịch sử Phật giáo.
* Gương hoằng pháp của các vị Phật tử và các nhà tri thức: Khi tìm hiểu về việc hoằng pháp và hộ pháp trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, chúng ta thấy rằng, ngoài các vị vua Phật tử nổi tiếng như vua Bimbisara (Tần-bà-ta-la), vua Ajatasattu (A-xà-thế), vua Asoka, vua Kaniska (Ca-nị-sắc-ca), v.v... đến các vị Phật tử như Anathapindika (Cấp Cô Độc), Visakha (Tỳ-xá-khư), Ambapali (Kỹ nữ Vườn xoài), v.v... cho đến thời hiện đại có Phật tử Ambedkar (1891-1956) đã làm nên một cuộc cách mạng, tạo một phong trào cải đạo (từ Hindu sang Phật giáo) và phong trào nghiên cứu Phật giáo tại các trường Đại học Ấn Độ như hiện nay. Có lẽ gương hộ pháp và hoằng pháp của các vị vua, Phật tử ở Ấn Độ, cũng như các nước Phật giáo khác chúng ta đã biết được nhiều. Ở đây người viết xin giới thiệu gương hoằng pháp của một giáo sư nổi tiếng người Anh tên là T.W. Rhys Davids (1843-1922), nhờ những công trình dịch thuật kinh điển của ông mà rất nhiều người phương Tây biết được Phật pháp và áp dụng giáo pháp của đức Phật vào cuộc sống hằng ngày. Trong một duyên lành, Rhys Davids đến quốc gia Srilanka vào năm 1864, với tư cách là thành viên trong Ngành dân chính của Srilanka (Ceylon Civil Service). Srilanka là một quốc gia Phật giáo, tại đây ông có duyên tiếp cận với giáo pháp của đức Phật, ông say mê các tác phẩm Phật giáo và quyết tâm học tiếng Pāli để nghiên cứu Phật giáo. Ông trở về Anh quốc năm 1872 và dâng trọn đời mình cho sự nghiệp phiên dịch các kinh sách Phật giáo. Năm 1881, ông cùng vợ mình, bà C.F.F. Rhys Davids (1858-1942) sáng lập ra hội Pāli Text Society. Thông qua hội này, hầu hết các kinh sách Phật giáo bằng tiếng Pāli đã được vợ chồng ông dịch ra tiếng Anh và cho xuất bản. Có thể nói rằng T.W. Rhys Davids là một trong những người có công nhất trong việc mang giáo pháp của đức Phật đến với những người phương Tây. Học giả Rhys Davids đã phát biểu một câu nói thể hiện lý tưởng sống của mình, câu nói ấy đã làm cho những người phương Tây phải tỉnh mộng với những triết lý và tôn giáo của mình: “Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt trong giáo pháp Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.”[14]
Hoằng pháp vùng sâu vùng xa
Trở lại vấn đề, hoằng pháp vùng sâu vùng xa là đem giáo pháp của đức Phật phổ biến hay truyền bá đến những nơi không có Phật pháp hay những nơi Phật pháp chưa được phát triển, những nơi ấy có thể là những vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh; có thể là những vùng núi cao nguyên xa xôi, nơi những đồng bào dân tộc nghèo nàn, lạc hậu đang sinh sống; nơi ấy cũng có thể là những vùng phồn hoa, đô thị, những thành phố lớn trên thế giới... những nơi mà chưa có duyên lành tiếp cận với Phật pháp. Hoằng pháp có thể là trực tiếp giảng dạy giáo pháp cho mọi người, để mọi người nghe, hiểu và áp dụng tu tập mang lại an lạc, giải thoát. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất được áp dụng dưới thời đức Phật cũng như thời nay. Đến thời vua Asoka, sự hoằng pháp đã được nhà vua ghi chép trên các bia kí, trụ đá... phổ biến đến với mọi người, cũng giống như việc ấn tống kinh sách của Phật tử hiện nay đến những vùng không có hay thiếu kinh sách... Đây là một hình thức hoằng pháp gián tiếp qua văn tự ghi chép. Đến khi kỹ thuật thu hình, thu thanh, internet... phát triển, Phật pháp đã được thu thành băng, đĩa... để phát hành ấn tống, hay phát qua vệ tinh, v.v… đây cũng là hình thức hoằng truyền giáo pháp của đức Phật đến với mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Tại các nước tiên tiến và dân chủ, hầu hết các tôn giáo đều có nhiều kênh đài, kênh truyền hình để phát thanh hay phát sóng đến mọi miền đất nước và mọi người có thể nghe xem bất cứ lúc nào.
Khi suy nghĩ về sự truyền đạo của các tôn giáo khác và nhìn lại sự hoằng pháp của Phật giáo, những người có ưu tư chắc chắn sẽ rất đau lòng bởi nhận ra rằng sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo còn rất thờ ơ, nếu không muốn nói là bị quên lãng. Vì sao một tôn giáo có bề dày lịch sử vào hạng nhất nhì như Phật giáo, một tôn giáo hàm tàng những triết lý vừa siêu việt, vừa thực tiễn, không một hệ thống tôn giáo hay triết học nào có thể so sánh bằng, cả về nội dung lẫn hình thức, thế mà số người theo Phật giáo còn khiêm tốn như vậy (chưa đến một tỉ người); trong khi những tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo… xuất hiện sau Phật giáo hàng mấy trăm năm, nhưng lại có số tín đồ đông hơn Phật giáo hàng trăm nghìn người (Hồi giáo và Thiên chúa giáo đều có số tín đồ hơn 1 tỉ người). Ở đây chúng ta không phải đề cập đến việc hơn thua về tín đồ, nhưng biết như vậy để thấy rằng, tinh thần hoằng pháp của Phật giáo chưa đạt hiệu quả, sứ mệnh hoằng pháp của người con Phật còn rất thờ ơ.
Một quốc gia mệnh danh là quê hương của Phật giáo, nơi mà đức Thế Tôn đã đi hoằng pháp hóa độ từng vùng, từng người trên đôi chân trần của mình, nơi vua Asoka đã phổ biến Phật giáo khắp quốc độ, v.v… thế mà ngày nay, số người theo Phật giáo ở quốc gia này chưa được 5%; một Trung Hoa Đại lục mênh mông, nơi từng có gần cả tỉ người theo Phật giáo, thế mà ngày nay đã bị mai một lần lần dưới sự bành trướng của Tin Lành giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, cũng như chủ nghĩa vô thần; quốc gia Mông Cổ cũng một thời Phật giáo phát triển rất huy hoàng, thế mà ngày nay, hầu như Tin Lành giáo đã thay thế. Chúng ta nên hiểu rằng, một người thực hành theo những lý thuyết khoa học vô thần, hay tin theo những lý thuyết nhất thần cực đoan, không tin vào nhân quả thiện ác… thì ít nhiều họ đã đi xa với chân lý của đạo giải thoát giác ngộ rồi, và trách nhiệm của người con Phật là nên dắt dẫn họ trở về.
Nhìn lại Phật giáo Việt Nam trong hiện tại, trên hình thức, chúng ta có thể cho rằng Phật giáo rất phát triển, bởi rất nhiều chùa được xây, nhiều trường học Phật giáo được thành lập, số lượng giảng sư được đào tạo ngày một nhiều, tinh thần hoằng pháp cũng được đề ra và đi vào hoạt động… Thế nhưng nội dung hầu như chưa đạt. Vì sao? Chúng ta biết rằng, Phật giáo Việt Nam có chiều dài lịch sử trên hai nghìn năm, cùng thăng trầm với lịch sử dân tộc Việt, có thể nói rằng Việt Nam cũng gần được xem là quốc gia của Phật giáo. Thống kê những năm qua cho thấy, số lượng Tăng sĩ và chùa viện được phát triển khá cao, nhưng chất lượng còn phải nhìn lại. Một sự thực đau lòng là số lượng tín đồ Thiên Chúa và Tin lành giáo đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Ngày xưa đức Phật khuyên “mỗi Tỳ-kheo nên đi về một hướng để hoằng pháp”, nhưng ngày nay, sự phân bố Tăng Ni quá mức chênh lệch, không được phân bố đều ra để hoằng pháp đến những vùng sâu vùng xa; hầu như 95% Tăng, Ni tập trung tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Vũng Tàu, Hà Nội, Huế… Tại những ngôi chùa lớn ở các thành phố này, mỗi ngôi chùa có hàng mấy chục, có khi gần cả trăm vị. Ngược lại, tại các vùng nông thôn và cao nguyên thì còn rất nhiều ngôi chùa (đã thành lập từ lâu) lại không thấy bóng dáng của một vị tu sĩ ở và sinh hoạt, đó là chưa kể đến những vùng sâu vùng xa, nơi chưa có chùa chiền hay những hình bóng của người con Phật. Người viết thật sự đồng cảm với những tâm sự chân thành về tình trạng những ngôi chùa ở nông thôn của tác giả “Về quê có gì vui?”[15], người viết cũng thật xúc động và bùi ngùi khi đọc bài “Những điều trăn trở của một Phật tử về sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo…”[16] của tác giả Minh Kiên, hay những loạt bài viết về “Phương tiện truyền thông”[17] của tác giả Minh Thạnh.
Trong phạm vi một bài viết ngắn này, chúng ta không sao bàn thảo hay đưa ra những phương pháp hoằng pháp một cách cụ thể, bởi đó là nhiệm vụ và phương hướng lớn của Phật giáo Việt Nam nói riêng hay Phật giáo Thế giới nói chung. Đã đến lúc người con Phật nên nhìn lại những tấm gương hoằng pháp vĩ đại trong Phật giáo để ý thức về bổn phận trách nhiệm hoằng pháp của mình; đã đến lúc các bậc tôn đức, những bậc lãnh đạo Phật giáo nên ngồi lại với nhau để bàn thảo, nêu cao tinh thần hoằng pháp và đưa ra những phương hướng hiệu quả để Phật pháp được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi, để giáo pháp từ bi, giải thoát được mọi người ứng dụng và thực hành. Để kêu gọi và thức tỉnh tinh thần hoằng pháp cao cả của người con Phật, người viết xin mượn lời tâm sự từ trái tim của một Phật tử về việc hoằng pháp để kết thúc bài viết này: “Mỗi một ngày trôi qua, bản đồ Phật giáo thế giới lại co lại một chút. Phật giáo đang mất dần chỗ đứng trên ngay chính quê hương của mình. Nào là Thái Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ... Bản danh sách dường như cứ dài ra thêm hàng ngày. Con số Phật tử bị cải đạo sang Ki-tô giáo, sang Hồi giáo ngày càng nhiều. Là một Phật tử, tôi thấy trái tim mình như thắt lại mỗi khi xem những bản tin đó.”[18] ■
[1]. 2500 Years of Buddhism, Chapter II- Origin of Buddhism - P.L. Vaidya, P.V. Bapat.
[2]. Kinh Giáo giới Phú-lâu-na, Trường Bộ Kinh, HT. Minh Châu dịch.
[3]. History of Buddhism in Ceylon, Walpola Rahula.
[4]. Thánh quả đầu tiên trong bốn Thánh quả Phật giáo (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán).
[5]. Một cuộc đời một ngôi sao, Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
[6]. Sám quy mạng, kinh Nhật tụng Phổ thông.
[7]. Tây Tạng là một quốc gia Phật giáo rất hưng thịnh, và được gọi là Nóc nhà của thế giới.
[8]. Một vùng cao nguyên thuộc phía Bắc của Ấn Độ, nơi đức Dalai Lama thứ 14 và cộng đồng người Tây Tạng đang sinh sống.
[9]. Phật học phổ thông, quyển I, HT. Thiện Hoa.
[10]. Thập đại đệ tử Phật, Thích Minh Tuệ, Sài Gòn 1991-PL.2535.
[11]. Kinh giáo giới Phú-lâu-na, sđd.
[12]. Buddhism: A short introduction, Klause K. Klostermaier.
[13]. Buddhism the first Millennium, part 3 – King Ashoka, Daisaku Ikeda.
[14]. Buddhism in the eyes of intellectuals, Ven. K.Sri. Dhammananada.
[15]. Về quê có gì vui? Thích Nguyên Hiệp, Website: phapluanonline.com
[16]. Những trăn trở của một cư sĩ về sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo, Nghiêm Minh Kiên, Website: thuvienhoasen.org
[17]. Các bài như: Quảng bá lễ hội bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, “xã hội hoá” hoạt động truyền hình, Bàn về thân giáo... website: phapluanonline.com
[18]. Những trăn trở của một cư sĩ về sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo, bđd.
Nguồn: Tập san Pháp luân số 63
|