Vài nét về nghệ thuật bích họa Đôn Hoàng
Đạo Luận
Kể từ sau đời Hán, Đôn Hoàng trở thành con đường giao thông huyết mạch từ Trung Hoa sang Tây Vực, và cũng từ đó, văn hóa Trung Hoa dần dần được truyền đến Đôn Hoàng. Với vị trí tiếp giáp Tây Vực, Đôn Hoàng tiếp nhận văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ rất sớm. Văn hóa Tây Á, Trung Á theo hướng truyền về phía đông của văn hóa Phật giáo Ấn Độ cũng dần dần được truyền đến Đôn Hoàng. Hai nền văn hóa Trung-Tây hội tụ, va chạm, hòa lẫn với nhau tại đây.
Đến thời Thập Lục Quốc, Đôn Hoàng nhờ không bị chiến tranh tàn phá nên văn hóa Hán, Tấn của Trung Hoa được bảo tồn và phát triển tại đây và ở hành lang Hà Tây. Văn hóa truyền thống Trung Hoa từng bước hoàn thiện tại Đôn Hoàng và bích họa Đôn Hoàng ra đời trong quá trình giao lưu, va chạm giữa các nền văn hóa. Nghệ thuật bích họa Đôn Hoàng là nghệ thuật Phật giáo dân tộc dân gian mang phong cách Trung Hoa được sáng tạo trên cơ sở nghệ thuật Hán-Tấn truyền thống có tiếp thu dung hòa chất liệu nghệ thuật ngoại lai. Nội hàm trong bích họa Đôn Hoàng sâu sắc, kỹ thuật tinh xảo, được bảo tồn hoàn hảo. Bích họa từ thời Thập Lục Quốc đến đời Nguyên hiện còn được bảo tồn ước có khoảng 50000 m2. Các tượng màu ở vị trí chủ thể trong thạch động cũng như trong các bức bích họa được bài trí bổ sung cho nhau, tỏa sáng cho nhau, cùng làm nên nghệ thuật bích họa thạch động Đôn Hoàng hoàn chỉnh.
Thạch động Đôn Hoàng bao gồm hang Mạc Cao, Thiên Phật động, hang Du Lâm tổng cộng có 552 hang, là quần thể thạch động có bích họa nhiều nhất thế giới với nội dung vô cùng phong phú. Bích họa Đôn Hoàng là bộ phận cấu thành chính trong nghệ thuật Đôn Hoàng, quy mô lớn, kỹ thuật tinh xảo, nội dung đa dạng. Hơn 50000m2 bích họa đại thể được chia thành mấy loại sau:
1. Bích họa tượng Phật: Trên phương diện nghệ thuật tôn giáo mà nói, bích họa tượng Phật là bộ phận chủ yếu trong bích họa, trong đó bao gồm nhiều hình tượng Phật: Tam Thế Phật, Thất Thế Phật, Thích-ca Phật, Đa Bảo Phật, Hiền Kiếp Thiên Phật, v.v… Hình tượng Bồ-tát: Văn Thù Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Quán Âm Bồ-tát, Thế Chí Bồ-tát, v.v… Hình tượng Thiên Long Bát Bộ: Thiên vương, Long vương, Dạ xoa, Phi thiên, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, v.v… Những tượng Phật này đều được vẽ trong bộ tranh thuyết pháp. Chỉ riêng ở hang Mạc Cao, tranh thuyết pháp có đến 933 bức, với 12208 tượng Phật với thần thái dáng vẻ khác nhau.
2. Bích họa kinh biến: Thông qua những hình thức nghệ thuật như hội họa, văn học, v.v… thể hiện một cách gần gũi dễ hiểu nội dung thâm áo trong kinh Phật gọi là kinh biến. Dùng bút pháp hội họa để biểu đạt nội dung kinh gọi là “biến tướng”, tức là tranh kinh biến; dùng thủ pháp văn tự, giảng thuyết để truyền đạt thì gọi là “biến văn”
3. Đề tài thần thoại truyền thống dân tộc: Trong những thạch động có từ thời Bắc Ngụy, xuất hiện nhiều đề tài thần thoại mang tư tưởng Đạo gia. Trên đỉnh động 249, ngoài bức họa chính là “khung hoa văn hoa sen”, hai phía Đông-Tây có bức A-tu-la và Ma-ni châu, hai mặt Nam-Bắc có bức Đông Vương Công và Tây Vương Mẫu cỡi xe rồng, xe phượng xuất hành. Trên xe lộng lẫy, cờ xí phấp phới, phía trước có Phương sĩ cầm cờ mở đường, phía sau có thần thú đầu người thân rồng hộ tống. Quanh bốn bức tường đều có bốn thần vật chu tước, huyền vũ, thanh long, bạch hổ.
4. Bích họa tượng người cúng dường: Người cúng dường tức là những tín đồ tin Phật bỏ tiền của ra chung tay kiến tạo thạch động. Vì để thể hiện lòng chí thành tin Phật, lưu danh đời sau, nên khi khai hang tạo tượng họ vẽ chân dung của chính mình, gia tộc, thân thuộc và nô tỳ lên thạch động. Những bức chân dung này gọi là bích họa tượng người cúng dường.
5. Bích họa hoa văn trang trí: Bích họa hoa văn trang trí phong phú đa dạng chủ yếu được dùng để trang trí kiến trúc thạch động, rèm khăn, quần áo mũ mão, vật dụng. Hoa văn trang trí thay đổi muôn màu muôn vẻ theo từng thời kỳ, thể hiện trình độ hội họa cao siêu và trí tưởng tượng phong phú. Bích họa hoa văn chủ yếu có: hoa văn khung vuông, hoa văn rui cột nhà, hoa văn viền trang sức, v.v…
6. Bích họa truyện tích: Để thu hút rộng rãi quần chúng, dốc sức tuyên truyền kinh điển Phật pháp thì cần dùng hình thức tượng hình trong sáng gần gũi để chuyển tải những sử tích trừu tượng thâm áo trong kinh Phật vào quần chúng, cảm hóa họ để họ dốc lòng thâm tín kính lễ. Vì thế, trong thạch động còn có vẽ một số lượng lớn bích họa truyện tích để đánh động giáo dục quần chúng khi họ chiêm ngưỡng. Nội dung bích họa phong phú, tình tiết cảm động, nồng nàn hơi thở cuộc sống, đầy sức quyến rũ.
a. Tích truyện lịch sử đức Phật: Chủ yếu thể hiện những sự tích bình sinh của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong đó, một số lớn câu chuyện thần thoại và truyền thuyết dân gian Ấn Độ cổ xưa, qua nhiều thế kỷ được Phật giáo đồ trau chuốt cải biến rồi đưa vào cuộc đời đức Phật. Những cảnh “cỡi voi vào thai”, “nửa đêm vượt thành” tương đối nhiều. Nơi động 290 còn có tranh vẽ toàn bộ sự kiện đức Phật từ đản sanh đến xuất gia. Bích họa liên hoàn trường thiên như vậy rất hiếm thấy trong tranh truyện tích Phật giáo Trung Quốc.
b. Bích họa tích truyện Bổn sanh: Tranh vẽ những tích truyện sinh động về những thiện hạnh của đức Phật khi Ngài còn tại thế, nhằm khuyên dạy về nhân quả báo ứng, làm lành lánh dữ, khuyến tấn tu tập. Đây là đề tài thịnh hành rộng rãi nhất trong các bích họa Đôn Hoàng thời kỳ đầu, chẳng hạn như: tranh “Tát-thùy-na xả thân nuôi hổ”, “Vua Thi-tỳ cắt thịt cứu chim”, “Nai chín màu xả mình cứu người”, “Tu-các-đề cắt thịt nuôi cha mẹ”, v.v… Tất cả tuy đều mang dấu ấn tôn giáo, nhưng vẫn giữ được bản sắc của những câu chuyện dân gian, thiếu nhi và thần thoại.
c. Bích họa tích truyện Nhân duyên: Đây là tranh những câu chuyện về hàng đệ tử Phật, các thiện nam tín nữ, những chuyện hóa độ chúng sanh của đức Phật. Điểm khác với chuyện Bổn sanh là: chuyện Bổn sanh chỉ kể các câu chuyện về đức Phật; còn chuyện Nhân duyên thì kể những câu chuyện về đời này hoặc đời quá khứ của hàng đệ tử xuất gia và chúng thiện nam tín nữ. Tích truyện tích chủ yếu trong bích họa có “năm trăm tên cướp thành Phật”, “Sa-di giữ giới tự sát”, “Thái tử Thiện Hữu vào biển lấy ngọc”, v.v… Nội dung câu chuyện mang tính hý kịch, tình tiết ly kỳ, khúc chiết.
d. Bích họa tích truyện sử tích Phật giáo: Đây là tranh vẽ theo những câu chuyện được ghi chép trong các sách sử Phật giáo, bao gồm: Thánh tích Phật giáo, những chuyện linh ứng, hành trạng cao tăng, v.v… trong đó, bao hàm cả nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử; là tư liệu hình ảnh về sử Phật giáo. Các tranh này phần lớn được vẽ trong các khám thờ trong thạch động, trên nóc hành lang và những chỗ thứ yếu ở các góc động. Tuy nhiên, cũng có tranh được vẽ ở bức vách chính diện, như bức “Trương Khiên đi sứ Tây Vực”, bức chân dung “Phật Đồ Trừng” nơi động 323 và bức “Thần tăng Lưu-tát-ha” nơi động 72, v.v…
e. Bích họa tích truyện Thí dụ: Đây là tranh vẽ đức Phật nêu những câu chuyện thí dụ gần gũi dễ hiểu để giảng giải giáo pháp cho hàng đệ tử và chúng thiện nam tín nữ. Phần lớn đây là những câu chuyện ngụ ngôn, thần thoại trong Ấn Độ cổ đại và vùng Đông Nam Á được Phật giáo đồ sưu tập biên chép vào kinh Phật và được bảo tồn đến ngày nay. Tích truyện Thí dụ trong bích họa Đôn Hoàng có tranh “Hộ Tượng và voi vàng”, “Sư tử lông vàng”, v.v…
7. Bích họa sơn thủy: Bích họa sơn thủy được bài trí khắp thạch động trong bích họa Đôn Hoàng, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phần lớn là được kết hợp với tranh “kinh biến”, tranh truyện tích, có tác dụng làm nền. Có bức dựa theo cảnh sơn thủy trong kinh Phật, kết hợp với cảnh vật hiện thực cộng với sức tưởng tượng phong phú vẽ ra quang cảnh tự nhiên tươi đẹp của “Thế giới Cực Lạc” với cảnh núi xanh, nước trong, chim ca, hoa thơm; có bức chỉ vẽ thuần túy cảnh sơn thủy như bức “Ngũ Đài Sơn” nơi động 61.
Nội dung bích họa ngoài bảy loại trên còn có tranh kiến trúc, tranh đồ vật, tranh hoa chim, tranh động vật, v.v… Giá trị nghệ thuật trong bích họa Đôn Hoàng vô cùng quý báu, về các phương diện như bố cục kết cấu, tạo hình nhân vật, phác họa đường nét, thiết kế phối màu đều phản ánh một cách hệ thống diện mạo lịch sử về phong cách và diễn biến truyền thừa của nghệ thuật, quá trình giao lưu dung hợp nghệ thuật Trung-Tây qua các thời kỳ.
Bảy loại bích họa trên, ngoài hoa văn trang trí ra, các bích họa còn lại đều chuyển tải nhiều tình tiết, đặc biệt là tranh kinh biến và tranh tích truyện phản ánh sinh động đời sống xã hội hiện thực như cảnh đi đứng, yến tiệc, thẩm vấn, du ngoạn săn bắt, lễ Phật, v.v… của giai cấp thống trị; cảnh cày cấy, đánh bắt, làm gốm, nung sắt, đồ tể, nấu nướng, xây dựng, hành khất, v.v… của nhân dân lao động; các hoạt động xã hội như cưới hỏi, đến trường, luyện võ, ca múa, lễ hội của dân tộc thiểu số, v.v… Do đó, thạch động Đôn Hoàng không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là lịch sử.
Bích họa Đôn Hoàng phong phú đa dạng. Cũng như nghệ thuật của các tôn giáo khác, bích họa Đôn Hoàng là nghệ thuật miêu tả hình tượng và hoạt động của các vị thần, mối quan hệ giữa các vị thần, quan hệ giữa thần và con người nhằm gởi gắm những điều mong muốn tốt đẹp, giúp an ủi vỗ về đời sống tâm linh con người. Do đó, phong cách bích họa mang đặc trưng khác với hội họa thế tục. Tuy nhiên, bất kỳ nghệ thuật nào cũng khởi nguồn từ cuộc sống hiện thực, cũng đều có nét truyền thống dân tộc của nó. Chính vì vậy mà hình thức thể hiện của chúng phần nhiều được tạo nên từ ngôn ngữ nghệ thuật và kỹ năng thể hiện chung, mang phong cách dân tộc cộng đồng.■
Nguồn: Tập san Pháp luân số 63
|